Bản năng - Chương 1 phần 03

Ngày 9 tháng 2

Tôi trả phòng lúc 9 giờ 30 phút sáng. Không ai nhìn thấy tôi lúc còn trong khách sạn, nhưng đến lúc đi ra, một cô gái vận đồ công sở sửng sốt nhìn tôi. Tôi bối rối quay đi, vờ như đợi người yêu, nhưng có vẻ như vậy còn khả nghi hơn. Tôi đành hấp tấp đi khỏi.

Cả ngày tôi loanh quanh ở khu Nagoya, bế Kaoru dạo quanh trạm tàu điện ngầm cho tới khi lạnh cóng mới đi xuống khu mua sắm dưới tầng ngầm. Tôi hỏi xin nước nóng ở một tiệm cà phê, pha sữa cho Kaoru bú, rồi thay tã cho nó trong một toa-lét công cộng. Xong xuôi, tôi ngồi nghỉ mệt, ngó những dãy hành lang dài hun hút như một mê cung. Dần dần, tôi cũng quen với ý nghĩ mình và Kaoru lúc này trông cũng bình thường như mọi cặp mẹ con khác. Không ai để ý đến chúng tôi. Ngay cả khi Kaoru òa khóc đỏ cả mặt, vẫn không ai nhìn chúng tôi. Những người duy nhất tiến lại gần cả hai là vài phụ nữ trung niên hoặc cụ già thích nựng nịu em bé. “Ngoan nào, bé con,” họ nói và nhìn vào mắt Kaoru. Khi tôi cố giấu mặt con bé đi thì họ vỗ nhẹ vào mông hoặc nắn nắn bàn tay tí hon của nó.

Đúng vậy, chúng tôi trông giống hai mẹ con đang đi cùng nhau, như bao bà mẹ và đứa con khác, có một mái nhà để trở về, một gia đình đang chờ đợi. Thái độ hờ hững của những người ở đây làm tôi phấn khởi vô cùng, tôi cứ bế Kaoru đi qua đi lại mãi. Đến lúc con bé khóc toáng lên, tôi mới nhận ra mình cũng kiệt sức mất rồi. Hai vai tôi mỏi nhừ dưới sức nặng của chiếc địu. Tôi lên cầu thang ra khỏi tầng ngầm, rồi thong thả đi bộ đến công viên.

Nagoya. Kyoto. Osaka. Okayama. Hiroshima. Khi ngồi nghỉ mệt, những cái tên lần lượt hiện ra trong đầu tôi. Tàu Bullet sẽ dừng lại ở các ga đó. Tôi đã từng đến Kyoto và Hiroshima trong vài chuyến dã ngoại hồi còn đi học. Lúc bé, bố mẹ tôi cũng từng dẫn tôi đến hai nơi này. Nhưng như vậy không có nghĩa là đến đó tôi sẽ có chỗ ở.

Làm cách nào tìm ra một chỗ an toàn, tránh bị nghi ngờ? Mình làm gì đủ tiền để ở khách sạn dài ngày. Hay là thuê phòng trọ, một phòng nhỏ cũng được?...

Kaoru lại òa khóc, tôi phải đứng lên vỗ về con bé, nhưng nó vẫn khóc. Tôi không biết con bé lấy đâu ra sức lực để gào thét và vùng vẫy như vậy, giống như nó đang cố thoát khỏi vòng tay tôi. Đừng khóc, Kaoru, đừng khóc mà. Tôi lặp đi lặp lại.

Bất ngờ, có người lên tiếng:

- Cô không có nhà để về à?

Tôi giật mình nhìn lên và thấy một phụ nữ đứng trước mặt. Tuy bà không cao nhưng khi quấn mình trong lớp áo nặng nề, không biết là bao nhiêu lớp nữa, trông bà thật to lớn. Dưới chiếc váy dài điểm chấm bông là đôi chân xỏ sandal, mang vớ dày cộm. Dù không còn trẻ nhưng bà vẫn giữ được làn da ửng hồng khỏe mạnh. Dáng vẻ thật khó đoán tuổi.

- Cháu chỉ ngồi nghỉ một lát thôi ạ. - Tôi thận trọng trả lời.

