Hậu cung Chân Hoàn truyện (Tập 2) - Chương 17 - Phần 2

Thuần Nhi cúi đầu thở dài một hơi. Nàng ta trước giờ vốn vô tâm, càng không cần nói đến chuyện có tâm sự gì, cả ngày chỉ cười hì hì đùa giỡn như đứa trẻ, bây giờ lại biết thở dài, thật khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Thuần Nhi xòe tay ra đếm: “Lâu lắm rồi muội không được gặp mẹ, tỷ tỷ thì thích rồi, chỉ cần đứa bé trong bụng lớn một chút là được gặp mẹ.”

Tôi thấy vẻ khao khát đáng thương của nàng ta, không khỏi cảm thấy xúc động, nghĩ đến ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, trong lòng chợt chua xót. Thuần Nhi nhỏ hơn tôi hai tuổi, là con gái út trong nhà, mười ba tuổi vào cung, đến giờ vẫn chưa được gặp người nhà, bảo sao nàng ta không khỏi thương tâm.

Cận Tịch thấy tôi và Thuần Nhi đều có vẻ buồn bã, sợ tôi đau lòng bèn chạy lại khuyên nhủ: “Thuần tiểu chủ sau này cũng sẽ mang thai giống như nương nương chúng tôi thì chẳng phải cũng có thể gặp lại phu nhân rồi sao? Tiểu chủ sống tốt trong cung, phu nhân ở nhà cũng cảm thấy yên tâm, phải vậy không?” Nàng ta mỉm cười, nói tiếp: “Hơn nữa, thức ăn trong cung lại ngon hơn hẳn những món bên ngoài.” Nói xong, nàng ta cười hì hì, lệnh cho Phẩm Nhi bưng món bánh bột ấu ngào sữa nóng hổi ra.

Thuần Nhi không nhìn thấy thì thôi, vừa nhìn thấy đồ ăn ngon thì lập tức sáng mắt, không còn nghĩ đến chuyện thở vắn thở dài nữa. Tôi quả thực rất hâm mộ tính cách đơn thuần, ngây thơ của Thuần Nhi, chỉ cần có đồ ăn ngon thì phiền não cách mấy cũng bị vứt ra ngoài. Sách vở thường nói đến “tâm tư trong sáng”, hẳn là muốn chỉ kiểu người có tính tình giống Thuần Nhi đây. Suy nghĩ nhiều quá sẽ khiến bản thân mình phiền muộn trước tiên.

Tôi cười, nói với nàng ta: “Nghe Thúy Vũ, cung nữ của muội nói muội thích ăn bánh thơm củ ấu, tỷ bèn dặn nhà bếp chuẩn bị cho muội, thêm một ít sữa bò vào, rất mềm, muội ăn thử xem có thích không?”

Thuần Nhi luôn miệng vâng dạ rồi nhanh như chớp ăn hết cả một đĩa, thế mà vẫn thèm thuồng, liếm liếm ngón tay, nói: “Làm ngon hơn chỗ muội nhiều!”

Tôi thương hại nhìn sang nàng ta rồi cười, nói: “Nếu muội thích thì tỷ sẽ dặn nhà bếp chuẩn bị sẵn cho muội mỗi ngày, nhưng phải nhớ là không được ăn quá no.”

Thuần Nhi cười hì hì vâng theo, nhìn chằm chằm vào bụng dưới của tôi, ngẩn ngơ một hồi, sau đó nàng ta mới cẩn thận sờ sờ vào đó, hỏi: “Chân tỷ tỷ, thực sự trong bụng của tỷ đang có một đứa bé sao?”

Tôi cười, đáp: “Đúng vậy, là một đứa bé còn rất rất nhỏ, chân và tay còn chưa dài ra nữa.”

Thuần Nhi ngẩn ra. “Nhỏ đến thế cơ à!” Rồi vội vàng tháo hộ giáp trên tay xuống.

Tôi cười, hỏi: “Muội làm gì vậy?”

Thuần Nhi chống cằm, đáp: “Đứa bé còn nhỏ như vậy, muội sợ hộ giáp quá nhọn làm tổn thương nó.”

