Từ Hy Thái Hậu - Chương 2 phần 09

Tên thái giám sợ quá, đập ngực rên lên, bà ngoảnh mặt đi. Tên thái giám, dù muốn dù không phải tuân lệnh, đi ngay.

Bốn hôm sau, Cung thân vương đích thân đến nơi, vào trình diện ngay bà Từ Hy. Đi đường quần áo lấm láp, bụi bặm.

Mấy hôm liền, bà ngồi trong phòng không bước chân ra ngoài, kém ăn, ít ngủ, bao nhiêu hi vọng đặt vào lá thơ gửi cho Cung thân vương. Khi gặp Cung thân vương, bà mừng quá. Bà không để ý đến tên thái giám trung thành, Lý Liên Anh, mặt mày ngơ ngác, bẩn thỉu, đi suốt ngày, đêm không dám ngừng dọc đường để ăn uống.

Nom thấy Cung thân vương, bà vội vàng đứng dậy thi lễ hai mắt bà rớm lệ. Nhìn khuôn mặt thân vương hốc hác, song tính nết rất trung thực, người có can đảm, nghị lực, bà như được phấn khởi, vững dạ.

Cung thân vương nói:

- Tôi phải lén đến đây, đúng lí tôi phải vào trình diện Hoàng thượng trước, Người thái giám nói và cả trong thơ của lệnh bà, hiện nay có âm mưu định hãm hại tôi và lệnh bà, do tên phản loạn khởi xướng. Bọn chúng phao du, nói với Hoàng thượng là bọn người ngoại quốc đút lót tôi tiền bạc, tôi kết liên với họ, mưu đồ cướp ngôi báu. Nhận được thơ lệnh bà, tôi lật đật đến đây để xem xét tình thế, liệu kịp thời đối phó.

Thân vương đang nói dở, người a hoàn hớt hải chạy vào, khóc lóc:

- Lệnh bà ơi, lệnh bà... Hoàng nam... Thái tử...

- Chuyện gì? Làm sao? Người ta làm gì Thái tử?

Từ Hy lắc vai người a hoàn để cho nó nói.

Thân vương nói:

- Làm sao, nói lên, mụ, nói lên, sao lại đứng nhìn?

Người a hoàn vừa khóc vừa nói:

- Người ta ôm đi mất rồi. Người ta ẵm Thái tử về cho vợ thân vương Túc Thuận. Bà Túc Thuận, sáng hôm nay được gọi đến cung Sạ Liệp, đuổi tất cả a hoàn, thể nữ ra ngoài. Bà Túc Thuận gởi đứa trẻ cho một người lạ mặt.

Bà Từ Hy nghe xong xỉu, ngã xuống ghế, Cung thân vương trấn an, không để bà sợ hãi quá.

- Tâu lệnh bà, lúc này không phải là lúc sợ hãi. Lệnh bà phải bình tĩnh, can đảm để đối phó.

Ông thân vương không cần phải nói thêm, Từ Hy cắn hai môi, hai bàn tay xoắn vào nhau. Bà nói lớn:

- Thân vương phải ra tay. Chiếc ngọc tỉ. Phải có bằng được chiếc ngọc tỉ. Có ngọc tỉ là có quyền trong tay.

Cung thân vương thán phục sự nhanh trí của bà:

- Chưa thấy một khối óc nào minh mẫn như thế, tôi xin bái phục sự lanh trí của lệnh bà.

Từ Hy không để tai nghe, bà vội vàng đứng dậy. Thân vương giơ tay ngăn bà.

- Lệnh bà không nên ra ngoài lúc này. Để tôi nghe tình hình thế nào đã, Đông cung Thái tử có gì nguy hiểm không? Tôi không ngờ âm mưu đã phát lộ, bành trướng đến một giai đoạn ngoài sự ước tính của mình. Lệnh ba hãy chờ tôi về xem sao đã.

Ông nói xong, nghiêng đầu chào, vội vàng đi ra.

Nhưng làm sao bà có thể ngồi chờ thân vương về? Dù có nóng lòng thế mấy, cũng phải chờ, vì ra ngoài lúc này rất nguy hiểm, có thể bị ám sát ở một chỗ nào vắng vẻ, tối tăm. Nhưng con bà ra làm sao? Nghĩ tội nghiệp cho thằng nhỏ. Ôi Thế tử, tính mạng hiện nay ra sao?

