Từ Hy Thái Hậu - Chương 5 phần 06 (Hết)
Bà mừng quá thấy cung điện của tiền nhân để lại không bị quân thù phạm đến, còn nguyên vẹn. Cung điện xây cất rất công phu, tốn công, tốn của. Bà đi xem qua các cung điện, đình tạ trở lên Long điện. Bà nghĩ thầm:
“Ta lại tiếp tục lên ngôi, cai trị muôn dân.”
Bà thấy các hoa viên còn nguyên vẹn, không có gì thay đổi, bóng cây vẫn rủ xuống mặt hồ. Tư dinh của bà, các khuôn cửa đồ sộ, uy nghi tráng lệ, sơn son thiếp vàng, những mái hiên, ngói vàng óng ánh, bức tượng Phật bằng vàng vẫn nguyên tại vị. Bà nghĩ “Ta sẽ sống ở đây chết cũng ở đây.”
Nhưng hãy còn sớm quá nghĩ đến chuyện chết. Sau khi đã xem xét, kiểm điểm lại một lượt các cung điện, bà nóng lòng muốn biết những của cải, vàng bạc, châu báu, bà chôn, bà cất còn nguyên vẹn không?
Đi kèm với tên thái giám, bà xem xét tỉ mỉ bức tường (chỗ bà chôn giấu) xem có vết tích gì khả nghi không?
Sau khi đã xem xét, bà rất mừng nói:
- Không có một viên gạch nào bị mó đến.
Nói xong bà cười, nét mặt vui tươi như ngày trước. Bà bảo tên thái giám đứng đó:
- Lũ quỷ Tây phương chắc đã nhiều lần đi ngang qua bức tường này, nhưng chúng không có bùa phép để đoán biết ở trong bức tường có chôn giấu gì.
Bà ra lệnh cho Lý Liên Anh hạ bức tường xuống, thteo bản danh sách kê khai, kiểm điểm lại xem có thiếu sót gì không? Bà dặn tên thái giám:
- Mi phải coi chừng bọn thái giám, có khi tao không mất về tay bọn quỷ Tây phương mà mất về bọn thái giám gian manh.
Lý Liên Anh làm ra vẻ không bằng lòng nói:
- Thái hậu không tin con hay sao?
Bà Thái hậu trở về phòng riêng. Cuộc trở về này thật vui mừng, yên ấm biết chừng nào. Lẽ tất nhiên bà phải trả một giá đắt, từ nay, dù sao bà cũng phải làm ra có thiện cảm đối với họ. Ngay chiều hôm đó, bà nói bà sẽ cho mời phu nhân các sứ thần ngoại quốc một lần nữa. Bà tự tay viết thiếp mời. Để bảo vệ thanh danh, khỏi mang tiếng độc ác, bà tán dương tiết hạnh của cô thứ phi Ngọc. Trong một sắc chỉ được phổ biến, bà nói người thứ phi chậm chạp quá, không đi theo được Hoàng thượng trong khi bôn tẩu,vì không muốn nhìn thấy cung điện, lăng tẩm bị quân thù xâm phạm, nàng đã gieo mình xuống giếng quyên sinh.
Đến chiều tối, Thái hậu sai Lý Liên Anh mời Nhung Lữ đến.
Nhung Lữ vào trình diện ở gian phòng tư yết, hai thái giám xốc nách đi hai bên. Bà nom thấy Nhung Lữ già quá, yếu quá, lòng bà đang hớn hở sung sướng, bị mất hết. Bà nói:
- Mời anh vào.
Bà bảo bọn thái giám:
- Đưa ông lại ngồi trên ghế. Ông không phải quỳ lạy, tất cả được miễn hết.
- Bưng đến cho ông một bát cháo, một bình rượu nóng, ít bánh nhẹ. Người anh họ ta nhọc mệt vì đã tận tụy phò giúp ta.
Khi bọn thái giám lui hết ra ngoài, còn lại có hai người. Bà Thái hậu đến gần Nhung Lữ, đặt mấy ngón tay lên trán hắn, vuốt ve bàn tay hắn.
