Bản du ca cuối cùng - Phần I - Chương 03 - Phần 1

Chương 3

Kern tới Prague vào buổi chiều. Anh gởi vali tại nhà ga và đi thẳng tới sở Cảnh sát. Kern không có ý định khai báo nhưng anh nghĩ là cứ tới đó rồi tùy cơ ứng biến. Sở Cảnh sát là nơi tiện lợi nhất cới những người như Kern. Ở đó không có cảnh sát viên đi xét hỏi giấy tờ.

Kern ngồi trên một ghế dài ở hành lang. Phía trước là phòng ngoại kiều. Anh hỏi một người ngồi bên cạnh:

- Viên chức có râu cằm còn ở đây không?

- Không biết. Người này không có râu cằm.

- Vậy là đã có sự thay đổi. Họ đối xử ra sao?

- Tàm tạm. Họ có thể cho cậu giấy cư trú vài ngày một cách dễ dàng. Nhưng sau đó thì mọi việc đều khó khăn. Đông lắm rồi.

Kern suy nghĩ, nếu được phép lưu trú vài hôm, anh có thể nhờ ủy ban cứu trợ nạn dân cấp cho một thẻ thực phẩm và cư trú tám ngày. Lần trước, anh cũng làm như thế. Nhưng nếu bị từ chối quyền tạm trú, anh sẽ bị nhốt rồi lại sẽ bị tống ra biên giới.

Người bên cạnh bảo:

- Tới phiên cậu.

Kern nhìn ông ta:

- Bộ ông không muốn xin trước sao? Tôi không cần gấp.

- Được, cậu chờ vậy.

Người đàn ông đứng lên, vào trong. Kern quyết định chờ xem người này được đối xử ra sao rồi mới quyết định. Anh đi qua đi lại, ruột nóng sôi. Cuối cùng, người đàn ông đi ra. Kern vội vã bước mau tới:

- Sao? Khả quan không?

Mặt người đàn ông sáng rỡ:

- Mười ngày. May quá! Và không hỏi han gì cả. Chắc ông ta đang vui hoặc bữa nay ít người. Lần mới đây, tôi chỉ được có năm ngày.

- Vậy tôi cũng thử xem.

Đúng là viên chức này không có râu caừm. Dầu vậy, Kern vẫn nhận ra có nét quen quen. Hay là cũng chính ông ta nhưng đã cạo bỏ bộ râu ấy đi rồi. Ông ta đang mân mê một con dao nhỏ cán ngà và nhìn Kern với đôi mắt vô hồn, mệt mỏi.

- Di dân?

- Vâng.

- Từ Đức tới?

- Vâng. Mới hôm nay.

- Có giấy tờ gì không?

- Dạ, không.

Người công chức nghiêng đầu xuống. Ông ta gập lưỡi dao vào với một tiếng cách gọn gãy và kéo lưỡi giữa ra, bắt đầu đánh bóng móng tay cái.

Kern đứng chờ. Đối với Kern, dường như cái móng tay của người công chức là vật trân quý nhất trên trái đất này. Kern cố thở nhẹ để khỏi làm phiền và khiến ông ta tức giận.

Sau cùng móng tay cũng không còn chỗ nào cần đánh bóng hơn. Người công chức ngước lên nhìn Kern với vẻthỏa mãn:

- Mười ngày. Cậu có thể lưu trú mười ngày. Sau đó phải ra khỏi xứ ngay.

Thần kinh Kern tự nhiên dãn ra khiến anh tưởng mình sắp té. Tuy nhiên, cũng trong giây phút đó, linh giác chợt loe sáng, Kern chụp ngay cơ hội:

- Thưa cám ơn ông. Nhưng nếu ông vui lòng cho thêm năm ngày nữa…

- Không thể được. Chi vậy?

- Tôi đợi giấy tờ gởi tới sau. Tôi rất cần có một địa chỉ nhất định để được đưa tới đó. Sau khi được giấy tờ, tôi sẽ đi qua Áo quốc ngay.

Nói xong, Kern bỗng sợ mọi việc sẽ hỏng vào phút chót nhưng anh nghĩ là mình đã nói dối khá mau và khá giỏi. Kern không bao giờ ưa nói dối nhưng anh cũng biết đôi khi nói dối là cần thiết.

