Papillon - Người tù khổ sai - Chương 11

Chương 11

Vượt ngục lần thứ nhất Trinidad

Tôi nhớ lai rõ mồn một, như thể mới hôm qua, cái đêm tự do đầu tiên trong thành phố thuộc Anh này. Chúng tôi đi khắp nơi, say sưa vì ánh đèn điện, vì cái cảm giác ấm áp trong lòng chúng tôi, luôn luôn hòa đồng với linh hồn của cái đám đông tươi cười và sung sướng của dân thành phố đang sống tràn đầy hạnh phúc. Một cái quán rượu đầy những thủy thủ và những gái nhiệt đới đang đợi họ để dốc túi họ. Nhưng những cô gái này không có gì dơ dáy, không thể so sánh với những giới mãi dâm của Paris, Le Havre hay Marseille. Đây là một cái gì khác hẳn. Thay vì những bộ mặt bự phấn, hằn sâu những dấu vết của trụy lạc, với những đôi mắt long lên như trong cơn sốt và đầy vẻ xảo quyệt, đây là những người con gái thuộc đủ các màu da, từ cô gái Trung Hoa cho đến cô gái Phi Châu da đen, qua trung gian của màu sô-cô-la nhạt với mái tóc trơn phẳng, đến người con gái Ấn Độ hay Java: bố mẹ họ vốn thuộc những chủng tộc khác nhau đã tiếp xúc với nhau trong những đồn điền trồng cacao hay trồng mía, hoặc cô gái thổ dân lai Trung Hoa hay lai Ấn Độ với cái vỏ ốc bằng vàng cài trong mũi, cô gái Llapane với những đường nét La Mã cổ đại, gương mặt màu đồng đỏ được soi sáng bằng đôi mắt to lạ lùng, đen nhánh, sáng rực, với hai hàng mi rất dài, ưỡn bộ ngực để hở rất rộng như muốn nói: “Hãy nhìn bộ ngực của tôi đây: hoàn hảo đến thế là cùng”, tất cả những cô gái ấy, mỗi cô cài lên mái tóc những bông hoa có màu sắc khác nhau, đều bộc lộ những cảm xúc nồng cháy của tình yêu, khiêu khích những ước vọng lứa đôi, mà không có chút gì là tục tĩu, không có chút gì là thương mại; những cô gái ấy không làm cho người ta có cảm giác là họ đang làm một công việc để kiếm sống, vì họ có vẻ như đang vui chơi thực sự và người ta thấy rằng tiền bạc đối với họ tuyệt nhiên không phải là cái chính ở đời.

Như hai con bọ vừng bay quờ quạng đâm vào những ngọn đèn, Maturette và tôi hai đứa cứ la cà từ bar này đèn bar khác. Mãi đến khi bước chân tới một quãng trường nhỏ tràn ngập ánh đèn tôi mới nhìn thấy giờ trên cái đồng hồ của một ngôi nhà thờ hay đền đài gì đấy. Hai giờ. Đã hai giờ sáng. Thôi chết rồi, phải về thật mau. Chúng tôi đã lạm dụng tình thế: Chắc hẳn ông thống lĩnh của Đạo quán Cứu thế phải nghĩ về chúng tôi những điều chẳng hay một chút nào. Phải về ngay thôi. Tôi chặn một chiếc tắc-xi và leo vội lên, chỉ một lát sau là về đến khách sạn: two dollar! Tôi trả tiền, và chúng tôi trở về khách sạn, rất xấu hổ. Ở gian tiền sảnh, một nữ chiến sĩ của Đạo quân Cứu thế, tóc vàng, rất trẻ - khoảng hai mươi lăm hay ba mươi tuổi là cùng - ra đón chúng tôi một cách vui vẻ nhã nhặn.

Cô ta không hề có vẻ ngạc nhiên hay bực bội khi thấy chúng tôi về muộn như vậy. Sau vài câu thăm hỏi bằng tiếng Anh mà chúng tôi đoán là thân ái và niềm nở, cô ta trao cho chúng tôi cái chìa khóa buồng và chúc chúng tôi ngủ ngon. Chúng tôi đi ngủ. Trong va-li, tôi thấy có để một bộ pyjama. Lúc sắp tắt đèn, Maturette nói với tôi:

- Dù sao chúng mình cũng nên cám ơn Đức chúa lòng lành đã cho chúng ta nhiều món quà như vậy trong một thời gian ngắn ngủi như vậy. Anh thấy thế nào hở Papi?