Tôi cười đến mức suýt phun cả nước trong miệng ra, khó khăn lắm mới dừng lại được, bảo: “Làm sao bị thương được chứ? Muội thương đứa nhỏ như vậy, tỷ sẽ cho nó làm cháu của muội, có được không?”

Hàng lông mi dài cong vút của Thuần Nhi chớp chớp, hai mắt linh động như hai hạt châu, nàng ta sung sướng kêu lên: “Thật sao? Muội có thể làm dì của nó ư?” Nói xong, nàng ta vội vã tháo miếng ngọc bội dương chi trắng muốt trên cổ xuống. “Vậy muội tặng trước lễ vật này, về sau đứa bé phải gọi muội là dì đấy!”

Tôi đáp: “Hẳn rồi, đã nhận lễ vật thì không thể chối bay chối biến được nữa!” Tôi vuốt ve bụng, nói: “Con à, con xem dì của con thương con chưa kìa, con còn chưa ra đời mà lễ vật đã đến nơi rồi.”

Thuần Nhi cúi sát xuống bụng tôi, nói: “Cục cưng à cục cưng ơi, con phải lớn nhanh nhanh lên nhé, đợi con lớn rồi, dì sẽ để dành cho con những món bánh ngọt ngon lành nhất. Bánh đậu xanh, bánh hạt dẻ, bánh đậu hai màu, bánh đậu cuộn, mứt trái vải, mứt đào sợi, bánh xốp hồ đào, bánh táo cuộn, mứt lê cuộn, đó đều là những món ăn ngon nhất trần đời, dì sẽ nhường cho con ăn hết, sẽ không giành ăn với con đâu, con tha hồ mà ăn để trở thành một cục cưng mập mạp nhé!”

Tôi nói theo: “Còn nữa, dì của con về sau sẽ sinh thật nhiều bé cưng khác để làm bạn với con, con có thích không?” Thuần Nhi giậm chân, cười, mắng tôi: “Tỷ tỷ không biết xấu hổ, lấy muội ra làm trò đùa.” Nói xong thì vén rèm, chạy thẳng ra ngoài.

Tôi cứ tưởng nàng ta sẽ chạy biến mất, ai ngờ lại thò đầu vào, mặt đỏ bừng, chần chừ hồi lâu rồi mới lí nhí hỏi tôi: “Muội sinh bảy, tám đứa nhỏ để chơi trốn tìm với con của tỷ, thế đã đủ chưa?”

Tôi nghe vậy thì không nhịn được cười, lỡ tay làm đổ chén nước mật ong xuống váy, ướt đẫm. Cận Tịch trước nay đoan trang, giờ cũng vừa tủm tỉm cười vừa giúp tôi thay y phục. Tiểu Doãn Tử cười đến bò lăn ra đất. Lưu Chu ôm bụng, những người khác đều quay đi, che miệng cười. Tôi cố nhịn cười, nói: “Đủ rồi, thế là đủ rồi, nhiều hơn thì bọn ta không sao lo nổi đâu.”

Thuần Nhi thấy bộ dạng của chúng tôi như vậy thì biết mình đã lỡ lời, bất giác mặt càng đỏ, chỉ biết quay người bỏ chạy.

Buổi trưa, mặt trời ấm áp, tôi bèn ngồi nghiêng trên sạp trước cửa sổ noãn các phía tây đọc sách để giết thời gian, trên người đắp một chiếc chăn mỏng bằng tơ màu xanh nhạt óng ả, bên dưới lót tấm thảm mềm vằn lông hổ dày hơn một tấc, vừa êm ái vừa ấm áp, tấm rèm vải dệt màu xanh nhạt thêu chỉ vàng được vén lên bằng móc bạc, trên sạp chất chồng ba, bốn chiếc gối lông ngỗng, vỏ bằng đoạn trắng muốt trên có thêu hoa hợp hoan, mềm mại, dễ chịu. Đọc được nửa quyển sách, tôi khép hờ mắt ngủ thiếp đi. Sau một giấc say sưa, tỉnh lại thì trời đã gần tối. Tôi lờ mờ nghe thấy bên ngoài có tiếng Tiểu Liên Tử đang nói chuyện với ai đó, hình như là giọng của Ôn Thực Sơ. Lúc này trong nhà chẳng có ai khác, cửa sổ nửa khép nửa mở, gió chiều mang theo hương hoa từ hành lang len vào khiến tấm rèm chao đảo như sóng gợn mặt nước, những hoa văn thêu chỉ vàng liên miên như ánh mặt trời lấp lánh. Tôi lười chẳng buồn ngồi dậy, vẫn ngả người trên sạp, xoay người về phía cửa sổ, lắng nghe tiếng nói chuyện bên ngoài.

