Điệu vũ bên lề - Chương 4 phần 4
Ba tôi hỏi, “Ủa, có chuyện đó thật à?!”
Anh tôi hỏi, “Thật à?!”
Tôi đáp, “Phải, em nói chuyện với anh đó.”
Anh tôi hỏi, “Anh ta nói gì hay ho không?”
Ba tôi nói, “Báo nào chả đưa tin tốt.” Tôi không biết ba tôi nhặt được những câu như vậy từ đâu.
Anh tôi cứ hỏi dồn, “Anh ta nói sao?”
Tôi đáp, “À thì em nhớ anh ta bảo việc chơi thể thao ở đại học tạo quá nhiều áp lực cho sinh viên tham dự.” Anh tôi cứ gật gù. “Nhưng anh ta cũng bảo chơi thể thao xây dựng nhân cách. Rồi anh ta nói trường Penn State rất hoành tráng với đội hình mới. Rồi anh ta nhắc anh.”
Ba tôi nói, “Chà, thật vậy sao?”
Anh tôi hỏi, “Thật à?”
Tôi đáp, “Phải, anh ta nói vậy mà.”
Anh tôi hỏi, “Em nói chuyện với anh ta hồi nào?”
Tôi đáp, “Vài tuần trước.”
Và rồi tôi chết trân bởi đột nhiên nhớ ra phần khác của câu chuyện. Cái sự thật là tôi gặp người đàn ông đó trong một công viên vào đêm khuya. Và sự thật rằng tôi đưa cho anh ta một điếu thuốc. Và sự thật rằng anh ta đang gắng qua đêm với tôi. Tôi chỉ ngồi đực mặt ra, mong là câu chuyện rồi sẽ vãn. Nhưng ôi không.
“Con gặp người đó ở đâu vậy con?” Mẹ tôi hỏi.
Cả căn phòng trở nên im lặng đến độ tôi nhức buốt. Và rồi tôi gắng hết sức giả bộ rằng tôi đã quên rồi. Và sau đây là những ý nghĩ diễn ra trong đầu tôi.
Được rồi... Anh ta tới trường nói chuyện với lớp học. Không được. Chị tôi sẽ biết tỏng. Tôi gặp anh ta ở quán Big Boy, anh ta đi cùng người nhà. Không được, ba sẽ giũa tôi vì cái tội làm phiền “anh chàng tội nghiệp”. Anh ta nói vậy trên bản tin. Nhưng tôi lỡ kể là tôi nói chuyện với anh ta rồi... Không được...
“Trong công viên ạ. Con ở đó với Patrick.” Tôi đáp.
Ba tôi bảo, “Anh ta tới đó với cả nhà sao? Con có làm phiền anh chàng tội nghiệp đó không?”
“Không đâu. Anh ta đi một mình.”
Thế là ba tôi và mọi người không hỏi nữa, và tôi chẳng phải nói dối một lời. May mắn là tôi không còn bị xoay nữa, khi mẹ tôi chuyển sang nói cái câu mẹ vẫn ưa khi cả nhà quây quần ăn mừng chuyện gì đó.
“Ai thích ăn kem nào?”
Mọi người đều thích, trừ chị tôi. Tôi nghĩ chị đang lo lắng về cái gọi là “tăng cân do năm đầu xả láng”.
Sáng hôm ấy cả nhà tôi dậy sớm. Vẫn chưa có tin gì về Patrick hay Sam hay ai khác, nhưng tôi biết là tôi sẽ gặp họ ở buổi lễ tốt nghiệp, nên tôi gắng thôi không lo quá. Tất cả họ hàng của nhà tôi đều đến, gồm cả bà con bên ba ở Ohio, họ tới chừng mười giờ sáng. Hai gia đình thật ra không thích gì nhau mấy, ngoại trừ bọn trẻ tụi tôi, bởi bọn tôi đâu biết gì hơn.
