Đảo chìm - Phần II - Chương 01 - Phần 2
II
Tàn chén rượu thì đêm đã khuya lắm. Vành trăng non mỏng tang như cánh diều, mà một làng quê xa lắc nào đó vừa mới thả lên. Và cũng như cánh diều, nó nhô lên như một sự hiện diện, chứ không làm nhiệm vụ tỏa sáng, dù đó là thứ ánh sáng mơ hồ, phảng phất như sương khói. Vòm trời âm âm, tĩnh lặng. Lúc bấy giờ, tôi mới lần sang nhà Đao. Nhà anh vẫn ồn ào. ánh đèn măng-xông xanh lét hắt ra sáng rực cả một khu vườn chuối tiêu. Ai qua đường sẽ tưởng đám giỗ chạp. Đêm nào nhà Đao cũng như có đám. Người ta kéo đến sân nhà anh để thưởng thức diều. Nghe sáo diều hay nhất chỉ vào lúc thật khuya. Khi ấy, sương đã xuống. Miệng sáo ẩm đều. Tiếng kêu đủ mềm đến độ chuẩn nhất. Vả lại, cũng chỉ đến lúc ấy, trời đất mới thực sự tĩnh lặng. Làng không còn tiếng đập lúa, tiếng xay thóc, giã gạo, hay tiếng tát nước thì thùm. Tất cả đã im phắc. Chỉ còn tiếng sáo diều ngự trị trên không trung. Tiếng sáo réo rắt, lồng lộng tràn trề rót xuống một rẻo làng quê đen sẫm bóng tre, bóng chuối.
Đêm nay cũng thế. Đã khuya lắm rồi mà sân nhà Đao vẫn lố nhố những người. Hầu hết là đàn ông. Họ ngồi la liệt trên tràng kỉ và mấy cái giường đã khiêng hết ra sân, cả cái chiếu thủng giữa vẫn dùng ngồi ăn cơm giờ rải thêm ra mái hiên nữa. Câu chuyện xem ra đang ở giai đoạn sôi nổi. Ông Chát nhô hẳn nửa người qua cái án thư để lổng chổng mấy cái bát vàng ố những cáu vối. Ngón tay ông mổ mổ vào khoảng không trước mặt. Giọng ông oang oang như đang cãi nhau. Ông đang khen cái diều của Đao. Cứ theo lời ông thì cái diều ấy là nhất làng rồi. Trông lúc đâm mới sướng mắt chứ. Nó lên thẳng đừ đừ. Ăn hết dây là cứ đứng im phắc. Cấm có chao đảo. Cả đời ông, ông chưa từng thấy cái diều nào như thế.
Lòng ngưỡng mộ của ông Chát dần lây sang đám người xung quanh. Họ quay lại hỏi Đao kinh nghiệm làm diều. Chọn loại tre nào thì đắc địa? Gióng tre cần phải dài bao nhiêu? Rồi cả cách vót khung, cách giã cậy hòa với nước cơm đặc, để phết diều. Phết bao nhiêu lần thì những tờ giấy báo dán diều sẽ se lại, đỏ óng như nhuộm vỏ xó và dai cứng như giấy bao xi-măng. Đến lúc ấy thì cái diều mới thực sự ra ràng, mới đủ sức đánh đu với các loại gió, kể cả những thằng gió quẩn, hay trái tính, trái nết.