Chỉ nghe Tiểu Doãn Tử thưa: “Thất lễ với đại nhân rồi, nương nương nhà chúng tôi vẫn đang ngủ, không biết đại nhân có chuyện gì gấp không?”

Ôn Thực Sơ đáp: “Không sao, ta đứng chờ ngoài hành lang cũng được. Ta nghe nói nương nương có tin vui nên đến thỉnh an thôi.”

Tiểu Doãn Tử bèn thưa: “Vậy thì phiền đại nhân đứng chờ ở đây, nô tài xin cáo lui trước!”

Bên ngoài yên tĩnh được một lát, cửa sổ vốn được ánh nắng chiều vàng nhạt chiếu rọi, tôi chợt nghe có tiếng bước chân rón rén tiến lại gần rồi cảm thấy trước mắt tối lại. Hơi hé mắt, tôi bỗng nhìn thấy Ôn Thực Sơ đang đứng trước cửa sổ, cách hai tầng rèm cửa sổ và màn giường, hắn đưa mắt nhìn tôi đến thất thần, lẳng lặng chẳng thốt lên tiếng nào.

Đôi mi dài cong vút vội vã cụp xuống, tôi như đang ngủ, hắn cũng tưởng là tôi đang ngủ say. Được một lát, hắn nhẹ nhàng đặt tay lên tấm rèm cửa, hắn không tiến lại gần, cũng không vén rèm lên để ngắm dung nhan lúc ngủ của tôi, chỉ lẳng lặng đứng đó ngắm nhìn tôi, ánh mắt đầy vẻ quyến luyến. Thực ra, cách một tấm rèm chỉ vàng, hắn không thể nhìn thấy tôi rõ ràng được.

Tôi cảm thấy có chút khó xử, nhưng lại không tiện ngồi dậy mở miệng trách mắng, dù gì cũng phải để lại cho hắn chút thể diện để về sau còn gặp gỡ trò chuyện. Thực sự thì hắn đối xử với tôi rất tốt. Vào cung được hơn một năm, nếu ban đầu tôi không được hắn tận tình chăm sóc thì chỉ e cuộc sống sẽ không được thoải mái, dễ chịu như bây giờ.

Chỉ là tôi không muốn vì một chữ “tình” mà nợ người ta quá nhiều. Tình ý mà hắn trao tặng, tôi không thể và cũng không muốn đón nhận và đền đáp. Đương nhiên tôi chỉ còn cách dùng công danh, lợi lộc để trả ơn hắn, coi như không uổng phí công hắn vất vả vì tôi.

Chỉ có điều, hắn lẽ ra phải hiểu rõ, hoa lựu rực lửa trong cung chiếu rọi đôi mắt của tôi, cũng thắp sáng ánh mắt của hắn, nhưng bên trong và bên ngoài bức tường cung đỏ, là sự khác biệt trên trời dưới đất. Hắn có vấn vương ra sao thì cuối cùng cũng là si tâm vọng tưởng. Huống gì lòng tôi thế nào thì trước khi tôi vào cung, hắn đã biết rõ mồn một. Những lời khiến người nghe đau lòng, tôi thực sự không muốn lặp lại lần thứ hai.

Tôi bèn xoay người, đổi tư thế ngủ thêm lần nữa, quay lưng về phía y, giả vờ vô ý huơ tay đẩy thanh như ý bằng ngọc dùng để giữ yên giấc ngủ xuống đất. “Choang” một tiếng, ngọc vỡ tan tành, hắn tựa hồ kinh hãi, vội vã lùi ra xa. Cận Tịch nghe tiếng thì hốt hoảng chạy vào, thấy tôi vẫn ngủ say bèn rón rén dọn dẹp các mảnh ngọc vỡ rồi lui ra ngoài.

Hồi lâu sau, nghe thấy bên ngoài không còn tiếng động, tôi mới cao giọng hỏi: “Ai ở bên ngoài?”

