Bản năng - Chương 2 phần 01
Chương 2
Tôi ra khỏi nhà, lên xe đạp phóng đi. Qua khỏi dốc Jizo, tôi rẽ vào đại lộ Okubo; Ở cuối con hẻm gần hết con dốc Kagura là một quán rượu Nhật Bản truyền thống, nơi tôi làm việc bán thời gian. Bầu không khí hôi hám ẩm thấp bọc lấy người tôi giống như một lớp màng không thể phá vỡ dù tôi đã cố đạp thật nhanh. Đi từ nhà đến chỗ làm chỉ mất mười phút nhưng khi đến nơi, áo tôi ướt đẫm mồ hôi, dính bết vào lưng. Các trường đại học đang nghỉ hè, nhưng trên đường phố vẫn đầy những thanh niên nam nữ đi lại tíu tít trò chuyện, trông họ rất giống sinh viên.
Tôi dựng xe đạp ở cuối hẻm, rồi mở cửa quán rượu nói to “Chào ngày mới!”. Dù bây giờ đã là cuối buổi chiều, đây vẫn là câu chào đúng kiểu, ông chủ đang ngồi ở quầy rượu mê mải đọc một tờ báo khổ nhỏ. Ông nhìn lên lầm bầm “Ngày mới”. Một nhân viên bán thời gian khác ngừng lau chùi nhìn lên mỉm cười chào tôi.
Tôi bắt đầu làm việc ở đây hồi đầu năm, lúc vào năm hai đại học. Ca làm việc của tôi từ 5 giờ chiều đến nửa đêm từ thứ Ba đến thứ Bảy. Riêng trong kì nghỉ hè, tôi làm việc cả thứ Hai. Tôi được trả công 1.000 yên/giờ. Sau 9 giờ, tiền công tăng lên 1.300 yên. Khu này có rất nhiều trường đại học nên hầu hết nhân viên làm bán thời gian ở đây đều là sinh viên. Đôi khi, sau khi quán rượu đóng cửa, mọi người đi chơi cùng nhau. Nhưng tôi không bao giờ đi cùng. Dần dần, mọi người cũng biết tôi không phải là kiểu người thích tụ tập nên không rủ tôi nữa.
Quán rượu đông khách nhất trong khoảng từ 7 giờ đến 10 giờ. Từ sau 10 giờ cho đến lúc đóng cửa, khách thưa dần nhưng phần lớn họ đều đã say mềm, nghĩa là chúng tôi vẫn phải bận rộn theo một nghĩa khác. Họ hét gọi phục vụ mà không vì lý do gì cả, hơn nữa còn nôn mửa trong toa-lét. Nhưng tôi không nề hà gì với những việc phát sinh này. Vì tay chân bận bịu, tôi sẽ không có thời gian nghĩ ngợi, hoặc không cần phải buôn chuyện với ai.
Mặc dù công việc kết thúc lúc 12 giờ đêm, nhưng phải đến 12 giờ 20 phút tôi mới chính thức ra về. “Cảm ơn mọi người nhé!”, tôi nói lớn rồi bước ra ngoài. Hơi nóng mùa hè dày đặc trong không khí và bao trùm cả con hẻm. Tôi đang loay hoay mở khóa xe đạp thì nghe một giọng nói sau lưng. Quay đầu lại, tôi thấy một cô gái lạ đang đứng nhìn mình. Tầm hai mươi lăm tuổi. Mái tóc thẳng dài. Mặc đồ jeans.
Cô gái cười: “Này, Rika!”. Hẳn đã nhận nhầm người quen. Tôi đẩy xe đạp, lờ đi và rảo bước. Nhưng cô cứ đứng chắn trước mặt bắt chuyện vô cùng thân mật: “Em là Rika, đúng không? Em không nhớ chị à? Chị Mahlon nè. Em không nhớ chị chút nào sao?” Tôi lảng tránh, dắt xe đi dọc theo con đường lớn. Cô gái đuổi theo. Lần này cô gọi đích xác tên tôi: “Em là Erina Akiyama?” Tôi quay lại. Ánh sáng từ ngọn đèn đường rọi thẳng xuống người cô. Tôi không hiểu điều gì khiến cô gái này phấn khởi đến vậy, trông cô rạng rỡ một cách lạ kì.