Người công chức xếp lưỡi giũa vào cán dao.

- Thôi được. Mười lăm ngày, trường hợp ngoại lệ. Nhưng sau đó thì không còn gia hạn nữa cả.

Ông ta rút một tấm thẻ, bắt đầu ghi vào. Kern nhìn ông ta cắm cúi viết như nhìn một thiên thần. Anh không tin hẳn là lại có thể may mắn đến thế. Cho tới phút chót, Kern vẫn còn sợ ông ta lục lại hồ sơ và biết ra mình đã hai lần trú ngụ tại Prague. Vì vậy Kern phải khai tên khác và đổi luôn ngày và nơi sanh. Nếu bị cật vấn, anh sẽ bảo mình là một trong những người trong họ.

Nhưng người công chức đã quá mệt để phối kiểm lại. Ông ta trao thẻ tạm trú cho Kern:

- Đây. Còn ai ở bên ngoài không?

- Thưa không. Lúc tôi vào, ngoài đó chẳng còn ai.

- Tốt.

Người công chức rút khăn tay và bắt đầu lau chùi cán dao bằng ngà. Ông ta gần như không để ý tới lời cám ơn của Kern. Trong khi đó, Kern hấp tấp bước ra, như sợ người công chức đổi ý, đòi giấy lại.

Kern đi một mạch mãi khi tới lề đường, anh mới đứng lại trước cửa một cửa nhà, nhìn quanh quất! Quả thật có trời! Thế là mình thoát nạn. Trong mười lăm hôm nữa chẳng cần phải sợ ai, mười lăm ngày đầy đặn trong đó có mười lăm đêm yên lành, cả một vĩnh cửu!

Xin thượng đế ban phước lành cho người công chức có con dao cán ngà!

Một cảnh sát viên đang đứng gần Kern. Tự nhiên anh cho tay vào sờ mảnh giấy thân yêu. Anh tiến tới trước người cảnh sát:

- Mấy giờ rồi thầy đội?

Kern cũng có đồng hồ nhưng đây là cơ hội duy nhất để chứng tỏ anh không sợ cảnh sát viên. Người cảnh sát cầu nhàu:

- Năm giờ.

- Cám ơn.

Kern thong thả bước đi. Anh phải cố gắng lắm mới giữ được dáng điệu ung dung, bằng không thì đã chạy như điên.

***

Gian phòng khách to lớn của ủy ban cứu trợ dân tị nạn đã đầy nghẹt những người cũng không ngăn được một cảm giác trần truồng. Đây đó, từng nhóm người xơ xác đứng, ngồi trông thiểu não như những bóng mờ. Gần như không một ai mở miệng. Mỗi người đều đã từng nói đến số phận của mình cả trăm lần. Họ chỉ còn có một khả năng duy nhất là chờ đợi. Đó là bức rào ngăn cách cuối cùng giữa họ và sự tuyệt vọng.

Hơn phân nửa những người có mặt đều là dân Do Thái. Ngồi bên cạnh Kern là một người đàn ông xanh mét, trán cao. Trên gối ông ta là một hộp vĩ cầm. Một người khác cũng ngồi bên Kern là một ông lão trán móp với một vết thẹo to. Hai bàn tay ông không ngớt nắm lại rồi mở ra. Kế đó là một đôi thanh niên nam nữ, bấu chặt tay nhau dường như chỉ một phút rời ra là họ sẽ bị người ta kéo lôi đi mỗi người một ngả. Cả hai không nhìn nhau nhưng cùng nhìn vào một điểm nào đó trong khoảng không và trong dĩ vãng, ánh mắt vô hồn. Phía sau họ, một người đàn bà to lớn đang khóc lặng. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, vòng xuống càm rồi rơi trên áo. Bà ta không để ý và cũng không cố gắng ngăn cảm xúc. Hai bàn tay bà bất động trên hai đầu gối.

