Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 10

HỒI THỨ MƯỜI

Dùng mưu phản gián, Chiêu Vũ làm rơi đầu Hiền Tuấn

Say đắm mĩ nhân, Thượng Vương phải thẹn với Văn Hiên.

Lại nói năm Bính Tý, niên hiệu Dương Hòa thứ hai (1636), mùa xuân, tháng giêng, chúa Nam triều là thái bảo Nhân quận công Nguyễn Phúc Lan sai người ra kinh đô Thăng long báo tang[260]. Thanh Đô vương biết tin bèn sai bọn Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Quang Minh, Binh khoa cấp sự trung Lê Kính, Công khoa cấp sự trung Nguyễn Phù đem lễ vật vàng bạc vào Thuận Hòa điếu tang[261] để bày tỏ tình anh em thương yêu cố kế. Bọn Nguyễn Quang Minh làm lễ tế viếng xong, Nam chúa đem tặng lại vàng bạc gấm lụa làm lễ vật tiễn chân sứ bộ trở về.

[260] Báo tin cho triều đình Lê Trịnh biết việc Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên qua đời.

[261] Sứ bộ của triều đình Lê Trịnh vào điếu tang Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên lần này, ĐNTLTB không ghi tên Lê Kính, trong đó lại ghi Binh khoa cấp sự trung là Nguyễn Trật. Hai chữ “Trật” và “Phù” có thể chép nhầm với nhau. Theo đây, Nguyễn Phù (Trật) là Công khoa cấp sự trung.

Lại nói tháng ba năm ấy, ở vùng kinh kì của Bắc triều xảy ra hỏa hoạn, lửa lan cháy trụi cả phủ chúa, dinh thự của các quan triều, cùng là kho tàng nhà cửa, của cải của dân chúng, gia súc hao tốn khá nhiều. Thanh Đô vương nghi cho Phúc Hào (là con trai của Vãi Thiệu) thông mưu với chúa Thuận Hóa cho người phóng hỏa đốt khu thành nội, bèn sai xét hỏi. Nhưng Phúc Hào một mực kêu oan, vương bèn cho Phúc Hào chích máu đến thề ở các đền miếu.

Mùa đông, tháng mười, Thanh đô vương thấy em là Dũng Lễ công Trịnh Phúc[262] ở dinh Phù Nghĩa là kẻ có ân uy tài trí, ai nấy đều mến phục, dưới trướng có nhiều người theo giúp. Thanh Đô có ý lấy làm ngờ, ngầm tính kế hãm hại để khỏi phải lo sau. Thanh Đô vương nói dối rằng có ngụy Mạc ở Cao Bằng quấy nhiễu miền biên cảnh, bèn sai Dũng Lễ công Trịnh Phúc đem quân đi đánh. Dũng Lễ công vâng mệnh đem quân lên đường. Thanh Đô vương lại gọi đô đốc Bật quận công vào phủ rỉ tai dặn rằng: “Cho khanh làm thuộc tướng đem quân đi theo Dũng Lễ, rồi tìm cách giả làm quân Cao Bằng, chặn đường giết cho được Dũng Lễ và những kẻ tâm phúc, không cho đứa bào trốn thoát để khỏi lo về sau. Mưu thành thì sẽ trọng thưởng cho khanh.”

Quận Bật quỳ lạy nhận lệnh rồi đem quân lên đường đuổi theo Dũng Lễ.

[262] Toàn thư: chép Dũng Lễ công người được mở dinh Phù Nghĩa là Trịnh Khải.

Bấy giờ Dũng Lễ công ban đêm chiêm bao thấy máu me đầy người. Dũng Lễ tỉnh dậy không biết điềm lành dữ ra sao, trong lòng lấy làm nghi hoặc, bèn đề phòng trước, cho khiêng kiệu vác lọng đi trước, tự mình đi lẩn ở hậu đội. Quận Bật đã đón đường cho quân mai phục, thấy kiệu của Dũng Lễ công đi tới bèn giả xưng là quân Cao Bằng xông ra đánh. Nhưng thấy kiệu bỏ không, quận Bật kinh hãi chân tay run rẩy rụng rời. Vừa lúc đó Dũng Lễ công phóng ngựa ấp đến sai quân bắt sống.

Quận Bật bị trói giải đến trước ngựa, Dũng Lễ công hỏi:

- Ngươi vâng mệnh đi theo ta đánh giặc Cao Bằng, sao lại trở mặt đặt phục binh để đánh ta? Ta có mệnh trời, ngươi làm hại ta sao được?