“Em đã sống ở Gia đình Thiên thần, đúng không nào? Chúng mình ở chung phòng trong một thời gian dài. Có thật em đã quên hết rồi không?” Gia đình Thiên thần. Tôi biết cái tên này. Mỗi lần nghe nhắc tới nó, một cảm giác ghê sợ mơ hồ lại trỗi dậy. Nhưng lần này, trước khi cảm giác khinh ghét ập đến, vài ký ức thoáng hiện ra. Những bức tượng búp-bê thạch cao trắng toát, bãi cỏ ngập nắng và một bé gái. Mahlon. Tôi không thể nhớ rõ mọi chi tiết, nhưng rõ ràng trong tôi vẫn còn ký ức về nơi đó.
“Đã bao nhiêu năm rồi nhỉ? Mười lăm năm? Không, bây giờ là năm 2005, vậy phải là mười tám năm chứ.” Cô gái khẽ chạm tay tôi. “Em có muốn đi uống nước một chút không? Chị thấy có một quán vẫn còn mở cửa ở gần đây.” Cô nói một hơi, không cần nghe tôi trả lời đã giằng lấy tay lái xe đạp dắt đi.
Quán rượu nằm trên con đường chính mà cả hai vừa ghé vào là một trong số những quán rẻ tiền giống như chỗ tôi đang làm việc. Giờ này quán vẫn đông khách. Hai chúng tôi ngồi cạnh nhau ở quầy bar. Khi phục vụ mang bia tới, cô vui vẻ nâng ly với tôi.
“Tên thật của chị là Chigusa. Chigusa Ando. Chị vẫn nhớ em rất rõ. Em chẳng thay đổi mấy.” Cả hai gọi thêm vài món đồ nhắm rồi cô tiếp: “Có lẽ em không nhớ, nhưng ở Gia đình mọi người hay gọi em là Rika. Nếu em ghét cái tên này thì chị không gọi nữa. Khi em rời khỏi đó chị chừng mười hai tuổi.”
Tôi có cảm giác mơ hồ khi ngồi ở đây uống bia với cô gái xa lạ này. Hiếm khi nào tôi như vậy, nhưng thỉnh thoảng, lúc đang ngồi trong lớp hay ăn tối với Kishida, tôi có cảm giác như ai đó vừa đánh vào đầu mình - mọi thứ bỗng trở nên không có thật.
- Nào, em cố nhớ thử xem. Chúng mình thường chơi trò “công chúa” với nhau. Hầu hết mấy đứa con gái ở đó đều thích đóng vai công chúa, nhưng em thì không - em luôn muốn đóng vai người hầu, như bà bảo mẫu của công chúa hay một nô tì trung thành.
Những ký ức hiện ra rồi vụt tắt, như thể những lời nói của cô gái này đang cố kéo chúng ra khỏi đầu óc tôi. Những bát cơm nhựa, hành lang sáng bóng trơn trượt. Tuy nhớ loáng thoáng, tôi vẫn đáp:
- Em xin lỗi, em không còn nhớ gì.
- Vậy thì tệ quá. Mà cũng phải thôi, lúc ấy em còn quá nhỏ. Trên bãi cỏ ở đó có những bức tượng trẻ con kì lạ mà người lớn phải lau chùi mỗi sáng.
Chigusa nhón lấy vài miếng cá khô cho vào miệng rồi tiếp tục nói. Dù tôi chẳng nhớ gì về những chuyện cũ và cũng không hiểu sao cô gái muốn gặp mình nhưng tôi vẫn mỉm cười nốc cạn ly bia.
