Điệu vũ bên lề - Chương 1 phần 1
Phần 1
Ngày 25 tháng Tám, 1991
Bạn thân mến,
Có người bảo với tôi rằng bạn biết lắng nghe, thông hiểu và không tìm cách qua đêm với gã trai trong bữa tiệc hôm nọ, dù rõ ràng là có cơ hội. Thế là tôi quyết định viết thư cho bạn. Đừng tìm hiểu xem ai hở ra chuyện này với tôi nhé, kẻo không thì tôi “lộ diện” mất, tôi không thích vậy. Khi viết cho bạn mà phải nhắc đến ai đó thì tôi sẽ dùng tên giả, hoặc gọi chung chung thôi, cũng bởi không muốn bạn lần ra tông tích. Tôi không ghi địa chỉ người gửi cũng vì vậy. Không có ý gì xấu đâu nhé. Thật đấy.
Tôi chỉ muốn chắc là có ai đó chịu nghe và hiểu tôi, không phải kiểu người cứ hễ có dịp là ngủ với gã này gã nọ. Tôi rất cần biết chắc rằng có những người như bạn trên đời.
Tôi nghĩ bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói hơn đám đông ngoài kia, vì hơn tất cả họ, bạn sống động, có thực và biết trân trọng ý nghĩa những điều đó. Ít ra đó là điều tôi mong muốn ở bạn, vì bạn tiếp thêm cho người khác sức mạnh và tình bạn, một cách thật tự nhiên. Ít ra thì đó là điều tôi nghe nói.
Vậy là, tôi sẽ kể bạn nghe cuộc sống của tôi nhé. Phải nói là tôi vừa thấy hạnh phúc vừa thấy buồn bã, và tôi vẫn đang loay hoay tìm hiểu xem sao lại thành ra như thế.
Tôi cố coi gia đình là một lí do để tôi bám vào mà tồn tại như bây giờ, nhất là sau một ngày mùa xuân năm ngoái, cậu bạn Michael thôi không còn đi học nữa, tôi còn nhớ giọng thầy Vaughn thông báo qua loa như thế này.
“Các em học sinh, tôi vô cùng thương tiếc thông báo rằng một học sinh trường ta vừa qua đời. Toàn trường sẽ tổ chức lễ tưởng niệm Michael Dobson trong buổi họp trường thứ sáu này.”
Tôi không rõ làm sao mà các thể loại tin tức lan truyền được khắp trường, mà đa phần lại khá chính xác. Chắc là truyền tai nhau ở phòng ăn trưa. Tôi không nhớ được. Chỉ biết hồi đó thằng Dave kính cận kể với bọn tôi là Michael tự sát. Mẹ nó đang ngồi chơi bài bridge ở nhà hàng xóm thì nghe tiếng súng nổ.
Tôi cũng không nhớ được nhiều lắm chuyện xảy ra hôm ấy, sau cái lúc anh trai tôi đến trường, vào văn phòng thầy Vaughn và bảo tôi nín khóc. Rồi anh đặt tay lên vai tôi, nói liệu mà dẹp vụ này đi trước khi ba đi làm về. Rồi hai anh em tạt vào McDonald’s ăn khoai tây chiên, anh dạy tôi chơi trò lăn bi. Anh còn đùa rằng vì tôi mà anh phải bỏ buổi học chiều, lại còn hỏi tôi muốn phụ sửa chiếc xe hiệu Camaro của anh không. Hẳn là khi ấy tôi khá lúng túng, vì trước giờ anh có để tôi đụng vào cái xe bao giờ đâu.
Vào buổi tham vấn định hướng, các tư vấn viên bảo vài đứa thật sự quý mến Michael phát biểu vài lời. Chắc sợ có đứa khác cũng định tự sát hay sao đó, họ trông cực kì căng thẳng, có một ông còn vân vê bộ râu liên tục.
[Chúc các bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách]
Con bé Bridget tính vốn hơi điên điên liền nói luôn là thỉnh thoảng đang xem dở chương trình ti vi mà thấy quảng cáo là nó muốn chết đi cho rảnh. Nó nói hoàn toàn thành thật, mấy ông tư vấn viên đớ ra chẳng biết nói sao. Còn thằng Carl vốn tử tế với tất cả mọi người, lúc ấy tế nhị nói rằng nó rất buồn, nhưng sẽ không bao giờ tự sát vì đó là tội lỗi.
