Papillon - Người tù khổ sai - Chương 28 phần 2

Tôi luôn luôn phải xua đuổi một ý nghĩ cứ ám ảnh tôi hoài. Tại sao tôi không giết thằng Bébert Celier ngay cái hôm anh em bắt đầu nghi ngờ hắn có những ý định khốn nạn ấy? Mỗi lần câu hỏi ấy hiện ra tôi lại phải tranh luận với bản thân: trong trường hợp nào ta có quyền giết. Rồi kết luận: mục đích biện hộ cho phương tiện. Mục đích của tôi là vượt ngục cho bằng được; tôi đã có cái may mắn là đóng xong được một chiếc bè tốt và giấu được bè vào một nơi an toàn. Việc ra đi chỉ còn tính từng ngày. Một khi tôi đã biết rằng Celier là một mối nguy cơ cho cái bộ phận cuối cùng của chiếc bè, mà do một sự may mắn lạ lùng đã đem cất giấu được, thì lẽ ra tôi phải hành quyết nó ngay, không chút do dự.

Thế nếu tôi nhầm, nếu cái mối nguy cơ ấy chỉ là một ảo giác do những hiện tượng bề ngoài sinh ra thì sao? Thì tôi đã giết một người vô tội. Như thế khủng khiếp quá! Nhưng mày đặt vấn đề như thế thật là phi lô-gích, vì mày là một tên tù khổ sai kia mà! Hơn thế nữa, mày là tù chung thân đã bị xử tám năm cấm cố kia mà!

Mày nghĩ vớ vẩn gì thế, hở cái đồ cặn bã bị coi như rác rưởi hôi tanh của xã hội? Mày thử tự hỏi xem mười hai miếng pho-mát kia - mười hai tên bồi thẩm đã xử mày, - có bao giờ tự vấn lương tâm, dù chỉ một lần thôi, xem thử chúng nó xử mày nặng như vậy có công bằng hay không? Xem viên biện lý - mà tôi chưa quyết định được là sẽ dùng cái gì để rút lưỡi hắn ra - cũng có tự hỏi xem bản cáo trạng của hắn có gì quá đáng hay không? Ngay các trạng sư đã bênh vực tôi chắc chắn là cũng không còn nhớ đến tôi nữa. Có chăng, chắc họ chỉ nhớ chung chung đến “Cái vụ án đáng buồn xử thằng Papillon” ở Tòa Đại hình 1932: các bạn đồng nghiệp ạ, hôm ấy tôi không được sung sức cho lắm, trong khi luật sư Pradel thì lại đang lúc phong độ lên đến tột đỉnh. Ông ta đã làm cho bên nguyên thắng cuộc một cách oanh liệt. Đó quả là một đối thủ hạng cừ khôi.”

Tôi nghe thấy những điều đó như thể tôi đang đứng cạnh trạng sư Raymond Hubert trong một cuộc chuyện trò giữa mấy ông luật sư, hay trong một buổi dạ hội của giới thượng lưu, hay có lẽ đúng hơn là trong một dãy hành lang của Tòa án.

Chắc chắn là chỉ có một người có thể có được lập trường của một vị quan tòa trung thực và lương thiện, đó là ông chánh án Bévin. Con người trung chính vô tư ấy rất có thể, nhân một buổi bàn luận giữa những người đồng nghiệp hay một cuộc hội họp của giới thượng lưu bàn cãi về cái nguy cơ xử oan một con người khi dựa vào ý kiến của bọn bồi thẩm. Chắc chắn ông ta phải nói, dĩ nhiên là với những từ ngữ tế nhị, rằng mười hai miếng pho-mát của hội đồng bồi thẩm không hề được đào tạo hay trang bị gì để đảm đương một trách nhiệm lớn như vậy, rằng họ quá dễ bị nghệ thuật ngôn từ của bên nguyên hay bên bị mê hoặc, tùy theo tương quan lực lượng giữa hai bên trong cuộc đấu khẩu; rằng họ có thể tha bổng quá nhanh, hoặc ngược lại lên án quá dễ dàng mà chẳng biết rõ cho lắm là mình căn cứ vào cái gì, tùy theo cái không khi tíchh cực hay tiêu cực mà phía có tài hùng biện hơn đã gây nên được.

