Papillon - Người tù khổ sai - Chương 20
Chương 20
Trở về trại khổ sai
Ba ngày sau, ngày ba mươi tháng mười, vào lúc mười một giờ sáng, mười hai viên giám thị của trại khổ sai mặc quân phục trắng, đến nhận chúng tôi. Trước khi khởi hành có một nghi lễ chính thức nho nhỏ: mỗi người trong chúng tôi đều phải được xác định căn cước và nhận dạng. Họ đã đem theo những tờ phiếu ảnh đạc hình: chụp dấu lăn tay, đầy đủ bộ sậu, của từng người, để làm việc ấy. Sau khi đã xác minh căn cước, viên lãnh sự Pháp đến ký một văn kiện trao cho viên chánh án của quận này là người có nhiệm vụ chính thức trao trả chúng tôi cho nước Pháp. Tất cả những người có mặt tại đấy đều ngạc nhiên vì cái thái độ thân hữu của bọn giám thị đối với chúng tôi. Không có một lời nói nặng, cũng không có lấy một cứ chỉ thù địch. Ba người tù đã ở trại lâu hơn chúng tôi quen với nhiều viên giám thị, họ nói chuyện và đùa cợt với mấy gã này như với những người bạn cũ. Viên chỉ huy đội áp giải là thiếu tá Boural rất quan tâm đến tình trạng của tôi, ông ta nhìn đôi bàn chân của tôi và nói với tôi rằng lên tàu họ sẽ chăm sóc cho tôi, rằng trong đội áp giải có một người y tá rất tốt sẽ cho việc ấy.
Chuyến vượt biển dưới căn hầm tàu thủy rất gian khổ vì ở đấy nóng nực khó thở, hai chân chúng tôi lại phải cùm từng hai người một vào những thanh sắt được dùng cho phạm nhân từ thời trại khổ sai Toulon.
Trong chuyến đi chỉ xảy ra một việc đáng ghi lại: chiếc tàu phải ghé Trinidad để lấy than. Khi tàu ghé vào cảng, một sĩ quan hải quân Anh yêu cầu phái tháo cùm của chúng tôi ra. Hình như công pháp quốc tế cấm xích hay trói người đang đi trên tàu. Tôi đã lợi dụng cơ hội này để tát tai một sĩ quan thanh tra Anh khác. Tôi làm như vậy là để nhà chức trách Anh bắt tôi và đưa tôi lên bộ. Viên sĩ quan nói với tôi:
- Tôi sẽ không bắt anh và sẽ không đưa anh lên bộ vì cái hành động nghiêm trọng mà anh vừa làm. Bị đưa về chỗ ấy là một trừng phạt nặng hơn nhiều đối với anh.
Thế là tôi đã phí công vô ích. Quả thật cái số của tôi là phải trở về trại khổ sai. Thật quá rủi ro, mười một tháng vượt ngục, mười một tháng vật vã đấu tranh căng thắng đã kết thúc một cách thật là thảm hại. Thế nhưng bất chấp tất cả, bất chấp cái hồi âm vang dội của những cuộc phiêu lưu dồn dập, chuyến quay về trại giam với tất cả những hậu quá cay đắng của nó, vẫn không thể xóa nhòa những giờ phút khó quên mà tôi vừa sống qua.
Gần hải cảng Trinidad mà chúng tôi vừa từ giã, chỉ cách đấy mấy cây số là nơi ở của gia đình Bowen nhân hậu tuyệt vời. Tàu cũng đã đi qua khá gần Curagac, nơi trú ngụ của một bậc vĩ nhân làm giám mục xứ này: Irénée de Bruyne. Chắc chắn là tàu chúng tôi cũng đã đi qua gần lãnh thổ của người Anh-điêng Guajiros, nơi mà tôi đã được biết tình yêu đắm say và trong sáng nhất dưới cái hình thức hồn nhiên, nguyên thủy của nó. Tất cả sự trong sáng mà chỉ có trẻ thơ mới có được, cách nhìn sự vật một cách thơ ngây của cái tuổi diễm phúc này, tôi đều đã tìm thấy trong những người con gái Anh-điêng đầy ý chí, có một tâm hồn giàu có về khả năng thông cảm, về tình yêu đơn sơ và trong sạch.
