Bản du ca cuối cùng - Phần II - Chương 18

Chương 18

Họ quây quần trong một quán ăn của hội chợ Quốc tế. Đó là ngày phát lương. Kern sắp những tờ giấy bạc mỏng lên trên dĩa ăn:

- Chỉ một tuần tôi lãnh được hai trăm bảy mươi quan! Đây là lần thứ ba! Đúng là chuyện trên trời rơi xuống.

Marill nhìn Kern, cười khoan khoái. Ông ta cụng ly với Steiner:

- Nào, chúng mình uống với nhau chứ Huber! Tổ tiên chúng ta run rợ khi có sấm chớp, nhưng thế hệ sau đó thì run sợ trước đao kiếm và bịnh tật. Bây giờ bọn mình run sợ trước mảnh giấy in. Dầu đó là giấy của ngân hàng, hay là giấy thông hành.

Trước kia, dân Neandertal giết người bằng côn chùy, dân La Mã bằng gươm kiếm, thời trung cổ con người chết về bịnh dịch… Tới thời đại văn minh này thì chỉ cần một mảnh giấy cũng đủ loại bỏ bọn mình ra.

Kern nhìn những tờ giấy bạc trên dĩa:

- Hoặc là nhờ những mảnh giấy đó mà chúng mình sống lại.

Marill liếc xéo Kern. Steiner hỏi ông ta:

- Bạn thấy thằng bé thế nào? Có tiến bộ không?

- Khá lắm. Dường như nó thích hợp với khí hậu nước ngoài. Bây giờ nó cũng biết chơi chữ. Mới cách đây mấy tháng nó còn gần như còn đòi bú.

Steiner cười:

- Sống trong thời đại nhiễu nhương, con người rất dễ ngã quỵ nhưng cũng sớm già dặn.

Marill uống một ngụm rượu chát. Steiner quay sang Kern:

- Bỏ tiền vào túi đi, bé con, kẻo nó bay mất.

Kern hỏi:

- Bữa nay, các gian hàng mở cửa tới mấy giờ?

- Chi vậy?

- Hỏi cho biết. Bữa nay là ngày lễ mà.

Marill đáp:

- Tới bảy giờ, Kern. Bộ muốn mua rượu mạnh để uống tối hả?

- Không, không phải mua rượu. Tôi muốn tới Salomon Levi. Chẳng biết giá cả trong những lúc nhiễu nhương như thế này ra sao?

- Trong những thời kì nhiễu nhương, vật giá đều tăng. Điều quan trọng là phải biết mặc cả.

***

Một giờ đêm, Steiner, Maill, Ruth và Kern còn ngồi ở quán Mère Margot. Bàn ghế đang được gom lần vào góc.

Steiner gọi một gã hầu bàn đang quét dọn lại tính tiền và nói với Marill:

- Chúng mình đi là vừa. Cha Morizt vừa tới hôm nay. Mình nên đi thăm ông ấy.

Ruth hỏi:

- Cha Morizt là ai?

- Ông là niên trưởng bọn mình, bảy mươi lăm tuổi. Ông đã đi qua tất cả các biên giới và thành phố, ông đã sống trong nhiều lữ quán và nhiều nhà trọ không cần khai báo. Đặc biệt hơn hết là ông đã từng ở tù tại nhiều nhà giam của năm nước văn minh.

Kern chen vào:

- Tôi biết ông ấy. Chúng tôi đã từng đi chung trong lần vượt biên giới từ Tiệp sang Áo.

Marill nói thêm vào:

- Còn tôi thì đi với ông lão từ Thụy Sĩ sang Ý.

Kern hỏi gã hầu bàn vừa mang phiếu tính tiền tới:

- Có bán Courvoisier nguyên chai không? Phải cùng một giá như các hàng rượu.

- Ông đợi một chút, để tôi hỏi bà chủ.

Bà chủ quán đang ngủ ngục, trả lời gả hầu bàn bằng một cái gật. Steriner bỏ chai rượu vào túi áo choàng. Ngay lúc đó cửa quán bỗng mở ra và một bóng người bước vào. Bà chủ quán che miệng ngáp. Mấy gã hầu bàn lộ vẻ bất mãn.

Người khách vừa vào đi thẳng một mạch, chẳng nói lời gì, như người thụy du tới ngay chỗ quầy gà. Ánh mắt hắn như muốn xuyên thủng những con gà đang quay đều trên lửa. Hắn hỏi một gã hầu bàn:

- Con này bao nhiêu?

- Hai mươi sáu quan.

- Con kia?

- Hai mươi sáu.

- Con nào cũng hai mươi sáu cả sao?