Bà ngồi một mình trong phòng. Gió thổi vi vu trên mái cung. Bà quay đầu nhìn ra khuôn cửa sổ. Những ngọn gió thổi, bốc cát lên cao, rớt xuống những lỗ hổng để bắn xuống trên tường thành, cát lại rơi xuống hào. Lạch hào khô cạn, trên nền trời không có một đám mây mưa nào, gió thổi, mây bay đi hết. Cũng vì ngọn gió hanh này. Khi ông vua nằm trên võng qua những cánh đồng hiu quạnh, đã kết thúc mau chống cuộc đời ông. Bây giờ làm thế nào để cứu được Thế tử?

Bà như đang ở trong giấc hôn mê, đột nhiên bừng tĩnh mở mắt vẫn thấy người thái giám và a hoàn đứng đó. Bà ra ngồi ở bàn viết, với những cử chỉ nhanh nhẹn, bà đổ nước vào nghiên, mài mực, dầm ngọn bút lông, thảo một sắc chỉ về việc kế vị.

- Sắc chỉ: Trẫm, Hoàng đế Hàm Phong, trị vì Trung Quốc và các lân quốc phụ thuộc: Cao Ly, Tây Tạng, bán đảo Ấn Trung các hải đảo phương Nam.

Ngày hôm nay, trẫm thấy sắp phải theo về với các liệt thánh bán triều.

Trẫm, Hoàng đế Hàm Phong, trí óc sáng suốt, minh mẫn, trẫm tuyên bố, bởi sắc chỉ này:

Người thừa kế trẫm là con trai của Từ Hy, Tây cung Thái hậu sẽ được phong lên Hoàng thượng để nối dõi ngai rồng.

Chờ cho đến khi Thiếu đế đủ mười sáu tuổi, trẫm chỉ định: Phụ chánh vương là lưỡng cung Hoàng hậu, Đông cung Thái hậu và Tây cung Thái hậu.

Đến ngày hôm trẫm về chầu liệt thánh (Từ Hy để trắng) trẫm kí tên và đóng ngọc tỉ của hoàng triều vào tờ di chúc và sắc chỉ này.

Khâm thử.

Viết xong, Từ Hy cuốn mảnh lụa bản sắc chỉ, luồn vào ống tay áo che khuất. Bà đã ghép Sakota vào chức vị phụ chánh, như thế bắt buộc nàng phải đứng về phía bà, loại được Sakota ở về phía bên thù nghịch. Mánh khóe rất hay, bà phải tự mỉm cười, cho là đắc sách.

Người a hoàn và Lý Liên Anh đứng nhìn bà không chớp mắt. Tuy rất mệt mỏi, người thái giám không dám xin về nghỉ. Người nữ tì ngoảnh cổ ra phía cửa, để ý nghe ngóng như có tiếng người đi. Người nữ tì rất thính tai, sau bao nhiêu năm phục vụ trong hoàng cung.

Người thái giám hỏi:

- Mụ nghe thấy gì?

Hắn rón rén ra cửa, nhấc chiếc then ngang, lẻn ra ngoài. Khi người nữ tì nghe thấy tiếng bàn tay đập cửa, mụ hé mắt nhìn ra cửa. Mụ vào nói khẽ với bà Thái hậu:

- Tâu lệnh bà, ông anh họ của lệnh bà.

Từ Hy vẫn ngồi ở bàn viết, quay đầu lại bảo:

- Đưa hắn vào đây.

Bà vừa đứng dậy, Nhung Lữ bước vào. Người nữ tì đứng lại cửa, cài then ngang, người thái giám đứng gác ở ngoài. Với giọng niềm nở, Từ Hy nói:

- Chào anh.

Nhung Lữ sau khi gật đầu, chào hỏi qua loa, tiến lại gần. Bà nói:

- Xin anh đừng quỳ, anh ngồi tự nhiên xuống ghế, chúng ta nói chuyện tự nhiên như khi xưa.

Nhung Lữ vẫn không chịu ngồi, hai mắt nhìn xuống.

