Trăng lạnh - Phần I - Chương 18

CHƯƠNG 18

“Này Amie. Chúng mình phải nói chuyện.”

“Vâng.”

Sachs đang lái xe đến Hell’s Kitchen[51] ở Midtown Manhattan, để tìm kiếm hồ sơ vụ án mạng Frank Sarkowski. Tuy nhiên, cô đang không nghĩ về việc đó. Cô đang nghĩ về những chiếc đồng hồ tại hiện trường. Nghĩ về những khoảng thời gian trôi đi và những khoảng thời gian đứng yên một chỗ. Nghĩ về những giai đoạn mà ta muốn thời gian lao về phía trước để cứu vớt ta khỏi nỗi đau đớn ta đang trải qua. Nhưng nó chẳng bao giờ đáp ứng ta như thế. Chính những lúc đó, thời gian cứ bước lê thê, đôi khi thậm chí dừng lại tựa con tim kẻ tử tù vào giây phút thi hành án.

[51] Bếp Địa ngục: một khu vực thuộc Manhattan, New York.

“Chúng mình phải nói chuyện.”

Amelia Sachs đang hồi tưởng một đoạn đối thoại từ những năm xưa.

Nick nói: “Chuyện khá nghiêm trọng.” Đôi tình nhân đang ở trong căn hộ khu Brooklyn của Sachs. Cô mới vào lực lượng, đôi giày màu đen bóng loáng như gương. (Cha cô khuyên rằng:“Đôi giày được đánh bóng khiến người ta tôn trọng con hơn bộ quân phục được là phẳng, con yêu ạ. Hãy nhớ điều đó.” Và cô luôn luôn thực hiện theo lời cha).

Tóc đen, đẹp trai, cơ bắp nở nang (anh ta có thể cũng từng làm người mẫu), Nick lúc bấy giờ là một cảnh sát. Cấp bậc cao hơn Sachs. Cô ngồi trên chiếc bàn nhỏ, chiếc bàn rất đẹp, làm bằng gỗ tếch, mua năm trước với những đồng tiền cuối cùng kiếm được từ nghề người mẫu thời trang.

Đêm hôm nay, Nick phải thực hiện một đặc vụ. Anh ta mặc chiếc áo phông không tay và quần bò, đeo khẩu súng bé tí – một khẩu súng lục ổ quay – bên hông. Anh ta cần cạo râu, mặc dù Sachs thích anh ta trông bụi một chút. Kế hoạch cho đêm hôm nay là: Anh ta sẽ trở về nhà và hai người sẽ ăn bữa tối muộn. Cô có rượu vang, nến, sa lát và cá hồi, tất cả đã được dọn ra bàn, tất cả đều thật thoải mái.

Mặt khác, đã nhiều đêm Nick không về nhà. Bởi vậy có thể họ sẽ để bữa tối lui lại.

Có thể họ sẽ chẳng cần ăn nữa.

Nhưng bây giờ thì có chuyện không ổn rồi. Có chuyện gì đó khá nghiêm trọng.

Nick đang đứng trước mặt Sachs, anh ta không bị giết hay bị thương, không bị bắn gục trong lúc thi hành một đặc vụ – công việc nguy hiểm nhất đối với nghề cảnh sát. Dính dáng đến rất nhiều tiền và như thế nghĩa là có rất nhiều họng súng. Ba người bạn thân của Nick đi cùng anh ta đêm nay. Cô tự hỏi, tim thắt lại, một người đã hi sinh chăng? Cô biết cả ba người.

Hay có chuyện gì khác?

Anh ấy sẽ chia tay mình ư?

Có thể lắm, có thể lắm… nhưng ít nhất điều này cũng đỡ tồi tệ hơn là ai đó thiệt mạng trong một cuộc đấu súng với một băng nhóm từ Tây New York.

“Anh nói đi”, Sachs giục giã.

“Nghe này, Amie.” Đó là biệt hiệu cha dành cho cô. Họ là hai người đàn ông duy nhất trên thế giới này được gọi cô bằng cái biệt hiệu đó. “Chuyện là…”

“Hãy nói với em đi”, cô đề nghị. Amelia Sachs luôn luôn thông báo tin tức một cách thẳng thắn. Cô chờ đợi mọi người cũng hành động giống như vậy.

“Em sẽ được nghe ngay bây giờ đây. Anh đã muốn nói với em trước hết. Anh đang gặp rắc rối.”

