Đảo chìm - Lời nói đầu

LỜI NÓI ĐẦU

Bạn đọc đã từng biết một thần đồng thơ: Trần Đăng Khoa – mà tên tuổi và sáng tác của anh đã được nhiều người yêu thích từ khi anh tám tuổi (1966).

Năm 2001 anh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt I cho ba tập thơ: Góc sân và khoảng trời, Bên cửa sổ máy bay, Tuyển thơ Trần Đăng Khoa (1966 - 2000).

Tuy thế, đông đảo bạn đọc không chỉ yêu thích thơ của Trần Đăng Khoa mà còn nồng nhiệt đón đọc hàng loạt tập văn xuôi, đặc biệt là tản văn, bút kí, tiểu luận của anh. Nhiều tập văn xuôi của anh đã gây tiếng vang trong dư luận bạn đọc và được in lại nhiều lần.

Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và được sự đồng ý của tác giả, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin sẽ in lại và giới thiệu với bạn đọc các tác phẩm mới của anh bao gồm nhiều thể loại. Cuốn “Đảo Chìm” (đã được Điện ảnh Quân đội dựng phim) được in lại lần này là một tác phẩm nằm trong kế hoạch xuất bản đó.

Nhà xuất bản

Văn hóa Thông tin

MẠN ĐÀM QUANH ĐẢO CHÌM

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

Đảo chìm là cuốn văn xuôi thứ hai của tôi, sau Chân dung và đối thoại. Thực tình, đây chỉ là cuốn truyện người thật việc thật. Hay nói cách khác, là truyện của một anh nhà báo, thấy gì thì ghi thế. Truyện đã có sẵn ở trong đời sống. Nhân vật đều là người thật. Nhiều người hiện vẫn đang còn sống. Khi đời sống tự nó đã là một vẻ đẹp rồi thì người viết không cần phải thêm thắt, hư cấu. Tôi chỉ có một cố gắng nhỏ, là vun vén lại cho gọn, kể sao cho thật hấp dẫn. Bởi thế, tôi cố gắng viết cho thật đa dạng và sinh động. Mỗi truyện một kiểu. Không cái nào giống cái nào, để bạn đọc có thể vừa cười vừa khóc, đọc một mạch hết hơn hai trăm trang sách.

Đó là ý đồ của tôi. Còn tôi có làm được điều ấy hay không, lại là chuyện khác. Phần một của cuốn sách, tôi dành kể về một hòn đảo kì lạ, nằm trong dải Trường Sa. Hòn đảo này luôn ám ảnh tôi. Tôi đã viết hàng chục bài thơ về nó mà cảm giác vẫn chưa nói được gì cả: Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài, Ghi ở Đảo chìm, Lính Đảo chìm, Đoạn văn xuôi chép ở Đảo chìm, Hát về một hòn đảo, v.v. và v.v... Năm 1978, tôi cũng đã viết một cuốn tiểu thuyết dài, dày hơn 300 trang về nó. Nhưng rồi tôi lại ném cuốn sách vào đống giấy lộn. Vì đọc cứ thấy giả. Truyện thật mà hóa giả. Không thể chấp nhận được.

Nhưng mà khốn khổ. Cái hòn đảo quái quỷ ấy vẫn không chịu buông tha tôi. Tôi lại viết lại. Lần này tôi co cái truyện chỉ còn chừng 80 trang, lại tách tiếp ra thành 15 truyện. Mỗi truyện một tình huống. Có truyện chỉ ba, bốn trăm âm tiết. Truyện dài nhất cũng chỉ bốn, năm trang. Tách ra, nó thành truyện độc lập, gộp lại trong một chuỗi thì nó là cuốn tiểu thuyết 15 chương. Mỗi chương là một truyện. Mỗi truyện đều liên quan đến nhau.