Quận Bật cắn cỏ lạy khóc thưa rằng:

- Thần tuân theo mật lệnh của chúa không dám làm trái, chứ thần không dám có manh tâm xúc phạm đến minh công. Nay cơ sự đã đến nước này, thần cam chịu muôn tội chết, không dám nói sai. Xin minh công lượng thứ cho.

Dũng Lễ công trầm ngâm hồi lâu, thầm nghĩ: “Chúa nghi ngờ ta cho nên bí mật sai người giết ta, không phải tội của Bật”, nghĩ vậy Dũng Lễ công bèn tha cho quận Bật. Quận Bật lậy tạ ôm đầu trốn về.

Dũng Lễ công sai người đi thám thính thấy không có quân nhà Mạc bèn đem quân trở về kinh, trong lòng căm tức buồn giận. Dũng Lễ than rằng:

- Ta với Thanh Đô là anh em ruột thịt. Ta lấy trung hiếu phụng sự ông ta, nhưng ông ta lấy oán thù đối đãi với ta. Ta những muốn bỏ ông ta mà theo Nam chúa để báo thù. Nhưng chỉ sợ đời sau sẽ chê cười ta là kẻ bề tôi bất trung. Ta sống còn có ích gì? Thà chết mà để lại danh thơm còn hơn!

Nói xong bèn uống thuốc độc tự tử. Thanh Đô vương nghe tin trong lòng rất oán ghét, bèn xuống lệnh bỏ mặc phơi thây ngày tháng, không cho khâm liệm chôn cất.

Người đời sau có thơ than rằng:

Tiếc thay Trịnh Phúc được suy tôn,

Khiến nỗi Thanh vương phải dị nghi.

Dẹp giặc sai đi, tìm kế giết,

Mưu ngầm chặt cánh để tiên tri.

Xác phơi luống để nghìn năm nhục,

Nuốt giận nào hay thế vận suy.

Cốt nhục mấy hồi nhiều bạc bẽo,

Nồi da hà tất oán Tào Phi[263].

[263] Tào Thực là em Tào Phi (Ngụy Văn Đế) vì có tài nên thường bị Phi nghi ngờ, Phi gọi Thực vào cung bắt làm một bài thơ trong khoảng bảy bước, nếu không xong thì bị giết. Tào Thực làm xong một bài thơ hay (thường được gọi là thất bộ thi): “ Chữ đậu? đậu kị, đậu tại thử trung khấp…” (Nấu đậu đun bằng? đậu, hạt đậu ở trong nồi khóc…). Tào Phi xem xong khóc (chuyển dịch chữ “nhiên ki” bằng chữ nồi da (nồi da nấu thịt), nghĩa tương tự).

Tháng mười, ngày mười một, động đất ở xứ Nghệ An, nghiêng đổ nhà cửa, thuyền bè giữa song đều bị lật đắm, người đi bộ chân không vững, người ngồi không ngồi được thẳng lưng, đến hơn nửa giờ mới yên, chưa rõ triệu chứng lành dữ ra sao.

Lại nói năm Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa thứ ba (1637), tháng hai, núi Tản Viên vô cớ bị sạt lở một góc, dài hơn hai mươi trượng, sâu chừng ba thước.

Tháng tư có ngôi sao băng to như chiếc đuôi trâu, dài hơn mười trượng, lướt từ phía đông sang phía tây, tiếng kêu rít như sấm động.

Tháng bảy, thứ phi của Thanh đô vương là Tô thị chết.

Mùa đông, tháng mười, Thanh Đô vương sai thiếu phó Lan quận công Nguyễn Thực làm đề điệu (chủ kho) khoa thi Hội các cống sĩ trong nước. Bọn Nguyễn Xuân Chính hai mươi người được lấy đỗ tiến sĩ. Vua Lê đích thân ban cho các hạng cập đệ và xuất thân có thứ bậc khác nhau.

Năm Mậu Dần, niên hiệu Dương Hòa thứ tư (1638), mùa xuân, tháng giêng, nhà Mạc ở Cao Bằng dấy quân đánh lấn xuống Thái Nguyên, thả quân đi đánh giết dân lành, bắt hiếp đàn bà con gái, cướp bóc của cải, trăm họ kinh sợ tìm đường lẩn trốn. Thanh Đô vương nghe tin cả giận, bèn xuống lệnh sai quân đi dẹp giặc, đánh lui quân Mạc. Thanh Đô vương thắng trận, khải hoàn đem quân trở về. Dân chúng Thái Nguyên lại trở về yên làm nghề nghiệp.

