Boris Pasternak, con người và tác phẩm - Phần II

16 BÀI THƠ CHỌN LỌC

THÁNG HAI

Tháng hai. Chấm mực, khóc than,

Viết về tháng Hai trong cơn nức nở

Khi ngoài kia bùn lầy gầm réo

Cháy lên đen thẫm sắc xuân

Thuê cỗ xe. Trả sáu hào

Qua tiếng chuông nguyện, tiếng bánh xe, lao vút

Đến nơi nào mực đen và nước mắt

Chìm đi trong vang dội cơn mưa rào

Đến nơi nào, như những trái lê đen cháy

Ngàn con quạ rụng từ trên cây

Xuống vũng nước, ráng nỗi buồn khô khốc

Vào sâu đáy mắt ai

Tuyết tan, đất lộ màu đen

Những tiếng kêu nát nhừ ngọn gió

Càng tình cờ lại càng chân thật

Những câu nức nở thành hình.

1912

HOÀNG HƯNG dịch.

KHU VƯỜN MƠ NGỦ

Khu vườn mơ ngủ tràn ngập những con cánh cam
Như trơ màu đồng đỏ của những chiếc hỏa lò

Những thế giới mãn khai, treo lơ lửng

Cùng tôi, cùng đôi chân mày bay vút lên của tôi

Và, như bước sang một niềm tin chưa từng nghe thấy

Tôi, trong đêm ấy, bước sang

Nơi một cây phong xám tả tơi

Treo ánh sáng ngoại vi của trăng

Nơi có một vuông ao, như một điều bí ẩn công nhiên

Nơi sóng vỗ bờ thì thầm với mọt gốc táo

Nơi khu vườn treo lơ lững như một túp nhà sàn trên cọc chống

Giữ vững bầu trời từ phía dưới.

1913

HOÀNG HƯNG – NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch.

GIẤC MƠ

Anh mơ thấy một mùa thu trong ánh sáng lờ mờ các vuông cửa kính

Bè bạn và em giữa đám vui ồn

Như một con chim ưng, quen săn máu tươi, từ các tầng mây lộng

Tim anh sà xuống đậu lòng tay em

Nhưng thời gian trôi, và già nua, nghễnh ngãng

Và ánh bình minh từ phía ngoài vườn

Vừa nhuốm bạc các khung cửa gỗ

Vừa dội lên ô kính những giọt lệ máu buổi thu phân

Nhưng thời gian trôi và già lão

Lụa bọc ghế rạn dần và rã như băng

Bất thần đang lớn tiếng, em nghẹn lời, im bặt

Và giấc mơ tắt lụi, như dư âm của tiếng chuông ngân

Anh bừng tỉnh - ánh rạng đông vừa le lói

Như mùa thu và gió lướt đi xa

Cuốn theo hàng bạch dương chạy ngang trời

Như trận mưa rơm sau chiếc xe bò kéo.

1913

HOÀNG HƯNG dịch

ĐÊM NGỘT NGẠT

Mưa lất phất – nhưng cỏ nằm trong cái túi gông tố

Không ngả nghiêng

Chỉ có bụi nuốt cơn mưa đóng thành viên

Sắt dưới dạng bột mịn

Ngôi làn không đợi sự chữa chạy

Hoa anh túc, như bất tỉnh, sâu thẳm

Và tiểu mạch cháy lên trong cơn sốt

Và trong cơn sốt nóng Thượng Đế để mê sảng

Trong cái mênh mông côi cút và thao thức

Ẩm ướt của toàn vũ trụ

Những tiếng rên chạy thoát thân tránh những tuần chay

Chạy theo sau chúng, bị mù vi dấu vết

Những cơn lốc, náu mình, trở nên ngắn đi

Những hạt mưa chênh chếch. Bên bờ giậu

Của những cây xanh ẩm ướt và gió xanh xao

Đang nổ ra một cuộc tranh cãi – tôi đứng lặng – về tôi!

Tôi cảm thấy nó sẽ vĩnh hằng.

Khu vườn biết nói, đang rung chuyển, đầy đe dọa

Nhưng đứng từ ngoài đường, đằng sau những lời lẽ

Người ta nhận thấy – chẳng còn chỗ lùi:

Của những cành cây và những cánh cửa – tôi bị che khuất.

