Trăng lạnh - Phần I - Chương 20

CHƯƠNG 20

“Tôi cần một hồ sơ vụ án.”

“Vâng.” Người phụ nữ đang nhai kẹo cao su. Tiếng nhai rất to.

Chóp chép.

Amelia Sachs đang có mặt tại phòng hồ sơ đồn 158 khu Hạ Manhattan, cách đồn 118 không xa. Cô đưa số hồ sơ vụ Sarkowski cho cô thư kí trực ca tối ngồi trước bàn làm việc màu xám. Cô ta gõ bàn phím máy vi tính, những tiếng lách cách giật kiểu mổ cò. Một cái liếc nhìn lên màn hình.

“Không có.”

“Cô chắc chắn chứ?”

“Không có.”

“Hừ.” Sachs cười thành tiếng. “Thế chúng tôi phải nghĩ là nó đã đi đằng nào?”

“Đi đằng nào à?”

“Nó được chuyển đến đây ngày hai tám hoặc hai chín tháng Mười một từ đồn 131. Hình như ai đó ở đây đã yêu cầu.”

Chóp chép.

“Ờ, nó có vẻ không được vào sổ. Chị chắc chắn là nó được chuyển đến đây à?”

“Không, không chắc chắn tới một nghìn phần trăm. Nhưng…”

“Một nghìn?” Người phụ nữ hỏi, vẫn nhai kẹo. Một bao thuốc lá đặt bên cạnh cô ta, sẵn sàng cho cô ta vội vã chộp lấy và lao xuống cầu thang vào giờ nghỉ hoặc khi kết thúc ca trực.

“Liệu trong hoàn cảnh nào thì nó không được vào sổ?”

“Hoàn cảnh?”

“Một hồ sơ sẽ luôn luôn được vào sổ chứ?”

“Nếu một thám tự cụ thể yêu cầu, nó sẽ đến thẳng văn phòng của ông ta và ông ta sẽ vào sổ đăng kí. Thám tử các chị phải vào sổ. Đó là quy định rồi.”

“Nếu không có tên người yêu cầu trên văn bản yêu cầu thì sao?”

“Thế thì nó sẽ đến đây.” Cô ta hất đầu về phía một chiếc giỏ lớn cắm tấm biển Hồ sơ chờ. “Và bất cứ ai muốn lấy nó sẽ phải đến đây. Rồi vào sổ đăng kí. Bắt buộc phải vào sổ.”

“Nhưng nó đã không được vào sổ.”

“Phải vào sổ chứ. Vì nếu không, làm sao chúng tôi biết nó ở đâu?” Cô ta chỉ một tấm biển khác đề Vào sổ!

Sachs lặng lẽ lục chiếc giỏ lớn.

“Này, chị không được làm thế.”

“Nhưng cô thấy vấn đề của tôi không?”

Trong chớp mắt. Chiếc kẹo nổ bốp một cái.

“Nó đã đến đây. Nhưng cô không thể tìm thấy nó. Vậy thì tôi phải làm gì nào?”

“Gửi một đơn yêu cầu. Sẽ có người nào đó xem xét.”

“Thực sự sẽ như thế nào? Bởi tôi không chắc là sẽ như thế.” Sachs nhìn về phía phòng hồ sơ. “Tôi sẽ chỉ nhìn qua một chút, cảm phiền cô.”

“Quả thật, chị không thể.”

“Vài phút thôi.”

“Chị không thể…”

Sachs bước qua cô ta và lao vào giữa hang đống hồ sơ. Cô thư kí lẩm bẩm gì đó nhưng chẳng lọt tai Sachs.

Tất cả hồ sơ đều được sắp xếp theo số và các băng giấy màu đánh dấu, phân loại thành hồ sơ đang mở hoặc đã đóng hoặc chờ xét xử. Hồ sơ Các vụ trọng án có một đường viền đặc biệt. Màu đỏ. Sachs tìm thấy những hồ sơ gần đây và, rút ra theo từng số, chắc chắn – hồ sơ vụ Sarkowski không ở đó.