Và những người hủi của đảo Bồ câu nữa! Những người tù khổ sai khốn khổ bị mắc cái bệnh ghê tởm này mà vẫn còn đủ sức tìm thấy trong lòng mình bấy nhiêu tình thương cao thượng để giúp đỡ chúng tôi?
Cho đến viên lãnh sự Bỉ với lòng nhân hậu hồn nhiên của ông ta, cho đến Joseph Dega, người không hề quen biết tôi mà vẫn vì tôi sẵn sàng làm những việc nguy hiểm cho bản thân như vậy. Tất cả những người mà tôi đã được biết trong chuyến vượt ngục này đều xứng đáng để cho nó được thực hiện. Tuy đổ vỡ tan tành, cuộc vượt ngục của tôi là một chiến thắng, ít nhất là vì nó làm cho tâm hồn tôi phong phú thêm khi được làm quen với những con người hiếm có đó. Không, tôi không hề hối tiếc là đã vượt ngục.
Và đây là sông Maroni với dòng nước đục ngầu. Chúng tôi đang đứng trên boong tàu Manạ ánh nắng nhiệt đới đã bắt đấu thiêu đất dải đất này. Lúc bấy giờ là chín giờ sáng. Tôi thấy lại cái cửa biển rộng mênh mông kia: chúng tôi đang từ từ tiến vào nơi mà tôi đã ra đi với một tốc độ bão tố như vậy. Các bạn tôi im lặng không nói. Mấy người giám thị rất hài lòng là đã về đến nơi. Vừa rồi biển xấu trong suốt chuyến đi, cho nên bây giờ nhiều người trong bọn họ cảm thấy nhẹ nhõm.
Ngày mười sáu tháng mười một 1934.
Trên bến một đám người rất đông đã tập hợp lại. Có thể cảm thấy họ đang tò mò chờ đợi, nô nức muốn xem mặt những con người gan góc đã dám đi xa như vậy. Vì hôm ấy là ngày chủ nhật cho nên đây cũng là một cơ hội giải trí cho cái xã hội nhỏ này, vốn không có nhiều phương tiện giải trí. Họ bảo nhau:
- Đấy cái người bị thương là Bươm bướm. Còn người kia là Clousiot. Còn anh này là Maturette... - Và cứ thế mãi.
Trong trại tù, sáu trăm người được xếp hàng thành từng khối trước mặt các lán. Cứ mỗi khối lại có mấy viên giám thị đứng cạnh. Người đầu tiên tôi nhận ra được là Francois Sierra. Anh ta khóc công khai, không hề giấu giếm. Anh ta đã leo lên một khung cửa sổ của bệnh xá để nhìn thấy tôi. Có thể cảm thấy rõ rằng nỗi đau lòng của anh là thật. Chúng tôi dừng lại ở giữa trại. Viên chỉ huy trại cầm loa lên nói:
- Các phạm nhân, các người có thể thấy rõ rằng vượt ngục là vô ích. Dù các người có đến nước nào thì cũng sẽ bị bắt lại và trao trả cho nước Pháp. Không đâu người ta thu nhận các người. Vậy tốt hơn cả là các người nên khuất phục và có hạnh kiểm cho tốt. Cái gì đang chờ đợi năm người kia? Một hình phạt rất nặng mà họ phải chịu ở nhà tù cấm cố trên đảo Saint-Joseph rồi sau đó họ sẽ bị cấm cố chung thân ở quần đảo Salut. Đó, kết quả mà họ đã thu được trong chuyến vượt ngục là như vậy. Tôi hy vọng rằng các người đã hiểu. Giám thị, hãy dẫn mấy người kia vào khu trừng giới.
Mấy phút sau, chúng tôi được giam vào một buồng giam riêng ở khu giám sát nghiêm ngặt. Vừa đến một cái là tôi yêu cầu họ chăm sóc đôi bàn chân hãy còn giập nặng và sưng khá tọ Clousiot kêu là chỗ bó bột ở chân rất đau. Chúng tôi thử cầu may... Nếu họ cho chúng tôi vào bệnh viện thì hay quá! Francois Sierra đến với viên giám thị của anh ta. Tên lính gác nói:
- Y tá đến kìa.