Không hề hé một nụ cười, người phụ nữ khịt mũi và nói vu vơ:

- Cô ngồi nghỉ lâu quá rồi đấy.

Ánh hoàng hôn rọi xuống những tòa nhà cao tầng đã gần như tắt hẳn, bầu trời phía đông đang sẫm dần.

- Cô không có nơi nào để đi cả. - Người phụ nữ tuyên bố chắc nịch, đồng thời với tay về phía Kaoru.

Tôi giật người ra xa theo bản năng, ôm con bé vào lòng, tránh bàn tay đó. Bà ta khịt mũi. Kaoru gào khóc thảm thiết hơn cả lúc nãy.

- Nó cứ khóc suốt vậy. Thôi nào, không ai làm gì mày đâu, đừng khóc nữa. - Người phụ nữ cau mày. Tôi xoay người, nhẹ nhàng vỗ về Kaoru.

- Chắc nó lạnh. Cô có muốn đến nhà tôi không?

Nghe tiếng người phụ nữ nói vọng từ sau lưng, tôi chầm chậm quay lại. Bà ta vẫn còn cau mày, mắt dán vào Kaoru.

- Tôi không làm gì cô đâu. Tôi chỉ thấy tội nghiệp đứa bé thôi.

Bà ta lại khịt mũi.

- Không sao đâu ạ. Cháu sắp về nhà đây.

- Cô làm gì có nhà mà về. Vậy nên tôi mới bảo cô đến chỗ tôi.

Tôi thận trọng quan sát. Bà ta là ai? Có phải người tốt không? Sao lại mời mình về nhà? Nhưng dù nhìn kĩ đến đâu, tôi vẫn không thể đoán được ý định thật sự của bà. Kaoru vẫn la khóc, mặt đỏ lựng lên. Mình có nên đi theo người này không? Cặp mắt trơ lạnh như đá đang nhìn tôi chằm chặp.

Kéo áo khoác phủ kín Kaoru, tôi nhấc chiếc túi Boston lên. Mặc dù linh cảm bảo tôi đừng làm vậy nhưng tôi vẫn quyết định đi theo người phụ nữ này. Nếu bà ta định ăn cắp thứ gì đó của mình thì chỉ có thể là tiền. Còn hơn mình phải mất Kaoru. Tôi tự bào chữa.

Rời khỏi công viên, bà bước xuống vỉa hè dọc theo con đường rộng rồi cứ thế cắm cúi đi mà không hề ngoảnh lại. Tôi cũng đi theo, cách sau vài mét. Cái lưng to bè thoắt hiện dưới ánh đèn pha ô-tô và các biển hiệu nê-ông, rồi thoắt ẩn vào trong bóng tối. Tiếng khóc của Kaoru làm tai tôi lùng bùng. “Oa... oa...,” con bé không ngừng la khóc. Có phải nó đang cố ngăn mình? Phải rồi - con bé đang cảnh báo mình. Dù nghĩ vậy nhưng tôi vẫn căng mắt dõi theo bóng người phụ nữ rồi tiếp tục rảo bước.

Người phụ nữ đột ngột rẽ vào một góc đường. Tôi cuống cuồng chạy theo. Bà vẫn lầm lũi bước. Khi vừa băng qua một con sông tối đen và yên ắng, bao thanh âm ồn ã của phố xá cũng biến mất, như thể chưa có bao giờ. Toàn bộ khu vực đắm chìm trong màn đêm, chỉ còn lại những ngọn đèn đường. Một vài ngọn tắt ngấm, những ngọn khác le lói, làm khu phố trông còn tối hơn. Nhưng đây không phải là khu phố hoang. Tôi có thể nhìn thấy bóng dáng lờ mờ của những ngôi nhà thấp, cũ kĩ, làm bằng gỗ và lợp ngói. Lúc băng qua sông, tôi có cảm tưởng chúng tôi đang bước vào một thời đại khác. Thật lạ là những ngôi nhà này vẫn còn nguyên vẹn, dù cửa sổ không hề có ánh đèn.

