Papillon - Người tù khổ sai - Chương 04 phần 1

Chương 4

Lên đường Saint Martin de Re

Tối hôm ấy, Batton gửi cho tôi ba điếu Gauloises và một mảnh giấy viết: “Bươm bướm ơi, tớ biết rằng khi ra đi cậu sẽ mang theo một kỷ niệm tốt về tôi. Tôi là trưởng tù thật, nhưng tôi cố sao càng ít làm hại các bạn tù càng tốt. Sở dĩ tôi nhận cái chức vụ này là vì tôi có chín đứa con và tôi rất cần được ân xá thật sớm. Tôi sẽ cố gắng làm sao đừng đối xử quá tệ đối với anh em mà vẫn được tha sớm. Từ biệt nhé. Chúc cậu may mắn. Ngày kia cậu sẽ lên đường rồi.”

Quả nhiên ngày hôm sau họ tập hợp chúng tôi lại thành từng tốp ba chục người trong hành lang của khu trừng giới. Mấy người y xá ở Caen đến tiêm chủng cho chúng tôi để đề phòng các bệnh nhiệt đới. Mỗi người được ba mũi tiêm và hai lít sữa. Dega đứng gần tôi. Bác ta có vẻ đăm chiêu tư lự. Bây giờ tù không tuân thủ quy tắc im lặng nữa, vì ai nấy đều biết rằng vừa mới tiêm chủng xong họ không thể nhốt tù vào xà-lim được. Chúng tôi nói chuyện khe khẽ với nhau ngay trước mũi bọn cảnh sát. Bọn này không dám nói gì vì ngại các y tá ở thành phố về. Dega nói với tôi:

- Không biết họ có đủ xe xà-lim để chở cả bọn đi một chuyến không?

- Chắc là không. Saint Martin de Re xa lắm, nếu cứ mỗi ngày chở sáu chục thì phải mất mười ngày mới chở hết, vì chỉ riêng ở đây thôi cũng đã có gần sáu trăm tù rồi. Đã tiêm chủng rồi thì cứ yên chí. Vì như thế có nghĩa là mình đã có tên trong danh sách, thế nào cũng được đưa ngay đến nơi khổ sai. Can đảm lên Dega ạ, một giai đoạn mới sắp bắt đầu. Bác hãy tin cậy tôi như tôi tin cậy bác.

Dega nhìn tôi, hai mắt sáng long lanh. Bác ta đặt bàn tay lên cánh tay tôi và nhắc lại:

- Sống chết có nhau Papi nhé.

Cuộc hành trình trên xe chở tù không có gì đáng kể lại. Họa chăng cũng chỉ có một điều là mỗi người bị nhốt trong cái ngăn chật chội của mình trên thùng xe, rất ngột ngạt. Bọn áp giải không chịu mở hé mấy cánh cửa để cho chúng tôi thêm một ít không khí. Khi đến La Rochelle, trên chiếc xe chở chúng tôi có hai người đã chết ngạt từ bao giờ.

Saint Martin de Re là một hòn đảo, muốn ra đó phải chuyển sang tàu thủy để đi qua lạch biển. Những người vô công rồi nghề tụ tập trên bến để xem tù đã chứng kiến việc phát hiện hai cái xác người thảm hại kia. Họ không bày tỏ một cảm xúc nào trước cảnh ấy. Vì bọn cảnh sát phải bàn giao đầy đủ số tù do chúng áp giải cho khám Citadeue ở trên đảo, dù còn sống hay đã chết, cho nên chúng đưa cả hai cái xác chết cùng lên tàu với chúng tôi. Cuộc vượt biển không dài, nhưng dù sao chúng tôi cũng được thở không khí trong lành của biển một lát. Tôi nói với Dega:

- Chưa chi đã phảng phất hương vị của một chuyến vượt ngục.

