Những kẻ điên rồ phải chết - Chương 25 phần 2
Anh cố để bàn tay lên người tôi, nhưng tôi bước xa ra và tiến về chiếc xe. Artie lẽo đẽo theo sau. Chúng tôi vào trong nhà xe và tôi lái đưa anh về nhà. Vào lúc đó, tôi đã bình tĩnh lại và tôi có thể thấy Artie đang khổ sở vì thế tôi nói với anh:
- Tốt hơn, anh nên kể với Pam.
Artie nói:
- Tôi sẽ nói.
Tôi dừng xe nơi con đường nội viên đưa vào nhà.
- Chú vào ăn tối chứ? - Artie hỏi.
Anh đứng bên cửa xe của tôi và đưa bàn tay vào trong đặt lên tay tôi.
- Đừng, - Tôi nói.
Tôi nhìn theo anh lúc anh đang đi vào nhà và kéo mọi đứa nhóc còn chơi trên bãi cỏ vào nhà với anh. Rồi tôi lái xe đi. Tôi lái xe đi chậm rãi và cẩn thận, tôi đã luyện cho mình lúc nào cũng càng cẩn thận hơn trong tình huống mà phần lớn người ta dễ trở nên lộn xộn. Khi về đến nhà tôi có thể nhận thấy, qua bộ mặt của Vallie, rằng nàng đã biết chuyện gì xảy ra. Bọn trẻ đã đi ngủ và nàng để phần bữa tối cho tôi trên bàn ăn nơi bếp. Trong khi tôi ăn, nàng xoa phía sau đầu và cổ tôi khi nàng tạt vào nhà bếp. Nàng ngồi đối diện, uống cà phê, chờ tôi mở đề tài. Rồi nàng chợt nhớ:
- Chị Pam muốn mình gọi cho chị ấy.
Tôi gọi. Pam xin lỗi đã kéo tôi vào chuyện rắc rối không đâu. Tôi bảo chị không sao và hỏi thăm chị đã đỡ chưa khi đã biết sự thật? Pam cười khúc khích và nói:
- Ôi Trời, chị nghĩ phải chi là bạn gái còn dễ xử hơn đấy.
Chị đã vui trở lại. Và bây giờ vai trò của chúng tôi lại đảo lộn. Trước đó, tôi tội nghiệp cho chị. Chị là người đang gặp nguy cơ mất chồng và tôi là người sẽ cứu hộ hoặc cố gắng giúp đỡ chị. Còn giờ đây hình như chị nghĩ vai trò đã đảo ngược và chị lúng túng, không biết nói sao cho phải. Tôi bảo chị đừng bận tâm.
Pam nhảy qua chuyện chị muốn nói tiếp:
- Merlin chú không thực sự có ý nói rằng chú sẽ không nhìn mặt mẹ mình chứ?
- Artie có tin vậy không, hở chị? - Tôi hỏi chị.
- Anh nói anh vẫn biết điều ấy, - Pam nói. - Lẽ ra anh ấy đã không nói với chú cho đến khi nào anh đã làm dịu được chú. Nhưng mà vậy lại làm tôi lo lắng. Anh ấy giận tôi vì đã làm rối lên đấy.
Tôi cười:
- Xem này. Bắt đầu thì giống như một ngày xấu cho chị và bây giờ lại là một ngày xấu cho ảnh. Ảnh là người chịu thiệt.
- Ờ, - Pam nói. - Nghe này, tôi áy náy với chú quá, thật đấy:
- Ồ, chuyện đó chẳng có gì đối với em đâu, tôi nói.
Pam đáp Ok, cám ơn rồi gác máy.
Bây giờ Vallie đang đứng đợi tôi. Nàng quan sát tôi đầy chủ ý. Có lẽ nàng đã được Pam và có thể cả Artie nữa, “phụ nhĩ” về việc xử lí tình huống này như thế nào và nàng đang rất e dè, thận trọng. Nhưng tôi đoán nàng chưa thật sự nắm bắt được vấn đề. Nàng và Pam thật sự là những người đàn bà tốt, nhưng họ không hiểu.