Sachs nghĩ rằng cô hiểu. Nick là một chàng cao bồi, lúc nào cũng sẵn sàng rút ra khẩu súng máy MP-5 và bắn đáp trả một đối tượng. Sachs mặc dù là tay súng cừ hơn, ít nhất với một khẩu súng ngắn, vốn vẫn ngần ngại phải siết cò. (Lại là lời cha cô:“Con chẳng thể lấy lại những viên đạn.”) Cô đồ rằng đã xảy ra một cuộc đọ súng và Nick đã hạ sát ai đó – thậm chí có thể là ai đó vô tội. Được. Anh ta sẽ bị đình chỉ công tác cho tới lúc ủy ban xem xét tình huống sử dụng súng họp để quyết định liệu việc sử dụng súng lúc ấy có chính đáng hay không.

Con tim Sachs hướng về phía Nick và cô đang định bảo rằng cô sẽ ở bên cạnh anh ta, rồi chúng mình sẽ vượt qua, dù có thế nào chăng nữa, nhưng anh ta đã tiếp tục: “Anh bị bắt.”

“Anh…”

“Sammy và anh… cả Frank… vì những vụ cướp, hàng hóa trên các xe tải. Anh bị bắt. Tình hình rất nghiêm trọng.” Giọng Nick run run. Sachs chưa bao giờ chứng kiến anh ta khóc, nhưng nghe y như chỉ vài giây nữa anh ta sẽ rơi nước mắt.

“Anh bị bắt à?” Cô há hốc miệng.

Nick nhìn chằm chằm xuống tấm thảm màu xanh lá cây của Sachs. “Ừ…” Bây giờ, đã bắt đầu cuộc tự thú rồi, anh ta chẳng cần lùi lại nữa. “Nhưng sự việc còn tồi tệ hơn thế.”

Tồi tệ hơn? Liệu điều gì còn có thể tồi tệ hơn?

“Bọn anh là những kẻ hành động. Bọn anh tự tiến hành cướp các xe tải. ”

“Anh muốn nói, đêm nay, anh…” Giọng Sachs bật đi.

“Ôi, Amie, không phải chỉ đêm nay. Đã một năm nay rồi. Cả một năm chó chết. Bọn anh có tay trong ở các bến bãi cung cấp thông tin về những chuyến hàng hóa. Bọn anh sẽ ép xe tạt vào lề đường và… Ôi, em hiểu mà. Em chẳng cần biết chi tiết.” Nick xoa xoa khuôn mặt phờ phạc. “Bọn anh vừa nghe nói, người ta sẽ ban lệnh bắt giữ bọn anh. Ai đó đã khai bọn anh ra.”

Sachs nghĩ lại những đêm Nick đi thâm nhập giới tội phạm để tóm cổ đám ăn cướp. Ít nhất mỗi tuần một lần.

“Anh bị lôi kéo vào. Anh đâu có sự lựa chọn…”

Cô chẳng cần phải phản ứng lại, nói rằng, có, có, có, lạy Chúa, chúng ta luôn luôn có những sự lựa chọn mà. Amelia Sachs không bao giờ tự cho phép mình bào chữa và cô là kẻ điếc trước lời bào chữa được người khác đưa ra. Tất nhiên, Nick hiểu điều này ở cô, nó là một phần của tình yêu giữa họ.

đã là một phần của tình yêu giữa họ.

Và anh ta không cố gắng nữa.

“Anh đã làm hỏng tất cả, Amie. Anh đã làm hỏng tất cả. Anh chỉ đến để nói với em.”

“Anh sẽ đầu hàng?”

“Anh nghĩ thế. Anh không biết anh sẽ làm gì. Mẹ kiếp.”

Tê liệt, Sachs chẳng thể nghĩ được điều gì để nói nữa, không một điều gì. Cô nghĩ về những khoảng thời gian đã qua – những giờ phút ở bãi tập bắn, bắn mãi mà chẳng trúng bia, nhấm nháp rượu rum pha chanh ướp đá trong những quán bar trên đường Broadway, nằm trước cái lò sưởi cũ kĩ trong căn hộ khu Brooklyn của cô.

“Người ta sẽ xem xét cuộc đời anh với một chiếc kính hiển vi, Amie ạ. Anh sẽ bảo người ta rằng em trong sạch. Anh sẽ cố gắng giữ em bên ngoài vụ việc này. Nhưng người ta sẽ đặt ra cho em rất nhiều câu hỏi.”