Ông chánh án và cả gia đình tôi nữa cũng thế, đúng; nhưng có lẽ gia đình tôi cũng oán hận tôi chút ít vì chắc chắn là tôi đã gây cho gia đình những chuyện phiền hà. Chỉ có một người duy nhất, cha tôi, vâng, người cha tội nghiệp của tôi, là không than phiền về cây thập tự mà đứa con trai đã đặt lên vai người, tôi tin chắc như vậy. Cây thập tự nặng nề ấy người vẫn cố kéo lê đi mà không lên án thằng con trai, không hề trách móc, mặc dầu, vốn là một người thầy giáo, người phải kính trọng pháp luật và, hơn nữa phải dạy cho học trò hiểu và chấp nhận pháp luật. Tôi tin chắc rằng trong đấy lồng ngực cha tôi, trái tim hiền hậu của người phải quát lên: “Quân khốn nạn, chúng bay đã giết con ta, tệ hơn nữa, chúng bay đã đày đọa cho nó chết dần chết mòn, trong khi nó mới hai mươi lăm tuổi!” Giá người biết thằng con trai của người đang ở đâu, người ta đang hành hạ nó như thế nào, rất có thể người đã trở thành một kẻ vô chính phủ.

Đêm hôm nay, cái nhà pha ăn thịt người đã xứng đáng với danh hiệu của nó hơn bao giờ hết. Tôi được biết là có hai người tù đã treo cổ chết và một người đã tự làm mình chết ngạt bằng cách nhét giẻ vào mồm và vào hai lỗ mũi. Buồng giam một trăm hai bảy ở gần chỗ bọn cảnh sát đổi gác, cho nên thỉnh thoảng tôi nghe được từng mẩu những câu chuyện họ trao đổi với nhau. Sáng nay chẳng hạn, họ nói khẽ, nhưng chưa đủ khẽ để cho tôi đừng nghe những điều họ kể cho nhau nghe về những sự cố đã diễn ra trong đêm vừa qua.

Lại thêm sáu tháng nữa trôi qua. Tôi đã tính sổ, và tôi vừa khắc lên gỗ một con số “14” rất đẹp. Tôi có một cái đinh, cứ sáu tháng mới dùng đến một lần. Vâng, tôi đã tính sổ và nhận định tình hình: sức khỏe tôi vẫn tốt và tinh thần tôi rất vững.

Nhờ những chuyến du hành những các vì sao, rất ít khi tôi bị những cơn tuyệt vọng kéo dài. Những lần lâm vào tình trạng ấy, tôi khắc phục nỗi tuyệt vọng khá nhanh và tổ chức thật chu đáo một chuyến du hành thực sự hay tưởng tượng nó xua tan hết những ý nghĩ bi quan. Cái chết của Celier đã giúp cho tôi nhiều trong việc chiến thắng những cơn khủng hoảng tinh thần ác liệt ấy. Tôi tự nhủ: còn ta, ta vẫn sống, ta đang sống nhăn răng ra đây này, và ta phải sống, sống nữa, sống nhiều nữa để một ngày kia sẽ sống lại thành một người tự do. Hắn đã phá hỏng cuộc vượt ngục của ta, nhưng hắn đã chết và sẽ không bao giờ được tự do như ta sẽ được tự do sau này: một ngày kia ta sẽ tự do, đó là điều chắc chắn. Là điều tất nhiên. Dù có sao chăng nữa, nếu ta ra khỏi nhà lao cấm cố vào tuổi ba mươi tám, ta cũng chưa già, và cuộc vượt ngục tiếp theo sẽ nhất định thành công, chắc chắn là như vậy.

Một, hai, ba, bốn, năm, đằng sau quay: một, hai, ba, bốn, năm, đằng sau quay. Từ mấy hôm nay hai chân tôi đen lại, chân răng tôi là máu… Khai ốm chăng? Tôi lầy ngón tay cái bấm vào cổ chân: khi buông ra, vết bấm vẫn lõm sâu vào. Có thể tưởng chừng như trong người tôi toàn nước. Từ một tuần nay tôi chỉ còn đi được mười cho đến mười hai tiếng một ngày, chỉ đi hai lần sau tiếng mà tôi đã mệt lả ra rồi. Mỗi lần chùi răng bằng khăn mặt rám tẩm xà-bông, tôi thầy đau lắm, và ra máu nhiều. Thậm chí hôm qua có một cái răng tự nhiên rụng ra - một cái răng cửa hàm trên.