Người phụ nữ biến mất, như thể đã bị bóng tối nuốt chửng. Tôi vội băng lên và trông thấy cánh cổng gỗ cũ kĩ. Bà đang mở khóa. Tôi dừng lại trước cổng, tò mò quan sát. Căn nhà cũng thấp như những căn xung quanh. Lối đi lát đá rải từ cổng vào đến cửa trước. Những cành cây lòa xòa vươn dài khắp phía như đang cố bao bọc lẩy căn nhà, cỏ dại gần như che lấp lối đi. Những cái bóng trải dài dưới ánh sáng hắt ra từ những ngọn đèn đường, chắc là vỏ kem hoặc mấy thùng sữa rỗng.

“Oa... oa...,” Kaoru gòa khóc. Tiếng la khóc điên cuồng của Kaoru làm đầu óc tôi tê liệt.

Người phụ nữ lặng lẽ bước vào trong. Trước mặt tôi bây giờ chỉ còn lại cánh cửa đang mở. Có tiếng bật công tắc, rồi trong nhà sáng lên. Men theo ánh đèn vàng, tôi bước trên lối đi lát đá.

Tiếp đó là một hành lang dài. Cánh cửa fusuma bên phải đang hé mở, ánh đèn vàng hắt ra từ đó. Tôi khép cánh cửa phía sau lưng. Kaoru vẫn không ngừng la hét. Tôi đứng lặng bên trong căn nhà.

Ngôi nhà này có vẻ gì đó thật kì dị và bí hiểm. Một đôi giày mòn vẹt vứt lãn lóc ngay lối vào, bìa các-tông chất đống trên hành lang cạnh túi rác. Hành lang tối, trơn và cũ kĩ, bụi bám đầy các góc, lớp bọc phủ chiếc điện thoại quay số màu đen trên bàn đã ngả màu. Mọi thứ chìm trong tĩnh lặng.

Suy cho cùng thì đây vẫn là một căn nhà bình thường, chỉ là vị chủ nhân không mấy sạch sẽ hay ngăn nắp cho lắm. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn không ngăn được cảm giác có cái gì đó không ổn ở nơi này. Tôi cởi giày, rồi rón rén bước dọc theo hành lang, phát hiện thấy sàn nhà lún nhiều chỗ. Tôi lách người qua cánh cửa đang mở, thấy người phụ nữ đứng giữa phòng, vẫn chưa cởi áo khoác ngoài. Bà trông thấy tôi nhưng không lên tiếng mời vào, nên tôi chỉ đứng yên đó. Sàn nhà tatami đã phai màu, những cái rương gỗ cũng cũ kĩ xếp chồng lên nhau, che mất một mảng tường. Mấy chồng báo và tạp chí buộc dây chất đống khắp phòng. Rõ ràng căn phòng không được sạch sẽ, nhưng cũng chẳng có gì bất thường cả. Song tôi vẫn không cảm thấy thoải mái.

Khi tôi bước vào phòng, người phụ nữ oang oang giọng, âm lượng lớn bằng tiếng khóc của Kaoru.

- Nghe nó hét kìa. Nào, dỗ nó nín đi chứ. Nó tè hay ị rồi, nếu không thì đang đói.

Tôi cởi nhanh áo khoác và chiếc địu rồi đặt Kaoru nằm trên sàn để thay đồ cho con bé. Người phụ nữ bật máy điều hòa lên, rồi nhẹ như mèo, bà tiến về phía tôi, nhìn soi mói.

Tôi lấy ra vài chiếc khăn ướt và tã sạch từ trong túi, rồi cởi tã của Kaoru ra. Ngay lập tức, mùi phân trẻ con bốc lên nồng nặc.

-Thối quá! - Bà ta hét lên, đồng thời đưa tay bịt mũi. Chính bà bảo tôi thay tã cho con bé mà, tôi nghĩ lúc đang cẩn thận lau sạch hậu môn cho Kaoru.

Một ý nghĩ lóe lên. Căn nhà không có mùi, hoàn toàn không có mùi. Tôi không ngửi thấy bất cứ mùi gì ở lối vào và hành lang. Có lẽ đó chính là điểm lạ lùng của căn nhà. Mùi phân của Kaoru lúc này bỗng trở thành một mùi thân thương, ở một nơi không hề có mùi như căn nhà này, thì ngay cả mùi thối của phân người cũng làm ta cảm thấy được an ủi, dù chẳng dễ chịu cho lắm.

- Ối! Con bé thối quá! Thối không chịu được. - Người phụ nữ quạt hai tay phành phạch trong không khí, kéo tay áo khoác che mặt làu bàu.