Cha mẹ của cả hai đều đã từng phản đối về chuyện họ kết hôn với những đứa mồ côi không rõ tông hệ. Tôi có thể tưởng tượng nhiều câu chuyện kinh khủng được kể lại về những trường hợp tương tự. Chuyện gì xảy ra nếu như trong tông hệ chúng tôi có một hiện tượng điên loạn hay thoái hóa, suy đồi? Hay có lẫn lộn dòng máu da đen, máu Do Thái, máu Thệ phải, hay là những thứ linh tinh nhảm nhí đó. Thế mà, bây giờ một bằng chứng lại xuất hiện khi không còn cần thiết nữa. Tôi có thể hình dung rằng Pam và Vallie không hạnh phúc lắm về tính lãng mạn của Artie, việc anh đào lên mối quan hệ đã mất với một bà mẹ.
- Anh có muốn bà ta tới đây để thấy mặt mấy đứa cháu không? - Vallie hỏi.
- Không! - Tôi nói.
Vallie có vẻ bối rối và hơi kinh hoảng. Tôi có thể thấy nàng đang nghĩ điều gì xảy ra nếu một ngày nào đó các con nàng phủ nhận nàng.
- Bà là mẹ anh, - Vallie nói. - Chắc là bà ta phải có một cuộc đời rất bất hạnh.
- Em có biết trẻ mồ côi nghĩa là gì không? - Tôi nói. - Em có đọc trong tự điển chưa? Nó có nghĩa là một đứa bé đã mất cả cha mẹ vì cha mẹ nó đã chết.
- Được rồi, - Vallie nói.
Nàng có vẻ kinh hoảng. Nàng đi nhìn mấy đứa nhỏ rồi vào phòng ngủ. Tôi có thể nghe nàng đi vào phòng tắm và sửa soạn giường. Tôi thức khuya đọc và ghi chú và khi tôi lên giường nàng đã ngủ say.
***
Vài tháng trôi qua. Ngày nọ Artie gọi tôi cho biết bà mẹ đã biến mất. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở thành phố và cùng đi ăn tối để có thể nói chuyện riêng với nhau.
Artie có vẻ vui. Anh cho biết bà có để lại một bức thư ngắn. Anh nói rằng bà nghiện rượu nặng và lúc nào cũng muốn đến quán bar, gặp gỡ đàn ông. Rằng bà là một gái giang hồ già nhưng anh vẫn mến bà. Anh đã thuyết phục được bà thôi uống rượu, đã mua quần áo mới cho bà, thuê cho bà một căn hộ xinh xắn khá tiện nghi, trợ cấp hàng tháng cho bà. Bà đã kể cho anh nghe mọi nỗi truân chuyên của đời bà. Thực sự không phải là lỗi của bà. Tôi chặn lời anh ở đó. Tôi không muốn nghe về chuyện ấy.
- Anh sẽ đi tìm bà lại nữa không? - Tôi hỏi anh.
Artie cười, nụ cười đẹp mà buồn của anh.
- Không, - Anh nói. - Chú biết đó, ngay cả bây giờ, đối với bà, tôi vẫn là một nỗi đau khổ khó chịu. Bà thực sự không thích tôi ở gần. Lần đầu tiên khi tôi tìm thấy, bà đã đóng cái vai tôi muốn bà đóng, tôi nghĩ, từ một mặc cảm phạm tội, rằng có lẽ, bà có thể đền bù cho tôi bằng cách để cho tôi chăm sóc bà. Nhưng thực sự bà không thích điều đó. Tôi muốn bà đến nhà chơi nhưng bà không màng. Thôi thế cũng tốt.
- Pam nghĩ sao về chuyện này? - Tôi hỏi.
Artie cười lớn.
