Đời nhẹ khôn kham - Phần V - Chương 1

PHẦN NĂM

Nặng và nhẹ

1

Như tôi thuật ở phần một, ngay hôm Tereza đột ngột đến thăm Tomas ở Praha, hay đúng hơn giây phút đầu tiên gặp gỡ, anh đã làm tình với cô. Nhưng sau đó cô lên cơn sốt nặng. Lúc cô nằng trên giường anh đứng bên cạnh nhìn cô, anh không sao gạt bỏ được ý nghĩ cô là đứa trẻ ai đó đặt trong chiếc thúng cói rồi đẩy xuống dòng nước trôi giạt đến chân anh.

Từ lúc đó anh thấy lòng mình yêu mến lạ lùng hình ảnh đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi, và anh thường liên hệ tới những huyền thọai cổ. Hiển nhiên, với ý tưởng đó trong đầu anh đi mua bản dịch quyển Oedipus của Sophocles.

Không ai không biết truyệnOedipus: bị bỏ rơi khi mới lọt lòng, chàng được vua Polybus đem về nuôi nấng. Một hôm, khi đã khôn lớn, chàng chạm trán một nhân vật quý phái cưỡi ngựa trên núi. Đôi bên đi đến chỗ gây gổ và Oedipus giết chết nhân vật nọ. Về sau chàng lấy hoàng hậu Jocasta làm vợ và trở thành chúa tể Thebes. Chàng không biết người chàng giết chết trên núi chính là cha chàng và người đàn bà chàng ngủ chung hàng đêm là mẹ chàng. Trong lúc đó, định mệnh giáng xuống thần dân chàng trận dịch tai ương khủng khiếp. Khi Oedipus biết ra chính mình là nguyên nhân nỗi thống khổ của thần dần, chàng tự chọc mù hai mắt rồi bỏ thành Thebes ra đi.

2

Người nhận định các chế độ Cộng sản ở Trung Âu đơn thuần chỉ là những tổ chức ăn cướp, người đó không nhìn ra sự thật hết sức cơ bản: bọn cầm đầu các chế độ ăn cướp đó không phải là bọn cướp. Chúng là những kẻ tin tưởng nhiệt thành vào niềm tin chúng tìm ra con đường duy nhất đưa con người đến Thiên đàng. Chúng kiên quyết bênh vực con đường đó, kiên quyết đến nỗi không ngần ngại giết hại biết bao nhiêu mạng người. Dần dà về sau, khi Thiên đàng chỉ là ảo vọng, bọn người nhiệt tâm kia biến thành lũ sát nhân.

Đến lúc đó, mọi người đồng loạt lên án Cộng sản: Chính các ông đã đưa đất nước đến chỗ khốn cùng (càng ngày càng nghèo đói và lạc hậu); chính các ông đã làm mất nước (quốc gia rơi vào tay người Nga); chính các ông đã dung túng lũ sát nhân hợp pháp kia!

Những kẻ bị kết tội chống cự lại: Nào chúng tôi có hay biết gì đâu! Chúng tôi bị lừa gạt! Chúng tôi đầy lòng tin chân thành! Tận sâu trong tâm khảm chúng tôi là những người vô tội!

Cuối cùng, cuộc cãi vã thu hẹp lại còn câu hỏi duy nhất: Có thật họ không hề hay biết hay chỉ cố tình lấp liếm che đậy tội lỗi?

Tomas (cũng như mười triệu người dân Tiệp Khắc) theo dõi thật sát cuộc tranh luận, và anh có ý kiến riêng. Anh nghĩ chắc chắn phải có những người Cộng sản biết rất rõ về những tội ác xảy ra (làm sao họ không biết những tội ác kinh khủng xảy ra và vẫn đang tiếp diễn trong thời hậu cách mạng ở Nga), nhưng có lẽ phần lớn những người Cộng sản khác không hay biết gì.

Nhưng, anh nói với chính mình, dù họ biết hay không, vấn đề chính đặt ra ở đây là người không biết có tội hay vô tội? Thằng khùng ngồi trên ngai vàng được tha thứ chỉ vì hắn là thằng khùng?

