Đảo chìm - Phần I - Chương 14 - 15
14 – BÃO BIỂN
Buổi chiều, không hiểu sao, bầy chim biển chui cả vào lều bạt. Chúng rúc vào chăn, chen lấn với lính. Căn lều bạt trở nên chật chội, ướt át và hôi mù như ổ chó đẻ. Trên tầng giường, Hai ùm nằm ngáy như sấm. Có lẽ mấy hôm liền căng thẳng vì chuyện con lợn, cu cậu mệt rã rượi. Tôi cũng thấy buồn ngủ. Hai mắt nặng trĩu, cứ luôn chực nhíp lại.
Tiếng động lịch kịch dưới chân sàn làm tôi thức giấc. Hình như có ai gõ gõ mái chèo vào cột lều. Tôi nhìn qua mặt sàn. Hóa ra là chính trị viên Thuận. Anh vừa đánh xuồng vào.
– Này, ra tàu ngay! Ra tàu ngay đi!
– Có chuyện gì thế, bố Thuận?
– Không thấy gì cả à? Nhìn kia kìa!
Nói rồi, Thuận chỉ mống ra biển. Mặt biển lặng tờ như cái ao làng. Phía chân trời ậc lên một tầng mây đỏ sọc như màu máu chó. Biển tanh ngặt. Chết cha. Bão rồi! Thảo nào mà lũ chim biển chui hết vào lều, rúc cả vào chăn lính để ẩn nấp. Vậy mà sao mình lại không để ý nhỉ?
Cánh lính vận chuyển vũ khí, đồ đạc ra tàu. Căn lều vẫn tồng tềnh, trống hoác, nhưng đến khi di chuyển mới hay lính ta cũng giàu có lắm, chứ chẳng phải ít của. Ngổn ngang trăm thứ bà giằn, cứ lỉnh cà lỉnh kỉnh. Nhặt cái này lại thấy tiếc cái kia. Không rõ đến chuyến xuồng thứ mấy thì biển đã cuồn lên những đợt sóng lớn. Mái chèo nặng trịch, bì ra. Dường như cái xuồng không còn tuân theo mái chèo của lính nữa. Khi mũi xuồng vừa chạm thành tàu, Hai ùm chợt bàng hoàng kêu lên:
– Thôi chết tôi rồi! Chết rồi!
– Có chuyện gì thế?
– Còn ba-lô và đồ đạc của thằng Thiêm!
Ừ, phải rồi! Đúng là còn “tài sản” của Thiêm. Vậy mà tại sao cả mấy thằng đều không để ý. Mà cũng phải thôi. Cái bát sắt, đôi đũa và chiếc ba lô lại treo mãi trên nóc bạt. Trong lúc cuống cuồng vội vã, ai còn để ý đến cái nóc bạt làm gì. Tôi bảo Hai:
– Không sao đâu, Hai ạ. Mình thấy mọi thứ chằng buộc cẩn thận lắm!
– Đâu có. Em ngoắc cái ba-lô lên con sỏ sắt cọc lều chứ nào có buộc chằng gì. Thằng Thiêm chỉ có mỗi chút đó thôi. Nếu mất, biết nói gì với mẹ nó, cực thế. Vả lại, còn một tí tư trang ấy, cũng có thể cho vào cái tiểu sành, đắp cho nó ngôi mộ. Vẫn còn chút gì của nó để có thể thắp cho nó một nén hương - Hai nói như van vỉ. – Anh lên tàu đi. Em quay lại...
– Không được đâu. Không kịp nữa rồi!
– Thôi, đừng lằng nhằng nữa! Anh lên tàu đi!
– Hay để mình cùng quay lại...
– Không được! – Hai quắc mắt lên, mặt tím ngắt. – Đã bảo đừng có lằng nhằng nữa. Có ông anh chỉ nặng gánh thêm chứ béo bở gì. Lên tàu!
Hai nói như ra lệnh, rồi ghì xuồng cao-su. Con tàu chao lắc. Chiếc xuồng lại càng chao lắc dữ dội. Nhễ nhại lắm, tôi mới bám được chiếc thang dây, leo lên tàu.
– Hai, lên tàu đi! – Tôi nói như khóc.
– Không được! Không thể được! Nhanh thôi mà. Em sẽ quay lại ngay. Không sao đâu!