Dega mỉm cười. Julot, lúc bấy giờ đứng cạnh chúng tôi, nói:

- Đúng. Có mùi vượt ngục thật. Bản thân tôi đây, tôi đang trở lại nơi mà tôi đã trốn khỏi cách đây năm năm. Tôi đã bị bắt một cách ngu xuẩn đúng vào lúc tôi sắp giết cái thằng cha chứa chấp tôi đã đi báo cảnh sát cách đây mười năm. Chúng mình hãy cố đứng sát nhau, vì đến Saint Martin de Re họ sẽ phân đám tù thành từng tốp mười người, mỗi tốp nhốt vào một phòng giam, trên tàu đứng như thế nào thì họ cứ thế mà phân bừa.

Cái anh chàng Julot ấy nhầm. Đến nơi, họ gọi tên Julot và hai người khác nữa bắt đứng riêng ra. Đó là ba người khổ sai đã vượt ngục, đã bị bắt lại ở Pháp, nay đang trở lại nơi khổ sai lần thứ hai.

Bị nhốt mười người một buồng, chúng tôi bắt đầu sống trong cảnh chờ đợi. Chúng tôi có quyền nói chuyện, hút thuốc, và họ cho chúng tôi ăn rất khá. Thời kỳ này chỉ nguy hiểm đối với cái plan mà thôi. Thỉnh thoảng, người ta bỗng dưng gọi anh ra, bắt cởi truồng và khám rất kỹ. Trước hết là khám cái ngóc ngách ở trên người cho đến tận gan bàn chân, rồi sau đó là khám áo quần, đồ đạc. Xong đâu đấy mới được mặc áo quần trở lại và về phòng giam.

Hết phòng giam lại đến nhà ăn và khoảng sân trong đó chúng tôi nối đuôi nhau đi vòng quanh suốt mấy giờ liền. Một, hai! Một, hai! Một, hai. Chúng tôi đi thành từng đội, mỗi đội một trăm năm mươi tù nhân. Đoàn diễu hành khá dài, tiếng guốc gỗ kêu lốc cốc. Khi đi như vậy phải im lặng tuyệt đối. Rồi đến lệnh “giải tán!” Chúng tôi ngồi xuống đất thành từng tốp chia theo phạm trù xã hội. Trước hết là những người thuộc giới giang hồ chính danh. Đối với hạng người này quê quán không có gì quan trọng: người Corse, người Marseille, người Toulouse, người Bretagne, người Paris, v.v… Lại có cả một người Ardèche nữa: ấy là tôi. Và cũng cần phải nói rõ một điều đáng lấy làm tự hào cho cái tỉnh Ardèche là trong đoàn tù gồm một ngàn chín trăm người này chỉ có hai người quê ở Ardèche: một anh cảnh sát canh nông giết vợ và tôi. Kết luận: dân Ardèche là người lương thiện. Các nhóm khác thì hình thành một cách bất kỳ, vì số người “tử tế” đi khổ sai vốn nhiều hơn số người “lôm côm”. Những ngày chờ đợi này được gọi là những ngày quan sát. Thật vậy, ở đây người ta quan sát chúng tôi dưới đủ mọi góc độ.

Một buổi chiều tôi đang ngồi phơi nắng thì có một người đến cạnh tôi. Hắn ta đeo kính trắng, người nhỏ và gầy. Tôi cố đoán xem hắn là hạng người nào, nhưng vì tù mặc đồng phục, ai cũng như ai, cho nên rất khó đoán.

- Anh là Papillon phải không? - Hắn nói giọng Corse rất nặng.

- Vâng, chính tôi. Anh muốn gì tôi?

- Ra nhà xí đi - hắn nói xong bỏ đi ngay.

- Thằng cha này người Corse - Dega nói với tôi - Chắc chắn là một tên kẻ cướp vùng núi. Không biết nắn muốn gì ở cậu thế?

- Rồi sẽ biết.

Tôi đi về phía dãy nhà xí ở giữa sân, và giả vờ đi đái. Người kia cũng đang đứng đái ngay bên cạnh tôi.

