Loạn Thế Anh Hùng - Tập 1 - Chương 02 - Phần 2
Văn Đình Các nhìn ra nghi vấn trong lòng nàng, cười nói: “Vốn nghe Diệp lão nhị của Đại Xa điếm bẩm báo rằng trên Hảo Đăng lâu từng thấy người mà Tần tướng gia muốn gặp là Thẩm huynh, tiểu sinh bèn lệnh cho bọn họ mau tới mời. Về sau, tin thám báo mới nhất truyền tới, nghe nói phu nhân của Thẩm huynh lại có điểm giống Kinh Tam Nương năm xưa một chủy thủ giết khắp giang hồ, tiểu sinh hiếu kỳ, lại thêm trong lòng biết nếu thật như tin báo, Diệp nhị huynh chỉ sợ phải toi công uổng mạng, mới vội vàng chạy tới, tiếc thay, vẫn chậm một bước, không thấy được phong thái sau khi ẩn tàng gần mười năm của Kinh Tam Nương, có thể nói là tiếc nuối một đời.”
Sau đó, người kia hơi hướng sang Tam Nương Tử gật nhẹ, rồi chẳng để ý tới nàng nữa, quay lại nói với Thẩm Phóng: “Tài lớn của Thẩm huynh, tiểu đệ ngưỡng mộ đã lâu, bài từ ở Ngô Giang càng được người người truyền tụng, chưa có dịp gặp mặt, vẫn lấy làm tiếc hận, ngặt nỗi gót ngọc của Thẩm huynh trước giờ chẳng bén kinh thành! Hôm nay có duyên, ắt phải mời di giá.”
Tam Nương Tử biết gã quen giả bộ, lạnh giọng nói: “Phu phụ chúng tôi là hạng dân đen quê mùa, không quen lễ tiết, chỉ xin Văn tiên sinh nhường cho một lối, ngày khác gặp lại, nhất định sẽ báo đáp.”
Văn Đình Các bật cười, tựa như rất coi khinh nữ nhân, không thèm nhìn tới nàng, vẫn nói với Thẩm Phóng như cũ: “Huynh đài không nể mặt tiểu đệ, lẽ nào thể diện tướng gia cũng không nể sao?”
Tam Nương Tử biết chẳng còn cách nào dàn xếp cho ổn thỏa, bèn dứt khoát lạnh lùng cười nói: “Không ngờ Văn Đình Các Văn tiên sinh đại danh đỉnh đỉnh cũng chạy tới tướng phủ, đi theo đường tắt làm quan rồi, gần đây đường hoạn lộ có được thuận lợi chăng?” Lời nói đượm vẻ mỉa mai. Miệng nàng tuy nói thế nhưng trong lòng thì không nén được run sợ, võ công của Văn gia trước nay trên giang hồ tiếng tăm lừng lẫy, huống chi người này còn là một trong ba vị cao thủ chưởng môn, hôm nay thật chẳng biết có xông qua nổi không. Quả nhiên, Văn Đình Các đanh mặt, tức giận nói với Thẩm Phóng: “Gia quyến của tiên sinh ban ngày ban mặt ngay ngoài thành Lâm An giết liền bốn, năm người, chẳng lẽ thật sự cho rằng không còn vương pháp nữa rồi?”
Chẳng đợi Thẩm Phóng đáp, Tam Nương đã cười chói tai, nói: “Vương pháp? Hóa ra Tần Thừa tướng vẫn còn biết đến hai chữ này! Lão vốn quen mời khách chỗ vắng vẻ, khách đến rồi tự nhiên sẽ tặng thêm vài đao.”
Bấy giờ, Văn Đình Các mới nhìn sang Tam Nương Tử, miệng cười lạnh, nói: “Kinh Tam Nương là hạng cân quắc anh thư, chẳng nhường mày râu, đương nhiên có thể đại diện cho Thẩm huynh. Nhưng ta thấy Thẩm huynh là bậc quân tử phong nhã, túc nho khiêm cung nhường ấy, lẽ nào cũng theo ngươi một đời ăn gió nằm sương, lưu lạc giang hồ - Kinh Tam Nương thật sự đã quên sạch tư vị phiêu bạt giang hồ năm xưa rồi sao?”
