Từ Hy Thái Hậu - Chương 3 phần 07
Bà khóc một lúc, lấy chiếc khăn tay lụa gấm trên vai áo bằng một chiếc khuy cẩm thạch, lau khô nước mắt. Bà trở lại bình tĩnh, để tâm trí suy nghĩ tìm cách đối phó. Bà phải tìm cách nào để thay thế tình quyến luyến của con bà đối với bà Đông cung. Bà phải tìm một người đàn bà khác trẻ đẹp, nghĩa là bà phải lo kiếm một người bạn trăm năm cho con, nay đã đến tuổi trưởng thành. Bà nghĩ thấy những lời bàn của Nhung Lữ nói với bà khi trước rất khôn ngoan. Kế thượng sách là lo lập Hoàng hậu cho ấu đế, như thế mới có thể đả phá, diệt trừ ảnh hưởng xấu xa của bọn thái giám và nhất là bà Đông cung, một người đàn bà trầm lặng, làm hư hỏng tính tình ấu đế.
Bà ngồi lẩm bẩm nói một mình: “Ta có nhờ Sakota (nhũ danh bà Từ An) làm mẹ cho con ta đâu? Con người bạc nhược đó chỉ sinh được một đứa con gái ẻo lả cả tinh thần lẫn thể chất.”
Càng nghĩ bà càng tức, hai tay đập vào nhau chan chát. Bà cho gọi Lý Liên Anh bây giờ là tổng quản thái giám.
Bà ra chỉ thị cho Lý Liên Anh: Các thiếu nữ đến trình diện, ngày giờ, nơi họp và những điều kiện để tuyển trạch. Những thiếu nữ phải có nhan sắc, thuộc các tộc đẳng Mãn Châu và không được hơn ấu đế hai tuổi.
Tên thái giám nghe bà Thái hậu truyền lệnh, hắn nói hắn biết tính ấu đế và xin sáu tháng để sửa soạn. Bà Thái hậu thấy thời gian dài quá những sáu tháng, bà chỉ cho phép nội trong ba tháng phải xếp đặt cho xong.
Vấn đề ấu đế, bà thu xếp được ổn thỏa, bây giờ bà để tâm trí vào công việc trong nước. Có một chuyện làm bà bực dọc nhất là sự ương ngạnh của quân xâm lăng Tây phương, yêu sách để cho sứ thần họ vào bệ kiến, nhưng không theo lễ nghi triều đường, không chịu quỳ lạy. Đã mấy lần bà nổi cơn lôi đình về những yêu sách hỗn xược đó.
“Làm sao ta có thể chấp thuận cho bọn đó vào triều kiến, họ không chịu quỳ trước ngai rồng. Lễ nghi chốn triều đường đã quy định, lẽ nào bậc chí tôn tự hạ để hạ cấp đứng thẳng người nói chuyện ngang hàng sao được?”
Như mọi khi bà gạt sang một bên không muốn nghĩ tới vấn đề nan giải đó. Một viên quan ở hàn lâm viện, Vũ Quả Tú có làm một tờ biểu chương xin cho các sứ thần ngoại quốc được vào bệ kiến, xin châm chước về lễ nghi, bà Thái hậu từ khước, lấy cớ vấn đề đó đã có từ lâu, không thể chấp nhận một cách vội vàng cẩu thả được. Bà cương quyết tuyên bố:
- Ta cấm chỉ bất cứ ai vào bệ kiến trước ngai rồng không tuân theo lễ nghi triều kiến, vì chấp thuận cho họ được tự do tức là khuyến khích bọn phản loạn. Bà ra chỉ thị cấm không cho phép một ngoại nhân nào được bước chân vào trong cấm thành. Bọn ngoại nhân mỗi ngày mỗi hống hách, rất khó chịu. Bà nhớ viên tướng Trương Quế Phân có kể cho bà nghe về việc dân chúng ở Hàng Châu nổi lên chống đối những người ngoại quốc đi truyền giáo, đã xui giục bọn thanh niên, nam nữ, cưỡng lời cha mẹ, phủ nhận các thần thánh, chỉ biết tin thờ có một vị thần ngoại quốc. Bà cũng còn nhớ, dân chúng ở Thiên Tân vô cùng phẫn nộ trước hành vi ngạo mạn của các linh mục người Pháp đã biến cải một ngôi chùa thành lãnh sự quán, họ ném hết những pho tượng ra đống rác.