Cô dừng lại, hai tay chống nạnh, ngẩng nhìn những chồng hồ sơ.

“Xin chào.” Một giọng đàn ông cất lên.

Sachs quay lại và trông thấy một người đàn ông cao, tóc bạc, mặc sơ mi trắng và quần xanh nước biển. Ông ta mang dáng dấp quân sự và đang mỉm cười. “Cô là…”

“Thám tử Sachs.”

“Tôi là Phó Thanh tra Jefferies.” Thông thường một phó thanh tra sẽ quản lí một đồn cảnh sát khu vực. Sachs đã nghe tên người này nhưng không biết gì về ông ta. Ngoại trừ một điều là ông ta rõ ràng thuộc típ làm việc miệt mài, vì ông ta vẫn còn ở đây, vào cái giờ muộn như thế này.

“Chúng tôi có thể làm gì cho cô, thám tử?”

“Có một hồ sơ được chuyển đến đây từ đồn 131. Khoảng hai tuần trước. Tôi cần nó cho một cuộc điều tra.”

Jefferies liếc nhìn cô thư kí phòng hồ sơ. Cô ta đang đứng ở hành lang.

“Chúng ta không có nó, thưa sếp. Tôi đã bảo chị ta vậy.”

“Cô chắc chắn nó được chuyển đến đây à?”

Sachs nói: “Số đăng kí ở đồn chuyển đi cho biết nó được chuyển đến đây.”

“Nó có được vào sổ không?”, Jefferies hỏi cô thư kí.

“Không ạ.”

“Hãy vào văn phòng tôi, thám tử. Tôi sẽ xem chúng ta có thể làm gì.”

Sachs phớt lờ cô thư kí. Cô không muốn cô ta cảm thấy hài lòng.

Họ đi dọc một hành lang chẳng có gì đặc biệt, ngoặt chỗ này, ngoặt chỗ kia, hoàn toàn im lặng. Sachs phải chiến đấu với đôi chân mắc chứng viêm khớp để theo kịp tốc độ của người đàn ông.

Thanh tra Jefferies sải bước vào văn phòng mình nằm ở một góc tòa nhà, hất đầu về phía chiếc ghế dựa đối diện với ghế ông ta qua chiếc bàn làm việc, và đóng cánh cửa bên trên có gắn tấm biển bằng đồng đề Halston P. Jefferies.

Sachs ngồi xuống.

Jefferies bỗng nhiên chống hai tay xuống cúi về phía Sachs, mặt ông ta chỉ cách mặt cô chừng nửa gang. Ông ta đấm nắm tay lên bàn. “Cô nghĩ cô đang làm cái chết tiệt gì?”

Sachs ngã người ra sau, cảm thấy hơi thở nóng, đẩy mùi tỏi của ông ta phủ khắp mặt mình. “Tôi… Ý ông là gì?” Cô nuốt lại hai từ “thưa ông” mà cô suýt thêm vào câu hỏi.

“Cô từ đâu ra?”

“Từ đâu?”

“Cô, con bé lính mới chết tiệt, cô thuộc đồn nào?”

Trong khoảnh khắc, Sachs không thể cất nổi lời, cô choáng váng trước cơn giận dữ của người đàn ông.

“Về nguyên tắc, tôi làm việc tại bộ phận Các vụ trọng án…”

“Cô nóivề nguyên tắcnghĩa là cái quái gì hả? Cô đang làm việc cho ai?”

“Tôi là thám tử chính trong vụ này. Người giám sát tôi là Lon Sellitto. Bộ phận Các vụ trọng án. Tôi…”

“Cô chưa phải là thám tử…”

“Tôi...”

“Đừng bao giờ ngắt lời một sĩ quan cấp cao hơn. Đừng bao giờ. Cô hiểu ý tôi chứ?”

Sachs hoảng sợ. Cô không nói gì.

“Cô hiểu ý tôi chứ?”, Jefferies quát to.

“Đã rõ.”

“Cô chưa phải là thám tử có kinh nghiệm, đúng không?”