Người ta sẽ trừ yểm mãi mãi, mãi mãi.

1917 – 1922

NGUYỄN ĐỨC LƯƠNG dịch

TUYỆT GIAO

(trích)

Chiếc dương cầm run rẩy liếm bọt trên đôi môi

Cơn mê sảng ấy sẽ quật ngã, phá hỏng em

Em sẽ nói: - Anh yêu! Không! tôi thét lên – không!

Trong tiếng nhạc ư? – Nhưng liệu có thể trở nên gần gũi hơn chăng

So với cảnh tranh tối tranh sáng, những hòa âm, như quyển nhật ký

Mong mỏi một lò sưởi với đầy đủ lệ bộ, hàng năm?

Ôi cách hiểu ngây thơ, hãy gật đầu đi

Hãy gật đầu đi, và em sẽ sửng sốt? – Em tự do

Tôi không giữ. Em đi đi, hãy làm việc thiện,

Hãy đến với những kẻ khác. Werlher (*) đã viết xong rồi

Con hiện thời cả không khí cũng nhuốm mùi chết chóc.

Mở cửa sổ ra cho mạch máu nới rộng thêm.

(*) Truyện tình lãng mạn của Goethe, được dựng thành nhạc kịch.

1918

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch.

Vừa thoáng qua đây một dấu móng tay đầy bí ẩn
“Khuya rồi, thôi anh ngủ; rạng ngày xem lại anh sẽ hiểu ra.
Còn từ giờ đến khi anh tỉnh giấc, em yêu,
Không ai được chạm vào em như anh chạm.”
Anh chạm vào em mãnh liệt sao! Ngay cả khi anh chạm cặp môi đồng
Em cũng xúc động như nhà hát lặng đi vì thiên bi kịch
Như mùa hạ nụ hôn anh. Cứ kéo dài, đà đặn
Mãi sau rồi mới nở thành giông.

Anh uống như chim trời. Nuốt đến ngất ngây,
Cứ thong thả những vì sao chảy qua cổ họng
Còn những chú họa mi mắt mở tròn, run rẩy
Từng giọt lần lần rút kiệt vòm đêm.

1918

HOÀNG HƯNG – NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch

BÃO BIỂN*

(Trích trường ca “Năm 1905”)

Mọi thứ đều làm anh (1) chán ngấy
Nhưng có điều trời sinh ra anh đâu phải để chịu cảnh nhàm chán kia.
Ngày tháng qua đi
Và năm tháng qua đi
Cả ngàn năm, ngàn năm dài đằng đẵng
Trong cái nóng triền miên của những đợt sóng.
Náu mình
Vào cái hương thơm cay nồng màu trắng của những hàng keo (2)
Chính anh,
Biển,
Anh mới có thể quét sạch những điều nhàm chán.
Anh trên đống lưới ngồn ngộn
Anh kêu kíu kíu
Liên hồi vui vẻ
Và, như một búp tóc sau tai,
Một tia nước khẽ cù vào sau bánh lái.
Anh đến nhà, chơi với đám trẻ con
Nhưng anh sẽ đáp lại
Bằng bão tố ghê gớm chưa từng thấy
Khi phương xa vẫy gọi anh về!
Khoảng mênh mông tiền - hồng - thủy (3)
Rít lên giận dữ, ngầu bọt và phát ra những âm thanh trầm hùng
Những đợt sóng băng băng
Lồng lộn như quỷ xa tăng
Vì cả một vực thẳm công việc.
Tất cả tản mác đi hết
Và rú lên theo từng kiểu riêng biệt và sẽ chết,
Và, xám đi vì bị ngầu bùn,
Đập vào những hàng cọc chống theo từng kiểu riêng biệt.

Sự đơn điệu
Của những sắc màu trộn lẫn vào nhau
Gạt về phía sau
Vẻ ngao ngán những cánh buồm
Và bức tường mưa rào nhích lại gần thêm
Và bầu trời mỗi lúc một sà thấp xuống
Và rơi chênh chếch
Và bay cuồng loạn
Và chạm vào đây như những con hải âu
Qua màn sương mù tích điện
Của những đám mây cuồng nộ
Một cách vụng về,
Khạng nạng, bò lê.
Lách vào bến cảng những con tàu.
Những ánh chớp chân xanh lè
Như những con nhái nhảy vào vũng nước
Những dây chão khẳng khiu
Vật vã
Tới lui (4).

