Đời nhẹ khôn kham - Phần II - Chương 2
11
Tấm thẻ anh đưa cô vào giây phút chót không mang ý nghĩa gì cả. Chính tiếng gọi của những tình cờ run rủi (quyển sách, Beethoven, con số sáu, chiếc ghế công viên màu vàng) đã cho cô can đảm bỏ nhà ra đi để thay đổi định mệnh đời mình. Có thể lắm chứ! Rất có thể chỉ cần vài chuyện tình cờ như thế đã đủ thổi bùng lên tình yêu trong cô và nó còn hà hơi tiếp vào cô sức mạnh cùng ý chí để cô vẫn thấy hăng hái, say mê vào những lúc cuối mùa này.
Trong đời sống thường nhật, chúng ta bắt gặp không biết bao nhiêu chuyện tình cờ run rủi, hay nói đúng hơn, không biết bao nhiêu lần gặp gỡ bất ngờ mà chúng ta gọi là tao ngộ. Tao ngộ là hai biến cố xảy ra cùng một lúc mà không hề được tính toán, dự trù trước. Chúng gặp nhau: Tomas xuất hiện trong tiệm ăn khách sạn cùng lúc máy hát trổi lên khúc nhạc Beethoven. Đa số những chuyện ngẫu nhiên như vậy chúng ta chẳng bao giờ bận tâm để ý. Giả sử thay vì Tomas, ngồi nơi bàn là gã bán thịt ngoài chợ có lẽ Tereza đã không bận tâm lắng nghe máy hát lúc đó đang trổi điệu nhạc gì (mặc dù sự gặp gỡ giữa Beethoven và gã bán thịt cũng là điều ngẫu nhiên khá lí thú.) Nhưng tình yêu đang nhen nhúm trong cô được thổi bùng, khuếch đại lên ý niệm về cái đẹp, và cô không bao giờ quên tiếng nhạc đó. Bất cứ lúc nào nghe lại tiếng nhạc, cô đều bị rung động. Tiếng nhạc tạo thành vùng hào quang rực rỡ bao phủ mọi cảnh vật chung quanh cô lúc đó.
Trong đoạn đầu tiểu thuyết Tereza ôm trong tay hôm cô lên Praha tìm Tomas, Anna gặp Vronsky trong trạng huống rất li kì: Họ gặp nhau tại trạm xe lửa giữa lúc có người bị xe lửa cán chết. Ở đoạn cuối, Anna nhảy vào xe lửa tự tử. Cấu trúc đối xứng này – cùng một mô-típ xuất hiện ở đoạn đầu và đoạn cuối – với bạn nghe có vẻ “tiểu thuyết” quá phải không, và tôi sẵn sàng đồng ý với bạn, nhưng với điều kiện bạn phải tự chế, đừng để những ý niệm như “hư cấu”, “sắp đặt”, “không có thật ngoài đời” đi vào chữ “tiểu thuyết”. Bởi, đời sống con người được cấu thành do chính những đường lối, cách thức như vậy.
Nó được cấu thành như người ta sáng tác âm nhạc. Được hướng dẫn bởi ý niệm thẩm mỹ, người ta biến thành những sự kiện ngẫu nhiên (nhạc Beethoven, cái chết dưới gầm toa xe lửa) thành những mô-típ, và rồi cái mô-típ đó chiếm hữu chỗ đứng thường trực trong đời sống con người. Anna có thể chọn cho mình cái chết khác. Nhưng, mô-típ cái chết và trạm ga xe lửa, cả hai buộc chặt vào sự ra đời của tình yêu, đã lôi cuốn mê hoặc Anna trong những giây phút tuyệt vọng với nét đẹp thâm trầm. Không cần biết đến nó, người ta cấu tạo đời sống tùy theo định luật thẩm mỹ ngay cả vào những lúc khốn cùng, tuyệt vọng nhất.