Chúng ta thử nêu trường hợp như sau: Thời gian đầu thập kỷ 50, công tố viên Tiệp Khắc đòi lên án tử hình một người dân vô tội vì ông biện lí bị mật thám Nga và chính nhà nước Tiệp lừa gạt. Nhưng giờ đây tất cả chúng ta đều biết rõ lời cáo buộc đó thật ra phi lí và người dân vô tội kia chết oan, nhưng thử hỏi ông biện lí đó làm sao có thể tự biện minh cho lòng thanh khiết của mình bằng cách đấm tay lên ngực và cất tiếng than van, “Lương tâm tôi trong sạch! Tôi không biết! Tôi chỉ là người có lòng tin!” Phải chăng chính cái “Tôi không biết! Tôi chỉ là người có lòng tin!” của ông ta là căn nguyên tội lỗi không sao cứu vãn.

Tomas liên tưởng đến huyền thọai Oedipus: Oedipus không biết chàng ngủ với chính mẹ chàng, tuy vậy khi biết ra sự thật, chàng không thấy mình vô tội. Không ngăn được nỗi cắn rứt khi nhìn cảnh tang thương do cái “không biết” của mình đem lại, chàng tự chọc mù hai mắt rồi bỏ thành Thebes ra đi.

Khi Tomas nghe người Cộng sản lớn tiếng biện minh cho lòng thanh khiết của họ, anh nhủ thầm, chỉ vì cái “không biết” của bọn các ông, đất nước này mất tự do, có lẽ cả thế kỷ, vậy mà các ông bảo các ông vô tội ư? Lương tâm các ông không bị cắn rứt khi nhìn cảnh đất nước tang thương hôm nay do chính bàn tay các ông gây nên sao? Các ông không thấy kinh hoàng à? Các ông mù mắt cả rồi ư? Nếu chưa mù, các ông nên tự móc mắt mình rồi bỏ Thebes mà đi cho khuất!

Anh đắc ý với sự so sánh đó lắm và anh thường đem ra chia sẻ với bằng hữu chung quanh. Càng ngày ý tưởng anh trình bày càng chuẩn xác và chuốt lọc.

Cũng như tất cả các thành phần trí thức khác lúc đó, anh thường xuyên theo dõi tờ báo tuần do hội Nhà văn Tiệp ấn hành mỗi kì ba trăm ngàn số. Tờ báo khá độc lập và nêu những vấn đề bị xem là cấm kỵ. Chính tờ báo đã đưa ra câu hỏi ai là người gánh chịu mọi tội lỗi của những kẻ sát nhân hợp pháp do hậu quả những phiên tòa chính trị trong thời kì đảng Cộng sản mới nắm chính quyền.

Tờ báo chỉ lập lại câu hỏi: Những người Cộng sản biết hay không biết? Tomas thấy câu hỏi này không đáng bàn tới, vì thế một hôm anh bỏ ra cả ngày trời cặm cụi viết xuống những ý tưởng anh ấp ủ bấy lâu và gửi bài viết đến tờ báo. Một tháng sau anh nhận được thư phúc đáp: họ mời anh đến tòa soạn. Tổng biên tập tờ báo người thấp bé nhưng thẳng băng như cây thước kẻ. Ông đề nghị Tomas thay đổi vị trí đôi ba từ ngữ trong một câu văn. Sau đó ít hôm, bài báo xuất hiện – trên trang áp chót, trong mục Thư Bạn Đọc.

Tomas chẳng thấy vui lòng chút nào. Họ bỏ thì giờ mời anh đến tòa soạn xin anh ưng thuận thay đổi vị trí đôi ba từ ngữ trong một câu văn, nhưng rồi không cần biết anh ưng chịu hay không, họ tự tiện cắt bỏ bài viết đến nỗi nội dung giảm xuống chỉ còn cái sườn căn bản (khiến bài viết trở nên giản lược và mang giọng điệu gây hấn.) Anh chán nản, không thèm để tâm đến nữa.