Trong toàn thể cảnh tượng âm thầm và chịu đựng đau buồn đó, một đứa bé nhởn nhơ đùa nghịch. Con bé khoảng sáu tuổi, linh hoạt, mắt sáng ngời với những lọn tóc đen hết đi nơi này sang nơi khác.

Nó dừng lại trước một người trán cao, ngắm nghía ông ta rồi chỉ vào hộp vĩ cầm, hỏi với giọng kể cả:

- Ở trong có vĩ cầm, hả?

Người trán cao giựt mình, nhìn con bé một lúc dường như chưa kịp hiểu. Rồi ông ta gật đầu. Con bé bảo:

- Lấy ra coi.

- Chi vậy?

- Tôi muốn coi.

Nhạc sĩ vĩ cầm ngập ngừng vài giây, mở hộp lấy đàn ra. Cây đàn được bọc trong một lớp lụa màu tím thẫm. Ông ta cẩn thận mở lớp lụa ra.

Con bé nhìn cây đàn thật lâu rồi đưa tay nhẹ vuốt dây đàn:

- Sao ông không đàn?

Nhạc sĩ không trả lời.

Con bé lại giục:

- Đàn đi!

Từ bờ tường đối diện, một thiếu phụ đang bồng một đứa bé sơ sinh, vội vàng gọi:

- Myriam. Lại đây, Myriam.

Con bé làm như không nghe, nói với nhạc sĩ trán cao:

- Bộ không biết đàn sao?

- Biết, biết chớ…

- Biết thì đàn đi.

Nhạc sĩ vĩ cầm bối rối nhìn đứa bé. Bàn tay thành thạo của ông ta bấu chặt cây đàn. Sự chú ý của cả chục người chung quang càng làm ông ta luống cuống hơn. Cuối cùng, ông ta bảo:

- Không thể đàn ở đây.

- Tại sao? Được mà. Cứ đàn đi, ở đây buồn lắm.

Bà mẹ đứa bé lại gọi:

- Myriam!

Ông lão có thẹo trán lên tiếng:

- Con bé có lý. Cứ đàn cho chúng tôi nghe một vài điệu nào đó để khuây lãng đôi chút. Chắc là người ta không cấm đâu.

Người trán cao vẫn do dự. Ông ta rút cần cung ra khỏi bao, đưa thẳng lên rồi đặt đàn vào vai. Một âm thanh trong suốt vút lên như xuyên thẳng gian phòng.

Kern có cảm giác như một bàn tay nào đó đang tách rời một vật gì đó ra khỏi cơ thể của anh. Kern muốn cưỡng chống lại nhưng không đủ sức. Da anh mọc ốc và như bị điện giựt lướt từng luồng. Nhưng rồi chỉ vài phút sau, anh cảm thấy ấm áp lạ lùng.

Cửa văn phòng bỗng mở ra. Người thư ký ló đầu ra. Ông ta bước vào, vẫn để mở cánh cửa văn phòng. Dường như định nói gì… nhưng ông chỉ nghiêng đầu qua một bên tai lắng nghe. Từ từ và không tiếng động, cửa văn phòng khép lại như bởi một bàn tay vô hình.

Bây giờ, chỉ còn sự hiện diện duy nhứt của tiếng vĩ cầm. Aâm điệu từ lòng đàn nối tiếp nhau thoát ra tràn ngập không khí nặng nề và vô sinh của gian phòng làm biến đổi tất cả, làm tan chảy nỗi cô đơn thầm lặng của bao nhiêu sự sống còn bé nhỏ đang chập choạng trong vùng tranh tối tranh sáng giữa bốn bức tường để làm thành một đại khúc thương ca xa xứ.

Kern bó gối trong vòng tay. Anh gục đầu xuống, thả hồn trôi trên sóng nhạc. Anh có cảm tưởng như đang được một dòng suối cuốn đi, không bờ bến, trở về chính mình hay tới một nơi nào đó hoàn toàn xa lạ. Đứa bé gái ngồi xệp trên sàn nhà, câm lặng và bất động, mắt nhìn chằm chặp vào bàn tay nhạc sĩ.

Tiếng đàn chợt im bặt. Kern biết chơi dương cầm và không đến nỗi tệ về âm nhạc để nhìn nhận người chơi vĩ cầm đã đạt tới trình độ điêu luyện.