Lại nói chuyện tháng ba năm ấy, ở trấn Nam thời Sãi vương, con trưởng của chúa là hữu phủ Khánh Mỹ hầu trấn thủ ở Quảng Nam, vợ là Tống thị nguyên là con gái của cai cơ Mậu Lễ hầu[264], sinh được ba con trai. Năm Tân Mùi (1631), Khánh Mỹ hầu ốm chết. Tống thị tuy là phận gái nhưng có chí lớn, nhan sắc hoa thẹn, nguyệt mờ, dáng điệu nhạn rơi, cá lặn, tính tình lẳng lơ, mây sớm gió chiều, thân Hồ nhớ Việt, nói năng khéo léo khoái hoạt, cợt gió đùa trăng, phong thái chẳng kém gì Ly Cơ, Tiểu Muội. Tống thị thường ra vào phủ chúa, ý muốn tư tình với Thượng vương, nhưng vương không chú ý đến. Một hôm Tống thị ngồi nhà xâu một chuỗi hoa như vòng ngọc liên châu rất đẹp, sai người đem đến dâng cho chúa. Thượng vương cầm lên ngửi thấy mùi hương bốc thơm ngát, tự nhiên xúc động lòng yêu. Từ đó Thượng vương đem lòng say mê Tống thị.

[264] Tức Tống Phúc Thông đã nói ở đoạn trên.

Năm Kỷ Mão[265] niên hiệu Dương Hòa thứ năm (1639), tháng hai, Tống thị thân vào phủ chúa chầu hầu. Tống thị sụp lậy dưới thềm thưa trình, về tình cảnh góa bụa thảm thiết. Trong khi nói cũng yểu điệu ôm ngực, cau mày[266] ai trông thấy cũng xiêu lòng. Thế là chúa Thượng nổi tình riêng, liền mời Tống thị vào nội thất vui thú mây mưa. Từ đó Thượng vương hết mực sủng ái Tống thị, không đoái đến các cung nhân khác, ngày ngày chỉ cặp kè với Tống thị, không lúc nào rời, chẳng khác nào Đổng Trác với nàng Điêu Thuyền, Ngô vương Phù Sai với nàng Tây Tử. Tống thị trình bẩm việc gì, chúa liền nghe theo. Các bậc đại thần thân cận nhiều lần can gián nhưng chúa đều không nghe.

[265] Bản sao chép là Ất Mão, niên hiệu Dương Hòa thứ năm (1639); đúng phải là năm Kỷ Mão, tiếp sau năm Mậu Dần đã nói ở trên.

[266] Nguyên văn: “chuyền tác phủng tâm hiệu tần”. Phủng tâm hiệu tần là chữ dùng của Trang Tử, dẫn chuyện nàng Tây Thi có bệnh đau tim thường phải cau mày, đàn bà xấu trong làng thấy vậy cũng bắt chước ôm ngực cau mày (Trang Tử, Thiên Vận).

Từ đó Tống thị vào thì lựa lời khéo léo để chúa vui lòng, ra thì nghĩ cách chiếm đoạt của cải của dân để làm giàu riêng. Thời bấy giờ các quan công khanh ở triều đình chẳng ai là người không than giận, đều muốn xé xác Tống thị, nhưng còn sợ uy của chúa Thượng nên chẳng ai dám làm. Chuyện không nói đến nữa.

Nói tiếp chuyện ở Bắc triều năm Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa thứ sáu (1640), Thanh Đô vương sai Thái bảo Kiên quận công làm đề điệu mở khoa thi Hội các cống sĩ trong nước. Bọn Văn Thuật[267] hai mươi người được lấy đỗ tiến sĩ, đều được thăng cấp bổ dụng.

Mùa hạ, tháng tư, Thanh Đô vương sai tư nghị điền lại ở phủ Hùng Uy là Phan Hưng Tạo mang sắc thư vào châu bắc Bố Chính ban quốc tính[268] cho Hiền quận công Nguyễn Khắc Tôn, cho đổi họ tên là Trịnh Bách. Khắc Tôn cả mừng vái vọng tạ ơn.

[267] Tức Phi Văn Thuật.

[268] Quốc tính: họ của vua nhưng thời Lê -Trịnh “quốc tính” do chúa Trịnh ban tặng nên lấy họ Trịnh làm quốc tính.