Mọi người dùng bữa trưa sớm và sâm-banh, rồi y như năm ngoái dịp anh tôi tốt nghiệp, mẹ tôi cho cha của bà (ông ngoại của tôi) nước ép táo sủi thay vì sâm-banh, bởi mẹ không muốn ông say rồi lại sinh rầy rà. Và ông nói đúng y cái câu ông nói hồi năm ngoái.
“Rượu sâm-banh này ngon.”
Tôi nghĩ là ông không phân biệt được rượu ngon hay dở, bởi ông chỉ uống bia thôi. Đôi lúc là whisky.
Tới chừng mười hai rưỡi, bữa ăn kết thúc. Tất cả anh em họ của tôi đều ngồi ghế lái bởi vì người lớn đều còn hơi say, không lái xe tới dự lễ tốt nghiệp được. Trừ ba tôi, bởi ông mải bận quay phim mọi người bằng cái máy quay thuê ở cửa hiệu video.
“Một năm xài có ba lần thì tội gì phải mua máy quay?”
Thế là chị, anh, ba, mẹ và tôi phải đi mỗi người một chiếc xe để đảm bảo không ai bị lạc đường. Tôi chở nguyên đám anh em họ Ohio của tôi, bọn này ngay lập tức rút ra một “điếu thuốc” rồi hút chuyền. Tôi không hút hơi nào bởi không có hứng, và bọn này nói cái câu mà chúng luôn nói.
“Charlie, mày đúng là đồ con cáy.”
Thế là tất cả các xe lần lượt vào bãi đậu, rồi mọi người ra khỏi xe. Rồi chị tôi hét mắng thằng em họ tên Mike vì tội hạ kính khi đang lái xe làm tóc chị xù lên.
“Thì hút thuốc phải vậy chớ,” nó đáp.
“Nhịn thêm mười phút không nổi hay sao?” Chị tôi vặn.
“Nhưng bản nhạc đang hay quá,” là lời chót của nó.
Thế là trong lúc ba tôi lôi cái máy quay video ra khỏi cốp sau, và anh tôi đang nói chuyện với vài chị tốt nghiệp lớn hơn tôi một tuổi và rất “đẹp gái”, chị tôi đi tìm mẹ để mượn cái ví của mẹ. Cái ví của mẹ tôi hay ở chỗ bất kì lúc nào ta cần bất kể thứ gì, nó đều có tất. Hồi tôi còn nhỏ, tôi hay gọi nó là “ví sơ cứu” bởi lúc xưa anh em tôi trầy xước như cơm bữa. Tôi vẫn chưa hiểu được sao mẹ làm được như thế.
Sau khi chải chuốt, chị tôi đi theo hàng người đội mũ tốt nghiệp vào sân, mọi người khác tìm chỗ ngồi trên khán đài. Tôi ngồi ở giữa mẹ và anh tôi, bởi ba tôi đang còn bận đi tìm chỗ đặt máy tốt hơn. Và mẹ tôi cứ phải dỗ ông ngoại, ông cứ luyên thuyên rằng sao mà trường có nhiều học trò da đen quá.
Khi mẹ không ngăn ông được nữa, mẹ kể câu chuyện của tôi về anh chàng đưa tin thể thao nhắc tên anh tôi. Thế là ông ngoại gọi anh tôi qua để hỏi vụ này. Mẹ tôi dùng mẹo này thật là hay, bởi vì anh tôi là người duy nhất có thể ngăn ông tôi gây ra cảnh khó coi bởi vì anh tôi nói chuyện rất thẳng thắn. Sau khi hỏi đáp chuyện kia xong, chuyện tiếp theo thế này...
“Ôi trời đất. Nhìn khán đài mà xem. Bao nhiêu là dân da màu...” Anh tôi cắt lời ông.
“Này ông ơi. Ta thỏa thuận thế này nhé. Nếu ông mà làm nhà con xấu hổ một lần nữa, con sẽ đưa ông thẳng vào viện dưỡng lão, và ông sẽ không được xem cháu ngoại gái của ông đọc diễn văn đâu.” Anh tôi rắn thật.
