Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 17 - Phần 2

Nay sai viên tiểu sứ chuyển đạt lời chân thực, bày tỏ tấm lòng thành, bố cáo công đạo. Dám phiền tiên sinh thi triển sức khuông phò, báo tin khắp các tướng tài Nam Bắc, bố cáo lòng nhân cứu đuối, để thu gồm hào kiệt khắp đông tây, hẹn nhau hội quân ở bến Mạnh Tân, cùng đánh dẹp trên đồng Mục Dã. Cơ đồ Lê, đế được trung hưng, càn khôn này chuyển lại. Đước như thế thì công ghi sử sách, tên truyền không nát.

Thư không thể nói cạn lời. Mong tiên sinh cùng chư vị xem xét. Kính đạt.”

[422] Chỉ Nguyễn Kim (được truy tặng tước An Tĩnh vương).

[423] Quách Phần Dương: tức Quách Tử Nghi, công thần đời Đường, giúp Đường Túc Tông dẹp loạn An Sử.

Kí lục Hồ xem xong thư cả mừng, chắp tay trước mặt, nói rằng:

- Cám ơn Nam chúa có lòng yêu rất hậu, ngu tôi dẫu gan óc bết đất cũng không dám quên ơn. Lại có quý tướng lòng thành báo nước như thế, lão phu đâu dám không tận sức ngựa hèn?

Rồi đó kí lục Hồ bèn mời các bậc danh tướng quen biết đến chơi nhà để cùng xem mật thư và tiếp nhận tặng vật. Xong đó mọi người đều hướng về phương Nam vái tạ lĩnh mệnh. Những người có mặt đều ước hẹn giữ lời nói trước, nguyện dấy binh tả hữu tiền hậu theo giúp quân Nam để lập nên công lớn. Kí lục Hồ bèn sai con trai là Tú Phượng đem mật thư và tín vật đi khắp các nơi để báo tin cho những người quen biết. Một mặt lưu bọn Văn Tường ở lại nghỉ ngơi vài ngày để đợi tin tức đem về tâu báo với Nam triều. Bọn Văn Tường nghe theo, bèn chuyển sang bên nhà khách nghỉ ngơi đợi tin.

Người đời sau có thơ rằng:

Đã hay thiên ý hợp nhân tâm,

Dòng nước về đông sóng cuộn ầm.

Một sứ chẳng từ du thuyết khổ,

Bốn phương hổ rồng lại lồng gầm.

Lại nói chuyện ở kinh đô Thăng Long, Tây Định vương Trịnh Tạc giữ người nước Minh là Ngô Cửu Lương không cho về nước. Vua Minh sai đốc chiến Quảng Đông là Dương Tông đem một trăm chiến thuyền đến đóng ở Đàm Hồng để đòi trả Ngô Cửu Lương về nước. Dương Tông bèn truyền lệnh cho quận Phấn ở Đông đạo, Triều Kỷ ở Tây đạo làm tiên phong dẫn đường cho quân thiên triều đi hỏi tội Tây Đinh vương Trịnh Tạc vì cớ khinh mạn hoàng đế thượng quốc bắt hiếp Ngô Cửu Lương không cho về nước. Một mặt gửi điệp văn cho Tây Định, nói rằng: nếu thả Cửu Lương về nước thì tha thứ tội trước, nếu không sẽ cho quân đánh phá thành trì, già trẻ không khỏi bị tru diệt. Tây Định vương Trịnh Tạc nghe tin vội triệu hỏi quần thần bàn bạc. Bỗng có tin báo quận Phấn ở Đông đạo, Triều Kỷ ở Bắc đạo đã làm phản dẫn đường cho giặc. Tây Định vương Trịnh Tạc cả kinh, tức giận nói:

- Quân Nam xâm nhiễu biên cảnh, hiện còn chiếm đóng ở miền sông Lam chưa lui. Nay đốc chiến Quảng Đông lại đem quân sang đóng ở Đàm Hồng. Người Cao Bằng đoạt lấy tô thuế không chịu nộp. Nay Đông Bắc hai đạo lại rắp tâm làm phản. Như thế chưa biết ý trời muốn làm gì ta đây?

Bèn gấp sai Quỳnh Nham ở dinh Thắng Nghĩa thống lĩnh năm mươi chiến thuyền đi chặn giữ quân đốc tướng Quảng Đông. Lại sai Dĩnh quận công đem hai mươi chiến thuyền tiến đánh bọn quận Phấn, Triều Kỷ. Hai tướng vâng mệnh đem quân xuất phát.