- Phải.

- Tại sao hồi nãy không nói phức cho rồi?

- Tại ông không hỏi.

Người khách ngước nhìn lên. Có một vẻ gì như giận dữ trên nét mặt thụy du của hắn. Hắn chỉ con gà to nhất:

- Lấy con này.

Kern thúc nhẹ vào tay Steiner. Cả hai ngây người nhìn cảnh tượng trước mắt.

Gã hầu bàn hỏi:

- Lấy xà lách hay khoai tây chiên?

- Không cần. Cho dao và nỉa ra đây.

Kern thì thầm với Steiner:

- Con gà. Đúng là anh chàng con gà bằng xương bằng thịt.

- Đúng là hắn. Con gà của trại giam thành Vienne.

Anh chàng con Gà ngồi trên bàn. Hắn móc bóp ra lấy tiền đếm thật kĩ. Cho bóp vào túi, hắn cẩn thận mở khăn ra ăn. Trước mắt hắn là con gà quay béo bóng. Hắn làm dấu thánh giá trịnh trọng như một giáo sĩ. Mắt hắn như sáng rực lên khi nhấc con gà cho vào dĩa.

Steiner cười bảo nhỏ:

- Mình để cho hắn ăn ngon đừng chọc phá.

Kern nói mau:

- Phần tôi thì tôi muốn chạy ngay. Gặp hắn hai lần trong tù, lần nào hắn cũng cho biết là sắp sửa ăn gà thì bị bắt. Chắc cảnh sát sắp tới nơi.

Steiner nheo một mắt:

- Vậy thì dông ngay.

Ra tới cửa, họ ngoái lại nhìn. Anh chàng con Gà đang xé một đùi gà vàng óng. Hắn đưa cái đùi lên ngang tầm mắt ngắm nghía như một kẻ hành hương đang chiêm ngưỡng một vị thánh.

***.

Marill bước vào quán ăn riêng của nhân viên hội chợ.

- Steiner, có người muốn gặp bạn.

- Hỏi Huber hay Steiner?

- Steiner.

- Bạn có hỏi hắn về chuyện gì không?

- Có. Hắn bảo muốn trao cho bạn một lá thư từ Bá Linh.

Steiner đứng dựng lên:

- Hắn ở đâu?

- Trước gian hàng Rumani.

- Có thể là một điệp viên không?

- Chắc không phải.

Cả hai cùng đi ra chỗ có người đợi. Đó là một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi. Ông ta hỏi:

- Anh có phải là Steiner không?

- Không. Chi vậy.

- Tôi đang giữ một bức thư. Của vợ anh.

Ông ta lấy thơ ra đưa cho Steiner và nói tiếp:

- Chắc anh nhận ra nét chữ?

Steiner cố giữ bề ngoài thật tự nhiên nhưng bên trong anh có một cái gì đang biến đổi như một chuyển động vòng xoay. Anh không dám đưa tay ra nhưng bàn tay vẫn tự nó muốn cất lên.

- Sao ông biết Steiner ở Ba Lê?

Người lạ trả lời Marill:

- Có người mang thơ từ Bá Linh tới Vienne.

Ông ta chỉ vào một hàng chữ viết của Lilo “Josef Steiner, Ba Lê” và nói tiếp:

- Tôi kiếm anh luôn nhiều nơi. Hôm qua, tới quán Maurice, người ta chỉ chỗ này. Anh không cần phải xác nhận là Steiner. Tôi hiểu tình cảnh lắm. Anh cứ nhận thơ, nhiệm vụ của tôi thế là xong.

Steiner thở ra:

- Đúng là thơ gởi cho tôi.

- Tốt lắm...

Người đàn ông lạ trao thơ cho Steiner. Lần này anh phải cố gắng lắm mới đưa được tay ra để lấy thơ. Bức thơ bỗng như nặng trĩu, nặng hơn tất cả mọi bức thơ trên thế giới.

- Cám ơn ông. Cám ơn ông đã vất vả...

- Chẳng có gì đâu. Trao được thơ cho một người ở tình cảnh của anh là đã quá đủ để tự hài lòng.

Ông ta chào và quay đi.

Steiner nhìn Marill. Giọng anh lạc đi:

- Marill, đây là thơ của vợ tôi. Lá thơ đầu tiên! Chẳng biết có chuyện gì đây.

- Đọc đi.

- Bạn đứng đó đợi tôi. Chuyện gì đây... Sao lại phải viết?