Vì thế, thật sai lầm nếu chúng ta chê bai quyển tiểu thuyết bị mê hoặc bởi những biến cố ngẫu nhiên kì bí (như gặp gỡ của Anna, Vronsky, trạm ga, và cái chết, hay gặp gỡ của Beethoven, Tomas, Tereza, và li cô-nhắc), nhưng chúng ta có quyền chê trách con người mù quáng không thấy những biến cố ngẫu nhiên đó trong đời sống thường nhật. Bởi, như thế, con người đánh mất đi bề mặt vô cùng đẹp đẽ của cuộc sống.
12
Bị thúc đẩy bởi đàn chim của sự tình cờ đang phấp phới bay xuống đậu trên vai mình, Tereza xin nghỉ làm trọn tuần lễ và lén mẹ đáp xe lửa lên Praha. Ngồi trên xe, chốc chốc cô lại vào phòng vệ sinh nhìn ngắm khuôn mặt và cầu khẩn tâm hồn cô đừng quay lưng lại thân xác trong ngày trọng đại nhất đời này. Kiểm soát lại mình, cô chợt thấy có điều không ổn: cổ họng cô nhói lên từng cơn đau buốt. Chẳng lẽ cô ngã quỵ giữa ngày trọng đại nhất đời này sao?
Nhưng không còn đường cho cô quay về nữa rồi. Cô gọi Tomas từ trạm ga, và giây phút anh mở cánh cửa đón cô vào, bụng cô bắt đầu sôi réo lên từng hồi. Cô chết điếng cả người. Cô có cảm tưởng bà mẹ chui vào nấp sẵn trong đó tự lúc nào và giờ đây bà đang cất tiếng cười ha hả để phá tan cuộc gặp gỡ giữa cô và Tomas.
Trong vòng mấy giây đồng hồ, cô nghĩ Tomas sẽ mời cô ra khỏi nhà vì tiếng kêu khó chịu phát ra từ bụng cô. Nhưng không. Ngay sau đó anh quàng tay ôm cô. Cô sung sướng thầm cảm ơn anh không để ý tiếng sôi bụng của mình. Anh ôm hôn cô thật say đắm. Nước mắt cô trào ra. Chưa đầy phút sau, hai người đã đắm đuối nhập vào nhau giữa dòng ái ân cuồng nhiệt. Cô hét lên trong lúc làm tình. Cô lên cơn sốt. Cô bị cơn cảm cúm tai ác hành hạ. Cái ống hút dùng tiếp khí ốc-xy vào hai lá phổi đỏ ứng lên.
Khi lên Praha lần thứ hai, cô xách theo chiếc va li nặng trĩu. Cô nhét vào va li tất cả vật dụng tư trang, nhất quyết không bao giờ quay về cái thị trấn buồn tênh này nữa. Tomas mời cô đến nhà vào buổi tối hôm sau. Đêm đó, cô nghỉ đêm tại một khách sạn tồi tàn. Sáng ra, cô gởi va li ở trạm ga rồi thơ thẩn lê bước khắp phố phường với quyển Anna Karenina trong tay. Mãi đến lúc cô bấm chuông nhà Tomas và anh mở cửa đón cô vào, cô mới chịu rời quyển sách. Quyển sách là tấm thẻ bài tùy thân cho phép cô bước vào thế giới của anh. Cô biết cô không có gì khác ngoài tấm thẻ bài đáng thương đó, và ý nghĩ này làm cô muốn rơi nước mắt. Để trấn an cơn buồn tủi, cô lớn tiếng nói chuyện huyên thiên và cười luôn miệng. Một lần nữa Tomas kéo cô vào lòng và hai người làm tình với nhau. Cô bước vào vùng lãng đãng khói sương. Sự vật trở nên mù mờ, huyễn hoặc. Chỉ có tiếng hét của cô là rõ mồn một mà thôi.