Mọi thứ bắt đầu khịt mũi
Và cua cáy bò lên
Và hướng về phía trung tâm
Của vầng mặt trời nặng trĩu
Những ngọn ngưu bàng.
Và biển lao xao.
Cách xa Tendr (5) một dặm rưỡi
Ngọn núi xám của thiết giáp hạm
Lấp loáng
Những đốm nắng da cam.

Mặt trời đã lặn
Và bất thần
“Potemkin” bừng ánh điện.
Từ boong giữa đến nhà bếp
Ập đến cả một đạo quân ruồi.
Thịt đã thối…
Và bóng đèn đêm buông xuống.
Ánh sáng gắt gổng, trước lúc hoàng hôn
Và tắt vào hửng sáng.

Vô vàn
Những gợn sóng lăn tăn buổi ban mai
Lướt nhẹ
Như những lưỡi dao cạo bằng thủy ngân
Dưới chân cái khối đồ sộ
Và, từ trên cao nhìn xuống chúng,
Chiến hạm bắt đầu thở
Và sống lại.
Họ hát vang lời cầu nguyện
Họ bắt đầu cọ rửa sàn boong
Khiêng đổ xuống biển những mảnh ván
Đến bữa ăn họ không xuống bếp
Và lặng lẽ xơi
Bánh mì với nước lã.
Bỗng gầm lên đột ngột:
- Tất cả lên boong lái!
Đứng thành hàng!
Hai dãy! -
Và một kẻ mặc kitel
Mặt sạm đen bởi nắng gió
Hô to:
- Nghiêm!
Từ trên cầu chỉ huy
Dọa dẫm bảy trăm người (6).

- Bất bình ư?
Ai chịu ăn thì xuống nhà bếp,
Ai không muốn ăn – thì lên cái bục gỗ kia
Bước ra đi! -
Thủy thủ đoàn ồ lên một tiếng, rồi đứng im
Và bất thình lình, đồng loạt,
Giận dữ rời ngay chỗ đang đứng
Chạy ùa đến khẩu pháo.
- Đứng lại!
- Thôi đi, đủ rồi -
Gào to
Một môn đồ của xúp củ cải đỏ đã trở thành dã thú
Một số người đang chạy dừng phắt lại.
Hắn bắt đầu đứng chặn ngang:
- Lại mưu mô làm loạn?
Hắn hạ lệnh:
- Thủy thủ trưởng,
Mang vải bạt ra đây!
Trực ban, vây chúng lại! -
Những anh em còn lại,
Đứng dồn thành một đám bên bệ súng
Kinh hãi chờ cuộc hành binh
Sắp diễn ra.

Tim đập dồn dập
Và một con tim
Không chịu nổi cơn đau
Đã kêu lên:
- Anh em ơi!
Nỡ nào làm thế!
Rồi, vuốt lại tóc:
- Hãy nện chúng, anh em ơi, nện lũ đê tiện kia!
Cầm lấy vũ khí!
Tự do muôn năm!
Và tiếng chân lốp cốp bắt đầu
Chạy nhanh
Lao về phía đuôi tàu.

Cuộc nổi dậy đã bùng lên
Làm rung chuyển
Đến tận đỉnh cao của cột buồm chính
Và lan rộng,
Và cả nơi ấy
Đã vẽ nên một vòng cung
Bằng gậy gộc.
- Việc gì anh em chúng ta lại để chúng tháo chạy?
Đứng ngay lại, hỡi đồ đê tiện!
Ta sẽ thanh toán mày!

Đo - oa – oàng!...
Hai tay chới với
Và tiếng nổ vang lên giữa lúc kẻ kia đang chạy.