Hắn không nhìn tôi, nói:

- Tôi là em rể của Pascal Matra. Hôm đến thăm tôi ở nhà tù, anh ấy có nói là nếu tôi cần sự giúp đỡ thì nhờ anh.

- Đúng, Pascal là bạn tôi. Anh cần gì?

- Tôi không mang plan được nữa: tôi bị kiết lỵ. Tôi không biết nhờ ai giữ hộ, chỉ sợ người ta lấy mất hoặc bị bọn cớm phát hiện. Tôi van anh, anh mang hộ tôi mấy hôm. - Đoạn hắn cho tôi xem một cái plan to hơn của tôi nhiều. Tôi sợ hắn giăng bẫy, và hắn yêu cầu tôi giúp chẳng qua chỉ để biết rõ bản thân tôi có mang plan hay không: nếu tôi nói rằng tôi không chắc có thể mang hai plan một lúc, hắn sẽ biết ngay. Cho nên tôi nói tỉnh khô:

- Có bao nhiêu trong ấy?

- Hai mươi lăm ngàn francs.

Không hỏi thêm gì nữa, tôi cầm lấy cái plan (nó rất sạch), và trước mặt hắn, tôi đút nó vào hậu môn, trong lòng băn khoăn không biết liệu một người có mang nổi hai cái hay không. Về điều này tôi hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Tôi đứng dậy, mặc quần... Hình như ổn cả, chẳng thấy vướng gì.

- Tôi tên là Ignace Galgani, - hắn nói với tôi trước khi bỏ đi. - Cám ơn Papillon.

Tôi trở lại chỗ Dega và kể lại việc vừa qua.

- Không nặng quá chứ?

- Không.

- Thế thì được. Không nói chuyện này nữa.

Chúng tôi tìm cách bắt liên lạc với những người đã từng ở tù khổ sai về, nhất là Julot hay là le Guittou.

Chúng tôi đang khao khát tài liệu: ở bên ấy ra sao, chế độ ở đấy đối với tù nhân như thế nào; làm cách nào để có thể nói chuyện riêng với một người bạn, v.v... Sự tình cờ đã xui khiến cho chúng tôi gặp được một mẫu người kỳ thú, một trường hợp đặc biệt. Đó là một người Corse ra đời trong nhà tù khổ sai. Bố hắn làm giám thị ở đấy và cùng với mẹ hắn ở Quần đảo Salut. Hắn sinh ra ở đảo Royale là một trong ba cái đảo làm thành Quần đảo này (hai đảo còn lại là đảo Saint Joseph và đảo Quỷ). Và giờ đây, số phận đã xoay vần như thế nào mà hắn đang trở lại nơi chôn nhau cắt rốn không phải với tư cách con ông giám thị mà với tư cách tù khổ sai.

Hắn bị xử mười hai năm khổ sai vì tội ăm trộm có bẻ khóa. Mười chín tuổi, một gương mặt cởi mở, đôi mắt sắc sảo và trong sáng. Tôi và Dega thấy ngay tức khắc rằng đây là một người phạm tội chỉ vì một lúc lỡ bước. Cậu này không biết gì nhiều về giới tội phạm, nhưng đối với chúng tôi cậu ta sẽ có ích bằng cách cho chúng tôi tất cả những điều cần biết về cảnh sống đang chờ chúng tôi. Cậu ta kể lại cuộc sống ở quần đáo, nơi cậu đã sống mười bốn năm. Chẳng hạn cậu ta cho chúng tôi biết rằng người coi sóc cậu ở Quần đảo là một tên tù khổ sai nổi tiếng bị sa cơ trong một cuộc đấu dao trên đồi La Butte vì đôi mắt kiều diễm của Casque d'Or.