Ông tư vấn viên lướt qua cả nhóm, cuối cùng dừng lại chỗ tôi.
“Thế còn em nghĩ sao hở Charlie?”
Lạ thật đấy, trước giờ tôi chưa hề gặp vị này vì đây là một “chuyên gia”, thế mà ông lại biết tên tôi, dù tôi không đeo bảng tên như khi có phụ huynh đến dự giờ.
“Em nghĩ Michael chơi khá được, không hiểu sao cậu ấy lại làm vậy. Nỗi băn khoăn vì không hiểu được lí do làm em nặng lòng ngang với nỗi buồn mất bạn.”
Nghe như là “văn viết” chứ không phải lời nói bình thường. Nhất là trong văn phòng đó, vì tôi vừa nói vừa khóc. Tôi không ngừng khóc được.
Vị chuyên gia nói ông nghĩ Michael có “vấn đề trong gia đình” và cảm thấy không có ai để chia sẻ. Có lẽ vì vậy mà nó thấy cô độc đến vậy và tự sát.
Thế là lúc đó tôi bắt đầu gào vào mặt ông ta, rằng Michael hoàn toàn có thể nói chuyện với tôi chứ. Rồi tôi lại khóc dữ dội hơn nữa. Ông ta cố dỗ tôi, nói ý ông là thiếu một người lớn như thầy cô hay tư vấn viên lắng nghe Michael kia. Nhưng chẳng ích gì, thế là cuối cùng anh trai tôi phải đánh chiếc Camaro đến trường đón tôi về.
Từ hôm đó đến hết năm học, các thầy cô cư xử với tôi có phần khác đi và nới tay hơn khi chấm điểm, dù rằng tôi chẳng thông minh hơn chút nào. Nói thật nhé, chắc tôi làm các thầy cô đều căng thẳng cả lên.
Hôm đám tang Michael cũng lạ, bố nó không khóc tiếng nào. Ba tháng sau, ông li dị mẹ Michael. Đó là theo lời thằng Dave kể vào giờ ăn trưa. Đôi lúc tôi ngẫm nghĩ về chuyện đó. Khoảng giờ cơm tối hay lúc xem ti vi, tôi lại nghĩ không biết giờ ở nhà Michael đang thế nào. Michael không để lại thư từ gì, hoặc là ba mẹ nó giấu không cho ai biết. Có lẽ có “vấn đề trong gia đình” nó thật. Ước gì tôi biết được. Nếu hiểu rõ mọi chuyện, chắc tôi sẽ nhớ kĩ về nó hơn. Và hiểu được câu chuyện đau buồn này.
Tôi chỉ chắc một điều là sau vụ đó, tôi cứ tự hỏi bản thân có gặp “vấn đề trong gia đình” không, dù rõ là nhiều người khác còn gặp chuyện tệ hơn tôi nhiều. Như khi gã bạn trai đầu tiên của chị tôi bắt đầu lượn lờ quanh cô nàng khác làm chị tôi sụt sùi khóc suốt mấy ngày cuối tuần.
Ba tôi nói, “Bao nhiêu người khác còn gặp chuyện khổ sở hơn nhiều kìa.”
Mẹ tôi chẳng nói gì. Chuyện chỉ thế thôi. Một tháng sau, chị tôi lại gặp một anh chàng khác và lại bật mấy băng nhạc vui. Ba tôi vẫn tiếp tục đi làm. Mẹ tôi vẫn tiếp tục quét dọn nhà cửa. Ông anh vẫn tiếp tục sửa con xe Camaro cho đến tận đầu hè, rồi anh rời nhà vào trường đại học. Anh sẽ chơi bóng cho đội Penn State, nhưng trước hết phải dành cả mùa hè cày cuốc cho điểm số khá khẩm hơn thì mới được chơi.