Tôi đã quen với việc có nhiều người lạ tìm đến. Và cũng quen cách đối phó với bọn họ. Tôi sẽ không hỏi han và không trả lời bất cứ câu nào. Chỉ gật đầu và cười. Sau một lúc, họ sẽ chán và bỏ đi. Có thể nói tôi như đang chơi trò đấu trí với họ vậy.
Cả hai gọi ly bia thứ ba. Vẫn nở nụ cười trên môi, Chigusa nhìn thẳng tôi hỏi:
- Em không hỏi gì chị hết à? Sao vậy?
- Sao cơ? Vì em không nhớ được gì hết nên em không biết hỏi gì.
- Nếu em đã quên hết thì em càng phải hỏi để nhớ lại chứ.
- Nhưng nhớ về điều gì? Về cái Gia đình mà chị nói tới đó sao?
- Không chỉ Gia đình mà là tất cả. Nếu chị không nhớ điều gì, chị sẽ muốn tìm hiểu cho bằng được. Ví dụ, chị sẽ muốn biết Gia đình chính xác là gì, tại sao mẹ chị lại gia nhập, hoặc cuộc sống hàng ngày của chị tại đó diễn ra như thế nào. Chị muốn biết hết mọi thứ và nhớ lại mọi điều. Chị sẽ tự hỏi: “Tại sao? Tại sao là tôi? Tại sao tôi không có một tuổi thơ bình thường với một gia đình bình thường? Tôi sẽ chịu những ảnh hưởng gì khi lớn lên ở một nơi như vậy? Tôi thật sự tò mò muốn biết tất cả những điều đó.”
Có nghĩa lý gì đâu khi tìm hiểu về những điều mình không biết, hay nhớ lại những chuyện mình đã quên, tôi vừa tươi cười với Chigusa vừa nghĩ trong đầu.
- Đừng nói với em là chị đang tìm gặp hết mọi người trong Gia đình để nói chuyện với tất cả đấy nhé?
Một cốc bia đầy xuất hiện trước mặt tôi. Tôi uống một hơi hết một phần ba. Chigusa không trả lời mà nói tiếp: “Khi chị bắt đầu tìm hiểu về những chuyện đã qua, chị cứ đau đáu mãi với câu hỏi ‘tại sao’...”. Cô bỗng bỏ lửng câu nói và nghiêm mặt lại. Rồi cô lục tìm trong túi xách đặt dưới chân, lấy ra một cuốn đặt lên quầy bar: đó là cuốn “Ngôi nhà của những thiên thần”. Một dòng in đậm chạy dọc bìa sách “Các thành viên chính thức hé lộ sự thật về cuộc sống của cộng đồng nữ giới”. Tên nhà xuất bản lạ hoắc.
Cô lơ đãng nhìn tôi nhưng giọng nói thì vô cùng sốt sắng:
- Thực ra chị đã tự xuất bản. Ấy vậy mà mấy người biên tập đã buộc chị phải sửa nhiều chi tiết, nên những gì chị thật sự muốn bày tỏ không nằm trong đó. Nhưng chị vẫn muốn viết về Gia đình. Ngay cả khi việc này làm chị càng lúc càng thắc mắc nhiều hơn. Chị vẫn phải biết về những chuyện cũ.
- Ấn tượng đó.
Tôi nói rồi đặt cuốn sách qua một bên, không buồn giở nó ra. Sau đó tôi uống cạn bia và gọi thêm một ly nữa.
- Chị cũng thêm một ly nữa nhé! - Chigusa gọi lớn rồi cũng uống cạn ly của mình. - Và người chị thật sự quan tâm bây giờ là em. Chị tìm em cũng là vì vậy. - Những ngón tay cô dí vào những giọt nước đang nhỏ xuống. - Chị muốn viết về những gì đã xảy đến với em. - Cô nhìn tôi. Tôi có thể ngửi thấy mùi bia từ hơi thở của Chigusa lúc cô cười một tràng dài.