“Vâng.”

“Tôi biết điều ấy, bởi một thám tử sẽ tuân theo các nguyên tắc. Cô ta sẽ tới gặp viên phó thanh tra, tự giới thiệu mình và hỏi xem liệu có thể đọc lại một hồ sơ hay không. Việc cô đã làm… Cô định ngắt lời tôi lần nữa à?”

Quả thật Sachs định ngắt lời ông ta. Nhưng cô trả lời: “Không.”

“Việc cô đã làm là sự xúc phạm đến cá nhân tôi.” Một tia nước bọt bắn ra tựa một làn đạn súng cối.

Jefferies dừng lại. Nói bây giờ thì có phải là ngắt lời? Sachs chẳng thèm quan tâm. “Tôi không định xúc phạm ông. Tôi chỉ đang tiến hành điều tra. Tôi cần một hồ sơ mà đã được phát hiện ra là bị thất lạc.”

“Đã được phát hiện ra là bị thất lạc. Nói như thế nghĩa là thế nào? Hoặc là nó được phát hiện ra hoặc là nó bị thất lạc. Nếu cô cũng cẩu thả với việc điều tra như với việc sử dụng ngôn ngữ, thì tôi tự hỏi phải chăng chính cô đã đánh mất hồ sơ đó và đang cố gắng lấp liếm đi bằng cách đổ tội cho chúng tôi.”

“Hồ sơ đó đã được đăng kí rút ra ở đồn 131 và được chuyển đến đây.”

“Do ai?”, Jefferies hỏi gay gắt.

“Đó là vấn đề. Mục này trong sổ đăng kí bị bỏ trống.”

“Có những hồ sơ khác được rút ra chuyển đến đây không?” Jefferies ngồi trên mép bàn làm việc và cúi nhìn Sachs chằm chằm.

Sachs cau mày.

Ông ta tiếp tục: “Có hồ sơ nào từ bất cứ chỗ nào khác không?”

“Tôi không hiểu ông muốn nói gì?”

“Cô có biết tôi làm gì ở đây không?”

“Xin lỗi?”

“Công việc của tôi ở 158 là gì?”

“À, tôi cho rằng ông phụ trách đồn này.”

“Cô cho rằng”, Jefferies chế nhạo. “Tôi từng biết những cảnh sát chết ngoài phố vì họ cứ hay cho rằng. Bị bắn chết tươi.”

Cuộc đối thoại đang trở nên lê thê. Ánh mắt Sachs chuyển sang vẻ lạnh lùng và bám riết ánh mắt Jefferies. Việc này đối với cô chẳng khó khăn gì.

Jefferies hầu như không để ý. Ông ta nói gay gắt: “Ngoài chuyện phụ trách đồn này, theo như suy luận thông minh của cô, tôi còn phụ trách ủy ban phân bổ nhân lực toàn sở. Mỗi năm, tôi duyệt hàng nghìn hồ sơ, tôi nhìn nhận các xu thế, quyết định phải thay đổi nhân sự ra sao để giải quyết khối lượng công việc. Tôi hợp tác chặt chẽ với cấp thành phố và bang nhằm đảm bảo rằng chúng ta đạt được cái chúng ta cần. Có lẽ cô nghĩ đấy là lãng phí thời gian, hả?”

“Tôi không...”

“Chà, chẳng lãng phí thời gian đâu, bà trẻ. Những hồ sơ đó do tôi xem xét và chúng được trả về... Nào, cái báo cáo mà cô đang quan tâm quá thể này là gì vậy?”

Bỗng nhiên, Sachs không muốn Jefferies biết. Toàn bộ sự việc thật đáng khó chịu. Lập luận một cách logic thì nếu ông ta phải giấu giếm chuyện gì, có lẽ ông ta sẽ chẳng cư xử ngu ngốc thế này. Nhưng, mặt khác, có thể ông ta đã diễn kịch để đánh lạc hướng nghi ngờ. Cô nghĩ lại. Cô mới chỉ đưa cho cô thư kí số hồ sơ chứ chưa nói tên Sarkowski. Nhiều khả năng là cái kẻ lơ đãng đó không nhớ được dãy số dài dằng dặc.