Tôi nghĩ trong ba anh chị em tôi chẳng có ai là “cục cưng” đâu. Tôi là em út. Anh tôi lớn nhất. Anh giỏi chơi bóng và mê con xe của anh ấy. Chị tôi là con giữa, chị rất xinh, giỏi hành bọn con trai. Giờ thì tôi chỉ toàn đạt điểm A thôi, y như chị ấy, thành ra chẳng đứa nào thèm chơi với tôi.
Mẹ tôi hay khóc khi xem ti vi. Ba tôi làm việc ra trò, và là người trung thực. Dì Helen nói ba tôi kiêu hãnh quá nên không bị khủng hoảng tuổi trung niên. Mãi đến gần đây tôi mới hiểu câu đó nghĩa là thế nào, vì ba cũng vừa qua tuổi bốn mươi rồi mà mọi chuyện vẫn hệt như trước.
Tôi mến dì Helen nhất đời. Dì là em gái mẹ. Dì cũng được toàn điểm A hồi còn đi học và mang sách cho tôi đọc. Ba nói mấy cuốn đó hơi quá tuổi tôi, nhưng tôi thích, thế là ba chỉ nhún vai và để kệ.
Dì Helen sống với gia đình tôi trong mấy năm cuối đời vì có chuyện rất tồi tệ xảy đến với dì. Tôi rất muốn biết rốt cuộc đó là chuyện gì, nhưng không ai hở lời nào với tôi hết. Độ năm bảy tuổi thì tôi thôi không hỏi nữa, vì như mấy đứa nhóc tuổi ấy hay thế, tôi cứ đặt câu hỏi liên tục, thế là dì Helen òa lên khóc dữ dội.
Rồi ba bợp cho tôi một cái, bảo, “Con làm dì Helen buồn rồi”, tôi đâu muốn thế, cho nên thôi không hỏi nữa. Dì Helen nói ba không được đánh tôi thêm lần nào nữa trước mặt dì. Ba nói luôn là đây là nhà ba, vì thế ba thích làm gì thì làm. Mẹ im lặng, mấy anh chị tôi cũng thế.
Chuyện sau đó thì không rõ lắm vì khi ấy tôi òa ra khóc rất to, khiến lát sau ba phải bảo mẹ đưa tôi về phòng. Rồi mẹ uống vài li vang trắng, và kể hết cho tôi nghe chuyện của dì. Quả thực có những người gặp chuyện khổ sở hơn tôi nhiều lắm. Đúng thế.
Có lẽ tôi nên đi ngủ thôi. Trễ quá rồi. Không hiểu sao tôi viết đủ thứ thế này cho bạn đọc nữa. Thật ra tôi gửi thư cho bạn vì mai là ngày đầu tiên tôi vào trường trung học, cứ nghĩ tới chuyện đó là rùng cả mình.
Thương mến,
Charlie
Ngày 7 tháng Chín, 1991
Bạn thân mến,
Tôi không ưa trường trung học. Căn-tin thì gọi là “trung tâm dinh dưỡng”, thật lạ lùng. Trong lớp ngữ văn nâng cao có đứa bạn tên Susan. Hồi ở trường cấp hai, chơi với Susan rất thú. Nó vốn mê phim, lại còn có cậu anh trai hay ghi cho mấy băng nhạc cực đỉnh mà nó cho bọn tôi nghe cùng. Thế mà chỉ sau mùa hè rồi, nó đã cao lên, có ngực hẳn hoi và tháo niềng răng. Rồi ngoài hành lang lớp học, nó làm điệu làm dáng hơn trước nhiều, nhất là khi có bọn con trai. Nghĩ cũng buồn, vì xem ra Susan chẳng vui vẻ gì. Nói thật nhé, nó không muốn nhận đang theo học lớp ngữ văn nâng cao, thậm chí chạm mặt tôi còn không muốn chào nữa.
Trong buổi họp định hướng về vụ Michael, nó kể rằng Michael từng khen nó là cô nàng xinh nhất trên đời, kể cả niềng răng và mọi chỗ khác. Thế là cậu ta rủ nó “đi chơi cùng”, ở trường mà được mời như thế là đỉnh lắm. Lên trung học thì người ta gọi vụ đó là “cặp kè”. Hai đứa nó hôn nhau, nói chuyện về phim ảnh, Susan nói nhớ Michael ghê lắm vì coi cậu ấy là bạn thân nhất của nó.