- Ô! Tay anh gầy đét, còn trơ xương, hai má anh sâu hắm, da anh nóng bỏng.
Nhung Lữ thều thào nói:
- Tôi xin bà, van bà nên đứng xa tôi ra. Những tấm đệm ở đây có mắt, tường có tai.
Bà nói giọng như van nài:
- Tôi không thể săn sóc, trông nom anh được sao?
Bà thấy hắn có vẻ lo ngại, nghĩ đến thanh danh của vị Hoàng Thái hậu, mà phải lùi ra, thở dài, trèo lên ngồi trên ngai.
Tuy tuổi già, mắt kém, Nhung Lữ cố đọc bản phúc trình về các thể nữ trở về.
- Các bà thể nữ có tuổi than phiền về chuyến đi vất vả. Họ than phiền phải đi xe hỏa, than khói, xe chạy lộc cộc, xóc lắm. Chính tôi phải trông nom, kiểm điểm thùng đựng bạc nén, mỗi thùng có biên ở ngoài tên một tỉnh. Công việc đó vất vả lắm. Tâu Thái hậu, những hành lí chất đầy ba ngàn chiếc xe lừa kéo, cái đó cũng không đáng kể, có điều lo ngại nhất là sợ dân chúng bất mãn, khi họ biết việc du hành lúc đi, lúc về rất tốn kém, đặt các trạm nghênh tiếp ở dọc đường, cầu kì, xa hoa, những cái đó phải tăng thuế để bù vào chỗ thiếu hụt.
Hắn đang nói, bà Thái hậu chặn lại, âu yếm bảo:
- Tôi xem anh mệt lắm, anh về nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Bây giờ chúng ta đã trở về, cái đó mừng rồi.
Nhung Lữ lẩm bẩm khẽ nói:
- Tôi thấy còn nhiều công việc khó nhọc, nặng nề lắm.
- Những cái đó anh khỏi phải lo, đã có người khác lo liệu gánh vác.
Bà nhìn kĩ khuôn mặt hắn, tuy đã già nhưng vẫn còn đẹp. Hắn đứng yên cho bà ngắm nghía, quan sát. Sự cảm thông của đôi bên còn sâu đậm hơn đôi vợ chồng già có cưới xin.
Tuy không có sự kết hợp bằng thể xác, song có những sợi dây vô hình thắt chặt tâm hồn hai người. Bà âu yếm vuốt ve hai bàn tay hắn. Hai người lặng lẽ đứng yên một lúc, bốn mắt nhìn nhau trong sự cảm thông. Một lúc sau hắn lặng lẽ cáo lui đi ra.
Làm sao bà có thể biết trước hai người gặp nhau lần này là lần chót? Trong đêm hôm đó Nhung Lữ lại lên cơn bệnh. Suốt bao nhiêu ngày, hắn ở trong tình trạng hôn mê. Bà Thái hậu buồn bã thất vọng, các ngự y trong triều không đủ năng lực làm thuyên giảm được bệnh. Bà cho mời một bốc sư đến. Bốc sư gieo quẻ nói Nhung Lữ đã đến ngày tận số, không sao cứu chữa được. Nhung Lữ mất trong cơn hôn mê tháng ba, tháng tư dương lịch. Bà Thái hậu ra lệnh cho triều thần để tang và bà cũng kiêng kị không mặc quần áo màu, đeo đồ trang sức trong một năm.
Từ ngày Nhung Lữ mất đi, không có ai, không có gì giải sầu được bà. Bà đứng cạnh quan tài, tự tay trải tấm khăn đỏ phủ trên quan tài. Nếu không phải giữ gìn ý tứ, vì lẽ địa vị cao sang, bà muốn mặc đồ tang chế, túc trực suốt đêm cạnh quan tài. Bà muốn khóc thật to để vơi được phần nào lòng đau khổ. Nhưng bà là vị nữ hoàng, bà không thể rời hoàng cung, than khóc ầm ĩ, chỉ vì mất một trung thần. Bà chỉ than khóc khi vắng vẻ không có ai, nên bà muôn được những lúc rảnh rang, nhàn rỗi, ngoài những công vụ nặng nề trong tình trạng đất nước hiện tại để khóc.