Sachs muốn hỏi tại sao anh ta làm chuyện ấy. Anh ta có thể viện đến lí do nào? Nick lớn lên ở khu Brooklyn, một đứa trẻ dễ coi, thông minh, hoạt bát ngoài đường phố, nét đặc trưng của những đứa trẻ ở khu vực này. Anh ta từng chạy theo một đám hư hỏng, nhưng nhờ người cha mà biết suy nghĩ và từ bỏ được đám đó. Tại sao anh ta lại trượt vào lối cũ? Có phải vì cảm giác kích động khi thực hiện những trò nguy hiểm? Có phải vì tiền bạc hấp dẫn? (Bây giờ thì cô nhận ra rằng nó là một điều gì đó khác anh ta đã giấu cô.)

Tại sao?

Nhưng Sachs không có cơ hội biết điều ấy.

“Anh phải đi đây. Anh sẽ gọi cho em sau. Anh yêu em.”

Nick hôn lên mái đầu im lìm của Sachs. Rồi mở cửa bước ra ngoài.

Nghĩ về những khoảnh khắc bất tận ấy, cái đêm như không bao giờ đi qua, thời gian dừng lại, khi cô ngồi đăm đăm nhìn những cây nến bị đốt cháy thành những vũng sáp màu đỏ.

Anh sẽ gọi cho em sau.

Nhưng mãi mãi chẳng có lần nào cả.

Hai đòn đó – tội của Nick và sự kết thúc mối quan hệ giữa họ – gây ra nỗi mất mát đau đớn cho Sachs, cô quyết định rời khỏi bộ phận Tuần tra. Từ bỏ công việc ấy để tìm kiếm một công việc văn phòng. Chỉ sự gặp gỡ với Lincoln Rhyme mới khiến cô thay đổi quyết định và tiếp tục mặc bộ đồng phục cảnh sát. Nhưng sự việc của Nick khắc sâu trong lòng cô cảm giác ghê tởm vĩnh viễn những cảnh sát biến chất. Đối với cô, nó là cái gì đó còn kinh khủng hơn cả những chính trị gia hay dối trá, những người vợ người chồng không chung thủy, và những đối tượng tàn nhẫn.

Đấy là lí do tại sao sẽ không gì ngăn cản nổi Sachs điều tra xem liệu có phải cái đám vẫn tụ tập ở quán Thánh James thực chất là một đám cảnh sát xấu xa thuộc đồn cảnh sát khu vực 118. Và nếu đúng như thế, sẽ không gì ngăn cản nổi cô đưa những cảnh sát và đám người đã phối hợp với họ xử lí các vụ tội phạm có tổ chức ra trước pháp luật.

Chiếc Camaro của cô trượt vào lề đường. Sachs quăng tấm thẻ đỗ xe dành cho nhân viên Sở Cảnh sát New York lên bảng đồng hồ chiếc Chevy và trèo ra ngoài, giận dữ đóng cánh cửa đánh sầm một cái, như thể cô đang cố gắng đóng lại cái hố đã mở ra giữa hiện tại và quá khứ rất, rất đau đớn này.

* * *

“Rõ khỉ, cái đồ phì nộn gớm ghiếc kia.”

Ở tầng trên ga ra, nơi tìm thấy chiếc SUV của Thợ Đồng Hồ, người sĩ quan tuần tra đang đứng nhìn xuống một thân hình nằm úp sấp, anh nêu lên nhận xét ấy với các đồng đội.

“Ôi, cậu đã cho thằng cha đó biết thế nào là lễ độ”, một người đồng đội đáp lời. “Lạy Chúa.”

Một người khác bình luận chẳng dài dòng: “Tởm.”

Sellitto và Bo Haumann vội vã bước tới.

“Cậu có sao không? Cậu có sao không?”, Sellitto hét lên.

Ông ta nói với Ron Pulaski, người đang đứng nhìn xuống một gã đàn ông bị bám đầy rác bốc mùi hăng xè. Chàng cảnh sát trẻ, cũng tự trang điểm cho mình bằng rác, đang thở hổn hển. Pulaski gật đầu. “Suýt nữa Diêm vương phải tiếp tôi. Nhưng không sao. Ôi chà, là một kẻ vô gia cư thì hắn khá khỏe đấy.”

Một nhân viên y tế chạy lại, lật ngửa gã tấn công. Pulaski còng tay gã và chiếc còng kim loại kêu xủng xoẻng. Cặp mắt gã đảo điên cuồng, còn quần áo gã thì rách rưới bẩn thỉu. Cơ thể gã nồng nặc mùi hôi thối. Gã vừa vãi đái ra quần. (Bởi vậy, phải nói là “gớm ghiếc” và “tởm”.)

“Đã có chuyện gì?”, Haumann hỏi Pulaski.

“Tôi đang xem xét hiện trường.” Anh chỉ về phía đầu cầu thang. “Xem chừng đối tượng thoát theo lối đó…”

Đừng dài dòng nữa, Pulaski tự nhắc nhở mình.