Hoán Bích chạy vào, đỡ tôi ngồi dậy, đặt thêm hai chiếc gối lông ngỗng sau lưng tôi rồi thưa: “Tiểu thư tỉnh rồi sao? Vừa nãy Ôn Thực Sơ đại nhân có ghé qua.”

Tôi vờ lấy làm lạ, hỏi: “Sao không mời hắn vào?”

Hoán Bích cười, thưa: “Đại nhân vốn định vào thỉnh an tiểu thư nhưng nghĩ tiểu thư vẫn còn đang ngủ, Tồn Cúc đường lại cho người sang truyền lời, nói là đến giờ chẩn mạch bình an rồi, mời Ôn đại nhân sang đó.”

Tôi nói: “Vậy cũng phải! Hoàng thượng đã chỉ định Ôn thái y chữa bệnh cho Thẩm Dung hoa, hắn đã gánh vác trách nhiệm, không dễ gì thoát thân. Hắn tới có chuyện gì không?”

Hoán Bích lấy hai tờ giấy từ trong người ra, thưa: “Ôn đại nhân nghe nói tiểu thư bị thương ở mặt, có viết hai phương thuốc đưa đến, nói là nếu lỡ để lại sẹo thì dựa vào phương thuốc này điều chế phấn bôi, có thể che khuất được vết sẹo.”

Tôi đón lấy giở ra xem, một là phương thuốc chế phấn trân châu, lấy hạt hoa nhài tím giã nhỏ lấy nhân, chưng lên chế thành bột, còn loại thứ hai là phấn ngọc trâm, lấy hoa ngọc trâm cắt phần cuống rồi dồn hồ phấn bình thường vào, sau đó chưng chín chế thành phấn ngọc trâm, kế bên còn có hàng chữ nhỏ chú thích kĩ càng, phấn trân châu dùng vào mùa xuân, phấn ngọc trâm dùng vào mùa thu, ngoài ra dùng sương sớm đọng trên lá sen hòa với phấn rồi thoa lên mặt, sẽ làm tăng thêm hiệu quả... Tờ thứ hai viết phương thuốc chế dược hoàn, chọn lấy nguyên cọng cỏ ích mẫu tươi tốt vào tiết Đoan ngọ, trên cỏ không được dính chút bụi đất nào, sau khi hong nắng cho khô thì nghiền thành bột mịn lọc qua rây, thêm vào lượng nước và bột mì phù hợp, vò lại thành viên phơi khô. Chọn một chiếc lò bằng bùn vàng ba tầng kín gió, dùng lửa lớn nung khô trong vòng nửa canh giờ, sau đó để lửa riu riu hầm từ từ, khoảng một ngày một đêm, lấy dược hoàn ra, đợi cho nguội hẳn thì bỏ vào bát gốm nghiền thành bột để dùng. Chùy để nghiền cũng cần chọn lựa kĩ càng, chùy ngọc là tốt nhất, sau đó đến chùy bằng sừng hươu, ngọc, sừng hươu đều có tác dụng làm mịn da, làm mờ vết sẹo và vết nám.

Tôi lại hỏi: “Có hỏi thăm sức khỏe của Thẩm Dung hoa thế nào không?”

Hoán Bích giòn giã đáp ngay: “Nô tỳ đã hỏi rồi. Ôn đại nhân nói tiểu chủ vẫn ổn, chỉ là vẫn chưa xuống giường được, cần phải tĩnh dưỡng. Tiểu thư chỉ để ý đến người khác, chính mình cũng thế thôi!”

Tôi xem qua từng phương thuốc rồi tủm tỉm cười. “Cũng khổ công cho hắn lúc nào cũng lo lắng cho ta. Đợi đến tối, lệnh cho Tiểu Liên Tử theo phương thuốc này đi lấy dược về chế phấn thôi!”

Hoán Bích “vâng” một tiếng rồi lui xuống.

Ngày Hai mươi sáu tháng Ba theo lịch là ngày tốt nhất trong vòng nửa năm nay, tôi và Phùng Thục nghi đều được thụ phong vào ngày này. Từ sáng sớm tinh mơ, Oánh Tâm điện đã bận bịu tíu tít. Đám cung nữ và nội giám bưng lễ vật và nghi trượng chuyên dùng cho ngày lễ lớn đi qua đi lại như con thoi, lối đi lát đá trước điện được trải thảm lông cừu dài đỏ thắm, xe Địch phượng ngọc lộ chuyên dùng cho phi tần lúc được sắc phong đã đứng đợi trước cổng Đường Lê cung.

