Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 12 - Phần 2

Thịnh Hội đáp:

- Phàm việc dùng binh, suy rộng ra có mấy phép ở đầu hàng. Ngày hôm qua quân ta đã đánh thắng Mậu Long ở Lũng Bông, đuổi Minh Lãng ở chợ Đằng. Hàn Tiến biết tin ắt sẽ đem đại quân chặn giữ ở Đèo Ngang và Cửa Ròn, quân ta khó vượt qua. Chi bằng nên sai thủy quân ở hạ đạo đi vòng qua mũi Ròn đánh úp vào sau lưng bọn chúng, chiếm lấy vùng dân cư ven biển rồi đốt lửa làm hiệu, khiến cho quân Trịnh trông thấy khói lửa tưởng rằng quân ta đã lấy được cả vùng. Bọn chúng tất sẽ sợ hãi mất mật tìm đường chạy trốn, còn ruột gan nào mà đóng giữ ở Đèo Ngang nữa? Khi bọn chúng đã bỏ Đèo Ngang thì quân ta thừa dịp vượt nhanh qua, ví như trận gió to thổi đám là rụng, mưa rào xối hoa tàn. Đại quân cứ nhắm thẳng Dinh Cầu mà tiến, hẳn là bắt được Hàn Tiến. Đó là phép lấy chắc đánh rỗng vậy.

Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong nói:

- Kế ấy tuy diệu nhưng quá gấp, sợ mất lòng dân.

Lại hỏi đốc chiến Chiêu Vũ rằng:

- Lệnh chỉ của chúa thượng ra sao, ông nên tóm lược nói qua một lượt để các tướng hiểu rõ.

Đốc chiến Chiêu Vũ nói:

- Chúa thượng bảo tôi truyền lệnh cho anh em ta phải chỉ huy quân số các doanh thủy bộ, việc cắt đặt điều khiển giao chiến công kích tùy cơ ứng biến, thảy đều giao phó ở quyền tiết chế của nguyên súy. Nếu trong các tướng có ai làm trái, việc tâu về vương đình, đều bị xử trị theo quân luật không tha thứ.

Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong hướng về vương đình vái vọng, đoạn bảo các tướng rằng:

- Trong vương đình thì vâng lệnh chúa, ngoài chiến địa phải theo lệnh của tướng cầm quân. Nay tôi với các ông cùng ăn lộc chúa, phải nên đồng lòng báo đền ơn chúa, chớ tự cậy tài làm theo ý riêng mà phạm quân lệnh. Ai trái lệnh tất phải xử theo quân pháp, không thể tha thứ được.

Các tướng đồng thanh đáp:

- Xin vâng tướng lệnh của tiết chế!

Giờ Thân[317] ngày mười sáu, tiết chế Thuận Nghĩa truyền lệnh chiến đấu. Trước hết sai quân chính doanh theo đường hải đạo do chưởng cơ Xuân Sơn làm tiên phong, trấn thủ dinh Quảng Bình là Nghĩa Lâm chỉ huy đội thứ hai, cai cơ Uy Lễ chỉ huy đội thứ ba, cai cơ Mậu Hoa chỉ huy đội thứ tư, cai cơ Nghĩa Lộc chỉ huy đội thứ năm. Tiết chế Thuận Nghĩa dẫn quân tráng tiệp[318] làm chính đội, theo thứ tự trước sau mà tiến phát.

Lại sai các cơ Triều Nghi[319] làm tả vệ trận, cai cơ Phú Tài làm hữu vệ trận. Tiền nhuệ cơ do đốc chiến Chiêu Vũ chỉ huy ghép lại thành hậu quân đi tiếp ứng. Các tướng ai nấy theo đúng lệnh truyền, chuẩn bị đến canh ba đêm ấy cho quân sĩ dậy thổi cơm ăn, đến đầu canh tư nghe tiếng pháo lệnh là tiến phát. Hẹn đến tảng sáng thẳng tiến đến đánh phá Dinh Cầu, bắt Hàn Tiến, không cho chạy thoát. Ai bắt được Hàn Tiến kể là có công đầu.

[317] Giờ Thân: từ 3 đến 5 giờ chiều.

[318] Tráng tiệp: nghĩa là khỏe mạnh và nhanh nhẹn.

[319] Triều nghi. ĐNTLTB chép là Triều Nghĩa và chú: Triều Nghĩa, Phú Tài hai người đều không rõ họ.