Đo - oa – oàng!...
Và đạn bắt đầu nhảy lên các boong tàu,
Từ trên các boong tàu,
Đo - oa – oàng!...
Trên mặt nước
Và đám sĩ quan đang bơi,
- Nó vẫn đang ở trên tàu?
Những tiếng nổ trong nước và trong không trung
- A ha!
Mày hóa thành dã thú trước những tiếng kêu ca? -
Những tiếng nổ, những tiếng nổ,
Tóm lấy giò quẳng ra ngoài tàu
Và cho hắn về với Hà bá.
Còn trong khoang máy mọi người quây quần
Chưa từng thấy gì đẹp hơn
Như công việc trên boong thượng
Khi, in bóng trên thành nồi súp de
Trên tấm lưới sắt bao bọc quanh máy,
Như một chàng khổng lồ,
Đi qua Matiusencô
Và, cúi xuống địa ngục,
Kêu to:
- Xtiopa!
- Ta đã chiếm được tàu!
Người thợ máy bước lên
Họ ôm nhau hôn
- Ta thử sống không cần vú em.
Hãy yên trí!
Ta luôn cảnh giác.
Còn những tàu khác, ta sẽ cho ăn đạn và ta sẽ bơi đi.
Mình đến gặp cậu có chuyện này, Xtiôpa ạ -
Anh thợ phụ của tàu ta thế nào?
- Cũng như cánh mình
- Tốt lắm
Cậu phái anh ta lên trên này với mình.

Một ngày qua đi
Trong bóng hoàng hôn
Chìm trong màn khói,
Người thủy thủ ấy nói vào loa với anh em:
- Nhổ neo! -
Giọng nói chìm trong sương
Thiết giáp hạm tiến về Odessa
Trên dãy núi khắc khổ (7)
Ánh lửu màu da cam
Rực sáng.

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch

* Pasternak tái tạo khá chuẩn xác các biến cố trên chiến hạm Potemkin vào ngày 27 tháng 6 năm 1905.

Chiều tối hôm đó, người ta mang khẩu phần ăn đến cho tàu – xúp củ cải nấu bằng thịt thối… Anh em binh sĩ phát giác được điều đó. Hôm sau, đến giờ ăn, thủy binh trên chiến hạm không chịu ăn xúp – họ chỉ ngồi nhai bánh mì với nước trà. Đúng lúc đó, một viên chỉ huy xuất hiện. Sau đó, chính viên thuyền trưởng cũng dẫn xác đến (“kẻ mặc Kitel, da sạm đen vì nắng gió”). Chúng ra lệnh tập hợp anh em thủy binh trên tàu lại và hạ lệnh: “Ai muốn xin lỗi – hãy ra khỏi hàng, tập trung lại bệ khẩu pháo 12 đium.” Lúc đầu, không ai nhúc nhích. Nhưng khi gọi bọn trực ban đến, anh em thủy binh bắt đầu chạy đến chỗ quy định. Khi chỉ còn lại 30 người, viên chỉ huy đứng ra cản đường, ngăn không cho chạy tiếp nữa. Bọn trực ban trói số người còn lại, trùm một tấm vải bạt lớn lên đầu họ. Ai cũng biết rõ bọn chỉ huy đang muốn xử bắn số người này. Viên chỉ huy hô: “Bắn!” Một người trong đám thủy binh sắp bị hành hình hét to: “Anh em! Đừng bắn!” – Tiếp đó, nhiều người khác kêu lên: “Cầm lấy vũ khí, anh em ơi! Làm thân trâu ngựa thế này đủ lắm rồi!” Cuộc nổi dậy tự phát trong khoảnh khắc lan khắp chiến hạm. Thủy binh khởi nghĩa bắn chết viên chỉ huy, một số sĩ quan nhảy xuống biển – liền bị thủy binh bắn theo. Viên thuyền trưởng cũng bị bắt và hành hình ngay tại chỗ.

Cuộc khởi nghĩa nổ ra lúc Potemkin đang diễn tập tại đại đảo Tendr, gần Odessa. Sau khi chiếm tàu, thủy binh lái tàu về Odessa giữa sự hoan hô rầm rộ của công nhân và thủy binh trên cảng.

Matiusencô – chỉ huy trưởng cuộc khởi nghĩa “Xtiôpa” là công nhân ở khoang máy, về sau trở thành máy trưởng của chiến hạm khởi nghĩa.