Một đêm bà nằm vật vã trên giường không sao ngủ được, bà âm thầm khóc. Bà cho kéo hết rèm xung quanh giường nằm để được tự do khóc. Bà nghe tiếng trống cầm canh, lúc đó đã sang giờ Tí (nửa đêm), bà mơ mơ màng màng như thấy mình thoát xác, nhẹ nhàng bay bổng. Bà mơ thấy Nhung Lữ, trẻ, khôi ngô. Bà mơ thấy ông ôm chặt bà trong hai cánh tay một lúc lâu. Bao nhiêu sự phiền muộn tiêu tan hết, tâm hồn nhẹ nhõm có thể bay bổng. Bà mê nghe tiếng hắn nói, bà nhận ra đúng tiếng hắn.
“Không bao giờ tôi rời em. Lúc nào tôi cũng ở cạnh bên em. Khi nào em ngoan ngoãn, biết điều, anh đến với em. Tâm hồn anh là tâm hồn em, thể xác anh là thể xác em. Chúng ta tuy hai mà là một.”
Mơ màng... Mơ màng... Có phải là mơ màng không? Bà cảm thấy trong tâm hồn như không phải là mơ màng, mộng mị mà là sự thật. Nhung Lữ linh thiên đã hiện về. Khi bà bừng thức dậy, thấy trong người nhẹ nhõm, không mỏi mệt. Bà thực sự được người ta yêu quý, hơn bao giờ hết, dù âm dương cách biệt, bà không cảm thấy cô đơn. Đó là ý nghĩa giấc mộng của bà.
Thái độ, tâm trí bà Thái hậu đột nhiên biến đổi, quần thần đều phải sửng sốt ngạc nhiên. Dù sao, những ý nghĩ tư tưởng bà vẫn giữ kín đáo.
Nhờ có trí thông minh, lịch duyệt, sự hiểu biết, như người ngủ mê vừa mới thức tỉnh, bà đã lấy bại làm thắng. Đáng lẽ bà còn tranh đấu, bây giờ bà đã khôn ngoan nhượng bộ, chịu nghe theo lẽ phải, theo trào lưu tiến hóa.
Trước sự kinh ngạc của mọi người, bà đã khuyến khích thanh niên, nam và nữ, người Hán cho xuất dương du học. Trong một đạo sắc chỉ, bà cho phổ biến, có minh thị:
“Tất cả thanh, thiếu niên tuổi từ mười lăm đến hai mươi lăm, những người có đủ sức khỏe và thông minh, có thể, nếu muốn được xuất dương du học. Triều đình đài thọ tất cả phí tổn về di chuyển.”
Bà cho triệu viên thượng thơ Viên Thế Khải và học giả Trương Chí Tùng, người Hán có óc chủ trương chống đối bà. Bà thảo luận rất lâu với hai người đó, rồi bà cho bãi bỏ những kì thi hương, thi hội. Bà khuyên nhủ bọn thanh niên không những đến viếng thăm, quan sát Nhật Bản mà sang cả Châu Âu và Châu Mỹ. Bà nói tất cả dân tộc trên năm châu này là cùng một gia đình dưới bầu trời, họ sống rải rác do đại dương phân cách. Bà xuống chiếu chỉ sau một năm Nhung Lữ mất.
Năm sau bà cho ban bố một sắc lệnh cấm dân chúng không được dùng nha phiến. Những người già cả đã quen dùng nha phiến, bà ra ân lùi lại mười năm mới cho áp dụng thi hành sắc lệnh.
Suy nghĩ về những sự cải cách, bà thấy còn nhiều thứ phải canh tân. Người ngoại quốc không chịu từ khước những đặc quyền nên bà không cho canh cải về hình luật. Bà xuống chiếu từ nay xử án theo luật không dùng cường bạo hay khổ hình. Bà ra lệnh bãi bỏ hết cực hình đối với phạm nhân như chặt đầu, tùng xẻo, phanh thây, đánh bằng trượng hay sắt nung đỏ, vấn đề tru di tam tộc. Bây giờ bà hãy còn nhớ, mấy năm trước Nhung Lữ có khuyến cáo bà nên bãi bỏ những tục lệ dã man, vô nhân đạo đó.