- Lạy Chúa, nàng ghen cả với mẹ chồng. Khi tôi bảo nàng mọi chuyện qua rồi, người ta có thể thấy vẻ nhẹ nhõm thoát nợ trên khuôn mặt nàng. Một điều tôi phải nói về chú, đó là chú quá dửng dưng trong chuyện này.
- Bởi vì tôi chẳng muốn bận lòng chi, vô ích, - Tôi đáp.
- Ừ, Artie nói buông xuôi. - Tôi biết. Cũng chẳng thành vấn đề. Tôi không nghĩ chú sẽ mến bà.
***
Sáu tháng sau, Artie bị đột biến tim. Cũng nhẹ thôi nhưng anh phải nằm viện hết mấy tuần và nghỉ việc hết cả tháng. Tôi đến bệnh viện hàng ngày để thăm anh.
Không có gì trầm trọng lắm nhưng Pam hoảng hốt, sợ đến cuống cuồng. Khi Artie xuất viện về nhà, chị bắt anh theo chế độ ăn kiêng cữ nghiêm ngặt, vất hết thuốc lá để trong nhà không còn một điếu. Anh đi bộ đều đặn mỗi ngày, ăn uống cẩn thận, không bao giờ đụng đến thuốc lá.
Sáu tháng sau, anh khỏi hẳn ra như chưa từng thấy trong đời.
- Tạ ơn Chúa, anh đã bỏ được thuốc lá, - Pam nói.
- Anh ấy đã từng hút đến ba gói một ngày. Vì thế anh dễ bị trụy tim đấy.
Tôi gật đầu, nhưng không tin điều đó. Tôi vẫn luôn tin rằng chính hai tháng gần gũi bà mẹ “có vấn đề” nhức nhối như vậy đã dồn nén cơn đau tinh thần của anh đến hậu quả trên.
Và ngay lúc Artie vừa mới bình phục, thì tôi lại gặp rắc rối. Tôi mất việc ở tạp chí Văn học, chẳng phải lỗi tại tôi nhưng chỉ vì Osano bị thôi việc và tôi là phụ tá thân thiết của ông thì tôi cũng phải cùng chung số phận.
Osano đã tạo ra quá nhiều cơn bão tố. Sự ngạo mạn của ông đối với những Hội văn học có thế lực mạnh nhất trong nước, với giới trí thức chính trị, những kẻ cuồng tín về văn hóa, phong trào giải phóng phụ nữ, những kẻ quá khích, những trò tinh nghịch táo bạo của ông về tình dục, chuyện đánh cá thể thao, việc ông sử dụng vị thế của mình để vận động tranh giải Nobel văn học. Thêm vào một cuốn sách ông xuất bản để bênh vực cho loại sách báo khiêu dâm, không phải về giá trị cứu chuộc xã hội của chúng, nhưng như một thú vui chống lại giới thượng lưu ưu tú, nghèo về trí tuệ. Vì tất cả những chuyện đó, các nhà xuất bản muốn sa thải ông, thế nhưng số lượng lưu hành của tạp chí đã tăng gấp đôi kể từ khi ông làm tổng biên tập.
Vào thời đó tôi đang làm ra khá tiền. Tôi viết rất nhiều bài báo để tên Osano. Tôi có thể mô phỏng văn phong ông khá tốt và ông khởi động cho tôi bằng mười lăm phút tuôn trào thao thao về những cảm nghĩ của ông liên quan đến một đề tài nào đó, lúc nào cũng đầy chất điên rồ một cách xuất sắc! Thật dễ dàng cho tôi để viết ra bài báo dựa trên cơ sở mười lăm phút “lên đồng” đó của ông. Sau đó ông đọc qua và “nhuận sắc” bằng vài cú “điểm nhãn” bậc thầy và chúng tôi chia đội tiền nhuận bút. Nhưng một nửa tiền nhuận bút của ông cũng gấp đôi tiền nhuận bút mà tôi nhận được cho một bài viết tương tự. Chuyện đó không làm chúng tôi gặp rắc rối nào.