Lúc đầu bà Thái hậu không để ý, coi thường những chuyện đó, bây giờ bà suy nghĩ, bà lo sợ, cuộc xâm lăng của bọn đạo Gia Tô là một nguy cơ làm lung lay cả nền tảng quốc gia.
Bọn người theo Gia Tô giáo nhan nhản chỗ nào cũng có, bọn ngoại nhân truyền đạo của họ, tuyên bố vị thần của họ mới đúng còn toàn là tà thần. Bọn nữ nhân ngoại quốc đi gieo rắc đạo giáo cũng không kém phần nguy hiểm. Họ có chịu ở trong nhà đâu, họ xông xáo đi khắp mọi nơi, len lỏi giữa đám đàn ông, cử chỉ, tác phong, như những gái điếm. Chưa ai thấy bao giờ một đạo tự phụ mình là chính thống và miệt thị đạo khác. Hàng bao nhiêu thế kỉ, những đồ đệ của Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo sống trong hòa đồng, biết tôn trọng lẫn nhau, đạo này không miệt thị đạo khác. Duy chỉ có bọn Gia Tô giáo phủ nhận tất cả, giữ độc tôn, chỉ có đạo của họ được tồn tại. Bây giờ, thời gian đã chứng minh cho biết, chỗ nào có bọn người truyền giáo xuất hiện, chỗ đó ít lâu sau bọn lái buôn Tây phương kéo đến, theo sau là hạm đội, chiến thuyền, thần công, đại bác...
Một hôm bà Thái hậu bảo Cung thân vương:
- Sớm muộn gì chúng ta cũng phải loại trừ hết bọn ngoại nhân, trước hết là bọn Gia Tô giáo.
Thân vương mỗi lần nghe bà Thái hậu nói về việc trừ khử bọn ngoại nhân ở trong nước, ông lo sợ vì nó sẽ xảy ra rất nhiều chuyện không hay. Một lần nữa, ông lại cố xin bà Thái hậu thận trọng về việc này:
- Tâu Thái hậu, Thái hậu cũng đã rõ bọn ngoại nhân có những vũ khí rất mạnh, người mình chưa được biết. Xin phép Thái hậu cho phép hạ thần thảo một quy chế để hạn chế hành động của họ với dân chúng trong nước.
Bà chấp thuận lời đề nghị. Tám hôm sau thân vương đệ trình bản dự thảo về quy chế. Bà nói:
- Hôm nay tôi nhức đầu, thân vương viết thế nào đọc cho tôi nghe.
Bà nói xong, nhắm mắt, ngồi yên nghe.
- Tâu Thái hậu, từ ngày xảy ra cuộc xung đột giữa dân chúng với các nữ tu sĩ, hạ thần quyết nghị, từ nay bọn Gia Tô giáo chỉ có quyền nhận vào cô nhi viện những con cái các đồ đệ của họ.
Bà vẫn nhắm mắt, khẽ gật đầu, tỏ sự đồng ý. Cung thân vương đọc tiếp:
- Hạ thần cũng nêu một vấn đề, các hội truyền giáo ngoại quốc không được vượt ra ngoài nhiệm vụ về tôn giáo, không được bênh vực những đồ đệ người bản xứ phạm pháp, luật lệ quốc gia. Nói rộng nghĩa là các linh mục không được xen vào nội bộ cuộc trị an của triều đình.
- Câu đó rất đúng, hợp ý ta.
- Hạ thần cũng ghi thêm một vấn đề không kém phần quan trọng, các nhà truyền giáo không được yêu sách về sự “Bất khả xâm phạm”, trú ngụ trong một lãnh thổ ngoại quốc. Phải chịu theo luật lệ của nước đó.
- Dĩ nhiên như vậy.
- Những phần tử bất hảo, phạm pháp không được lấy giáo đường làm nơi ẩn trốn.
- Đúng vậy, luật lệ quốc gia phải được hành xử trên toàn lãnh thổ.