- Tâu lệnh bà, lúc này không phải là lúc chào hỏi xã giao. Hoàng thuợng sắp băng hà, viên chưởng quản thái giám bảo tôi đến trình lệnh bà rõ. Tải Thản cũng ở bên cạnh Hoàng thượng, gần được một giờ có cả thân vương Đoan Huy và Túc Thuận. Ba người này đang cưỡng ép hoàng thượng kí vào tờ chúc thư, phong cho chúng chức nhiếp chính. Hoàng thượng đã khước từ khi bọn chúng nài ép. Bọn này vẫn chưa chịu thôi.

Nghe xong, bà Từ Hy quyết nghị tức thời. Bà chạy liền ra cửa. Tên thái giám Lý Liên Anh chạy theo sau. Bà vừa chạy vừa ra lệnh cho tên thái giám:

- Đến cấp báo cho Thiên tử biết, ta ẵm Đông cung Thái tử đến bây giờ.

Bà chạy nhanh như gió đến cung Sạ Liệp, đẩy cửa xông vào, không ai có thể ngăn cản nổi. Ở xa, bà đã nghe thấy tiếng con nít kêu khóc, ngừng một chút, lắng tai nghe, nhận ra tiếng của con. Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên rất may, bà đang đi tìm chưa biết con đâu, tiếng kêu khóc của con, khác nào như người chỉ dẫn. Bà đẩy bọn nữ tì hỏang sợ đứng dẹp sang một bên, bà đi ngang qua các phòng, theo tiếng trẻ khóc mà tiến tới. Khuôn cửa cuối cùng đã qua, bà thấy con bà, trong tay một người đàn bà lạ ẵm, người đó cố dỗ cho nó nín không được. Bà không nói gì, giằng lấy con, ẵm chạy, đứa trẻ thấy lạ nhưng không sợ. Bà chạy ngang qua các gian phòng, các hành lang, trèo lên bậc, xuống bậc, không nghĩ một chỗ nào. Bà vào thẳng trong nội tẩm, viên chưởng quản thái giám nom thấy bà đã mở cửa sẵn để mời bà vào.

Bà kêu lên hỏi:

- Thiên tử chưa “xuôi” chứ?

Viên chưởng quản thái giám trả lời, tiếng nghẹn ngào nước mắt giọt ngắn giọt dài:

- Tâu lệnh bà, Thiên tử còn thoi thóp.

Bọn thái giám quỳ quanh long sàng, sụt sịt khóc. Bà bước bừa lên bọn này, coi như những khúc cây bị trận gió nằm rạp xuống. Bà đến thẳng đầu long sàng, tay vẫn ôm con.

- Hoàng thượng.

Bà nói hai tiếng đó rất mạnh bạo, to tát, tiếng lanh lảnh. Bà đứng chờ, không thấy trả lời, bà đã nhắc:

- Hoàng thượng...

Bà tưởng như mọi lần, khi ông vua say á phiện.

Ông đã nghe thấy, từ từ mở mắt. Ông quay đầu về bà, hai mắt đã dại.

- Hoàng thượng, đây Đông cung của chúng ta.

Đứa trẻ giương to hai mắt, nhìn.

- Hoàng thượng phải tuyên bố nó là Đông cung của Hoàng thượng. Nếu Hoàng thượng nghe thấy, Hoàng thượng giơ cánh tay phải làm hiệu cho biết.

Tất cả mọi người đứng đó nhìn vào ông vua sắp chết. Bàn tay vàng nghệch yếu đuối, không thấy cử động. Một lúc sau, người ta thấy bàn tay hơi nhúc nhích, ông đã cố gắng hết sức. Bà nói:

- Hoàng thượng tuyên bố, Từ Hy Tây cung Thái hậu làm nhiếp chính vương. Ngoài thiếp ra không ai có thể bảo toàn được Thế tử, có nhiều người tranh giành định hãm hại. Hoàng thượng cử động bàn tay phải để chuẩn y.

Một lần nữa, bàn tay ông vua lại thấy nhúc nhích cử động. Bà Từ Hy tiến sát lại gần, nhắc khẽ mấy ngón tay đã gần cứng.

- Hoàng thượng... Hoàng thượng hãy cố gắng lên một chút nữa.