Khắc Tôn từ khi được ban quốc tính, lại càng cậy quyền cậy thế, phóng túng kiêu sa, khinh rẻ các quan, cướp bóc dân chúng, tự cho mình là to lớn muốn đoạt lấy Nam trấn để tự lập làm chúa, xây dựng cơ nghiệp ở chốn trung thiên. Vì vậy Khắc Tôn từng sai người vào quấy nhiễu phía nam châu Bố Chính.

Mùa thu, tháng tám, Thượng vương nghe tin cả giận, bèn triệu các quan văn võ vào phủ bàn định mưu kế để dẹp vật chướng ngại ngạt mũi. Các tướng có người bàn đem quân ra đánh, có người bàn tìm cách dụ hàng rồi giết đi, còn đương phân vân chưa định. Bấy giờ mưu sĩ Chiêu Vũ hầu bước ra nói:

- Hiền Tuấn là kẻ ngông cuồng nhưng nhút nhát, không phải là viên tướng trí dũng tài năng. Đem quân đi đánh thì mệt nhọc sĩ tốt, dụ về hàng thì có dùng được việc gì? Thế của hầu chẳng qua như sâu kiến gỗ mục không đáng phải nói đến. Thần có một kế chém đầu Hiền Tuấn dễ như trở bàn tay, bất tất phải nhờ đến triều đình phán xét.

Thượng vương hỏi:

- Mưu kế ra sao, khanh cứ nói nghe.

Chiêu Vũ thưa:

- Hiền Tuấn là đứa chần chừ nhút nhát, không hiểu binh pháp, xin chúa thượng sớm sai người truyền mật lệnh cho Nghĩa Lâm hầu trấn thủ dinh Quảng Bình sai người ra Bắc hà giả cách đi nghênh đón Hiền Tuấn vào phủ chúa để bàn việc đã hẹn ước từ đời tiên vương. Lại mật truyền cho trấn thủ dinh Quảng Bình là Phấn Vũ và tham tướng thủy doanh là Dương Trí nhân đêm tối đem quân vượt sang bờ bắc song Gianh hư trương thanh thế như sắp tiến đánh. Lại viết một bức thư để li gián, cho người lén đem sang bờ bắc. Làm như thế chỉ trong khoảng thời gian mấy ngày đầu Hiền Tuấn phải rụng, chẳng có gì khó!

Thượng vương nghe dứt vỗ tay cười lớn nói rằng:

- Kế ấy rất diệu, chẳng thua kém gì mưu kế những người tài giỏi ngày xưa!

Rồi đó Thượng vương sai người ra dinh Quảng Bình truyền lệnh cho trấn thủ Nghĩa Lâm hầu làm theo kế đã định không được sai lỡ. Lại sai Chiêu Vũ viết thư li gián, cho người lén đưa đến địa giới phía bắc, dùng kế để trừ đi.

Chiêu Vũ vâng mệnh về nhà viết một bức thư giả sai gián điệp lén sang bờ bắc song, giả cách sơ suất vô ý đánh rơi dọc đường, khiến cho dân bên bờ bắt được thư đem trình lên chúa Trịnh. Bức thư viết:

“Chủ trấn miền Nam kính thư gửi đến dưới cờ của quý phủ Hiền tướng quân xem xét.

Từng nghe: quân thần là đầu của tam cương. Giềng (cương) chính thì lưới (kỉ) trương. Anh em cũng là nghĩa đầu của ngũ thường (…)[269]. Ngày trước quý phủ cùng với tiên vương tôi đã thầm ước kết nghĩa anh em, cùng hẹn chia ranh cắt đất để rạng tỏ anh hung, vẻ vang vạn đại. Qúy phủ là kẻ hào kiệt ở đời nay, sao lại vì cái lợi được ban họ tên[270] mà bo bo đóng giữ ở cái đất nhỏ bé, cam chịu làm thuộc hạ cho kẻ bỉ phu? Nay tôi có một kế đã mưu tính cho quý phủ: tôi giả cách bất hòa với quý phủ, sai quân Nam đánh chọc ra. Qúy phủ thì trước giả cách điều quân chống cự, sau vờ thua chạy về nói với Thanh vương[271] đem quân báo nhục. Dọc đường sẽ tương kế tựu kế, mượn dịp mà chém đi, chặt lấy thủ cấp đem bêu như việc cũ Phùng Đại, Ngụy Diên. Như thế thì quý phủ với tôi sẽ thực hiện được lời hẹn ước cũ. Mong quý phủ tiếp nhận kế ấy thì việc lớn ắt thành. Công việc phải có thời cơ. Mong quý phủ xem xét kỹ. Nay thư.”