Nghĩ cũng hài, vì trong trường tôi thì con trai với con gái không thể làm bạn thân nhất của nhau được. Nhưng Michael và Susan lại có thể. Như dì Helen. Xin lỗi. Phải viết là “Như dì Helen nhà tôi với tôi”. Tuần này tôi học về điểm ngữ pháp đó, với lại vụ dùng dấu chấm câu cho thống nhất.
Hầu như lúc nào tôi cũng im lặng, rồi hình như có mỗi một thằng nhóc tên Sean để ý tôi. Nó chờ tôi tan lớp thể dục, lải nhải những thứ trẻ con như là nó sẽ cho tôi “rửa tóc”, tức là đè đầu người ta vào bồn cầu rồi giật nút xả cho tóc họ xoáy theo luồng nước. Tôi bảo rằng mày trông sầu đời quá. Rồi nó nổi đóa, bắt đầu đập tôi, thế nên tôi xúc nó như anh trai tôi dạy. Khoản đánh nhau thì anh tôi giỏi lắm.
“Cứ nhằm vào đầu gối, cổ họng với mắt mà nện.”
Thế đấy. Tôi đánh thằng Sean một trận. Rồi tôi bắt đầu khóc. Và chị tôi phải bỏ lớp cao cấp đang học để đưa tôi về nhà. Tôi bị gọi lên văn phòng thầy Small, nhưng không bị đình chỉ học hay gì cả, bởi có một đứa kể với thầy Small sự thật về vụ đánh nhau.
“Sean gây chuyện trước. Chỉ là tự vệ thôi ạ.”
Thực vậy. Tôi chỉ không hiểu tại sao Sean lại muốn làm hại tôi. Tôi đâu có làm gì nó. Tôi lại nhỏ con. Thật vậy đó. Nhưng tôi đoán thằng Sean không biết tôi đánh đấm cũng ra trò. Sự thật là tôi dư sức nện nó nhiều nữa kia. Có lẽ vậy mới phải. Tôi nghĩ phải đánh nó tiếp, nếu nó gây sự với đứa đã kể sự thật với thầy Small, nhưng Sean không hề gây sự với đứa kia. Bởi vậy, vụ này được cho qua.
Vài đứa nhìn tôi bằng ánh mắt là lạ khi gặp ngoài hành lang vì tôi không trang trí tủ cá nhân của tôi, và tôi là kẻ đánh Sean nhưng lại khóc không nín được. Chắc tôi hơi giàu cảm xúc quá.
Tôi thấy cô đơn lắm, vì chị tôi bận đóng vai chị lớn nhất trong nhà. Anh tôi bận chơi bóng bầu dục cho đội Penn State. Sau khi dự trại tập huấn, anh được huấn luyện viên cho vào đội dự bị, rồi khi anh bắt đầu học về đội hình, anh sẽ được vào đội thi đấu.
Ba tôi thực sự mong anh sẽ đạt đến cấp chuyên nghiệp rồi chơi cho đội Steelers. Mẹ thì vui vì anh được vào đại học mà nhà không tốn tiền, bởi chị tôi không chơi bóng, trong khi nhà tôi không đủ tiền cho cả hai đi học. Bởi thế, mẹ muốn tôi tiếp tục học hành chăm chỉ để kiếm được học bổng.
Thế đấy, nên tôi vẫn cố học, chờ tới khi kết bạn được với ai đó trong trường. Tôi hi vọng đứa kể sự thật về vụ đánh nhau có thể làm bạn với tôi, nhưng chắc nó làm vậy chỉ vì lòng tốt mà thôi.
Thương mến,
Charlie
Ngày 11 tháng Chín, 1991
Bạn thân mến,
Tôi không có nhiều thời gian, vì thầy lớp ngữ văn nâng cao giao cho bọn tôi đọc một cuốn sách, mà tôi lại hay có thói quen đọc một cuốn đến hai lần. Tình cờ, tựa cuốn sách là Giết con chim nhại. Nếu bạn chưa đọc cuốn đó, tôi nghĩ bạn nên đọc, bởi nó rất thú vị. Mỗi lần thầy giao cho bọn tôi đọc vài chương, nhưng tôi không thích đọc sách kiểu ấy. Tôi đọc được nửa cuốn rồi, lần đọc đầu tiên ấy.