- Anh có khỏe không Papi?
- Tôi ốm, tôi muôn đi bệnh viện.
- Tôi sẽ cố đưa anh vào bệnh viện, nhưng sau những việc anh đã làm ở đằng ấy, việc này chắc không thể nào thực hiện được. Clousiot cũng thế.
Sierra xoa chân cho tôi, xức cho tôi một ít thuốc mỡ, xem lại chỗ bó bột cho Clousiot rồi bỏ đi. Chúng tôi không nói gì với nhau được vì bọn cảnh sát đang đứng đấy, nhưng mắt anh ta nhìn tôi dịu dàng trìu mến đến nỗi tôi xúc động tận đáy lòng.
Hôm sau, Sierra nói trong khi xoa bóp cho tôi một lần nữa:
- Không có cách gì có thể đưa anh vào bệnh viện được. Anh có muốn tôi chạy cho anh được đưa vào một phòng giam chung không? Ban đêm anh có phải cùm chân không?
- Có.
- Nếu vậy anh về phòng giam chung thì hơn. Anh vẫn bị cùm, nhưng không bị cô độc. Mà lúc này bị cô độc thì rất khổ cho anh.
- Đồng ý.
Phải, vào lúc này tình trạng bị cô độc còn khó chịu đựng hơn trước kia nữa. Trong tâm trạng của tôi hiện nay, thậm chí chẳng cần nhắm mắt tôi cũng có thể thả hồn đi lang thang trong dĩ vãng cũng như trong hiện tại. Và vì tôi không đi được, cho nên bị giam xà-lim bây giờ sẽ khổ hơn trước nhiều.
Thế là tôi đã thực sự trở về “con đường của sự thối nát”. Thế mà trước đây tôi đã thoát ra khỏi con đường ấy rất nhanh, và đã bay trên mặt biển về phía tự do, về phía niềm vui được làm người trở lại, về phía sự phục thù nữa. Món nợ mà bộ ba Polein, cảnh sát và biện lý hãy còn mắc đối với tôi, tôi không được quên. Về phần cái rương, tôi không cần giao nó cho bọn cảnh binh gác ngoài cổng sở Cảnh sát tư pháp. Tôi sẽ mặc giả làm nhân viên của hãng chuyên chở Cook, đầu đội một cái mũ lưỡi trai rất đẹp mang huy hiệu của hãng.
Trên rương dán một cái nhãn thật to: ủy viên Quận cảnh sát Benoit, ba mươi sáu Quai des Orfevres à Paris (Seine). Tôi sẽ thân hành đưa cái gương lên phòng báo cáo, và vì tôi đã tính chính xác cho cái đồng hồ đánh thức khởi động ngòi nổ đúng vào lúc tôi đã ra về, cho nên vụ này không thề thất bại được. Tìm được giải pháp rồi tôi thấy lòng nhẹ hắn đi. Về phần tên công tố viên, tôi có đủ thì giờ nhổ lưỡi hắn. Cách thức chưa được quyết định, nhưng việc này coi như đã giải quyết xong. Tôi sẽ cắt lười hắn từng miếng một, cái lưỡi chuyên làm đĩ ấy.
Còn bây giờ thì mục tiêu nhãn tiền trước tiên là phải chữa cho khỏi đôi bàn chân. Tôi phải đi lại được càng nhanh càng tốt. Phải ba tháng nữa tôi mới bị đưa ra tòa xử, mà trong ba tháng thì có khối việc xảy ra. Một tháng để đi, một tháng để thu xếp mọi việc, thế là xin chào các ngài. Mục tiêu: Honduras thuộc Anh, nhưng lần này thì sẽ không có ai bắt được tôi nữa.
Hôm qua, ba ngày sau khi chúng tôi trở về trại, người ta đã khiêng tôi vào phòng giam chung. Ở đấy có bốn mươi người đang chờ bị đưa ra hội đồng trừng giới. Người thì bị buộc tội ăn trộm, người thì tội ăn cướp, cố ý đốt nhà, giết người, mưu sát, vượt ngục hay tìm cách vượt ngục, và thậm chí cả tội ăn thịt người nữa.