Bà lo lắng, tự hỏi ai là người sau này kế vị bà. Bà không muốn thiếu quân, một người ốm yếu, nhu nhược, một tên tội phạm của bà lên cầm quyền. Phải một người nào có chí khí, có nghị lực, mạnh khỏe, nhưng biết ai? Người nào có đủ tài năng để cầm vững tay chèo con thuyền quốc gia trong vận hội mới.
Bà thấy thắc mắc về tương lai. Bà thường nói với các vị thân vương, người đó sẽ là một vị thánh. Bà bắt đầu để ý, suy xét về Tây phương, ở đó phát sinh ra sự hùng mạnh. Thường nhật bà nói, bà tiếc nay bà đã già, không còn trẻ để đi quan sát mấy nước đó. Bà than:
- Chao ôi! Ta đã già quá rồi.
Các thể nữ nhao nhao lên nói bà vẫn đẹp lắm, nước da rất hồng hào, sáng sủa, hai mắt đen lánh, tinh nhanh, đôi môi đỏ tươi thắm. Bà chấp nhận những lời khen ngợi đó, song bà cũng hiểu sự chết không từ ai, một định luật thiên nhiên chung cho tất cả mọi người trên thế gian này.
Bọn thể nữ đồng thanh tung hô:
- Muôn năm. Muôn năm Lão Phật. Muôn năm. Muôn năm.
Bà xuống chiếu, cho các quan, người nào xuất sắc nhất được đi du lịch các nước Tây phương. Cuộc du lịch đặt dưới quyền hướng dẫn của quận vương Thái tử.
Trong tờ chiếu có nói:
“Chư khanh đi du lịch các nước Tây phương, những nước nào cường thịnh nhất, có nếp sống cao, dân chúng ưa chuộng chính phủ của họ. Được tuyển chọn bốn vị xuất sắc nhất ở mỗi nước một năm. Để tâm nghiên cứu chính phủ của họ, tìm hiểu đúng nghĩa những chữ “Hiến pháp”, “Dân chủ.”
“Làm tờ trình cặn kẽ về những vấn đề đó.”
Trong lòng các quan có người chê trách bà, phải chịu khuất phục bọn người đi chinh phục, thiếu tự hào, sự yếu kém đó làm tổn thương đến danh dự quốc gia dân tộc.
Một nhà Nho người Hán viết: “Người dân chúng tôi sẽ bị khinh thị là bọn quê mùa, thô kệch, nếu chúng tôi cúi đầu vâng theo người ngoại quốc. Nhưng biết nói làm sao khi bà Thái hậu của chúng tôi chịu hạ mình một cách thái quá đối với mấy người đàn bà vợ của các viên sứ thần ngoại quốc? Sự tươi cười, niềm nở, chào hỏi của bà khi bà ngồi trong kiệu loan đi ngoài phố, gặp một người đàn bà ngoại quốc như thế biết nói làm sao? Hình như trên mặt bàn ở trong hoàng cung người ta cũng thấy những mảnh giấy viết chữ ngoại quốc, những đồ đạc ngoại quốc đầy rẫy trong nội thành. Tuy người mình đã nhún nhường đến như thế, các lãnh sự quán ngoại quốc vẫn luôn luôn tỏ vẻ thù nghịch với người mình qua trung gian của viên bộ trưởng ngoại giao của họ.”
Tuy nhiên, người ta cũng thấy những ý kiến, những lời bình phẩm đối nghịch. Một người Hán khác viết:
“Bà Thái hậu tuy đã cao niên vẫn không từ bỏ đường lối thù nghịch với người ngoài. Chắc người ngoại quốc tự hỏi bà âm thầm mưu đồ kế hoạch gì để chống đối họ.”
Lại một người khác viết:
“Thái độ kì lạ hiện nay của bà thái hậu, có thể giải thích vì lí do bà đã già, muốn thực hiện bốn chữ “Lão giả an trị”.”