*

* *

Trường ca này được M.Gorki đánh giá: “…Đây là tiếng nói của một nhà thơ chân chính, và của một nhà thơ xã hội, xã hội hiểu theo cái nghĩa tốt đẹp nhất và sâu sắc nhất của từ này.”

(Thư gửi Pasternak)

(1)Chỉ biết.

(2)Thứ cây trồng rất nhiều ở Odessa.

(3)Rất cổ xưa, tồn tại từ ngày chưa xảy ra đại hồng thủy.

(4)Năm khổ thơ này là đoạn ngoại đề trữ tình tả cảnh biển động, làm nền cho đoạn tường thuật những biến cố trên chiến hạm Potemkin.

(5)Nơi chiến hạm Potemkin đang diễn tập.

(6)Potemkin có quân số 731 người.

(7)Tức con tàu.

CÁI CHẾT CỦA MỘT NHÀ THƠ (*)

Thiên hạ không tin, cho rằng – đó là vô lý.

Nhưng được tin từ hai người,
Ba người, từ mọi người. Đã đứng xếp thành hàng
Của thời hạn dừng lại.
Những ngôi nhà của các bà công chức và các thương nhân,
Những vuông sân, những gốc cây, và trên cây
Những con quạ, ngây ngất vì nắng ấm,
Mặt mày đỏ rực, bằng tiếng nói giống quạ,
Gào kêu, để bọn ngốc từ rày về sau đừng
Chõ mũi vào tội lỗi, mà cứ để mặc cho anh cay đắng
Chỉ có điều trên mặt mũi họ hiện rõ một sự tiến triển ẩm ướt
Như trên những nếp nhăn của những điều vô lý rách nát.

Có một ngày, một ngày vô hại, vô hại hơn
Hàng chục ngày xưa cũ của anh.
Thiên hạ tụ tập, xếp thành hàng trong tiền sảnh
Như phát súng xếp họ thành hàng
Nhưng tiếng mìn nổ của bọn vợ lũ hề nấp sau cỏ lác, sau khi đè bẹp,
Đã hất tung lũ cá mè và một con cá măng ra khỏi dòng chảy.
Như tiếng thở phào của các lớp đất không cỗi cằn.

Anh ngả, trải vải giường lên lời đơm đặt,
Ngủ và lặng yên, sau khi đã hết kinh hoàng
Xinh đẹp, trẻ trung ở độ tuổi 22,
Như Tetraptikh của anh từng tiên đoán.

Anh ngủ, áp má vào gối,
Ngủ, - từ hai chân, từ hai mắt cá
Lấy hết đà lại tiếp tục
Khắc sâu vào hàng những truyền thuyết trẻ trung.

Anh trong những truyền thuyết đó khắc sâu dấu ấn ngày một rõ nét thêm,
Anh đạt đến chúng chỉ bằng một bước nhảy
Phát súng của anh tương tự như ngọn Etna (**)
Trên thềm núi của lũ ươn hèn và nhút nhát.

1930
NGUYỄN ĐỨC LƯƠNG dịch

(*) Viết về cái chết của Maiacovxki.
(**) Ngọn núi lửa ở đảo Xixin (Ý).

TRUNG ÚY SMITH*

(Trích)

“Vào cái thời hỗn mang
Đi tìm cái kết cục tốt đẹp là vô ích.
Kẻ thì đi trừng phạt rồi ăn năn
Kẻ thì đem người đóng đinh câu rút.

Cũng như các người, ta là một bộ phận
Cuộc thiên di vĩ đại của các kiếp sống,
Và ta sẽ đón nhận phán quyết của các người
Không giận dữ và trách cứ.

Đúng, các người sẽ không run tay
Khi hủy diệt một mạng sống,
Có gì đâu, những kẻ tuẫn nạn của một giáo điều,
Các người cũng là những nạn nhân của thời đại.

Ta đã nặng lòng suốt ba mươi năm ròng
Yêu quê hương xứ sở
Và sự khoan dung của các người
Ta không đợi mà ta cũng không bỏ mất.

Một sự khác biệt quá quắt biết bao
Giữa tên gọi và sự vật!
Tô vẽ cho nước Nga để mà làm gì
Lộ liễu đến thế và độc địa đến thế!