Phòng giam chia ra làm hai bên, mỗi bên có hai mươi người nằm trên dãy ván gỗ, chân quay ra phía giữa, và đều bị cùm vào một thanh sắt dài mười lăm mét: cứ đến sáu giờ chiều, chân trái mỗi người đều được mắc vào thanh sắt ấy bằng một cái vòng sắt lớn có thể khóa lại được. Đến sáu giờ sáng người ta tháo mấy cái vòng sắt ấy ra, và suốt ngày chúng tôi có thể ngồi, đi lại đánh cờ, nói chuyện trên cái lối đi rộng hai mét chạy qua suốt phòng. Ban ngày tôi không có thì giờ để buồn chán. Mỗi người đều đến thăm tôi từng tốp nhỏ để nghe tôi kể chuyện vượt ngục. Ai cũng kêu là tôi điên khi nghe tôi nói là đã tự ý rời bỏ cái bộ lạc Guajiros của tôi, bỏ cả Lali và Zoraima.
Một người Paris nói:
- Anh còn đi tìm cái gì nữa, hở anh bạn? Xe điện chăng? Thang máy? Rạp xi-nê? Đèn điện và các đồ dùng chạy điện như ghế điện chẳng hạn? Hay anh bạn muốn tắm ở cái bể nước trên quảng trường Pigalle? Làm sao thế anh bạn? Anh cứ tiếp tục ở đấy thì có được hai cô đào cô nào cũng ngon lành, anh sống trần truồng giữa thiên nhiên với cả một lũ người nudistes* (*Nudisme là một phong trào thịnh hành ở Tây Âu, chủ trương không mặc áo quần để gần thiên nhiên hơn. Họ sinh hoạt trong những khu trại riêng, nội quy ấn định là ai nấy đều phải khỏa thân) rất dễ ưa anh ăn, anh uống, anh săn bắn, anh có biển, có nắng, có cát ấm, cho chí ngọc trai cũng là của anh mà anh chẳng mất công gì cả, thế mà anh lại từ bỏ tất cả những cái đó để đi đâu? Anh nói đi nào? Để phải vượt qua các đường phố vừa đi vừa chạy cho khỏi bị xe cán, để bị bắt buộc phải trả tiền thuê nhà, tiền thợ may, tiền điện và tiền điện thoại, và nếu muốn có xe đi thì phải ăn trộm nếu không chịu làm việc như một thằng mọi cho một ông chủ để kiếm vừa đủ khỏi chết đói? Tôi thật không hiểu nổi anh, anh bạn ạ! Anh đang ở trên thiên đường, thế mà lại tự ý quay xuống địa ngục, nơi mà ngoài những nỗi lo âu của cuộc sống anh còn có thêm một mối lo nữa là phải trốn tránh tất cả những tên cảnh sát của toàn thế giới đang đuổi theo anh. Quả tình anh còn giữ được bầu máu Pháp còn tươi và chưa có đủ thì giờ thấy những năng lực thể chất và tinh thần của mình sa sút. Tôi đây với mười năm khổ sai vừa qua, tôi không còn hiểu được anh nữa. Nhưng thôi, dù sao anh đến đây chúng tôi cũng rất hoan nghênh. Và chắc chắn là anh vẫn giữ ý định làm lại từ đầu: vậy thì anh hãy tin rằng tất cả chúng tôi đều sẵn sàng giúp anh. Phải không các cậu? Các cậu đồng ý chứ?
Tất cả những người bị giam trong lán đều tỏ đồng tính, và tôi cảm ơn tất cả bọn họ.
Họ đều là những con người rất đáng sợ: điều đó tôi thấy rõ. Ở chung chạ thế này thật khó lòng mà giấu họ: thế nào rồi người này hay người khác cũng sẽ nhận thấy tôi có plan. Vì ban đêm mọi người đều bị cùm chân vào thanh sắt chung, cho nên giết một người nào đó một cách an toàn không phải là việc khó. Chỉ cần bí mật gặp tên A-rập giữ chìa khóa vào ban ngày rồi đút cho hắn một số tiền để hắn nhận lời không khóa kỹ cái vòng cùm chân. Đến đêm, sẽ tháo vòng ra, thực hiện ý định và thản nhiên trở về nằm ở chỗ cũ sau khi bóp chặt cái vòng lại. Vì tên A-rập là đồng lõa gián tiếp hắn sẽ câm như hến.