Ông vua đã cố gắng hết sức nghe theo, hai con mắt đã dại nhìn bà. Bà trút ở ống tay áo, tấm sắc chỉ viết trên lụa, nhanh như chớp Nhung Lữ đã bưng lại ngọn bút lông và nghiên son. Bà giao thằng nhỏ cho Nhung Lữ ẵm. Bà ghé mồm sát vào tai vua nói:

- Hoàng thượng kí vào bản chúc thư. Thần thiếp cầm tay, Hoàng thượng co mấy ngón tay vào cán bút.

Bà cầm tay vua, mấy ngón tay ông như cử động đã kí vào bản văn.

Từ Hy cuốn tờ chúc thư luồn vào ống tay áo.

- Xin cảm ơn Hoàng thượng... Bây giờ Hoàng thượng nằm yên nghỉ.

Bà giơ tay ra hiệu cho mọi người rút lui ra ngoài. Nhung Lữ ẵm Thế tử ra ngoài, bọn thái giám đứng cả một góc phòng, lấy ống tay che mặt. Bà ngồi xuống giường, hai tay nhấc đầu ông vua lên. Ông còn sống không? Hình như vẫn thấy ngực ông phập phồng, ông còn thở. Ông mở to hai mắt, khẽ lẩm bẩm trong mồm:

- Ái phi…

Ông ngừng một lúc không thở, cuống họng thấy run run, ông thở hắt ra rồi “xuôi” luôn.

Bà sẽ sàng đặt đầu ông xuống gối, cúi xuống sụt sùi một lúc. Bà cũng nhỏ vài giọt lệ thương hại cho con người hãy còn trẻ, lúc sinh thời chẳng được một ai ưa chuộng. Riêng mình bà, bà có thể thực tình yêu được người đó không.

Bà đứng dậy ra ngoài, chân đi chậm chạp, dáng điệu một bà Hoàng hậu quả phụ.

Nhanh như một luồng gió thổi, tin đức vua băng hà loan truyền khắp trong thành nội. Thi hài của ngài được tẩm liệm, đặt trên linh sàng, ở giữa điện Nhiệt Hà, các cửa ra vào đóng kín, cấm chỉ không cho ai vào. Hai đại đội ngự lâm quân vào khoảng một trăm người dưới quyền chỉ huy Nhung Lữ, ngày đêm canh phòng. Ở trong điện chỉ có giống chim tự do ra vào, bay lượn đậu trong các khe chạm rồng ở trên mái chồng hai tầng. Trong điện lặng lẽ âm thầm, một sự lặng lẽ đầy ghê rợn.

Trong bốn bức tường thành, nghe như ầm ì có một cuộc đại chiến, ai có thể tiên đoán cuộc chiến sẽ kết thúc ra sao?

Bà Từ Hy tuổi tuy còn rất trẻ, chưa đầy ba mươi, bây giờ nghiễm nhiên trở thành Hoàng Thái hậu, thân mẫu Đông cung Thái tử. Các thân vương cùng huyết thống, các tộc đảng đứng về phía bà. Những yếu điểm đó có đủ vững chắc để bà cầm quyền không? Mọi người, ai cũng biết, viên cơ mật đại thần Tản Thải và hai ông hoàng, bào đệ của cố Hoàng thượng, ba người này thù nghịch với bà. Cung thân vương còn kết liên với bà nữa không? Bọn triều thần chưa biết ngả về phía nào, lúc này còn chờ đợi, chưa dám ra mặt đứng hẳn về phía nào.

Trong lúc đó, bọn thám tử Tải Thản báo tin vua đã băng hà. Tải Thản cho gọi viên chưởng quản thái giám, sai đem bản tin cáo thị cho bà Từ Hy. Với một giọng hách dịch, Tải Thản bảo tên thái giám:

- Đến nói cho bà ấy biết thân vương Đoan Huy và ta được Thiên tử đề cử làm nhiếp chính vương, lệnh này có trước khi Thiên tử đi chầu Tiên đế. Nói với bà ấy, ta chỉ thị cho bà ấy rõ.

Viên chưởng quản thái giám nghiêng đầu chào, không nói một lời, đi ra. Hắn đi được nửa đường nghĩ đến nói cho Nhung Lữ biết. Nhung Lữ được tin lập tức tìm cách đối phó.