Tam Nương Tử khẽ rùng mình, nhớ lại chuyện bản thân thuở trẻ mười bước giết người, nghìn dặm trốn thù, dãi dầu tuyết sương, mãi nghệ nuôi thân, đáy lòng không khỏi nguội lạnh, thầm nhủ: “Mình làm thế này là đúng hay sai? Ngạo Chi trước nay sống cảnh bình yên, loại ngày tháng kia chàng có quen nổi không?” Nhưng mắt vẫn không dám nhìn sang Thẩm Phóng, chỉ đăm đăm nhìn vào đôi tay nho nhã của Văn Đình Các, chợt cảm thấy bàn tay đã được Thẩm Phóng nắm lấy, bên tai có tiếng hắn nhẹ nhàng: “Tam Nương, nàng cứ làm chủ, Áo tơi một mảnh kệ đời gió mưa[17], chỉ cần nàng nói, ta liền đi theo nàng”, bất giác trong mắt nhòa lệ.
[17] Nguyên văn: Nhất soa yên vũ nhậm bình sinh. Một câu trong bài từ theo điệu Định Phong Bacủa Tô Đông Pha (1037-1101), nhà văn học, thư họa nổi tiếng thời Bắc Tống.
Nàng biết Văn Đình Các nếu không phải bất đắc dĩ thì sẽ không tình nguyện động thủ với mình, đắc tội với người trong Bồng Môn, bèn lạnh lùng nói với Văn Đình Các: “Được, vậy trước hết ngươi để ta hỏi tướng công nhà ta xem, muốn đi cùng ta hay muốn đi với ngươi. Phu thê vốn là chim đồng mệnh, đại nạn tới thì nấy tự bay, chưa chắc chàng không có cách nghĩ của riêng mình. Nếu quả thật chàng muốn theo ngươi đi, mạng Đại Xa điếm Diệp lão nhị tất do ta đền, chẳng mảy may liên quan tới chàng.”
Quả nhiên Văn Đình Các hờ hững gật đầu, hình như cũng không muốn vì một Diệp lão nhị mà chuốc lấy một địch thủ như Tam Nương.
Tam Nương Tử kéo tay Thẩm Phóng lùi lại hai bước, quay sang nhỏ giọng nói: “Ngạo Chi, hai người chúng ta chia ra, thiếp cuốn lấy hắn, chàng cưỡi lừa chạy trước, đừng đợi thiếp, sau khi chàng đi rồi, thiếp sẽ tính kế thoát thân, nhớ kĩ, đây không xem là bỏ thiếp mà chạy, võ công của gã họ Văn này rất cao, thiếp hoàn toàn không nắm chút phần thắng. Mười ngày sau, chúng ta gặp lại ở Khốn Mã Tập ngoài phủ Đồng Lăng, tới lúc ấy, chàng đợi thiếp tối đa ba ngày, nếu sau ba ngày thiếp không tới, chàng cứ đi tới Hoài Thượng trước, đến My Lâu ở Phượng Dương tìm một người họ Cố cũng đeo cây thoa gỗ như thiếp, cô ấy sẽ tiếp ứng cho chàng. Tới được đó... chàng hẳn là sẽ an toàn.”
Thẩm Phóng chỉ nói: “Không...”
Tam Nương Tử đã ngắt lời: “Nghe thiếp, chàng ở lại đây sẽ chỉ vướng víu thiếp, đi thật nhanh, thiếp còn có thể sớm thoát thân.” Thẩm Phóng còn định nói gì đó, lại thấy Tam Nương đột nhiên nổi giận, trở mặt nói: “Chàng cho rằng thiếp giết được Diệp lão nhị, chàng liền không việc gì nữa à? Tiểu nhân! Nhu nhược! Chàng muốn co gối rụt đầu đi hầu con rùa họ Tần thì cứ đi đi, đời này ta không nhận chàng là chồng của ta, hai người chúng ta từ đây một đao lưỡng đoạn, bèo nước gặp nhau, Kinh Tam Nương ta coi như nhìn lầm người chồng này!”
Nàng muốn kẻ bên cạnh cho rằng Thẩm Phóng nói “không” là không muốn đi theo nàng. Nói rồi, nàng một chưởng đẩy ngã Thẩm Phóng, lộn đúng vào đám bùn, cả người nhơm nhớp nào bùn nào nước. Thẩm Phóng mở miệng “Tam Nương...”, Tam Nương Tử đã một đao cắt vạt áo mình, ném cho Thẩm Phóng, nói: “Hai ta hôm nay cắt áo dứt tình.” Nói xong, nàng đi tới cắt dây buộc con lừa. Văn Đình Các quả nhiên đứng bên cạnh xem nàng diễn xuất, chợt thấy nàng nhấc chân một cước đá Thẩm Phóng ngã về phía mình, Văn Đình Các vốn có tính đa nghi, không rõ phu phụ hai người có thật đoạn tuyệt hay không, vội lách người tránh đi, lại thấy Tam Nương đã quay người dứt khoát tháo cương cho con lừa, lật người nhảy lên lưng, muốn phóng qua người Văn Đình Các mà đi.