Tôi ngồi ngay ngắn trước bàn trang điểm, vừa rửa mặt, tắm rửa xong, nội giám hầu cận Huyền Lăng là Lưu Tích Thọ đã đích thân đến đưa y phục và trang sức cần mặc trong lễ sắc phong. Theo đúng lễ chế, trong lễ sắc phong, Hoàng hậu chải tóc theo kiểu Lăng văn, phi chải kiểu Vọng tiên cửu hoàn, quý tần chải kiểu Tham loan, các cung tần còn lại chải tóc cao kiểu Như ý, cung nhân thì chải theo kiểu Phụng thánh. Tôi bèn vấn tóc lại theo kiểu Tham loan vừa đoan trang vừa hòa nhã.

Người phụng chỉ chải tóc cho tôi là lão cô cô Kiều thị. Bà ta mỉm cười, thưa: “Trán của nương nương cao thật, nô tỳ từng chải đầu cho nhiều vị nương nương, nhưng trán của nương nương là cao nhất, hiện giờ người lại đang mang thai, đúng là có nhiều phúc đức, người thường chẳng ai sánh kịp.”

Nữ nhân trong cung đều tin rằng trán càng cao thì phúc đức càng nhiều. Tôi trong lòng vốn đã vui sướng, nghe bà ta nói chuyện bùi tai thì càng thêm hoan hỷ, bèn hạ lệnh thưởng tiền cho bà ta.

Trâm thoa cài đầu tổng cộng có sáu cây, chia làm một đôi thoa hình chữ phúc bằng vàng nạm san hô đỏ, một đôi trâm thiên bảo khánh nghi, nổi bật nhất là đôi bộ dao phượng bằng vàng ròng có đính chuỗi hạt ngọc phỉ thúy và hạt trai. Bộ dao vốn chỉ dành riêng cho người từ địa vị quý tần trở lên, tuy Huyền Lăng sớm đã ban thưởng cho tôi nhưng hôm nay mới có thể sử dụng công khai. Chiếc bộ dao đính đầy hoa vàng hoa bạc chạm rỗng, lấy trân châu, hình dơi bằng đá thanh kim có đính phỉ thúy làm cán, treo những chuỗi hạt ngọc trai được chế tạo tinh xảo, buông rủ đến tận tai. Những đóa cung hoa sáu cánh trên đôi trâm thiên bảo khánh nghi, hoa cài đầu phỉ thúy đính hạt châu lấp lánh, hoa tai dài buông rủ khẽ lay động. Như thế còn chưa đủ, giữa búi tóc còn cài thêm một đôi hoa cài đầu bằng ngọc đỏ đính chuỗi trân châu to bằng hạt gạo, một đôi hoa cài đầu phỉ thúy khảm san hô hình tùng thạch hồ lô, một đôi hoa cài ở thái dương hình phương hồ tập thụy.

Trang điểm xong, tôi hơi nghiêng đầu, bất giác thốt lên: “Nặng thật!”

Lưu Chu đứng bên cười hì hì, thưa: “Hiện giờ mới chỉ được phong là quý tần mà tiểu thư đã chê trang sức trên đầu nặng rồi, về sau trở thành quý phi thì biết làm thế nào? Nghe nói lúc tấn phong quý phi thì chỉ riêng trâm cài đầu đã có đến mười sáu cây rồi đấy.”

Tôi quay đầu giận mắng: “Nói nhảm gì đó!”

Kiều cô cô mỉm cười, khuyên: “Cô nương nói vậy là rất đúng! Nương nương sinh hạ hoàng tử rồi, chẳng lẽ còn sợ không có ngày được phong làm quý phi sao? Trong hậu cung, có ai không biết Hoàng thượng yêu thương nương nương nhất cơ chứ?”