- Đó là đại cương bản quy chế, hạ thần đã thông đạt cho các lãnh sự quán ở kinh thành.
- Những điều đó rất hợp tình, hợp lí.
Thân vương nét mặt rất nghiêm nghị tâu:
- Tâu Thái hậu, hạ thần rất khổ tâm tâu trình lên Thái hậu, bọn ngoại nhân không chấp nhận bản dự thảo quy chế. Họ nhất định yêu sách kiều dân họ có quyền di chuyển trên khắp lãnh thổ nước ta và muốn làm gì tùy ý. Còn tệ hơn nữa, họ khước từ không chịu đọc bản dự thảo quy chế, tuy đã gởi cho họ theo đường lối ngoại giao. Chỉ có lãnh sự Hoa Kỳ trả lời, không phải là vấn đề chấp thuận, mà là trả lời đã nhận được bản cáo thị.
Bà Thái hậu không sao nén được sự phẫn nộ trước thái độ ngạo mạn hỗn xược của quân ngoại xâm. Bà mở to mắt, vỗ hai bàn tay vào nhau, đang ngồi trên ngai, bà đứng dậy đi vòng quanh gian phòng, mồm lẩm bẩm những câu gì không rõ tỏ vẻ vô cùng bực tức. Đột nhiên, bà im không nói, nhìn thẳng vào thân vương.
- Thân vương có nói cho chúng biết, như vậy là chúng tự tiện lập một quốc gia riêng biệt trong nước mình không? Mà còn nguy hại cho nước ta nữa, không một quốc gia nào mà lại có rất nhiều quốc gia, mỗi một phái tôn giáo của họ lại đặt ra thể lệ, luật pháp riêng biệt, chúng không thèm đếm xỉa gì đến luật pháp của nước ta.
Với vẻ mặt thất vọng, buồn buồn, thân vương trả lời:
- Hạ thần đã nói với các công sứ ở các quốc gia đó.
Bà Thái hậu hét to, hỏi:
- Thân vương có hỏi bọn họ, nếu chúng mình cũng làm như họ, đến nước họ muốn làm trời làm đất gì, liệu họ có bằng lòng không? Chúng mình không tôn trọng luật pháp ở nước họ, làm như nước họ thuộc về lãnh thổ của nước mình thì họ nghĩ sao?
- Hạ thần có hỏi, được họ trả lời: Không thể đem so sánh văn minh của họ với trình độ văn minh của nước mình, luật pháp của nước mình không tiến bộ bằng luật pháp của nước họ, họ phải bảo vệ kiều dân của họ.
Bà Thái hậu nghiến răng ken két:
- Chúng nó nói thế mà vẫn cố sống cố chết bám lấy đất này. Mình tống khứ, chúng không chịu đi.
Bà ngồi phịch xuống ghế:
- Ta biết bọn chúng chỉ thỏa mãn khi nào chiếm được trọn vẹn nước mình, như chúng đã chiếm được Ấn Độ, Miến Điện, Phi Luật Tân, quần đảo Nam Dương, Java…
Thân vương không nói gì, ông cùng một quan niệm, một ưu tư như bà Thái hậu.
Bà ngẩng đầu, khuôn mặt rắn rỏi cương quyết, mặt bà tái đi:
- Tôi nói, bất cứ với một giá nào, phải tống xuất bọn chúng ra khỏi lãnh thổ.
- Nhưng...
- Bắt buộc phải như vậy, với bất cứ giá nào, với một phương tiện nào. Ta phải để tâm làm bằng được cho đến khi nào ta nhắm mắt, lìa đời.
Bà đứng dậy, dáng điệu lạnh lùng, trầm tĩnh, thân vương đã hiểu cuộc hội kiến đã mãn.
Từ ngày đó, bà Thái hậu như bị ám ảnh với một ý nghĩ duy nhất:
“Tống xuất hết bọn ngoại nhân ra khỏi nước.”
Mùa thu năm ấu đế Đồng Trị vừa đúng mười sáu tuổi, bà Thái hậu lo lập Hoàng hậu.
