Đảo chìm - Phần II - Chương 05 - 06
CHUYỆN CỦA NGƯỜI THU MUA GIẤY VỤN
Tặng cô bé Lê Huyền Dương
Dung là cô gái quê. Tôi gặp cô trong quán cơm bụi bên hè đường ngõ phố tôi ở. Cứ như lời cô thì ở quê khổ lắm. Làm được một đồng cũng rất vất vả. Người ta thuê thằng em trai cô lấy bùn đổ vào gốc chuối. Một lần lặn xuống đáy ao, xúc lên hai gầu bùn, chạy tiếp một quãng nữa mới tới được vườn chuối. Mỗi chuyến với hai gầu bùn đầy ngật mới được một trăm đồng, bằng nửa chén trà ở quán nước hè phố. Cũng không thể trách ông chủ vườn quá ke bo. Một buồng chuối to vật của ông ta có gánh ra chợ bán cũng khó kiếm được chục ngàn bạc. Thế thì ông ta cũng có tiền đâu mà hảo tâm xởi lởi với người được thuê chăm bẵm khu vườn.
Dung bỏ quê lên thành phố kiếm sống. Thoạt đầu cô bán rau. Ba giờ sáng ra đón rau ở các vùng ngoại ô chuyển vào, rồi mang đi bán rong. Cô chỉ nhặt đầu chợ, bán cuối chợ. Thế mà ngày cũng kiếm được hơn chục ngàn. Chỉ khổ những lúc gặp phải công an. Mỗi lần như thế là lại chạy tóe khói. Mà chạy cũng chẳng thoát. Có hôm cô còn bị phạt mất hai chục ngàn bạc. Thế là toi đứt cả vốn lẫn lãi.
Dung bỏ nghề bán rau, chuyển sang thu mua giấy vụn. Cũng theo lời cô, thu mua sách báo và giấy vụn đỡ vất vả hơn nhiều, lại có tiếng là người góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp của thành phố. Dung lần lên tận tầng năm nhà tôi:
– Gớm, cháu cứ phải hỏi thăm mãi. – Dung vừa nói vừa thở hổn hển. – Chú ở cao quá. Nhà chon von như tổ chim chào mào. Đi cứ hun hút như lên sao Hoả. Khiếp! Cháu mệt tưởng đứt hơi. Chú có nhiều giấy loại không? Cháu đoán là chú có nhiều giấy loại lắm. Nhà văn là những người chuyên sản xuất giấy lộn mà!
Nhà tôi không có nhiều giấy lộn. Nhưng sách báo cũ thì vô thiên lủng. Tháng nào tôi cũng phải bỏ ra vài trăm ngàn mua sách báo. Làm cái nghề này cứ phải đọc. Đọc rất nhiều. Có khi chỉ viết mươi dòng về một tác giả nào đó, tôi phải đọc đến hàng ngàn trang sách của anh ta. Có nhiều cuốn thú vị. Nhưng cũng không ít cuốn chẳng có cái thú gì để mà đọc cả. Báo chí cũng thế. Những bài nào hay, những chi tiết nào giá trị có thể sử dụng cho một bài viết nào đó thì “quét” vào vi tính, lưu lại. Còn những cuốn sách, những tờ báo không thể đọc lại được thì xếp gọn vào một chỗ riêng. Tôi cho Dung hàng đống sách báo như thế, không lấy tiền. Nhưng Dung đâu phải kẻ ăn xin. Bù vào số tiền chừng mấy chục ngàn mà tôi không lấy, Dung dọn dẹp nhà cửa cho tôi. Cô lau nhà, dọn bếp, lau khu vệ sinh và ban-công. Cũng coi như bằng số tiền tôi thuê người đến dọn nhà. Thế là cả hai đều thanh toán sòng phẳng, chẳng ai phải nợ ai. Dung muốn có sự thanh thản của người không bị mắc nợ. Cứ thế rồi thành lệ. Tuần nào vào sáng chủ nhật, Dung cũng đến nhà tôi dọn dẹp nhà cửa, rồi mang theo một gánh sách báo.
Thế rồi bẵng đi một thời gian dài, không thấy Dung trở lại. Tôi tưởng cô ốm đau hay có chuyện gì đó phải về quê. Bởi thế tôi vẫn có ý chờ. Nhưng rồi cả tháng sau không thấy. Hàng nửa năm sau nữa cũng vẫn không thấy. Tôi đã mất dần thói quen vào các tối thứ bảy chọn sẵn sách báo cho cô. Rồi tôi cũng quên dần cô gái. Cho đến một hôm...