Nói rồi, Hai chém nước lao đi. Biển đã cuồn lên những đợt sóng lừng lững như những tấm lưng trâu. Chiếc xuồng cao-su của Hai mất hút trong sóng. Con tàu bắt đầu òng ọc nhổ neo. Tôi gào lên:
– Còn thằng Hai. Anh Thuận ơi, còn thằng Hai nữa!
– Còn người! Còn một người nữa!
Tiếng lính nhao nhao. Gương mặt Thuận bỗng trắng bệch như bụng cá chết. Anh khoát tay ra hiệu cho thuyền trưởng dừng lại. Nhưng con tàu không thể dừng được, vẫn phải nhổ neo, bởi chỉ chậm chút nữa, con tàu sẽ rứt đứt neo và nó có thể sẽ bị sóng ném vào ghềnh đá san hô như một viên sỏi. Biển tối mù mịt. Bây giờ thì không chỉ chiếc xuồng của Hai mà cả cái lều bạt cũng không còn thấy đâu nữa. Con tàu quần lượn quanh đảo để tìm Hai. Nhưng rồi vô vọng và bất lực. Với sức sóng này, làm sao Hai có thể đánh xuồng đi được. Ngay cả con tàu mấy ngàn tấn này cũng chỉ như một chiếc lá tre mỏng mảnh. Loanh quanh một hồi, rồi con tàu cũng đành phải gối sóng để tránh bão. Tránh ngay trên biển bão. Thuận trực tiếp cầm lái bên cạnh thuyền trưởng Hoà. Anh vừa lái, vừa ồ ồ khóc như một đứa trẻ. Kinh nghiệm bao nhiêu năm đi biển cho anh biết số phận bi thảm của Hai ùm sẽ kết cục ra sao? Anh vừa tránh sóng, vừa cố lượn qua những vùng biển mà anh đoán cái xuồng của Hai có thể trôi dạt tới. Từng đợt sóng bạc đầu đổ tràn qua mặt boong. Có trận sóng phủ lên cả nóc đài chỉ huy. Chân vịt khua reng rẻng trong không khí. Mặt biển tối sầm. Gió đánh thốc từng đám mây trắng đục xuống mặt nước đen sịt. Tôi lăn lông lốc trên sàn tàu. Đám lính trẻ cũng nhào lộn trong những bãi nôn tanh lợm. Rồi rầm một tiếng dữ dội. Tôi thấy mình bay vút như một viên đạn, đầu lao choác vào thành tàu tê dại. Nước biển mặn chát trùm lên người tôi. Vỡ tàu rồi! Trong đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ kinh hoàng như vậy. Thế là hết. Hết tất thảy. Tôi thấy mình mụ đi. Trong khoảnh khắc âm âm u u, tôi còn kịp nhận ra mình cùng với con tàu lao hun hút xuống đáy biển tối thẳm, trơn lầy và lạnh ngắt...
15 – BIỂN MẶN
– Ồ, anh ấy đã tỉnh rồi kìa!
– Tỉnh rồi! May quá! Chút nữa lại mang tiếng đảo chìm giết chết một thi sĩ tài năng đang hứa hẹn! – Tư Xồm cười dủm dỉm. – Huy này, mày xem vết thương anh ấy có nguy hiểm không?
– Không sao. Bố ấy chỉ bị choáng khi va đập mạnh. Còn xa ruột lắm!
– Bây giờ thì ông anh có muốn chết cũng đếch chết được. – Tư Xồm lại cười. – Này, mà giá như ông anh ngỏm béng luôn ở đảo chìm này có khi lại hay đấy nhé. Biết đâu có người lại thấy tiếc ông anh, lại nói ông anh là một tài năng đang phát triển rực rỡ. Còn ông anh sống ý à... em nói thật, đại ca đừng tự ái nhé, ông anh cũng nhem nhuốc lắm, hoàn cảnh lắm, chẳng hơn đếch gì lính nhọ đít chúng em...
Tôi chống tay vào sàn tàu, ngồi dậy. Đầu óc cứ ong ong, váng vất. Bụng vẫn cồn cào, thoáng đặc, thoáng rỗng. May mà con tàu không bị vỡ. Có lẽ chiều qua nó lao vào một vách sóng nào đó chăng.
– Hai đâu? – Tôi hỏi.
– Tàu đang đi tìm nó mà! Đang về đảo chìm đấy.
– Thế hôm qua đi những đâu?
– Xa. Tàu tránh bão thì cứ phải gối sóng, chạy ngoắt ngoéo chữ chi. Chạy xa lắm, cách đảo hàng trăm dặm biển.
– Hai ơi! – Tôi thoáng kêu lên.