Văn Đình Các vốn đang do dự, thấy Thẩm Phóng bị nàng đá một cước rất nặng, toàn thân bùn nước chẳng phải là giả. Hắn vốn không tin có người thật sự có thể quên mình vì nghĩa, thấy Tam Nương Tử nhảy lên lừa, mà người hắn phụng lệnh tìm về chỉ có Thẩm Phóng, cũng biết danh tiếng Kinh Tam Nương trên giang hồ năm xưa, liền chẳng muốn chọc nàng để sinh thêm việc, liền nghiêng người để nàng phóng qua, rồi cúi người đỡ Thẩm Phóng. Lúc ấy, Tam Nương Tử đã phóng đi hơn chục bước, Văn Đình Các bỗng nghe tiếng Tam Nương Tử đằng sau thét lớn: “Ta thà để chàng chết còn hơn thấy chàng tự hủy danh tiết”, quay đầu lại, liền thấy nàng ngồi trên lưng lừa quăng tới một ngọn phi đao, nhắm thẳng tới Thẩm Phóng. Văn Đình Các kinh nghi, ngờ rằng có giả trá, nhưng thấy ngọn phi đao chớp mắt đã bay tới cách mắt Thẩm Phóng có ba tấc. Cần là cần người sống, hắn không kịp nghĩ nhiều, vội một chưởng vỗ tới cán đao. Tay hắn vừa chạm đao liền biết hỏng rồi, ngọn đao ấy tuy lưỡi sáng loáng nhưng rõ ràng chỉ là do giấy bạc gấp thành. Hắn không kịp nghĩ kĩ, một chưởng đã đập nát đao ấy, chỉ thấy một đám bụi phấn tan ra. Hay cho Văn Đình Các, ngộ loạn không hoảng, sợ mắc phải độc, tay trái vẫn nắm tới Thẩm Phóng, mình thì lập tức khép miệng nín thở, thân thể nhanh chóng lùi về sau. Nào biết tay trái lại chụp vào chỗ trống, thì ra Tam Nương đã tung một sợi dây mềm kéo Thẩm Phóng bay thẳng lên lưng lừa. Tay trái nàng cũng không dừng, liên tục ba châm bắn ngã con lừa còn lại cùng hai con tuấn mã ở cỗ xe kia, ngừa Văn Đình Các đuổi theo, rồi thừa cơ phóng thêm một mũi phi đao nhắm thẳng tới lưng Văn Đình Các. Văn Đình Các chỉ cảm thấy sau lưng lạnh toát, hắn phản ứng cực nhanh, vội vàng rụt người lại, duỗi tay vin vào một thân cây, đu một cái rồi phóng đi, tránh thoát mũi phi đao, cũng mượn lực đu nhảy về phía Tam Nương.
Phi đao trong tay Tam Nương Tử liên tục bắn tới, Văn Đình Các tránh được hết, tránh xong, cảm thấy sau lưng mát lạnh liền biết mũi đao trước đã làm rách lưng áo rồi, tuy chưa cứa vào cơ thịt nhưng Văn Đình Các cũng không nhịn được mà thầm kêu nguy hiểm, thở ra một hơi, lòng càng giận dữ.
Tam Nương Tử vỗ thân lừa, con lừa lao về phía trước như tên bắn nhưng nói cho cùng một lừa hai người, chạy chẳng được nhanh. Văn Đình Các mắt thấy đuổi chẳng kịp, chợt đứng lại, đưa hai ngón tay lên môi huýt một tiếng. Tiếng vừa phát ra khỏi miệng hắn, Tam Nương liền biết không ổn, đây rõ ràng là thuật dùng âm thanh khắc địch của nội gia, công lực Văn Đình Các không đủ, không đả thương nổi người nhưng dọa ngã con vật này thì vẫn thừa. Quả nhiên, thoắt cái, con lừa nghe tiếng run người, thân thể như con lật đật lung lay mấy cái. Tam Nương Tử biết Hồi Ba tiêu của Văn gia lớp sau cao hơn lớp trước, tuyệt không thể để hắn giết con lừa này, nếu thế chỉ sợ một người cũng chẳng thoát nổi! Nàng tuyệt vọng nhìn Thẩm Phóng, nói: “Ngạo Chi, chàng vẫn phải đi trước rồi.”