Người anh ta thẳng đơ và bất động như tượng đá trong khi đọc. Đọc tới dòng cuối cùng, mắt hắn bỗng lờ đờ. Lá thơ rơi xuống đất:

- Mười ngày rồi... Vợ tôi nằm nhà thương. Mười ngày rồi... chắc vẫn còn sống.

- Nằm bệnh viện nào? Có nói rõ không?

- Có.

- Mình đi điện thoại ngay. Lấy đại một tên nào đó cũng được.

Steiner hơi lảo đảo:

- Tôi phải trở về đó.

- Khoan. Điện thoại tới bệnh viện trước đã. Mình trở về Verdun đi.

Từ trong phòng điện thoại ra, sau nửa giờ chờ đường đây Bá Linh, người Steiner ướt đẫm mồ hôi. Anh nói như mơ:

- Vẫn còn sống.

- Có nói chuyện trực tiếp với nhau không?

- Không. Chỉ nói được với bác sĩ. Tôi nhận là thân nhân. Bác sĩ cho biết tình trạng đã hết cứu chữa mặc dầu đã giải phẫu rồi. Chính vì vậy mà nàng viết cho tôi.

Anh ta cầm lá thơ trong tay, nhìn quanh như tìm chỗ bám víu:

- Marill, đêm nay tôi đi Bá Linh.

Marill trợn mắt:

- Điên hả?

- Không sao đâu. Tôi có giấy thông hành.

- Giấy thông hành trong trường hợp của bạn chẳng ích lợi gì. Chúng nó sẽ nhận diện được ngay. Bạn biết chớ?

- Biết.

- Đi như vậy cũng chẳng đâm đầu vào hang cọp.

- Tôi cũng biết vậy, nhưng nàng chết, tôi không thiết sống.

Marill chợt giận dữ, hét lớn:

- Steiner, bạn có ngu không? Viết thơ gởi về hay điện thoại mỗi giờ cũng được nhưng phải ở lại đây.

Steiner lắc đầu với vẻ ngây dại. Marill chụp vai anh:

- Bạn không được đi, nghe chưa? Có đi cũng không giúp ích được gì.

- Ít ra tôi cũng nhìn được mặt vợ tôi.

- Không thể được, bạn không thể chết một cách vô lý như thế. Đây, bạn lấy hết tiền của tôi đi cộng với tiền của bạn và hãy lấy luôn tiền của Kern. Cứ gởi điện tín về bên đó, gởi dài mấy trang cũng được nhưng bạn phải ở lại đây.

Steiner lắc đầu:

- Tôi phải về mới được.

Marill chụp tay Steiner lôi đi:

- Đi, mình lại đằng này uống vài chai. Cứ uống cho thật say. Tôi hứa với bạn là cứ vài giờ tôi sẽ điện thoại thay cho bạn một lần.

Steiner vung tay khiến Marill lảo đảo:

- Bạn đừng nói gì nữa cả, Marill. Tôi hiểu rõ tình hình, tôi không điên đâu. Dầu nguy hiểm gấp ngàn lần tôi vẫn cứ đi. Bạn không hiểu sao?

Marill hét lên:

- Tại sao không? Ở địa vị bạn tôi cũng làm như thế.

***

Steiner sửa soạn hành lý. Anh sang phòng Kern. Cả Kern và Ruth đều nghe Marill thuật lại. Họ đang đợi Steiner.

Steiner vừa bước vào đã cất giọng bô bô, làm ra vẻ bình thản:

- Tôi đi đây. Thế nào tôi cũng tới đó an toàn. Chắc không lâu mình sẽ gặp lại nhau.

Anh quay sang cười với Ruth:

- Tạm biệt cô bé.

Ruth vừa bắt tay Steiner vừa khóc:

- Tôi có nhiều chuyện định nói với anh, Steiner. Nhưng bây giờ thì không biết phải nói gì nữa.

Ruth đưa cho anh một chiếc áo len đen:

- Anh mang áo này theo. Tôi vừa mới đan xong hôm nay.

Steiner cười buồn nhưng chỉ trong khoảnh khắc đã lấy lại tự nhiên:

- Cám ơn cô bé lắm. Còn Kern nữa, tạm biệt.

Kern cũng muốn nói thật nhiều nhưng quá xúc động, anh chỉ tóm gọn trong một câu:

- Không có anh, có lẽ tôi chẳng còn sống tới ngày nay.

- Sống mạnh chớ. Nhưng dầu sao ý nghĩ đó của cậu làm tôi rất hài lòng. Ít ra tôi cũng làm được một cái gì cho một người trẻ tuổi.

Ruth đã nín khóc:

- Trở lại nghe anh. Tôi chỉ có thể nói được thế thôi. Hãy quay về với chúng tôi. Chúng tôi không thể nào quên anh được.