[269] Nguyên văn ở đây có bốn chữ: “để tín như lập biểu”, chưa rõ nghĩa gì, ngờ có sai sót vài chữ.

[270] Ở trên đã nói Hiền Tuấn hầu được ban họ tên là Trịnh Bách.

[271] Tức Thanh Đô vương Trịnh Tráng.

Ngay ngày hôm ấy, Thượng vương sai người đem thư ra Bố Chính làm theo kế đã định. Lại sai người ra dinh Quảng Bình truyền lệnh mật cho trấn thủ Nghĩa Lâm làn như thế, như thế…

Nghĩa Lâm hầu vâng mệnh, sai người phi báo cho hai tướng trấn thủ Phấn Vũ và Dương Trí sẵn sàng quân thủy bộ chờ lệnh sẽ tiến phát.

Ngày mười ba tháng ấy, Nghĩa Lâm hầu sai người vượt sông sang phía bắc châu Bố Chính tung lời nói phao rằng: chúa xứ Nam mời Hiền quận công vào bờ Nam hội họp để bàn tính việc lớn. Dân phía bắc sông vì thế đều biết chuyện cả. Thế là ở châu bắc Bố Chính từ tướng sĩ đến quân dân đều chụm đầu kề tai thì thào bàn tán với nhau, chẳng bao ngày đã bay tin về kinh đô.

Ngày hai mươi ba tháng ấy, Thượng vương lại một mặt sai người đến trước trướng mời đón quận Hiền. Quận Hiền nghe nói lặng im suy nghĩ, chưa hiểu nguyên do thế nào, vì thế tiến thoái lưỡng nan, nên chăng còn trù trừ chưa định. Vả lại lúc ấy trong doanh trại không phòng bị trước, quân sĩ ngồi rỗi tán dóc nô đùa, hoặc nằm khễnh phơi rốn, vỗ tay ca hát nghêu ngao. Khuya hôm ấy vào khoảng canh tư, mây đen ùn đến, trời tối mù mù, quận Hiền đang ngồi trong trướng nghĩ ngợi, bỗng nghe phía ngoài doanh trại có tiếng quân lính reo hò, quận Hiền hốt hoảng kinh sợ. Trong doanh trại hiệu lệnh nổi lên ầm ầm. Quận Hiền sai người đi thám thính mới biết tướng Nam là Nghĩa Lâm[272]và Phấn Vũ đem quân bộ ra đánh ở phía bên phải, Dương Trí dẫn quân thủy tiến đánh ở phía bên trái. Quân do thám trở về báo tin. Quận Hiền bản tính nhát sợ, nghe báo tin thế địch như vậy liền gục xuống ngất xỉu, miệng kêu liền mấy tiếng “khổ! khổ!”, chân tay bỗng tê dại không cất nhắc được. Bất giờ có thuộc tướng là Nham Vũ ôm quận Hiền lên ngựa, bỏ quân thục mạng chạy về kinh đô. Chạy đến cầu Dinh thở đứt hơi chưa kịp nghỉ, bỗng gặp Sùng quốc công[273] và Sùng nhạc công[274] đem đại quân từ kinh đô tiến vào. Quận Hiền cả mừng cho là may có quân triều đình đến ứng cứu. Bọn quận Hiền không chút đề phòng, vội chạy vào trong quân trình báo. Ở kinh đô, Sùng quốc công đã nhận lệnh của Thanh vương Trịnh Tráng. Cho nên, vừa trông thấy quận Hiền, Sùng quốc công đã quát quân đao phủ trói gô lại. Quận Hiền cả kinh, quỳ khóc kể lể rằng:

- Tôi vì thiếu quân ít tướng, khó ngăn chặn được quân địch, đến nỗi bị thua. Xin minh công tha tội cho.

[272] Tên tước của Nguyễn Phúc Kiều.

[273] Sùng quốc công: tên tước của Trịnh Kiều con trưởng của Trịnh Tráng.

[274] Sùng nhạc công: tên tước của Trịnh Nẫm.

Sùng quốc công Trịnh Kiều cả giận mắng:

- Người là kẻ bề tôi bất trung, bán chúa cầu vinh, thông mưu với Nam trấn còn biện bạch gì nữa!