Lại sai trấn thủ Phù Dương làm tiên phong chỉ huy quân của dinh Bố Chính tiến theo đường thượng đạo, trấn thủ Đại Thắng chỉ huy quân Dinh Cũ theo tiếp ứng tiến quân đến Lũng Bông đánh vào trại của Mậu Long. Nhưng chỉ được phép đánh ở mức từ từ, không gấp vội. Đến giờ Ngọ (giữa trưa) thì hai tướng cho quân thả sức đánh lớn, bắt cho được Mậu Long. Nếu Mậu Long chạy thoát thì dẫn quân tiếp ứng ngay với quân ở hạ đạo để chặn đường bắt Hàn Tiếnđược trái lệnh.

Các tướng lĩnh mệnh lệnh trở về bản doanh sửa soạn để đợi hiệu lệnh tiến quân.

Sắc trời rạng xanh, canh tư đã đến. Tiết chế Thuận Nghĩa truyền lệnh bắn súng hiệu. Các tướng ai nấy theo thứ tự đem quân lên đường. Chỉ thấy:

Binh uy lẫm liệt, kiếm kích ngời sương,

Chiêng trống động vang trời, tinh kì che rợp đất.

Voi ngựa kín rừng tắc rẫy, chiến thuyền đầy biển khơi

Sóng nước tựa rồng cuồn, đầu non như lửa rực.

Lại nói tướng tiên phong ở hạ đạo là chưởng cơ Xuân Sơn vào khoảng giờ Dần[320] rạng ngày mười bảy đem quân tiến thẳng đến Đèo Ngang đánh vào trại quân của quận Đông Lê Hữu Đức. Quận Đông bất ngờ không chuẩn bị trước, quân Nam ào ạt xông vào như sấm rền sét nổ không kịp bưng tai. Quân lính kinh hoàng tán loạn chạy trốn khắp nơi. Quận Đông một mình chạy ra Lạc Xuyên[321]. Quân của chưởng cơ Xuân Sơn thu được hai con voi trận cùng với khí giới súng đạn nhiều không đếm xuể. Chưởng cơ Xuân Sơn khua quân tiến thẳng đến Dinh Cầu.

[320] Giờ Dần: từ 3 đến 5 giờ sáng

[321] Lạc Xuyên: tên xã thuộc huyện Cầm Xuyên, tỉnh Nghệ Tĩnh hiện nay.

Bấy giờ tướng trấn thủ Dinh Cầu là tả đô đốc Hàn Tiến đã đem đại quân vào Lũng Hống để cứu viện cho Mậu Long, chỉ hai tiểu tướng là Trăn Bái và Ký Thiệu[322] ở lại giữ trại. Bọn Trăn Bái vừa thấy tiểu tốt bán sống bán chết chạy từ Thạch Bàn về báo tin quân Nam theo đường hạ đạo đã đánh tan quân của quận Đông, thế tất sẽ kéo thẳng đến, Dinh Cầu không khỏi bị vây. Bọn Trăn Bái nghe báo tin xong thì thấy quân Nam đã đến bao vây ngoài doanh rồi. Trăn Bái và Ký Thiệu cả kinh, vội đem một trăm tên quân mai phục tại miếu Bình Lâm ở trong thành để đón đánh quân Nguyễn.

[322] Trăn Bái và Ký Thiệu. ĐNTLTB ghi hai người đều không rõ họ.

Bấy giờ tướng tiên phong là chưởng cơ Xuân Sơn thấy doanh trại quân Trịnh bỏ không, cho là xoa tay lấy dễ, bèn thúc quân tiến vào. Khi quân đến miếu Bình Lâm bất ngờ gặp một đội quân từ trong miếu chạy ra chặn đánh. Đó là hai tướng Trăn Bái và Ký Thiệu xua quân ra đánh xáp. Trăn Bái dẫn đầu một bọn hơn mười người. Chưởng cơ Xuân Sơn thấy Trăn Bái hung tợn vội lui quân về Thạch Bàn chiếm dòng khe để chống đánh. Quân hai bên giao chiến chừng hai chục hiệp, bỗng thấy ở góc tây nam bụi tung mù trời, chiêng trống dậy đất, một đoàn quân đông như kiến đang tiến gấp đến. Đó chính là đại quân của tiết chế Thuận Nghĩa tiếp đến trợ chiến, thế mạnh như đất động, núi lay. Trăn Bái cả kinh, hoảng hốt, trở tay không kịp, bị chém chết trong đám loạn quân. Còn Ký Thiệu giả làm một tên lính vượt qua khe Thạch Bàn chạy trốn. Tiết chế Thuận Nghĩa và chưởng cơ Xuân Sơn hội quân đóng đồn, chiêu hàng các quân sĩ bên Trịnh, bèn chiếm đóng Dinh Cầu. Thế là ba quân đột nhập vào nhà riêng của Hàn Tiến, thấy rượu thịt bày sẵn trên mâm rất nhiều, bèn tranh nhau ăn uống sạch trơn.