Hễ nhân dân mà nhận thức được
Theo kiểu mới, cái kết cục của sự thống trị
Thì họ sẽ lôi nó xuống
Khỏi những quyền trời phú, một cách hết sức chính xác.

Mọi thứ đã được sàng lọc.
Vĩnh viễn như thế, hết điểm này đến điểm khác
Chính những ý định tốt lành
Đang đưa bọn ta đến chỗ nổi dậy.

Vào những ngày đó – các người đã thấy những ngày đó rồi
Và nhớ rõ đó là những ngày nào
Ta đã tách khỏi hàng quân
Bằng làn sóng của chính sự tự phát.

Ta cảm thấy lòng nặng nề hơn
Vì đã không đứng dậy cùng với cả Tổ quốc
Và con đường đã đi qua
Giờ đây ta không hối tiếc.

Bị đặt đứng bên vực thẳm
Bởi cái quyền lực mù quáng
Ta không hề cảm thấy rụt rè
Và không chút bối rối tinh thần.

Ta biết rằng cái cọc, mà bên nó
Ta đứng, sẽ là ranh giới
Của hai thời đại lịch sử khác nhau
Và ta sung sướng với sự lựa chọn đó.”

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch

(*) Piot Smith (1867 – 1906), nhà cách mạng Nga có xu hướng dân chủ, một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Sevastopol 1905. Năm 1905, chỉ huy trưởng một tàu phá mìn thuộc Hạm đội Hắc Hải. Đầu cách mạng 1905 – 1907 đã tổ chức tại Sevastopol “Hiệp hội sĩ quan bạn dân”. Trong thời kỳ khởi nghĩa nhà cách mạng xã hội – dân chủ này đã trở thành người đứng đầu tổ chức đó về mặt quân sự. Có mặt trên tuần dương hạm “Ochakov”, ngày 15 (28) tháng chạp. Ông đã phát hiệu lệnh: “Tôi chỉ huy toàn bộ hạm đội”, và kêu gọi các hạm tàu trong quân đội hãy đứng về phía nghĩa quân, nhưng ngay hôm ấy ông đã bị bắt. Ông bị hành hình cùng với những người cầm đầu khác của cuộc khởi nghĩa.

...

Sẽ chẳng còn ai nữa trong nhà
Ngoài bóng hoàng hôn. Chỉ còn đơn độc
Ngày đông qua những khoảng rèm
Chưa buông hết.

Chỉ có ánh quay tròn loang loáng
Của những làn ẩm ướt trắng phau
Chỉ có những mái nhà và tuyết
Ngoài mái nhà và tuyết – có ai đâu.

Và giá băng lại khởi sự vẽ vời
Và lại bắt đầu ám ảnh tôi
Nỗi muộn sầu năm trước
Và những chuyện của mùa đông trước.

Và lại nhói đau đến tận bây giờ
Cái lỗi lầm không sao nguôi được
Và nỗi đói củi lò
Sẽ đè nặng những khung cửa sổ.

Những bất chợt lướt trên rèm cửa
Luồng run khi động bóng ai vào
Từng bước chân đo không gian lặng lẽ
Như tương lai, em sẽ bước vào.

Em sẽ hiện ra bên cửa
Mặc một cái gì bình dị trắng tinh
Một cái gì may bằng chất liệu
Làm thành hoa tuyết mùa đông.

1931

HOÀNG HƯNG dịch

SƯƠNG BĂNG

Mùa âm thầm lá rụng
Những đàn ngỗng cuối mùa
Đừng mất công phiền muộn:
Nỗi sợ mắt mở to.

Cứ để gió ru cây thanh lương trà
Làm cây sợ trước khi mơ ngủ
Tạo hóa an bài thật dễ lừa người
Như câu chuyện đời xưa có hậu.

Sáng mai sau cơn mở bừng thức
Em sẽ bước ra ngoài trời đông
Em lại ra đằng sau tháp nước
Và đứng sững như trời trồng.

Lại những con ruồi trắng ấy
Và mái nhà, và ông già noel
Và những ống khói, và cảnh rừng thỏng lá
Mặc giả trang anh hề.

Mọi vật đều phủ băng trắng xóa
Đội mũ lông sụp xuống chân mày
Như con chồn ẩn giữa những cành cây
Đang nhìn trộm.