Bà ra quyết nghị, vấn đề đó được đem ra tham khảo ý kiến đại hội đồng đình thần, đoàn thể các tộc đảng và các thân vương. Ngày giờ tuyển trạch do tòa khâm thiên giám định. Sáu trăm thiếu nữ nhan sắc được triệu tập vào trong thành nội. Viên tổng quản thái giám Lý Liên Anh chọn trong sáu trăm thiếu nữ lấy một trăm người.
Một ngày nắng ráo đẹp trời. Trong sân, trên bệ tường rực rỡ những bông hoa muôn màu, muôn sắc, bà Thái hậu và bà Đông cung ngự ở lầu Trường Xuân dự kiến các thí sinh diễu hành đi ngang qua. Bà Thái hậu thích nhất cung Trường Xuân, trong cung có treo các tấm bích họa nét vẽ rất khéo, nom rất sống động.
Ba chiếc ngai được đặt giữa gian phòng, hoàng thượng ngồi giữa, hai bên tả hữu tay ngai có hai bà Đông cung và Tây cung. Ngai của Hoàng thượng cao hơn một chút. Ấu đế mặc cẩm bào màu vàng, thêu rồng, đội mũ bình thiên có cắm một chiếc lông công, gắn ở mũ bắng một chiếc nút cẩm thạch màu đỏ tươi. Ấu đế ngồi rất ngay ngắn, nghiêm chỉnh, đầu ngẩng cao. Bà Thái hậu đoán biết con thích lắm, thấy hai má con đỏ ửng, hai mắt đen lánh sáng ngời. Bà rất hãnh diện thấy con có mộtsắc đẹp dị thường. Trong thâm tâm bà có ý ghen, bà sợ một thiếu nữ nào nhan sắc chiếm hết tâm hồn con bà, tuy thế bà lại muốn chọn một người nào thật đẹp để con bà đuợc mãn nguyện, sung sướng.
Ba tiếng kèn đồng báo hiệu một cuộc diễu hành. Viên tổng quản thái giám đọc danh sách các thiếu nữ. Các thiếu nữ đi hàng một ngang qua ngai vàng, ngừng lại, cúi gập mình chào, rồi ngẩng mặt lên, hướng về phía ngai. Người ta thấy bọn thiếu nữ ở cuối phòng đi ra, lố nhố nhiều lắm, quần áo sặc sỡ muôn màu nghìn tía, những chiếc mũ gắn đồ nữ trang, óng ánh dưới ánh nắng xuyên qua các khuôn cửa mở rộng.
Lại một lần nữa, tiếng kèn đồng nổi lên, bà Thái hậu ngồi yên trên ngai, không quay đầu, hai mắt nhìn thẳng trước mặt, trông ra ngoài sân những bông hoa rung rinh trước gió, bà nhớ lại thời dĩ vãng xa xưa, lùi lại thời gian cách đây hai mươi năm, bà ở trong bọn thiếu nữ được đưa vào đây tuyển lựa. Nghĩ lại, thấy trong lòng ngao ngán, ông vua khi trước và người đang trị vì ngày nay, khác nhau một trời một vực. Ông vua hiện nay vừa trẻ vừa đẹp, còn ông vua kia… Nghĩ đến mà đau lòng, ốm yếu, bệnh hoạn, thân hình khô đét, hai mé trũng sâu, nước da vàng nghệch. Ông vua trẻ đẹp ngồi cạnh bên bà, người thiếu nữ nào mà chẳng say mê. Bà nhìn chếch sang một bên vào cuối phòng. Những thiếu nữ tiến lại, người này tiếp nối người khác, bước chân chậm chạp, người nào cũng đẹp cũng xinh, xiêm y rực rỡ thướt tha bước tới. Lý Liên Anh đọc to danh sách từng người. Bà Thái hậu kiểm điểm lại những chi tiết, lí lịch từng người, toàn những con nhà danh giá lệnh tộc.
Không sao nhớ hết tất cả những bông hoa mới chớm nở, có người cao lớn, có người thấp nhỏ, có người dáng điệu còn ngây thơ, có người hình vóc nhỏ bé, có người vạm vỡ, khỏe mạnh.