Sachs đáp bình thản: “Tôi không muốn nói với ông.”

Jefferies chớp mắt. “Cô...?”

“Tôi không định nói với ông.”

Jefferies gật đầu. Ông ta có vẻ bình tĩnh. Rồi ông ta lại cúi về phía trước và đấm nắm tay lên bàn. “Đồ chết tiệt, cô phải nói với tôi. Tôi muốn cô nói tên vụ án và tôi muốn cô nói ngay bây giờ.”

“Không.”

“Tôi sẽ cho cô bị đình chỉ công tác vì bất tuân mệnh lệnh thượng cấp.”

“Ông hãy làm việc gì ông phải làm, thanh tra.”

“Cô sẽ nói với tôi tên hồ sơ. Và cô sẽ nói với tôi ngay bây giờ.”

“Không, tôi sẽ không nói.”

“Tôi sẽ gọi cho người giám sát cô.” Giọng Jefferies lạc đi. Ông ta đang trở nên cuồng loạn. Sachs thực sự đã tự hỏi phải chăng ông ta sẽ đánh cô.

“Ông ấy không biết về nó.”

“Cô vẫn cứng đầu cứng cổ thế à”, Jefferies nói, giọng giận sôi sùng sục. “Cô nghĩ là cô được đeo chiếc phù hiệu vàng, cô biết mọi điều có thể biết về nghề cảnh sát. Cô là đồ nhãi ranh, cô chỉ là đồ nhãi ranh. Cô đến đồn của tôi, buộc tội tôi đánh cắp hồ sơ...”

“Tôi không...”

“Bất tuân mệnh lệnh thượng cấp, cô xúc phạm tôi, cô ngắt lời tôi. Cô không hề biết là một cảnh sát thì phải như thế nào.”

Sachs bình thản nhìn Jefferies. Cô đã lọt vào một chốn khác – cái hầm chứa đầy gió xoáy của riêng mình cô. Cô biết cuộc đối đầu này có thể đưa tới tai họa, nhưng ngay bây giờ thì ông ta không thể động đến cô. “Tôi đi đây.”

“Cô đang sà vào rắc rối nghiêm trọng đấy, bà trẻ. Tôi nhớ số phù hiệu cô đeo rồi. 5885. Nghĩ là tôi không nhớ à? Tôi sẽ xem cô nhận lệnh bị bắt giữ. Cô thích suốt ngày lục lọi giấy tờ như thế nào hả? Cô đừng mò vào đồn của một người rồi xúc phạm đến người ta.”

Sachs sải bước qua Jefferies, đẩy cho cánh cửa mở toang và vội vã đi ra phía đầu hành lang. Hai bàn tay cô bắt đầu run rẩy, hơi thở trở nên gấp gáp.

Giọng ông ta, gần như là thét lên, đuổi theo cô dọc hành lang: “Tôi sẽ nhớ số phù hiệu cho cô. Tôi sẽ gọi điện cho người ta. Nếu cô còn quay lại đây, cô sẽ phải hối tiếc. Bà trẻ, cô đã nghe thấy tôi nói chưa?”

* * *

Trung sĩ lục quân Mỹ Lucy Richter khóa cái cửa hiệu cũ kĩ (là phần phía trước ngôi nhà) ở khu Greenwich Village, bước vào phòng ngủ, nơi cô cởi bỏ bộ đồng phục màu xanh lá cây đậm, với những cuống huy chương được cài thành hàng thẳng tắp và những dải băng thể hiện những chiến dịch mà cô tham gia. Cô muốn ném nó lên giường nhưng, tất nhiên, cô vẫn cẩn thận treo nó vào tủ, cả chiếc sơ mi nữa, và cất chứng minh thư cùng huy hiệu an ninh vào túi áo ngực, đó là nơi cô luôn luôn cất những thứ ấy. Rồi cô lau chùi sạch sẽ và đánh bóng đôi giày trước khi cẩn thận xếp nó lên giá gắn trên cánh cửa tủ.