Đợt sáu tháng tiếp theo kết thúc bằng một cuộc cách mạng thực sự. Thật vậy, hôm qua họ bắt tù nhân thò đầu cả ra người ghi-sê, một bác sĩ đi rảo qua, banh môi từng người lên. Và sáng nay, đúng mười tám tháng sau khi tôi vào nhà tù cấm cố này, buồng giam của tôi được mở ra, và họ nói với tôi:

- Ra đi, đứng quay mặt vào tường và đợi đấy.

Tôi là người đầu tiên kể từ cửa lớn. Cả thảy gần bảy mươi người đã ra.

- Quay trái, quay?

Tôi là người đi sau cùng trong một dãy dài được dẫn ra đầu phía kia của nhà giam và được đưa ra sân.

Lúc bấy giờ là chín giờ. Một bác sĩ trẻ tuổi mặc áo sơ mi ka ki cộc tay đang ngồi giữa sân, sau một cái bàn nhỏ bằng gỗ. Bên cạnh ông ta là hai anh y tá phạm nhân và một viên giám thị y tá. Trong cả bốn người nay tôi không biết mặt một người nào, kể cả ông bác sĩ. Mười viên cảnh sát cầm súng trường đứng gác xung quanh. Viên chỉ huy nhà tù cấm cố và tốp giám thị trưởng đứng nhìn, không nói một câu.

- Tất cả, cởi hết ra, - viên giám thị trưởng hô - Quần áo cặp nách. Người thứ nhất. Tên là gì?

- Mỗ...

- Há miệng ra, giang chân ra. Nhổ ngay ra ba cái răng này. Tra cồn pha i-ốt trước, sau đó là xanh méthylène. Xi-rô Cochleria mỗi ngày hai lần trước bừa ăn.

Tôi là người cuối cùng.

- Tên gì?

- Charrière.

- Chà! Anh là người duy nhất có một thân thể còn coi được. Mới đến à?

- Không.

- Giam ở đây bao lâu rồi?

- Mười tám tháng.

- Tại sao anh không gầy như mọi người khác.

- Tôi không biết.

- Được, tôi sẽ nói cho anh biết. Tại vì anh ăn khá hơn, nếu không phải là vì anh thủ dâm ít hơn. Há miệng xem. Chân. Mỗi ngày hai quả chanh: một sáng một chiều. Mút nước chanh, xong xát bã vào lợi, anh bị bệnh scorbut.

Họ dùng cồn pha i-ốt lau lợi cho tôi, rồi bôi thuốc xanh méthylène, đoạn phát cho tôi một quả chanh. Đằng sau quay. Tôi là người sau cùng trở về buồng giam.

Việc vừa xảy ra quả là một cuộc cách mạng: cho phạm nhân bị ốm ra tận ngoài sân, cho họ nhìn thấy mặt trời, cho bác sĩ khám từng người một. Ở trại giam cấm cố chưa bao giờ có như vậy. Có chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Phải chăng, do một sự tình cờ nào đấy, rốt cục đã có một ông bác sĩ không chịu làm kẻ tòng phạm câm lặng cửa cái quy chế trứ danh này? Cái ông bác sĩ này, về sau sẽ trở thành bạn tôi, tên là Germain Guibert. Bây giờ thì ông chết rồi, chết ở Đông Dương. Vợ ông ta có gửi thư đến Macaraibo, ở Venezuela, báo cho tôi biết, khá nhiều năm sau cái ngày ấy.

Cứ mười ngày lại có một buổi được ra nắng. Thuốc men vẫn chỉ có thế: cồn pha i-ốt, xanh méthylène, hai quả chanh. Tình trạng của tôi không trầm trọng thêm nhưng cũng không thuyên giảm. Đã hai lần tôi xin xi-rô Cocheléria và đã hai lần bác sĩ không chịu cho, điều đó bắt đầu làm cho tôi xì-nẹc, vì tôi vẫn không đi được sáu tiếng mỗi ngày, và hai cổ chân tôi vẫn còn sưng phù và bầm đen lại.

Một hôm, trong khi chờ đến lượt khám, tôi chợt nhận ra rằng cái cây còm cõi mà tôi đang dùng để nấp chút đỉnh cho đỡ nắng là một cây chanh không ra quả. Tôi bứt một cái lá chanh bỏ vào miệng nhai, rồi một cách lơ đễnh, không hề có chủ đích, tôi bẻ một nhánh cây có dăm chiếc lá cầm chơi. Đến khi ông bác sĩ gọi đến tên tôi, tôi cắp cái nhánh cây sau đít, nói:

- Thưa bác sĩ, tôi không biết có phải tại mấy quả chanh của bác sĩ không, nhưng xin bác sĩ xem giùm thứ cái gì mọc sau đít tôi đây này.