13
Không phải là tiếng thở hắt ra, cũng không phải tiếng rên rỉ mà là tiếng hét thật sự. Cô hét to đến nỗi Tomas phải nghiêng đầu sang bên, như thể anh sợ tiếng hét gần tai quá chọc thủng màng nhĩ anh mất. Tiếng hét không phải là tiếng kêu biểu lộ nhục cảm. Khoái cảm nhục dục là sự điều động toàn thể các giác quan: nhìn người tình của mình thật sự say đắm rồi cố gắng chụp bắt từng tiếng động. Nhưng tiếng hét của Tereza không phải thế, nó có chủ tâm làm què quặt mọi giác quan. Nó ngăn cản, không cho thính giác cũng như thị giác mình họat động. Tiếng hét thật ra là cái lí tưởng ngây ngô của cô về tình yêu, nó cố gắng gạt đi mọi đối nghịch, gạt đi đối tính giữa thể xác và tâm hồn, gạt đi có lẽ cả thời gian.
Cô có nhắm hai mắt lại không? Không, nhưng hai mắt cô không nhìn vào chỗ nào nhất định. Tầm mắt cô phóng lên khoảng trống trần nhà. Có lúc cô lắc đầu thật mạnh từ bên này sang bên kia.
Khi tiếng hét lắng xuống, cô lập tức chìm vào giấc ngủ bên cạnh Tomas, hai tay nắm chặt tay anh. Suốt đêm cô ngủ trong tư thế hai tay ôm chặt tay Tomas.
Ngay từ năm lên tám cô đã có thói quen ngủ trong lúc hai tay nắm chặt vào nhau, cô tin tưởng mình đang nắm chặt bàn tay người mình yêu dấu, người của cuộc đời mình. Vì thế, chúng ta hiểu ngay lí do tại sao trong lúc ngủ cô nắm tay Tomas chặt như vậy: huấn luyện thành thục ngay từ khi còn rất bé thơ.
14
Một cô gái trẻ tuổi bị ép buộc phải đi hầu rượu bọn đàn ông say sưa và giặt giũ quần áo cho lũ em ghẻ – thay vì được quyền vươn tới “cái gì cao hơn” – là người biết dự trữ sinh lực, thứ sinh lực không người sinh viên đại học lười lĩnh nào dám mơ tưởng đến. Tereza đọc sách còn nhiều hơn các cô cậu sinh viên này. Cô học hỏi khá nhiều về đời sống, nhưng cô không bao giờ nhận ra điều đó. Sự khác biệt giữa người tự học và người tốt nghiệp đại học không nằm ở khả năng kiến thức mà ở sức sống cùng lòng tự tin vào đời sống. Lên Praha sinh sống Tereza lao vào cuộc sống mới với lòng cuồng nhiệt và sự bấp bênh. Cô có vẻ như chờ đợi một ngày có người đến nói với cô, “Cô làm gì ở đây thế? Cô hãy trở về nơi chốn của cô đi!” Tất cả lòng hăng hái say mê của cô cho đời sống được treo bằng sợi chỉ: tiếng gọi của Tomas. Chính tiếng gọi của Tomas đã dẫn dụ cái tâm hồn nhát nhúa, rụt rè của cô khỏi chỗ nó ẩn nấp tận đáy lòng sâu kín.
Tereza có việc làm trong phòng tối tờ tạp chí tuần, nhưng công việc này không làm cô vừa ý. Cô muốn trở thành người chụp ảnh chứ không phải người thợ rửa hình. Cô bạn Sabina của Tomas có nhã ý cho cô mượn ba bốn cuốn dạy nhiếp ảnh và hẹn gặp cô ở quán cà phê để cắt nghĩa thế nào là bức ảnh đẹp tạo thú vị cho người xem. Tereza yên lặng chăm chú nghe. Mặt cô nghiêm trang lắng nghe từng câu nói của Sabina, khôn mặt cô lúc đó không phải là khuôn mặt các giáo sư thường thấy ở đám sinh viên trong lớp học.
Nhờ Sabina, cô hiểu quan hệ giữa hội họa và nhiếp ảnh. Cô còn bảo Tomas đưa cô đi xem tất cả những buổi triển lãm tranh ảnh ở Praha. Chẳng bao lâu, ảnh cô chụp được tờ tạp chí chọn đăng và cô trở thành phóng viên nhiếp ảnh chuyên nghiệp của tờ báo.