Bữa đó, tôi đi dự đám cưới một người bạn về thì có tiếng gọi rối rít. Tôi dừng xe.
– Chú không nhận ra cháu ư? Dung đây mà!
Quả là nếu cô không xưng danh thì tôi khó lòng mà nhận ra được. Dung phổng phao hơn. Trắng trẻo. Tóc nhuộm mốt Hàn Quốc. Xinh. Thoáng trông, cô như người mẫu thời trang. Không ai nghĩ mấy tháng trước cô còn là gái quê, lại làm nghề thu mua giấy vụn. Cô mời tôi vào nhà. Một căn hộ tầng hai xinh xắn ở một khu tập thể lùi sâu trong ngõ. Nội thất cũng đầy đủ. Xa-lông. Ti-vi. Tủ lạnh. Giàn Sony nội địa. Chỉ thiếu mỗi cái điện thoại nữa là thành một căn nhà hoàn chỉnh. Vậy mà cô lại bảo cô ở nhờ nhà một người bạn ở xóm Liều. Hóa ra cô vẫn giả vờ “hoàn cảnh” để lừa tôi từ bấy lâu nay. Con người ta bây giờ thật khó tin quá. Ngay cả một cô gái quê cũng rất láu cá...
– Này, chú hỏi thật nhé. Sự thực thì cháu làm ở đâu? – Tôi hỏi.
Dung cười rất hồn nhiên:
– Cháu làm gì có nghề nghịêp. Vẫn đi thu mua giấy vụn mà...
– Thu mua giấy vụn sao không qua chú?
– Nhà chú đằng ấy xa quá. Năm tầng, nhưng thực chất là mười tầng. Leo mỏi cả chân. Mà nhà chú nếu có giấy vụn thì cũng chỉ là giấy vụn thôi. Cháu chuyển sang vùng khác thu mua rồi. Vùng khác hay hơn nhiều. Chú không tin à? Cháu mới tậu được căn hộ này đấy!
Tôi ngạc nhiên:
– Thu gom giấy vụn mà tậu được nhà?
– Vơng. Cháu thu gom giấy vụn thật đấy!
Thấy tôi vẫn có vẻ không tin, Dung mới tiết lộ rằng, có một lần, cô đến một biệt thự thu mua giấy báo cũ. Cô chỉ gặp mỗi bà chủ nhà. Cứ như lời cô thì bà chủ tốt lắm.
– Vâng, bà ấy tốt cực kì. Tốt y như chú ấy. – Dung khoe. – Bà cho cháu một đống báo cũ không lấy tiền. Cháu định dọn nhà giúp, nhưng bà ấy không khiến. Nhà đã có đến mấy ô-sin rồi. Khi cháu ra cổng, bà còn chạy theo, dúi cho mấy tờ lịch. Mà toàn lịch cũ chưa mở. “Lịch một tờ ấy mà. – Bà bảo: – Ai treo cái đồ thổ tả ấy làm gì. Mày mang về mà dán chuồng gà.” Quả là với căn nhà sang trọng ấy, không thể treo loại lịch phong phanh một tờ như thế này được. Loại lịch đó, chỉ có thể treo ở xó nhà quê. Mà nhà quê người ta cũng chẳng treo, vì đã quá hạn rồi. Có chăng là cắt riêng ảnh ra, dán lên tường thay tranh. Thế mà về mở ra, chú biết trong lịch có gì không? Ối giời đất ơi! Tiền, toàn là tiền đô-la chú ạ. Nhiều lắm. Thế mà bà chủ chẳng biết gì cả. Bà cứ tưởng mấy cuốn lịch vớ vẩn. Cả đời cháu chưa bao giờ nhìn thấy loại tiền ấy, nên thoạt đầu, cháu lại tưởng tiền âm phủ. Nhưng tiền âm phủ thì việc gì phải bí mật nhét vào ruột cuốn lịch. Mà nhét rất cẩn thận. Cháu chột dạ, mang một tờ ra phố hỏi thì có bà đã trả ngay một triệu tư. Cháu sợ quá, thu hết tiền lại, định mang trả. Nhưng rồi tìm không ra nhà. Cháu chỉ nhớ mang máng nhà bốn tầng, bên ngoài có cổng sắt. Từ cổng vào lại có rất nhiều chậu hoa. Thế mà rồi chịu, không tìm ra được. Bữa đó, tình cờ cháu đi qua cổng, rồi bà ấy gọi vào, nên không để ý kĩ. Cháu định mang tiền nộp công an. Nhưng rồi lại sợ. Cháu sợ các chú ấy nghi cháu buôn hê-rô-in. Chỉ buôn hê-rô-in mới có lắm tiền như thế chứ. Mà nếu các chú ấy tin cháu, lại nghi ngờ bà ấy, thì cũng khổ cho bà ấy quá. Bà ấy làm phúc mà rồi lại phải tội. Bây giờ người ta đang chống tham nhũng mà. Cháu nghĩ thế nên thôi.