Đao tỏ ra là một tay bợm diều. Trong lúc tiếp chuyện, thỉnh thoảng anh lại ngẩng lên bầu trời uôm oam tiếng sáo. Không nhìn thấy gì cả. Sợi dây gai buộc diều căng chéo sân, xanh óng trong ánh đèn măng-xông như một sợi dây thép, rồi lặn hút vào vòm trời âm âm sương khói. Chỉ có lão Cối là từ bấy đến giờ vẫn ngồi im lặng. Trong khi người ta trầm trồ, lão chỉ lặng lẽ hút thuốc. Trông cung cách hút thuốc của lão, đủ biết lão ăn chơi vào loại hoang. Điếu thuốc to xù như ngón chân cái, chờm ra cả ngoài nõ điếu. Tiếng rít ré như còi. Rồi tót một cái, tàn thuốc đang cháy dở, nhảy vọt khỏi nõ, kéo theo cả một ít nước điếu. Có đôi ba lần, chẳng biết nghĩ ngợi gì mà lão đãng trí xì cả điếu thuốc chưa kịp hút ra ngoài. Đợi cho mọi người đã im hết, lão mới lên tiếng. Lão nói bỗm bãm trong khói thuốc. Dưới con mắt lão thì cái diều Đao chẳng ra quái gì. Người ta hể hả khen vì đấy là cái diều của ông chủ tịch. Giá như cái diều ấy có biết đánh rắm thì cái rắm của nó cũng vang như tiếng kèn đồng. Rõ là một lũ nịnh thối. Thử vứt cái chức ấy đi xem. Nào cái diều có ra thể thống gì? Trông cũng có chút đẹp mã nhưng lên không cất. Cái dây võng vòng vòng. Như thế có khác chó gì cái diều cánh cốc của đám trẻ ranh còn để quần thủng đít. Còn nước bay thì hỏng đứt. Chẳng chao lượn gì cả. Mà cái diều nó đẹp lại là đẹp ở đường lượn. Cũng như kén vợ cho con là người ta kén cái nước đi. Đàn bà con gái mà đi cứ ngay thòng thõng như cây cau là tướng sát chồng. Có cho ăn cỗ yến cũng chẳng ma nào dám rước.
Đấy, cứ thủng thẳng như thế, mà lão chém cái diều của Đao. Chém nhát nào ra nhát ấy. Đao tỏ vẻ khó chịu. Khó chịu không phải vì bị lão chê vỗ mặt. Việc khen chê cái diều thì có nghĩa lí gì? Điều Đao bực là bực cái thái độ bới bèo ra bọ của lão. Lão chi li quá, riết róng quá. Nhưng đến tiếng sáo của cái diều Đao thì không ai có thể chê được. Lão Cối cũng phải chịu. Cái sáo đến lạ. Kêu tuần tự từng tầng một. Hết tầng thứ nhất mới chuyển sang tầng thứ hai. Có khi hai tầng xen kẽ nhau, đối đáp nhau. Cứ như các cụ ta ngày xưa hát đúm. Rồi thì tắt lặng. Tắt đến mấy giây. Cứ tưởng diều bụp hay đứt lèo rồi. Ai ngờ òa một cái, cả ba tầng sáo đều đột ngột rộ lên cùng một lúc. ối giời! Cao cường thật! Đúng là một dàn nhạc trời đang hòa tấu. Đến thế thì các cụ chịu rồi!
So với bộ sáo ấy của Đao, thì các bộ sáo khác chỉ đáng vứt vào bếp. Nghe cứ ó é như tiếng mèo hen. Bộ sáo của lão Cối còn mắc bệnh hóc gió, thỉnh thoảng lại òng ọc một chập như có ai súc miệng giữa lưng chừng trời. Đêm khuya nghe đến rợn cả gáy. Thế là cái diều của Đao, dù có bị lời ong tiếng ve, cũng vẫn cứ nhất làng. Ấy là người ta bình phẩm thế. Cũng chẳng có ai đứng ra tuyên bố nhất bét. Và trong cái trò tranh đấu này, người thắng, kẻ thua cũng thế thôi. Cuối cùng ù xọe như nhau cả. Thế thì có gì mà phải cay cú cơ chứ!