Tôi rất mừng là cuốn sách cũng được bạn đọc ưu ái để mắt đến. Chỉ sau hơn hai tháng ra đời, cuốn sách đã được nối bản. Trong lần in thứ hai ở Nhà xuất bản Thanh niên, tôi có chỉnh một số chữ và chi tiết theo sự góp ý của bạn đọc mà tôi thấy đúng. Tôi cũng bổ sung thêm vài truyện cực ngắn và in thêm ảnh tư liệu, ảnh các nhân vật trong truyện, cả ảnh hạ sĩ Trần Văn Hai, một anh chàng quanh năm cởi truồng, lính gọi là thi sĩ Hai ùm. Trong ảnh là chàng Hai ùm tập bơi cho cô nàng An Ta Ra Mê Na, là tên một con lợn được lính ta tây hóa. Bức ảnh rất hiếm hoi này đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Đức Do chớp được, khi anh có dịp ghé qua xứ đảo chìm...

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường:

Đây là tập sách hay, được viết trong một thời gian khá dài. Qua tập sách này càng chứng tỏ thêm về khả năng văn xuôi của Trần Đăng Khoa, mà năm ngoái, “Chân dung và đối thoại” đã nói lên điều đó. Hóm và sắc sảo - có thể nói ngắn gọn về văn xuôi của Trần Đăng Khoa như vậy.

Đảo chìm chia làm hai phần. Phần hai là những chuyện trên cạn thì “Thời sự làng tôi” viết từ năm 1986 vẫn là truyện hay nhất của phần này, bởi sự thông thuộc người và cảnh và cả tình cảm của người viết, rồi đến “Lão Chộp”, “Bóng đá”. Phần một là những chuyện dưới nước với nhiều bài nhỏ ghép lại được viết trong nhiều năm. Với phần này, Trần Đăng Khoa đã trả được món nợ tinh thần với đồng chí, đồng đội trong những năm anh ở Hải quân, ở đảo với các chiến sĩ. Mỗi bài của phần này đều có thể đứng riêng biệt một cách độc lập. Cách sắp xếp, bố cục ở phần này rất có ý thức. Điều này người đọc cũng nên suy ngẫm...

Nhà văn Lê Lựu:

Tất cả những truyện viết trong Đảo chìm, Khoa đã kể cho tôi nghe không dưới 10 lần (!), nhưng đến khi đọc văn vẫn thấy có cái gì như mình mới khám phá, như mới bắt gặp, như mới đột nhiên ngỡ ngàng và cứ như thần. Mà chuyện thì rõ ràng là đã nghe kể đến thuộc làu rồi.

Theo tôi, phần Đảo chìm là phần thần bút, vì những chuyện thông thường, ai ra đảo cũng thấy thế hoặc không thấy thế mà tự nhiên có và vẫn thấy như là có thật. Ví dụ như chuyện ông tướng ngồi gác, mổ ruột thừa bằng panh sa lam có thể là Khoa bịa, nhưng vẫn chấp nhận được. Ý tưởng của tác phẩm đã vượt ra ngoài những chuyện cụ thể, tưởng như rất vụn vặt. Chính vì thế, nó có sức hấp dẫn đối với bạn đọc.

Phần Thời sự và kí ức viết hóm, có chuyện. Những chuyện như ông chủ tịch xã bỏ con dấu vào túi và đi thả diều đọc bật cười. Đây là phần thể hiện cái Tài của Trần Đăng Khoa. Tuy nhiên theo tôi, một số truyện trộn vào cho dày sách làm giảm sức thu hút. Tôi đề nghị Khoa chỉ nên lấy chuyện Từ làng ra đảo. Nhưng dù khe khắt thế nào, tôi vẫn phải đánh giá đây là những trang văn tuyệt vời...

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến:

“Chuyện nhặt ở Đảo Chìm” (theo cách nói của Trần Đăng Khoa) là những chuyện mà người khác đã làm, đã viết nhưng trong “Đảo Chìm” nó vẫn hấp dẫn bởi chính phong cách của Trần Đăng Khoa. Cách thể hiện tếu táo của một người hiểu biết, có Tài, có Tâm đã lôi cuốn độc giả. Những chuyện ngỡ như vụn vặt, vô bổ, tầm phào, nhưng thực ra đều có chủ đích của tác giả, và bằng cảm xúc thực sự của một người lính, một người có tài văn chương đã biến “chuyện tầm phào” ấy thành những trang viết sinh động, hấp dẫn, không dứt ra được.

