Đảo chìm - Phần II - Chương 18 - Phần 1
LÃO CHỘP VÀ NGÀI PETER PETERSON
CUỘC CHIA TAY THÁNG BẢY
I
Ôi dào ôi! Tưởng gì, hóa ra lại chuyện lão Chộp. Cái thằng cha này đúng là gà què ăn quẩn cối xay. Quê hắn hóa ra cũng nghèo nàn, xơ xác lắm. Chỉ có mỗi đặc sản là... lão Chộp, nên đi đâu cũng khoe ra rả. Biết rồi. Lão Chộp bắt phi công Mỹ. Lão Chộp kết nghĩa anh em với Đại sứ Mỹ. Lão Chộp làm thơ về cà dái dê. Bà con nông dân cứ theo thơ lão thì có tiền. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
Vâng, tôi biết có bạn đọc sẽ ngán ngẩm kêu lên thế. Thực tình, trong thâm tâm, tôi cũng không muốn bàn thêm về lão Chộp nữa. Bởi lẽ, tôi cũng đã kể khá nhiều về lão rồi, đã ngắm lão ở rất nhiều góc độ. Bây giờ, tôi cũng muốn để cho lão được yên. Chính lão cũng không muốn thiên hạ bàn tán quá nhiều về mình. Nhưng khổ nỗi, hình như cái số của lão vẫn chưa thể yên được. Một nhà biên kịch điện ảnh rất nổi tiếng của ta vừa điện cho tôi, thông báo rằng anh đang muốn làm một bộ phim về lão Chộp, không phải phim tài liệu, mà phim truyện hẳn hoi kia. Anh Ninh Bình hiện đang làm việc trong một Công ty của Nhật ở đường Thụy Khuê Hà Nội thì nói thẳng với tôi: “Xuống cơ sở, tôi cứ đọc thơ Dái dê của lão Chộp là bà con vỗ tay rôm rốp. Nhưng hỏi thơ anh thì chẳng ai nhớ câu nào. Nói thế, anh buồn không?” Sao lại buồn hả các ngài Thượng Đế khả kính? Mà buồn làm sao được kia chứ. Các ngài chán thơ tôi, nhưng lại thích thơ lão Chộp, làm theo thơ lão Chộp. Thế thì vui quá đi chứ. Thơ ca đã can dự được vào đời sống, đã góp phần bày cho bà con ta cách xóa đói giảm nghèo. Ai dám bảo thi sĩ là cái lũ ngẩn ngơ, chỉ biết nhung nhăng những chuyện mây gió?
Có lẽ lão Chộp cũng chẳng ngờ lão lại được bà con nông dân yêu mến đến thế. Bác Lê Xuân Hùng ở bản Nà Ho, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang còn viết thư cho báo Nông nghiệp Việt Nam, đề nghị tòa soạn kiến nghị với Nhà nước phong cho lão Chộp một chức vụ gì đó. Chỉ tiếc là lão Chộp đã già mất rồi. Chẳng ai lại đề bạt cất nhắc một ông lão đã bảy mươi ba tuổi. Còn nhà văn Dương Tất Từ, một dịch giả tiếng Tiệp nổi tiếng thì điện cho tôi: “Mình yêu lão Chộp lắm, Khoa ạ. Ông cụ đúng là một người nông dân Việt Nam điển hình đấy. Mình rất muốn đến thăm ông cụ. Khoa bố trí đi cùng với mình nhé. Ta sẽ thuê một cái tắc xi. Cố gắng đi càng nhanh càng tốt, vì ông cụ già rồi. Người già như trái chín cây. Chẳng biết sẽ rụng lúc nào...”. Rồi còn bao nhiêu là độc giả. Họ thư cho tôi, thư đến báo Nông nghiệp Việt Nam. Nhiều người muốn biết cụ thể hiện nay lão Chộp sống ra sao? Cuộc kết nghĩa anh em thắm thiết giữa lão và ngài đại sứ Mỹ Peter Peterson hư thực thế nào? Rồi cuộc chia tay của “anh em” lão vào dịp tháng Bảy vừa qua nữa. Bao nhiêu là chuyện. Mà toàn những chuyện chỉ có lão mới biết. Bởi thế, chẳng còn cách nào khác, tôi lại đành phải về làng, hóng chuyện lão thôi.
II
Đến thăm lão Chộp lần này, ngoài tôi và anh Chiến, lái xe của báo Nông nghiệp Việt Nam, còn có nhà văn Dương Tất Từ, người từng dịch hàng loạt cuốn sách nổi tiếng được bạn đọc mến mộ. Dương Tất Từ từng ở nước ngoài lâu năm, nhưng anh vẫn chu đáo, tỉ mẩn như một bà nội trợ nhà quê sành điệu. Anh chuẩn bị lỉnh kỉnh đồ ăn, thức uống cho cả đoàn ở dọc đường. Anh “thửa” riêng món quà tặng lão Chộp. Đó là hai cây giò, mấy cuốn lịch và bao nhiêu hoa quả, bánh kẹo.