Tôi đẩy xe lên đồi. Điện thoại báo tin nhắn. Tin của Kishida. “Khi nào em về nhà thì nhắn anh nhé.” Tôi tựa vào xe soạn tin trả lời: “Em đang về đây. Chúc anh ngủ ngon.” Kishida trả lời ngay lập tức, màn hình điện thoại bé xíu sáng nháy lên. “Đi đường cẩn thận nhé. Chúc em ngủ ngon.”
Tôi lên xe nhấn mạnh bàn đạp.
Kì nghỉ hè năm nay, tôi quyết định làm việc cả tuần trừ Chủ nhật, không phải vì tôi không có việc gì khác thú vị hơn để giết thời gian, mà là tôi muốn tránh gặp Kishida. Bây giờ cả hai chỉ có thể gặp nhau vào các buổi tối cuối tuần. Cứ thế, khi hết hè, có lẽ tôi sẽ không gặp anh nữa. Nếu không gặp anh, tôi sẽ có thể quên anh.
Tôi leo mấy bậc cầu thang. Chờ đợi tôi là căn phòng tối mò. Tôi bật đèn nhà bếp, đèn phòng khách, rồi mở tủ lạnh lấy chai nước lọc uống. Sau đó, tôi tắm rửa, lau khô tóc, thả mình xuống tấm tatami mà đã hai hôm rồi chưa dọn, và bật ti vi lên. Trong thứ ánh sáng lờ mờ từ tivi, tôi lấy ra cuốn sách mà Chigusa đã nài nỉ tôi cầm về khi cả hai tạm biệt nhau. Có một bức phác thảo thiên thần ngoài bìa. Tôi giơ cuốn sách lên trước mặt và nhìn trừng trừng vào nó dù không có ý định đọc. Tay tôi di qua di lại trên bìa cuốn sách.
Tôi biết mình đã từng sống ở một nơi gọi là Gia đình Thiên thần. Tất nhiên bố mẹ luôn cố giấu tôi điều này nhưng tôi đã được đọc về nó lúc còn học cấp hai. Tôi biết có rất nhiều bài báo viết về “chuyện đó” từ khi tôi còn bé. Mẹ tuyệt đối cấm tôi đọc sách báo dù bà vẫn thường kín đáo đặt mua. Lúc nào đọc mẹ cũng mất bình tĩnh và luôn rít lên: “Sao họ dám sỉ nhục mình như vậy?”, rồi mẹ òa khóc hoặc xé vụn trang báo với vẻ mặt đáng sợ. Mẹ thậm chí không để ý tôi đang quan sát bà. Mẹ là vậy. Bà giấu những thứ mình mang về nhà rồi lại xé chúng ngay trước mặt tôi. Điều mẹ nói và việc mẹ làm luôn trái ngược nhau.
Tôi đã đọc về “chuyện đó” ở thư viện. Khi còn học cấp hai, sau giờ tan học, tôi thường đến thư viện thành phố ngồi đọc. Mỗi tác giả có mỗi kiểu tường thuật về kẻ bắt cóc: ả ranh mãnh quỷ quyệt, một “nữ nhân viên văn phòng” đã tự biên tự diễn vở kịch về tình yêu và lòng thù hận; nạn nhân của ái tình, một người đàn bà đáng thương hại. Không một ai nói nhiều về đứa trẻ bị bắt cóc. Họ gọi người phụ nữ đó là “A”, biến bà thành một kẻ vô danh. Tôi không biết vì những lý do gì mà tất cả các cuốn sách viết về “chuyện đó” đều hầu như không nhắc tới tôi.