- Cậu hãy cám ơn giúp tôi cái ông Chúa lòng lành của cậu một thể: đó là một anh chàng rất khá. Và đúng như cậu đã nói một cách rất hay ho, anh ta quả đã tỏ ra hào phóng lạ lùng đối với chúng ta. Tôi chúc cậu ngủ ngon. - Nói đoạn tôi tắt đèn.

Cuộc hồi sinh này, chuyến đi từ mộ địa trở về với cuộc sống này, cuộc trốn thoát khỏi cái huyệt mà người ta đã chôn tôi xuống, tất cả những nỗi xúc động liên tiếp và cái đêm đã làm cho tôi được nhập vào cuộc sống trở lại cùng với đám dân đảo ở quanh tôi, tất cả những cái đó đã kích thích tôi mạnh đến nỗi tôi không sao ngủ được. Tôi nhắm mắt lại, nhưng trước mắt tôi không phải là bóng tối mà là những hình ảnh muôn màu muôn sắc như trong một ống kính vạn hoa: những hình bóng, những sự vật, cả cái mớ đa dạng của những cảm giác pha trộn vào nhau, dồn dập đến với tôi không hề theo một trật tự thời gian nào hết, tuy rất rõ nét nhưng lại hết sức lộn xộn: phiên tòa Đại hình, nhà lao Conciergerie, rồi thì hòn đảo của những người hủi, rồi thì Saint Martin de Re, Trobuillard, Jésus, trận bão biển... Trong một điệu vũ quái đản, dường như tất cả những gì tôi đã sống qua trong một năm đều muốn hiện ra cùng một lúc trong gian phòng trưng bày những kỷ niệm của tôi. Tôi cố xua đuổi những hình ảnh ấy đi mà không sao xua đuổi được. Nhưng ngộ nghĩnh nhất là những hình ảnh ấy đều bị trộn lẫn với những tiếng lợn kêu, những tiếng ho cò gáy, tiếng gió hú, tiếng sóng gầm và tất cả những tiếng đó đều được bao trùm trong tiếng những cây đàn cò một dây mà mấy anh nhạc công Ấn Độ đã chơi ban nãy trong các quán bar chúng tôi đã đi qua.

Cuối cùng tôi ngủ thiếp đi vào lúc tờ mờ sáng. Vào khoảng mười giờ có tiếng gõ cửa phòng. Đó là luật sư Bowen tươi cười đến thăm chúng tôi.

- Chào các bạn. Hãy còn ngủ kia à? Chắc hôm qua về khuya hả? Đi chơi phố có vui không?

- Chào luật sư. Vâng. Chúng tôi về khuya quá, luật sư thứ lỗi cho.

- Ơ kìa, có gì mà thứ lỗi! Sau tất cả những gì các ông đã phải chịu đựng thì đó là điều hoàn toàn bình thường. Nhất định các ông phải tận hưởng cái đêm đầu tiên được làm người tự do chứ! Tôi đến để cùng đi với hai ông ra Sở Cảnh sát. Các ông phải đến trình diện với cảnh sát để tuyên bố chính thức rằng các ông đã vào lãnh thổ xứ này một cách bất hợp pháp. Làm xong cái thủ tục này ta sẽ đi thăm ông bạn bị thương của các ông. Từ sớm họ đã chiếu điện cho ông ấy. Ta sẽ biết kết quả sau.

Sau khi rửa mặt và mặc áo quần thật nhanh, chúng tôi đi xuống phòng dưới, nơi ông Bowen và ông thống lĩnh đang chờ chúng tôi.

- Chào các bạn, - Ông thống lĩnh nói bằng tiếng Pháp đặc giọng Anh.

- Xin chào tất cả. Các vị có khỏe không?

Một nữ sĩ quan của Đạo quân Cứu thế nói với chúng tôi:

- Các ông thấy Port of Spain thế nào? Có dễ chịu không?