Tắm ào một cái dưới vòi hoa sen, rồi quấn xung quanh người chiếc áo choàng hồng cũ kĩ, Lucy ngồi bó gối trên tấm thảm xù xì trải sàn phòng ngủ, đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ. Cặp mắt cô lướt qua những tòa nhà bên kia phố Barrow, những ngọn đèn lấp lóe giữa những vòm cây gió đu đưa thổi, và mặt trăng, trắng toát trên bầu trời đen, tỏa sáng bên trên khu Hạ Manhattan. Đó là một khung cảnh quen thuộc đối với cô, đem đến niềm an ủi. Cô từng ngồi đây, hệt như thế này, thuở nhỏ.

Lucy vừa ở nước ngoài một thời gian và đang được về nhà nghỉ phép. Cuối cùng, cô đã hết mệt mỏi vì chênh lệch múi giờ, đã hết cái cảm giác chuếnh choáng sau giấc ngủ miên man. Bây giờ, khi chồng cô vẫn còn ở chỗ làm, cô bằng lòng ngồi đây, nhìn ra ngoài cửa sổ và suy nghĩ về quá khứ xa xôi, về hiện tại.

Cả tương lai nữa, tất nhiên. Những giờ phút ta chưa trải qua xem chừng ám ảnh ta hơn nhiều những giờ phút ta đã sống, Lucy tự nhủ thầm.

Cô lớn lên trong chính cái cửa hiệu này, ở khu vực dễ chịu nhất của Manhattan này. Cô yêu khu vực này. Và khi cha mẹ cô chuyển đến thành phố khác, trở thành những cư dân của Vành đai Mặt trời[56], họ giao nơi này lại cho cô con gái hai mươi hai tuổi. Ba năm sau, vào buổi tối bạn trai cô ngỏ lời cầu hôn, cô chấp nhận với một điều kiện: Họ phải sống tại đây. Anh, tất nhiên, đã đồng ý.

[56] Vùng miền Nam ấm áp của nước Mỹ, thông thường được coi là bao gồm các bang Arizona, California, Florida, Nevada, New Mexico, Texas, Georgia...

Lucy thích thú với cuộc sống của cô ở nơi này, thăm nom bạn bè, làm các công việc văn phòng và dịch vụ ăn uống (bỏ dở chương trình đại học, tuy nhiên cô luôn luôn là người may mắn và chăm chỉ làm việc nhất trong đám bạn bè). Cô thích thú với đặc điểm văn hóa và nét riêng biệt của thành phố này. Lucy từng ngồi đúng chỗ này, nhìn ra bên ngoài cửa sổ, về phía nam, về phía phong cách đường bệ của cái thành phố đường bệ, suy nghĩ về những việc cô muốn làm trong cuộc đời, hoặc chẳng suy nghĩ về cái gì sất.

Nhưng rồi tới cái ngày tháng Chín ấy và cô đã quan sát nó từ đầu đến cuối, những ngọn lửa, những đám khói, sau đó là sự thiếu vắng khủng khiếp.

Lucy tiếp tục cuộc sống thường lệ, ít nhiều cũng cảm thấy hài lòng, chờ đợi cho sự giận dữ và cơn đau đớn qua, cho nỗi trống trải được lấp đầy. Nhưng điều ấy chẳng bao giờ xảy ra. Và thế là cô gái gầy nhẳng, Đảng viên Dân chủ, thích Seinfield[57], tự nướng bánh bằng bột làm từ lúa mì chỉ bón phân hữu cơ, đã bước ra khỏi cái cửa hiệu này, bắt chuyến tàu hỏa ở ga Broadway đi đến quảng trường Thời đại, nhập ngũ.

[57] Một bộ phim đoạt giải Emmy, giải thưởng dành cho phim truyền hình của Mỹ, bắt đầu chiếu từ ngày 5 tháng Bảy năm 1989 và kéo dài tới ngày 14 tháng Năm năm 1998.