Nhung Lữ bảo tên thái giám:

- Đi thật nhanh đem bức cáo thị cho Hoàng Thái hậu và dắt cả người đó đến. Ta nấp ở ngoài cửa, chờ khi nào họ đi ra ta sẽ vào.

Từ khi vua chính thức băng hà, bà Từ Hy ngồi trong phòng ăn mặc đại tang, trắng toát từ đầu đến chân. Bà không ăn uống, suốt ngày ngồi trên ghế, hai tay bó gối, mắt lơ đãng nhìn ra quãng trống. Bọn thể nữ đứng quanh bà khóc lóc, lấy ống tay áo chùi nước mắt. Chỉ có bà Từ Hy ngồi yên, không khóc.

Bà nghe tiếng chân viên thái giám đến, mắt bà vẫn lơ đãng nhìn ra ngoài xa, nói giọng uể oải như phải làm một việc gì bực mình khó chịu:

- Cho mời viên cơ mật Tải Thản, hai thân vương Đoan Huy và Túc Thuận vào đây: Hoàng thượng này ở dưới suối vàng, có việc gì ngài giao phó, ta phải phụng chỉ.

Bà nói vừa dứt lời thì bọn Tải Thản, Đoan Huy, Túc Thuận vào. Bà quay đầu về thiếu nữ Mai, con gái Tải Thản bảo lui ra ngoài.

Khi người thiếu nữ đã đi khỏi, bà đáp lễ bọn ba người để tỏ ra bà không kiêu hãnh tuy hiện nay bà ở một ngôi vị cao vì vua đã băng hà. Bà đứng dậy thi lễ, mời ba người kia ngồi. Thái độ Tải Thản có vẻ hách không được nhã nhặn, hắn ngẩng cao đầu, vuốt chòm râu, nhìn bà có vẻ như thách thức.

Viên cơ mật nói:

- Thưa bà, tôi đến nói cho bà rõ về sắc chỉ phong nhiếp chính vương. Lúc lâm chung, Thiên tử đã...

Bà ngắt lời:

- Thưa quý ngài, nếu quý ngài có tờ sắc chỉ, có châu phê và đóng ngọc tỉ, tôi có bổn phận phải tuân hành, phụng chỉ.

- Tôi không có sắc chỉ, nhưng có nhân chứng. Thân vương Đoan Huy…

Đang nói bà chặn lại:

- Sắc chỉ tôi giữ đây, châu phê trước mặt tôi và toàn thể thái giám.

Bà đưa mắt nhìn quanh tìm An Đắc Hải, nhưng người thái giám này khôn ngoan đứng ở ngoài, muốn tránh những cuộc va chạm có khi nảy lửa. Từ Hy muốn có bằng chứng trong lời tuyên bố, bà rút ở ống tay áo tờ sắc chỉ, có châu phê khi vua hấp hối sắp mất. Bà bình tĩnh, đọc rất rõ ràng mạch lạc từng chữ, từng câu, từ đầu đến cuối.

Tải Thản vuốt râu, nghiến răng, nói:

- Bà đưa tôi coi chữ kí.

Bà đưa tờ sắc chỉ cho coi, Tải Thản vội kêu lên:

- Không có dấu ngọc tỉ. Một tờ sắc chỉ không đóng ngọc tỉ không có giá trị.

Hắn không ngồi lại nghe bà giải thích, vội vàng đứng dậy, cả đồng bọn theo sau. Bà hiểu ngay tại sao hắn lật đật vội vàng, ngọc tỉ hiện cất trong một chiếc tráp, chiếc tráp đó hiện nay ở trong gian điện, nơi đặt linh sàng. Người nào chiếm được ngọc tỉ là người đó đắc thắng. Bà nghiến răng, tức quá, mình sơ hở để bọn chúng bắt bẻ.

Bà lột chiếc mũ đang đội quẳng xuống đất, bứt đầu, bứt tai, như hóa điên.

“Ngu thật, nghĩ mình ngu thật, Cung thân vương cũng ngu quá, không nhắc mình điều đó. Nhung Lữ cũng ngu, bọn thái giám phản phúc, nếu họ bảo mình sớm hơn một chút. Ngọc tỉ hiện ở đâu?”