Suốt cả một ngày dài, bây giờ Đao mới thấy lòng mình thư thái đôi chút. Trông anh chủ tịch xã đi phởn phơ thả diều, ai bảo không an nhàn? Chỉ có ngủ trong chăn mới biết chăn có rận. Ở cái thời buổi này, chơi được với nông dân đâu phải chuyện dễ? Mình có biện pháp của mình thì họ cũng có cái mánh khóe của họ. Những thửa ruộng cao, hạn trắng, lại lổn nhổn mồ mả, xem ra có vẻ khó nhằn, họ trả hết hợp tác xã. Có dễ đến hơn chục mẫu chứ ít gì? Không lẽ để bỏ hoang. Trù trừ thì hỏng thời vụ. Đao bổ hết vào đầu các đảng viên trong làng. Khéo thế chứ! Anh mà chần chừ à? Thoái thác à? Vậy anh có còn là đảng viên nữa không? Chơi đến cái ngón này thì ai không hoảng? Thế là mười mẫu ruộng bay veo. Bản thân Đao cũng nhận đến hơn một mẫu, gần gấp đôi anh khác. Ngày nào Đao cũng ra đồng. Anh cuốc đất quần quật chẳng khác gì xã viên. Mọi công việc hành chính của xã, anh giải quyết vào bất cứ lúc nào rỗi, cả khi đêm đã khuya, trong tiếng sáo diều lồng lộng. Những lúc ấy, đầu óc Đao thật sảng khoái. Bao nhiêu nỗi mệt mỏi tan biến đâu cả. Chỉ còn lại là tiếng sáo diều râm ran...
Câu chuyện xem ra cũng đã nhạt. Nồi nước vối đặt trên cái bùi nhùi ở giữa sân đã phơi hết cả bã lên. Nhiều người lục tục quờ chân xuống gầm giường, gầm tràng kỉ tìm guốc dép. Bấy giờ Đao mới nhận ra tôi:
– Chú về được lâu không?
– Một tháng!
– Thế thì hay lắm. Rất đúng lúc. – Đao gần như reo lên. – Lần này chú phải giúp địa phương đấy nhé! Ngoắc tay chứ?
Tôi chẳng hiểu gì cả. Nhưng thấy Đao có vẻ sốt sắng, nên cũng chìa một ngón tay ra cho anh ngoắc. Đao sôi nổi:
– Đấy, chú thấy đấy. Đời sống dân mình khá lắm! Lên như diều được gió. Ngày xưa làm gì có sự thanh bình đầm ấm thế này. Chỉ mỗi trật tự trị an là còn một chút nan giải...
– Nan giải sao?
– Thì vẫn cái chuyện ăn cắp vặt như dạo chú còn ở nhà ấy mà.
Rồi Đao thông báo qua loa. Đại khái mớ rau, quả bí, buồng chuối, cứ mất liên tục. Gần như ngày nào, làng cũng có người chửi đứa bắt trộm gà. Bây giờ kẻ cắp lại còn hành nghề bằng công cụ hiện đại. Có khi nó xịt ê-te vào nhà cho mình xỉu đi, rồi cứ điềm nhiên khuân A-kai, xe máy. Có nhà còn bị nó vồ mất cả lợn. Mà vồ thôi đâu. Nó còn chọc tiết lợn ngay tại cửa chuồng, rồi để con dao bầu lại. Cắm con dao bầu vào vũng máu. Nó dọa đấy! Thế mới lộn ruột. Làng đã thành lập một đội dân phòng. Tối cắt nhau đi tuần. Có mấy đối tượng đang theo dõi. Chỉ mới nghi thôi. Chưa có đủ chứng cớ để bắt. Mới thế mà nó đã trả thù. Mà trả thù tai quái. Bao nhiêu hành, tỏi, dưa lê, khoai tây sắp thu hoạch được rồi, đêm nó nhổ lên tiệt. Không bắt được quả tang. Chịu! Chửi mãi thì rát họng. Mà chửi thì tai gần miệng đấy. Mình chửi mình nghe. Chuyện nan giải nhất ở địa phương bây giờ là thế. Còn những vấn đề khác, những vấn đề lớn, tưởng phức tạp, hóa ra lại đơn giản. Dân họ tự giải quyết được cả, chẳng cần đến mấy anh cán bộ xã. Không có máy thì họ tự cày. Không đủ trâu thì bố con thay nhau cuốc. Đấy, xã hội lạ lắm. Tự nó điều chỉnh được. Rồi đâu cũng vào đấy cả...