Tối hôm đó, hai người rủ thêm vài người bạn kéo nhau ra quán rượu để ăn mừng cô lên chức. Mọi người ra sàn khiêu vũ trong lúc Tomas ngồi lại bàn một mình, vẻ mặt tư lự. Về đến nhà, sau khi bị Tereza chọc ghẹo, anh thú nhận anh quả có lên cơn ghen khi thấy cô khiêu vũ với người bạn anh.
“Tomas, anh ghen thật đấy à?” Cô ngờ vực hỏi đi hỏi lại đến mười mấy lần, như thể có người báo tin cô vừa được trao tặng giải Nobel.
Rồi cô ôm thắt lưng Tomas, lôi anh theo những bước nhảy khắp phòng. Không phải những bước nhảy làm mọi người xuýt xoa thán phục ở quán rượu. Cô nhảy như dân làng thường nhảy múa trong dịp hội hè đình đám, những bước nhảy nô đùa nghịch ngợm, chân phóng cao lên không khí, thân hình nhấp nhô lên xuống. Cứ thế, Tomas bị cô lôi xềnh xệch khắp phòng.
Nhưng buồn thay, chẳng bao lâu chính cô là người khổ sở với cảnh ghen tuông và với Tomas sự ghen tuông của Tereza không phải là giải Nobel, nó là gánh nặng chồng chất lên anh, gánh nặng anh phải đưa vai ra chịu đựng cho đến khi anh gần nhắm mắt lìa đời.
15
Trong lúc Tereza cùng lũ đàn bà khác bước vòng quanh hồ bơi, thân thể trần truồng, Tomas đứng trong chiếc giỏ treo toòng teng trên trần nhà, hò hét bắt họ vừa đi vừa ca hát và uốn gối. Ai uốn gối không đúng kiểu lập tức bị bắn chết và rơi tõm xuống hồ.
Hãy để tôi trở lại giấc mơ này của Tereza. Sự kinh hoàng không ập đến với tiếng súng đầu tiên phát ra từ tay Tomas, nó bắt đầu ngay từ lúc cảnh tượng mới chớm hiện ra trong giấc mơ. Với Tereza hình ảnh gây kinh hoàng tột độ là hình ảnh những thân thể trần truồng diễn hành bên nhau. Khi còn ở nhà, mẹ cô cấm cô không được khóa cửa phòng tắm. Bà giải thích cái mệnh lệnh quái đản này như sau: “Mày khác gì thiên hạ đâu; mày không được quyền xấu hổ; mày không có lí do phải giấu giếm cái vật hàng triệu người đều có như nhau.” Trong thế giới của mẹ cô, thể xác nào cũng y như nhau và tuần tự nối đuôi nhau diễn hành thành hàng một. Từ lúc còn trẻ thơ, Tereza đã xem khỏa thân là dấu hiệu của đồng dạng trong trại tập trung, dấu hiệu của nhục nhã, đớn hèn.
Chưa hết, vẫn còn nỗi kinh hoàng khác ùa đến ngay từ giây phút đầu tiên của giấc mơ: tất cả những người đàn bà đều phải cất tiếng ca hát! Không những thân thể họ y như nhau, vô dụng như nhau, không những thân thể họ là những bộ máy vô hồn như nhau – họ vui sướng với điều đó! Nỗi vui sướng của họ là nỗi vui sướng của kẻ không có tâm hồn. Họ vui vẻ thẳng tay ném tâm hồn họ xuống đất – họ ném đi cái tính tự mãn buồn cười, cái ảo giác có một không hai để trở thành giống hệt người bên cạnh. Tereza cùng ca hát với họ, nhưng cô không thấy vui sướng chút nào. Cô hát vì cô sợ lũ đàn bà kia sẽ xúm lại giết cô chết mất nếu cô cưỡng lại.