Ấu đế chăm chú ngắm nhìn, không lộ cảm nghĩ. Buổi sáng trôi qua, mặt trời đã đứng bóng, những ánh nắng nhạt dần rồi tắt hẳn, trong gian phòng ánh nắng lờ mờ. Vừng kim ô ở chân trời chiếu những ánh nắng vàng nhạt vào những bông cúc đỏ ối ngoài sân. Người thiếu nữ cuối cùng đã đi ngang qua. Tiếng kèn thổi lên ba lần, báo hiệu cuộc diễu hành đã chấm dứt. Bà Thái hậu cất tiếng, nói:
- Con có người nào vừa ý con không?
Ấu đế cầm bản danh sách, lật các trang tìm, ngón tay trỏ chỉ vào một tên nói:
- Người này.
Bà Thái hậu đọc mấy dòng chữ, tiểu dẫn về người thiếu nữ đó:
Ái Lan, tuổi mười sáu, thứ nữ quận công Chung Hi, một cụ quản thủ chấp kì, nho học uyên thâm, danh gia lệnh tộc, dòng dõi chính thống Mãn Châu, nguyên thủy đã có từ bốn trăm năm nay. Người thiếu nữ hội đủ những yếu tố về nhan sắc, thân hình cân đối khỏe mạnh, hơi thở nhẹ nhàng, học lực rất khá, tính nết thùy mị, đoan trang, khiêm nhường, ít nói.
Bà Thái hậu đọc xong những dòng chữ tiểu dẫn, rất có thiện cảm. Bà nói:
- Mẹ không để ý nên không nhớ rõ đến người đó. Truyền cho trình diện lại.
Ấu đế quay đầu về phía tay trái, bà Đông cung hỏi:
- Thứ mẫu có nhớ người đó không?
Bà Đông cung trả lời làm mọi người sửng sốt:
- Ta có nhớ. Ta thấy nét mặt người đó rất nhu mì hiền hậu.
Bà Thái hậu nghe bà Đông cung nói, trong lòng bà ghét quá, con mụ đó làm ra có trí nhớ, khôn ngoan, tuy vậy bề ngoài vẫn niềm nở, nói:
- Chị nom tinh mắt hơn em. Em phải cho gọi con nhỏ đến, xem tinh tướng nó thế nào?
Bà ngoắc tay gọi một tên thái giám, tên này truyền lệnh cho tên tổng quản thái giám, một lúc sau, Ái Lan được đưa vào trình diện. Nàng tiến về phía ba vị ngồi trên ba chiếc ngai, ba vị này quay đầu lại, để ý nhìn nàng. Hình dáng người mảnh dẻ, dáng đi thướt tha, yểu điệu, đầu cúi thấp, hai bàn tay bị hai ống tay che kín một nửa, dáng dấp dịu dàng chân như khẽ chấm đất.
Bà Thái hậu truyền:
- Tiến lại gần đây con.
Với một dáng điệu rất uyển chuyển, người thiếu nữ vâng lệnh. Bà Thái hậu nắm tay nàng, khẽ bóp. Bà thấy bàn tay nuột nà cứng cáp, ấm áp, móng tay nhẵn nhụi. Bà ngắm khuôn mặt trái xoan của nàng, những nét tròn trĩnh, đều đặn, hai mắt to sáng, lông mi dài, nước da mịn màng, hơi xanh, mồm vừa phải không nhỏ quá, hai vành môi như một nét vẽ của một danh họa, không nhỏ không thô, vừa phải, cổ dài nhưng không gầy. Tóm lại về dung mạo, hình dáng người thiếu nữ có một thân hình rất cân đối, kiều diễm.
Bà Thái hậu, vẻ ngập ngừng hỏi:
- Việc tuyển lựa như thế đã thật đúng chưa?
Bà vẫn tiếp tục ngắm nhìn người thiếu nữ, cân nhắc, suy nghĩ, chiếc cằm nàng có bị lẹm không? Khuôn mặt nàng có vẻ già dặn đối với tuổi mười sáu. Bà nói:
- Theo ý tôi, tướng mạo của người này vào hạng bướng bỉnh, khó dạy. Người dân bình thường cũng phải kén một người vợ ngoan ngoãn, biết phục tòng huống hồ vợ một Hoàng đế càng cần phải biết thần phục.