– Thế ở xã, hiện nay các anh đang làm gì?
– Bọn mình đang tổng kết chiến tranh.
Ở cái làng bé như mắt muỗi mà cũng tổng kết chiến tranh? Tôi tưởng Đao đùa. Nhưng Đao đâu có đùa. Anh nói nghiêm túc:
– Đấy, thế mới cần đến chú chứ!
– Nhưng tôi thì biết làm gì được?
– Thì chú chấp bút. Thế này này. – Đao giải thích cặn kẽ. – Chả là huyện cho phép địa phương viết sử. Sử địa phương. Chú hiểu chứ? Hôm vừa rồi, đảng ủy xã đã họp, thống nhất lấy tên: Một chặng đường chiến thắng vẻ vang. Chú thấy cái tên thế nào?
– Được! Cái tên có vẻ sử lắm!
Đao vui vẻ hẳn lên:
– Thế mà hôm nọ còn cãi nhau chán ra đấy. Mỗi bố một phách. Có bố còn đề nghị lấy tên Dưới nắng mai hồng. Tôi phải phân tích mãi mới thuyết phục nổi mấy cái đầu thủ cựu. Bây giờ thì xuôi rồi. Xã đã bắt đầu viết rồi đấy. Nhưng khi viết mới lôi thôi to. Thoạt tiên ông Chích nhận viết. Ông ấy hoạt động lâu năm nên hiểu biết nhiều. Nhưng viết không được. Rặt những thì, mà, là. Mà đọc thì thấy ông ấy toàn kể công lao của cá nhân ông ấy, làm như cả tập thể đảng ủy chỉ có mỗi ông ấy sáng suốt. Còn thiên hạ người ta mù cả. Nhiều người bất bình lắm. Tôi đành phải giải quyết bằng cách để ông ấy kể cho nhà Diến ghi. Kể thì cứ kể, còn ghi chuyện gì, bỏ chuyện gì là việc khác. Diến trình độ lắm. Văn ông giáo mà chữ nghĩa cũng đâu ra đấy cả. Nhưng khi viết xong, đọc lại cũng không được. Hắn toàn kể kì tích của cha ông nhà hắn. Công nhận ở làng Cát Xuyên này, dòng dõi họ Trần ghê thật. Cụ Trần Dũ, Trần Chiêu, Trần Kính, được ghi tên trong sử sách quốc gia. Đến cả Văn Miếu còn có bia đá thờ. Thế thì gớm đấy chứ! Tôi đâu dám phủ nhận. Nhưng đây là sử địa phương. Sử hiện đại. Nhiều lắm cũng chỉ nhắc đến các cụ trong mấy dòng thôi, gọi là có chút phát huy truyền thống cho nó đủ lệ bộ. Ông Chích bảo rằng, dù nổi tiếng văn hóa văn chương gì gì, thì cũng phải nhớ đó là tầng lớp phong kiến, đối tượng của Cách mạng vô sản. Hòn đá thử vàng chính là ở chỗ này. Vậy mà nó lại chơi đến ba chương, dài quá nửa quyển. Còn phần sau, nó viết nhạt hoen hoét như nước lã ao bèo. Đọc xong thấy vùng này, chỉ có quá khứ mà không có hiện tại. Như thế, khác chó gì nó xổ tọet sự lãnh đạo của bộ máy chính quyền xã và vả vào mặt ông ấy. Ông Chích ức lắm. Ông ấy đề nghị tịch thu thẻ đảng và xét lại lập trường quan điểm giai cấp của thằng cha này. Đấy, chuyện viết lách nó khó thế đấy. Thế mà chú vẫn viết, vẫn an toàn tấm thân thì chú giỏi thật. Tôi nghĩ chỉ có chú mới có thể may ra đảm đương được cái việc nặng nề này. Cần gì, chú cứ đề xuất. Xã sẽ đáp ứng yêu cầu. Trước mắt, tôi chi cho chú ba trăm công... Hay là hơn...