- Cô cho cháu sử dụng nhà bếp nhé?

- Ở bên kia kìa. Vứt cái đống đó nhanh lên!

Không đợi thúc giục, tôi đã cuộn mảnh tã bấn cho vào túi ni-lông, lấy bình sữa và đồ ăn em bé ra rồi lao về phía lối đi. Nhà bếp thật bừa bộn. Sàn nhà tung tóe nước tương và lăn lóc mấy chai rượu sake, có chai uống hết, có chai còn một nửa; một chồng bìa các-tông xếp ở góc bếp; chiếc bàn giữa phòng lổn ngổn vỏ hộp, một hộp đựng đồ hiệu Tupperware rỗng và vài túi nhựa đựng thức ăn. Tôi lấy một chiếc đĩa từ tủ đựng chén bát, sau đó rửa sạch rồi đổ hộp thức ăn em bé vào. Khi mang bữa tối cho Kaoru, tôi thấy người phụ nữ đang với tay về phía con bé. Tôi hét lên:

- Đừng đụng vào nó!

Bà ta giật nảy mình, rồi lảo đảo lùi về sau.

- Cô hét lên thế là có ý gì! Con bé cứ gào thét như phát cuồng nên tôi muốn dỗ nó, chỉ vậy thôi!

Bà ta đáp trả đầy tức giận nên tôi phải xin lỗi. Bà là người dẫn tôi về nhà, cho tôi sử dụng nhà bếp, tôi không có quyền la hét với bà.

Kaoru vẫn không ngừng khóc. Con bé không chịu bú sữa. Khi tôi đút thìa thức ăn vào miệng, nó cũng quay đi và tiếp tục la khóc. Tôi không biết phải làm sao. Người phụ nữ vẫn đứng ở góc phòng, hết nhìn tôi lại nhìn Kaoru. Tôi ngước nhìn bà và hỏi:

- Cô có phiền không nếu chúng cháu ở lại đây tối nay?

- Cô có nhà đâu mà về. - Bà ta nhắc lại, rồi tiếp: - Có một bộ chăn đệm trong tủ.

Nói xong, người phụ nữ ra khỏi phòng, vừa đi vừa vung tay như đang cố xua tiếng khóc của Kaoru.

Nhà này có phòng tắm không? Mình có được phép sử dụng không? Còn toa-lét ở đâu? Hay chậu rửa cũng được? Tối nay mình sẽ ăn gì? Những ý nghĩ vừa lóe lên lại biến mất ngay bởi tiếng khóc của Kaoru. Tôi đến bên tủ quần áo, lấy ra một tấm nệm và trải trên sàn tatami. Không có tấm chăn nào. Tôi ngả lưng lên nệm, áo khoác vẫn mặc trên người. Hương trầm tỏa ra từ tấm nệm. Tôi đặt Kaoru nằm xuống cạnh mình. Con bé vẫn khóc. Mỗi lần mắt tôi ríu lại, tiếng khóc của Kaoru lại đánh thức tôi. Máy điều hòa kêu lớn quá. Kaoru cứ khóc mãi. Tôi ứa nước mắt. Khóc thì có ích gì, mi thật ngốc làm sao!

Ngày 10 tháng 2

Tôi mơ màng nghe văng vẳng tiếng nhạc từ xa vọng lại, nghe như thứ âm thanh mà lúc bé tôi vẫn thường nghe từ những chiếc loa gắn dọc con đường mua sắm tấp nập phát ra rả đều đặn sáu giờ tối mỗi ngày. Mới nghe thì vui tai, nhưng nếu nghe lâu, sẽ thấy não nề đến nỗi chỉ muốn bỏ chạy thật xa.

Tôi tỉnh dậy, nhìn sang bên cạnh, thấy Kaoru vẫn ngủ. Đúng là có tiếng nhạc, hình như phát ra từ chiếc xe tải vẫn đi gom báo cũ hoặc đồ đồng nát. Rồi tiếng nhạc cũng xa dần.