Ái Lan đứng yên, đầu ngẩng cao, mắt nhìn xuống. Bà Đông cung nói như để bênh vực:
- Chị xem nó có vẻ thông minh, đĩnh ngộ.
Bà Thái hậu bác lời đó, bà nói:
- Em không cần người vợ của con em phải thông minh.
Ấu đế vừa cười vừa nói:
- Mẫu hậu thông minh cho chúng con là đủ rồi.
Bà Thái hậu cũng phì cười để tỏ ra bà có độ lượng hoan hỉ trong ngày trọng đại “Tuyển trạch hoàng hậu.” Bà bảo con:
- Thôi tùy ý con, nếu con thích mẹ cũng chấp nhận cho con chọn người thiếu nữ đó, nhưng sau này nó có cứng cổ khó dạy, đừng có trách mẹ nhé.
Người thiếu nữ phủ phục quỳ xuống úp mặt trong lòng bàn tay dưới mặt đất. Nàng cúi dập đầu lễ ba lần trước bà Thái hậu, ba lần trước ấu đế, bây giờ là chủ nhân của nàng và ba lần trước bà Đông cung.
Làm lễ khấu đầu xong rồi, nàng đứng dậy đi ra, dáng diệu thướt tha uyển chuyển như khi đến.
Bà Thái hậu nói một mình, giọng mơ màng:
- Ái Lan, cái tên nghe cũng hay hay.
Bà quay đầu về con hỏi:
- Thế còn những thứ phi?
Theo tục lệ, sau khi người thiếu nữ được chỉ định, phải chọn bốn người con gái đẹp để tuyển vào cung làm thứ phi.
Ấu đế có vẻ hững hờ như không để ý, bảo bà:
- Việc đó, con nhờ mẹ chọn lựa cho con.
Bà Thái hậu rất hợp ý vì bà đã chủ tâm lập mưu, sau này muốn làm cho phai lạt mối tình cảm của Hoàng hậu, bà sẽ dùng một thứ phi do bà lựa chọn để li gián. Bà nói:
- Để đến mai hãy chọn vậy. Ta ngồi suốt cả ngày đã thấy mệt.
Bà đứng dậy mỉm cười với con. Thế là hết một ngày, quyết nghị trọng đại đã được thi hành.
Ngày hôm sau, bà Thái hậu tuyển lựa bốn thứ phi. Hội đồng khâm khiên giám bấm quẻ, coi các vị tinh tú, đặt ngày cử hành ngày hôn phối. Hội đồng ấn định ngày 16 tháng mười dương lịch, vào giờ Tí (nửa đêm).
Ngày hôm đó, một vị đại thần ở tòa khâm thiên giám đi trước mở đường cho chiếc xe song loan, Ái Lan ngồi ở trong, buông rèm đỏ, tiến về cung Hoàng thượng. Vị đại thần tay cầm một chiếc nến đỏ lớn, trên cây nến có khứa ra từng đoạn (mỗi đoạn lửa cháy hết trong bao lâu) canh chừng cho chiếc xe loan đến cung vua vào giờ hoàng đạo (giờ Tí). Đúng giờ, sớm muộn độ một phút, Hoàng thượng với các quan văn võ, lưỡng cung ra nghênh hôn. Ái Lan trên xe loan bước xuống có hai bà già đi kèm, hai người đàn bà khác đến đón và đưa trình lên Hoàng thượng.
Hội hè yến tiệc ăn mừng cuộc hôn phối kéo dài suốt một tháng. Ấu đế và Hoàng hậu trở thành vị quốc trưởng của quốc gia, lưỡng cung phải từ nhiệm chức vụ nhiếp chính vương, chức vụ đó hai bà đã đảm nhiệm trong mười hai năm nay. Một lần nữa tòa khâm thiên giám phải coi lịch, chọn ngày lành, tháng tốt để hai bà làm lễ chuyển giao quyền binh cho tân vương. Hội đồng khâm thiên giám ấn định ngày 26 tháng giêng âm lịch cử hành. Ngày 23 tháng giêng, bà Thái hậu xuống một chiếu chỉ cho châu phê, đóng ngọc tỉ (hiện bà còn giữ). Trong tờ chiếu, bà tuyên bố hai bà chấm dứt trọng trách nhiếp chính, giao hết trong trách cho đức Kim thượng. Đồng thời, Hoàng thượng cũng xuống một chiếu chỉ, tuyên bố, để tỏ lòng hiếu kính, đức vua phải tuân lệnh lưỡng cung đảm trách mọi việc trong nước. Tờ chiếu chỉ nói:
“Để tỏ lòng hiếu kính, vâng lệnh lưỡng cung, kể từ ngày hai mươi sáu, đầu tuần trăng, niên hiệu Đồng Trị thứ mười hai, trẫm đảm nhiệm trọng trách trị vì giang san xã tắc...”