À, lí do tôi viết cho bạn là tôi thấy anh trai trên ti vi, tôi thường không ưa thể thao mấy, nhưng đó là một dịp đặc biệt. Mẹ tôi bắt đầu khóc, ba tôi vòng tay ôm vai mẹ, chị tôi mỉm cười – cái này khá hài vì anh và chị tôi luôn cãi nhau khi anh ở nhà.
Nhưng anh trai tôi được lên ti vi, đó là sự kiện tâm điểm trong hai tuần từ khi tôi vào trường trung học. Tôi nhớ anh nhiều kinh khủng, kể cũng lạ, lúc anh còn ở nhà hai anh em đâu có trò chuyện gì mấy. Thành thật mà nói, đến giờ hai anh em vẫn thế.
Tôi muốn kể bạn nghe anh tôi chơi ở vị trí nào trong đội hình, nhưng như tôi đã nói, tôi muốn ẩn danh đối với bạn. Tôi mong bạn hiểu.
Thương mến,
Charlie
Ngày 16 tháng Chín, 1991
Bạn thân mến,
Tôi đã đọc xong cuốn Giết con chim nhại. Giờ đây nó là cuốn sách ưa thích của tôi, nhưng cũng phải nói thêm là lần nào tôi cũng nghĩ vậy cho tới khi đọc được cuốn khác hay hơn. Thầy giáo ngữ văn nâng cao bảo tôi gọi thầy bằng tên “Bill” cho thân mật khi hai thầy trò gặp nhau ngoài lớp học, và thầy đưa cho tôi một cuốn sách khác để đọc. Thầy bảo tôi giỏi kĩ năng đọc và hiểu ngôn ngữ, thầy còn muốn tôi viết một bài luận về cuốn Giết con chim nhại.
Tôi kể mẹ nghe chuyện đó, thế là mẹ hỏi vì sao thầy Bill không khuyên tôi dự lớp ngữ văn dành cho năm thứ hai hoặc dự bị trung học. Tôi đáp rằng thầy Bill nói mấy lớp đó xét về cơ bản thì giống nhau, chỉ là độ phức tạp của sách học khác nhau chút, và chúng sẽ không ích gì cho tôi. Mẹ không đồng ý lắm, nói muốn hỏi thầy thêm ở buổi gặp mặt phụ huynh. Rồi mẹ nhờ tôi giúp mẹ rửa bát đĩa, thế là tôi làm.
Thật tình, tôi không thích rửa bát đĩa. Tôi thích dùng tay ăn, không cần khăn ăn, nhưng chị tôi bảo làm vậy không tốt cho môi trường. Chị là thành viên câu lạc bộ Ngày Trái Đất của trường trung học, đó cũng là nơi chị gặp gỡ mấy anh trai. Họ đều rất tử tế với chị, tôi không hiểu tại sao nữa, có thể chỉ vì chị xinh xắn. Chị rất giỏi hành tội mấy anh chàng đó.
Có một anh bị hành dữ nhất. Tôi sẽ không nói tên anh đó cho bạn đâu, nhưng ngoài điều đó ra tôi sẽ kể tất. Anh ấy có mái tóc nâu rất đẹp, để dài buộc đuôi ngựa. Tôi nghĩ anh ấy sẽ hối tiếc khi sau này tự ngẫm lại đời mình. Anh ấy luôn ghi băng nhạc cho chị tôi theo những chủ đề cụ thể. Một cuốn băng được đặt là “Những chiếc lá thu”. Anh ghi vào đó nhiều bài của ban nhạc Smiths. Thậm chí anh còn tự tay vẽ bìa nữa. Sau khi cuốn phim anh thuê đã hết, và anh đã về rồi, chị đưa cho tôi cuộn băng.
“Thích cái này không, Charlie?”