Bà chạy ra cửa, mở cửa ầm ầm, không thấy có ai ở ngoài cả An Đắc Hải lẫn Lý Liên Anh. Không có ai đi theo dõi ba người đó. Bà vật mình nằm xuống đất, khóc nức nở. Phản phúc đến thế là cùng; mất bao nhiêu công trình, huyết hãn.

Thiếu nữ Mai tình cờ ghé mắt nhìn qua khe cửa thấy bà chủ nằm thẳng đờ dưới đất như đã chết, nàng vội vàng bước vào quỳ bên cạnh.

- Ô! Làm sao thế này? Lệnh bà bị đau đớn thế nào? Thương tích làm sao? Có ai xúc phạm đến lệnh bà?

Nàng cố nhấc bà chủ đứng dậy mà không được. Nàng vội vàng chạy ra cửa, vừa lúc đó Nhung Lữ đến, đi sau có Lý Liên Anh.

Nhung Lữ bước vào, không để ý nhìn thấy bà Từ Hy. Hắn cầm một ngói bọc lụa vàng.

Hắn đặt chiếc gói xuống, lúc đó mới thấy bà Từ Hy nằm dưới đất, hắn cúi xuống ôm bà lên. Hắn nhìn bà nói:

- Tôi đem ngọc tỉ về rồi.

Trịnh trọng, Nhung Lữ hai tay cầm chiếc ngọc tỉ bằng ngọc thạch có khắc phù hiệu Thiên tử. Chiếc ngọc tỉ chuyển tiếp trong triều đại nhà Mãn Thanh từ tám trăm năm nay.

Nhung Lữ nói:

- Tâu lệnh bà, hạ thần có được nghe những lời của tên loạn thần Tải Thản, trong khi hạ thần đứng ở ngoài cửa sổ bảo vệ lệnh bà. Hạ thần nghe nói sắc chỉ không có dấu ngọc tỉ. Một cuộc chạy đua giữa chúng ta và bọn chúng. Một mặt hạ thần phái viên thái giám giữ hắn lại nếu hắn đến chỗ đặt linh sàng có cất ngọc tỉ.

Lúc này rất nguy hiểm, bọn hoạn thần thua, rất có thể chúng tìm cách sát hại mình.

Bà Từ Hy nói:

- Lúc nào nhà ngươi cũng phải ở bên cạnh ta.

Cùng lúc đó đột nhiên, Cung thân vương xuất hiện, trong lúc vội vàng, hấp tấp, ông quấn vạt áo quanh người. Ông hốt hỏang nói lớn:

- Ngọc tỉ đã biến mất đâu rồi. Tôi thân chinh đến tận điện đặt long sàng, tôi ra lệnh cho bọn lính canh gác mở cửa nhưng Tải Thản đã đến trước tôi, chỉ còn chiếc tráp không, có người đã lấy ngọc tỉ rồi.

Ông nói đến đó, mắt chợt nhìn thấy chiếc ngọc tỉ gói trong chiếc khăn lụa màu vàng. Ông lạ quá, mồm há hốc, hai mắt giương to, môi mỉm cười.

- À, bây giờ tôi mới hiểu tại sao Tải Thản nói một người đàn bà như lệnh bà, hắn phải giết không thì sau này sinh hậu họa.

Bà Thái hậu, thân vương và viên chưởng quản thái giám nhìn nhau rồi phá lên cười.

Bà Từ Hy giấu chiếc ngọc tỉ xuống gầm giường, chỉ có người thị ttìvà tên thái giám biết chỗ bà giấu. Thân vương bảo bà:

- Lệnh bà đừng nói với tôi lệnh bà giấu ngọc tỉ ở đâu để tôi có thể nói thực là tôi không biết.

Đã có ngọc tỉ trong tay, bà Từ Hy được rộng quyền hành động. Bà yên chí, rất thản nhiên, bình tĩnh khi câu chuyện ngọc tỉ bị mất, gây hoang mang trong cung. Tất cả mọi người đều đoán biết rõ ai đã chiếm đoạt được ngọc tỉ. Có những người mấy hôm về trước lộn xộn đã có vẻ lên mặt, bây giờ len lét không dám ho he. Ba người chủ động cuộc âm mưu, cố tránh mặt bà, bà biết họ có thể phát điên phần thì tức, phần lo số phận. Trong công việc trả ơn, báo oán, việc trước nhất, bà sai thái giám đến cảm ơn vợ Đoan Huy đã trông nom con bà, bà đoán chắc từ nay bà không phải nhờ ai trông nom con bà, vì vua đã băng hà, bà rất rảnh rang tự trông nom lấy con được.