Ông lão có thẹo trán hỏi:

- Của Schumann?

Nhạc sĩ gật đầu. Đứa bé gái lại hối thúc:

- Đàn nữa đi. Đàn cái gì cho vui vui.

Bà mẹ đứa bé lại phải lên tiếng:

- Myriam!

- Được!

Người chơi vĩ cầm vừa nói vừa nắm lấy cần cung.

Kern nhìn chung quanh. Những cái đầu cúi xuống, những khuôn mặt ngẩng lên… tất cả đều là sự buồn thảm, tuyệt vọng đang được dịu dàng chiếu rọi bởi tiếng vĩ cầm. Anh bỗng liên tưởng tới những gian phòng khác mà anh từng trông thấy, cũng đầy kẹt những kẻ bị lưu đày chỉ vì phạm tội được sanh ra và đã sống. Đúng vậy, những sự kiện đó đều có thật và nhưng tiếng vĩ cầm ở đây cũng có thật. Khó mà tưởng tượng được! Đó cũng là một niềm an ủi vô biên đồng thời cũng là một chủ đề trớ trêu chua xót. Kern nhận thấy đầu người nhạc sĩ tựa vào đờn như gục vào vai của người yêu. Mình không thể bị chìm đắm – Kern bỗng tỉnh táo – mình không thể phó mặc cho may rủi bởi vì cuộc sống vừa dịu hiền lại cũng vừa rất dã man. Cuộc sống là gì? Là một âm điệu nhẹ nhàng, một lời mời gọi, một tiếng thét xé rừng hoang, một tiếng gầm chấn động những chân trời xa lạ của bóng đêm quên lãng? Mình chỉ cần biết không thể chết, không muốn chịu chết.

Kern bỗng để ý đến sự im lặng trong phòng. Đứa bé hỏi:

- Bản gì vậy?

Người chơi vĩ cầm đáp giọng khàn khàn:

- Những vũ điệu Đức quốc của Franz Schubert.

Ông lão bên cạnh cười to:

- Vũ điệu Đức! – Ông đưa tay sờ vết thẹo trên trán – Vũ điệu Đức!

Người thư ký bật đèn lên:

- Xin mời người kế tiếp…

***

Kern lãnh được một giấy tạm trú tại lữ quán Bristol và mười phiếu khẩu phần tại một quán ăn xã hội Wenzeloplaiz. Vừa nhận được các phiếu khẩu phần, Kern tưởng như đói rã ruột đến nơi. Anh băng qua đường gần như chạy vì sợ trễ giờ.

Kern không lầm, tất cả các chỗ trong quán ăn công cộng này đều đã có người nên Kern đành chờ. Nhìn qua những người đang nhai nuốt ngấu nghiến, Kern nhận ra một trong những giáo sư đại học cũ của mình. Anh định đến nơi để chào thầy nhưng kịp nghĩ lại, anh đứng yên. Anh đã quá hiểu rằng phần lớn những người tị nạn đều không muốn ai nhắc tới cuộc sống ngày trước.

Một lúc sau, nhà vĩ cầm tới, bỡ ngỡ. Kern đưa tay ra hiệu. Nhà vĩ cầm nhìn Kern với đôi chút ngạc nhiên, và từ từ đi tới. Tự nhiên, Kern đâm ra bối rối. Đối với Kern chỉ cần nhìn thoáng qua, nhà vĩ cầm dường như đã quen biết với anh từ lâu, thế nhưng mãi tới lúc này Kern mới nhận ra là cả hai chưa hề nói với nhau lời nào cả.

Kern phân giải:

- Xin lỗi, lúc nãy tôi đã có dịp thưởng thức tài nghệ của ông. Có lẽ ông chưa quen với tục lệ ở đây?

- Vâng, tôi không biết gì cả. Còn cậu?

- Tôi thì hiểu rõ lắm vì đã từng đến đây hai lần rồi. Dường như ông rời xứ chưa được bao lâu?

- Mười lăm hôm. Tôi vừa mới tới hôm nay.