Ngừng một lát, cô bé hỏi:
– Thế chú vẫn ở trên tầng năm cao chót vót ấy à? Ừ, mà viết văn, viết báo như chú thì làm sao mà xuống tầng được. Cũng như bố cháu ấy. Bố cháu là bác sĩ bệnh viện huyện. Nghèo lắm. Bố cháu mổ dạ dày cấp cứu, tiền thù lao không bằng tiền vá một cái săm xe máy. Thế hay là chú chuyển nghề đi, cháu sẽ giúp chú!..
– Cháu định giúp chú làm gì?
– Cháu rủ chú đi thu mua giấy vụn với cháu. Sao chú lại cười? Chú đừng coi thường nghề thu gom giấy vụn nhé. Loạng quạng chỉ vớ được vài quả như cháu là chú đổi đời đấy!..
7.2000
BÓNG ĐÁ
I
Tôi không biết trên cao vòi vọi, cao đến u u minh minh kia có đấng quyền năng tối thượng hay không mà sao người đời lại nhìn Ngài bằng con mắt kính cẩn đến thế. Nguyễn Công Trứ gọi Ngài là Ông Xanh. Đoàn Thị Điểm cũng gọi Ngài là Ông Xanh. Còn Nguyễn Du thì gọi Ngài là đấng Hóa Công. Gặp nỗi buồn đau bi đát của cõi đời dâu bể mà không có cách nào thoát được, cụ Nguyễn lại bái vọng lên Ngài mà than thở: Phũ phàng chi bấy Hóa Công, tựa hồ như mọi chuyện ở cõi đời này đều do Ngài bày đặt, chi phối.
Vâng, nếu quả có đấng Hóa Công quyền uy như vậy thật, thì tôi nghĩ có lẽ Ngài là một lão say rượu, một gã bắng nhắng luôn châm chọc và đùa cợt. Bởi vậy, những tay sành bóng đá, am tường bóng đá và mê bóng đá đến phát điên, phát cuồng, ví như cơ quan tôi có hai thi sĩ lừng danh là Nguyễn Đức Mậu và Anh Ngọc, lại bị lão vô hình nhốt ở xó nhà, bắt gí mũi lên cái màn hình bé hin hin, biến họ thành những chú mèo bị thu hết móng vuốt, chỉ còn biết đắm đuối đến bất lực, ngắm những bóng cá vàng nhào lộn tung tẩy trong cái bể nuôi cá cảnh có cái tên rất hiện đại là vô tuyến truyền hình. Còn tôi, một gã lờ khờ, nghễnh nga nghễnh ngãng, loạng quạng thế nào lại được lão “nhót” lên, lôi sang tận nước Mỹ, rồi thả xuống sân vận động Foxboro ở thành phố Boston vào đúng cái ngày bóng đá sôi động World Cup.
II
Phải, tôi cho đó là trò đùa quái quỷ của lão Hóa Công say rượu. Tôi không mê bóng đá. Nói đúng ra, tôi là một gã điếc đặc bóng đá. Trong đời, tôi chưa một lần bước chân vào sân vận động, cũng chưa bao giờ xem hết một buổi tường thuật bóng đá trên màn hình. Riêng về cái “khoản” này tôi ngang dân Mỹ. Người Mỹ, với bóng đá, họ cũng là những anh nghễnh ngãng. Họ không thích bóng đá, nhưng lại mê bóng rổ, bóng chày. Vào giữa mùa World Cup, một sự kiện thể thao trọng đại của năm 1994, thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên trái đất, và cái sự kiện sôi động ấy đang diễn ra ngay trên đất Mỹ, Vậy mà ở những thành phố lớn như Washington, New York hay Boston mà tôi có dịp ghé qua, chỉ thấy sự lặng lẽ, bình thản, chẳng có ai bàn tán đến sự kiện này. Trên đường phố cuồn cuộn những con lũ xe, bên những cây cột đèn cao áp, thi thoảng cũng thấy loe nhoe, phơ phất mấy cái cờ đuôi nheo quảng cáo, vẽ một anh chàng da đen đang co chân sút bóng với dòng chữ World Cup USA 1994. Giữa thành phố náo nhiệt, sôi động, mấy cái mảnh vải này nom hiu hắt một cách lạc lõng. Để chứng tỏ sự hiện hữu của mình, đôi lúc nó cũng quẫy trong gió, nom vật vờ, uể oải như đuôi con mèo ốm, chẳng thu hút được sự chú ý của ai. Đến nỗi, khi những trận đấu chấn động thế giới sắp qua, cả mùa World Cup cũng đã bước vào giai đoạn cao trào để kết thúc, một nhà văn Mỹ nói với tôi: “Tiếc là các anh đến sớm quá! Giá như cuối năm nay các anh mới sang thì thế nào các anh cũng được xem Bóng đá Thế giới. Cuối năm nay, chúng tôi có World Cup!..”