Nói đoạn sai quân canh giữ, áp giải về kinh đô giao nộp trước sân phủ chúa. Quận Hiền luôn mồm kêu vô tội, lại nói:

- Quân Nam thế mạnh, lực của thần không chống đỡ nổi. Nếu có lời vu cáo từ bên ngoài, xin chúa công soi xét cho thần được theo hầu để đem quân vào đánh báo thù. Ý nguyện của thần là như thế.

Nghe quận Hiền nói thế, Thanh vương Trịnh Tráng lại nhớ đến ý tứ trong bức thư đã xem từ trước, bừng bừng nổi giận mắng rằng:

- Ta vốn đã biết tâm địa của mi, hà tất phải chống chế nữa!

Nói đoạn Trịnh Tráng quát võ sĩ lôi chém quận Hiền, bêu đầu cho dân chúng biết. Bọn võ sĩ liền lôi quận Hiền ra ngoài cửa phủ tuân lệnh thi hành. Chỉ trong chốc lát quận Hiền đã đầu lìa khỏi cổ. Nguyên là trước đó dân châu bắc Bố Chính nhặt được bức thư phản gián của Chiêu Vũ, đã có người ruổi ngựa về kinh trình báo. Trịnh Tráng xem xong thư dựng tóc tức giận, đập tay xuống chiếu mà mắng rằng:

- Thằng giặc Tuấn là đồ nghiệt súc, vong ơn bội nghĩa, trở tráo như lật bàn tay! Năm trước tội hắn to như núi, ta đã tha cho không nỡ gia hình, lại đối xử với hắn không đến nỗi bạc. Thế mà nay hắn lại mạnh tâm dấy loạn, thông đồng với quận Nhân ở Nam trấn muốn làm hại ta. Huống chi trước ta đã nghe dân Bố Chính đồn đại, chưa rõ thực hư ra sao. Nay quả nhiên đúng thế thì còn dung tha sao được!

Nói đoạn Trịnh Tráng bèn sai Sùng quốc công Trịnh Kiều, Sùng nhạc công Trịnh Nẫm thống lĩnh năm nghìn quân khỏe mạnh vào châu bắc Bố Chính để phanh thây Khắc Tôn, bêu đầu thị chúng. Hai tướng vâng lệnh đem quân đi, nhằm hướng châu Bố Chính mà tiến. Đang lúc đóng trại nghỉ quân chợt thấy quận Hiền chạy đến lại càng thêm nghi, hai tướng bèn sai lính bắt trói áp giải về kinh giao nộp. Thanh Đô vương Trịnh Tráng đang lúc tức giận liền quát lệnh đem chém[275]. Một lúc sau bình tâm nghĩ lại[276], Thanh Đô vương chợt nghĩ ra là mặc phải mưu kế củ chúa Nam! Trịnh Tráng vì thế hết sức buồn rầu, bào triều thần rằng:

- Ta nhất thời không tính kĩ, trúng phải kế của họ Nguyễn đánh lừa ta. Ấy là do ta thiếu sáng suốt!

Sau Trịnh Tráng lặng im không đả động gì đến việc ấy nữa.

[275] Toàn thư và cương mục: không ghi việc này, nhưng ĐNTLTB có ghi (với tên Nguyễn Khắc Liệt). Một số bộ sử tư gia, cuốn Tân tập Hoan Châu Thạch Hà Trảo Nha Ngô thị truyền gia tập lục, do Ngô Phúc Lâm (1722-1783) biên soạn nói việc này do thiên bảo Tào quận công Ngô Phúc Vạn bày mưu bức Khắc Tôn đầu hàng.

[276] Nguyên văn: “bán hướng”. Bản sao chép chữ “hướng” là lương thực (nhầm bộ “nhật” ra bộ “thực”). “Bán hướng” nghĩa là một hồi lâu sau một thời điểm nào đó.

Bấy giờ chúa miền nam là Nhân quận công Nguyễn Phúc Lan sai người do thám ra kinh đô Thăng Long nghe ngóng tin tức, trở về nói lại đầy đủ sự việc quận Hiền xảy ra như thế nào, Thượng vương nghe xong cả cười nói rằng:

- Ta cùng với Chiêu Vũ[277] mới thi thố một kế nhỏ mà bọn họ đã phải giết lẫn nhau, như thế thì có lo gì không thu phục được kinh đô?

Nói đoạn Thượng vương bèn trọng thưởng cho Nguyễn Hữu Dật thăng hàm dực tán quốc sự, giữ chức giám chiến. Chúa lại sai mở tiệc khoản đãi các tướng, khao thưởng ba quân.