Khung cửa sổ mắt cáo lập lòe ánh sáng, vẫn nằm trên nệm, tôi ngó nghiêng quanh phòng. Giấy dán cửa tủ quần áo đã chuyển màu nâu xin. Bụi phủ kín cái chụp đèn. Tôi choàng dậy, thấy người nặng trịch. Dù chưa ăn gì ngoài ổ bánh mì kẹp mua ở tiệm cà phê từ trưa hôm trước, tôi vẫn không thấy đói. Đêm qua, Kaoru cũng thiếp đi sau khi gào thét đến lả người, nhưng con bé lại nhiều lần thức giấc và khóc tiếp làm tôi gần như thức trắng đêm. Lúc tôi ra khỏi phòng, căn nhà hoàn toàn im ắng. Chân tôi chạm lên sàn lạnh cóng. Phòng vệ sinh ở cuối hành lang, cạnh đó là phòng tắm. Phòng tắm nhếch nhác, sàn đầy vệt bẩn. Phải cọ sạch toàn bộ chỗ này trước khi tắm cho Kaoru, tôi nghĩ rồi rửa mặt. Nước lạnh khiến tôi tỉnh táo hơn đôi chút.

Tôi muốn mở hết tất cả các cánh cửa dọc theo hành lang để tìm hiểu về căn nhà, nhưng không dám vì biết người phụ nữ đang ngủ đâu đó trong nhà.

Trở về phòng, thấy Kaoru vẫn say ngủ, nên tôi ra phía trước nhà rồi bước xuống lối đi. Tôi xoay khóa, mở cửa trước. Bầu trời thẳm xanh, ánh mặt trời tươi tắn, trong lành; nhưng những căn nhà xung quanh hoàn toàn đối lập, xám xịt một màu, không một bóng người. Cũng không có ai đi lại trên phố. Trước cổng nhà, mấy chậu cây đều đã héo khô. Những cánh cửa chớp ngăn mưa bằng gỗ nặng nề chắn ngang khung cửa sổ. Đây có phải là khu nhà hoang?

Một tờ báo mắc ở khe hộp thư trước cửa nhà. Tôi lấy mang về phòng rồi chăm chú đọc lúc ngồi cạnh Kaoru vẫn còn đang say ngủ. Tôi đọc tất cả các tin tức, kể cả mấy mẩu tin vắn, nhưng không thấy tin nào đưa về đứa trẻ bị thất lạc. Thật đỡ lo, nhưng như vậy mình không sao biết được họ điều tra được gì rồi.

Kaoru thức giấc rồi òa khóc. Tôi vội pha sữa cho con bé bú. Tôi không biết mình sẽ làm gì nếu nó lại la khóc cả ngày nữa, nhưng khi bú hết bình sữa, nó nhìn tôi cười. Thật hạnh phúc. Kaoru yêu dấu, hôm nay con sẽ vui vẻ, phải không? Mẹ thay tã cho con ha? Thay quần áo nữa? Mấy hôm nay hai mẹ con không tắm cùng nhau, mẹ sẽ tắm cho con thật sạch, chịu không nào? Lúc tôi trò chuyện với con bé, nó tròn mắt nhìn tôi, rồi nhoẻn đôi môi bé xíu mỉm cười.

Vừa bước vào bếp, tôi giật mình thấy người phụ nữ ở đó. Bà đang đứng nhai bánh mì trệu trạo. Tôi chào nhưng bà không buồn nhìn lại, chỉ đứng đó, ôm gói bánh mì lát vào ngực và lơ đãng nhìn mông lung trong khi lặng lẽ nhai.

- Xin lỗi cô, cháu muốn mượn ấm đun nước và xin một ít nước. - Tôi hỏi rồi rửa sạch ấm, đun một ít nước sôi và tìm chậu khử trùng bình sữa của Kaoru.

Người phụ nữ đột ngột cất tiếng:

- Nếu có người đến, cô mở cửa nhé.

- Có người đến ạ?

- Tôi nói là nếu. Nếu có ai đó đến. Mà cho dù họ có nói gì, cô cứ bảo họ thôi đi. - Bà ta nói lúng búng, miệng đầy bánh mì.

- Người đó sẽ nói gì ạ?

Bà lại im lặng.

- Cô có thể ở đây luôn nếu muốn. - Bà thở dài rồi khịt mũi, trông thật cô độc.