III
Nhà thơ danh tiếng Anh Ngọc cứ tròn mắt nhìn tôi: “Cậu có mặt ở sân vận động thật à? Nghĩa là cậu xem trực tiếp bằng mắt, và nhìn thấy Maradona hiện hình bằng xương, bằng thịt ư? Ối giời! Cậu là người hạnh phúc nhất trên cõi đời này đấy! Cậu thấy Maradona như thế nào?...”
Tôi còn biết nói sao với ông thi sĩ bóng đá Anh Ngọc. Đối với một gã mù đặc bóng đá như tôi, sân Foxboro chỉ là cái nong tằm nhộn nhạo. Vâng, nó đúng là một cái nong tằm. Có điều tằm nhiều mà dâu ít. Lúc nhúc có đến hơn hai chục con tằm hung hãn mà chỉ có mỗi một lá dâu non, là cái quả bóng mỏng dinh dính và bé như cái mắt muỗi. Thế nên cứ nháo nhào nhào. Làm sao tôi biết được con tằm nào là Maradona kia chứ. Xem ra, Liên đoàn bóng đá thật oái oăm và cái ông Pha pha gì ấy cũng là một gã keo kiệt. Trái bóng đâu có hiếm mà cũng đâu có đắt đến nỗi không mua nổi. Tại sao không tung ra vài chục quả cho anh em đá. Mỗi cầu thủ cứ chia cho vài quả. Tha hồ mà đá. Đá thoải mái, Chẳng việc gì phải chen chúc, xô đẩy và tranh cướp nhau như một lũ giặc ngày. Đấy, cái sự việc đơn giản như thế mà người ta cũng chẳng chịu làm. Hình như đây cũng là trò đùa cợt của lão Hóa Công say rượu.
Nhà thơ Anh Ngọc trố mắt nhìn tôi như nhìn một con quái vật vừa lăn từ đĩa bay xuống nên chẳng biết Maradona là cái gì.
– Đó là một thiên tài bóng đá. – Anh Ngọc giải thích. – Thập kỉ này là thập kỉ Maradona. Cậu rõ chưa? Đó là một siêu sao, một vị thánh sống mà ta có thể nhìn thấy bằng mắt, sờ được bằng tay. Một ông vua không phải khai quật từ khu mộ cổ lên, mà là một ông vua đang hiện hữu, còn nguyên cả cân đai, áo mũ, cùng với những hơi thở thơm tho ngây ngất. Và như thế, vô tình, cậu là người đại diện cho nhân dân Việt Nam, xem trận đấu cuối cùng của ông Vua bóng đá Maradona, và chứng kiến cái giây phút huy hoàng và suy vong của cả triều đại đó.
IV
Thế thì thật là đau đớn và bất hạnh cho Ngài, hỡi Maradona tôn nghiêm! Người “đại diện” cho nhân dân Việt Nam, một nhân dân yêu chuộng bóng đá và hâm mộ Ngài lại là cái gã chẳng biết Ngài là ai cả. Hình như đây mới là trò đùa đểu cáng nhất của lão Hóa Công nát rượu.
Vào buổi trưa ngày 26 - 6 - 1994, vô tuyến truyền hình Mỹ báo tin buổi chiều Boston có mưa lớn. Cũng lúc ấy, tôi bị lôi ra sân bóng. Bầu trời sậm sịt mây. Những ngọn gió ẩm nặng hơi nước, ngai ngái mùi thảo mộc của những miệt vườn và những khu rừng xanh om hai bên đường cao tốc ùa thốc vào cửa xe. Không khéo mưa to mất. Nhưng ngoài tôi ra, có lẽ chẳng có ai để ý đến chuyện mưa gió ấy. Chiếc xe lao vun vút như một viên đạn đại bác thoát nòng.