Cô phải làm một cái gì đó, cô giải thích với chồng cô, Bob. Anh hôn trán cô, ôm lấy cô thật chặt và không cố gắng thuyết phục cô rút lui. (Vì hai lí do. Thứ nhất, bản thân vốn là cựu lính đặc nhiệm hải quân Mỹ, anh cho rằng những kinh nghiệm trong quân đội quan trọng đối với tất cả mọi người. Và thứ hai, anh tin tưởng Lucy có ý thức không nhầm lẫn về những công việc đúng đắn nên làm.)

Sau khóa huấn luyện cơ bản ở Texas đầy bụi, cô xuống tàu thủy ra nước ngoài – Bob đi cùng cô, sếp của anh tại cái công ti chuyển phát hàng hóa đó có tinh thần ái quốc đặc biệt – và họ cho thuê cửa hiệu một năm. Cô học tiếng Đức, học lái mọi loại xe tải, và nhận ra một thực tế về bản thân mình: rằng cô có tài tổ chức thiên bẩm. Cô được giao nhiệm vụ quản lí những quân nhân tiếp tế nhiên liệu, những con người nam có, nữ có đưa các sản phẩm dầu mỏ cũng như các nguồn cung cấp thiết yếu đến nơi nào có nhu cầu.

Xăng và diesel giành chiến thắng. Những thùng chứa rỗng không sẽ thất bại. Đó là quy luật của chiến tranh trong suốt một trăm năm.

Rồi đến một ngày, viên trung úy chỉ huy của cô tới gặp cô và nói với cô hai việc. Một là, cô được thăng cấp từ hạ sĩ lên trung sĩ. Hai là, cô được cử đi học tiếng Ả Rập.

Bob trở về Mỹ, còn Lucy lôi đồ lễ của mình sang một chiếc C130, bay tới cái vùng đất đầy sương mù đáng ghét.

Hãy thận trọng với những gì bạn hướng đến...

Lucy Richter đã đi từ nước Mỹ – đất nước với một phong cảnh đổi thay – tới cái chốn chẳng có gì thay đổi. Cuộc sống của cô giờ là những sa mạc, là một mặt trời treo lơ lửng tỏa xuống sức nóng thiêu đốt, và hàng chục thứ cát – có thứ thô ráp để lại sẹo trên da, có thứ mịn màng như bột tan len lỏi khắp nơi. Công việc của cô bắt đầu tầm quan trọng mới. Nếu một chiếc xe tải hết nhiên liệu trên chặng đường từ Berlin đi Cologne, người ta sẽ bấm điện thoại gọi tiếp tế nhiên liệu. Nếu điều này xảy ra ở vùng chiến, sẽ có những hi sinh.

Và Lucy phải đảm bảo rằng điều này không bao giờ xảy ra.

Biết bao nhiêu giờ phút những chuyến tàu chở dầu và xe tải đạn dược luân phiên nhau đi đi về về, thi thoảng lại có cả một nhiệm vụ gì đó kì quặc – ví dụ đóng vai một cô cao bồi cãi lộn với đám cừu trong các thùng xe, một sự ngẫu hứng, nhiệm vụ tình nguyện đem thực phẩm đến một làng nhỏ đã cạn kiệt thức ăn suốt nhiều tuần.

Cừu... Thật nực cười!

Và giờ đây, Lucy quay lại một xứ sở với những đường nét in lên nền trời, không có gia súc ngay bên ngoài các tiệm ăn hay các quầy hàng của Food Emporium[58], không có cát, không có mặt trời thiêu đốt... không có sương mù đắng nghét.

[58] Hệ thống các cửa hàng bán lẻ thực phẩm, ở thành phố New York có khoảng ba mươi cửa hàng.

Rất khác cuộc sống của cô ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Lucy Richter vẫn hầu như chẳng cảm thấy thanh thản. Đó là lí do tại sao cô đang đăm đăm nhìn về phía nam, tìm kiếm những câu trả lời cho Nỗi Trống Trải Mênh Mông của cái phong cảnh đã thay đổi.

Có hay không...