Chính bà vợ cũ Wendy của ông đã đẩy chúng tôi vào. Nói thế cũng chưa công bình lắm, chính Osano đẩy vào còn Wendy chỉ đưa mũi dao cho ông.
Osano đã bỏ ra bốn tuần ở Hollywood trong lúc tôi điều hành tạp chí cho ông. Ông đang kết thúc cuộc thương lượng về một hợp đồng chuyển thể điện ảnh và trong bốn tuần đó chúng tôi dùng chuyến bay thư để đưa các bài viết đến cho ông duyệt trước khi tôi cho lên khuôn. Khi cuối cùng Osano quay về New York, ông mở một party mời bạn bè để ăn mừng việc ông trở về thắng lợi với một túi bạc kiếm được từ Hollywood.
Buổi party được tổ chức ở căn nhà bằng đá nâu ở vùng East Side hiện do bà vợ cũ sau cùng của ông ở với ba đứa con. Osano đang sống trong một căn hộ nhỏ ở Greenwich Village quá nhỏ để tổ chức party.
Tôi đi dự vì ông nhấn mạnh là tôi phải có mặt. Vallie không theo. Nàng không thích Osano và cũng không thích những hội lễ lạc bên ngoài vòng thân mật gia đình nàng. Qua nhiều năm tháng sống chung, chúng tôi đã đi đến một hiệp ước bất thành văn. Chúng tôi khoan miễn cho nhau đối với những quan hệ xã hội của nhau. Ai lo phần người nấy, không lôi kéo, bắt buộc người kia phải theo mình. Lí do khoan miễn của tôi đó là quá bận công việc với nào là viết tiểu thuyết, nào là điều hành tạp chí, nào là viết bài cộng tác. Lí do khoan miễn cho nàng đó là nàng phải chăm sóc cho lũ nhóc và không thể tin tưởng giao cho những người giữ trẻ thuê. Cả hai chúng tôi hài lòng với thỏa ước mặc nhiên đó.
Dẫu sao, buổi party của Osano cũng là một trong những sự kiện lớn của văn giới New York. Những vị chóp bu của tờ tạp chí Điểm sách của tổ hợp báo chí New York Times đến dự, những nhà phê bình và những tiểu thuyết gia mà Osano còn liên hệ hữu hảo. Tôi ngồi trong một góc, nói chuyện với bà vợ cũ gần đây nhất của Osano.
Khi tôi thấy Wendy tiến vào và ngay lập tức tôi nghĩ “Ôi lạy Chúa rắc rối tới nơi rồi,” bởi tôi biết bà ta đâu có được mời.
Osano cũng nhận ra bà ta cùng lúc với tôi và bắt đầu tiến về phía nàng với dáng người đi uốn lượn ngoằn ngoèo mà ông mới có trong mấy tháng gần đây. Ông hơi say và tôi hơi e ngại ông có thể mất bình tĩnh và gây ra cảnh lộn xộn hoặc làm chuyện gì điên rồ, vì thế tôi đứng lên và lại gần họ. Tôi đến đúng lúc để nghe Osano chào bà ta.
- Cô muốn cái gì ở đây? - Ông gằn giọng hỏi.
Ông có thể làm cho người ta ngán ngại khi ông giận dữ nhưng từ những gì mà ông đã kể với tôi về Wendy, tôi biết bà là người duy nhất thích thú khi chọc được ông nổi điên. Nhưng tôi vẫn còn ngạc nhiên về phản ứng của bà.
Wendy mặc quần jean, áo thun và một khăn choàng trên đầu khiến cho khuôn mặt mỏng, sậm màu của bà giống dân Bắc Phi. Mái tóc đen của bà thoát ra khỏi chiếc khăn quàng giống như những con rắn nhỏ màu đen.