Nhưng sự việc Tomas giơ súng bắn hết người này đến người khác khiến họ lần lượt rơi tõm xuống hồ bơi có ý nghĩa gì?
Đám đàn bà sung sướng vì giống nhau, vì không có gì khác biệt trên thân thể họ. Thật ra họ đang ăn mừng cái chết đang chậm chạp tiến đến, cái chết khiến sự đồng dạng trở nên tuyệt đối. Vì thế, sự sung sướng cứ thế dâng lên theo mỗi tiếng súng Tomas bắn ra, dần đến cực điểm trong cuộc diễn hành bệnh họan. Mỗi lần súng nổ, họ lại phá lên cười sung sướng, và mỗi lần có xác người rơi ngã xuống hồ họ lại gân cổ ca hát lớn hơn.
Nhưng tại sao Tomas là người cầm súng bắn? Tại sao anh lại bắn Tereza và những người đàn bà khác?
Vì anh là người xô đẩy cô và lũ đàn bà đó. Giấc mơ của Tereza cho Tomas biết như thế, nó mở ra cho anh thấy điều cô muốn nói mà không nói được. Cô đến với anh để thoát khỏi thế giới của mẹ cô, thế giới trong đó mọi thân xác bình đẳng và giống hệt như nhau. Cô đến với anh mong mỏi trở thành thân xác độc nhất, có một không hai trên cõi đời này và không sao thay thế. Nhưng chính anh đã vẽ dấu bằng giữa cô và những người đàn bà khác: anh hôn mọi người đàn bà như nhau, anh vuốt ve họ như nhau, anh tuyệt đối không thấy khác biệt giữa thân xác cô và những thân xác khác. Anh đẩy cô tụt về thế giới cô cố sức thoát li, anh đẩy cô bước ra trần truồng diễn hành với những người đàn bà trần truồng khác.
16
Những giấc mơ tuần tự tiếp diễn: giấc thứ nhất cô thấy lũ mèo điên, chúng tượng trưng cho những đau đớn cô trải qua trong đời; giấc thứ hai hình ảnh cô bị hành quyết, nó thay đổi luôn; giấc thứ ba hình ảnh cô sau khi chết, khi nhục nhã như rơi vào trạng thái bất tận.
Chúng ta chẳng cần bận tâm giải đoán những giấc mộng này của Tereza. Chúng nhắm vào Tomas rõ rệt đến nỗi phản ứng duy nhất anh làm được sau đó là gục mặt xuống, hai tay xoa nhẹ lên tay Tereza và miệng không thốt được tiếng nào.
Những giấc mơ mang ý nghĩa tàn bạo nhưng cũng thật diễm lệ. Về điểm này, dường như cô muốn vượt khỏi lí thuyết của Freud về mộng mị. Nằm mơ không hẳn chỉ là hành vi truyền giao cách cảm (hay truyền giao ẩn mật, nếu bạn muốn nói như thế); nó còn là sinh họat thẫm mỹ, là trò chơi của trí tưởng tượng, trò chơi có giá trị trong chính nó. Những giấc mơ – về những sự kiện vị lai – chứng tỏ trí tưởng tượng là nhu cầu sâu thẳm nhất của con người. Điều nguy hiểm nằm nơi đó. Chúng ta mau chóng quên ngay những giấc mơ không đẹp. Nhưng vì giấc mơ của Tereza tái diễn năm này tháng nọ, nó trở thành truyền thuyết, thành truyện hoang đường và Tomas sống dưới lời nguyền rủa trù yểm bởi nét đẹp day dứt khôn nguôi của giấc mơ đó.
“Hỡi Tereza yêu quý, hỡi Tereza thân ái ơi! Tôi đang bị tội tình gì đây?” Có lần Tomas nói với Tereza như vậy trong lúc hai người ngồi đối mặt nhau trong quán rượu. “Đêm đêm em cứ mơ thấy cái chết như thể em thật tình mong muốn từ giã cõi đời này...”