Kern thấy thầy cũ và người bên cạnh đang sữa soạn đứng lên. Anh nói mau:

- Có hai chỗ trống. Mình lại ngay.

Hai người len lỏi qua các dãy bàn. Người thầy cũ của Kern đi ngược lại. Ông nhìn Kern với vẻ nhớ mang máng.

- Hình như tôi có biết cậu?

- Thưa tôi là một trong số sinh viên của giáo sư.

- Thế à, tốt lắm. Em có biết chỗ nào cần máy hút bụi không? Bán hạ giá mười phần trăm, cho trả góp. Hay là máy hát gắn liền với máy thu thanh?

Trong phút bất thần, Kern giựt mình. Vị giáo sư là một nhân vật nổi tiếng về khoa sưu tầm và trị liệu ung thư. Kern xúc động:

- Thưa giáo sư không.

Vừa trả lời, Kern vừa cảm thấy thương hại vị giáo sư già vì anh thừa biết nghề buôn máy hút bụi và máy hát đã tới hồi sa sút. Ông giáo sư lơ đãng nhìn Kern:

- Cám ơn em, xin lỗi…

Và ông lách qua, bỏ đi luôn.

Bữa ăn chỉ có món súp và món bò. Kern chỉ ăn một loáng là sạch dĩa. Lúc Kern ngẩng đầu lên, nhà vĩ cầm vẫn còn ngồi bên cạnh, hai bàn tay đặt trên bàn, thức ăn còn nguyên. Kern ngạc nhiên:

- Ông không ăn à?

- Ăn không được.

- Bịnh sao?

Kern nhìn vầng trán cao vọi của nhà vĩ cầm mà ánh đèn yếu điện làm cho vàng úa thêm ra.

- Không.

Kern khuyên:

- Ông nên ăn, phải ăn mới đủ sức.

Ông ta không trả lời, lấy thuốc ra châm lửa, hút vội vàng. Cuối cùng, ông ta lắp bắp:

- Không… không thể sống như thế này.

- Ông không có giấy thông hành?

- Có nhưng…

Nhà vĩ cầm dụi điếu thuốc với bàn tay run rẩy:

- Không thể sống như thế này. Sống chẳng có gì cả. Không có một mái nhà.

Kern chưng hửng:

- Sao vậy? Ông có thông hành lại có cả chiếc vĩ cầm…

Nhà vĩ cầm ngước mắt lên, giọng hơi xẵng:

- Nhưng có liên quan gì đâu. Cậu không hiểu thật chớ?

- Hiểu và hiểu rất rõ.

Kern thất vọng đến tận cùng. Anh nghĩ rằng một con người nghệ sĩ có trình độ cao như thế ít ra cũng phải là một cá nhân ngoại hạng. Một người ta có thể lấy đó làm gương. Nhưng bây giờ, trước mắt anh chỉ là một kẻ thiếu tự tin, tuy lớn hơn anh khoảng mười lăm tuổi, giống như một đứa bé cứng đầu. Kern nghĩ, chỉ mới giai đoạn đầu của cuộc đời xa xứ… Và Kern bình tĩnh lại:

- Ông nhất định ăn?

- Không.

- Vậy thì cho tôi vì tôi hãy còn đói.

Nhà vĩ cầm đẩy dĩa súp sang. Kern ăn từ từ. Mỗi một muỗng là thêm một nguồn lực để chống lại sự đói khổ, Kern nhứt định không bỏ mất một muỗng nào.

Kern đứng lên:

- Cám ơn. Nhưng dầu sao tôi vẫn thích chính ông ăn lấy.

Nhà vĩ cầm nhìn Kern đăm đăm, trán nhăn tít:

- Cậu cũng vẫn chưa hiểu ra sao?

- Dễ hiểu hơn ông đã tưởng. Ông đang khổ sở. Chỉ có thế thôi.

- Chỉ có thế?

- Vâng. Lúc đầu ai cũng cho rằng mình đang ở trong một tình trạng bi đát cực cùng. Nhưng rồi, sau một thời gian lưu lạc bềnh bồng, ông sẽ nhận thấy sự khốn cùng chỉ là một trạng huống tầm thường nhứt trong xã hội loài người.

***

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3