Cậu ta cho chúng tôi những lời khuyên rất quý: muốn vượt ngục thì phải xuất phát từ đất liền, vì xuất phát từ Quần đảo Salut là điều không thể được; thứ đến là phải cố sao đừng bị phân vào loại nguy hiểm, vì nếu thế thì đến Saint Laurent một cái là sẽ bị cấm cố ngay trong một thời gian hay suốt đời tùy mức nặng nhẹ được ghi trong sổ nhận xét. Nói chung, không đến năm phần trăm tù khổ sai bị cấm cố ở Quần đảo. Số còn lại thì ở đất liền. Ở Quần đảo khí hậu tương đối lành, nhưng ở Đất liền, như Dega đã kể cho tôi nghe, nước rất độc, khiến cho người tù kiệt sức dần vì đủ các thứ bệnh; ở đây người ta có thể chết rất nhiều cách, vì bệnh hay vì bị ám sát, v.v...

Dega và tôi cùng hy vọng sẽ không bị cấm cố ở Quần đảo. Nhưng tôi vẫn thấy nghẹn trong cổ: nhỡ ra tôi bị ghi trong sổ là thuộc loại tù nguy hiểm thì sao? Tôi bị án chung thân, lại thêm chuyện Tribouillard và chuyện chửi viên giám đốc, một bức chân dung tuyệt mỹ rồi còn gì!

Một hôm có tin đồn: dù có thể nào cũng không được xin vào bệnh xá, vì những ai quá yếu hay có bệnh xem chừng không chịu nỗi cuộc hành trình đều bị nhân viên bệnh xá đầu độc cho chết. Chắc là tin vịt thôi. Quả nhiên một người Paris tên là Francis la Passe đã xác nhận rằng tin đồn ấy là bịa đặt. Của đáng tội, có một người bị đầu độc thật, nhưng một người anh ruột của Francis la Passe làm việc trong bệnh xá đã nói cho hắn biết đầu đuôi câu chuyện.

Số là có một chuyên gia cỡ lớn về tủ két sắt, nghe nói đã từng ăn trộm tài liệu mật của đại sứ quán Đức ở Genève hay ở Lausanne trong thời kỳ đại chiến lần thứ nhất để trao cho các cơ quan tình báo Pháp. Những tài liệu ấy có tầm quan trọng rất lớn, cho nên cảnh sát đã phải giao hắn cho Phòng nhì để làm việc này trong khi hắn đang ngồi tù (hắn bị xử năm năm). Và kể từ 1920, mỗi năm làm một hai vụ, hắn sống yên ổn. Cứ mỗi lần bị bắt, hắn lại cầu cứu bên Phòng nhì để họ can thiệp hộ. Nhưng đến lần này thì không ăn thua. Hắn bị xử hai mươi năm và lẽ ra sẽ đi đày cùng một chuyến với chúng tôi. Để tránh đi chuyến này, hắn đã giả vờ ốm để vào bệnh xá. Một viên cyanure - vẫn theo lời người anh của Francis la Passe - đã kết thúc mọi sự. Bây giờ thì các tủ két sắt và Phòng nhì có thể ngủ yên.

Cái sân tù này đầy ắp những câu chuyện ly kỳ, đúng sự thật cũng có mà bịa đặt cũng có. Dù sao thì chúng tôi cũng vểnh tai lên mà nghe: ít nhất cũng giết được thì giờ.

Mỗi lần tôi đi ngoài, dù là khi đang ở trong sân hay trong xà-lim, Dega phải đi theo tôi, vì có hai cái plan: Dega đứng che cho tôi trong khi tôi hành động, để ngăn chặn những con mắt quá tò mò. Một cái plan đã là rầy rà, thế mà tôi mang những hai cái trong khi đó thì Galgani ốm càng ngày càng nặng. Và ở đây có một hiện tượng bí ẩn không hiểu sao được: cái plan mà tôi đút vào sau bao giờ cũng ra sau, và cái đút vào trước bao giờ cũng ra trước. Chúng nó đổi chỗ cho nhau trong bụng tôi như thế nào thì tôi không biết, nhưng kết quả là như thế đấy!