Người đời sau làm thơ chê cười Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Tôn như sau:

Chê thay Hiền Tuấn kẻ ngu đần,

Giun dế làm sao địch phượng quần!

Giường cột từng phen phò xã tắc,

Biên cương một chuyến dấy phong trần.

Nửa đời phó mặc vèo như gió,

Một kiếp danh nhơ với hậu nhân.

Sau trước biết bao quân phản nghịch,

Trời cao buông lưới chẳng thoát thân.

[277] Mưu phản gián ở đây tác giả trước sau đều nói là mưu kế của Chiêu Vũ hầu (Nguyễn Hữu Dật). Riêng ở vị trí trên bản sao chép là “Hiền Vũ” hẳn là chép nhầm chữ Chiêu ra chữ Hiền.

Bấy giờ chúa thượng khi mới lên ngôi dốc lòng mưu trị, chăm thương dân chúng, ai nấy đều được yên nghiệp làm ăn. Nhưng từ sau vụ dùng mưu trừ được Hiền Tuấn, các việc trong triều phần nhiều đều bị mụ đàn bà độc ác Tống thị dèm pha. Gặp việc gì chúa thường[278] hay nóng giận, triều thần ai nấy chỉ liếc mắt nhìn nhau không dám hé răng. Dân chúng kẻ nào đem chuyện phao đồn chúa sai bắt chém ngay, đem bêu đầu ở chợ, không cho tra xét hỏi han gì cả. Trăm họ sợ hãi, ngày đêm nơm nớp lo âu, không dám cùng nhau truyện trò to tiếng. Chúa thậm chí cũng không chịu nghe trình bày xét quyết các việc chính sự. Chúa chỉ muốn xây lầu cao nhà rộng để lấy chỗ vui chơi, thường hạ lệnh đem bắt các huyện lên rừng đẵn gỗ xẻ ván[279] định kì hẹn phải đem về giao nộp, ai trái lệnh thì bị chém. Thế là dân chúng Thuận Hóa lớn bé đều phải lên rừng đốn gỗ, anh đi em về, không kể ngày đem chỉ mong nộp cho đủ số để khỏi mặc tội. Chúa lại sai gọi thợ mộc vào tận nơi để làm cho được vừa ý.

[278] Nguyên bản chép chữ “mẫu” đúng ra là chữ “mỗi” (thường) sót hai nét ở phía trên.

[279] Nguyên văn: “Sở tác vị điều đẳng hạng”. Chữ “vị” chính là do chữ “mộc” chép thừa một nét ngang. “Mộc điều” là từ chỉ chung gỗ lạt đã cưa xẻ.

Bỗng tin báo có nội tán Vân Hiên hầu (thường gọi là Cống Phạm) vào chầu. Văn Hiên hầu nghe bit hết mọi chuyện, cho rằng chúa vui chơi quá độ như thế, nếu không can gián thì không đúng đạo vua tôi, bèn vào chầu, thưa với Thượng vương rằng:

- Thần nghe nói chúa thượng sai dựng lầu ở phía nam cho được cao rộng. Thần chưa rõ làm cái lầu ấy để dùng vào việc gì?

Thượng vương đáp:

- Ta hàng ngày ở trong thâm cung, các công việc của sĩ nông công thương trong thiên hạ siêng lười ra sao không biết hết được. Vì thế phải làm ngôi lầu này để lên cao nhìn xa trông rộng. Hoặc có bọn do thám gian đồ nhân đêm tối trộm cắp gây sự này khác thì ta ắt thấy rõ. Ấy cũng là một cách phòng bị đấy.

Văn Hiên nghe xong cười nhạt thưa rằng:

- Thưa chúa thượng, không phải như thế. Phàm ngôi đế vương là do trời định, cần phải dùng hiền đức làm thành trì thì dân vui việc cày ruộng đào giếng, thân quý bề trên, dám chết cho trưởng lão. Dùng họ vào việc chiến đấu thì không trận nào không thắng, dùng họ vào việc phòng thủ thì không thành nào không vững. Hà tất phải làm lầu cao nhà rộng mà cho là đủ để phòng giữ đâu! Nếu chúa công cho việc ngày nay được giữ một góc đất đã là đủ thì cứ làm như thế. Nếu chúa công nghĩ đến cơ nghiệp của tổ tiên, công lao khai thác gian nan thì phải đồng tâm hiệp lực để mở mang bời cõi, dấy hưng sự nghiệp, trên phò giúp đế thất, dưới vỗ về dân chúng, thì lầu cao nhà rộng kia chẳng cần làm gì! Vả lại, trời đã sinh ra bậc đế vương, trên thuận đạo trời, dưới dẹp lòng dân, đức tỏa gần xa, ôn nhuần bốn biển. Như ngày xưa vua Nghiêu ở ngôi cung điện chỉ lợp bằng tranh không xén, mấu gỗ không chặt, rộng ban ơn nhân mà các nước chư hầu đều kính mến uy đức, nào phải xây dựng lầu son gác tía gì đâu! Huống hồ ngày nay ở bắc triệu họ Trịnh trên hiếp thiên tử, dưới nén công khanh, ngấp nghé muốn giành lại cõi đất miền nam để làm quy mô nhất thống. Thế mà chúa thượng điềm nhiên không lấy làm điều. Nếu họ Trịnh nhân có hiềm khích mà ồ ạt cất quân tiến vào thì ta tính sao đây? Nếu chúa công muốn dựng lâu đài để thị uy với bốn phương thiên hạ, thì từ xưa đến nay chưa từng nghe nói người thiên hạ thấy cửa cao nhà rộng mà người ta theo về. Huống chi dấy động việc thổ mộc làm hao kiệt sức của cùng quan hệ như hao kiệt sức người. Đến khi biên cương có việc bến thì những lâu đài kia có dùng được việc gì?[280] Vì thế thần xin chúa thượng dừng bở hết tất cả những việc cất dựng ấy. Như thế thì xã tắc được may mắn lắm. Lời nói của thần ngu khờ, muôn trông chúa thượng soi xét.

Thượng vương nghe Vân Hiên hầu nói, sắc mặt ủ dột bảo rằng:

- Gỗ lạt ấy là do dân chúng tiến nạp chứ không phải bản tâm ta muốn thế!

Rồi đó chúa xuống lệnh bãi bỏ hết các việc xây cất, dân chúng đều lấy làm mừng, bảo nhau rằng: “Chúa thượng nghe theo lời can gián mà đổi ý, chúng ta không phải lo gì nữa!”

Lại nói năm Tân Tị, niên hiệu Dương Hòa thứ bẩy (1641), tháng ba, miền nh kì của Bắc triều trời thường giáng thiên tai bão lụt hỏa hoạn[281], dân chúng mất nhà cửa, áo không đủ che thân, cơm ăn không no bữa, đói rét cùng khổ, tai biến từ xưa chưa có bao giờ tệ hại như lúc này. Bấy giờ Thanh Đô vương thấy dân chúng bị thiên tai thiệt hại bèn sai quan dựng đàn cầu đảo, hơi có phần được yên. Vả lại, Thanh Đô vương thường ôm giận về việc năm trước trúng kế phản gián của Nam triều đến nỗi chúa tôi chém giết lẫn nhau. Nhưng thấy trong cõi dân chúng đói khổ, lại bị dịch bệnh hoành hành, quân dân chết chóc quá nửa, nên không nghĩ đến việc động binh, đành phải lặng yên để đợi thời. Đến tháng chin, lúa mùa thu gặt được khá, bấy giờ dân chúng mới khỏi đói.

[280] Nguyên bản sao sau đoạn câu “biên cương hữu biến” chỉ có một chữ “tạ” (đài tạ: lâu đài), rồi tiếp đến câu sau (thần thỉnh…) có lẽ chép thiếu vài chữ (tại lâu hà dụng?), chúng tôi theo ý dịch thêm cho rõ nghĩa.

[281] Nguyên bản sao bỏ trống vài chữ.

Lại nói chuyện tháng năm năm ấy, hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam ở Nam triều cũng bị đại hạn, lúa má cháy khô, hoa màu hỏng hết, một đấu gạo giá đến một quan tiền mà ở chợ không ai bán vì không mấy nhà có thóc tích trữ, người chết đói đầy đường. cũng có khi tù nhân bị giết vứt thây ở chợ, dân đói tranh nhau xẻ thịt nướng ăn, chỉ cốt sao giữ được mạng sống. Ấy cũng là do vận trời xui khiến nên như thế, há phải sức người mà ngăn chặn được lâu! Thượng vương trai giới lên đàn khấn trời phù hộ. Mấy tháng sau dương khí trở về, âm khí lui đi, lại đủ mưa thuận gió hòa, ruộng đồng lúa má tươi tốt, mọi nhà đủ ăn, muôn dân lại được yên bình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3