Ở sân vận động bao trùm một bầu không khí khác hẳn. Đó là một thế giới hừng hực, náo nhiệt. Một biển người phát điên phát cuồng. Họ trát bột màu xanh đỏ lên mặt mũi, đầu tóc, quần áo. Có cô gái cởi trần, sơn toàn thân màu cờ Argentina. Lại có anh lùn tịt, đội ngất nghểu trên đầu một cái mũ quái dị, cao đến ba bốn mét, xâu xếp bằng những quả bóng màu xanh đỏ, dáng đi lặc lè. Rồi hàng nghìn người tự làm cho mình dị dạng, méo mó, đã thế lại còn múa may quay cuồng, thỉnh thoảng lại hét ré lên như bị chọc tiết. Rồi họ vỗ trống thùng thùng, rúc kèn toe toe. Rồi ống bơ, vỏ bia hộp, kèn sắt tây, ai có gì thì sử dụng cái đó, miễn là vỗ ra được âm thanh, rúc lên thành tiếng động. Sân bóng đúng là một thế giới ầm ĩ, huyên náo và kích động.
Nhà văn Tô Nhuận Vĩ lột phăng áo vét, khoác cái áo phông rộng thùng thình, có in hình quả bóng mà anh vừa mua được ở một ki-ốt bên đường với giá đắt khét lẹt. Chiếc áo dài lướt thướt khiến người anh rúm ró như một chú hề trong rạp xiếc. Còn nhà thơ Phạm Tiến Duật thì không ngừng quát vào cái máy ghi âm. Một thi sĩ lừng danh, giờ hóa anh tường thuật bóng đá kiêm quảng cáo thuốc hôi nách ở một ga xép tỉnh lẻ. Còn nhà văn Nguyễn Quang Thiều và tôi thì chạy lăng xăng như hai thằng trẻ con già khọm.
Còn hơn tiếng nữa mới bước vào trận đấu. Nhưng trên sân đã dát đặc người cùng với cờ quạt và thanh la não bạt. Phần lớn họ là khách xa, đến từ các lục địa khác nhau trên trái đất. Có đến non nửa sân vẫy cờ Argentina. Trên không trung có tiếng súng phá mưa nổ lụp bụp. Rồi ánh nắng xuyên qua những lỗ mây thủng, rọi lòa lòa xuống sân cỏ như một ngọn đèn pha hàng triệu oát. Sân cỏ bừng nắng. Lẻ tẻ xuất hiện vài chiếc máy bay, rồi hàng đàn máy bay đủ các loại, đeo kéo những tà phướn, những tấm biển quảng cáo xanh đỏ các hãng Coca-Cola, ô-tô, rồi Ngân hàng, rồi Viện Sử học, rồi các tòa báo mới, rồi hàng trăm công ty, chịu không thể biết được những công ty gì cứ phấp phới quần lượn quanh sân cỏ. Nhưng rồi chẳng còn ai để ý đến những chiếc máy bay, những quả khinh khí cầu quảng cáo ấy nữa, khi cầu thủ hai đội xuất hiện. Sân cỏ ào lên như sôi. Những con rắn xanh, rắn trắng, những nắm giấy vụn không biết được chuẩn bị từ bao giờ tung mù mịt xuống sân cỏ. Các cầu thủ chìm trong màn hoa giấy quái dị. Bầu trời trắng xóa như mưa tuyết.
Trận đấu diễn ra trong tiếng hò reo, la hét điên loạn của cả một biển người. Bấy giờ, tôi mới biết rằng, không chỉ có hai mươi hai anh chàng đá bóng trên sân cỏ, mà nhễ nhại hơn những gã trung phong chạy như hóa dại ấy là hàng vạn cầu thủ đá bóng bằng... mồm.
Nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật gí cái máy ghi âm tròn như cái nắm đấm sắt vào mồm tôi:
– Xin phép được phỏng vấn chớp nhoáng nhà thơ u tì quốc Trần Đăng Khoa. Là một người không hiểu gì về bóng đá, xem trận đấu này, anh thấy sao?
Thì còn thấy sao nữa? Một biển người điên khùng. Thiên hạ điên hồn nhiên. Còn mình thì phát rồ thực sự. Hình như đây không phải sân vận động mà là một vạc dầu đang cháy. Đấng Hóa Công nát rượu đã ném con người vào vạc dầu. Mà không, lão quăng chúng ta vào thùng axit đang sôi, khiến cho cả những gã lờ đờ, nghễnh ngãng như tôi cũng cứ nhảy dựng lên như những thằng phải gió!
1994