Bà đến chơi bà Đông cung, vẻ mặt buồn rầu, ủ rũ, báo cho bà biết, trong tờ di chúc cố Hoàng thượng đã chỉ định cả hai người làm nhiếp chính vương. Bà nói:

- Bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta vẫn là chị em, đức vua đã muốn như vậy để chị em ta chung sức trông nom con. Em xin thề với chị, suốt đời em, em xin hết lòng hết dạ.

Bà nắm bàn tay bà Từ An, mỉm cười rất mặn mà. Làm sao bà Đông cung có thể nói gì lại được. Bà cũng cười, tỏ vẻ đoàn kết.

Bà Từ An nói:

- Chị nói thật với em, chị rất sung sướng khi chị em ta kết làm một đôi bạn tâm giao.

Bà Từ Hy trả lời:

- Chị nói “bạn” không đúng, đây hai chị em mình cùng một huyết thống.

Bà Từ An:

- Ừ, chị em cùng chung huyết thống... Lúc nào chị cũng ngại Tản Thải quá... Con mắt hắn gian hùng lắm... Tuy hắn hứa không bao giờ chị tin được hắn.

Bà Từ Hy ngọt ngào hỏi:

- Hắn hứa gì, hở chị?

Bà Từ An đỏ bừng mặt:

- Hắn hứa, trong khi hắn ở chức vụ nhiếp chính vương chị sẽ là Hoàng Thái hậu.

- Thế còn em, có lẽ có định giết em chắc?

- Không khi nào chị để cho nó làm như thế.

Từ Hy vẫn giữ lễ độ:

- Em cũng nghĩ thế, chứ đời nào chị lại để hắn làm thế... Thôi, bỏ qua chuyện đó, không nhắc làm gì.

Bà Từ An ngập ngừng nói:

- Trừ ra…

Bà Từ Hy hỏi gặng:

- Trừ ra cái gì hở chị?

- Vì em đã biết, chị cũng chẳng cần giấu giếm, chúng nó âm mưu giết hết người ngoại quốc trong nước và đồng thời giết hết các anh em ruột cố Hoàng thượng, những người có vẻ chống đối chúng.

Bà Từ Hy vẫn giữ nét mặt bình tĩnh, không lộ vẻ gì sửng sốt. Bà nói:

- Thế cơ à?

Bà Từ Hy mồm mỉm cười nhưng trong lòng sợ quá. Có bao nhiêu song mạng bà có thể cứu được trong số đó có cả tính mạng của bà.

Lúc chia tay, bà nắm chặt bàn tay Từ An, nói:

- Giữa hai chị em mình, từ rầy có chuyện gì hay dở nói cho nhau biết. Chị cứ yên tâm không lo sợ gì hết, bọn tặc thần không có ngọc tỉ, những sắc chỉ chúng ban ra theo pháp lí không có giá trị gì hết. Chỉ người nào có ngọc tỉ trong tay, trên ngọc tỷ có khắc mấy chữ “Uy quyền theo đúng pháp lệnh” người đó mới bước được lên ngai rồng.

Bà Từ Hy dáng điệu rất bình tĩnh, nét mặt uy nghi. Bà Từ An không dám hỏi ngọc tỉ hiện nay ở đâu? Bà cúi đầu, khẽ nói:

- Đúng thế, em ạ.

Chao ôi! Để tỏ lòng bi ai về một cái tang chung Hoàng thượng băng hà, bà Từ Hy đã thắt chặt mối cảm tình giữa hai người trên nền tảng thân hữu. Bà Từ Hy xin cáo lui. Thời giờ trôi qua để xếp đặt việc hồi loan, Cung thân vương đã điều đình với quân ngoại quốc xin đình chiến để làm lễ đăng quang và lo liệu ma chay cho cố Hoàng thượng.