Bà Thái hậu thông tri cho quốc dân biết bà từ nhiệm trọng trách, giao hết quyền hành cho cho đức Kim thượng để an dưỡng tuổi già. Nhiệm vụ bà coi như đã hoàn tất, bà giao lại cho Hoàng thượng nguyên vẹn toàn lãnh thổ.
Bà bắt đầu một cuộc sống ung dung nhàn hạ, bà không phải từ tờ mờ sáng phải dậy để ra thiết triều. Bà không bận bịu lo lắng công việc quốc gia, không phải thưởng phạt. Bà ngủ trưa muốn dậy lúc nào tùy ý, suốt ngày nhàn hạ, không phải lo lắng một việc gì. Sau bao nhiêu năm vất vả, buổi sáng, mở mắt ngủ dậy đã phải lo toan việc nước, bây giờ bà chỉ nghĩ đến những cành mẫu đơn ngoài vườn. Trong một chiếc sân lớn nhất trong cung, bà cho đắp một giả sơn, trồng toàn mẫu đơn. Những cây mẫu đơn trồng trên giả sơn đã đâm chồi, nảy lộc, người ta đã thấy những nụ hoa màu hồng, màu đỏ hay màu trắng.
Mỗi sáng có đến trăm đóa hoa mới nở, nhởn nhơ trước gió, chờ bà đến để thưởng ngoạn. Những ngày trước bà phải vội vàng liếc mắt nhìn qua một chút để còn đến đại diện thiết triều cho kịp.
Nhưng bây giờ bà dậy trễ hơn mọi khi, thay quần áo ngủ, bà ngủ mặc chiếc quần bó ở mắt cá chân, một chiếc áo lụa, ống tay rộng, khi tắm xong mặc chiếc quần khác, một chiếc áo dài lụa hồng, ngoài một chiếc áo lụa viền lam, ngắn đến mắt cá chân. Ngày hôm đó, bà muốn ở ngoài vườn suốt ngày với hoa, lá, chim muông, nên ăn mặc cho gọn gàng. Trong khi bà tắm, một viên thái giám già chải đầu, đội mũ, bà để ý các thể nữ dọn dẹp giường, gập chăn, quấn màn. Bà không cho phép bọn a hoàn, cả những thái giám hay các bà thể nữ già mó tay vào chăn màn của bà, vì bà cho bọn này không được sạch sẽ, người hôi hám. Bà để phần việc dọn giường cho các những thiếu nữ trẻ, mạnh khỏe, bà tự trông nom, săn sóc, chỉ bảo. Bà bắt đem ra sân giũ cho sạch, phơi nắng suốt ngày ba tấm nệm, chăn, màn, gối. Tấm ra phủ trên lát giường cũng được nhấc lên để lau chùi sạch sẽ tất cả những khe góc của chiếc giường đồ sộ và chiếc tán trên giường có rủ rèm xung quanh bằng vóc. Buổi chiều, lại đem ba chiếc nệm phơi ngoài sân đem trải trên giường, phủ lên trên tấm gấm vàng và những tấm mền lụa mềm nhũn, sáu chiếc mền lụa sáu màu khác nhau: Màu hoa cà, xanh, hồng, xám, ngà, trắng. Tấm phủ giường bằng vóc vàng thêu rồng kim tuyến, những đám mây xanh. Trong những khe, nếp của chiếc rèm ở giường, người ta có khâu những túi nhỏ, đựng hoa phơi khô và xạ hương. Khi những thứ đó hết mùi thơm, người ta thay những túi mới.