Anh bắt đầu lại. “Bọn chúng đã chạy trên cầu thang. Tôi khá chắc chắn như thế, và tôi đang xem xét dần lên, để tìm kiếm các dấu chân. Rồi tôi nghe thấy tiếng động và quay lại. Gã này đang tiến đến tôi.” Anh chỉ đoạn ống mà gã vô gia cư cầm lúc ấy. “Tôi chẳng kịp rút vũ khí nhưng tôi đã ném cái thùng rác vào gã. Chúng tôi đánh nhau trong khoảng một, hai phút rồi rốt cuộc tôi khóa được họng hắn.”

“Chúng ta không sử dụng những đòn ấy”, Haumann nhắc nhở.

“Tôi muốn nói tôi đã kiềm chế được hắn bằng các biện pháp tự vệ.”

Người chỉ huy chiến thuật gật đầu. “Tốt.”

Pulaski tìm thấy bộ tai nghe và lại cắm nó vào phích. Anh nhăn mặt vì một giọng nói đập ngay vào tai. “Vì Chúa, cậu còn sống hay chết rồi? Chuyện gì đang xảy ra vậy?”

“Xin lỗi, thưa thám tử Rhyme.”

Pulaski trình bày về chuyện vừa xảy ra.

“Cậu không sao chứ?”

“Vâng, tôi không sao.”

“Tốt”, nhà hình sự học nói. “Bây giờ, hãy cho tôi biết, chết tiệt thế nào mà vũ khí của cậu lại ở phía trong bộ áo liền quần?”

“Một sơ suất, thưa thám tử. Việc đó sẽ không xảy ra nữa, thưa thám tử.”

“Này, đừng để xảy ra nữa đấy. Nguyên tắc số một tại những hiện trường nóng là gì?”

“Hiện trường nóng…”

“HIện trường nóng, nơi đối tượng có thể vẫn lảng vảng xung quanh. Nguyên tắc ấy là: Tập trung xem xét nhưng vẫn quan sát phía sau. Rõ chưa?”

“Rõ ạ.”

“Vậy là lối trốn thoát đã bị bẩn”, Rhyme lẩm bẩm.

“Chà, nó chỉ bị phủ rác bên trên thôi.”

“Rác”, Rhyme đáp bằng giọng cường điệu. “Thế thì tôi cho là cậu nên bắt đầu quét và hót hết đi. Tôi muốn rằng cậu sẽ mang tất cả các chứng cứ về đây sau hai mươi phút. Tất tần tật. Cậu nghĩ mình có thể làm được việc ấy không?”

“Được, thưa thám tử. Tôi sẽ…”

Rhyme ngắt kết nối đánh rụp.

Trong lúc hai cảnh sát thuộc Đơn vị Phản ứng nhanh đeo găng tay cao su vào và khiêng gã vô gia cư đi, Pulaski bắt đầu cúi lom khom dọn dẹp chỗ rác. Anh cố gắng nhớ lại một cái gì đó trong giọng của Rhyme mà anh nghe quen thuộc. Cuối cùng thì anh đã nhớ ra được. Nó chính là sự pha trộn giữa cơn giận dữ và cảm giác nhẹ nhõm mà cha anh bộc lộ ở cuộc “tranh luận” với hai đứa con trai sinh đôi sau khi bắt quả tang chúng đuổi nhau trên những thanh ray tàu hỏa chạy bên trên các phố gần nhà.

* * *

Tựa một gián điệp.

Đứng tại một góc phố ở khu vực Hell’s Kitchen, thám tử đã về hưu Art Snyder mặc chiếc áo choàng và đội chiếc mũ kiểu vùng núi Alps có cài một lông chim nhỏ, trông giống một gián điệp ngoại quốc bước ra từ tiểu thuyết của John le Carré.

Amelia Sachs đi đến chỗ ông ta.

Snyder tỏ ý đã nhận ra cô chỉ bằng một cái liếc nhìn ngắn ngủi và sau khi quan sát xung quanh, quay bước theo hướng tây, rời xa quảng trường thời đại ồn ào.

“Cám ơn bác đã gọi điện.”

Snyder nhún vai.

“Chúng ta đi đâu đây ạ?”, Sachs hỏi.

“Tôi sẽ gặp một người bạn. Hàng tuần chúng tôi đánh pool[52] ở đoạn phố này. Lúc nãy tôi không muốn nói trên điện thoại.”

[52] Lối đánh (thông thường) với mười sáu viên tròn trên bàn bi a, tương tự lối đánh bi a hai mươi mốt viên.