Buổi sớm. Trời se lạnh. Mưa bụi bay phiêu diêu, phơ phất như sương khói. Không khí đã nhuốm hơi xuân. Nhưng với lão Chộp thì mùa xuân dường như đã đến từ rất lâu rồi. Mới cuối tháng Mười, tháng Mười Một, đã có bao nhiêu người đến “xông đất” lão. Chủ yếu là cánh phóng viên báo chí quốc tế. “Bố em dạo này đắt khách lắm – Cô con gái rượu của lão Chộp tiết lộ - Ông cụ đi suốt ngày. Mấy hôm vừa rồi, các phái đoàn Mỹ, Úc, Canađa và cả Đài Loan, Trung Quốc nữa còn về mời bố em đóng phim.”. “Thế thì năm nay, không khéo ông cụ giàu lắm nhỉ!”. “Giàu cái khỉ gì. Mệt hơn trâu kéo cày – Lão Chộp cười hô hố – Thà cứ để tôi đi cày còn thoải mái hơn là bắt tôi đi đóng phim. Khổ nhất là họ cứ bắt mình phải đi hiên ngang. Thỉnh thoảng lại nhe răng ra cười, trong khi trong bụng chẳng thấy có cái gì đáng phải cười cả. Không có điều để cười mà lại cứ nhe răng ra thì khác gì con đười ươi hả bác?”
Lão Chộp cười lục khục:
– Thực ra, khi đi bắt phi công Mỹ, mình có “hiên ngang”, có nghĩ ngợi quái gì đâu. Chỉ cố làm sao nhanh chóng quật ngã nó. Không quật ngã nó thì nó giết mình. Đơn giản thế thôi. Nhà văn nhà báo bố là cứ hay lằng nhằng!...
– Thế họ trả thù lao cụ mỗi buổi đóng phim bao nhiêu?
– Có tiền nong gì đâu bác. Đến bữa ăn thì họ cho mình ăn thôi. Mà thế là phải. Cũng như đi cày thuê ở quê, làm sao có tiền nong gì. Chủ nhà cho ăn bữa sáng, bữa trưa, bữa tối thì có thêm cút rượu nữa. Cơm rượu xong thì phủi đít ra về. Thế thôi mà. Chỉ có điều, thức ăn của họ chán lắm bác ạ. Toàn bánh mì với lằng nhằng những cái gì ấy. Ăn chán bỏ mẹ. Nhai cứ nhệu nhạo như bò nhai rơm. Thế mới biết làm ông Tây cũng chẳng sướng gì đâu! Còn xơi họ mới bằng được cánh thợ cày làng mình...
– Thế vừa rồi cụ chia tay ông P. Peterson thế nào?
– Nửa đêm, ông ấy cho người gọi tôi qua điện thoại. Mà khổ, nhà tôi có điện thoại đâu. Ông ấy phải gọi nhờ qua con cháu ở đầu xóm. Nhà nó buôn bán nên mới sắm điện thoại. Tôi bổ xấp, bổ ngửa chạy đến. Tưởng gì, hóa ra ông Bu Sơn. Ông ấy mời tôi về Hà Nội chơi, chia tay với ông ấy. Thế là tôi với ông Sính lặn lội tàu xe lên Hà Nội. Ông Sính chắc bác biết rồi chứ? Ông ấy cùng bắt phi công Mỹ với tôi năm xưa ấy mà. Ông Bu Sơn bảo: “Lẽ ra thì em phải về làng An Đoài chào anh mới phải. Nhưng vì công việc bận quá. Anh thông cảm!” Khổ, tôi có trách gì ông ấy đâu. Mà ông ấy tất bật, bận bịu thật. Chia tay hết đoàn này lại đến đoàn khác. Tuy thế ông ấy vẫn giành cho anh em chúng tôi suốt cả một buổi chiều. Cũng chẳng có chuyện gì mà nói. Vẫn luẩn quẩn cái chuyện ngày xưa. Ông ấy cứ hỏi tôi: “Sao hồi ấy, ông đã bắt tôi rồi, đã trói tôi rồi, sao vẫn cứ lăm lăm khẩu súng, lại còn lên đạn nữa?” Tôi bảo: “Tôi lên đạn để dọa dân làng. Họ định xé xác ông. Tôi phải đi trước, cản họ, rồi che đất đá họ ném vào ông. Tôi bảo: ‘Nó bây giờ là tù binh của mình rồi. Nó mà chết thì tôi chết trước rồi các ông các bà chết sau. Chính sách tù binh của Đảng ta là rất khoan hồng. Ai giết nó là tôi bắn đấy!’. Rồi tôi lên đạn roạt roạt. Lên đạn để dọa bà con, chứ súng làm quái gì có đạn. Ngay cả khẩu súng tôi mang đi bắt phi công cũng chẳng còn viên đạn nào”. Ông Bu Sơn ngạc nhiên lắm. Tôi bảo, bọn Mỹ các ông chỉ ầm ào phồng mang trợn mắt làm con ngoáo ộp ở trên giời thôi, chứ xuống dưới mặt đất thì trông thấy đàn bà con gái, các ông cũng hãi đến vãi đái...