Trước hết nói quận Dĩnh đưa quân đến ba sông ở Cầu Hoa, gặp lúc quận Phấn và Triều Kỷ đã hội quân, dẫn hai trăm thuyền nan vây đánh quận Dĩnh. Quận Dĩnh cả bại, bỏ thuyền nan vây đánh quận Dĩnh. Quận Dĩnh cả bại, bỏ thuyền lên bộ chạy về cửa Giao Thủy[424].

[424] Tức cửa Ba Lạt ở huyện Giao Thủy, Hà Nam Ninh.

Tây Định vương Trịnh Tạc nghe tin, cả giận nói:

- Quận Phấn là đứa sất phu phản bội triều đình, tội lỗi của nghiệt đảng khó bề dung thứ!

Rồi đó Trịnh Tạc nghĩ ra một mưu kế để bắt quận Phấn. Nguyên là ở đất Hải Đông có viên cai trị là Hoàng Tín[425]có hai con gái nhan sắc đều xinh đẹp nguyệt thẹn hoa mờ, chim sa cá lặn, dáng đi tựa người Hàm Đan, nụ cười như nàng Tây Tử. Lúc trước quận Phấn muốn lấy làm vợ lẽ, nhưng cai tri Hoàng Tín không bằng lòng, bèn đem hai người con gái ấy tiến vào cung làm thị nữ ở phủ chúa Tây Định. Quận Phấn căm giận, bèn bắt Hoàng Tín tống giam. Nhân đó, Tây Định vương sai người lén tìm người nhà Hoàng Tín bàn mật mưu như thế, như thế… Ngày hôm sau Tây Định truyền lệnh rằng: Vì cai tri Hoàng Tín đồng mưu làm loạn với quận Phấn cho nên hai con gái làm thị nữ bị biếm truất, đuổi về nhà. Hôm ấy Hoàng Tín thấy con trở về, vui mừng khôn xiết, bèn đem cả hai người tiến cho quận Phấn. Quận Phấn cả mừng, thu nạp ngay, rồi hỏi Hoàng Tín rằng:

- Hai quý nữ do đâu mà được về?

[425] Bản Nôm chép là Hoằng Tín (A 559).

Hoàng Tín đáp:

- Từ khi tôn công dấy binh đánh quận Dĩnh đến nay, Tây Định vương sai quân bắt giam hai con gái của bỉ nhân, bảo bỉ nhân cùng với tôn công đồng mưu làm loạn. Ty Định vì thế bỉ nhân xin đem nhị nữ đến hầu hạ tôn công. Ngày sau đại sự thành công, cùng được hưởng phú quý, ấy là thỏa nguyện.

Quận Phấn nghe nói cả mừng, bèn tha tội cho Hoàng Tín, cất nhắc làm việc trong quận, cho giữ chức cai đội, coi như kẻ tâm phúc thân tín. Từ đó quận Phấn ngày đêm cùng với hai người con gái ấy uống rượu vui đùa, thường cùng với Hoàng Tín mưu tính việc đánh lấy kinh đô.

Bây giờ Tây Định vương sai người đi dò xét biết chắc sự thực trở về tâu báo. Tây Định vương cả mừng nói:

- Tên giặc Phấn nằm gọn trong tay ta, chẳng còn phải lo ngại gì!

Bèn sai thái bảo Hào quận công đem ba mươi chiến thuyền tiến xuống Hải Đông để bắt quận Phấn.

Quân của quận Hào đến Cầu Hoa truyền lệnh kể tội quận Phấn rằng:

- Tên quận Phấn ti tiện cớ sao dám trá xưng lệnh chỉ các Bắc quốc để âm mưu làm loạn thuế? Lệnh cho dân xứ Đông kẻ nào hối lỗi cắn rơm chịu tội thì tha cho khỏi chết. Nếu chống cự, đại binh kéo đến sẽ làm cỏ hết không chừa!

Quận Phấn cả giận, nói:

- Hắn là anh hùng thì ta là hào kiệt, sao dám múa lưỡi khinh mạn ta?

Nói đoạn đem một trăm thuyền nan kéo đi đánh quận Hào. Cai đội Hoàng Tín vội can rằng:

- Xin chớ! Xin chớ! Nay đang giữa mùa đông gió to sóng mạnh, thuyền bên ta nhỏ bé, khó cự địch. Chi bằng xin tôn công đến đóng ở nhà của hạ quan, đặt binh mai phục chỗ hiểm, đợi cho quận Hào đem quân vào chỗ trọng địa, sẽ cho quân xông ra đánh, không để cho tên nào chạy thoát, tất sẽ bắt gọn quận Hào, rồi thừa thắng đánh luôn lên lấy kinh đô!