Hôm qua ở phòng cắt tóc người ta đã tìm cách giết Clousiot trong khi người thợ cạo đang cạo mặt cho anh ta. Hai nhát dao ở gần tim. Phúc bảy mươi đời, anh không chết. Qua một người bạn của anh ta tôi biết được chuyện này. Đó là một câu chuyện kỳ lạ, và có ngày tôi sẽ kể lại chuyện này. Vụ giết người này là một cuộc thanh toán nợ nần. Kẻ mưu sát sẽ chết sáu năm sau ở Cayenne vì ăn phải bichromat calium trộn vào món rong biển. Hắn đã chết trong những cơn đau khủng khiếp. Người y tá phụ mổ cho bác sĩ mổ tử thi có đưa cho chúng tôi xem một khúc ruột dài khoảng mười phân. Trên khúc ruột thấy thủng mười bảy lỗ. Hai tháng sau, kẻ đã bỏ thuốc độc cho hắn đã bị bóp cổ chết trên giường bệnh. Cho đến bây giờ người ta vẫn không biết ai đã bóp cổ hắn.

Chúng tôi ở Saint Martin de Re đã được mười hai ngày. Nhà tù chật ních. Ngày đêm lính canh thường xuyên đi tuần quanh thành.

Một cuộc ẩu đả đã nổ ra trong phòng tắm, giữa hai anh em ruột. Hai đứa đã đánh nhau dữ dội như hai con thú, và một trong hai đứa đã được đưa vào phòng giam của chúng tôi. Hắn tên là André Baillard. Họ không thể trừng phạt hắn được, hắn nói thế, vì cuộc ẩu đả này xảy ra là do lỗi của ban quản trị nhà tù: họ đã được lệnh không để cho hai anh em gặp nhau vì bất kỳ lý do nào. Khi đã biết chuyện, người ta sẽ hiểu tại sao. André đã giết một bà già sống bằng lợi tức cho vay lãi và anh hắn là Emile cất giấu món tiền lấy được. Emile bị bắt vì một vụ trộm và bị xử ba năm tù. Một hôm trong phòng giam, có cả mấy người tù khác, vì ức thằng em không chịu gửi tiền cho hắn mua thuốc lá, hắn nói toẹt ra và cam đoan rằng thế nào thằng André cũng đi đời vì chính nó giết cụ già, còn như hắn, tức Emile, chỉ cất giấu tiền mà thôi. Cho nên khi ra tù hắn sẽ không cho thằng André một xu nào. Một tù nhân liền đem kể chuyện này cho viên giám đốc nhà tù nghe.

Chẳng bao lâu André bị bắt và hai anh em bị xử tử.

Trong khu vực tử tù ở nhà lao Santé, hai đứa bị giam vào hai xà-lim kế cận. Mỗi đứa đều làm đơn xin ân xá. Đến ngày thứ bốn mươi ba, đơn của Emile được chấp thuận, nhưng đơn của André bị bác bỏ. Tuy vậy, do một biện pháp nhân đạo để nương nhẹ André, Emile vẫn bị giữ ở khu tử tù, và hai anh em mỗi ngày vẫn lần lượt được đi dạo trong sân, chân mang xiềng xích.

Đến ngày thứ bốn mươi sáu, người ta mở cửa phòng giam André vào lúc bốn giờ rưỡi. Mọi người đều có mặt đông đủ: viên giám đốc nhà tù, viên biện lý, và ủy viên công tố đã đòi xử tử André. Giờ hành quyết đã đến. Nhưng vừa đúng lúc viên giám đốc bước tới để báo tin này cho tội nhân, viên trạng sư của hắn chạy vào, theo sau là một người khác nữa trao một tờ giấy của công tố viên. Mọi người lui ra hành lang. Họng André tắc nghẹn đến nỗi không nuốt nước miệng được nữa. Chẳng lẽ! Người ta không bao giờ chặn ngang một cuộc hành quyết đang được tiến hành. Thế mà lần này lại khác.