Mãi tới năm lên cấp ba, tôi mới nhận ra mình là tiêu điểm tò mò. Bố mẹ, đặc biệt là mẹ, luôn cố gắng bảo vệ tôi. Nhưng rủi thay, mẹ không biết cách xử lý những mâu thuẫn nội tâm của mình. Thế là trong khi mẹ cho rằng đang bảo vệ tôi thì thực chất mẹ lại đẩy tôi vào những rắc rối. Cụm từ “được một kẻ bắt cóc nuôi dưỡng” đã theo tôi khắp nơi, ở bất cứ nơi đâu chúng tôi chuyển đến và bất kì ngôi trường mới nào. Nó giống như một con ruồi cứ vo ve bên bạn dù bạn đã cố xua nó đi. Hoặc là tôi đã buộc mình phải nghĩ về nó như vậy. Tôi đinh ninh không có mối liên hệ nào giữa tính khí bất thường của tôi với đứa trẻ bị bắt cóc mà tôi đọc được trong những bài viết kia.
Chính nhờ những bài báo, tôi mới tìm lại được phần ký ức ấu thơ mà tôi đã gần như quên lãng. Có những chuyện tôi chỉ biết mình đã trải qua sau khi đọc thông tin về chúng. Tuy nhiên, không có bất kì bài viết nào liên hệ giữa đứa trẻ bị bắt cóc với con người hiện tại của tôi bây giờ.
Tôi nghĩ về Chigusa lúc chị loạng choạng bước ra khỏi quán rượu, vẫy một chiếc taxi và nói lớn: “Hẹn gặp lại nhé!” Hẹn gặp lại nhé. Chị ấy sẽ tìm mình hỏi chuyện nữa sao?
Tôi tắt tivi rồi tăng máy điều hòa thêm một độ. Tiếng cánh quạt bên ngoài nghe khá rõ. Một mảnh nhỏ của mớ ký ức nhạt nhòa trở về trong tôi. Tiếng cười khúc khích cất lên trong bóng tối. “Này, em đã ngủ chưa?” Một giọng trẻ con khàn khàn hỏi. Tôi nhìn thấy những đôi tay nhưng không biết tay ai, và một vài bàn tay bé xíu với tới người tôi. Tôi còn nghe thấy những tiếng nói gọi tôi là Kaoru, đôi lúc là một cái tên khác.
Cô gái tự xưng là Chigusa đó đã bảo rằng cô muốn tìm hiểu những gì mình không biết, muốn nhớ những gì mình đã lãng quên. Tôi chưa bao giờ muốn vậy. Tôi luôn tin đào bới quá khứ thì chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, và đến giờ tôi vẫn tin như vậy. Nhưng giờ đây, lúc nằm một mình trong căn hộ, nhắm mắt chờ đợi giấc ngủ đến, những lời nói của cô ấy lại vang dậy trong tôi, những từ ngữ lặng lẽ nhưng ám ảnh không thôi: Tại sao? Tại sao lại là tôi?
Khoảng 11 giờ, Kishida đến quán rượu tìm tôi. Lúc anh bước vào, tôi hỏi theo thói quen: “Quý khách đi mấy người ạ?”. Mãi tới lúc anh gọi “Eri”, tôi mới nhận ra anh. Tôi chỉ anh ngồi vào quầy bar và đưa anh tờ thực đơn.
Tôi nói khẽ:
- Anh làm em bất ngờ quá.
- Lâu lắm rồi anh không gặp em, nên anh đến đây.
Kishida phân trần lúc nhận tờ thực đơn, rồi anh nhìn tôi. - Anh uống bia và đậu luộc. Còn món nào ngon không em?
Tôi lầm bầm:
- Còn có món đậu phụ tự làm hoặc bánh hấp nhân thịt gà.
- Nửa đêm là em xong việc, đúng không? Sau đó em rảnh chứ?
Tôi không trả lời câu hỏi của Kishida mà gọi vọng vào trong: “Bia, đậu luộc, bánh nhân gà!” “Có ngay!”
Một nhân viên phục vụ khác đáp lớn từ vị trí của mình. Tôi gật đầu lấy lệ với Kishida rồi vội vã vào bếp.