Nói xong, hai chân điểm nhẹ, tay trái cào trên vai Thẩm Phóng, giật ra một mảnh áo nhét vào tai lừa, tay phải chống lên yên, người vọt xuống, không dừng lại mà phản công thẳng tới Văn Đình Các, không để hắn huýt tiếp. Nàng cắn giữ chỗ tóc rối, đao trong tay nhát nào nhát nấy đưa hiểm, hoàn toàn không khách khí, miệng kêu: “Ngạo Chi, đi mau!” Văn Đình Các vì muốn đổi hơi, mất tiên cơ, bị nàng bức lùi liên tục, nhất thời không sao trả đòn. Thẩm Phóng chẳng chịu đi, quay lại cứu Tam Nương. Văn Đình Các nọ thân thủ phi phàm, Tam Nương rút tay lại thế nào được? Thấy Thẩm Phóng níu lừa chạy vòng vòng quanh mình, nàng nghiến răng, chẳng nói chẳng rằng, vung chủy thủ đâm một phát vào mông lừa, quát: “Bám chắc!” Con lừa hí một tiếng, đau đớn đứng dựng vó rồi men đường phóng như bay.
Tam Nương Tử bấy giờ mới nhẹ lòng, biết Văn Đình Các tuyệt đối không đuổi kịp, Văn Đình Các cũng có dịp vọt lên xuất thủ hoàn kích. Hắn dùng một cây quạt, tuy chưa mở ra nhưng đã khốn trụ cặp chủy thủ của Tam Nương, hắn nói: “Quạt của ta có rút, điểm, đánh, đâm, tước, mở, quét... tổng cộng mười sáu đường. Kinh Tam Nương, ngươi thật sự không chịu thức thời ngừng tay?”
Tam Nương Tử không đáp, chỉ một mực liều mạng chém giết, Văn Đình Các không hề luống cuống, giữ nguyên vẻ văn nhã, lịch lãm cười nói: “Kinh Tam Nương, ta thật bội phục hành động quên mình cứu chồng của ngươi, nhưng chớ có nghĩ một mình Thẩm huynh mà chạy nổi, cô cũng chẳng nghĩ coi, thật sự cho rằng ta tới đây một mình sao?”
Tam Nương nghe mà cả kinh, liếc mắt trông theo, thấy Thẩm Phóng cưỡi con lừa kia đã sắp xông ra ngoài rừng, sau cái cây đầu rừng bỗng đâu vô thanh vô tức hiện ra hai gã công sai, một cầm xích sắt, kẻ kia tay nắm thước sắt, gã cầm thước sắt đã phang một nhát lên đầu con lừa. Con lừa đau đớn, kêu hoảng một tiếng, đứng dựng hai vó, lập tức hất Thẩm Phóng ngã xuống tại chỗ, con lừa đeo yên không cắm đầu cắm cổ chạy đi, Thẩm Phóng bị ngã không nhẹ, loạng choạng mãi vẫn chưa đứng lên nổi, hai gã kia đã từ từ ép đến bên người.
Bây giờ Văn Đình Các lại cuốn lấy Tam Nương, không cho nàng tới tiếp viện. Tam Nương liên tục ra đòn sát thủ nhưng biết với võ công của Văn Đình Các, bản thân muốn cứu Thẩm Phóng, chỉ sợ là vô vọng, nàng cũng thật sự quả đoán, đột nhiên thu tay, lùi lại mười bước, sau đó vái sát đất, mềm giọng nói: “Mong Văn tiên sinh giơ cao đánh khẽ, thả chồng tôi đi, tôi theo ngài về chịu mệnh là được, chàng chỉ là một gã thư sinh hủ lậu, ngài bắt chàng có ích gì đâu?”
Văn Đình Các vẫn lắc đầu.
Tam Nương Tử biến sắc, sắc giọng nói: “Bằng không, hôm nay ngươi cũng vị tất chế trụ được ta. Lúc ấy, chỉ cần Kinh Tam Nương ta còn một hơi thở, còn sống một ngày trên đời thì gian tặc họ Tần với Văn gia Hồ Châu các người chớ mong được một ngày bình yên!”