Chuyện đó xảy ra vào mùa Xuân 1968. Alexander Dubcek còn tại chức cùng những người Cộng sản thấy mình có tội và sẵn sàng làm điều gì đó để chuộc lại mọi lỗi lầm quá khứ. Nhưng những người Cộng sản khác, những người vẫn gào thét tự xưng là vô tội, sợ bị đem ra trừng trị trước pháp luật nếu toàn dân có ngày nổi cơn phẫn uất, hằng ngày họ đến cầu khẩn tòa đại sứ Nga mong người Nga can thiệp. Khi lá thư Tomas xuất hiện trên mặt báo, họ hô hoán: Đó, thấy chưa! Bây giờ họ còn đòi chúng tôi phải tự móc mắt ra!

Hai ba tháng sau, người Nga quyết định phải chấm dứt trò tự do ngôn luận này trong hệ thống cai trị của họ, và một đêm họ xua quân sang đánh chiếm quê hương Tomas.

3

Khi Tomas từ Zurich về Praha, anh vẫn làm việc như cũ trong bênh viện. Một hôm ông bác sĩ trưởng khoa phẫu thuật gọi anh vào phòng nói chuyện.

Ông bảo anh, “Cả anh lẫn tôi đều biết rõ anh không phải là nhà văn, cũng chẳng phải nhà báo hay người đứng lên cứu nguy đất nước. Anh là một y sĩ, một nhà khoa học. Tôi buồn lắm nếu mất anh và tôi sẽ làm bất cứ điều gì trong phạm vi khả năng của tôi để giữ anh lại đây. Nhưng anh phải lên tiếng phủ nhận bài báo anh viết về Oedipus. Với anh điều đó có ý nghĩa trọng đại lắm không?”

“Nói thật với ông, tôi thấy nó hết sức trọng đại.” Tomas vừa trả lời vừa nhớ lại bài viết của mình bị cắt bỏ cả một phần ba như thế nào.

“Anh biết chuyện bất tường sẽ xảy đến cho anh nếu anh không khứng chịu?”

Anh biết chứ. Đem hai sự việc đặt lên cán cân: một bên là danh dự (anh từ chối không chịu rút lại lời nói) và một bên là ý nghĩa đời sống (công việc anh đang làm trong ngành y tế.)

Ông bác sĩ trưởng nói tiếp: “Áp lực bắt người ta phải phủ nhận câu nói tuyên bố trong quá khứ – nghe như đang ở thời Trung cổ. Nhưng ‘phủ nhận’ điều mình nói nghĩa là gì? Làm sao người ta có thể biện minh một cách rạch ròi điều mình nói lúc trước bây giờ lại không còn giá trị gì nữa? Thời nay, ý tưởng chỉ có thể bị bác bỏ chứ không thể phủ nhận. Và bởi lẽ chúng ta không thể phủ nhận một ý tưởng, tôi thiết tưởng anh nên làm vừa lòng họ. Trong một xã hội cai trị bằng bạo lực, không ai thèm quan tâm đến một câu nói. Toàn những lời tuyên bố bị ép buộc, và những người dân lương thiện đều phải có bổn phận gác bỏ ngoài tai những lời nói đó. Để kết luận, tôi mong anh nghĩ đến tôi, đến những bệnh nhân mà ở lại với chúng tôi.”

“Ông nói rất đúng, tôi biết chắc như vậy.” Mặt Tomas bỗng buồn rười rượi.

“Nhưng?” Ông y sĩ trưởng cố dò xét ý nghĩ của anh.

“Tôi sợ không nhìn được mặt ai.”

“Không nhìn được mặt ai? Anh coi trọng đồng nghiệp anh đến nỗi anh sợ họ nghĩ gì về anh à?”

“Không, tôi chẳng coi trọng họ đến mức đó đâu.” Tomas trả lời.

“À, nhân tiện nói anh rõ, anh không phải công khai lên tiếng. Họ đảm bảo với tôi như thế. Họ quan liêu lắm. Họ chỉ cần nắm tờ giấy trong hồ sơ chứng nhận anh không chống chế độ để phòng ngừa trường hợp có kẻ báng bổ chỉ trích họ cho phép anh làm việc trong bệnh viện. Họ hứa không để lọt ra ngoài. Họ không có ý đồ phổ biến một chữ một lời nào.”

“Ông cho tôi một tuần lễ để suy nghĩ.” Tomas trả lời và câu chuyện tạm yên.