- Ồ, thưa bà rất dễ chịu! Chúng tôi rất thích.

Sau khi uống tách cà-phê, chúng tôi đến Sở Cảnh sát Chúng tôi đi bộ vì sở chỉ cách khách sạn khoảng hai trăm thước. Tất cả các cảnh sát viên đều chào chúng tôi và nhìn chúng tôi không có vẻ gì tò mò đặc biệt. Chúng tôi bước vào một văn phòng trang nghiêm sau khi đi qua trước mặt hai người lính canh da màu gỗ mun mặc quân phục ka ki. Một viên sĩ quan trạc ngũ tuần, sơ-mi và ca-vát đều bằng vải ka li, ngực đeo đầy huy chương và huy hiệu, đứng dậy. Ông ta mặc quần soóc ông ta nói bằng tiếng Pháp:

- Chào các ông. Các ông ngồi xuống. Trước khi ghi nhận chính thức lời khai của các ông, tôi muốn được nói chuyện với các ông một chút. Hai ông bao nhiêu tuổi?

- Tôi hai mươi sáu tuổi, còn bạn tôi mười chín.

- Các ông bị xử vì tội gì?

- Tội giết người.

- Các ông bị xử án gì?

- Khổ sai chung thân.

- Thế thì không phải là vì tội giết người đơn thuần, mà là vì tội giết người có chủ ý?

- Thưa ông không phải, tôi chỉ bị buộc tội giết người.

- Còn tôi thì giết người có chủ ý, - Maturette nói - Lúc bấy giờ tôi mới mười bảy tuổi.

- Ở tuổi mười hãy người ta có ý thức về việc mình làm, - viên sĩ quan nói. - Ở Anh, nếu tội trạng ấy đã có bằng chứng rõ ràng, anh sẽ bị treo cổ. Thôi được, nhà chức trách của nước Anh không có bổn phận phê phán cách xử án của nước Pháp. Những điều mà ta phản đối là việc đày phạm nhân sang Guyane thuộc Pháp. Chúng tôi cho rằng đó là một hình phạt vô nhân đạo và không xứng đáng với một quốc gia văn minh như nước Pháp. Nhưng có điều đáng tiếc là các ông không thể ở lại Trinidad hay bất cứ một hòn đảo thuộc Anh nào khác. Điều đó không thể được. Vì vậy tôi yêu cầu các ông xử sự một cách trung thực và không tìm cách trì hoãn việc ra đi, không lấy cớ đau ốm hoặc viện một lý do nào khác để ở lại sau khi đã hết hạn tạm trú. Các ông có thể nghỉ ngơi tự do ở Port of Spain từ mười lăm đến mười tám ngày. Chiếc thuyền của các ông hình như cũng tốt. Tôi sẽ cho đưa nó về đây bảo quản ở cảng. Nếu cần sửa chữa gì, thợ mộc của Hải quân Hoàng gia sẽ sửa chữa cho các ông. Khi ra đi các ông sẽ nhận được tất cả các thứ lương thực cần thiết, một cái địa bàn tốt và một tấm bản đồ hàng hải. Tôi hy vọng rằng các nước Nam Mỹ sẽ chịu tiếp nhận các ông. Các ông đừng đến Venezuela vì các ông sẽ bị bắt và bị cưỡng bức làm việc trên các đường cái cho đến ngày họ trao trả các ông cho nhà chức trách Pháp. Sau một lầm lỗi nghiêm trọng, một con người không thể vĩnh viễn bị cưỡng bức phải trở thành người bỏ đi. Các ông trẻ và khỏe mạnh, dung mạo của các ông rất dễ có cảm tình, cho nên tôi hy vọng rằng sau những nỗi cay cực mà các ông đã phải chịu đựng, các ông sẽ không chấp nhận rằng mình đã bị đánh gục vĩnh viễn. Chỉ riêng cái việc các ông đã vượt biển đến tận đây cũng đủ chứng minh điều ngược lại. Tôi lấy làm sung sướng được làm một trong những nhân tố giúp các ông trở thành những người tốt và có trách nhiệm. Tôi xin chúc các ông may mắn. Nếu các ông có vấn đề gì khó giải quyết các ông cứ gọi điện thoại về số này, sẽ có người trả lời các ông bằng tiếng Pháp.