“Thời sự và kí ức” nối được phong cách của “Chân dung và đối thoại”. Viết hoạt, láu lỉnh và không kém phần sâu sắc, có sức công phá lớn. Qua những câu chuyện đời thường có thể bóc tách ra được một làng quê với đầy đủ các vấn đề của ngày hôm qua và cả ngày hôm nay bằng một thái độ chân thành. Đặc biệt “Kí ức tháng Tư” là một bài kí điển hình với lối viết giàu hình ảnh, có thể thành kịch bản phim hoàn chỉnh. Chỉ tiếc tác phẩm ấy chưa lọt vào “cặp mắt xanh” của những người làm phim tài liệu. Không cần phải bom đạn mù trời, chính những số phận của các thế hệ tham gia chiến tranh, sự trưởng thành của người con trai sinh vào ngày mất cha... tất cả đã thể hiện được những vấn đề lớn của chiến tranh và hoàn toàn mới mẻ. Nếu thực hiện thành công việc chuyển thể phim, nó sẽ thành tác phẩm tâm đắc của bất kì đạo diễn nào và nó cũng sẽ thành bộ phim tài liệu hay hơn bất kì bộ phim tài liệu nào từ trước đến nay về ngày 30 tháng Tư.

Viết về bóng đá, Khoa lại tỏ ra sành điệu và đáng yêu hơn tất cả những nhà bình luận bóng đá tài năng.

Còn khi viết về lính, anh đã chứng tỏ mình là một người lính thực sự. Anh khai thác đời sống những người lính đảo một cách tài tình, giúp người đọc hiểu được những nỗi khó khăn vất vả nơi đây, đồng thời biết yêu thương, kính trọng họ một cách tự nhiên, chân thành.

Tôi đã đọc “Đảo chìm” liền một mạch và không nhận thấy bất kì khiếm khuyết nào trong tập sách này. Nếu tôi tỉnh táo hơn một chút, bớt Yêu, bớt Phục, bớt Tin Khoa đi một chút chắc sẽ nhận ra khiếm khuyết trong văn của anh.

Lâu nay, chúng ta cứ nghĩ kí và phê bình là thể loại khô khan, nhưng với cách viết của Trần Đăng khoa (có thể anh chưa phải là nhà phê bình, mà chỉ là một nhà thơ, một người làm văn chương) ta có thể thấy không có thể loại nào là khô, là khó, mà điều khó nhất là viết như thế nào.

Nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình:

Trần Đăng Khoa là một trong số rất ít những nhà văn có quan hệ gắn bó mật thiết với Trường Sa. Trước, anh tham gia Hải quân với vai trò của chú lính binh nhì. Sau này, khi hoàn thành khóa học đào tạo cơ bản ở Nga, anh tiếp tục quay lại với Trường Sa. Vì vậy, Khoa có lợi thế hiểu Trường Sa rất rõ. Nhưng điều đáng nói là Khoa biết tìm cho mình một cách khai thác riêng, khác hẳn với các bài thông tấn, phóng sự thường thấy trên các báo phản ánh đời sống khó khăn vất vả của người lính đảo. Anh đã chọn cách tiếp cận với đời thực, với những tâm sự riêng tư trong sâu thẳm tâm hồn người lính Trường Sa, không cần phải súng đạn ì ùng... nhưng thật thuyết phục và hấp dẫn. Lối viết hoạt, tươi trẻ là một trong những nguyên nhân giúp Khoa thành công.

Có thể nói, Khoa có cái nhìn khác người, và đặc biệt là rất sâu sắc. Chính vì thế phần lớn các truyện trong “Đảo chìm” viết từ trước đây rất lâu (thậm chí 15-20 năm) nhưng đến nay vẫn mang được tính thời sự của nó. Cho rằng Khoa may mắn hơn người khác bởi được sinh ra ở một làng quê “hay” như thế, được gặp lão Chộp thú vị như thế... cũng không sai. Nhưng nếu không có tài năng văn chương thì tất cả tư liệu quý giá ấy cũng không thể thành “thời sự” được và không thể cuốn hút được người đọc đến như thế...

Phong Điệp thực hiện

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3