Quận Phấn nghe nói cả mừng, vỗ vai Hoàng Tín nói:

- Mưu kế của ông là xuất quỷ nhập thần, không thể lường trước được. Quả là Khổng Minh của thời nay. Ấy là trời đem ông đến cho tôi đó vậy.

Nói đoạn bèn dẫn quân đến đóng ở nhà Hoàng Tín. Vừa bước vào trong cổng, quận Phấn liền bị phục binh của Hoàng Tín xông ra vây bắt trói ném dưới thềm. Quận Phấn kinh sợ, bấy giờ mới biết việc bèn lớn tiếng chửi mắng Hoàng Tín:

- Lão già mạt kiếp kia sao dám thông mưu phản hại ta?

Hoàng Tín đáp:

- Mi làm phản triều đình, tội ác trời không dung; đâu phải ta làm phản hại mi!

Hoàng Tín bèn mời quận Hào vào dinh, rồi cùng áp giải quận Phấn đem về kinh đô tiến nạp. Tây Định vương xét cai tri Hoàng Tín có công, cho thắng chức đô đốc đồng tri, tước quận công, giao cho cai quản Đông đạo. Hoàng Tín tạ ơn, lui triều trở về bản trấn. Bấy giờ Triều Kỷ ở Kinh Bắc cũng đã lui quân về. Đốc tướng nhà Minh là Dương Tông đóng quân ở Đàm Hồng chưa hề hay biết tin tức.

Tú Phượng đi dò xét tin tức, trở về báo tin. Kí lục Hồ nghe nói bật tiếng khóc to:

- Thương thay quận Phấn! Xót thay quận Phấn! Đáng tiếc kẻ anh hùng chết không đúng mệnh. Thế là ta mất một cánh tay rồi.

Rồi kí lục Hồ bảo bọn Văn Tường rằng:

- Nay đã lỡ mất cơ hội, xin hẹn dịp khác. Tôi sẽ tạm trở về Sơn Tây để khôi phục mối kết giao với các tướng sĩ ở vùng kinh đô. Nếu có cơ hội tôi sẽ xin lập sổ ghi tên, đưa vào tiến nạp Nam triều để bày tỏ tình trạng. Các ông ở đây có thể tận mắt trông thấy hiệu lệnh của tôi rất kĩ càng, khi trở về xin tâu trình lên chúa thượng biết rõ lòng tận tâm của kẻ bề tôi ở nơi xa.

Nguyên trước đó kí lục Hồ đã lo liệu để lọt vào vương phủ của Tây Định vương làm một chân giáo thụ dạy học cho các công tử, giảng dạy văn học, đàm luận binh pháp, không điều gì không thông suốt. Vì vậy Tây Định vương rất yêu kính kí lục Hồ. Tả phủ Quỳnh, hữu phủ Bích là con rể của kí lục Hồ, được Tây Định vương thân yêu như người tâm phúc, ngày đêm thường sai ở gần bên tả hữu. Kí lục Hồ bèn bí mật kết giao với hai người, cùng các hào kiệt ở hai huyện Đan Phượng, Từ Liêm và nhiều quân sĩ ở khắp trong ba mươi sáu phố phường Thăng Long. Tất cả được mười hai tướng và năm nghìn quân, đều theo đúng binh pháp mà luyện tập, ngày lén đêm động, tối họp sớm tan, đi dừng có phép, tiến thoái có quy củ. Ai nấy đều tình nguyện làm nội ứng, tôn kí lục Hồ làm quân sư, tuân theo mệnh lệnh điều khiển. Kí lục Hồ lại truyền lệnh cứ ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng đều lập đàn cầu cúng chẩn cấp cho dân nghèo, mượn cớ để hội họp bàn luận ở miếu Tam Vị, ở đền Bạch Mã, hoặc chùa Tổ Sư. Ở các nơi chùa miếu ấy đều dựng một cây cờ phướn lớn may bằng vải vàng, lấy đó làm hiệu để chiêu tập anh hùng bốn phương đến cúng lễ. Những ai cùng chung ý kín thì dời vào ngồi trong chỗ kín đáo để cùng nhau đàm luận. Mọi người đều ngóng trông Nam chúa đem quân vượt sông Lam, ruổi dài thẳng tiến ra Bắc, khi ấy sẽ cùng nhau hưởng ứng. Các điều mật ước đã hẹn định chu tất đâu vào đó.