Lúc đó là ban ngày, lúc lí lẽ cùng ý chí đều vô cùng vững chãi. Một giọt rượu màu đỏ au đang từ từ lăn xuống thành li, Tereza trả lời anh, “Em không làm được gì cả, Tomas ạ. Ồ, em hiểu chứ. Em biết anh yêu em. Em biết tính trăng hoa của anh chẳng bao giờ gây chuyện đau buồn lớn lao cho chúng mình...”
Cô nhìn Tomas với nỗi thương yêu tràn đầy trong khóe mắt, nhưng cô sợ hãi đêm tối trước mặt, cô sợ hãi những giấc mơ đang đón chờ cô trong bóng đêm. Đời sống cô bị xé toạc ra thành hai mảnh. Đêm và ngày cứ thế chống chọi nhau mãnh liệt.
17
Bất cứ ai có ý định muốn vươn lên tới “cái gì cao hơn” đều phải tiên liệu ngày nào đó sẽ mắc phải căn bệnh sợ hãi độ cao. Bệnh sợ hãi độ cao là gì? Là nỗi sợ hãi khi đứng trên cao? Nhưng tại sao chúng ta vẫn thấy sợ hãi dù trên đài quan sát chúng ta đang đứng có tay cầm chắc chắn? Không, bệnh sợ hãi độ cao là cái gì khác với tính sợ hãi khoảng cao. Nó là tiếng kêu của khoảng không trống trải bên dưới. Nó dụ dỗ, đánh lừa chúng ta. Chính ý định muốn nhảy từ trên cao xuống khiến chúng ta sợ hãi và vì thế chúng ta cố sức loay hoay tìm cách tự vệ.
Những người đàn bà khỏa thân diễn hành quanh hồ bơi, những xác chết nằm trong xe tang vui sướng vì có Tereza cùng chết với họ – tất cả là những “cái gì từ bên dưới” Tereza không ngớt kinh khiếp và đã một lần trốn chạy trước đây nhưng, đầy bí ẩn, giờ đây chúng chường mặt ra đối đầu cô. Đây mới là căn bệnh sợ hãi khoảng cao của cô: lọt vào tai cô những tiếng gọi ngọt ngào (gần như vui sướng) kêu gọi cô hãy từ bỏ định mệnh, hãy gạt bỏ tâm hồn qua một bên. Sự cô độc vì không còn tâm hồn lớn tiến kêu gọi cô. Những khi yếu lòng, cô bị tiếng gọi đó mê hoặc và cô thấy mình sẵn sàng trở bước quay về. Cô sẵn sàng quay lưng lại đoàn thủy thủ tâm hồn trên boong con tàu thân thể; cô sẵn sàng tụt xuống, ngồi chung chạ cười đùa với đám bạn bè mẹ cô; cô sẵn sàng diễn hành quanh bờ hồ cùng với họ, thân thể trần truồng và miệng vui sướng hát ca.
18
Đúng, Tereza chiến đấu với mẹ cô cho đến ngày cô bỏ nhà ra đi, nhưng chúng ta đừng quên cô không ghét bỏ bà. Giá mẹ cô nói với cô bằng giọng nói nhu mì, êm ái chắc cô đã sẵn sàng gánh vác bất cứ chuyện gì bà mong muốn. Cô có sức mạnh thoát li khỏi gia đình chỉ vì cô không bao giờ được nghe giọng nói như thế từ miệng bà. Khi nhận ra thái độ hung tợn của mình không chút ảnh hưởng gì lên đứa con gái, bà bắt đầu viết cho Tereza những lá thư với giọng điệu oán trách, than van. Bà than thở về gia đình, việc làm, sức khỏe. Bà làm như chỉ có Tereza mới là người thân trong cuộc đời bà. Tereza có cảm tưởng cuối cùng cô nghe được tiếng nói yêu thương của bà, và cô nảy ý định muốn quay về. Hơn thế nữa, cô muốn quay về vì cô quá mệt mỏi, quá suy yếu bởi tính trăng hoa, phóng đãng của Tomas. Cô thấy rõ sự bất lực của mình phơi bày ra, cô bị dụ vào căn bệnh sợ hãi độ cao, và cô không sao thoát khỏi cám dỗ muốn rơi ngã xuống,
Một hôm mẹ cô gọi dây nói cho biết bà bị ung thư và chỉ còn sống thêm vài tháng. Tereza trở nên tuyệt vọng đến cùng cực. Cô tự trách mắng mình đã bỏ mẹ đi theo người đàn ông chẳng yêu thương gì mình. Cô sẵn sàng tha thứ tất cả mọi lỗi lầm của bà trong quá khứ. Giờ đây cô có thể hiểu mẹ cô hơn. Hai người cùng lâm vào hai hoàn cảnh tương tự: mẹ cô yêu thương người cha ghẻ cô, cô cũng yêu thương Tomas, và người cha ghẻ hành hạ mẹ cô thế nào Tomas hành hạ cô thế nấy. Mẹ cô trở thành người đàn bà ác độc chỉ vì bà chịu đựng biết bao nỗi đắng cay như vậy trong đời bà.