“Giỏi quá ha, vậy thì mày cũng đâu có xem được đâu con.” Ông ngoại của tôi cũng rắn thật.
“Dạ đúng, nhưng ba con đang quay lại kìa. Rồi con sẽ sắp xếp để mà xem cuộn băng, và ông không được xem. Đúng không nào?”
Ông ngoại tôi có một kiểu cười kì quái. Nhất là khi ai khác thắng được ông. Ông không nói gì thêm chuyện đó nữa. Ông chỉ bắt đầu nói về bóng bầu dục và chẳng đả động gì đến chuyện anh trai tôi chơi cùng một đội với mấy học trò da đen. Tôi không thể tả được năm ngoái loạn thế nào bởi vì khi ấy anh tôi ở trong sân làm lễ tốt nghiệp chứ không phải trên khán đài để mà ngăn ông.
Trong khi ông cháu bàn chuyện bóng bầu dục, tôi dõi mắt tìm Patrick và Sam, nhưng tôi chỉ thấy được mấy cái nón tốt nghiệp từ đằng xa. Khi nhạc cất lên, những cái nón bắt đầu diễu hành tới các dãy ghế xếp bày trên sân. Đó là lúc rốt cuộc tôi thấy Sam bước đi sau Patrick. Tôi nhẹ cả người. Tôi không rõ cô ấy đang vui hay buồn, nhưng nhìn thấy cô ấy, biết cô ấy có mặt là đủ rồi.
Khi tất cả học trò đã vào ngồi, nhạc tắt. Rồi thầy Small lên bục và phát biểu một bài biểu dương học trò niên khóa này. Thầy nhắc tới vài thành tựu mà trường đã đạt được, và thầy nhấn mạnh trường cần được ủng hộ thật nhiều trong Ngày hội Bán Bánh nướng để xây mới một phòng máy vi tính. Rồi thầy giới thiệu Hội trưởng hội học sinh lên phát biểu. Tôi không biết Hội trưởng hội học sinh là chức gì, nhưng chị gái ấy phát biểu một bài rất hay.
Rồi đến lúc năm học sinh ưu tú nhất lên phát biểu. Đây là truyền thống của trường. Chị tôi đứng hạng hai trong lớp, thế nên chị là người thứ tư phát biểu. Đại diện học sinh luôn phát biểu sau cùng. Rồi thầy Small cùng thầy hiệu phó (Patrick cam đoan là ông thầy này đồng tính) phát bằng.
Ba bài diễn văn đầu rất giống nhau. Trong đó có những câu trích từ mấy bài nhạc pop có dính dáng chút đỉnh tới tương lai. Trong suốt thời gian đọc diễn văn, tôi có thể thấy đôi tay của mẹ tôi. Hai bàn tay bà nắm chặt vào nhau.
Khi họ đọc tên chị tôi, mẹ tôi dang phắt đôi bàn tay ấy ra mà vỗ. Thật là vui khi được nhìn chị tiến lên bục phát biểu bởi vì anh tôi đứng tới hạng thứ 223 trong lớp và thế là không được lên phát biểu. Có lẽ tôi thiên vị thật, nhưng khi chị tôi cũng trích một bài nhạc pop và phát biểu về tương lai, tôi thấy có vẻ hay. Tôi nhìn qua anh tôi, anh tôi nhìn lại tôi. Và cả hai anh em mỉm cười. Rồi anh em tôi nhìn mẹ tôi, thấy bà đang thút thít khóc mừng, thế là anh và tôi nắm tay mẹ. Bà nhìn anh em tôi rồi mỉm cười rồi lại khóc ngọt hơn. Rồi cả hai đứa tựa đầu vào vai mẹ, giống như ôm ngang, mẹ lại khóc nhiều hơn nữa. Hoặc là cái ôm ấy để cho mẹ khóc ngọt hơn. Tôi không chắc. Nhưng mẹ siết chặt tay anh em tôi một cái và nói, “Các con trai của mẹ,” thật khẽ, rồi khóc tiếp. Tôi thương mẹ tôi nhiều lắm. Tôi không cần biết nói vậy nghe có vẻ ủy mị hay không. Tôi nghĩ là sinh nhật kế, tôi sẽ mua quà cho
thành nếp mới phải. Người con được nhận quà của mọi người trong dịp sinh nhật, và người con mua một món quà tặng mẹ bởi vì mẹ có mặt lúc ta chào đời. Tôi nghĩ như vậy sẽ thật hay.