Ông ta bấm chuông gọi, và một người mặc thường phục đến tìm chúng tôi. Trong một gian phòng có nhiều người mặc quân phục cảnh sát hoặc thường phục đang ngồi đánh máy, một viên chức ghi nhận lời khai của chúng tôi.

- Các ông đến Trinidad vì mục đích gì?

- Để nghỉ ngơi.

- Các ông từ đâu đến?

- Từ Guyane thuộc Pháp.

- Để vượt ngục, các ông có làm thêm điều gì phạm pháp, có gây thương tíchh hoặc làm thiệt mạng người khác hay không?

- Chúng tôi không làm ai bị thương nặng cả.

- Sao các ông biết?

- Chúng tôi được biết như thế trước khi lên đường.

- Tuổi của các ông, vị thế hình sự của các ông đối với nước Pháp? (v.v…)

- Thưa các ông, các ông có mười lăm đến mười tám ngày để nghỉ ngơi ở đây. Các ông hoàn toàn tự do muốn làm gì thì làm trong thời gian đó. Nếu các ông đổi khách sạn, xin các ông báo cho chúng tôi biết. Tôi là trung sĩ Willy. Đây là danh thiếp của tôi, có hai số điện thoại: số này là điện thoại chính thức của Sở, còn số này là nhà riêng của tôi. Dù có xảy ra chuyện gì, khi cần đến sự giúp đỡ của tôi các ông cứ gọi điện ngay cho tôi. Chúng tôi biết rằng sự tin cậy của chúng tôi đối với các ông là đúng chỗ. Tôi tin chắc rằng các ông sẽ xử sự đúng đắn.

Lát sau ông Bowen đưa chúng tôi đến bệnh viện. Clousiot mừng lắm. Chúng tôi không kể lại cho cậu ấy nghe cái đêm vừa qua trong thành phố. Chúng tôi chỉ nói rằng người ta để cho chúng tôi muốn đi đâu thì đi.

Clousiot sửng sốt hỏi:

- Không có người áp giải à?

- Phải, không có ai đi áp giải hết.

- Chà, cái dân roastbeef (ý cậu ta muốn nói người Anh) kỳ quặc thật!

Ông Bowen từ nãy đi tìm ông bác sĩ, bây giờ đã trở lại với ông tạ Ông bác sĩ hỏi Clousiot:

- Ai đã lắp lại chỗ xương gãy trước khi buộc nẹp ván vào ống chân?

- Tôi và một người khác nữa, bây giờ không có ở đây

- Ông đã lắp rất đúng, thành thử không cần phải làm gãy lại cái xương chân. Xương bánh chè đã được ghép lại rất khớp. Bây giờ chỉ cần bó bột và lắp thêm một que sắt để ông có thể đi lại chút ít. Ông thích ở lại đây hơn hay là đi với các bạn ông?

- Tôi đi với họ thôi.

- Thế thì sáng mai ông có thể đi với họ.

Chúng tôi cảm ơn rối rít. Ông Bowen và ông bác sĩ lui ra để cho chúng tôi ngồi lại suốt buổi sáng và buổi trưa với bạn chúng tôi. Hôm sau, chúng tôi vui như ngày hội khi cả ba chúng tôi tụ tập đầy đủ trong căn phòng ở khách sạn, cửa sổ mở rộng và bao nhiêu quạt đều chạy để cho căn phòng thật thoáng khí. Chúng tôi không ngớt khen ngợi nhau về gương mặt khỏe mạnh sáng sủa và về dáng dấp bảnh bao trong những bộ áo quần mới. Khi thấy câu chuyện lại quay về quá khứ, tôi nói với các bạn:

- Chuyện quá khứ thì bây giờ ta hãy cố gắng quên đi, chỉ nên nghĩ đến hiện tại và tương lai mà thôi. Chúng ta sẽ đi đâu? Colombia chăng? Panama chăng? Hay Costa Rica? Cần phải hỏi ý kiến ông Bowen xem thử ở những nước nào ta có nhiều khả năng được chấp nhận hơn.