Bà ta nhìn vào Osano với vẻ bình thản chết người của một người chiến thắng hiểm ác. Và dứt khoát muốn báo thù rửa hận. Bà phóng ra một tia nhìn dài quét suốt lượt khắp phòng như muốn uống vào những gì mà giờ đây bà không còn có thể kêu đòi phần nào nữa, cái thế giới văn học lấp lánh sáng ngời của Osano mà ông ta đã trục xuất nàng ra khỏi từ lâu. Một cái nhìn đắc ý đầy ác ý.
Rồi nàng nói với Osano:
- Tôi có việc quan trọng muốn nói với anh.
Osano hạ li Scotch xuống. Ông cười nhăn nhở với bà ta:
- Thì nói đi rồi cút.
Wendy nói rất nghiêm trang:
- Tin xấu đấy.
Osano cười rộ lên, thật lòng. Điều đó thực sự làm ông tức cười:
- Cô luôn luôn là tin xấu, - Ông nói và lại cười.
Wendy quan sát ông với sự đắc ý thầm lặng:
- Tôi phải nói riêng với anh.
- Ôi dào, nhảm, - Osano nói.
Nhưng ông biết Wendy. Bà ta thích gây cảnh lộn xộn. Vì vậy ông kéo bà ta đến chỗ cầu thang đi lên thư phòng của ông. Về sau này tôi đoán là ông không đưa bà lên một trong các phòng ngủ bởi vì trong thâm tâm ông vẫn sợ ông sẽ tìm cách gạ gẫm để đéo bà ta, bà ta vẫn còn cái ma lực đó đối với ông. Và ông biết bà ta sẽ thích thú khi từ chối ông. Nhưng thật sai lầm khi đưa bà ta vào thư phòng. Phòng đó có một cửa sổ thật lớn mà ông thích nhìn ra ngoài trong khi viết văn và nhìn người ta đi lại dưới phố. Tôi vẫn quanh quẩn ở chân cầu thang. Tôi thật sự không hiểu tại sao nhưng tôi linh cảm rằng Osano sắp cần sự giúp đỡ. Vì thế tôi là người trước tiên nghe Wendy hét lên một tiếng kinh hoàng và là người đầu tiên hành động vì tiếng hét đó. Tôi phóng lên các bậc cầu thang và đá bật cánh cửa vào thư phòng.
Đúng lúc đó tôi thấy Osano tiến sát đến bên Wendy. Bà ta vươn hai cánh tay ra, cố giữ cho ông ở khoảng cách đôi bàn tay xương xẩu của bà ta cong lại, các ngón tay rướn dài ra như vuốt mèo để cào cấu vào mặt ông. Bà ta khiếp sợ nhưng bà ta cũng thích được như vậy. Tôi có thể thấy ra điều đó trên nét mặt của mụ nữ quái này. Mặt của Ossano đang chảy máu từ hai đường cào sâu bên má phải. Và trước khi tôi kịp ngăn ông lại, ông đã đấm vào mặt Wendy khiến bà ta lảo đảo rồi lại ngã vào người ông. Trong một động tác cực nhanh, nhanh đến không ngờ, ông tóm gọn lấy bà vợ như thể bà ta là một con búp bê không trọng lượng và ném bà qua cửa sổ bằng sức mạnh ghê hồn. Cửa sổ vỡ toang, kính rơi loảng xoảng và nàng Wendy phù thủy bay vù qua đó rồi rơi đánh huỵch xuống đường phố bên dưới.
Tôi không biết mình đã khiếp vía vì cảnh tượng cái thân thể nhỏ nhắn của Wendy xuyên qua cửa sổ hay bởi khuôn mặt hoàn toàn điên dại của Osano hơn. Tôi chạy ra khỏi phòng và la lớn:
- Gọi gấp xe cứu thương? - Tôi giật lấy một cái áo choàng ai móc ở hành lang và chạy xuống phố.