4

Trong bệnh viện, Tomas được xem là bác sĩ giỏi nhất khoa phẫu thuật. Có lời đồn đại ông bác sĩ trưởng sắp đến tuổi về hưu và anh sẽ được cất nhắc lên thế chỗ. Khi lời đồn đó cộng với lời đồn anh bị nhà nước yêu cầu tự kiểm thảo, mọi người chắc mẩm anh sẽ ngoan ngoãn vâng lời thôi.

Đó là điều thứ nhất đập vào anh: mặc dù anh chưa bao giờ phạm điều gì khiến người khác phải nghi ngờ lòng liêm khiết của anh, nhưng anh thấy người ta sẵn sàng nghĩ xấu về anh thay vì bênh vực.

Điều thứ hai là phản ứng của họ về vị thế họ đang gán cho anh. Tôi có thể chia thành hai loại phản ứng cơ bản:

Phản ứng thứ nhất đến từ những người mà chính họ (hoặc những người thân quen) từng có hành động phủ nhận như vậy. Họ là người bị ép buộc phải công khai sống chung hòa bình với chế độ hay đang chuẩn bị sống như thế (bị ép buộc, dĩ nhiên – có ai tự ý đâu.)

Những người này bắt đầu nhìn anh với nụ cười khó hiểu trên môi, nụ cười trước đây anh chưa từng trông thấy bao giờ: nụ cười ngượng ngùng như thể trong bụng họ đang toan tính chuyện đồng lõa bí mật nào đó. Nụ cười của hai người đàn ông tình cờ gặp nhau trong nhà thổ: cả hai ngượng ngùng trơ trẽn như nhau, nhưng cùng lúc lại thấy đỡ khổ vì dù sao đó là tội lỗi chung, người kia như mình thôi chứ có khá hơn chút nào đâu, và mối dây thân mật tình huynh đệ bỗng dưng nẩy nở giữa hai người.

Nụ cười còn hàm chứa niềm tự mãn vì Tomas xưa nay nổi tiếng là người cứng cỏi, ít chịu giam mình vào khuôn phép. Họ xem sự việc anh chấp thuận lời đề nghị của ông y sĩ trưởng là bằng chứng xác thực cho lòng hèn hạ đang dần dà nhưng vô cùng chắn chắn trở thành cái gì bình thường trong tư cách con người Tomas và chẳng bao lâu nó sẽ thay thế những điều cao đẹp họ vẫn nghĩ về anh. Anh không bao giờ xem bọn này là bạn hữu, và anh cảm thấy thất đảm khi nghĩ giả như anh khứng chịu lời yêu cầu của ông y sĩ trưởng, họ sẽ bắt đầu mời mọc anh đến nhà ăn uống và nghiễm nhiên anh trở thành bạn bè thân quen trong đám họ.

Phản ứng thứ hai đến từ những người mà chính họ (hoặc những người thân quen) từng bị kết án. Có người không chịu cộng tác với nhà nước, có người tự tin họ sẽ không bao giờ thỏa hiệp (như kí tên vào bản văn kiện đầu hàng) mặc dù không ai yêu cầu họ phải thi hành điều đó (thí dụ, họ còn quá trẻ để bị dính líu nhiều.)

Một hôm, bác sĩ S., một bác sĩ trẻ tuổi nhưng có tài, chận hỏi Tomas, “Thế nào? Anh viết thư cho họ chưa?”

“Cậu đang nói trăng nói cuội gì đấy?” Tomas hỏi lại.

“Việc gì anh phải trả lời tôi như vậy, chuyện anh định rút lại lời tuyên bố trước đây...” Giọng anh ta không chút ác ý. Trên miệng còn điểm nụ cười. Lại thêm một nụ cười hợm hĩnh đắc chí.

“Cậu biết gì về lời tuyên bố của tôi?” Tomas hỏi lại. “Cậu đọc nó chưa?”

“Chưa.” S. trả lời.

“Vậy thì cậu đang bép xép chuyện gì đây?”

Vẫn hiu hiu đắc chí, vẫn nụ cười nửa miệng trên môi, S. trả lời, “Này, chúng tôi biết cả đấy. Anh kèm nó trong lá thư gửi lên ông y sĩ trưởng hay ông bộ trưởng nào đó. Rồi họ hứa với anh họ không tiết lộ ra ngoài để anh khỏi mất mặt. Có đúng như thế không?”