Tôi gọi điện đến văn phòng luật sư của ông Bowen, nhưng không có ông ở đấy. Tôi gọi về nhà ông ở San Fernando, người cầm ống máy lên là cô con gái ông luật sư. Sau khi trao đổi mấy lời thăm hỏi ân cần, cô ấy nói:

- Ông Henri ạ, gần bến khách sạn, ở Chợ cá, có những chuyến xe buýt đi San Fernando. Sao ông không đến chơi nhà chúng tôi vào buổi chiều? Ông đến nhé, tôi đợi ông đấy!

Thế là cả ba chúng tôi lên xe đi San Fernando. Clousiot trông thật bảnh trong bộ áo quần bán quân sự màu thuốc lá của cậu ta.

Chuyến đi trở về ngôi nhà đã đón tiếp chúng tôi nồng hậu như vậy làm cho cả ba chúng tôi đều xúc động. Dường như hai người phụ nữ ấy cũng hiểu nỗi xúc động của chúng tôi, vì họ cùng nói một lúc:

- Thế là các bạn đã lại trở về ngôi nhà của các bạn. Các bạn ngồi xuống đi cho thoải mái. Bây giờ hai nữ chủ nhân không còn gọi chúng tôi là “Monsieur” nữa, mỗi lần nói với chúng tôi họ đều gọi bằng anh hay gọi thẳng tên riêng như chỗ thân tình:

- Henri, anh cho tôi xin hũ đường

- Andre (Đó là tên riêng của Maturette) anh ăn thêm miếng bánh puđing nữa nhé?

Bà Bowen và cô Bowen ơi, tôi hy vọng rằng đến giờ này Trời đã ban thưởng cho hai người vì lòng nhân hậu tuyệt vời đối với chúng tôi, và xin cầu mong cho tâm hồn cao đẹp của hai người, đã đem lại cho chúng tôi những niềm vui xán lạn như vậy trên quãng đường đời còn lại, sẽ chỉ gặp toàn hạnh phúc tột độ mà thôi.

Chúng tôi bàn bạc với hai mẹ con bà Bowen, quây quần xung quanh một tấm bản đồ trải ra trên bân. Nhưng khoảng cách mà chúng tôi sẽ phải vượt qua còn rất lớn: một ngàn hai trăm cây số để đến cảng gần nhất của xứ Colombia là Santa Marta, hai ngàn một trăm cây số để đến Panama; hai ngàn năm trăm cây số để đến Costa Rica. Ông Bowen đã về. Ông nói:

- Tôi đã gọi điện cho tất cả lãnh sự quán, và bây giờ tôi có thể thông báo một tin mừng: các bạn có thể ghé Cuarcao vài ngày để nghỉ ngơi. Nước Colombia thì chưa có gì rõ ràng lắm về cách xử lý đối với người vượt ngục. Theo chỗ ông lãnh sự được biết thì xưa nay chưa bao giờ thấy có những người vượt ngục đến Colombia bằng đường biển. Panama và những nơi khác cũng thế.

- Tôi biết một chỗ an toàn cho các anh, - cô Margaret, con gái ông Bowen, nói. - Nhưng chỗ ấy xa lắm, đến ba ngàn cây số là ít.

- Ở đâu thế? - Cha cô hỏi

- Xứ Honduras thuộc Anh. Ông thống đốc xứ này là cha đỡ đầu của tôi.

Tôi nhìn các bạn và nói:

- Vậy thì mục tiêu sẽ là xứ Honduras thuộc Anh.

Đó là một thuộc địa của Vương quốc Hợp nhất* (*United Kingdom, tên gọi chung cho các xứ Anh-Cát-lợi, Tô Cách-lan, Bắc Ai-len) phía nam giáp nước cộng hòa Honduras, phía bắc giáp Mexico.

Chúng tôi ngồi suốt buổi chiều vạch tuyến đường vượt biển trên bản đồ, với sự giúp đỡ của Margaret và mẹ cô. Chặng thứ nhất Trinidad - Curacao, một ngàn cây số. Chặng thứ hai: từ Caracao đến một hòn đảo bất kỳ sẽ gặp trên đường đi. Chặng thứ ba: Honduras thuộc Anh.