Kishida định đến chỗ mình, tôi nghĩ. Hai người sẽ làm chuyện đó một cách chóng vánh, sau đó anh nhìn đồng hồ rồi về nhà lúc 1 giờ hơn. Và tôi sẽ không giữ anh lại. Tôi có thể quên Kishida nếu anh đừng xuất hiện trước mắt tôi như vậy. Nhưng ngay lúc tôi gặp anh, những kỉ niệm mà tôi đã cố quên lại ồ ạt tràn về. Tôi rót bia vào ly rồi chuyền cho anh.
- Nếu anh hứa ở lại thì được. - Tôi nói nhanh để ông chủ đang đứng sau quầy bar không thể nghe thấy.
- Anh sẽ ở lại. - Kishida cười.
Nói dối. Kishida nói dối như không. Tôi biết điều đó nhưng cứ để anh lừa mình hết lần này đến lần khác. Tối nay anh cũng sẽ lừa tôi như vậy.
Tôi gặp Kishida ở chỗ làm hồi năm ngoái. Bố mẹ kịch liệt phản đối việc tôi chuyển ra ngoài ở nên đã từ chối chu cấp cho tôi trừ khoản học phí. Tuy nhiên, cuối cùng bố mẹ cũng chịu trả giúp tôi tiền thuê nhà. Nhưng tôi vẫn phải kiếm tiền để lo chi phí sinh hoạt hằng ngày, nên ngay khi vào đại học, tôi đã xin làm việc ở văn phòng của một trường luyện thi vào tiểu học và trung học. Kishida là giáo viên dạy ở đó.
Anh rủ tôi đi chơi lần đầu tiên vào tháng Năm năm ngoái. Tôi bảo mình phải tự lo sinh hoạt phí, thế là anh trả tiền ăn cho tôi từ đó. Lần đầu tiên chúng tôi vào khách sạn tình yêu là vào đợt luyện thi hè; rồi khi kì nghỉ hè kết thúc, tôi phát hiện anh đã có vợ. Năm nay Kishida ba mươi tuổi - hình như vợ anh kém anh một tuổi và anh còn có một đứa con lên hai. Phải thừa nhận rằng thái độ của tôi khi đó rất kì lạ, lúc phát hiện ra, tôi đã cười lớn. Tôi nhận ra mình đang đi theo đúng "lộ trình" của "người đàn bà đó", người đã nuôi dưỡng tôi, người mà tôi đã đọc rất nhiều bài báo viết về bà. Một sự trùng hợp kì lạ dù cả hai chẳng có quan hệ máu mủ với nhau. Tôi đã cười nhạo chính bản thân mình vì sự trùng hợp này.
Không chỉ giống bà về việc phải lòng một người đã có gia đình, mà tôi còn hành động theo chính xác những gì “người đàn bà đó” đã làm. Tôi bỏ việc ở trường luyện thi với hi vọng sẽ không bao giờ gặp lại Kishida nữa. Tất nhiên mọi việc chẳng bao giờ dừng lại dễ dàng đến vậy. Anh không ngừng gọi cho tôi, và tôi không thể từ chối các cuộc gọi của anh.
Tôi không biết yêu nghĩa là gì, hay được yêu nghĩa là gì. Tôi đã có bạn trai khi còn học trung học, và đã quan hệ từ lúc đó. Kishida không phải là người đàn ông đầu tiên, cũng không phải là tình yêu đầu tiên của tôi. Nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể lý giải nổi hành động của mình. Tôi có thể quên anh nếu cả hai đừng gặp nhau, nhưng hễ anh xuất hiện, tôi lại mụ mị và để anh cuốn tôi đi.
- Anh thật sự rất mong gặp em. - Kishida thì thầm khi tôi đặt thức ăn xuống trước mặt anh. Tôi liếc nhanh ra sau quầy, ông chủ đang cười đùa với một nhân viên làm bán thời gian khác. - Em không muốn gặp anh sao, Eri?
Tôi kìm hai chữ “Muốn chứ” rồi gằn giọng: “Em đang làm việc” trước khi lui về sau quầy bar. Nhìn thấy một chồng đĩa trong bồn rửa, tôi hấp tấp đặt vào máy rửa bát...