Những gián điệp…

Một người đàn ông gầy gò yếu ớt với mái tóc vàng, vuốt mượt về phía sau – không phải màu vàng nhạt tự nhiên của tóc mà là màu thuốc nhuộm vàng tươi – chặn họ lại xin ít tiền lẻ. Snyder thận trọng nhìn ông ta rồi đưa một đô la. Người đàn ông bước đi, nói lời cảm ơn, nhưng giọng miễn cưỡng, như thể ông ta đã nghĩ sẽ phải được năm đô la.

Họ đang đi bộ qua một đoạn phố tối lờ mờ thì Sachs cảm thấy có cái gì đó chạm nhẹ vào đùi cô, hai lần, và cô thoáng tự hỏi phải chăng viên thám tử về hưu định sàm sỡ. Tuy nhiên, liếc nhìn xuống, cô trông thấy một tờ giấy được gập lại mà ông ta đang kín đáo đưa cho cô.

Cô cầm lấy nó và khi họ đi qua một ngọn đèn đường, cô tranh thủ lướt mắt.

Tờ giấy là bản photo một trang của một cuốn sổ.

Snyder dựa sát vào người Sachs, thì thào: “Đây là một trang từ cuốn sổ đăng kí hồ sơ. Tại đồn 131.”

Sachs đọc qua. Chính giữa trang là các mục vào sổ:

Số hồ sơ: 3453496, Sarkowski, Frank

Tên hồ sơ: Án mạng

Gửi đến: Đồn 158

Theo yêu cầu của:

Ngày gửi: hai mươi tám tháng Mười một

Ngày trả:

Sachs nói: “Cậu sĩ quan tuần tra đang làm việc với cháu bảo rằng không tìm thấy sổ đăng kí hồ sơ này.”

“Cậu ta hẳn chỉ kiểm tra trong máy vi tính. Tôi cũng đã kiểm tra trong đó. Có lẽ nó từng được nhập vào rồi lại bị xóa đi. Đây là bản sao lưu bằng tay.”

“Tại sao phải gửi nó đến 158?”

“Tôi không biết. Họ không nêu lí do.”

“Bác lấy cái này ở đâu vậy?”

“Từ một người bạn. Một cảnh sát trước đây tôi làm việc cùng. Một tay quyết liệt. Đã quên hẳn chuyện tôi nhờ rồi.”

“Liệu nó đã đến chỗ nào ở 158? Phòng hồ sơ chăng?”

Snyder nhún vai: “Tôi không biết.”

“Cháu sẽ kiểm tra.”

Snyder đập đập hai bàn tay vào nhau. “Lạnh kinh.” Ông ta ngoái nhìn đằng sau. Sachs cũng vậy. Có phải một chiếc xe màu đen đang dừng lại ở ngã tư không?

Snyder ngừng bước. Ông ta hất đầu về phía cái cửa hiệu ọp ẹp. Tiệm Pool và Bi a Flannagan. Est. 1954. “Tôi đến đó.”

“Cảm ơn bác lần nữa”, Sachs nói.

Snyder nhìn vào bên trong cửa hiệu rồi liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Ông ta bảo Sachs: “Chẳng còn lại nhiều những chốn cũ kĩ như thế này xung quanh quảng trường Thời đại… Tôi từng quản lí Quân bài Hai[53]. Cô biết…”

[53] The Deuce: Biệt hiệu cho kênh ESPNZ, cùng một kiểu như kênh ESPN, ra đời ngày 1 tháng Mười năm 1993.

“Phố Bốn mươi hai. Cháu cũng hay đi bộ đến đấy.” Sachs lại ngoái nhìn đằng sau, về phía đại lộ Tám. Chiếc xe màu đen đã biến mất.

Snyder đăm đăm nhìn vào gian đánh pool, nói bằng giọng dịu dàng: “Tôi nhớ nhất các mùa hè. Có những ngày tháng Tám. Thậm chí cái đám chuyên lang thang cưỡng hiếp tập thể và giật dây chuyền cũng ở tịt trong nhà, trời nóng quá là nóng. Tôi nhớ những tiệm ăn, quán bar, rạp hát. Một số trưng những tấm biển, tôi nghĩ có từ những năm bốn mươi hay năm mươi, ghi rằng có lắp điều hòa. Buồn cười thật, những chốn tự quảng cáo là có lắp điều hòa để lôi kéo người ta. Bây giờ thì khác lắm rồi, hả?… Thời buổi hiển nhiên đã đổi thay.” Snyder kéo cho cánh cửa mở ra và bước vào căn phòng mù mịt khói. “Thời buổi hiển nhiên đã đổi thay.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3