– Ấy chết. – Tôi giãy nảy. – Cái khoản công điểm thì...
– Chú ngại cái gì nào? Có phải tham ô trộm cắp đâu mà sợ. Mình làm mình hưởng. Xã hội chủ nghĩa là cứ phải thẳng băng như thế chứ. Chú đừng có lăn tăn nữa! Tôi sẽ bắn sang công điểm của bà cụ, coi như công gián tiếp. Ba trăm công là bà cụ thỏa mãn bần cố nông rồi, bằng trai tơ làm quần quật suốt ba vụ đấy. Chú tưởng dễ à?
III
Tối hôm sau, tôi đến nhà Đao sớm, gọi là để lấy tài liệu. Đao cũng đang chờ tôi. Anh súc tráng cái ấm da lươn, nhưng con mắt vẫn ve vé nhìn chéo qua cửa sổ. Ở đấy căng ngang một sợi dây phơi mà Đao đã buộc diều. Chỉ cần nhìn sợi dây rướn lên hạ xuống, anh có thể biết được cái diều đang bay lượn ra sao. Dạo này Đao có thú vui để diều suốt đêm.
– Ông Chích ấy mà, mệt quá, chú ạ. Xã đã để cụ ấy làm cố vấn. Nói đúng ra, đấy chỉ là cái ghế nghỉ danh dự ngồi chơi xơi nước. Nhưng khổ nỗi, cụ ấy lại cứ tưởng mình là cố vấn thật. Mấy ngày lại đến góp ý có tính chất chỉ đạo cán bộ xã. Mình chỉ gật gù chiếu lệ. Ông cụ lại càng góp ý khỏe. Khổ thế chứ! Các cụ già thường chỉ thích nói, nói rất dài, nói lấy được, mà không chịu biết xem bọn trẻ nó nghe mình như thế nào.
Đao chiêu một ngụm nước, giọng trầm hẳn lại:
– Trong các cuộc họp, bọn mình nể ông cụ là bậc cố cựu, nên thường mời nói trước. Kể ra cụ cứ vui vẻ vài câu, rồi tin tưởng giao cho bọn trẻ gánh vác công việc, đằng này cụ lại nói cứ như cụ đang đứng đầu xã. Đầu tiên là cụ tóm tắt tình hình thế giới và trong nước mà cụ nghe được qua đài, rồi cụ nâng lên thành quan điểm chính trị xã hội. Rồi cụ dặn dò bà con phải kiên trì Chủ nghĩa xã hội, cấm không được dao động, hoang mang, ăn phải đũa bọn đế quốc sài lang đang giãy chết. Còn cụ, cụ nói, một mình cụ, cụ cũng tiến thẳng lên Chủ nghĩa xã hội. Người nghe cụ đã quen, quý mến cái nhiệt tình của cụ. “Bà con đã tin tưởng đầy đủ chưa? – Cụ nói – Ai còn chưa tin tưởng đầy đủ thì để tôi quán triệt thêm tí nữa... Mà ai đã tin tưởng đầy đủ rồi thì cứ việc tự do ra về...” Thế là người ta ra về, chú bảo có chết tôi không?
Đao lại nhìn chéo qua sân để theo dõi độ rướn của cái dây phơi:
– Ông cụ xọp đi nhiều sau ngày rời ghế chủ tịch. Dân làng lại xì xèo nữa chứ. Khổ, làm lãnh đạo hay thôi không làm nữa thì cũng là một việc bình thường. Nhưng chết nỗi, dân mình lại chưa quen được với sự bình thường ấy. Nếu đang làm việc mà nghỉ, lập tức họ sẽ nghĩ, chắc ông này có sai lầm hay tham ô hủ hóa gì? Thế thì ai mà chẳng sợ. Người ta tiếc cái chức thì ít mà sợ dư luận thì nhiều. Sớm nay, ông cụ lại đảo qua đây, đưa cho tôi bản quy hoạch nông thôn, gọi là cách làm ăn mới, để tôi nghiên cứu và thực hiện. Cái đích thì hay, nhưng chẳng có cơ sở nào để thực thi. Tôi nghĩ không khéo bố già lẫn cẫn mất rồi. Bữa nọ ông cụ lại qua, xin xã cho viết hồi kí, thế mới bỏ mẹ tôi chứ!