Em đi tiếp mà lòng nghi ngại
Một lối mòn mất hút giữa dòng khe
Nơi đây có tòa nhà hình vòm sương giá
Và trên cửa sổ một tấm phên thưa.

Đằng sau bức màn tuyết ấy
Một bức tường chòi gác hiện ra
Một con đường, và mép khu rừng nhỏ
Và một dải rừng thưa.

Sự tĩnh mịch trang nghiêm tạc vào bức chạm
Như trong một khổ thơ bốn câu
Viết về nàng công chúa ngủ
Giữa chiếc quan tài thủy tinh.

Tôi khẽ thì thầm với cái vương quốc trắng
Khiến người ta run rẩy trong tâm:
“Tạ ơn người, ngưỡi đã ban tặng
Nhiều hơn lời cầu xin”.

1941

HOÀNG HƯNG – NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch

XUÂN

Xuân này mọi thứ bỗng khác thường
Tiếng sẻ ríu ran cũng rộn ràng hơn trước
Cả ta nữa, ta không sao tả hết
Niềm hân hoan thư thái trong lòng.

Ý nghĩ và ngòi bút ta mới mẻ lạ lùng
Và ta nghe, trầm hùng, mãnh liệt
Tiếng những đất đai vừa giải phóng,
Cung bậc vang lừng trong bản đồng ca.

Hơi thở mùa xuân Tổ quốc
Xua khỏi không gian dấu vết mùa đông
Và tan những quầng thâm cay đắng
Quanh những đôi mắt Xlavơ (1) từng đã khóc ròng.

Nơi nơi cỏ sắp nhú mầm
Và phố phường Praha cổ kính
Đang lặng câm, nằm quằn quại,
Sắp ca vang như những dòng khe.

Những truyền thuyết Môravi, Xèrbi và Sếch (2)
Với niềm khát vọng mùa xuân
Sẽ xé toang màn nô lệ
Để vươn lên từ dưới tuyết, nở bừng.

Mọi cái sẽ ảo huyền trong màn khói truyện đời xưa;
Tựa những nếp lượn bay trên tường vách
Những tư dinh thiếp vàng của các quận công Nga
Hay trên giáo đường thánh Vaxili(3) lộng lẫy.

Với kẻ mộng mơ, kẻ mài miệt canh khuya,
Matxcơva – không đâu trên đời thân yêu hơn được
Đây là mái nhà, là cội nguồn gốc rễ
Của tất thảy những gì cho thời đại nở hoa.

1944

HOÀNG HƯNG – NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch

(1) Chỉ những dân tộc có gốc văn hóa Xlavơ (Nga, Bungari, Tiệp…)
(2) Những xứ thuộc Đông Âu.
(3) Một công trình kiến trúc cổ ở Matxcơva
.

ĐÊM ĐÔNG

Bão tuyết trùm mặt đất
Bão tuyết tràn muôn nơi
Ngọn nến cháy trên bàn
Ngọn nến cháy.

Như bầy ruồi mùa hè
Táp vào ngọn lửa
Những bông tuyết ngoài trời
Bay dồn vào khung cửa.

Bão tuyết tạc trên kính
Những vòng tròn, mũi tên
Ngọn nến cháy trên bàn
Ngọn nến cháy.

Trên trần nhà rọi sáng
Hắt lên những bóng hình
Tay đan tay, chân đan chân,
Đan nhau số phận.

Và hai chiếc giầy rơi
Xuống sàn khe khẽ
Sáp nến như nhỏ lệ
Nhỏ trên áo dài.

Tất cả đều mất tăm
Trong bóng đêm xám bạc
Ngọn nến cháy trên bàn
Ngọn nến cháy.

Ngọn nến gió tạt vào,
Sức nóng của sự cám dỗ
Nâng lên, như thiên thần,
Đôi cánh hình thập giá.

Bão tuyết suốt tháng hai
Cứ triền miên như thế
Ngọn nến cháy trên bàn
Ngọn nến cháy.

1946

HOÀNG HƯNG dịch

HAMLET

Tiếng ồn ào đã lặng. Con bước ra sàn diễn
Tựa vai vào khung cửa,
Nắm bắt trong tiếng vang vọng xa xăm
Những gì sẽ xảy đến trong kiếp sống của con.