Ở đây luôn ư? Rốt cuộc bà là ai mới được? Bà không có vẻ là một người điên, hay có ý xấu, nhưng làm sao lại bảo với hai người xa lạ rằng họ có thể ở luôn nhà mình?

- Cháu, à... - Tôi vừa mở miệng thì người phụ nữ ngắt lời, lúc này bà đang nhìn bình sữa của Kaoru:

- Sữa được rồi đấy, nhanh cho con bé bú đi.

Tôi cảm ơn bà ta rồi rời bếp.

Buổi chiều, tôi đặt Kaoru vào địu, mặc áo khoác định đi ra ngoài. Ngay lúc tôi xỏ giày, cánh cửa ở phòng bên cạnh kéo mạnh ra và người phụ nữ lại xuất hiện. Bà ta hung hăng hỏi:

- Cô đi đâu đó?

- Cháu chỉ ra ngoài mua một ít thứ.

- Bao giờ cô về?

- Không lâu đâu ạ. Cô có muốn mua gì không, cháu sẽ mua hộ.

- Không.

Người phụ nữ nói xong rồi kéo sập cửa lại.

Tôi rời nhà, đi ra ngõ. Có vẻ khu này không có cửa hàng nào. Quả là một khu phố kì lạ, đường phố san sát nhà cửa nhưng không có người sinh sống. Những cánh cửa chớp xếp dọc, một chiếc xe đạp hoen gỉ dựng bên - toàn bộ khung cảnh khiến nơi này trông như một thị trấn chết.

Hay người phụ nữ này là một kẻ chiếm dụng nhà ở bất hợp pháp? Hoặc có khi bà ta phạm tội gì đó và đang lẩn trốn cảnh sát. Nhất định có điều gì đó kì dị ở người phụ nữ này mà mình không biết, nhưng lúc này, có một nơi để ngủ trước khi tìm thấy chỗ ở ổn định đã là một điều may mắn. Mình có thể sử dụng phòng tắm nếu dọn sạch, hơn nữa căn nhà này còn có ga và điện.

Tôi mua một cái hamburger ở tiệm thức ăn nhanh rồi ngồi ăn trong công viên. Vài bà mẹ đang bế con đi dạo.

Một người mẹ trẻ đến bên hỏi Kaoru:

- Bé được mấy tháng rồi? Cháu tên là gì?

Tôi đáp em bé được sáu tháng và tên nó là Kaoru.

Người mẹ liền bế con trai vào lòng rồi bắt chước giọng trẻ con:

- Mình là Takumi. Rất vui được gặp cậu.

Cô nắm tay thằng bé vẫy vẫy chào. Kaoru tròn mắt nhìn đứa bé như thể nó chưa bao giờ thấy thứ gì lạ kì đến vậy. Thằng bé lớn hơn Kaoru một chút, nhưng tôi không đoán được nó mấy tháng tuổi.

Người mẹ quay sang hỏi tôi:

- Cô sống ở đâu?

Tôi không biết địa chỉ chính xác nên chỉ trả lời qua loa:

- Ở bên kia cầu, đoạn thượng nguồn đấy.

- Ồ! Bây giờ đâu còn nhiều người sống ở đó, phải không? Tôi nghe nói cả khu đó đã bị thu hồi rồi.

- À, vâng, đúng vậy. - Tôi gật đầu xác nhận. - Nhưng có phải nhà nào ở đó cũng bị thu hồi đâu?

- Vậy cô định đến bệnh viện kiểm tra định kì à?

- Vâng. - Tôi đáp lại, cảm thấy sượng sùng. Nếu cô còn hỏi thêm vài câu nữa, tôi sẽ cứng họng. Tôi cuống quýt tìm lý do rời khỏi đó. Nhưng người mẹ chỉ gật gù “ừm” lúc ngắm bọn trẻ chơi đùa dưới ánh nắng, rồi bắt đầu kể về bản thân. Tôi nhẹ cả người. Cô vừa từ Tokyo chuyển đến đây hồi năm ngoái và giờ đang sống với bố mẹ chồng, nhưng quan hệ giữa họ có vẻ không tốt đẹp lắm.

- Nên hôm nào tôi cũng rời nhà từ sớm rồi đến Trung tâm trẻ em, thư viện hay công viên này, đợi đến tối mới về. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy khốn khổ thật sự, không biết mình đang làm gì ở đây. Tôi có cảm giác mình giống như một kẻ sống lang thang vậy.