Người đời sau có thơ bình tán rằng:

Lẫm lẫm oai phong buốt ngọn thương,

Dài khua giáp sĩ quét biên cương.

Gươm dao vung tựa rồng cuồn biển,

Ngựa sắt bon như cạp nhảy rừng.

Sớm dậy sấm vang chồn cáo khiếp,

Gấp rền sét đánh mãnh xà cuồng.

Hùng binh một tiến khói lang tắt,

Lừng lẫy Trung châu ai dám đương?

Lại nói chuyện khi trời chưa sáng, tiên phong quân thượng đạo là trấn thủ Phù Dương cùng tiếp ứng với các tướng Đại Thắng, Chiêu Vũ thúc quân đánh Mậu Long, Hàn Tiến ở Lũng Hống. Nhưng đốc chiến Chiêu Vũ đã dự liệu trước, bèn dẫn quân bản bộ ra núi Eo Gió mai phục sẵn ở con đường hẻm hiểm yếu trong rừng sâu đợi bọn Đại Thắng, Phù Dương tung quân đánh Mậu Long, Hàn Tiến ở Lũng Hống. Quân lính bên Nam đều thuộc hạng to mạnh, ai nấy đều chiến đấu dũng cảm, một người địch nổi cả trăm quân Trịnh. Quân của Mậu Long thất thế, khiếp sợ vỡ mật run tim, chẳng ai dám đương đầu chống cự, bèn chạy tháo thân về phía núi sâu. Nhưng thế núi ở đây dốc đứng, quân Trịnh không biết lẩn trốn vào đâu, bèn vứt cả khí giới mà đầu hàng. Tiết chế Thuận Nghĩa cho thu nạp cả. Hàn Tiến cả bại, dẫn tàn quân chạy đến Hẻm Nỏ[323]. Quân bộ thuộc theo sau voi chỉ còn hai ba trăm tên, phần nhiều đều bị thương nặng, trong tay không một tấc sắt, tiếng gào la kêu khóc không ngớt dậy vang khắp đường. Hàn Tiến dẫn quân vòng theo đường núi phía sau Đèo Ngang mà chạy. Đến gò Đá Trắng, sắp qua Eo Gió, thấy không có bóng dáng của quân Nguyễn,

[323] Chữ trong nguyên văn theo âm chữ Hán đọc là “Kiểm Nỏ”. Nhưng có lẽ đây là một địa danh đọc theo âm Nôm là Hẻm Nỏ.

Hàn Tiến ngửa mặt nhìn trời, cười to bảo quân lính rằng:

- Nếu tướng bên Nam có mưu trí ngầm đặt quân mai phục ở đây chặn đường về thì hẳn bọn ta đều phải đi đời cả.

Hàn Tiến chưa dứt lời bỗng từ trên sườn núi thấy một viên đại tướng xông ra. Người ấy mình hạc, râu rồng, mày lân, mắt phượng, phong thái hùng mạnh đang vẫy quân đổ ào xuống, thế gấp như suối tuôn nước chảy. Hàn Tiến thấy vậy cả kinh, cất tiếng hỏi:

- Tướng bên Nam là ai, xin cho biết tính danh.

Tướng Nam đáp:

- Ta là đốc chiến Chiêu Vũ của Nam triều.

Hàn Tiến giận nói:

- Quân Nam làm nhục ta quá lắm! Kẻ trượng phu thà chết ở chiến trường lấy da ngựa bọc thây, ý nguyện của ta là thế đó.

Nói đoạn thúc quân giao chiến. Tiếng súng vang như sấm rền, đạn bắn như sao bay. Bấy giờ con voi đực của Chiêu Vũ đang cưỡi sợ sứng lùi về phía sau. Chiêu Vũ vội xuống voi, khua quân đánh xấp vào. Hai bên cầm cự giằng co chưa phân thắng bại. Chiêu Vũ ngắm rất nhanh bắn ngay một phát, trúng vào vai Hàn Tiến. Hàn Tiến chao người rơi xuống, may có quân lính cứu đỡ, dìu chạy vào núi tìm nơi ẩn nấp.