Nói đoạn tôi quay người lại cho bác sĩ xem cái nhánh cây cắm sau đít.

Thoạt tiên bọn cảnh sát cười phá lên, nhưng rồi viên giám thị trưởng nói:

- Papillon anh sẽ bị phạt vì đã có thái độ bất kính đối với bác sĩ.

- Không hề có như thế, - bác sĩ nói. - Ông không được phạt người này, vì tôi có phàn nàn gì đâu. Anh không muốn dùng chanh nữa à? Ý anh muốn nói như vậy phải không?

- Vâng, thưa bác sĩ, tôi chán chanh lắm rồi: mãi có khỏi đâu. Tôi muốn xin xi-rô Cochléria uống thử xem.

- Trước đây tôi không cho anh vì tôi chỉ có được rất ít, phải dành cho những người bệnh nặng. Tuy vậy tôi sẽ cho anh mỗi ngày một thìa, nhưng vẫn phải tiếp tục dùng chanh.

- Thưa bác sĩ, tôi đã có dịp trông thấy người Anh-điêng họ ăn rong biển, thứ rong này ở Royale tôi cũng thấy có. Chắc ở Saint-Joseph cũng phải có thứ rong này.

- Anh đã gợi cho tôi một ý tuyệt hay. Chính tôi cũng đã thấy có một thứ rong gì đấy ở bờ biển. Tôi sẽ cho vớt và phát cho các anh mỗi ngày một ít. Người Anh-điêng họ ăn sống hay đem nấu lên?

- Họ ăn sống.

- Được Cám ơn. Và nhất là, thưa ông chỉ huy, tôi yêu cầu đừng phạt người này, xin ông cam kết với tôi như vậy.

- Tôi đồng ý, bác sĩ ạ.

Quả là một phép lạ. Cứ tám ngày lại được ra nắng hai tiếng đồng hồ, đợi đến lượt mình khám bệnh hoặc chờ cho những người khác được đưa ra, được trông thấy những gương mặt, được thì thầm với nhau vài câu: trước kia ai mà dám mơ ước những điều kỳ diệu như vậy?

Đây là một sự thay đổi huyễn hoặc đối với mọi người, những xác chết đã đứng dậy và bước đi dưới ánh nắng; những con người bị chôn sống ấy nay đã nói lên được đôi lời. Đó là một bình dưỡng khí thổi sự sống vào cơ thể và tâm hồn của mỗi chúng tôi.

Clac, clac, hằng hà sa số những tiếng clac mở tất cả các cửa ngục vào một buổi sáng thứ năm lúc chín giờ. Mỗi người đều phải ra đứng ở ngang ngưỡng cửa phòng giam. Một tiếng gọi:

- Các phạm nhân cầm cố! Quan thống đốc đi thanh tra.

Cùng đi với năm viên sĩ quan của quân đội thuộc địa, chắc hẳn đều những sĩ quan quân y, một người cao lớn, trang nhã, tóc màu hoa râm có ánh bạc, bước chậm rãi đọc hành lang đi qua trước từng khung cửa phòng giam. Tôi nghe tiếng một viên cảnh binh báo cáo cho ông ta biết những hình án nặng và những nguyên do đã dẫn đến nó. Trước khi đi ngang chỗ tôi, họ phải ra lệnh cho một người đứng dậy, vì người này đứng đợi lâu quá đã ngồi thụp xuống. Đó là một trong toán tù vượt ngục ăn thịt người: Gravillẹe. Một viên sĩ quan nói:

- Ồ, tên này chỉ còn là cái xác biết đi!

Quan thống đốc đáp:

- Tình trạng tất cả các tù nhân đều thảm hại.

Đoàn thanh tra đến chỗ tôi. Viên chỉ huy nhà lao nói:

- Người này là tù nhân bị án hình nặng nhất trong nhà lao.

- Anh tên gì? - Quan thống đốc nói.

- Charrière.

- Hình án?

- Tám năm vì tội lấy trộm vật tư của nhà nước và giết người, ba cộng năm năm cấm cố, không có phối án.

- Đã ngồi được bao lâu?

- Mười tám tháng.

- Hạnh kiểm ra sao?

- Tốt. - Viên chỉ huy nhà lao nói.

- Sức khoẻ ra sao?

- Tạm được, - Ông bác sĩ nói.

- Anh có muốn nói gì không?