Kí lục Hồ bảo bọn Văn Tường rằng:

- Nay tôi hãy tạm thi hành một hiệu lệnh để các ông thấy rõ là một hô trăm ứng. Khi về triều, mong các ông tâu trình để chúa thượng biết rõ.

Bọn Văn Tướng vâng dạ nghe lời. Kí lục Hồ bèn truyền lệnh mật cho người đồng đảng ở ba mươi sáu phố phường kinh kì ai có của cải thì đào hầm mà chôn giấu, chỉ bỏ xác nhà không. Đích thân kí lục Hồ sẽ lén vào phủ chúa bắn tên lửa làm hiệu lệnh. Khi thấy tên lửa vọt lên cao, ai nấy tự đốt nhà mình rồi chạy đến nơi phát ra hiệu lệnh, ai trái lệnh xử trí theo quân pháp.

Thế là mật đảng ở khắp kinh kì đều tuân theo mật lệnh của quân sư, ai nấy tự chôn giấu của cải, sẵn sàng để nổi lửa đúng hiệu lệnh.

Nguyên là kí lục Hồ biết phép chế loại tên dẫn hỏa rất tốt. Tây Định vương Trịnh Tạc thường sai kí lục Hồ bắn tên lửa để thử hiệu lệnh[426]. Đêm ấy Tây Định vương triệu kí lục Hồ vào phủ sai bắn tên lửa để xem cho vui. Kí lục Hồ vâng mệnh bước ra giữa sân giương cung lắp bắn một mũi tên ba mồi lửa bay vút tận may xanh, đuôi lửa tạo thành hình như ba rồng vờn nhau nhào lộn mấy vòng trên không. Lại bắn tiếp một mũi tên năm lửa thẳng vút cùng trời, đuôi lửa xòe màu trông dáng như năm chim phượng vờn múa giữa trời đêm. [426] Nguyên văn chép: “… sử phần phóng vi vệ” (… sai bắn để phòng vệ”, chưa rõ “để bảo vệ” nghĩa là thế nào?) Theo ý trên dưới tạm dịch như thế.

Tây Định vương đứng xem vỗ tay cả cười không ngớt ngợi khen:

- Khéo lắm! Khéo lắm!

Bèn rót rượu chén lớn ban thưởng cho kí lục Hồ. Kí lục Hồ lại phóng đi một tên bảy lửa, mỗi lửa bay lên tan thành vô số đốm lửa rơi lả tả xuống phía ngoài phố, bén lửa vào các nhà dân. Đêm ấy, dân ba mươi sáu phố phường ai nấy đều trông thấy ngọn lửa, người của kí lục Hồ đều tự đốt nhà mình theo đúng mật lệnh[427].

Bấy giờ ở bốn cửa thành lửa cháy rừng rực, khói bay mịt mù, giữa bầu trời đêm lửa bốc sáng rựng như ban ngày, nhặt được cả chiếc kim rơi dưới bụi cỏ. Già trẻ, đàn ông, đàn bà khắp mọi phố phường đều vỗ tay reo nhìn. Tây Định vương cả kinh vội sai các viên đề lĩnh giữ việc bảo vệ các cửa thành đem quân tứ vệ đi chữa cháy[428]. Nhưng bấy giờ đang lúc gió to, lửa theo gió càng bốc càng mạnh, chữa mấy cũng không sao dập được.

[427] Bản sao chép: “hải suất tứ vệ quân phóng hỏa”: chữ “hải” chính là do chữ “mỗi” chép nhầm ra (thừa bộ “thủy”); chữ “phóng” (đốt lửa).

[428] Đây nói việc quân giữ thành đi chữa cháy do liên tưởng ngược mà chép nhầm, đúng ra là chữ “diệt” diệt hỏa (dập lửa).

Kí lục Hồ trở về bảo với bọn Văn Tường:

- Các ông xem hiệu lệnh ứng biến như thế, khi trở về Nam triều xin chuyển tâu rành rõ trước vương đình.

Rồi đó kí lục Hồ mật truyền cho người của mình hội họp để liên danh kí tên vào sổ: tất cả hội được hơn ba mươi viên dũng tướng, tinh binh hơn hai vạn năm nghìn người, đều ghi tên giao nộp cho kí lục Hồ. Rồi đó bèn viết khải văn, kèm theo cả sổ ứng nghĩa giao cho bọn Văn Tường đem về Nam triều tiến nạp. Kí lục Hồ lại cho con trai là Tú Phượng cùng đi vào Nam triều để làm con tin.

Chưa biết bọn Tú Phượng vào Nam báo tin ra sao xem hồi sau sẽ rõ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3