Tereza cho Tomas hay tin mẹ cô lâm trọng bệnh, và cô dự định xin nghỉ làm một tuần lễ về thăm nhà. Giọng cô đầy tủi hờn, oán trách.
Tomas không đồng ý cho Tereza về thăm mẹ vì anh linh cảm lí do cô quay về chính là căn bệnh sợ hãi độ cao. Anh gọi dây nói xuống bệnh viện tỉnh lị nơi bà mẹ Tereza cư ngụ. Hồ sơ các ca bệnh ung thư được lưu trữ cẩn thận khắp nơi trong nước nên Tomas tìm ra ngay sự thật bà mẹ Tereza chẳng bị ung thư gì, bà cũng không hề đi khám bệnh trên năm trời nay.
Tereza nghe lời Tomas không về nhà thăm mẹ nữa. Vài tiếng đồng hồ sau khi quyết định, cô ra đường và tự làm ngã đến bị thương đầu gối. Cô bắt đầu đi đứng khó khăn, hôm nào cũng té ngã, va chạm bàn ghế, đồ đạc trong nhà, khá lắm là đánh rơi món đồ cầm trên tay.
Cô bị kẹt cứng giữa gọng kiềm của cơn bệnh muốn rơi ngã xuống. Cô sống thường trực với căn bệnh sợ hãi độ cao.
“Hãy đỡ tôi lên!” Đó là tiếng kêu cứu của kẻ đang rơi ngã. Và mỗi lần cô rơi xuống Tomas vẫn kiên nhẫn đưa tay kéo cô lên.
19
“Em muốn làm tình với anh ngay tại phòng vẽ của em. Giường hai ta nằm trông như bục sân khấu có người ngồi chung quanh. Khán giả không được lại gần nhưng họ không thể rời mắt...”
Thời gian trôi qua, hình ảnh này mất dần đi ý nghĩa tàn bạo và nó trở thành nguyên do dễ gây kích động trong lòng Tereza. Cô hay ghé tai Tomas thầm thì những câu như vậy trong lúc hai người làm tình.
Cô bỗng nảy ra ý nghĩ trong đầu rất có thể có con đường giúp cô tránh khỏi bản án buộc tội Tomas vì tính trăng hoa, phóng đãng của anh: chỉ cần Tomas dẫn cô theo, dẫn cô theo khi anh đến nhà các cô tình nhân của anh! Có lẽ, chỉ lúc đó thân xác cô mới vươn cao hơn các thân xác khác. Thân xác cô sẽ biến thành phần hai của Tomas, thành người phụ tá cho anh, người tri kỉ của anh.
“Em cởi quần áo cô nàng, tắm rửa sạch sẽ rồi đem đến dâng lên anh...” Cô thầm thì bên tai anh những lời như thế trong lúc thân thể hai người ép sát nhau. Cô khao khát hòa nhập vào Tomas thành cái gì độc nhất để thân xác những người đàn bà khác biến thành đồ chơi của hai người.