Mãi đến hôm sau, sau bao nhiêu giờ lo âu khắc khoải, André mới được ông trạng sư cho biết rằng trước ngày hành quyết một ngày, tổng thống Doumer đã bị một người tên là Gorguloff ám sát. Nhưng ông Doumer không chết ngay. Suốt đêm hôm ấy viên trạng sư đã túc trực trước bệnh viện sau khi báo cho Bộ trưởng Bộ tư pháp rằng nếu ngày tổng thống chết trước giờ hành quyết (từ bốn giờ rưỡi sáng đến năm giờ), ông ta yêu cầu bãi bỏ việc hành quyết vì lý do khuyết diện người chịu trách nhiệm tối cao về án tử hình. Doumer chết vào lúc bốn giờ hai phút. Viên trạng sư vội vàng báo tin cho Bộ tư pháp rồi nhảy ngay lên xe tắc-xi cùng với người cầm lệnh bãi án: ông ta đã đến muộn mất ba phút, không kịp ngăn chặn người ra mở cửa phòng giam André. Như vậy hai anh em được được giảm án thành khổ sai chung thân. Ngày bầu tổng thống mới, viên trạng sư đã đến tận Versailles, và Albert Lebrun vừa được bầu xong một cái là ông ta trình đơn xin ân xá ngay. Chưa bao giờ một vị tổng thống bác bỏ đơn xin ân xá đầu tiên được trình lên cho mình xét: ông Lebrun đã ký, thế là tôi yên lành lên đường đi Guyane. André kết thúc câu chuyện. Tôi nhìn con người vừa thoát khỏi máy chém vào phút cuối và tự nhủ rằng dù sao những nỗi cơ cực của tôi cũng không thể so sánh với những cơn dày vò mà hắn đã phải chịu đựng.

Tuy vậy tôi không bao giờ làm thân với hắn. Nghĩ rằng hắn đã giết chết một bà già khốn khổ để lấy tiền, tôi thấy buồn nôn quá. Vả chăng hắn còn có đủ những khả năng để trốn thoát. Về sau, ở đảo Saint Joseph hắn sẽ giết anh hắn. Nhiều tù nhân đã chứng kiến việc ày. Hôm ấy Emile đang đứng câu cá trên một tảng đá, bao nhiêu tâm trí đều dồn hết vào công việc này.

Sóng vỗ rất mạnh, át hết mọi tiếng động khác. André đến gần anh hắn từ phía sau, tay cầm một cây tre gộc dài ba mét. Hắn chỉ cần ẩy cây tre vào lưng Emile là đủ làm cho ông anh mất thăng bằng rơi xuống biển. Chỗ này cá mập nhiều vô kể: chẳng bao lâu Emile trở thành món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày của chúng. Trong buổi điểm danh tối hôm ấy, hắn vắng mặt và được coi là mất tíchh trong khi mưu toan vượt ngục. Người ta không nhắc đến hắn nữa. Chỉ có bốn năm người tù đang nhặt dừa trên đảo chứng kiến cảnh này. Dĩ nhiên các tù nhân đều biết chuyện, chỉ có bọn cảnh sát là không hay biết gì. André Baillard không bao giờ bị họ hỏi đến. Hắn được miễn cấm cố vì “hạnh kiểm tốt”, và ở Saint Laurent du-Maroni, hắn được hưởng một chế độ ưu đãi. Hắn có cả một phòng giam riêng.

Một hôm có chuyện với một tù nhân khác, hắn đã xảo quyệt mời người này vào phòng giam của hắn và dùng dao đâm trúng tim vị quý khách. Được công nhận là ở vào thế tự vệ hợp pháp, hắn được tha bổng. Đến kỳ bãi bỏ chế độ tù khổ sai, hắn được trả tự do, lần này cũng lại là vì “hạnh kiểm tốt”.