Steiner cười:

- Tốt lắm. Thôi, cô cậu ở lại mạnh giỏi.

Kern đứng lên:

- Tôi đưa anh ra ga.

Steiner do dự:

- Mariil sẽ đi với tôi. Nhưng cũng được. Chúng mình cùng đi.

Ra tới đường, Kern nói với Steiner:

- Anh đưa vali tôi xách cho.

- Chi vậy?

Kern cười gượng:

- Cứ đưa tôi. Tôi sẽ cho anh thấy là lúc này tôi khỏe lắm, nhất là chiều nay.

Steiner nhìn ra khoảng không:

- Phải rồi. Chiều nay... sao mà xa quá!

Họ tới nhà ga vừa lúc xe lửa sắp sửa khởi hành. Steiner lên xe, kéo cửa kính xuống. Xe chưa chuyển bánh. Nhưng những người đứng trên bến có cảm tưởng là Steiner xa rời họ lần cuối. Kern nhìn đăm đăm vào khuôn mặt quả cảm của người anh gió bụi như muốn ghi khắc lấy những đường nét đó cho mãi mãi. Khuôn mặt đó đã từng ở bên anh trong những tháng năm dài, đó cũng là khuôn mặt của một bậc thầy đã trui rèn anh trở nên cứng rắn trong cuộc sống lưu đày.

Xe chuyển bánh. Không ai nói một lời. Steiner từ từ đưa tay lên. Đứng lại trên bến, những cặp mắt buồn thảm nhìn theo cho tới khi mất hút.

Về tới phòng, Kern đứng lặng im một lúc lâu rồi thở dài:

- Ruth, dường như cả thành phố đều đã chết.

***

Kern đang đẩy một chiếc xe chở đất tới chỗ Marill thì bị hai người ngăn lại. một người nói với Kern:

- Xin lỗi, chúng tôi cần nói chuyện.

Kern đặt càng xe xuống. Anh biết chuyện gì sắp xảy ra. Giọng nói của người lạ là giọng nói mà anh đã từng sợ hãi mỗi khi nghe tới. Đó là giọng nói vừa lịch sự nhưng cũng vừa lạnh như thép.

- Ông vui lòng cho chúng tôi xem giấy tờ.

Kern đáp:

- Tôi không mang theo.

Marill nói với người vừa hỏi Kern:

- Ông có vui lòng cho chúng tôi xem thẻ hành sự không?

- Được lắm. Đây, xin mời ông xem. Tôi là cảnh sát còn đây là kiểm soát viên của Bộ Lao động. Xin lỗi, chúng tôi phải làm phiền các ông vì dân Pháp thất nghiệp bắt buộc chúng tôi phải kiểm soát...

Marill nói:

- Vâng, tôi hiểu. Nhưng rất tiếc, tôi chỉ có thẻ lưu trú mà không có giấy phéo hành nghề, chắc mấy ông cũng vui lòng...

Viên chức kiểm soát của Bộ Lao động nhã nhặn nói với Marill:

- Được, xin ông cứ tiếp tục làm việc. Chánh phủ chúng tôi không qua khắt khe nhất là đối với công việc xây cất Hội chợ Quốc tế. Xin lỗi đã làm phiền ông.

- Không dám...

Viên chức này quay sang hỏi Kern:

- Ông vui lòng cho xem căn cước.

- Thưa, không có.

- Ông không có giấy tờ gì cả sao?

- Không.

- Như vậy là ông nhập cảnh lậu phải không?

- Tôi không còn cách nào khác hơn.

Viên chức cảnh sát lên tiếng:

- Rất tiếc phải làm phiền ông. Xin mời ông cùng về trụ sở với chúng tôi.

Kern nhìn Marill:

- Nói dùm với Ruth là tôi bị bắt. Tôi sẽ trở lại. Bảo Ruth đừng lo gì cả.

Nghe Kern nói tiếng Đức, viên chức kiểm soát lịch sự bảo:

- Các ông có thể nói chuyện với nhau thêm vài phút nữa. Chúng tôi sẵn sàng đợi ở đây.

Marill nói với Kern cũng bằng tiếng Đức:

- Tôi sẽ lo cho Ruth đến khi cậu trở lại đây. Nên làm cách nào để họ đẩy ra biên giới Ba Lê rồi tìm đường trở về qua ngõ Burgfelden. Gọi điện thoại Steiff ở Saint-Louis, kêu taxi đi Mulhause rồi từ đó sẽ đi Belfort. Đó là hành trình tương đối an toàn. Nếu bị tù thì viết thư ngay cho tôi. Klassmann sẽ lo cho. Bây giờ tôi đi gọi điện thoại cho ông ta.