Đao đẩy khay nước ra trước mặt tôi. Nước hơi non. Chè không chín được, cứ nổi phễnh lên, dạt hết cả vào miệng chén.
– Thôi, ta bắt đầu chứ chú!
Đao lôi trong xắc-cốt ra hai tập bản thảo dày cộp. Một bản của ông Chích với những nét chữ xiêu vẹo, thỉnh thoảng lại có những chữ viết hoa rất tùy hứng. Còn một bản của ông giáo Diến với các chương mục rất rõ ràng, rành mạch, có cả gạch đít bằng mực đỏ.
– Thôi được. – Tôi gập hai tập bản thảo lại. – Tôi sẽ đọc và bổ sung trong quá trình viết. Còn bây giờ, anh cung cấp cho một số tư liệu.
– Được! Có ngay đây!
Đao nói nhanh. Rồi không cần giấy tờ, sổ sách, anh bắt đầu trình bày một cách trơn tru. Tôi vội mở bút ghi. Nhưng được một lúc thì tôi ngẩn ra. Số liệu cụ thể. Nhưng nó như ở một bản báo cáo tổng kết nào đó. Ví như làng có bao nhiêu con lợn. Số chị em phụ nữ đặt vòng tăng giảm thế nào. Vận động bà con làm được bao nhiêu hố xí hai ngăn. Lại có cả câu ca: Anh không tham bạc tham vàng – Chỉ tham hố xí nhà nàng hai ngăn, làm như lấy em chỉ là vì cái hố xí...
– Thôi, được rồi. – Tôi ngắt lời Đao. – Cái này đưa vào phần phụ lục. Còn bây giờ, anh nói cụ thể thành tích của làng kia. Ví dụ như trong kháng chiến chống Pháp, ta diệt được bao nhiêu thằng Tây, phá được bao nhiêu đồn bốt. Rồi trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ, ta đã chiến thắng như thế nào?
Gương mặt Đao thoáng vẻ trầm ngâm. Thay cho câu trả lời, anh rít liền mấy hơi thuốc, rồi ngửa cổ phả khói mù mịt. Đợi cho làn khói bạc tan lễnh trong không gian, Đao mới đột ngột bảo:
– Thôi, cái đó tuỳ chú! Chú xem thế nào, chú cứ viết tự do thoải mái. Mà chuyện của làng mình, chú còn lạ quái gì!
Tôi chẳng còn lạ gì thật. Nhưng đó là chuyện đánh Mỹ kia. Chứ thời chống Pháp thì tôi có hiểu gì đâu. Bây giờ tìm dấu vết của cuộc kháng chiến ấy thật khó. Làng không có lô-cốt, không có một đồn bốt nào. Nghe đâu, trước đây, đội du kích của làng hoạt động cũng dũng cảm lắm. Nhưng họ khiêm tốn quá, chẳng để lại một dấu tích gì. Còn các cụ già làng, mỗi khi nhớ lại thời tao loạn oanh liệt, thì lại hể hả kể về những trận phục kích, những lần giật đổ tàu địch bên đường 5 ở mãi mấy xã bên kia. Còn thời chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ thì tôi được chứng kiến. Những ngày ấy thật sôi động. Đêm nào bầu trời cũng rừng rực chớp đạn. Rồi những tin chiến thắng phát trên đài, trên các loa truyền thanh. Làng lúc nào cũng chộn rộn, rạo rực. Nhưng chưa có quả bom nào rơi xuống làng. Làng không có anh hùng, cũng không có thương binh liệt sĩ. Kì tích của làng là hoan hô máy bay Mỹ cháy trên bầu trời và nghe tiếng bom gầm ở xa xa. Bây giờ cần ghi lại một bộ sử với những tư liệu cụ thể thì sao khó thế. Tôi viết rồi lại xoá. Xóa rồi lại viết. Loạy nhoạy đến gần một tháng mà vẫn chưa xong cuốn sử. Tôi tạt sang nhà ông Chích. Ông vắng nhà đã nửa tháng nay. Nghe bà Chích nói thì ông lên chơi với thằng con trai trên thị xã. Thế là tôi đành phải quay về. Trăng sáng vằng vặc. Những ngôi nhà cao tầng hắt bóng xuống con đường nhựa đen thẫm, còn ngoằn ngoèo những vệt trâu đái. Tôi định qua nhà Đao thì thấy anh bất ngờ từ ngõ nhà lão Cối nhô ra.