Khi người thái giám chải đầu xong, chia mớ tóc làm hai, tết lại, quấn tròn trên đỉnh đầu, đặt chiếc mũ miện Mãn Châu lên đầu, gài chiếc mũ bằng hai chiếc thoa dài, cắm ở búi tóc. Bà Thái hậu tự chọn lấy thứ hoa gài đầu. Ngày hôm đó bà gài đầu bằng mấy bông hoa lan nhỏ, mùi thơm nhẹ nhàng. Chải đầu, đội mũ xong, bà rửa mặt bằng xà phòng thơm, cọ rửa bằng nước thật nóng, rồi xoa lên da thứ kem làm bằng mật ong, sữa lừa và vỏ cam. Sau cùng bà đối mặt bằng một thứ phấn màu hồng nhạt, phấn rất mịn và thơm. Son phấn xong, bà chọn những đồ nữ trang. Bà cho đem lại bản kê khai các món nữ trang, chỉ cho biết số mục của chiếc hộp đựng nữ trang. Một thể nữ chuyên coi về các đồ nữ trang đi lấy chiếc hộp ở gian phòng bên. Xung quanh tường ở phòng đó, có những ngăn tủ có để những chiếc hộp bằng đồi mồi, đánh số thứ tự. Tủ có khóa, chiếc chìa khóa bằng vàng. Có bản kê khai từng món đồ. Có đến hàng ngàn hộp, nhưng toàn những đồ trang sức thường. Trong một gian phòng khác, có then khóa chắc chắn, ở trong đó có để những món trang sức rất quý giá, bà chỉ đem ra dùng trong những ngày lễ lớn. Hôm đó bà mặc áo màu lam, bà đeo lam ngọc, hạt trai ở cổ hai bên tai, nhẫn, vòng tay.
Trang điểm xong, bà kiểm điểm lần nữa khuôn mặt bằng chiếc khăn tay lụa. Bà đính ở áo một dải lụa trắng Ấn Độ có in hoa màu vàng và màu lam. Sau đó, bà ra ngồi ở bàn ăn điểm tâm. Mỗi một món ăn đặt trên một chiếc đèn nhỏ để hâm cho nóng. Những món ăn bày trên bàn khoảng hai mươi món, bà lựa chọn tùy theo ý thích, mỗi món ăn chút ít, rồi ăn bát cháo kê nóng. Các thể nữ đứng ở xa, tiến lại bàn ăn, không dám nhúng đũa vào những món bà đã lựa chọn.
Hôm ấy bà rất vui vẻ, không rầy la, mắng mỏ, chờ các thể nữ ăn xong, còn thừa bà đem cho đàn chó. Khi bà bực tức, cáu giận, bà cho đàn chó ăn trước các thể nữ, bà nói chỉ có giống vật là có nghĩa hơn con người.
Ăn xong điểm tâm, bà ra vườn đến chổ núi giả trồng mẫu đơn. Mùa này các loài chim trở về, bà thích nghe tiếng chim kêu ríu rít. Khi thấy một con chim hót, bà cong môi bắt chước tiếng hót của nó, bà bắt chước rất khéo con chim liền bay đến đậu trên bàn tay bà. Bà bắt các thể nữ đứng ra xa, bà đứng yên giơ một cánh tay, bà lại bắt chước tiếng chim mai hoa, gọi một con chim mai hoa đang đậu trên cành trúc, bay đến đậu trên ngón tay bà. Nét mặt bà lúc đó rất hiền từ, nom rất khả ái, các thể nữ cũng phải thấy lạ, nét mặt đó có lúc trở nên rất cay nghiệt độc ác. Con chim bay đi, bà gọi các thể nữ lại bảo:
- Lòng nhân từ, thân ái cũng có thể cảm hóa được các loài cầm thú. Các ngươi nên nhớ bài học đó.
Các thể nữ rất đỗi ngạc nhiên về tính nết thất thường của bà, hôm nay rất đỗi dịu dàng, độ lượng, thế mà nhiều lúc bà tỏ ra rất cay nghiệt, để tâm oán thù những việc không đâu.