Lúc Cung thân vương ra đi, ông có dặn lại bà Từ Hy:

- Tâu lệnh bà, xin lệnh bà đừng tiếp người anh họ trong lệnh tộc. Không ai biết rõ hơn tôi, lòng can đảm, trung thành, của viên quản đó. Nhưng bây giờ bọn người phản phúc tìm tòi, soi mói theo dõi nhất cử, nhất động. Xưa kia đã có những lời xầm xì, bàn tán bất lợi. Xin lệnh bà dùng tên An Đắc Hải, hắn rất tận tâm phục vụ.

Từ Hy nguýt thân vương như ngầm trách: “Ông cho tôi ngu lắm sao?”

Thân vương hiểu ý:

- Xin lỗi bà.

Thân vương nói xong, đi ra.

Lời khuyên can đó có phải là thừa? Chắc hẳn là không, vì hiện nay có bọn người đang dòm ngó, sơ ý một kẽ hở là có hại. Từ Hy dù sao cũng là một goá phụ trẻ, còn ham mê vì tình dục. Từ ngày vua băng hà, nhiều đêm bà nằm mơ nàng tưởng tượng đi qua những hành lang tối om om, những gian phòng rộng lớn, không có một người nào để đến một gian nhà dành riêng cho đội ngự lâm quân. Những ý nghĩ, tơ tưởng đó bay chập chờn trên đầu óc bà. Bà nhớ lại những ngày xa xưa, người đó trai tráng, khoẻ mạnh, cao lớn hơn bà, hùng dũng, mạnh bạo không như ông vua chồng bà ốm yếu, ẻo lả, bất lực... Để tranh đấu với những kỉ niệm xưa, với lòng dục vọng, mấy lời khuyên nhủ của Cung thân vương như một tấm mộc che đỡ. Bà cố làm ra bề ngoài rất bình tĩnh để che giấu ngọn lửa đang bốc cháy. Vả lại, dù lòng có muốn, lúc này chưa thể được, công việc còn ngổn ngang, nỗi khó khăn còn nhiều. Bà phải làm sao diệt trừ được bọn phản phúc, tránh hậu hoạ sau này để con bà vững vàng lên ngôi báu kế vị phụ vương.

Nhờ có một sắc đẹp quyến rũ, dáng điệu đường hoàng, uy nghi, sự khéo léo, nên trừ ra mấy người đối nghịch, còn tất cả quay về bà nhất là đội ngự lâm quân được bà đặc biệt ưu đãi.

Bà tin cậy nhất An Đắc Hải, một tên thái giám tuyệt đối trung thành. Nhờ có tên này bà biết rõ nội tình của bọn người mưu phản. Bà làm vẻ thản nhiên hỏi An Đắc Hải:

- Họ vẫn chủ trương ám sát ta.

- Họ chưa hành động, chờ khi nào về cung thành, có địa vị rõ ràng mới ra tay.

Ngày mùng 2 tháng 9 âm lịch, cuộc đình chiến được kí kết với quân ngoại xâm, hội đồng nhiếp chính ấn định ngày hồi loan. Theo tục lệ cổ truyền, khi các vua chúa băng hà ở nơi xa, không ở trong hoàng thành, các Hoàng hậu phải đi trước để tiếp đón linh xa khi trở về. Bà Từ Hy sửa soạn trở về trước với Thế tử trong bộ đồ tang chế. Tục lệ này rất có lợi cho bà trong lúc này vì bọn bộ ba thù nghịch với bà, bắt buộc phải đi kèm theo linh xa. Cổ linh xa do một trăm hai mươi phu khênh, đi rất chậm phải mất mười hôm mới tới kinh thành. Bà Từ Hy đi hết có năm hôm trong chiếc xe gỗ có la kéo. Bà được tự do hoạt động, củng cố địa vị trước khi bọn kia tới. Chiều hôm trước ngày lên đường, viên chưởng quản thái giám đến nói với bà:

- Tâu lệnh bà, con xem bọn kia có vẻ tuyệt vọng. Như thế lệnh bà cần phải để ý đề phòng.

- Tôi tin lời anh nói.

- Tâu lệnh bà, con hiểu mưu định của chúng. Tải Thản ra lệnh cho bọn lính của hắn đi theo lệnh bà. Họ lấy cớ đội ngự lâm quân phải đi kèm theo linh xa. Hắn ra lệnh cho hạ thần và cả Lý Liên Anh đi theo sau linh xa.

- Chao ôi!