Tomas nhún vai để S. nói tiếp.

“Nhưng mặc dù bản văn có chữ kí nào đó được cất giữ thật kĩ lưỡng, người kí tên thừa biết bất cứ lúc nào nó cũng có thể bị công khai hóa. Vì thế từ giờ phút đó trở đi, anh ta sẽ không bao giờ dám hở miệng chỉ trích ai, không bao giờ dám có thái độ chống đối dù chỉ là chống đối lấy lệ. Hở ra một chút bản văn lập tức xuất hiện trên mặt báo, tên tuổi người kí tên sẽ bị bôi nhọ và rao truyền khắp nơi. Nhưng nhìn chung, cách đó có lẽ lại hay. Người ta còn tưởng tượng ra những điều độc hại hơn thế nhiều.”

“Vâng, cách đó hay lắm.” Tomas trả lời, “Nhưng xin cậu cho tôi biết ai là người gieo vào đầu óc cậu tư tưởng tôi sẽ khứng chịu trong chuyện này?”

S. nhún vai, nhưng nụ cười vẫn không tắt.

Đột nhiên Tomas nhận ra hiện tượng vô cùng lạ lùng: những người chung quanh ai nấy nhìn anh mỉm cười, mọi người đồng loạt muốn anh kí tên; điều đó làm họ vui sướng hả hê vô cùng! Hạng người với phản ứng thứ nhất vui sướng vì lòng hèn nhát được thổi phồng, và nhờ đó họ thấy tác phong họ lúc trước rất thông thường, chẳng có chi đáng trách và danh dự họ sẽ được phục hồi. Hạng người với phản ứng thứ hai mặc dù tự xem danh dự mỗi cá nhân là đặc quyền bất khả quy thuận, nhưng họ bí mật cưu mang tình thương cho những ai hèn nhát, bởi cõi đời này nếu không còn kẻ hèn nhát nữa thì lòng can đảm của họ chẳng bao lâu sẽ bị bào mòn thành cái gì tầm thường buồn tẻ, hết được ngưỡng mộ, tôn sùng.

Tomas chịu đựng hết nổi những nụ cười. Anh có cảm tưởng đâu đâu anh cũng thấy người ta cười vào mặt anh, ngay cả những người lạ mặt gặp trên hè phố. Anh bắt đầu mất ngủ. Lẽ nào? Có thật anh xem trọng những người này đến vậy sao? Không. Anh thấy họ chẳng có gì tốt lành đáng nói và anh giận dữ với chính anh đã để những cái liếc xéo kia làm anh điên đảo. Thật phi lí. Một mặt anh xem thường họ nhưng mặt khác anh lại bị ảnh hưởng quá nhiều từ những gì họ nghĩ về anh.

Có lẽ mối nghi hoặc vốn ăn sâu trong lòng anh về con người (không cho phép ai có quyền áp đặt lên định mệnh hay thẩm định con người anh) đã góp phần trong việc anh chọn lựa nghề nghiệp, làm nghề gì không phải ra đứng trước đám đông. Người chọn nghề chính trị là người tự nguyện dùng công chúng làm thẩm phán đánh giá con người mình với niềm tin ngây ngô mình sẽ được đám đông yêu chuộng. Nếu đám đông quần chúng kia biểu lộ lòng bất mãn, ông ta như bị khích động phải thực hiện những điều to tát tốt đẹp hơn, giống như Tomas hăm hở khi gặp ca bệnh khó khăn hiểm nghèo.