Khi chị tôi đọc xong bài phát biểu, nhà tôi vỗ tay và gào thét, nhưng không có ai vỗ tay hoặc gào thét to hơn ông ngoại. Không một ai.
Tôi không nhớ đại diện học sinh đã nói gì, trừ chuyện chị ấy trích lời của Henry David Thoreau chứ không phải một bài nhạc pop.
Rồi thầy Small lên sân khấu và yêu cầu mọi người đợi đến lúc xướng tên và trao bằng xong hết rồi hãy vỗ tay. Phải nói rằng hồi năm ngoái, lời yêu cầu này cũng không ăn thua gì.
Thế rồi tôi nhìn thấy chị nhận bằng, và mẹ tôi lại khóc nữa. Và rồi tôi thấy Mary Elizabeth. Rồi tôi thấy Alice. Rồi tôi thấy Patrick. Rồi tôi thấy Sam. Một ngày thật là vui. Kể cả khi tôi thấy Brad. Mọi thứ có vẻ ổn cả.
Cả nhà tôi gặp chị trong bãi đậu xe, người đầu tiên tới ôm chị là ông ngoại tôi. Ông là một người thực sự kiêu hãnh theo cách của ông. Mọi người khen bài phát biểu của chị ngay cả khi họ không thích. Rồi mọi người nhìn thấy ba tôi bước lại từ bên kia bãi, tay giơ máy quay video quá đầu, vẻ mặt đắc thắng. Tôi nghĩ ba là người ôm chị lâu nhất. Tôi nhìn quanh tìm Sam và Patrick, nhưng chẳng thấy hai người đâu.
Trên đường về nhà mở tiệc mừng, bọn anh em họ Ohio của tôi lại châm một điếu hút chuyền. Lần này, tôi làm một hơi, nhưng bọn chúng vẫn gọi tôi là “con cáy”. Tôi chẳng hiểu tại sao. Có lẽ cái loại anh em họ ở Ohio là vậy. Cộng với thói ưa kể chuyện tếu.
“Thứ gì có ba mươi hai cái chân và một cái răng?”
“Là thứ gì?” Bọn tôi nhao nhao.
“Hàng người thất nghiệp trước sở việc làm Tây Virginia.”
Những chuyện đại loại thế.
Khi mọi người về nhà, bọn anh em họ Ohio đi thẳng ra quán rượu bởi vì tốt nghiệp có vẻ là một dịp chính đáng để người ta nhậu. Ít nhất thì năm ngoái và năm nay là như vậy. Tôi tự hỏi ngày tốt nghiệp của tôi sẽ thế nào. Nghe sao mà xa xôi quá.
Vậy là chị tôi mất cả tiếng đầu bữa tiệc để mở cho hết quà tặng, và chị mỉm cười mỗi lần thấy tờ séc, áo khoác len, hay tờ năm mươi đô-la. Bà con của nhà tôi không có ai giàu, nhưng hình như mọi người để dành vừa đủ cho những dịp thế này, và trong hôm nay tất cả đều giả vờ rằng mọi người đều giàu có.