– Không sao đâu, anh Khoa ạ! Có lẽ nó về lều bạt rồi. Bố Thuận bảo, nếu nó tới được lều, cột chặt mình vào cọc lều thì may ra có thể thoát!
– Nhưng đã chắc gì nó vào được lều bạt?
– Thì chính anh bảo chiều qua nó đánh xuồng vào lều bạt mà...
– Không! Nó trở lại lều để cứu đồ đạc của thằng Thiêm. Ừ, mà tại sao chiều qua mình lại không kiên quyết giữ nó lại...
– Không sao đâu anh Khoa ạ. Thằng này như quỷ biển. Nó bơi bợm lắm. Giả sử chiều qua, cu cậu không vào được lều, thì cứ ôm chặt cái xuồng cao-su, quấn người vào dây xuồng là cũng không thể chết được. Chúng ta sẽ tìm thấy nó...
Tôi gượng leo lên boong. Mặt biển bạc phếch. Những đám mây bị chẻ tướp đuôi ngựa, bay vun vút như khói. Áp thấp nhiệt đới nảy sinh từ quần đảo bão tố này thường xảy ra bất ngờ và kết thúc cũng rất nhanh. Khi vào đến đất liền, có thể nó quẫy lên thành những trận bão lớn. Còn ở đây, biển đang dần trở lại cái dáng vẻ âm u bí hiểm muôn đời của nó. Con tàu vẫn đang xé sóng lao về phía đảo chìm. Ở chân trời xa, đã thấy thấp thoáng những bóng chim biển bay nháo nhác.
Mãi đến sâm sẩm tối, con tàu mới buông được neo. Chính trị viên Thuận và tôi cùng với Tư Xồm đánh xuồng dìu nhau vào lều bạt. Nhễ nhại lắm, chúng tôi mới vượt qua được mép san hô. Vùng đảo hoang lạnh một màu khai thiên lập địa. Chiếc lều bị gió cuốn mất tấm bạt, tua tủa giương lên nền trời xám đục những rảnh xương sắt cong queo, nom rờn rợn như một con cá voi khổng lồ đã bị rỉa hết thịt.
– Có người! Thằng Hai! Đúng là thằng Hai kia rồi! Anh nhìn rõ không?
Tư Xồm reo to, hồ hởi như người bắt được của. Chúng tôi thấy nhẹ bẫng người, nhìn theo ngón tay Tư. Trong ráng chiều nhập nhoạng, một bóng đen trùi trũi đang lom khom ngồi trước cửa lều. Hình như cu cậu đang ỉa. Mà ỉa bậy. Đấy có phải chỗ ỉa đâu. Phải cho thằng cha này một chưởng mới được. Đây là chỗ anh em vẫn thường tắm táp, vẫn thường rửa bát đũa xoong chảo. Hừ, cái thằng! Tư quát lên:
– Này, sao lại bĩnh ở đó, hả!
Bóng đen thoáng rùng mình quay lại. Tôi bỗng sởn tóc gáy. Có tiếng đập đánh rào một cái. Rồi bóng đen bay chéo qua đầu chúng tôi, thả xuống đảo chìm một tiếng kêu khàn đặc, khê rợn:
– Gòa... gòa...
Thì ra đó chỉ là một con ó biển. Tôi lập bập bám thang dây, leo lên lều. Căn lều trống hoác, ướt nhoẹt. Đũa bát của Thiêm đã bị gió ném đi. Nhưng chiếc ba-lô lép kẹp sũng nước thì vẫn lủng lẳng chao lắc trên cái kèo sắt cột lều. Như thế có nghĩa là Hai không vào được lều bạt.
– Hai ơi!
Tư Xồm bỗng nấc lên. Thế là lại thêm một người lính nữa chết ở đảo chìm. Người đó tại sao không phải tôi, mà lại là Hai, con cá kình của đảo? Cầu mong trước khi nước khép mặt, Hai được nhìn thấy cánh chim hải âu. Tôi bỗng thấy chóng mặt. Chính trị viên Thuận vội chạy tới đỡ vai tôi. Tôi níu tay Tư. Còn Tư thì ôm lấy cột lều. Sóng vẫn hắt qua mấy khung giường sắt, phủ lên đầu chúng tôi từng đợt nước mặn chát. Lần đầu tiên, tôi mới hiểu vì sao nước biển lại mặn đến thế. Và có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở đảo chìm. Mặn như máu...
Trường Sa, tháng 7 năm 1980