Trong những lời chỉ trích, phê bình, bà mỉm cười nói:
- Ta biết công việc ta làm, ta hiểu rõ, ý thức được hành động của ta. Không có nghị quyết nào của ta mà không thể giải thích được. Tư tưởng đó ta có từ lâu, nhưng phải chờ đúng cơ hội mới đem thực hành.
Không ai hiểu những lời giải thích của bà, nhưng bà đã nhất định theo một đường lối mới.
Một năm sau khi đoạn tang Nhung Lữ, nhân dịp Tết Nguyên Đán, bà Thái hậu cho mời tất cả các sứ thần ngoại quốc, các phu nhân và con cái đến dự yến ở hoàng thành. Các sứ thần dự yến ở đại sảnh, các bà phu nhân ở trong tư dinh Thái hậu, các cung phi tiếp đón đám con nít trong các gian phòng riêng của họ, có thái giám và a hoàn phụ giúp.
Hoàng thượng ngồi dự yến tiếp các sứ thần, khi tan tiệc bà Thái hậu mới xuất hiện. Hoàng thượng rất sành, biết thưởng thức những món cao lương mĩ vị Tây phương cũng như ngài hiểu những món ăn Đông phương. Phải huy động ba trăm đầu bếp giỏi để làm bữa tiệc đặc biệt. Bọn nhạc công trong triều hòa tấu, gánh hát hoàng gia diễn bốn tuồng, mỗi vở dài ba tiếng đồng hồ.
Chưa lần nào, ở trong nội thành, có một cuộc tiếp đón khách khứa quá đông đảo như vậy, bà Thái hậu phải hết sức cố gắng. Bà truyền lệnh cho người con gái của viên khâm sai ở Âu Châu, chỉ cho bà cách chào hỏi theo xã giao Tây phương và bà học vài tiếng Anh ngữ thông thường.
Bà coi bản đồ Âu Châu, chê nước Pháp nhỏ quá, không cần phải học Pháp ngữ, nước Mỹ, một nước tân lập, chưa được vui mừng lắm. Duy có Anh quốc, có nữ hoàng cai trị, bà rất có thiện cảm với nữ hoàng. Vì có thiện cảm với nữ hoàng, bà muốn học Anh ngữ. Bà còn treo ảnh nữ hoàng Anh quốc trong phòng bà. Bà ngắm rất lâu bức chân dung nữ hoàng, bà nói tướng mạo của bà này cũng giống bà, thọ lắm.
Các sứ thần ngoại quốc sửng sốt, thấy bà Thái hậu tiếp đón họ, bà nói bằng một câu Anh ngữ. Bà vào trong đại sảnh, ngồi trong chiếc kiệu loan, có mười hai thái giám mặc đồng phục màu vàng khênh. Hoàng thượng tiến lại để cung nghênh, bà đặt bàn tay lên cánh tay Hoàng thượng, một bàn tay đeo đầy nhẫn nạm ngọc. Bà mặc chiếc áo thêu kim tuyến óng ánh, áo thêu những con rồng xanh, đeo chuỗi hạt trai. Chiếc mũ miện nạm hồng ngọc và bích ngọc. Bà đi lên ngai, tuy bà đã già nhưng dáng đi vẫn kiều diễm, thướt tha như hồi còn trẻ. Bà gật đầu chào mọi người đứng ở hai bên. Bà định nói gì? Các quan khách nghiêng đầu chào, đáp lễ không người nào quỳ. Họ nghe bà nói một câu gì không ai hiểu.
Sau đó thông dịch viên, người ta mới hiểu câu bà vừa nói: “Bà Thái hậu chào mừng tất cả các quan khách, chúc mừng năm mới và mời dùng trà.” Các sứ thần ngoại quốc nghe bà nói mấy câu đó, cảm động vỗ tay. Lúc đầu bà lạ quá không hiểu thế nào, chưa nom thấy ai vỗ tay bao giờ, bà nhìn những người cao lớn, nét mặt cứng cỏi, quần áo cũn cỡn, nhưng thấy vẻ mặt người nào cũng đầy thiện cảm. Bà hiểu họ hoan nghênh. Bà rất vui vẻ, cười, lên ngồi trên ngai, nói lớn:
- Các ông đã thấy, muốn kết tình giao hảo cũng dễ dù với quân man di. Cái đó chỉ cần một chút cố gắng về phía những người văn minh.