Những người duy nhất không tặng tiền hay áo khoác len là anh tôi và tôi. Anh tôi có hứa đưa chị đi mua nhu yếu phẩm để dùng khi chị lên đại học, anh trả tiền, còn tôi mua tặng chị một cái nhà nhỏ bằng đá khắc thủ công và sơn ở Anh. Tôi bảo chị rằng tôi muốn tặng chị thứ gì đó khiến chị cảm thấy như đang ở nhà ngay cả khi chị ở xa. Chị tôi đã hôn má tôi vì xúc động.
Nhưng chuyện hay nhất trong bữa tiệc là khi mẹ tôi đến bảo tôi có điện thoại. Tôi lại nghe.
“A-lô?”
“Charlie phải không?”
“Sam!”
“Chừng nào cậu qua đây được?”
“Qua liền!”
Rồi ba tôi gầm gừ khi đang uống dở li whisky chanh,
“Con không được đi đâu cho tới khi bà con về hết. Rõ chưa?”
“À Sam này... Tôi phải chờ họ hàng của tôi về đã.”
“Thôi được, bọn tôi sẽ ở đây tới bảy giờ. Sau đó thì đi tới đâu bọn tôi sẽ gọi cậu.” Giọng Sam nghe rất vui.
“Được rồi, Sam. Chúc mừng nhé!”
“Cảm ơn Charlie. Tạm biệt.”
“Tạm biệt.”
Tôi gác máy.
Tôi thề với bạn, lúc đó tôi nghĩ là mấy người bà con sẽ ở lại mãi. Họ kể hết chuyện này tới chuyện khác. Họ ăn hết khúc xúc xích này tới khúc xúc xích khác. Họ ngắm hết bức ảnh này tới bức ảnh khác. Và họ nói “hồi con mới cao chừng này,” tay thì diễn tả hết lần này tới lần khác. Cứ như đồng hồ ngừng chạy vậy. Không phải là tôi bực khi nghe chuyện. Và món xúc xích đắp bột khá là ngon. Nhưng tôi muốn đi gặp Sam.
Tới chừng 9:30, mọi người đều đã no và tỉnh rượu. Lúc 9:45, màn ôm chào kết thúc. 9:50, lối vào nhà không còn xe nữa. Ba tôi đưa cho tôi tờ hai mươi đô-la cùng chìa khóa xe của ông và nói, “Cảm ơn con đã ở nhà. Điều đó rất quan trọng với ba và bà con họ hàng.” Ông ngà ngà, nhưng lời ấy là thật. Sam bảo tôi bọn họ đang đi tới một sàn nhảy khu trung tâm. Thế là tôi trút hết quà của mọi người vào cốp sau, leo lên xe và lái đi.
Con đường hầm dẫn tới khu trung tâm có một điều đáng chú ý. Ban đêm, nó thật huy hoàng. Ta bắt đầu chui vào ở một bên sườn núi, trời thì tối, và tiếng đài phát thanh thì to. Lúc ta vào đường hầm, gió bị hút đi hết, và ta nhìn he hé để khỏi bị ánh đèn phía trên làm lóa mắt. Khi ta nhìn quen ánh đèn rồi, ta thấy được lối ra xa xa ở bên kia ngay lúc âm thanh của đài phát ra loãng thành hư không do mất sóng. Rồi ta đến giữa đường hầm, và mọi thứ trở nên một giấc mơ êm đềm. Lối ra gần lại, ta không tài nào đến đó đủ nhanh. Và cuối cùng, ngay khi ta tưởng ta sẽ không bao giờ tới được, ta lại thấy lối ra ngay trước mặt mình. Và sóng radio có trở lại, tiếng nghe còn lớn hơn bình thường. Và gió đang chờ đợi. Ta bay ra khỏi đường hầm, đi lên cầu. Và nó kia rồi. Thành phố. Hàng triệu bóng đèn, tòa nhà và mọi thứ trông náo nhiệt y như ta mới được trông thấy lần đầu tiên trong đời. Đúng là một lối vào choáng ngợp.