Mình sẽ lặp lại những chuyện xảy ra năm ngoái hay sao? Tôi lưỡng lự lúc thay bộ đồng phục. Kishida đến chỗ tôi, rồi rời đi lúc nửa đêm; tôi chờ mong anh gọi điện nhưng chỉ hoài công - tôi không màng đến tất cả những điều đó. Tôi đã quá quen với việc này rồi. Tôi đã quen với việc không nhận được những đối xử ngọt ngào và công bằng mà một người phụ nữ đang yêu lẽ ra có được. Tôi chịu đựng được hết. Tôi chỉ không chịu được ý nghĩ việc mình ngóng đợi Kishida cũng giống hệt như việc “người đàn bà đó” đã ngóng đợi bố mình. “Người đàn bà đó” đã yêu bố tôi đến điên dại. “Người đàn bà đó” đã làm náo loạn cuộc sống của gia đình tôi. Tôi thật sự lo sợ rằng nếu mình quá yêu một người, mình cũng sẽ có những hành động ngốc nghếch như bà. Ý nghĩ đó thật sự khiến tôi hoảng sợ.
“Ngủ ngon nhé!”, tôi chào lớn từ phòng thay quần áo. “Ngủ ngon!” - Nhiều tiếng trả lời đáp lại từ các góc khác nhau của quán rượu. Có lẽ Kishida đã trả tiền và đang đợi tôi bên ngoài. Vừa muốn nhưng lại vừa sợ gặp anh nên tôi ra ngoài qua lối cửa sau. Bất thình lình có ai đó gọi “Rika”. Đó là Chigusa. Cô tươi cười: “Đi uống bia nữa chứ?”
“Để?...”, tôi vừa định hỏi thì thấy bóng Kishida nhấp nhổm đợi. “Được rồi, đi thôi.” Tôi mở khóa xe đạp rồi cuống quýt giục Chigusa. “Đi thôi. Đi thôi.”
“Xin lỗi anh. Tối nay em bận đi uống nước với bạn rồi,” tôi bảo với Kishida rồi gật đầu chào anh. Chigusa vừa đi vừa ngoái lại nhìn Kishida, một tay chị vẫn để trên tay lái. Tôi ngăn mình nhìn lại phía sau.
Khi cả hai vừa ra khỏi con hẻm, Chigusa quay nhìn lại Kishida lần cuối rồi nói:
- Rika, người đó là bạn trai em à? Anh ấy có vẻ giận lắm.
Tôi nghe giọng mình gắt lên:
- Chị đừng gọi tôi vậy nữa có được không?
- Chị xin lỗi. Vậy em muốn chị gọi là gì?
- Gì cũng được. Gọi là Akiyama đi.
- Em đang có chuyện không vui hả? Hay em muốn đi với anh ấy? Chị không phiền đâu.
Chigusa lại ngoái đầu ra sau, trông chị có vẻ lo lắng vì nghĩ mình đã làm phiền. Tôi nhìn chị cười:
- Không cần lo đâu. Anh ấy không phải là bạn trai em. Mình mau tìm một quán rượu nào đi. Có thể anh ấy sẽ đuổi theo em.
- Ồ, vậy anh ấy là cái đuôi à? Có lẽ chị nên đưa em về nhà cho an toàn, Rika... à, Akiyama.
Tôi nhìn chị dò xét rồi trả lời:
- Được thôi, sao lại không?
Tôi chỉ định rủ Chigusa đi cùng đến gần căn hộ chứ không cho vào nhà, uống say rồi thế nào cũng ở lại cả đêm cho mà xem. Nhưng giờ thì chị đang ở đây, nằm ườn trên chiếc futon của tôi và ngủ say như chết. Tôi không thể chợp mắt nên ngồi dưới chân chị, vặn nhỏ tivi xem.