Wendy nằm trên vỉa hè xi măng giống như một côn trùng với các chi đã bị gãy. Lúc tôi phóng ra khỏi nhà, bà đang gượng chống hai tay hai chân đứng lên nhưng chỉ quỳ gối được thôi. Bà giống như một con nhện đang cố đi nhưng rồi lại ngã xuống.
Tôi quỳ bên cạnh bà và lấy áo khoác choàng quanh bà. Tôi cởi áo jacket của mình ra và gấp lại đặt dưới đầu bà. Bà bị đau, nhưng không thấy máu chảy ra khỏi miệng hay ở hai lỗ tai và không thấy cái màng tử thần trên đôi mắt mà trước đây đã lâu, trong chiến tranh tôi đã nhận ra như một dấu báo nguy hiểm. Mặt bà cuối cùng đã điềm tĩnh lại và tỏ ra ôn hòa. Tôi nắm tay bà, tay bà ấm và bà mở mắt:
- Bà sẽ không sao đâu, tôi nói. - Xe cứu thương đang đến - Bà sẽ không sao đâu.
Bà mở mắt và cười với tôi. Trông bà rất đẹp và lần đầu tiên tôi hiểu tại sao Osano bị mê hoặc bởi bà. Bà hẳn nhiên đang đau đớn lắm nhưng vẫn cười:
- Lần này thì thằng chó đẻ đó chết với tôi, - Bà ta nói.
Khi đưa bà ta vào bệnh viện, họ thấy rằng bà ta bị giập một ngón chân và nứt xương bả vai. Bà ta còn đủ ý thức để khai báo chuyện gì đã xảy ra và cảnh sát đã đi tìm Osano và giải ông đi. Tôi gọi điện thoại cho luật sư của Osano. Ông ta bảo tôi cứ “thủ khẩu như bình” theo phương pháp ba không: “không nghe, không thấy, không biết,” ở mức độ tối đa có thể và sẽ dàn xếp mọi chuyện. Ông ta biết Osano và Wendy lâu rồi và ông hiểu mọi chuyện trước cả tôi nữa. Ông bảo tôi đứng yên tại chỗ cho đến khi ông gọi lại.
Khỏi cần nói là buổi party tự động “tan hàng, cố gắng” sau khi các thám tử thẩm vấn một số người, kể cả tôi. Tôi nói tôi không thấy gì ngoài việc Wendy rơi qua cửa sổ. Không, tôi không thấy Osano ở gần bà ấy, tôi nói với họ. Và họ bỏ lửng ở đó. Bà vợ cũ của Osano đưa cho tôi một li rượu và ngồi gần tôi trên ghế sô pha. Một nụ cười hài hước thoáng trên khuôn mặt bà:
- Tôi vẫn luôn biết rằng chuyện này sẽ xảy ra. - Bà nói.
Gần ba giờ sau, luật sư mới gọi lại tôi. Ông nói ông đã nộp tiền thế chân để cho Osano được tại ngoại nhưng nếu có người ở bên ông vài ngày có lẽ tốt hơn. Osano đến căn hộ làm việc của ông ở Village. Tôi có thể đến đó để bầu bạn với ông và ngăn ông đừng tuyên bố lung tung với báo chí. Tôi trả lời: “Được chứ.” Rồi luật sư kể vắn tắt cho tôi nghe. Osano đã khai rằng Wendy đã tấn công ông và ông đã gạt bà ta ra xa, bà ta mất thăng bằng và té ngang qua cứa sổ: Đó là câu chuyện để nói với báo chí.
Luật sư tin chắc rằng ông có thể thuyết phục Wendy thuận theo câu chuyện đó vì quyền lợi của chính bà. Nếu Osano đi tù, bà sẽ mất phần cấp dưỡng cho bà và cho con. Mọi chuyện sẽ lắng dịu, êm xuôi trong vòng dăm ba bữa nữa thôi nếu Osano đừng phát biểu vung vít linh tinh. Trong một vòng giờ nữa, luật sư sẽ đưa Osano về căn hộ của ông ta.