Y sĩ (khác với nhà chính trị hay người diễn viên) chỉ phải đối diện với bệnh nhân và những đồng nghiệp ngay bên cạnh mình, điều đó có nghĩa là, đằng sau cánh cửa khép kín, chỉ có quan hệ giữa người và người. Giờ đây phải đối diện với những cái nhìn phê phán, Tomas lập tức phản ứng với ánh mắt mình, để giải thích hay biện minh. (Lần đầu tiên trong đời) Tomas rơi vào cảnh huống mà những cái nhìn ập vào anh nhiều đến nỗi anh không sao ghi nhớ hết. Dù bằng ánh mắt nhìn ngược lại hay bằng ngôn từ, anh hoàn toàn bất lực. Vận mệnh anh nằm trong tay mọi người. Người ta xì xào cả trong lẫn ngoài bệnh viện (đó là thời điểm tin tức về những ai phản bội, ai rút lui, ai ra cộng tác, tràn ngập kinh thành Praha nơm nớp âu lo với tốc độ chớp nhoáng đến kì quặc của bức điện tín khẩn); và mặc dù biết vậy anh bó tay, không làm được điều gì. Anh ngạc nhiên khi thấy mình phải chịu đựng nhiều đến vậy. Anh không hiểu cái gì khiến anh hoảng sợ đến mức đó. Người đời chú ý đến anh lẽ ra chỉ gây khó chịu chút đỉnh như lúc bị kẹt giữa đám đông chen lấn hay như có đêm bị ác mộng vật vã xé áo xé quần.

Anh đến nói với ông y sĩ trưởng anh sẽ không viết một chữ nào.

Ông bắt tay anh chặt hơn bình thường, ông bảo ông đoán trước quyết định của anh.

“Có cách nào tôi vẫn ở lại bệnh viện mà không cần phải kí tên vào bản văn?” Tomas gợi ý ông y sĩ trưởng thử đưa ra biện pháp như toàn thể bác sĩ đồng nghiệp đe dọa từ chức nếu anh bị cách chức.

Nhưng các bác sĩ đồng nghiệp anh chẳng bao giờ mơ chuyện họ đồng loạt đe dọa từ chức và chỉ trong thời gian ngắn (ông y sĩ trưởng bắt tay anh chặt hơn cả lần trước – không khí nặng nề u ám suốt mấy ngày trời), anh bị đuổi khỏi bệnh viện.

5

Thọat tiên anh về làm việc tại một bệnh xá cách Praha chừng năm chục dặm. Anh đáp xe lửa đi làm mỗi ngày và tối nào về nhà anh cũng mệt nhòai. Một năm sau, anh xoay sở tìm được chỗ gần nhà hơn, ngay ngoại thành Praha nhưng anh phải chấp nhận công việc thấp kém hơn nhiều. Anh chỉ khám bệnh cho toa chứ không được phép hành nghề bác sĩ giải phẫu. Phòng đợi bệnh xá lúc nào cũng chật cứng, anh cố vừa vặn năm phút đồng hồ cho mỗi bệnh nhân; anh bảo họ uống bao nhiêu át-pi-rin, kí giấy xin nghỉ việc cho họ, xong giới thiệu họ đến bác sĩ chuyên khoa. Anh tự xem mình là công nhân viên nhiều hơn là bác sĩ.

Một hôm, lúc giờ tan việc, một gã đàn ông chạc năm mươi tuổi, nhân dáng bệ vệ vào tìm anh. Gã tự giới thiệu là người đại diện cho bộ Nội vụ rồi mời Tomas sang quán bên kia đường uống rượu.

Gã đàn ông gọi một chai rượu. “Tôi phải lái xe về nhà,” Tomas từ chối khéo. “Tôi sẽ bị tịch thu bằng lái nếu bị bắt.” Gã mỉm cười. “Bất kì chuyện gì xảy ra, anh chỉ việc đưa họ xem cái này.” Đoạn gã chìa ra tấm danh thiếp in tên họ (dĩ nhiên là bí danh của gã) và số điện thọai trên bộ.

Sau đó gã lên giọng thuyết giảng tràng giang đại hải nào là gã vô cùng thán phục tài năng Tomas, nào là trên bộ hết sức khổ tâm về chuyện một bác sĩ khoa phẫu thuật có tài như Tomas mà phải ra ngồi phát át-pi-rin tại một chẩn y viện xa xôi. Gã cố tình cho Tomas thấy mặc dù gã không thể đứng ra tuyên bố công khai, nhưng ngành công an không đồng ý với những biện pháp gắt gao như bứng các chuyên gia ra khỏi công việc của họ.

Đã lâu Tomas không nghe ai tâng bốc mình, anh lắng nghe gã đàn ông mập mạp nói chuyện, và anh ngạc nhiên vì những gì gã biết về nghề nghiệp anh đều chính xác và chi tiết. Thế mới biết khi được thổi phồng nịnh bợ chúng ta trở nên yếu đuối xiết bao! Tomas không sao phân biệt được đâu là chân và đâu là giả từ gã đàn ông.