Saint Martin de Re đầy ấp những tù nhân. Ở đây có hai loại người rất khác nhau: tám trăm đến một ngàn tù khổ sai và chín trăm người bị đày biệt xứ. Để trở thành tù khổ sai, phải phạm một tội nặng hoặc ít nhất phải bị buộc tội đã vi phạm luật pháp một cách nghiêm trọng. án nhẹ nhất là bảy năm khổ sai, rồi cứ thế tăng lên từng bậc, cho đến khổ sai chung thân.

Một người bị xử tử mà được ân xá thì đương nhiên trở thành tù khổ sai chung thân. Đày biệt xứ thì có khác. Một người bị kết án từ ba đến bảy lần thì có thể bị đày biệt xứ. Quả tình đó đều là những tên trộm cướp thâm căn cố đế, cho nên có một điều dễ hiểu là xã hội phải tự bảo vệ bằng cách cách ly những người như thế. Tuy nhiên, một dân tộc văn minh mà phải dùng đến biện pháp đày biệt xứ cũng thật là đáng xấu hổ. Có những kẻ ăn cắp vặt, rất vụng về vì luôn luôn bị bắt, phải chịu án đày biệt xứ - thời bấy giờ như vậy chung quy cũng chẳng khác gì bị tù chung thân - mà thật ra cả đời chưa ăn cắp được lấy mười ngàn francs. Chính đây là chỗ vô nghĩa lý nhất của nền văn minh Pháp. Một dân tộc không có quyền trả thù hay loại trừ một cách quá nhanh chóng những người gây phiền hà cho xã hội. Những người như thế là những người cần được điều trị nhiều hơn là phải trừng phạt một cách vô nhân đạo đến thế.

Chúng tôi đến Saint Martin de Re như vậy là đã được mười bảy ngày. Bây giờ chúng tôi đã biết tên chiếc tàu sẽ đưa chúng tôi đến nơi tù đày: người ta gọi nó là chiếc La Martinière. Nó sẽ chở một ngàn tám trăm bảy mươi phạm nhân. Cái số tám chín trăm tù khổ sai sáng hôm nay đều được tập hợp trong sân của cái pháo đài được dùng làm nhà tù. Từ khoảng gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đứng xếp hàng mười kín cả khoảng sân hình chữ nhật. Một cánh cửa mở ra và chúng tôi thấy bước vào sân mấy người ăn mặc không giống như những tên cai tù mà chúng tôi đã từng biết. Họ mặc một thứ trang phục may theo kiểu quân sự màu xanh da trời, trông khá sang trọng. Không giống đồng phục của cảnh sát mà cũng không giống quân phục của nhà binh. Ai nấy đều thắt một cái nịt rộng bản có đeo bao súng lục. Cán súng lộ rõ ra ngoài. Họ có khoảng chừng tám mươi người. Có mấy người đeo lon. Ai nấy da đều rám nắng, tuổi tác khá chênh lệch, xê xích giữa ba mươi và năm mươi tuổi. Những người già trông dễ ưa hơn những người trẻ: bọn này ưỡn ngực ra vẻ quan trọng và hãnh diện. Nhóm chỉ huy của bọn này cùng ra với viên giám đốc nhà lao Saint Martin de Re, một đại tá hiến binh, ba bốn ông bác sĩ mặc quân phục thuộc địa và hai ông linh mục mặc áo chùng trắng.

Viên đại tá hiến binh cầm một cái loa đưa lên miệng.

Chúng tôi chờ đợi hiệu lệnh “đứng nghiêm”, nhưng không thấy có. Viên đại tá nói lớn:

- Tất cả nghe kỹ dây. Kể từ giây phút này các người được chuyển sang quyền phụ trách của những người quan chức thuộc Bộ Tư pháp đại diện cho ban quản trị trừng giới của xứ Guyane thuộc Pháp mà trung tâm hành chính là thị trấn Caen. Thưa ngài thiếu tá Barrot, tôi xin bàn giao cho ngài tám trăm mười sáu phạm nhân hiện có mặt, được ghi tên trong danh sách này. Xin ngài xác nhận cho rằng họ đều có mặt.