Tôi rời căn nhà đá nâu gọi taxi về Village. Tôi ngồi trước căn hộ đó cho đến khi chiếc xe Limo của luật sư đến nơi. Osano bước ra.
Trông ông hoảng sợ. Đôi mắt ông lồi ra, da trắng bệch. Ông đi qua sát tôi và tôi đi vào buồng thang máy với ông. Ông lấy chìa khóa từ túi quần ra, nhưng hai tay run rẩy, tôi mở khóa cửa.
Khi chúng tôi vào căn hộ làm việc nhỏ xíu của ông. Osano nằm vật xuống giường. Ông vẫn chưa nói tiếng nào với tôi. Ông nằm đó, mệt mỏi rã rời và quá chán ngán cho cái sự đời! Tôi nhìn quanh căn hộ studio của ông và nghĩ, đây là Osano, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế giới, lại đang sống trong một cái hang chuột như thế này. Nhưng rồi nhớ ra rằng ít khi ông sống ở nơi này. Ông thường sống nơi các căn nhà của ông ở Hamptons hoặc ở Provincetown. Hoặc là với một trong số những bà góa giàu có mà ông đang “liên doanh” trong một áp phe tình ái độ vài ba tháng.
Tôi ngồi vào một cái ghế bành đầy bụi và đẩy một chồng sách vào góc:
- Tôi nói với bọn cớm là chẳng thấy gì hết.
Osano ngồi lên, bỏ hai bàn tay ra khỏi mặt. Ngạc nhiên thay, tôi thấy một nụ cười toét miệng trên mặt ông.
- Lạy chúa, cậu có khoái nhìn cái cảnh nàng ta cưỡi gió phi thân qua cửa sổ không? Tôi vẫn nói rằng nàng ta là một phủ thủy cao cường mà. Tôi chưa vận hết mười hai thành công lực để ném đâu mà chính nàng ta thi triển khinh công thượng thừa đấy! Vèo! Huỵch! Một cao thủ, nhưng mới chỉ là một cao thủ hạng xoàng!
Tôi trừng mắt nhìn ông:
- Tôi nghĩ ông sắp hóa rồ đến nơi rồi đấy. Ông nên đi khám bác sĩ thì hay hơn.
Giọng tôi lạnh. Tôi không thể quên hình ảnh Wendy nằm trên vỉa hè như một con cua gãy càng.
- Ôi dào, nàng ta rồi sẽ ổn thôi, - Osano nói. - Và cậu không hỏi tại sao. Hay cậu nghĩ rằng tôi ném tất cả các bà vợ cũ qua cửa sổ?
- Đó không phải lí do khoan miễn, - Tôi nói.
Osano lại cười nhăn nhở:
- Cậu không biết Wendy đâu. Tôi cá là khi tôi kể với cậu nàng ta đã nói gì với tôi, ắt cậu sẽ đồng ý sẽ cũng hành động như tôi thôi.
- Cá đấy, - Tôi nói.
Tôi đi vào phòng tắm, nhúng ướt một cái khăn mặt, vắt cho ráo nước rồi ném cho ông. Ông lau mặt, lau cổ và thở ra khoan khoái khi nước lạnh làm mát làn da.
Osano vẫn ngồi trên giường nhưng chồm người về phía trước:
- Nàng nhắc nhở tôi là hai tháng qua nàng đã viết thư cho tôi để xin tiền cho mấy đứa con. Tất nhiên là tôi không gửi tiền cho nàng vì nàng chỉ đem tiêu riêng cho mình. Rồi nàng nói không muốn làm phiền tôi trong khi tôi đang bận ở Hollywood nhưng vì đứa con trai nhỏ bị viêm màng tủy sống, nàng không còn đủ tiền nên phải đưa con vào nhà thương từ thiện của thành phố. Cậu có thể tưởng tượng nàng và hành động như thế nào không? Nàng ta không gọi để báo cho tôi là thằng bé ốm, vì muốn đổ vấy mọi tội lỗi lên đầu tôi.