Nhưng không phải chỉ có sự nịnh nọt giả dối. Quan trọng hơn, Tomas là người thiếu kinh nghiệm. Khi bạn ngồi mặt đối mặt với một nhân vật khả kính, vui vẻ, và lịch sự, bạn sẽ thấy rất khó khăn nếu phải tự nhắc nhở tất cả những gì ông ta nói đều sai sự thật, tất cả đều không chân thành. Để duy trì lòng trá ngụy (liền lạc, có hệ thống, không chút dao động) đòi hỏi người ta phải có nỗ lực phi thường và được huấn luyện kĩ lưỡng – nói cách khác, phải quen thẩm vấn kiểu công an. Tomas không có chút kinh nghiệm nào.

Gã đàn ông nói tiếp: “Chúng tôi biết anh có việc làm vị trí rất cao bên Zurich, và chúng tôi biết ơn anh đã quay về quê hương. Đó là hành vi cao cả. Anh ý thức được vị trí của anh ở đây.” Rồi gã nói thêm, như thể đang mắng nhiếc Tomas chuyện gì, “Nhưng vị trí của anh là nơi bàn mổ!”

“Tôi không chối cãi chuyện đó.” Tomas trả lời.

Sau một giây im lặng, gã đàn ông nói tiếp, giọng trầm xuống: “Vậy thì, hỡi ngài bác sĩ, có thật anh nghĩ những người Cộng sản nên tự móc mắt họ ra không? Anh, người đem sức khỏe đến cho không biết bao nhiêu con người?”

“Nhưng chuyện đó phi lí hết sức!” Tomas kêu lên bào chữa. “Tại sao ông không tìm đọc xem tôi viết cái gì?”

“Tôi đọc rồi.” Giọng gã bỗng trở nên cực kì bi thiết.

“Vậy, trong đó ông có thấy tôi viết người Cộng sản hãy tự móc mắt ra không?”

“Nhưng ai cũng hiểu như vậy.” Giọng gã càng lúc càng buồn bã.

“Nếu ông đọc từ đầu đến cuối bài viết khi chưa bị cắt xén, ông sẽ không nghĩ như vậy đâu. Bản in trên báo bị cắt bỏ đôi chút.”

“Cái gì?” Gã đàn ông ngồi bật dậy, tai vểnh lên. “Anh nói họ không đăng nguyên văn những gì anh viết à?”

“Họ cắt xén tùm lum.”

“Nhiều không?”

“Chừng một phần ba.”

Thái độ gã đàn ông xem chừng bất nhẫn thật. “Họ làm vậy không đúng đắn chút nào.”

Tomas nhún vai không nói gì.

“Lẽ ra anh phải phản đối, yêu cầu họ đính chính ngay!”

“Trước khi tôi kịp có thì giờ suy nghĩ về chuyện đó thì người Nga tràn sang. Lúc đó có ai rảnh rang đâu.”

“Nhưng anh đâu muốn thiên hạ nghĩ rằng anh, đường đường một bác sĩ, lại đòi tước đoạt quyền nhìn thấy ánh sáng của người khác.”

“Xin ông nghĩ kĩ giùm. Đó chỉ là lá thư độc giả, bị nhét vào tận trang cuối. Chẳng ai rỗi công đâu để ý đến nó ngoại trừ ban tham mưu tòa đại sứ Nga, vì đó là cái gì họ tìm kiếm.”

“Anh chớ nên nói vậy! Chớ bao giờ nghĩ vậy! Chính tôi từng nói chuyện với nhiều người đọc bài viết của anh và ai cũng tỏ ý ngạc nhiên khi biết anh là tác giả. Nhưng bây giờ anh nói tôi mới biết bài viết của anh bị sửa đổi, và tôi thấy có nhiều chuyện ăn khớp vào nhau. Họ có thuyết phục anh làm chuyện đó không?”

“Thuyết phục tôi viết bài báo? Không. Tôi tự ý viết và gửi đến họ.”

“Anh biết rõ những người ở đó không?”

“Người nào?”