Tôi chỉ cười mà không đáp, dang hai tay ra để bọn họ thay lễ phục. Loan y bằng tơ tằm mỏng hai lớp màu đỏ thêu thụy thảo vân nhạn, tay áo rộng, vạt áo dài chấm đất, khăn quàng vai dệt bằng chỉ vàng thêu hoa, tua rua buông rủ, đồ án chim loan bảy màu thêu dài dằng dặc, từ trước ngực quàng lên vai rồi buông rủ đến tận vạt váy, bồng bềnh như mây. Tay áo được thêu nổi sợi vàng, đường viền thêu hoa chi chít rộng cả tấc, hơi lộ ra mười ngón tay búp măng. Ngang eo chít thắt lưng bằng lụa, trên cánh tay có khoác thêm tấm lụa màu đỏ ánh bạc lấp lánh.

Tự ngắm mình trong gương, tôi thấy mình đúng là có phong thái vô cùng đoan trang, mỹ lệ.

Phong quý tần khác hẳn với những lần sắc phong trước. Lúc trước, mỗi lần sắc phong chỉ cần Huyền Lăng nói một tiếng hoặc ban thánh chỉ thông báo cho lục cung là đủ. Các phi tử từ quý tần trở lên mới có thể coi là chính thức có địa vị cao quý trong chốn hậu cung, cần phải tế bái Thái miếu, nhận kim sách, kim ấn, kim ấn của chính nhất phẩm tứ phi được gọi là Kim bảo. Có điều, Thái miếu chỉ được mở cửa vào những dịp tế trời, phong hậu hay những dịp lễ tết quan trọng, còn bình thường, phi tần được sắc phong chỉ cần tế bái tượng trưng trước Thái miếu từ trong cung là được.

Giờ lành đến, tôi quỳ sau lưng Kính Phi Phùng thị, tế bái trước Thái miếu từ trang trọng, nghiêm túc, nghe Ti cung nghi đọc qua lời mừng bằng văn biền ngẫu bốn sáu, chính phó sứ của lễ sắc phong là Hộ bộ thượng thư Lý Liêm Cơ và Hoàng môn thị lang Trần Hy Liệt cầm tráp sơn đỏ chạm vàng khắc hoa văn long phượng, trên có phủ khăn lụa đỏ nhũ vàng, ban xuống kim sách bốn trang, Kính Phi thì được kim sách tám trang. Sau đó đến lượt hộp gấm nhỏ đựng kim ấn, trên kim ấn bằng vàng có khắc chữ triện, rộng bốn tấc chín phân, dày một tấc hai phân, trên có núm hình chim loan. Kính Phi và tôi ba lần tung hô vạn tuế rồi sau đó đến Chiêu Dương điện vái lạy Hoàng đế, Hoàng hậu.

Hoàng hậu Chu thị mặc lễ phục thêu trăm phượng màu tía ánh vàng, tay áo rộng, ngồi ngay ngắn bên cạnh Huyền Lăng. Nơi tay áo và cổ áo để hở, lộ ra đường viền của lớp áo giữa bằng sa màu vàng đỏ, váy dài màu vàng hoa hạnh thêu chỉ vàng buông thõng mềm mại, choàng vai bằng vải sa trắng có thêu hoa văn bách bảo màu vàng hạnh, dài thướt tha, càng làm tăng thêm phong thái đoan trang, hiền hòa... Vẻ mặt vừa nghiêm túc vừa kính cẩn, Hoàng hậu cao giọng nói: “Kính Phi Phùng thị, Hoàn Quý tần Chân thị được hưởng ân trời, nhận điềm lành trong cung, từ nay về sau phải biết tu đức sửa thân, hậu cung hài hòa, kính cẩn hầu hạ thánh thượng, sinh con nối dõi.”

Tôi và Kính Phi cúi đầu bái tạ ba lượt, cung kính vâng theo: “Được Hoàng hậu dạy bảo, vui mừng khôn siết.”

Ngẩng lên, tôi nhìn thấy chiếc áo bào màu vàng rực thêu chín rồng bằng chỉ vàng của Huyền Lăng, vạt áo có thêu hoa văn sóng nước chập chùng. Ngẩng đầu lần nữa, đón lấy ánh mắt chăm chú, ấm áp như gió xuân của y, trong lòng tôi ấm áp, không khỏi bốn mắt nhìn nhau, mỉm cười vui sướng từ tận đáy lòng.