Sau khoảng nửa tiếng tìm loanh quanh trong sàn nhảy, rốt cuộc tôi thấy Mary Elizabeth cùng Peter. Cả hai người đang uống rượu whisky Scotland pha sô-đa, món này do Peter mua bởi cậu ta đã đủ tuổi. Tôi chúc mừng Mary Elizabeth rồi hỏi những người khác đâu. Cô ấy bảo tôi Alice đang phê thuốc trong phòng vệ sinh nữ, còn Sam và Patrick đang nhảy ở sàn. Cô ấy bảo cứ ngồi đợi tới khi họ trở lại bởi vì cô ấy không biết cụ thể họ ở đâu. Thế là tôi ngồi xuống, nghe Peter tranh luận với Mary Elizabeth về các ứng viên đảng Dân chủ. Một lần nữa, đồng hồ như ngừng chạy. Tôi nóng lòng gặp Sam quá đỗi.
Sau chừng ba bản nhạc, Sam và Patrick trở lại, người ướt đẫm mồ hôi.
“Charlie!”
Tôi đứng dậy, và cả ba ôm nhau như chưa gặp mấy tháng trời rồi. Nếu xét những chuyện đã xảy ra, tôi đoán cái ôm ấy hợp lí. Sau khi bọn tôi rời nhau, Patrick nằm lên trên Peter và Mary Elizabeth cứ như hai người là một cái ghế dài vậy. Rồi cậu ấy tước li của Mary Elizabeth mà uống. Cô ấy kêu lên: “Ê này, đồ xấu xa.” Tôi nghĩ cậu ấy say rồi, mặc dù gần đây cậu ấy không nhậu nữa, nhưng Patrick làm việc ấy tỉnh queo, chẳng làm sao biết được.
Sam chụp lấy tay tôi. “Tôi thích bài này!”
Cô ấy dẫn tôi ra sàn nhảy. Rồi cô ấy bắt đầu nhảy. Và tôi bắt đầu nhảy. Đó là một bài tiết tấu nhanh, nên tôi xoay xở không tốt mấy, nhưng hình như cô ấy không bận tâm. Đơn giản là bọn tôi nhảy, và thế là đủ. Bài hát kết thúc, rồi một bài chầm chậm nối tiếp. Cô ấy nhìn tôi. Tôi nhìn cô ấy. Rồi cô ấy nắm tay tôi và kéo tôi vào điệu slow. Tôi không rành nhảy điệu slow lắm, nhưng ít ra cũng biết đong đưa người.
Lời thì thầm của cô ấy thoảng hương nước ép nham lê hòa vốt-ka.
“Hôm nay tôi tìm cậu trong bãi giữ xe.”
Tôi mong là lời thì thầm của tôi vẫn còn mùi kem đánh răng.
“Tôi cũng đã tìm cậu.”
Rồi chúng tôi yên lặng đến hết bài hát. Cô ấy dẫn bước tôi lại gần hơn một chút. Tôi dẫn cô ấy gần hơn một chút. Và chúng tôi tiếp tục nhảy. Đó là khoảnh khắc trong cả ngày ròng tôi muốn đồng hồ ngừng chạy. Và chỉ ở yên đó một lúc lâu.
Rời khỏi vũ trường, bọn tôi trở lại căn hộ của Peter, và tôi đưa quà tốt nghiệp cho mọi người. Tôi tặng Alice một quyển sách phim nói về Đêm của thây ma sống mà cô ấy thích, và tôi tặng Mary Elizabeth một cuộn băng video My life as a dog có phụ đề mà cô ấy thích.
Đến lượt cho Patrick và Sam. Tôi đã tự gói quà theo cách đặc biệt. Tôi dùng giấy có chuyện cười của tờ Sunday, bởi vì giấy đó nhiều màu. Patrick xé toạc lớp giấy. Sam thì không xé một tí giấy nào. Cô ấy chỉ gỡ băng keo ra thôi. Rồi họ nhìn thứ bên trong mỗi hộp.