Tôi biết Osano yêu tất cả con của ông, từ những bà vợ khác nhau, như thế nào. Tôi vẫn ngạc nhiên về điều này. Ông luôn gửi quà sinh nhật cho mọi đứa con và ông vẫn thường sống với chúng trong những tháng hè. Và thỉnh thoảng ông cũng ghé thăm chúng để dẫn chúng đi xem hát, đi ăn hoặc xem đá bóng. Nên giờ đây tôi hơi bỡ ngỡ khi thấy ông không có vẻ gì lo lắng về chuyện thằng bé ốm. Ông hiểu ngay điều tôi đang cảm thấy.
- Thằng bé chỉ bị sốt cao vì nhiễm trùng đường hô hấp. Trong khi cậu rất “ga-lăng” lo cho Wendy, tôi đã gọi điện đến bệnh viện trước khi bọn cớm đến. Họ bảo tôi không có gì phải lo lắng. Tôi gọi đến bác sĩ tư và ông ta đã cho đem thằng bé về một bệnh viện tư. Thế là mọi chuyện cũng ổn thôi.
- Ông có muốn tôi ở gần ông không? - Tôi hỏi.
Osano lắc đầu:
- Giờ đây tôi phải đi thăm thằng bé và lo cho mấy đứa kia vì mẹ chúng phải nằm bệnh viện. Nhưng ngày mai mụ ta sẽ xuất viện thôi.
Trước khi rời ông tôi hỏi Osano:
- Khi ném bà ấy qua cửa sổ, ông có nhớ là thực sự cao hơn lề đường có hai tầng?
Ông lại cười với tôi:
- Hẳn rồi. Vả chăng tôi không hề hình dung mụ ta bay xa đến thế. Đúng là con mụ phù thủy.
Ngày hôm sau mọi tờ báo ở New York đều đăng bài tường thuật ngay trang đầu. Osano vẫn còn nổi danh đủ đề thiên hạ làm chuyện đó. Ít ra là Osano đã không đi tù bởi vì Wendy không khiếu kiện nữa. Bà ta nói rằng có lẽ là bà đã vấp chân và ngã qua cửa sổ. Nhưng đó là ngày hôm sau và việc bồi thường đã được dàn xếp. Osano được tạp chí khéo léo khuyên nên thôi việc và tôi cũng xin nghỉ làm cùng với ông. Một cây viết bình luận, cố tỏ ra khôi hài đã dùng lối đại ngôn và ngoa ngôn giả dụ rằng nếu Osano thắng giải Nobel, ông ta sẽ là người đầu tiên trong số các vị được giải Nobel đã quăng vợ qua cửa sổ.
Nhưng bên dưới vẻ khôi hài bông lơn ấy, mọi người hiểu rằng tiểu phẩm hài hước kia sẽ chấm dứt mọi hi vọng của Osano theo hướng đó. Người ta không thể trao một giải thường danh giá khả kính như giải Nobel cho một nhân cách bê bối như Osano. Và Osano càng bôi bác thêm khi chỉ ít lâu sau, ông ta lại viết một bài phúng dụ về mười phương pháp tốt nhất để hạ sát các mụ ác phụ!
Nhưng trước mắt cả hai chúng tôi đều có vấn đề.
Tôi phải kiếm sống bằng các bài viết cộng tác tự do, chứ không còn công việc thường xuyên nữa. Còn Osano cần ẩn cư nơi nào đấy một thời gian tránh bị báo chí săn lùng. Tôi có thể giải quyết vấn đề của Osano. Tôi gọi Culli ở Las Vegas và trình bày những vụ việc vừa xảy ra.
Tôi hỏi Culli xem anh có thể chứa chấp Osano trong khách sạn Xanadu vài tuần không. Tôi biết sẽ không có ai nghĩ đến chuyện lùng kiếm ông ở đó. Và Osano cũng nhất trí.
Ông chưa bao giờ đến Las Vegas.