Vì không thể nào lường trước được tất cả những gì có thể xảy ra giữa biển, hai bà quyết định rằng ngoài các món lương thực mà cảnh sát sẽ cung cấp cho chúng tôi phải đem theo một cái thùng nữa đựng các món ăn dự trữ đóng hộp: thịt, rau quả, mứt, cá, v.v... Margaret nói với chúng tôi rằng cửa hàng siêu thị “Salvattori” sẽ vui lòng biếu chúng tôi số đồ hộp đó. Và cô nói thêm một cách hồn nhiên:

- Nếu họ từ chối thì mẹ tôi sẽ mua thôi.

- Không được đâu, cô ạ.

- Thôi anh im đi, anh Henri ạ.

- Không được đâu mà, vì chúng tôi có tiền. Chúng tôi không thể lạm dụng lòng tốt của các vị trọng khi có thể tự mình mua lấy các thứ đó.

Chiếc thuyền của chúng tôi đang ở Port of Spain, đậu dưới một cái mái che của hải quân Anh. Chúng tôi từ biệt gia đình ông Bowen, hẹn là trước khi lên đường sẽ đến thăm họ một lần cuối.

Tối nào cũng vậy, đến mười một giờ, chúng tôi đều ra khỏi nhà một cách đều đặn như thực hiện một nghi lễ tôn giáo. Clousiot ngồi xuống một cái ghế đá trong công viên nhộn nhịp nhất của thành phố, Maturette và tôi thay phiên nhau ngồi với cậu ta trong khi người kia đi dạo phố. Chúng tôi ở đây đã được mười ngày. Clousiot đi lại không đến nỗi khó khăn lắm nhờ cái que sắt luồn dưới lớp bột bó chân. Chúng tôi đã biết cách ra cảng bằng xe điện. Chúng tôi hay ra đấy vào buổi chiều hay buổi tối. Đã có mấy quán bar ở cảng biết mặt chúng tôi và coi chúng tôi như khách quen. Những viên cảnh sát trực đều chào chúng tôi, ai nấy đều biết chúng tôi là ai và ở đâu đến, không bao giờ có ai ám chỉ bất cứ điều gì. Nhưng dần đần chúng tôi nhận thấy rằng trong các quán bar biết mặt chúng tôi, họ tính tiền các món ăn thức uống rẻ hơn so với khách thủy thủ. Mấy cô gái chiếu đãi cũng vậy. Thường thường khi mấy cô ngồi ở bàn các thủy thủ, các sĩ quan hay khách du lịch, họ uống lấy uống để và tìm cách làm cho khách tiêu xài càng nhiều càng tốt. Ở những quán bar có nhảy đầm, họ không bao giờ chịu nhảy với khách nếu chưa được khách mời uống mấy cốc. Nhưng với chúng tôi, tất cả các cô đều có thái độ khác. Họ ngồi chơi với chúng tôi rất lâu mà chẳng chịu uống gì phải năn nỉ lắm họ mới chịu uống một chầu để chúc sức khỏe chúng tôi. Nếu họ chịu uống thì đó không phải để nhắp cái ly tý hon trứ danh của họ mà là uống một cốc bia hay một cốc whisky anh soda thực sự. Tất cả những điều đó đều làm cho chúng tôi rất vui lòng, vì đó là một cách gián tiếp để nói với chúng tôi rằng họ biết rõ tình cảnh của chúng tôi và đồng cảm với chúng tôi. Chiếc thuyền đã được sơn lại và lắp thêm mặt đường viền cao mười phân. Cái trụ đáy đã được củng cố lại. Những đường gân bên trong lòng có chỗ nào bị hư hại, chiếc thuyền vẫn tốt nguyên. Cột buồm đã được thay thế bằng một cái cột mới cao hơn nhưng nhẹ hơn cái cũ; lá buồm phoóc và cái buồm chéo bằng bao bố được thay bằng vải toan tốt màu gạch. Ở sở hàng hải, một thiếu tá thuyền trưởng đã trao cho tôi một cái địa bàn có “hoa hồng gió bốn phương” (họ gọi là compass) và giảng giải cho tôi biết cách dùng địa đồ để xác định ước chừng vị trí của thuyền trên biển. Đường đi của chúng tôi vạch theo hướng tây 1/4 bắc để đến Curacao.