Tôi trở về đây đã được ba tuần. Ba tuần ấy đã qua khá nhanh. Tôi bắt đầu đi lại được chút ít bằng cách vịn vào thanh sắt ngăn cách hai dãy ván nằm. Tôi đang tập đi những bước đầu. Tuần trước, trong buổi hỏi cung, tôi đã gặp lại ba tên cảnh sát gác ở bệnh viện đã bị chúng tôi đánh ngất và tước súng. Họ rất hài lòng khi thấy chúng tôi trở về và hy vọng rằng một ngày kia chúng tôi sẽ rơi vào đúng chỗ họ canh gác. Vì sau chuyến vượt ngục của chúng tôi cả ba đều bị phạt nặng: bãi bỏ sáu tháng nghỉ phép ở châu Âu; cắt phụ cấp lương thuộc địa trong một năm. Thành thử cuộc gặp gỡ giữa hai bên không lấy gì làm thân thiện. Chúng tôi báo cáo rõ những sự uy hiếp này trong buổi hỏi cung đề người ta ghi nhận.
Người A-rập giữ chìa khóa có một thái độ tốt hơn. Hắn chỉ nói đúng sự thật, không phóng đại và không nhắc đến vai trò của Maturette trong việc này. Viên đại úy kiêm dự thẩm đã hỏi đi hỏi lại rất nhiều xem ai là người đã kiếm thuyền cho chúng tôi. Chúng tôi đã làm cho ông ta ngờ vực vì trót kể những chuyện không thể nào tin được, như là chuyện chúng tôi tự làm lấy bè, v.v...
Vì vụ đánh bọn giám thị, ông ta nói với chúng tôi rằng ông ta sẽ cố hết sức mình để đòi xử cấm cố năm năm cho tôi và Clousiot, ba năm cho Maturette.
- Và một khi anh đã mang biệt hiệu Bươm bướm, anh hãy tin tôi, tôi sẽ cắt hết cánh của anh, và anh chàng dễ gì bay lên được đâu.
Tôi rất sợ rằng ông ta nói đúng.
Chỉ còn đợi hai tháng nữa là ra tòa. Tôi tự trách mình rất nhiều là đã không bỏ vào plan một hoặc hai mũi tên tẩm thuốc độc. Giá bây giờ tôi còn hai mũi tên đó có lẽ tôi sẽ có thể chơi xả láng trong khu trừng giới.
Hiện nay mỗi ngày tôi đều có tiến bộ: tôi đi càng ngày càng khá hơn. Ngày nào cũng vậy, hai lần vào buổi sáng và buổi chiều, Sierra đến xoa bóp cho tôi bằng đầu long não rất đều. Những chuyến đến thăm và xoa bóp này giúp ít cho tôi rất nhiều về thể chất cũng như về tinh thần. Trên đời này có được một người bạn thật quý hóa vô cùng.
Tôi đã nhận thấy rằng cuộc vượt ngục mấy ngày vừa qua đã đem lại cho chúng tôi một uy tín không thể chối cãi đối với tất cả các phạm nhân. Tôi tin chắc rằng chúng tôi được an toàn tuyệt đối giữa đám người này. Chúng tôi không có nguy cơ bị giết. Tất cả mọi người, không trừ một ai, đều kính trọng và hơn nữa còn khâm phục chúng tôi. Việc đánh ngất bọn gác đã làm cho chúng tôi được liệt vào loại người sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Được cảm thấy mình an toàn cũng thật thú vị.
Mỗi ngày tôi lại đi nhiều thêm một ít, và nhiều khi nhờ cái chai dầu nhỏ mà Sierra để lại cho tôi, có những người tình nguyện xoa bóp cho tôi không những hai bàn chân, mà cả các cơ của bắp chân đã bị teo lại vì lâu ngày không cử động.