Không hiểu vì lý do gì tôi lại không thể từ chối Chigusa. Liệu có phải vì chị không hề né tránh tôi như những người khác dù tôi rất hay lạnh lùng, hay là vì chúng tôi đã từng sống cùng nhau như chị đã kể?
Có vẻ Chigusa rất nghiêm túc về ý định muốn viết một cuốn sách khác. Lần này chị không cần nhờ công ty biên tập tư nữa, đã có một nhà xuất bản lớn làm điều đó. Nhà xuất bản gần như chấp nhận mọi đề nghị của Chigusa, họ giúp chị tìm địa chỉ của tôi, thậm chí tên ngôi trường tôi đang theo học. Chigusa đã lảng vảng quanh cổng trường suốt kì nghỉ hè, bắt chuyện với những sinh viên đăng ký ở lại ký túc xá để tham gia các hoạt động hè của câu lạc bộ cho tới khi chị tìm thấy tôi ở quán rượu tại Kagurazaka.
Thẳng thắn mà nói, tôi thấy xấu hổ với chính mình. Chigusa chẳng khác gì những phóng viên đã săn đuổi gia đình tôi suốt nhiều năm qua. Chị cũng là một con ruồi như bọn họ thôi. Dù thế tôi đã không đuổi chị đi, có thể vì những lời chị nói hôm trước vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.
Tại sao? Tại sao là tôi?
Túi xách của Chigusa nằm trên sàn, miệng túi mở toác, vài thứ trong đó rơi ra ngoài: sổ tay, hộp bút, điện thoại và vài tập tài liệu dày cộm. Tôi liếc Chigusa, đoán chắc chị vẫn ngủ rồi với tay tới chiếc túi. Nhặt lên tập tài liệu dày nhất, tôi thận trọng mở nó ra. Đúng như tôi nghĩ, đó là một xấp bài viết và tin tức về sự kiện bắt cóc. Những bài báo dài dằng dặc đó không làm tôi thấy ngạc nhiên mà chỉ gây cảm giác khó chịu. Tôi thậm chí không muốn nhìn bức ảnh mờ của “người đàn bà đó”. Tôi cũng không cho phép mình đọc những dòng chữ để cố tìm hiểu chúng.
Mỗi lần thử nhớ về bà ấy, tất cả những gì hiện lên trong tôi là khuôn mặt mờ nhạt của bức hình đăng trên tất cả các trang báo và tạp chí. Tôi đã quên mất khuôn mặt thật sự của bà. Giọng nói của bà.
Dáng hình của bà. Tôi cũng không thể nhớ nổi khuôn mặt của chính mình. Tôi không thật sự nhớ mình trông như thế nào. Tất nhiên, khi soi gương, tôi có thể thấy một phụ nữ với khuôn mặt trái xoan, đôi mắt sâu, cặp môi mỏng và mái tóc ngắn. Nhưng khi quay đi, tôi lại quên mất. Hay đúng hơn là tôi không thể tin khuôn mặt vừa nhìn thấy trong gương đó lại đang chễm chệ trên cổ mình. Khi tôi cố nhớ ra nó, một khoảng trống đen ngòm xuất hiện trước mắt tôi: một gương mặt trắng toát và nhẵn nhụi. Đó là tất cả những gì tôi hình dung được.
Có thể nào... Nếu tôi kể với Chigusa tất cả những gì mình nhớ được thì dù chúng thật mơ hồ và rời rạc, tôi cũng sẽ thấy được khuôn mặt thật sự của mình? Tôi sẽ nhớ lại toàn bộ quá khứ chứ không phải những gì đọc được trên báo? Tôi sẽ nhớ lại khuôn mặt bà ở ngoài đời thực, chứ không phải là bức ảnh cũ kĩ được chèn vào trang báo?
Tôi tắt đèn, nằm xuống một chỗ trống. Trong ánh sáng nhấp nháy và đổi màu liên tục từ chiếc tivi, tôi dán mắt vào những dòng chữ trong tập tài liệu. Tôi vẫn không muốn đọc nhưng tôi ép mình phải đọc.