Ông thiếu ta hải quân giới thiệu tôi với một sĩ quan hàng hải chỉ huy chiếc tàu huấn luyện Tarpon. Ông này hỏi tôi xem thử tôi có vui lòng xuống thuyền vào khoảng tám giờ sáng mai và lái thuyền ra khỏi cảng một chút không. Tôi chẳng hiểu như thế để làm gì nhưng tôi cứ hứa. Sáng hôm sau, tôi và Maturette có mặt ở sở hàng hải đúng giờ đã hẹn. Một thủy thủ xuống thuyền với chúng tôi, và tôi cho thuyền ra khỏi cảng dưới một làn gió xuôi. Hai giờ sau, trong khi chúng tôi đang thử lật buồm để vào cảng rồi lại ra cảng, thì thấy một chiến hạm tiến về phía chúng tôi. Trên boong tàu, toàn bộ thủy thủ đoàn và sĩ quan mặc quân phục trắng đã xếp hàng chỉnh tề. Họ đi qua gần sát chúng tôi và hô “Urra!” rồi họ đi vòng lại một vòng và hạ cờ hai lần. Đó là một cách chào trọng thể mà tôi không hiểu ý nghĩa cho lắm. Chúng tôi trở về phần cảng của sở hàng hải khi chiếc chiến hạm đã đậu ở bến. Thuyền của chúng tôi được buộc vào kè xây. Người thủy thủ ra hiệu cho chúng tôi, chúng tôi đi theo anh ta lên tàu. Viên thuyền trưởng đứng trên cầu quan sát tiếp chúng tôi. Một tiếng còi có chuyển giọng đón chào chúng tôi, và sau khi giới thiệu chúng tôi và với các sĩ quan, họ đưa chúng tôi đi trước hàng ngũ các học sinh quân và hạ sĩ quan đang đứng nghiêm. Viên thuyền trưởng nói với họ vài lời bằng tiếng Anh, rồi họ giải tán. Một sĩ quan trẻ tuổi giảng giải cho tôi hiểu rằng ông thuyền trưởng vừa nói với các học sinh quân đang được huấn luyện trên tàu rằng chúng tôi đáng được các thuỷ thủ khâm phục vì đã vượt qua một hành trình dài như vậy trên chiếc thuyền nhỏ bé này, và chúng tôi sắp thực hiện một hành trình còn dài hơn và nguy hiểm hơn nữa. Chúng tôi cảm ơn viên sĩ quan về cái vinh dự lớn lao đó. Ông ta tặng chúng tôi ba bộ áo bằng vải tráng nhựa sau này sẽ rất có ích cho chúng tôi. Đó là những bộ áo không thấm nước màu đen có một cái fermeture éclair to tướng, có đính thêm mũ chụp sau cổ.

Hai ngày trước khi lên đường, luật sư Bowen đến thăm chúng tôi và chuyển lời yêu cầu của viên tổng giám đốc cảnh sát đề nghị chúng tôi đem theo ba người bị đày biệt xứ vừa bị bắt cách đây một tuần. Theo lời khai của họ, họ được các bạn họ ghé thuyền cho đổ bộ lên đảo trước khi tiếp tục vượt biển đi Venezuela. Tôi không muốn làm theo yêu cầu này, nhưng chúng tôi đã được đối xử một cách quá ư cao thượng để có thể từ chối. Tôi xin gặp họ trước khi trả lời. Một chiếc xe cảnh sát đến đón tôi. Tôi gặp qua ông Tổng giám đốc, tức viên sĩ quan đeo lon đã chất vấn chúng tôi hôm chúng tôi mới đến. Trung sĩ Willy làm phiên dịch.

- Các ông có khoẻ không?

- Cám ơn ông, khỏe cả.

- Chúng tôi đang cần các ông giúp cho một việc.