“Người đã cho đăng bài viết của anh.”

“Không.”

“Có nghĩa là anh không bao giờ nói chuyện với họ?”

“Họ có yêu cầu tôi đích thân đến tòa soạn một lần duy nhất.”

“Tại sao?”

“Về bài viết.”

“Anh nói chuyện với những ai?”

“Một trong những biên tập viên.”

“Tên ông ta là gì?”

Mãi đến lúc đó Tomas mới nhận ra anh đang bị thẩm vấn. Ngay lập tức anh biết mỗi lời anh nói ra đều có thể gây rắc rối nguy hiểm đến người nào đó. Anh nhớ tên người biên tập tờ báo nhưng chối phăng: “Tôi không nhớ tên ông ta là gì.”

“Này, này.” Giọng gã đàn ông bỗng nhiên đầy bực tức. “Anh đừng bảo tôi ông ta không tự giới thiệu!”

Thật là bi hài, sự việc chúng ta được nuôi nấng dậy dỗ tử tế lại là đồng minh đắc lực của công an. Chúng ta không biết nói dối. Mệnh lệnh từ các bậc cha mẹ bề trên: “Hãy nói thật!” như tiếng trống đập vào tai thành thói quen tự động đến nỗi ngay cả không thành thật với gã công an chìm đang thẩm vấn cũng khiến chúng ta thấy xấu hổ ngượng ngùng. Thà lớn tiếng cãi cọ hay mắng chửi sỉ nhục (không hợp lí chút nào) còn dễ dàng hơn phải nói lời dối trá vào mặt hắn (điều duy nhất làm được.)

Khi gã đàn ông buộc lỗi Tomas thiếu thành thật, anh suýt chút nữa thấy mình có lỗi; phải khó khăn lắm anh mới vượt qua bức tường đạo đức để câu nói dối gọn gàng trôi chảy: “Tôi chắc ông ta có tự giới thiệu, nhưng vì không có chi đáng để ý nên tôi quên béng.”

“Tướng mạo ông ta ra sao?”

Người tiếp chuyện Tomas ở tòa báo dáng người thấp lùn, mái tóc màu nâu nhạt cắt ngắn. Dựa vào đó Tomas cố tình bịa ra hình ảnh hoàn toàn trái ngược: “Ông ta cao ráo, tóc đen, dài.”

“A, và cằm thì lớn.”

“Đúng đấy.”

“Lưng hơi gù.”

“Đúng.” Đến đây Tomas biết gã đàn ông đối diện anh đã phăng ra được một nhân vật nào đó. Tomas đang làm công tác điểm chỉ một người làm báo đáng thương, nhưng quan trọng hơn, dữ kiện anh đưa ra hoàn toàn sai lạc.

“Ông ta cần gặp anh để nói chuyện gì?”

“Chỉ để thay đổi vị trí một từ ngữ.”

Nghe như một cố gắng né tránh lố bịch tức cười. Một lần nữa, gã đàn ông như không dằn được bực tức vì Tomas không chịu nói sự thật: “Thọat đầu anh bảo tôi họ cắt xén cả một phần ba bài viết của anh, bây giờ anh bảo họ nói chuyện với anh chỉ để thay đổi vị trí một từ ngữ. Nghe có hợp lí không?”

Lần này Tomas trả lời không ngượng ngập, bởi điều anh nói hoàn toàn có thật. “Nghe không hợp lí chút nào, nhưng đó là sự thật.” Anh cười. “Họ xin phép tôi cho họ thay đổi vị trí từ ngữ trong một câu văn và rồi họ cắt xén một phần ba những gì tôi viết.”

Gã đàn ông lắc đầu như thể không hiểu nổi việc làm tắc trách như vậy. “Việc họ làm không đúng chút nào.”

Gã uống cạn li rượu rồi kết luận: “Bác sĩ, anh bị họ cho vào tròng, anh bị lợi dụng. Thật bất hạnh cho anh và cho các bệnh nhân của anh đã phải gánh chịu thiệt hại do việc họ gây ra. Chúng tôi hiểu rất rõ khả năng của anh. Để xem chúng tôi làm được những gì.”

Gã thân thiện bắt tay Tomas đoạn hai người từ giã.