Đốc chiến Chiêu Vũ sai quân đuổi theo tìm bắt, nhưng không ai biết Hàn Tiến chạy trốn lối nào. Bấy giờ trời đã về chiều, bỗng có lệnh của tiết chế Thuận Nghĩa truyền gọi các tướng thu quân. Quân Nam bèn phóng hỏa đốt hai trại của quận Đông. Khói lửa bốc rựng trời, nhà cửa thảy biến thành tro bụi. Đốt doanh trại xong, các đạo quân đều hội cả về Hẻm Nỏ. Tiên phong Phù Dương và trấn thủ Đại Thắng trình bày với tiết chế Thuận Nghĩa xin cho dẫn quân đi lùng bắt Hàn Tiến để trừ mối lo sau.

Tiết chế Thuận Nghĩa nói:

- Hàn Tiến thua chạy, sức kiệt thế cùng, cũng ví như cá bơi trong chậu, chó rớt xuống hang, chẳng phải bận tâm làm gì. Nay trời sắp tối, đường xa quân lính chưa am hiểu núi non khe suối, chi bằng chia quân trại tạm nghỉ ở đây một đêm, đợi sáng hôm sau tìm người địa phương dò hỏi tin tức rồi hãy đi lùng bắt cũng không muộn.

Các tướng đều nói:

- Xin vâng lệnh của tiết chế.

Rồi ai nấy đều về nghỉ ngơi.

Tảng sáng ngày mười tám, đốc chiến Chiêu Vũ đem quân tiến đến xã Lạc Xuyên Hạ, chưởng cơ Xuân Sơn đem quân đến Dinh Cầu, trấn thủ Phù Dương đem quân đến Kỳ Quyết, trấn thủ Đại Thắng đem quân theo đường dưới chân núi Hoành Sơn. Các cơ đội khác đi sau tiếp ứng. Các trướng đều dẫn quân cùng tiến. Đi đến đâu trấn thủ Đại Thắng cũng sai quân tìm người địa phương để hỏi bắt Hàn Tiến nhưng họ đều nói không thấy, may gặp một người dân báo tin rằng:

- Tôi nghe nói hôm qua tả đô đốc Hàn Tiến bị quân Nam đánh đuổi, thua to, phải chạy trốn vào nhà dân, chiêu tập tàn binh, thu nhặt khí giới, mưu tính đón đánh quân Nam để báo thù. Phó tướng là Vinh Dương can rằng: “Nay quân ta đã bỏ trốn khắp nơi, các chiến tướng đều lánh trong núi cao lèn hiểm, khí giới, đạn dược, lương thực chẳng còn mà voi ngựa, súng thuyền, cờ xí cũng đều mất hết. Huống chi tướng công trên người còn mang thương tích nặng, tình thế khó chống cự với quân Nam, chi bằng ta hãy lui về đóng ở Trại Ống dâng biểu về triều đình xin cho quân vào cứu viện để mưu đồ thu phục về sau.Xin tả tướng công dời đến nơi đó yên tĩnh nghỉ ngơi đề tìm thuốc men điều trị. Đợi cho vết thương lành hẳn khi đó hãy chọn tướng luyện quân cũng còn chưa muộn. Vả lại, nay bên Nguyễn tướng hùng quân mạnh, nhuệ khí khó ngăn. Nếu ta giao phong với họ thì không khỏi bị thua. Xin tả tướng công minh xét.”

Hàn Tiến nghe xong đập cả hai tay xuống chiếu, cả giận ngước lên trời kêu to lên rằng: “Chỉ vì trời không giúp nên Hàn Tiến mới bị Chiêu Vũ làm khốn nhục đến nỗi này. Hàn Tiến tôi thề cùng với Chiêu Vũ không đội trời chung.” Nói xong lại giận dữ một hồi nữa, vết thương vì thế lại càng đau. Hàn Tiến không ngớt kêu rên. Vinh Dương lại phải khuyên can Hàn Tiến mới nguôi cơn giận. Đến canh năm ngày hôm ấy Hàn Tiến bèn lui quân về đóng trại ở cồn Chợ Thành[324], sai người đi tìm thuốc tốt để điều trị. Một mặt viết biểu tâu về triều xin cho quân vào cứu viện.