- Nếu có thể giúp được, chúng tôi rất vui lòng.

- Ở nhà lao của chúng tôi có ba người Pháp bị đày biệt xứ. Họ đã lén lút trên đảo mấy tuần và khai rằng đã bị các bạn bỏ lại đây và đi tiếp. Chúng tôi nghĩ rằng họ đã đánh đắm chiếc thuyền của họ, nhưng mỗi người đều khai là không biết điều khiển thuyền bè gì cả.

Chúng tôi nghĩ rằng đó là một thủ đoạn để ép chúng tôi phải cấp thuyền cho họ. Chúng tôi phải tìm cách cho họ đi: nếu không, tôi sẽ buộc lòng trao họ cho viên cảnh sát trên chuyến tàu Pháp đầu tiên ghé qua đây, và đó là một điều rất đáng tiếc.

- Thưa ông tổng giám đốc, tôi sẽ hết sức cố gắng chiều theo yêu cầu của ông, nhưng tôi muốn nói chuyện với họ đã. Chắc ông cũng hiểu rằng nhận chở trên thuyền mình ba người lạ là một việc nguy hiểm.

- Tôi hiểu. Willy, xin ông lệnh đưa ba tù nhân người Pháp ra sân.

Tôi muốn gặp riêng họ cho nên yêu cầu viên trung sĩ lui ra.

- Các anh bị đày biệt xứ, phải không?

- Không, chúng tôi là tù khổ sai.

- Thế tại sao các anh nói là bị đày biệt xứ?

- Chúng tôi nghĩ rằng họ có cảm tình với một người chỉ phạm pháp vụn vặt hơn là vôi một người đã phạm tội nặng. Chúng tôi đã thấy rõ rằng nghĩ như thế là lầm. Còn anh, anh là ai?

- Một phạm nhân khổ sai.

- Chúng tôi không biết anh.

- Tôi thuộc chuyến áp giải sau chót, còn anh?

- Chuyến 1929.

- Tôi thì thuộc chuyến 1927, - người thứ ba nói.

- Đây, ông tổng giám đốc có gọi tôi đến để yêu cầu tôi cho các anh cùng đi với chúng tôi. Chúng tôi đã ba người rồi ông ta nói rằng nếu tôi từ chối, trong hoàn cảnh các anh không có người nào biết đi thuyền buồm, ông ta sẽ phải giao các anh cho chuyến tàu Pháp đầu tiên ghé qua đây. Các anh thấy thế nào?

- Vì những lý do chỉ liên quan đến chúng tôi, chúng tôi không muốn vượt biển nữa. Chúng tôi có thể giả vờ ra đi với các anh, rồi anh sẽ thả chúng tôi xuống ở cuối đảo và sẽ tiếp tục vượt biển.

- Tôi không thể làm như thế được!

- Tại sao?

- Tại vì tôi không thể đền đáp những cách xử sự tốt đẹp của họ bằng một hành động gian dối được.

- Thiết tưởng anh phải dành ưu tiên cho dân khổ sai trước khi nghĩ đến bọn roastbeef chứ!

- Tại sao?

- Vì anh là dân khổ sai.

- Đúng, nhưng dân khổ sai có lắm thứ khác nhau đến nỗi giữa các anh và tôi rất có thể còn khác nhau hơn là giữa tôi và bọn roastbeef. Cái đó còn tùy ở cách nhìn nhận.

- Vậy là anh để cho họ trả chúng tôi cho nhà chức trách Pháp hay sao?

- Không, nhưng tôi cũng sẽ không cho các anh xuống trước khi đến Curacao.

- Tôi tự thấy không đủ can đảm để vượt biển thêm chuyến nữa, - một người trong bọn họ nói.

- Các anh nghe đây, hãy xem chiếc thuyền đi đã. Có lẽ chiếc của các anh dùng để đến đây quá tồi.

- Được, để xem, - hai người kia nói.

- Tốt. Tôi sẽ yêu cầu ông tổng giám đốc để cho các anh đến xem thuyền.

Chúng tôi đi ra cảng, có trung sĩ Willy đi theo. Ba người kia có vẻ tin tưởng hơn sau khi xem chiếc thuyền.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3