Bữa tiệc được tiếp diễn trong tình thân hữu. Tan tiệc bà tặng quà cho tất cả mọi người và những người tùy tùng. Bà cáo lui về phòng riêng.
Hồi tưởng lại trong bao nhiêu năm dài của quãng đời bà đã qua, bây giờ bà lo cho tiền đồ của dân tộc. Bà thấy ngày hôm nay (ngày hôm mời sứ thần ngoại quốc dự tiệc) đã giúp bà về nhiều phương diện, bà đã xây đắp được nền móng vững vàng cuộc giao hảo với liệt cường Tây phương tùy theo thái độ của bà, hoặc là bạn hay là thù. Bà nghĩ đến bà Victoria, vị nữ hoàng Tây phương, bà mong ước được ngày nào gặp bà, cùng với bà thắt chặt tình thân hữu, kết hợp hai vũ trụ: Đông và Tây.
Nếu gặp bà nữ hoàng Tây phương, bà sẽ nói:
- Dưới bầu trời, mọi người tuy khác chủng tộc đều là anh em.
Nhưng chao ôi, ít lâu sau bà nhận được tin bà nữ hoàng đã băng hà. Bà Thái hậu buồn quá. Bà nghe nói bà nữ hoàng được toàn dân mến phục, bà mất về bệnh già như mọi người. Bà Thái hậu vô cùng thương tiếc, như bị một vết thương trong tâm can. Bà lẩm bẩm nói một mình: “Ai cũng phải chết, không ai có thể sống được mãi” (Nhân sinh thế thượng thùy vô tử?).
Lúc bà nói câu này, bà khỏe mạnh, không cảm thấy mình cũng sắp đến ngày về chầu Tiên đế.
Việc bà nữ hoàng Anh băng hà một cách đột ngột, làm bà Thái hậu lo về vấn đề người kế thừa ngai rồng. Bà nữ hoàng một cường quốc, tử thần đến đón đi, thì bà Thái hậu, một ngày kia tử thần cũng chiếu cố đến đón. Nhưng, hiện nay, bà còn mạnh khỏe, bà còn sống lâu, chờ cho một đứa trẻ nào lớn sẽ lên kế vị ngai rồng, trước khi bà vào nằm trong quan tài. Lại một lần nữa, bà để tâm lo tìm người kế vị, một đứa trẻ, bà dạy cách làm vua. Lần này bà không còn nhầm như xưa kia, bà sẽ chỉ bảo cho người thừa tiếp thực trạng của thế giới hiện tại. Bà sẽ chọn những người phụ đạo người Tây phương. Bà cho phép ấu chúa được chơi các món đồ chơi do ngoại quốc chế tạo: Xe lửa, tàu bè, thần công đại bác của ngoại quốc. Ấu chúa tập đánh nhau với quân Tây phương. Khi nào bà mãn phần như nữ hoàng Victoria, ấu chúa sẽ thắng, sẽ lấy lại những cái gì bà đã mất, những đất đai bị quân thù cưỡng đoạt. Bà lo lắng, thắc mắc tìm đâu ra con người lí tưởng đó để nối nghiệp bà. Đột nhiên một ý nghĩ nảy ra trong óc. Người đó, hiện nay là đứa trẻ, chẳng phải tìm đâu xa xôi, hiện nó ở trong dinh Nhung Lữ, là cháu ngoại Nhung Lữ, mẹ là con gái Nhung Lữ, cha là thân vương Chuân. Bà mừng quá, cúi đầu xuống cười một mình. Gián tiếp bà cho chăm nom, nuôi nấng đứa trẻ cho đến ngày lớn khôn để lên ngai rồng. Việc này do thiện chí của bà. Trời đất phải ủng hộ bà cho đạt được ý nguyện đó.