Văn Đình Các thấy đã chiếm được thế thượng phong, càng chẳng sợ nàng uy hiếp, cười lạnh một tiếng. “Ngươi còn muốn đi? Có chuyện dễ dàng thế sao? Kể cả có đi được, chỉ sợ riêng người trong Hạ Ngũ Môn ngươi đã vướng víu không thôi, hắc hắc, chẳng cần tới Văn mỗ xuất thủ, Kinh Tam Nương thủ đoạn lợi hại, hóa ra cũng có lúc phải cầu xin sao? Ngươi bất tất dọa suông, ta chỉ đem theo có hai công sai này, Tam Nương Tử sao không giết họ cùng với ta một lượt đi, thế chẳng phải càng bình yên mà rời đi sao?” Hắn nhớ tới vừa rồi gặp một đao ám toán hiểm độc của Tam Nương Tử, trong lòng không khỏi nổi giận, ngoài mặt lại càng thêm giả bộ thong dong, mắt híp lại, mở cây quạt thiết cốt phiến nọ ra, nhỏ nhẹ ngâm câu thơ trên mặt quạt: “Thu sang quạt lụa cất rồi, vì đâu người đẹp bồi hồi thương tâm? Muốn xin thế tình xem cho rõ, đại đô ai chẳng đuổi hàn ôn[18]”, thần sắc lại giống như đang chăm chú dạy trẻ nhỏ, vỗ về khuyên bảo.
[18] Nguyên văn: Thu lai hoàn phiến hợp thu tàng, giai nhân hà sự trùng cảm thương, thỉnh bả thế tình tường tế khán, đại đô thùy bất trục viêm lương.
Bỗng nghe giữa tầng không có người cất tiếng: “Thật sự chỉ mang có hai người sao?” Giọng nói trầm thấp, hệt như sấm rền trống dội, người trong rừng nhất tề ngẩng đầu, mới thấy trên một nhánh cây đại thụ bên trái có một người đang nằm, người đó nhấc tay, hai quả tùng bay đi, đằng sau hai cây lớn sau lưng Văn Đình Các vọng lại hai tiếng rên, lại thêm hai vị công sai lùi ra, trên đầu đã sưng một cục tướng. Hai quả tùng thế bay quái lạ, lại có thể vòng qua đánh trúng người nấp sau thân cây, đủ để thấy thủ đoạn cao siêu của người ra tay.
Văn Đình Các thét hỏi: “Kẻ tới là ai?” Đã thấy trên cây có người nhảy xuống, thế như đá tảng, nện thẳng xuống dưới vừa trúng ngay vai của gã công sai đang vươn tay bắt Thẩm Phóng, chỉ nghe “rắc rắc” một tiếng, đôi chân gã công sai chịu không nổi lực, lập tức gãy đoạn, đau tới ngất đi, người từ trên cây rơi xuống, hai chân cưỡi lên vai hắn, mượn thế ngả ra sau, đầu đập vào đầu gã công sai khác, đầu người nọ như quả chùy sắt, công sai kia chịu thế nào được, lập tức cũng hôn mê luôn, sau đó mới thấy người kia đứng thẳng, thân cao dáng hùng vĩ, lầm lẫm uy nghiêm, chẳng thể mạo phạm, Tam Nương giờ mới nhận ra đúng là vị hán tử mình mới gặp trên tửu lâu.