Cô lấy ra chiếc núm vú cao su từ túi đi chợ và nhét vào miệng Takumi khi nó bật khóc. Lúc Kaoru với tay đòi chiếc núm vú, cô siết chặt tay con bé và nói “Kaoru, con là bạn tốt của Takumi nhé,” rồi làm mặt hề trêu con bé.

Ở Tokyo cô sống khu nào? Chồng cô làm nghề gì? Cô thường đi kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện nào? Trung tâm trẻ em ở đâu vậy? Có rất nhiều chuyện tôi muốn hỏi người mẹ trẻ trông rất vồn vã kia. Dù lúc này cả hai đang huyên thiên về đủ mọi việc - nỗi lo lắng khi nuôi nấng con cái, những than phiền vụn vặt về gia đình, trao đổi thông tin về quần áo trẻ em và nhiều chuyện khác - nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ trở thành bạn tốt của nhau.

Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.

- Tôi phải đến ngân hàng đây.

- Ngày mai tôi lại đến đây, hi vọng được gặp cô.

Cô cười rạng rỡ, rồi nắm lấy bàn tay bé xíu của Takumi vẫy chào tạm biệt. Thằng bé vẫn ngậm núm vú cao su trong miệng. Tôi cũng nắm tay Kaoru để vẫy chào tạm biệt. Kaoru cười lớn.

Trên đường đi, tôi ghé vào mọi văn phòng bất động sản nhưng tất cả chỗ đó đều chẳng ra gì. Khi còn đi làm, tôi chỉ cần trình cho họ thẻ làm việc với logo của công ty rồi chọn một trong rất nhiều phòng đang sẵn sàng cho thuê.

Tôi ở xa chồng nên muốn tìm một căn hộ.

Chồng tôi phải làm việc vào cả ngày Chủ nhật, nên chúng tôi phải tìm một nơi khác.

Chồng tôi sẽ chuyển công tác vào tháng Tư tới, tôi đến để tìm trước một căn hộ.

Dù trình bày lý do gì, tôi đều bị nhìn một cách khinh miệt. “Rất nhiều nơi không chấp nhận trẻ con, cô biết đấy,” một người đàn ông nói, không giấu vẻ khinh khỉnh. Tôi muốn trả miếng rằng nếu các ông không cho người có con nhỏ thuê nhà, vậy chẳng phải các ông đã chống lại luật sinh nở của đất nước này?

Cuối cùng, tôi cũng tìm được một văn phòng bất động sản với hai căn hộ cho phép ở cùng trẻ con. Đầu tiên là căn hộ hai phòng ở tầng trên một cửa hàng rau. Căn hộ còn lại chỉ có một phòng và tối hơn. Căn hộ phía trên cửa hàng rau đã cũ nhưng thoáng đãng. Nhưng sau đó, tôi được yêu cầu phải trình giấy chứng nhận cư trú, hộ khẩu gia đình, và một vãn bản chứng nhận chồng tôi đang có công ăn việc làm. “Ngày mai tôi sẽ mang đến,” tôi nói dối rồi rời khỏi văn phòng bất động sản.

Tại một cửa hàng quần áo ở khu mua sắm ga tàu điện ngầm, tôi mua một áo choàng dành cho bà mẹ, loại có thể quấn em bé và che kín mít. Tôi cũng mua thêm thức ăn em bé, tã và hộp cơm trưa cho mình trước khi trở về. Cửa nhà không khóa. Nghe tiếng động, người phụ nữ mở cửa phòng nhìn ra. Khi trông thấy tôi, bà đóng sập cửa lại. Vọng qua cánh cửa, tôi nghe âm thanh như tiếng băng cassette đang mở một bản nhạc ủy mị.

Tôi quấn Kaoru trong chiếc áo choàng vừa mua, đặt con bé vào chậu trong lúc cọ nhà tắm. Cọ rửa từng ngóc ngách bồn tắm xong, tôi quỳ xuống lau sàn. Lớp gỉ đen giữa các viên gạch không thể chùi sạch, nhưng dù vậy, lúc tôi xả nước, cả phòng tắm trông sáng bóng hẳn lên. Tôi vặn vòi hết cỡ. Một dòng nước ấm chảy vào bồn.