Dẫu sao, sự lựa chọn này hãy còn quá sớm. Bà giữ kín, không nói với ai ý nguyện đó, cốt sao nuôi được đứa trẻ đó mạnh khỏe chờ cho đến ngày Kim thượng băng hà. Ông này nhiều bệnh hoạn, chắc cũng không sống được bao lâu nữa. Bà đã già, người yếu, chưa nghĩ đến việc làm lễ Giao về thu tiết. Cuộc tế Giao bà phải làm chủ lễ, mạnh bái, phải quỳ, phải lạy nhiều nên rất khó nhọc, mệt mỏi. Theo tục lệ cổ, cấm không được đọc tên người kế vị trước khi Hoàng thượng quay về chín suối. Nếu tình trạng sức khỏe ông vua cứ kéo dài mãi thế này, thì là bọn thái giám sẽ dùng độc dược để cho ông về chầu tổ ngay… Đột nhiên, bà nghe có tiếng gió thổi, bà ngẩng đầu lên bảo bọn thể nữ:
- Các ngươi nghe tiếng gió thổi, gió này phải chăng báo hiệu sắp có mưa.
Đã hai tháng nay, trong nước bị trời ra tai, khí hậu rất khắc nghiệt, khó chịu. Trời hanh, rét rồi kéo theo một sức nóng trái mùa. Những cây mẫu đơn nhầm thời tiết cũng ra nõn. Dân chúng kéo nhau ra các đình chùa lễ bái, cầu đảo. Bà Thái hậu ra lệnh cho các sư sãi ở các chùa ngày nào cũng phải ra ngoài trời để tụng niệm.
Bà hỏi các thể nữ:
- Các ngươi thấy gió thổi hướng nào tới?
Các thể nữ hỏi bọn thái giám, bọn này chạy ra sân, giơ bàn tay lên, quay mặt về tứ phía, vội vàng chạy vào báo tin mừng. Gió từ biển Đông thổi tới, có hơi nước.
Đột nhiên, nghe có tiếng sấm, một hiện tượng lạ trong mùa này. Ngoài phố, dân chúng ở trong nhà chạy hết ra ngoài đường, ngẩng mặt nhìn trời.
Gió bắt đầu thổi mạnh, cửa ngõ các nhà rung chuyển. Gió thổi ở ngoài biển vào đem theo hơi nước. Bà Thái hậu ra ngoài sân, nhìn lên trời, quan sát. Lúc đó, mây đen cuồn cuộn kéo đến, tiếp theo là một trận mưa mát lạnh.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Bà Thái hậu khẽ nói:
- Một điềm rất tốt.
Các thể nữ kéo đến cạnh bà, bà xua tay đuổi đi, bà đứng một mình dưới mưa. Có tiếng ồn ào ngoài phố, bà nghe thấy:
- Lão Phật, Lão Phật đem lại mưa.
Lão Phật là bà, dân chúng tôn xưng bà ngang hàng với các vị Tiên Phật.
Bà đi vào, lên mấy bậc thềm ở cung, những giọt nước ở áo bà rơi xuống nền gạch. Bà để cho các thể nữ lau áo, bà cười, nói:
- Từ thưở nhỏ đến giờ chưa khi nào ta được sung sướng như hôm nay. Ta nhớ lại lúc ta còn nhỏ hay chạy đùa dưới mưa.
Các thể nữ nhìn bà, âu yếm nói:
-Thái hậu quả thực là một vị Phật sống.
Bà vui vẻ nói:
-Việc mưa gió do thiên đình, ta người trần làm sao sai bảo được thần Phong, thần Vũ.
Các thể nữ nhất quyết nói bà có phép hô phong hoán vũ. Bà biết bọn này muốn tâng bốc bà.
- Trời mưa cho Lão Phật. Một trận mưa cứu nguy muôn dân. Nhờ ơn Lão Phật chúng con được thấm nhuần mưa móc.
Để cho bọn này vui, bà cười bảo họ:
- Cũng có khi thế thật.
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Sienna – Lam Sa – tuongmy
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)