Kern gật đầu nói với người cảnh sát:

- Thưa ông, xong rồi.

Viên chức kiểm soát nhìn Marill cười và nói bằng tiếng Đức:

- Các ông có một lối chia tay khá đẹp. Dường như các ông hiểu quá rành biên giới của chúng tôi.

Marill cười gượng:

- Vâng, nhưng biết sao.

***

Lúc xe ngừng lại trạm kiểm soát biên giới, tinh thần Steiner vụt căng thẳng. Nhân viên quan thuế Pháp chỉ xem qua giấy thông hành đóng dấu lên rồi quay đi ngay. Xe lăn bánh từ từ.

Một lát sau, hai viên chức Đức tới. Họ chào Steiner:

- Ông vui lòng cho xem thẻ thông hành.

Steiner đưa thẻ cho người trả vừa hỏi hắn.

- Ông sang Đức làm gì?

- Thăm gia đình.

- Ông sống ở Ba Lê?

- Không, tôi ở Gratz. Tôi tới Ba Lê thăm người bạn.

- Ông định ở lại Đức bao lâu?

- Khoảng mười lăm hôm. Tôi sẽ trở về Gratz.

- Ông có mang ngoại tệ không?

- Có. Năm trăm quan.

- Như vậy chúng tôi phải ghi vào thông hành.

Người lớn tuổi ghi vài dòng trên thông hành rồi đóng dấu. Viên chức trẻ liếc mắt qua chiếc vali của Steiner rồi nói:

- Ông có mang báo chí, sách vở hay ấn phẩm nào không?

- Không.

Viên chức trẻ trả giấy thông hành lại cho Steiner. Cả hai cùng chào rồi quay ra. Steiner thở phào. Cả người anh đẫm mồ hôi.

Xe bắt đầu chạy nhanh. Steiner nhìn ra cửa sổ. Trời đã tối hẳn, những đám mây thấp lửng lơ bay vượt qua những vì sao nhấp nháy. Steiner hạ cửa kính xuống. Gió từ ngoài thổi vào mang theo hơi ẩm. Anh hít thở thật dài hơi. Không khí dường như đổi khác, gió dường như không cùng một mùi vị, chân trời cũng lạ đi, ánh sáng cũng dị thường, hàng bạch dương hai bên đường nghiêng ngửa. Tuy thế, có một cái gì quen thuộc, xưa cũ, hình như đó là những con đường cùng đi về một hướng chạy thẳng vào tim anh. Anh lại thở dài hơi, tự cảm thấy như đang sốt, máu chạy nhanh hơn. Steiner nghĩ thầm, sao mình lại lạ thế này, mình lại đa cảm rồi sao? Anh ngồi xuống cố nhắm mắt để ngủ nhưng không được. Cảnh sắc ảm đạm bên ngoài cứ lôi cuốn anh, dựng dậy những khuôn mặt và nhiều kỉ niệm. Những năm chiến tranh dễ sợ chợt hiện ra khi xe qua cầu sông Rhin.

Anh ta đốt hết điếu thuốc này đến điếu khác, anh đi đi, lại lại trong căn phòng nhỏ của toa xe. Anh cố nghĩ tới ngày mai, nghĩ tới việc phải làm thế nào để qua mắt nhà chức trách, nghĩ tới bệnh viện vợ đang nằm, tới tình cảnh của chính mình, tới những bạn bè mà có thể đến thăm...

Nhưng bây giờ, tất cả những điều đáng nghĩ đó đều trôi tuột ra xa. Ngay cả sự nguy hiểm đang đe dọa hắn cũng trở thành mờ ảo. Kỷ niệm, nhiều kỷ niệm xoay quanh anh như một cơn lốc, như một vũ khúc ma quái để chào đón anh trên đường về nước.

Anh cố gắng để đừng suy nghĩ nữa nhưng rồi đành chịu thua.

Trời đêm trải dài vô tận. Màn đêm như phủ xuống bốn mươi năm của một đời người. Những ngôi làng với những ánh đèn thấp thoáng xa xa và những tiếng chó sủa đâu đó làm anh nhớ tới thời thơ ấu. Anh đã sống trong những ngôi làng như thế. Anh đã đi đó đi đây vào những mùa hè và mùa đông, lòng rộn rã với tiếng chuông giáo đường. Những khu rừng chạy ngược qua mau bên ngoài cửa xe cũng gợi nhớ tới những chuyến mạo hiểm đầu tiên của tuổi thơ.