Tôi cầm cuộn băng, cảm thấy kì kì, bởi anh ấy làm tặng chị mà. Nhưng tôi cứ nghe. Thích lắm. Có một bài tựa là Asleep mà tôi muốn bạn có dịp nghe thử. Tôi kể với chị về bài đó. Và một tuần sau, chị cảm ơn tôi, bởi khi anh trai nọ hỏi chị về cuộn băng, chị nói chính xác như tôi kể về bài Asleep, thế là anh trai nọ rất cảm động vì ý nghĩa sâu sắc của bài hát đối với chị. Tôi hi vọng điều này có nghĩa là tôi sẽ giỏi hẹn hò khi tới lúc.
Dẫu vậy, tôi nên tránh lạc đề. Thầy Bill của tôi bảo thế, bởi văn tôi viết cứ y như văn nói. Tôi nghĩ đó là lí do thầy Bill muốn tôi viết bài luận về cuốn Giết con chim nhại.
Anh chàng thích chị tôi luôn lễ phép với ba mẹ tôi. Vì vậy mẹ tôi rất quý anh. Còn ba tôi nghĩ anh ấy ẻo lả. Tôi nghĩ chính vì thế mà chị tôi đối xử với anh như vậy.
Một đêm nọ, chị nói mấy câu rất chua cay vì chuyện anh không cự lại một thằng chuyên bắt nạt trong lớp hồi anh mười lăm tuổi hay khoảng đó. Nói thật với bạn, tôi còn đang mải xem cuốn phim anh thuê, nên không chú ý mấy tới trận cãi vã của hai người. Họ cãi nhau suốt ấy mà, thành thử tôi thấy xem phim có lẽ còn đỡ nhàm hơn, ai ngờ không phải vậy, bởi nó là phim nhiều tập.
Dù sao thì sau khi chị cứ nói xoáy về vụ ấy trong suốt bốn cảnh phim, nghĩa là chừng mười phút, anh bắt đầu khóc. Khóc nức nở. Tôi quay lại, thế là chị chỉ luôn vào tôi.
“Anh coi đó. Ngay cả thằng Charlie cũng đáp trả đứa ăn hiếp nó. Anh coi đó.”
Và anh trai ấy đỏ mặt phừng phừng. Anh nhìn tôi. Rồi anh nhìn chị. Rồi anh nín khóc và tát chị một cú ra trò. Mạnh lắm. Tôi chết trân bởi không tin nổi anh vừa làm vậy. Thật sự không giống anh ngày thường chút nào. Anh là loại người tinh tế tỉ mẩn ngồi ghi băng nhạc theo chủ đề rồi còn tự mình tô màu bìa băng, tôi vẫn nghĩ thế cho tới khi thấy anh đánh chị và không khóc nữa.
Kì lạ là chị tôi không làm gì cả. Chị chỉ nhìn anh thật lặng lẽ. Lạ thật đấy. Bình thường hễ thấy ai ăn loại cá ngừ đang có nguy cơ tuyệt chủng là chị đã làm um lên rồi, thế mà anh này đánh chị, chị không nói gì hết. Chị lại đâm ra dịu dàng và tử tế với anh. Rồi chị bảo tôi đi chỗ khác, thế là tôi đi. Sau khi anh trai nọ ra về, chị bảo hai người đang “cặp kè”, dặn tôi đừng kể chuyện đã xảy ra cho ba mẹ hay.
Anh ấy đã chống lại kẻ bắt nạt mình. Tôi cho như thế là phải lẽ.
Cuối tuần đó, chị tôi ở bên cạnh anh trai nọ suốt. Họ cười với nhau nhiều hơn trước. Tối thứ sáu đó, tôi đang đọc cuốn sách mới, nhưng mệt đầu quá nên định xuống xem ti vi một chút. Tôi mở cửa xuống tầng hầm, và thế đó, chị tôi với anh trai nọ đang trần truồng như nhộng.
Anh đang nằm trên chị, chân chị choãi ra hai bên ghế dài. Chị thét lên nhưng vẫn kìm giọng thì thầm.
“Đi ra, đồ biến thái.”