[324] Nguyên văn viết xen chữ Nôm và chữ Hán “cồn thành thị” có thể hiểu hai cách là chợ Cồn Thành, hoặc cồn Chợ Thành, tạm phiên như trên.

Quân do thám nghe lời người dân kể lại như thế bèn trở về trình với trấn thủ Đại Thắng. Trấn thủ Đại Thắng bèn sai quân đem thư hỏa tốc trình lên tiết chế Thuận Nghĩa biết

Thuận Nghĩa xem thư xong mừng nói:

- Hàn Tiến chết đến nơi rồi.

Nói đoạn bèn sai chức sự là Văn Xá đem thư hỏa tốc đến báo cho đốc chiến Chiêu Vũ biết. Đốc chiến Chiêu Vũ xem xong thư bảo các tướng rằng:

- Bọn ta chỉ một lần cất quân là thành công, lấy lại Trung đô cũng chỉ xoa tay là xong việc. Huống chi một mình Hàn Tiến mà không bắt được!

Nói đoạn bèn sai chức sự là Tuy Vũ đến trình với tiết chế Thuận Nghĩa rằng đốc chiến Chiêu Vũ xin cho tiến binh đến đóng ở các xã Vĩnh Kiều, Vĩnh Lại, trước là để chặn đường về của Hàn Tiến, sau là chiêu dụ hào kiệt đất Bắc quy hàng phòng khi dùng đến.

Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong lệnh cho Tuy Vũ trở về nói với Chiêu Vũ:

- Kế ấy là điều quan yếu của binh gia, rất hợp với ý ta. Nhưng các tướng đi đánh lần này chưa gửi tờ tâu để chúa thượng biết tin thắng trận. Vì thế ta mời đốc chiến hãy tạm lui về để cùng với các tướng soạn thảo bẩm văn, sai người đem về dâng chúa biết, ngõ hầu bọn ta khỏi mắc lỗi tự chuyên.

Tuy Vũ vâng lệnh trở về trình lại với Chiêu Vũ.

Ngay ngày hôm ấy tiết chế Thuận Nghĩa vào trong trướng cùng các tướng bàn việc viết bẩm văn, rồi sai quân ruổi ngựa ngày đêm đi gấp về vương đình trình báo. Hiền vương tiếp tờ biểu mở xem. Bẩm văn viết:

“Các tướng văn võ vâng mệnh dẹp trừ quân địch ở biên thùy phía bắc kính cẩn trình lên chúa thượng soi xét:

“Bọn thần vâng mệnh phát quân thủy bộ cùng tiến, vượt qua sông Gianh sang địa giới phía bắc, rồi hội đồng các tướng để điều khiển quân lính. Ngày mười sáu tháng này, từ sáng sớm, tướng tiên phóng đường thượng đạo là Phù Dương, Đại Thắng đánh tan quân Mậu Long ở Lũng Hống, đuổi dài đến Lũng Bông. Mậu Long phải đầu hàng.

Ngày mười bảy, tướng chỉ huy đường hạ đạo là Nghĩa Lâm, Xuân Sơn vượt Đèo Ngang đuổi đánh quân của quận Đông, chiếm Dinh Cầu, đuổi quân Trịnh chạy vào Hẻm Nỏ. Quân chính đạo do tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ chỉ huy chém chết Trăn Bái ở Thạch Bàn, đuổi Hàn Tiến đến Eo Gió. Quân hai bên giao chiến một lúc thì đốc chiến Chiêu Vũ bắn Hàn Tiến bị thương nhưng quân Trịnh cứu đỡ đưa đi trốn tránh. Tiết chế Thuận Nghĩa đem quân đánh lớn nhưng quân Trịnh buốt gan rét lòng, tướng binh đều run sợ chạy trốn vào Lang núi, khiếp đảm kinh hoàng, đứng không vững chân, lại phải chạy về trú ở còn Chợ Thành, gọi binh họp tướng để mưu kế báo thù. Bọn chúng lương thực cạn khô, khí giới chẳng có, Hàn Tiến phải dâng biểu tâu về triều đình xin chúa Thanh sai quân vào cứu viện. Huống chi họ Trịnh vẫn coi Hàn Tiến là tướng mạnh, trông cậy để giữ biên thùy. Bọn thần nhờ hồng phúc của chúa thượng cho nên ra quân được tiếng. Một lần cất binh đánh tan hung đồ, đánh lần thứ hai đuổi dài nguy đảng. Bọn thần nghĩ rằng Hàn Tiến như cá đã lọt vào nơm, sớm muộn tất cũng bị bắt. Kính cẩn tâu trình cúi mong thánh thượng lãm xét. Các tướng bon thần trăm lạy dâng khải.”