Chuông điện thoại kêu khiến Lucy giật mình. Gần đây cô thường xuyên giật mình như thế này – trước mọi tiếng động đột ngột. Chuông điện thoại, cánh cửa đóng đánh sầm...

Ớn lạnh... Lucy nhấc điện thoại lên.

“A lô.”

“Cậu à.” Đó là một người bạn thân của Lucy sống ở khu vực này.

“Claire.”

“Có chuyện gì thế?”

“Chỉ hơi lạnh thôi.”

“Này, cậu đang ở múi giờ nào đấy?”

“Chúa mới biết được.”

“Bob có nhà không?”

“Không. Làm muộn.”

“Tốt, gặp tớ chén bánh pho mát đi.”

Chỉ bánh pho mát thôi à?” Lucy hỏi thẳng thắn.

“Cocktail Bạch Nga nhé?”

“Cậu đang ở sân bóng chày hả. Đi nào.”

Hai cô lựa chọn một quán ăn mở ban đêm gần đó và dập máy.

Nhìn lần cuối cùng bầu trời phía nam đen ngòm trống trải, Lucy đứng dậy, mặc áo len và áo khoác ngắn trượt tuyết, đội mũ, rời khỏi cửa hiệu. Cô đi theo lối cầu thang tối lờ mờ dẫn xuống cánh cửa thứ nhất.

Cô dừng lại, chớp mắt ngạc nhiên trước một bóng người hiện lên bất thình lình.

“Lucy à”, tỏa mùi long não và thuốc lá, ông quản lí tòa nhà – khi cô lớn lên thì ông ta đã già – đang vác những chồng báo buộc vào nhau ra vỉa hè. Nặng hơn đến mười mấy cân và cao hơn chừng nửa gang, Lucy giằng lấy hai chồng báo từ tay ông ta.

“Không”, ông ta phản đối.

“Ông Giradello, tôi phải tập thể dục để giữ dáng đấy.”

“À, giữ dáng à? Cô khỏe hơn thẳng con trai tôi.”

Ở bên ngoài, cái lạnh làm mũi và môi Lucy đau nhói. Cô vốn vẫn mê cảm giác này.

“Lúc tối, tôi trông thấy cô mặc quân phục. Cô được trao tặng phần thưởng à?”

“Thứ Năm này ạ. Hôm nay chỉ là buổi diễn tập. Mà đó không phải phần thưởng. Đó là tuyên dương.”

“Sự khác nhau là gì?”

“Câu hỏi hay đấy ạ. Tôi cũng chẳng biết lắm. Tôi nghĩ người ta giành được một phần thưởng. Tuyên dương thì thay cho tăng lương.” Lucy xếp chỗ báo bỏ đi trên lề đường.

“Cha mẹ cô sẽ tự hào.” Một câu khẳng định, không phải câu hỏi.

“Chắc chắn ạ.”

“Cho tôi gửi lời chào ông bà.”

“Vâng. Thôi ạ, ông Giradello, tôi đang chết cóng đây. Tôi phải đi. Ông giữ gìn sức khỏe nhé.”

“Tạm biệt cô.”

Lucy bắt đầu bước dọc vỉa hè. Cô để ý thấy một chiếc Buick màu lam thẫm đỗ bên kia phố. Hai người đàn ông ngồi trong xe. Người ngồi ở ghế hành khác liếc nhìn cô rồi cúi xuống. Gã cầm lên một lon soda và uống như chết khát. Lucy nghĩ: Ai lại đi thèm một thức uống lạnh vào thời tiết này? Bản thân cô đang muốn một tách cà phê Ireland nóng sôi sùng sục với một suất đúp Bushmills. Tất nhiên, cả kem đánh nữa.

Rồi Lucy liếc nhìn xuống vỉa hè, đột ngột dừng lại và thay đổi hướng đi. Thật buồn cười, Lucy Richter tự nhủ rằng những mảng băng trơn trượt có lẽ là mối nguy hiểm duy nhất mà cô chưa gặp phải suốt mười tám tháng qua.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3