Nên tôi bỏ đi. Ngày hôm sau, nhà tôi cùng xem anh tôi chơi bóng. Chị mời anh trai nọ dự chung. Tôi không rõ đêm trước anh có rời nhà tôi hay không. Hai người nắm tay, hành xử như thể mọi thứ đều vui vẻ cả. Anh trai nọ nói điều gì đó về chuyện đội bóng xuống phong độ từ khi anh tôi tốt nghiệp, ba nghe thế bèn cảm ơn anh ấy. Rồi khi anh ấy về xong, ba bảo anh chàng này sẽ thành một người trai tráng đàng hoàng, tự lo cho mình được. Mẹ tôi im lặng. Chị nhìn tôi để bảo đảm tôi không hé ra bất kì điều gì. Chuyện như vậy đó.
“Vâng, anh ấy đàng hoàng lắm ạ.” Chị tôi chỉ có thể đáp vậy. Tôi hình dung anh trai nọ ngồi làm bài tập ở nhà mà tâm trí mơ màng về chị tôi trong thế khỏa thân. Tôi hình dung họ nắm tay nhau suốt những trận đấu mà thật ra họ không xem. Tôi như thấy được cả cảnh anh trai nọ ói mửa ra mấy bụi cây ở chỗ tổ chức tiệc. Rồi thì chị tôi sẽ chịu đựng và bỏ qua chuyện đó.
Nghĩ tới hai người họ tôi cứ thấy nặng nề khó chịu quá.
Thương mến,
Charlie
Ngày 18 tháng Chín, 1991
Bạn này,
Tôi chưa từng kể với bạn là tôi học lớp kĩ thuật nhỉ? Ừ, tôi học lớp kĩ thuật, đó là lớp học ưa thích thứ hai của tôi sau lớp ngữ văn nâng cao của thầy Bill. Đêm qua tôi viết bài luận về Giết con chim nhại, sáng nay nộp luôn cho thầy ấy. Định là giờ nghỉ trưa ngày mai thầy với tôi sẽ cùng bàn xem bài đó viết lách ra sao.
Mà chuyện tôi tính kể hôm nay là, trong lớp có một anh tên là “Không Gì Cả”. Không đùa đâu, anh này gọi là “Không Gì Cả” thật đấy. Anh ấy hài cực. Hồi học cấp hai bọn bạn cứ lôi tên anh ra trêu chọc. Giờ có lẽ anh học tới lớp gần cuối cấp rồi. Bọn kia gọi anh là “Patty” chứ không gọi tên thật của anh là Patrick. Thế là “Không Gì Cả” bảo bọn kia: “Này, một là bọn mày gọi tao là Patrick, hai là không có tên tiếc gì cả!”
Thế là bọn bạn gọi luôn anh ấy là “Không Gì Cả”, biệt hiệu này theo anh luôn tới giờ. Ở trường quận, anh là học sinh mới vì ba anh mới cưới một bà trong khu này. Thôi từ nay tôi không viết tên Không Gì Cả trong dấu nháy nữa nhé, viết mà lắm dấu nháy thế bực mình lắm, mất cả hứng. Mong là bạn vẫn đọc hiểu thoải mái. Nếu có chỗ nào dễ đọc nhầm thì tôi sẽ viết rõ hẳn hoi ra.
Thế, trong xưởng thực hành Không Gì Cả nhại điệu bộ ông thầy Callahan cực hay. Anh còn lấy bút chì sáp vẽ hai bên tóc mai dài rậm hệt ông ấy. Đến chết cười. Lúc ông thầy Callahan bắt gặp Không Gì Cả làm trò đó cạnh cái máy đánh bóng, thầy cũng không nhịn được cười dù lúc đó anh chẳng làm gì nhại giễu thầy cả. Buồn cười đến thế đấy. Giá mà bạn cũng được thấy cảnh đó, vì đó là lần tôi cười ghê nhất kể từ khi anh tôi đi mất. Anh tôi hồi xưa khoái kể chuyện cười giễu dân Ba Lan, tôi biết thế là không phải, nhưng tôi bỏ qua phần Ba Lan và chỉ để ý nội dung thôi. Thật sự là buồn cười.
À còn vụ này nữa, tự nhiên chị tôi đòi lại cái băng Lá Thu. Giờ chị ấy mở băng đó suốt.
Thương mến,