Văn Đình Các mặt mày biến sắc, song thủ vỗ một cái, hai gã công sai vừa mới xuất hiện đã tới tạo thế tam giác, vây người mới tới vào trong, hán tử kia thốt “ha” một tiếng, ngẩng đầu nhìn trời, hoàn toàn chẳng bận tâm, hai chân vững vàng như núi lớn vực sâu. Văn Đình Các cắn răng, cây quạt gập lại điểm tới đôi mắt người nọ. Người nọ không lý đến chiêu thức của hắn, thiết chưởng nâng lên, áp thẳng tới ngực hắn Văn Đình Các trước tiên cảm thấy trước ngực trống trải, xung quanh lại đột nhiên có áp lực đè tới, cuồn cuộn đầy tràn, không thể chống cự, rất giống tuyệt học nghe nói thất truyền đã lâu của Trung Châu - hiệu xưng “một chưởng vỗ ra, muôn núi vọng tiếng” tức “Hưởng ứng thần chưởng”, hắn liền mang máng đoán ra người nọ là ai, lập tức không dám ngạng kháng, vội vàng đưa tay gạt. Mới chạm vào mép chưởng của người nọ, thân hình Văn Đình Các đã vụt cái lùi lại một bước, ánh mắt lộ vẻ hung ác, hán tử kia đã lại một chưởng khác kích tới, Văn Đình Các không dám chậm trễ, trầm eo tấn mã, song chưởng tiếp lấy, một tiếng đánh “bình”, lần này hắn phải bạch, bạch, bạch liên tục lùi ba bước lớn. Hán tử kia chẳng chút nhân nhượng, chưởng thứ ba lại tới, bấy giờ lưng Văn Đình Các đã tựa vào một cây đại thụ lớn. Chỉ thấy sắc mặt hắn từ xanh thành vàng, nhổ khí thành tiếng, cũng ráng sức xuất ra một chưởng, hai chưởng va chạm lại vô thanh vô tức, hồi lâu, mới thấy cây tùng sau lưng Văn Đình Các lắc lư, lá tùng rơi như mưa. Văn Đình Các mép miệng ứa máu, mười ngón tay sưng vù, hán tử kia nhìn hắn, lạnh lùng nói: “Tiếp được ba chưởng của ta, cũng xem là hán tử, thả ngươi một lần, còn không biến đi cho ta?” Văn Đình Các sững ra một lúc, cả đời hắn đâu từng chịu nhục bằng này? Da mặt tím tái căng ra một lúc, mới mạnh mẽ nhấc chân, thù hận nói: “Cảnh Thương Hoài, Cảnh Thương Hoài, ngươi được... ngươi được lắm...!”
Người mà hắn và Tam Nương đều cho là Cảnh Thương Hoài híp mắt, lạnh giọng nói: “Ngươi vẫn không đi?”
Văn Đình Các sắc mặt âm trầm, vẫy tay, hậm hực gọi hai công sai chưa bị thương tới, mỗi người vác một kẻ bị thương nằm dưới đất lên, quay người đi khỏi.
Bọn họ đi khá xa, Tam Nương Tử tới đỡ Thẩm Phóng dậy, thấy gò má hắn xanh tím, toàn thân trên dưới đều là bùn nước, vụn cỏ đầy đầu, cực kỳ nhếch nhác. Hai người đồng thời nhìn sang Cảnh Thương Hoài, đang định tới cảm tạ vị ân nhân đó, khổ nỗi toàn thân chẳng còn sức. Lại thấy hán tử đó đăm đăm nhìn Thẩm Phóng, sau đó lần đầu tiên trong mắt hơi có ý cười mà nhìn Tam Nương, mở miệng nói: “Áo vải dám đâu quên lo nước, hai vị rất tốt, rất tốt!” Nói xong, ôm đứa bé ốm yếu trên cành cây, tấm thân khôi vĩ thoắt chuyển liền bước đi chẳng quay đầu.
Hai người Thẩm Phóng cũng biết ơn lớn chẳng nói cảm ơn cho xiết, muốn giữ cũng chẳng giữ nổi hán tử đó. Hai người mãi sau mới định thần lại. Thẩm Phóng tựa vào một thân cây, một tay kéo tay nàng, tay kia giúp nàng lau đi cỏ vụn trên mặt, cười khổ nói: “Vất vả cho nàng rồi, Tam Nương...” Sau đó lại khẽ than một tiếng: “Chỉ sợ từ nay về sau, chúng ta phải lưu lạc giang hồ...” Nói mà mặt lộ vẻ thương cảm.
Tam Nương lại lắc đầu, cười nói: “Chỉ cần tướng công không hối hận, thiếp có khổ gì đâu!” Ngưng một lát, nàng nói tiếp: “Thiếp lại cảm thấy cả ngày ru rú ở xứ Trấn Giang, bo bo thư phòng, bạc đầu ôm sách mới thật sự lãng phí tấm lòng báo quốc của tướng công, cái học binh lương sổ sách thường ngày của tướng công cũng chẳng có chỗ dùng.” Theo đó, khuôn mặt nàng chợt hiện ra vẻ tập trung nghiêm túc, thong thả nói: “Giang hồ rộng lớn, chưa chắc không có một, hai bậc kỳ nhân ẩn dật chịu kết giao cùng hai ta, lúc ấy, tướng công vị tất không thể một phen thỏa chí, thi triển tài lược ra thiên hạ.”
Thẩm Phóng thấy giữa hàng mi nàng có nét anh khí, trong lòng cũng thấy thoải mái. Nắm lấy tay nàng, phóng mắt nhìn về phía trước, chỉ thấy nếu thật được như thế, lại có người vợ thế này đã đủ an ủi cả đời rồi, hà tất phải thân khoác áo tía, thị thiếp thành hàng.