Chúa Hiền xem xong cả mừng, vuốt râu bảo các tướng rằng:

- Ta có Thuận Nghĩa, Chiêu Vũ, phá được quân Trịnh là việc tất nhiên. Đúng là có tài hổ tướng.

Các tướng đều lạy mừng, hết lời ca tụng chiến công.

Chúa Hiền sai chức sự là Văn Nghiêm ra địa giới phía bắc đem đồ thưởng ban cho các tướng và khao lạo ba quân, trao mật lệnh cho tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ. Mật lệnh nói: “Lệnh cho các tướng: mới đây các khanh đã vâng mệnh đem quân ra đánh Hàn Tiến. Ấy là các khanh đã có lòng hết sức cần vương, cho nên mới có thể một lần ra quân đã đạt được thành công như thế, ta hết sức vui lòng. Nay ta trên nhờ hoàng thiên che chở, tổ tông phù trì, dưới cậy ba quân anh hùng dũng nhuệ, quân thần hiệp sức, trên dưới đồng lòng, ta muốn cuốn chiếu đánh ra Trung đô đuổi dài ngụy đảng, diệt họ Trịnh tiếm quyền, phù nhà Lê khỏi đổ. Xét ra thì Hàn Tiến không đáng kể là hạng tướng nam nhi, nhưng hắn ta vốn là kẻ tâm phúc của họ Trịnh, quyết không thể dung tha cho hắn. Binh pháp nói: “Trước chặt cành lá, sau trừ gốc rễ, làm cho quân Trịnh không dám nhìn thẳng vào nhuệ khí của quân ta. Trước là khiến Trung đô lạnh tim, sau cho bốn trấn đứt mật, biết tay Nam Việt anh hùng. Các khanh nên kính cẩn tuân theo lệnh chỉ, hiệp sức mà thi hành cho xứng với lòng mong mỏi của ta”.”

Nghe truyền lệnh chỉ xong, các tướng vái vọng lĩnh mệnh. Ai nấy đều tư gắng chí, muốn thu phục Trung đô, dẹp yên bờ cõi, lập công danh muôn đời.

Lại có mệnh lệnh của chúa truyền riêng cho đốc chiến Chiêu Vũ, nói rằng: “Việc giao chiến đánh dẹp, ta ủy cho khanh. Riêng việc khanh vạch ra mưu kế bắt Mậu Long, đánh Hàn Tiến, đuổi quận Đông, chiếm Dinh Cầu qu đúng là diệu kế. Ta rất vui lòng. Nhưng Hàn Tiến thua trận, thất thế phải lẩn trốn ở nhà dân. Nếu để cho dân chúng nơi ấy thấy Hàn Tiến vẫn còn đó thì bên ta khó thu phục nhân tâm. Cho nên khanh phải mau chóng nghĩ mưu kế lùng bắt cho được, quét sạch dấu vết bọn hung đồ, chiêu dụ quân dân bên Trịnh quy hàng. Đó là thượng sách. Còn như việc bàn mưu định kế thì phải cùng với tiết chế Thuận Nghĩa đồng lòng, không được sơ suất, nhất thiết phải cẩn thận giữ gìn. Phủ dụ tướng sĩ binh dân Nghệ An được bao nhiêu người phải biên vào sổ sai người đem về nộp, thảy đều nên an ủi nhân tâm để họ vui lòng quy thuận. Khanh nên nghĩ kĩ để xứng với sự ủy thác của ta.”[325]

[325] ĐNTLTB cũng có chép việc chúa Hiền mật dụ cho Hữu Dật “đóng binh mà vỗ về quân dân để chờ cơ hội, chớ nên khinh tiến, phàm việc quân nên cùng Hữu Tiến thương nghị, không nên tự chuyên.”

Đốc chiến Chiêu Vũ xem xong, vái vọng lĩnh mệnh thụ ơn. Rồi đó, Chiêu Vũ làm ngay sổ sách ghi tên tướng sĩ binh dân Nghệ An mới về hàng, lại viết tờ khải giao cho chức sự Văn Nghiêm đem về triều.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3