Bóng nhập nhoặng của đêm chĩa vào con
Bằng một nghìn chiếc ống nhòm lăm lăm hướng thẳng,
Ví bằng có thể, xin lạy Cha,
Hãy chước cho con chén rượu này (*)

Con thích cái chủ định ương bướng của Cha
Và thuận lòng đóng vai đó
Nhưng giờ đây sắp diễn ra một thiên bi kịch khác
Nên lần này xin hãy buông tha cho con.

Nhưng tình tự lớp lang đã sắp đặt xong rồi
Và chỗ tận hết con đường là không thể đảo ngược
Con cô đơn, mọi cái đều chìm ngập trong thói giả nhân giả nghĩa
Sống ở đời – đâu phải đi qua cánh đồng.

1946

HOÀNG HƯNG – NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch

(*) Kinh thánh: Luca: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con đi!

Mathêu: Cha ơi, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này!

...

Ôi, khi bước ra sân khấu lần đầu
Giá như ta biết, ở đời thường thế,
Những dòng thơ con con đẫm máu cũng giết người,
Chẹn ngang cổ họng và sẽ giết chết!

Thì ta đã cự tuyệt thẳng thừng
Những câu đùa chứa nỗi uẩn khúc kia,
Chỗ mở đầu quả xa vời vợi
Hứng thú đầu tiên thật nhút nhát rụt rè.

Nhưng tuổi già là kinh thành La Mã
Nó đòi hỏi ở người diễn viên không phải là sự đọc
Mà là cái chết trọn vẹn, đích thực
Thay vì những lời ba hoa vớ vẩn lăng nhăng.

Khi xúc cảm bắt người diễn viên nói ra thành lời
Nó sẽ phái lên sân khấu một tên nô lệ.
Và chính ở đó nghệ thuật sẽ kết thúc
Và đất trồng và thân phận sẽ thở.

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch

ĐẤT

Xuân táo tợn ùa vào
Những ngôi biệt thự Matxcơva
Bướm trắng từ sau tủ áo bay ra
Vờn trên những vành mũ mùa hè thanh lịch
Áo choàng lông người ta đem cất hết vào rương…

Trên những hàng hiên lát gỗ
Giăng dài những chậu hoa xinh
Thùy dương mai với đinh hương vàng rực
Cảm giác tự do tràn ngập các phòng
Những gác xép tỏa mùi bụi bặm.

Và phố xá trở nên suồng sã
Với những khung cửa sổ quáng lòa
Và đêm trắng với hoàng hôn
Chỉ còn gặp nhau bên bờ sông lạnh.

Trong hành lang có thể nghe rõ cả
Những gì đang diễn giữa đất trời
Cả những lời tháng tư thủ thỉ
Cùng những giọt nước rơi
Vì tháng tư biết hàng trăm câu chuyện
Về nỗi đau của con người
Và những hoàng hôn sững lại trên hàng giậu
Còn kéo dài câu chuyện cà kê.

Vẫn cái hỗn hợp ấy của lửa và nỗi kinh hoàng
Giữa thiên nhiên và trong căn phòng ấm cúng
Và khí trời lưu chuyển không ngơi
Và những cành lơ thơ của vẫn những cây liễu ấy
Và vẫn những búp chồi non trắng ấy
Cả trên cửa sổ, cả trên ngã ba đường
Cả ngoài phố lẫn trong xưởng họa.

Than khóc mà chi, những chân trời sương khói?
Nói gì đây mùi mục nát hăng nồng?
Vì sứ mệnh của chính ta:
Cho những khoảng cách xa đừng héo hắt,
Cho đất chẳng buồn thương vì cô quạnh
Khi ra khỏi chốn ngoại ô.

Nên ngay từ độ xuân sang
Bạn bè đến cùng ta tụ tập
Và những tối sum vầy sẽ thành tiễn biệt
Tiệc tùng sẽ hóa trối trăng.
Cho dòng khổ đau bí ẩn
Sưởi ấm lên nỗi giá lạnh kiếp người.

1947

HOÀNG HƯNG – NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3