– Khoa đấy hả? Tôi đang tính đi tìm chú đây!
– Tập sử chưa thể viết được. – Tôi nói ngay. – Tư liệu mỏng quá. Phải chờ thêm nữa.
– Ừ thôi, cái đó để sau cũng đươc. Nhưng mà vẫn phải viết. Các làng khác họ viết ào ào cả rồi. Có làng còn mang lên Hà Nội thuê in thành sách nữa.
– Thế có chuyện gì vậy anh?
– Tôi vừa bị một vố.
– Sao?
– Mất cái diều rồi.
Đao nói hổn hển. Anh như người bị hụt hơi.
– Chú biết không? Nửa đêm qua, không nghe thấy tiếng sáo, tôi cứ tưởng nó bụp hay đứt lèo. Ra sờ thì chỉ còn mỗi cái cuống dây. Sợi dây bị cắt vát, chú ạ. Rõ ràng là nó đã bị cắt bằng panh sa lam. Đứa nào cắt thì chú còn lạ gì nữa. Tôi nhao đi khắp các cánh đồng tìm, xem nó có rơi xuống chỗ nào không. Nhưng chịu. Không có tăm tích gì cả, chú ạ. Mình thì đang rối cả ruột, mà làng này có lão vỗ tay trong bụng đấy.
– Ai?
– Chú còn lạ quái gì. Nghiễm nhiên cái diều lão ấy nhất làng rồi. Nhưng mà được. Tôi sẽ kéo cổ lão ta xuống.
Đao nói thật dứt khoát. Rồi anh tiết lộ cho tôi biết kế hoạch của anh. Ngày mai, anh sẽ đặt ông Hội cái diều mười hai mét. Anh sẽ đẵn cây xoan đào xuống để khoét sáo. Lần này, sáo phải to bằng bắp đùi. Anh sẽ chơi năm tầng sáo, cho nó đánh nhạc giao hưởng giữa lưng chừng trời.
– Khối lão sẽ tức nổ ruột ra đấy. – Đao cười. – Chỉ tuần sau là xong thôi. Tuần sau, tôi sẽ khánh thành diều. Chú phải đến dự đấy nhé.
Tôi không dự được buổi lễ khánh thành diều ấy. Hôm sau tôi lên đường sớm. Mẹ tôi tiễn tôi ra đến cổng đồng thì dừng lại, rút trong cái khau tát nước treo một đầu cuốc ra đùm xôi lạc và cái tỏi gà, ấn vào ba-lô-tôi, để tôi ăn đường, rồi lững thững bước xuống ruộng. Bóng bà cụ nhỏ thó như bóng cò, bóng vạc giữa những thửa ruộng khoán còn lễnh đễnh sương sớm. Lòng tôi thoáng se lại. Cái làng quê nhỏ bé, bình lặng của tôi đã kẻ thành vệt xanh mờ. Lót đót vượt lên khỏi nền xanh tre chuối là những bóng dừa, tán cau và những tầng nhà cao vót, in lên vòm trời đầy nắng những đường nét vừa hiện đại, vừa muôn thuở hoang sơ...
1986