Tôi vào bếp làm thức ăn cho Kaoru. Tôi hâm nóng hộp cơm trưa bằng lò vi sóng, và lau sạch chiếc bàn ăn bừa bộn bằng một mảnh khăn ít bẩn nhất. Rồi tôi đặt Kaoru nằm trong lòng, vừa cho con bé bú, vừa tranh thủ ăn cơm. Tiếng nhạc từ phòng người phụ nữ khuấy động không gian vắng lặng của căn nhà. Tiếng o e của Kaoru cũng vang khắp bếp.

Tôi nhìn quanh bếp, trông thấy cạnh tủ chén là một cái tủ cao bằng gỗ, có nhiều ngăn kéo. Vẫn ôm Kaoru trong lòng, tôi đứng dậy, dỏng tai để ý tiếng bước chân trên hành lang, rồi mở ngăn trên cùng.

Có vài con dấu cá nhân đựng trong hộp, xấp hóa đơn thanh toán điện, ga nhàu nhĩ. Tôi mở ngăn kế tiếp, bên trong chứa đầy tem, loại 10 yên, 5 yên, tất cả đều đã cũ. Ở ngăn tiếp nữa là kéo may, nhiều mẩu vải và nút đựng trong hộp nhựa. Lục lọi đồ đạc của người khác không hay chút nào, nhưng tôi cần tìm hiểu về người phụ nữ này. Lúc mở ngăn kế, tôi không rời mắt khỏi một thứ: cuốn sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và em bé ngả màu.

Tôi sờ nhẹ vào cuốn sổ, lấy nó ra khỏi ngăn kéo, rồi ngồi bệt xuống tò mò đọc những dòng đầu tiên.

Tấm bìa màu be đã ố và quăn góc. Theo ghi chú trên nhãn, cuốn sổ được phát hành vào ngày 3 tháng 10 năm 1958. Phần điền tên của người mẹ ghi Tomiko Nakamura viết bằng bút máy. Có phải đó là tên của người phụ nữ? Nhưng tên em bé lại để trống. Tôi lật các trang kế. Có một loạt các phiếu kiểm tra và hội chẩn sức khỏe cho em bé vẫn chưa được dùng tới. Ở trang ba là một dòng ghi nhận thời điểm sinh nở. Tên đứa bé là Rieko Nakamura, sinh ngày 29 tháng 5 năm 1959. Nếu người phụ nữ này là Tomiko Nakamura, vậy thì bà có một cô con gái chỉ kém tôi bốn tuổi.

Có phải từng có một gia đình sống trong căn nhà bất bình thường này không? Có phải người phụ nữ từng là một thành viên của gia đình đó?

Tôi tiếp tục lướt qua các trang. Tình hình sức khỏe của người mẹ lúc mang thai. Tình trạng của người mẹ sau khi sinh. Đứa bé cân nặng 2,2 ký lúc chào đời. Hai từ “sinh non” được vòng lại bên cạnh thông tin về cân nặng. Đứa bé dài 45 cm, vòng đầu 31 cm. Tôi tưởng tượng trước mắt mình hình hài nhỏ xíu đó. Một đứa bé tí hon mà mình không có cơ hội diện kiến, một đứa bé chỉ nặng 2,2 kg. Mẹ có ôm bé không? Mẹ có cười với bé?

Kaoru ngồi trong lòng tôi đang với tay đòi nghịch cuốn sổ mà tôi trải ra phía trước. Tôi bèn nâng cuốn sổ lên quá đầu con bé rồi tiếp tục đọc. Sực nhớ mình đang xả nước trong bồn tắm, tôi vội đặt cuốn sổ vào chỗ cũ và đóng ngăn tủ lại.

- Cô ơi, cháu dùng phòng tắm đây ạ. - Tôi với giọng về hướng phòng của người phụ nữ rồi bế Kaoru đi tắm. Nước ấm đã chảy tràn khỏi bồn. Đóng vòi nước lại, tôi đứng nhìn dòng nước ấm trong lành đang chảy vào khắp các khe rãnh trên sàn. Dưới ánh đèn huỳnh quang, dòng nước sáng lấp lánh như thể nó là thứ gì đó thật linh thiêng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3