Tôi tặng Patrick các quyển Trên đường, Bữa trưa trần trụi, Bên này thiên đường, Peter Pan, và Hòa bình chia cắt.
Tôi tặng Sam các quyển Giết con chim nhại, Bắt trẻ đồng xanh, Gastby vĩ đại, Hamlet, Walden và Suối nguồn.
Bên dưới những quyển sách là tấm thiệp mà tôi gõ bằng cái máy đánh chữ Sam mua tặng tôi. Hai tấm thiệp nói rằng đây là tất cả những quyển sách tôi ưa thích nhất, và tôi muốn Sam và Patrick sở hữu chúng bởi vì họ là hai người mà tôi thích nhất trên đời.
Lúc hai người đọc thiệp xong, họ yên lặng. Không ai cười hay khóc hay làm gì cả. Bọn tôi chỉ đơn giản là mở lòng nhìn nhau. Hai người biết lời tôi trong tấm thiệp là thật lòng. Và tôi biết điều ấy có ý nghĩa với họ nhiều lắm.
“Mấy tấm thiệp ghi gì vậy?” Mary Elizabeth hỏi.
“Cậu có phiền không hở Charlie?” Patrick hỏi.
Tôi lắc đầu bảo không, thế là hai người đọc lời đề tặng trong thiệp trong khi tôi đi rót đầy vang đỏ vào li cà phê của tôi.
Lúc tôi trở lại, bọn họ đều nhìn tôi, và tôi nói: “Tôi sẽ nhớ mọi người rất nhiều. Tôi hi vọng mọi người vào đại học thật là vui.” Thế rồi tôi bắt đầu khóc bởi vì chợt nhận ra rằng tất cả mọi người đều sắp đi cả. Tôi nghĩ Peter cho rằng tôi hơi kì lạ. Thế là Sam đứng dậy rồi đưa tôi vào bếp, vừa đi vừa bảo tôi rằng “không sao đâu.” Lúc bọn tôi vào bếp rồi, tôi bình tĩnh lại được chút.
Sam hỏi, “Cậu biết một tuần nữa là tôi đi không, Charlie?”
“Ừa, tôi biết.”
“Đừng khóc như vầy nữa nhé.”
“Ừa được.”
“Tôi muốn cậu nghe này.”
“Ừa.”
“Tôi rất sợ bị đơn độc trong đại học.”
“Thật sao?” Tôi hỏi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đó.
“Cũng giống như cậu sợ đơn độc ở đây vậy.”
“Ừa.” Tôi gật đầu.
“Vậy nên ta thỏa thuận với nhau một điều. Khi tôi hết chịu nổi mọi chuyện ở đại học, tôi sẽ gọi cậu, và khi cậu hết chịu nổi ở đây, cậu gọi tôi nhé.”
“Tụi mình viết thư qua lại được không?”
“Hẳn nhiên là được,” cô ấy đáp.
Rồi tôi lại bắt đầu khóc. Đôi lúc cảm xúc của tôi lẫn lộn lung tung hết cả. Nhưng Sam thì nhẫn nại.
“Charlie à, hết mùa hè là tôi lại về, nhưng trước khi nghĩ nhiều tới chuyện đó, bọn mình hãy vui cùng nhau tuần lễ cuối này. Tất cả bọn mình ấy. Được không nào?”
Tôi gật đầu và bình tĩnh lại.
Rồi đêm đó bọn tôi uống, nghe nhạc như thường lệ, nhưng lần này là ở nhà Peter, và thực ra mà nói lại tốt hơn chỗ của Craig, bởi Peter có bộ sưu tập nhạc hay hơn. Khoảng chừng một giờ sáng thì tôi chợt nhận ra một chuyện.
“Thôi chết rồi!”
“Sao vậy, Charlie?”
“Sáng mai tôi phải đi học!”
Thế là bọn họ lăn ra cười rũ rượi.