- Có: cái chế độ cấm cố này là vô nhân đạo và không xứng đáng với một dân tộc như nước Pháp.

- Tại sao?

- Im lặng tuyệt đối, không được đi dạo, và trước đây ít hôm không hề có lệ khám sức khỏe.

- Anh hãy cố gắng có hạnh kiểm tốt, có lẽ anh sẽ được ân giảm nếu tôi còn làm thống đốc.

- Cám ơn ông.

Kể từ ngày ấy, theo lệnh quan thống đốc và bác sĩ trưởng từ Martinique và từ Cayenne tới, hôm nào chúng tôi cũng được một buổi đi dạo và tắm biển trong một thứ bể bơi giả, có những tảng đá lớn ngăn với biển cho cá mập khỏi vào.

Mỗi buổi sáng cứ đến chín giờ, từng toán tù nhân một trăm người một từ nhà lao cấm cố kéo xuống tắm, mình trần như nhộng. Vợ con của bọn giám thị phải ở nhà, để khỏi thấy cái cảnh lõa lồ đó.

Chế độ này kéo dài đã được một tháng. Sắc diện của lũ tù đã khác hẳn. Buổi đi dạo giữa nắng, buổi tắm nước mặn, cái quyền được nói mỗi ngày một giờ, đã làm cho bầy tù cấm cố, cái bầy người đau ốm về tinh thần và thể chất ấy, thay đổi tận gốc.

Một hôm tôi đang đi ở các hàng sau trên đường từ chỗ tắm về nhà lao cấm cố, bỗng nghe có tiếng một người đàn bà hét lên thất thanh và hai phát súng lục.

- Cứu với! Cứu với! Con tôi chết đuối mất?

Những tiếng kêu la ấy từ phía bến đưa lại. Bến đây chỉ là một đường dốc xây xi-măng để cho thuyền đậu. Lại nghe tiếng xôn xao:

- Cá mập! Cá mập!

Rồi lại hai tiếng súng lục nữa. Trong khi ai nấy đều quay đầu về phía có tiếng kêu cứu và tiếng súng lục, tôi xô một tên lính gác ra, không hề suy tính, và người vẫn trần truồng như thế, tôi chạy thẳng ra bến. Đến nơi, tôi trông thấy hai người đàn bà đang la hét như điên, cạnh đấy có hai tên lính gác và hai thằng A-rập.

- Nhảy xuống đỉ - người đàn bà hét. - Nó chưa trôi xa đâu! Tôi không biết bơi, chứ biết thì tôi đã xuống rồi. Hèn nhát cả một lũ!

- Cá mập! - Một tên lính gác nói, đoạn lại chĩa súng bắn xuống biển.

Một đứa bé gái mặc chiếc áo dài màu xanh nối trắng đang trôi lềnh bềnh trên mặt biển, bị một dòng hải lưu yếu đưa từ từ ra xa. Nó trôi thẳng về phía các hải lưu quy tụ lại, vốn là chỗ dùng làm nơi mai táng các phạm nhân, nhưng hãy còn xa mới đến chỗ ấy. Bọn lính gác nổ súng liên tục, và chắc hẳn họ đã bắn trúng nhiều con, vì quanh con bé có những chỗ nước cuộn lên sùng sục.

- Đừng bắn nữa! - tôi quát.

Rồi không suy nghĩ đắn đo, tôi nhảy xuống biển.

Được dòng hải lưu đẩy đi, tôi bơi rất nhanh về phía con bé bấy giờ vẫn nổi lềnh bềnh nhờ cái áo dài căng phồng lên. Tôi vừa bơi vừa đạp chân thật mạnh đế cho cá mập khỏi đớp trúng.

Tôi chỉ còn cách con bé có ba bốn chục mét thì một chiếc xuồng từ đảo Royale vừa chèo ra đến nơi: bên ấy đã nhìn thấy cái cảnh này từ xa. Người trên thuyền vớt đứa bé lên. Tôi ức phát khóc lên được khi đến lượt tôi được kéo lên thuyền, ức đến nỗi quên khuấy cả lũ cá mập: tôi đã liều thân một cách hoàn toàn vô ích.

Nói cho đúng hơn, lúc bấy giờ tôi tưởng là hoàn toàn vô ích, vì một tháng sau, bác sĩ Germain Guibert đã vận động cho tôi được miễn cấm cố vì lý do sức khỏe, và chỉ huy trại đã chuẩn y, coi như đây là một cách thường công cho tôi đã liều mình lao xuống biển để cứu đứa bé.