Peter dẫn tôi vào bếp pha cà phê để tôi tỉnh táo lại mà lái xe về nhà. Tôi nốc liền những tám cốc và sẵn sàng lái chừng hai mươi phút. Rắc rối là lúc tôi về đến nhà rồi, vì cà phê làm tôi tỉnh như sáo, không cách chi ngủ được. Gần tới lúc đi học, tôi thấy như sắp toi đời. May một nỗi là không còn bài kiểm tra cuối kì nào cả, và học trò bọn tôi chỉ có xem phim ngắn này nọ cả ngày. Thế là tôi ngủ ngon lành hết biết. Tôi cũng vui nữa, bởi vì đến trường mà không gặp được bạn bè thì thật là cô đơn.
Hôm nay thì khác bởi tôi không ngủ, và tối qua tôi cũng không gặp được Sam hay Patrick bởi vì hai người bận đi ăn tối cùng ba mẹ. Và anh tôi thì lại kẹt hẹn hò với một chị gái “xinh tươi” hôm lễ tốt nghiệp. Chị tôi bận chơi với bạn trai. Và ba mẹ tôi vẫn còn mệt nhừ sau bữa tiệc mừng tốt nghiệp.
Hôm nay, các thầy cô để học trò ngồi nói chuyện với nhau sau khi bọn tôi nộp lại sách giáo khoa. Tôi thật chẳng quen đứa nào cả, có lẽ ngoại trừ Susan, nhưng sau lần gặp nọ ở hành lang, cô ấy tránh tôi còn hơn tránh tà. Nên tôi chẳng nói năng gì. Duy nhất giờ của thầy Bill là vui, bởi vì tôi được nói chuyện với thầy. Giờ học hết, tôi thật buồn lúc chào tạm biệt thầy, nhưng thầy nói đó không phải là tạm biệt. Tôi có thể gọi thầy bất kì lúc nào suốt mùa hè nếu tôi muốn nói chuyện hay là mượn sách, và chuyện đó làm tôi thấy khá hơn chút.
Có một đứa răng lộ xỉ tên là Leonard gọi tôi là “cục cưng của thầy” khi tôi ra hành lang sau giờ thầy Bill, nhưng tôi chẳng để tâm bởi tôi nghĩ nó chẳng hiểu cái gì cả.
Tôi ăn trưa ngoài trời, trên một băng ghế chỗ bọn tôi từng hay hút thuốc. Ăn xong cái bánh sô-cô-la, tôi châm một điếu, và tôi hơi mong ai đó lại xin tôi một điếu, nhưng chẳng có ai cả.
Khi hết giờ học cuối, bọn học trò hoan hô và bàn tính với nhau kế hoạch kì nghỉ hè. Và mọi người dọn sạch tủ cá nhân của họ bằng cách vứt bừa giấy tờ, sách vở xuống sàn lối đi. Khi bước lại tủ của mình, tôi thấy một đứa gầy nhom dùng tủ đồ kế bên cả năm nay. Trước giờ, tôi chưa từng chuyện trò gì với nó.
Tôi hắng giọng rồi nói, “Chào. Tôi tên Charlie.”
Nó chỉ đáp gọn lỏn, “Tao biết.”
Rồi nó đóng cửa tủ rồi đi mất.
Thế là tôi mở tủ của tôi, bỏ hết giấy tờ cũ và các thứ vào ba-lô, rồi bước trên mớ sách vở và giấy tờ trên lối đi tới bãi đậu xe bên ngoài. Rồi tôi lên xe buýt. Và tôi viết bức thư này cho bạn.
Thực ra tôi rất vui là năm học đã hết. Tôi muốn dành thời gian nhiều bên cạnh bè bạn trước khi họ đi xa. Nhất là Sam.
Sẵn tôi kể luôn là rốt cuộc tôi đạt điểm A tròn cho cả năm học. Mẹ tôi rất tự hào và đính phiếu điểm trên tủ lạnh.
Thương mến,
Charlie