Hậu cung Chân Hoàn truyện (Tập 4) - Chương 13 - Phần 1
Chương 13
Tuyệt đại giai nhân
Khu vực xung quanh chùa Cam Lộ đã dần trở nên quen thuộc với tôi, tôi bắt đầu đi xa hơn một chút trong những lần cắt cỏ.
Có lúc Tịnh Bạch cau mày, trách mắng tôi: “Đừng có lười nhác, tưởng mình còn là lá ngọc cành vàng như trước sao? Đi cắt cỏ nhớ đi xa một chút!”
Thế là ngay cả đỉnh Lăng Vân hay hậu sơn của đỉnh Cam Lộ, tôi cũng thường hay lui tới.
Chỉ duy có đỉnh Phiêu Miểu, nơi có biệt viện Thanh Lương Đài của Huyền Thanh là tôi nhất quyết không tới bao giờ. Không phải bởi nguyên nhân gì khác, chỉ là vì khi tôi trèo lên cao, nhìn thấy Thanh Lương Đài tường xanh ngói đỏ ở phía xa, tâm trạng liền trở nên bình yên đến khó tả, cảm thấy chỉ cần nhìn xa như vậy là được. Một khi lại gần, trong lòng tôi liền thấp thoáng trào dâng cảm giác sợ hãi.
Hôm ấy, tôi tới hậu sơn của đỉnh Cam Lộ, nơi đây đường hẹp cây nhiều, cành lá rậm rạp, những bông hoa dại mọc lác đác giữa bụi cỏ, thoang thoảng hương thơm, tôi nhất thời nhìn mà say đắm, liền bước vào sâu trong khu rừng, nơi mình chưa từng đặt chân tới. Chỉ thấy xung quanh là một vùng xanh biếc, hoàn toàn che hết ánh mặt trời nóng nực, văng vẳng đâu đây còn có tiếng chim hót véo von, vui tai vô cùng, thời tiết tháng Năm cũng theo đó mà trở nên mát mẻ. Càng vào sâu trong núi lại càng xuất hiện nhiều mạch suối, không khí trở nên sảng khoái, dễ chịu hơn, toàn thân tôi không có chỗ nào là không thoải mái.
Đi tới giữa rừng, một con đường ruột dê lát đá cuội hiện ra trước mắt, chẳng biết dẫn về nơi nào, dường như đang mời gọi người ta đi tiếp. Men theo đó mà đi, chỉ thấy có mấy ngôi nhà cũ quây quần một chỗ, màu sắc ban đầu của tường ngói sớm đã bị gió núi xóa nhòa, chỉ còn lại một vẻ cũ kĩ, hòa vào màu xanh biếc của khung cảnh xung quanh, không có lấy một chút sinh khí, cũng chẳng có gì bắt mắt.
Đi tới gần, tôi thấy trên cổng của khu nhà đó có một tấm biển nhỏ, sơn vàng quá nửa đã bị bong tróc, thêm vào đó, lúc này sắc trời u ám, phải nhìn một lúc lâu tôi mới nhận ra đó là ba chữ lớn “An Tê Quán”.
Tôi nhất thời tò mò, lại cảm thấy mồm miệng khát khô, thầm nghĩ cánh cửa gỗ màu xám kia đang khép hờ, hẳn là có người ở trong. Thế là tôi bèn đưa tay đẩy khẽ, cánh cửa “két” một tiếng mở ra.
Xuất hiện trước mắt tôi là một chiếc sân nhỏ cùng một gian chính đường kiểu dáng bình thường, sau chính đường là sân giữa, sau nữa lại có ba gian thiền phòng nhỏ, tất cả đều vô cùng sạch sẽ, chỉnh tề. Điều đáng chú ý là ở nơi đây, giữa những lùm cỏ xanh biếc có một nguồn suối từ giữa khe đá chảy ra, hết sức thú vị. Quanh sân trồng đầy những cây ngô đồng nhỏ, khiến khung cảnh càng trở nên thanh tịnh và đẹp đẽ.
Giữa rừng tĩnh lặng, gió mát vi vu thổi tới khiến tôi không khỏi cảm thấy hơi lành lạnh, thế là không còn khát như trước nữa.
Một giọng nói dịu dàng, điềm đạm chợt vang lên: “Cô đang tìm ai sao?”
Tôi nhìn theo hướng phát ra âm thanh, thấy một nữ tử ăn mặc theo lối đạo cô đang đứng giữa ánh ráng chiều, tay xách một thùng nước, lẳng lặng nhìn tôi.
Vì đứng ngược sáng nên tôi không thể nhìn rõ dung mạo bà ta, chỉ cảm thấy giọng nói của bà ta rất ôn hòa và động lòng người. Tôi biết mình tự tiện tiến vào thế này là vô cùng thất lễ, liền vội khom người, áy náy cười, nói: “Ta khát nước quá, do đó mới mạo muội vào đây định xin miếng nước.”
Bà ta nghe vậy liền khẽ nở nụ cười, vẫy tay nói với tôi: “Nước ở đó là nước lã, không uống được đâu. Theo ta vào đây đi, để ta lấy nước cho cô.” Tôi vội cảm tạ rồi mới đi tới bên cạnh bà ta.”
Đi tới gần, tôi mới thấy đạo cô này chỉ chừng xấp xỉ bốn mươi tuổi, trông không đến mức quá diễm lệ nhưng khuôn mặt lại rất thanh tú và điềm đạm, còn có mấy phần quen thuộc. Từ trong đôi mắt của bà ta toát ra một vẻ dịu dàng, uyển chuyển khó mà diễn tả bằng lời, tựa một bài Tống từ tinh tế nhất. Lúc này sắc trời đang tối dần, ánh hoàng hôn lập lòe chừng như sắp tắt đến nơi. Tấm dung nhan đột nhiên xuất hiện của bà ta tựa một vầng trăng sáng treo cao trên trời, chiếu xuống vô số tia sáng dìu dịu, lại như bông tuyết đầu tiên rơi xuống giữa trời mùa đông, thuần khiết, thanh tân.
Tôi nhất thời cảm thấy ánh mắt mơ màng, mồm miệng khô khốc. Sự khô khốc đó không phải do cơn khát vừa rồi gây ra, mà là bởi tâm tư tôi đã không còn ở trong đầu mình mà dừng lại hết trên người bà ta, không sao dời đi được.
Bà ta cười tủm tỉm, đưa cho tôi một chén nước, nói: “Uống đi, trà này vừa mới nguội, chính là lúc ngon nhất đấy!”
Tôi vẫn còn đang ngơ ngẩn, chẳng đưa tay ra đón. Bà ta khẽ giục hai câu, tôi mới giật mình bừng tỉnh, ngượng ngùng nói: “Đã thất lễ rồi!”
Bà ta khẽ lắc đầu, không trách cứ gì. Tôi vội đưa tay đón lấy chén nước, thầm tự trách mình, tôi không phải là một nam tử háo sắc, lúc ở trong cung cũng từng thấy đủ loại nữ tử xinh đẹp rồi, thậm chí có cả người diễm lệ tuyệt trần như Hoa Phi. Đạo cô trước mắt này không thể tính là mỹ nhân tuyệt sắc, nhưng lại có thể khiến người ta không kìm được, sinh lòng đắm say.
Tôi thầm khen lạ, uống một ngụm nước rồi hỏi: “Không biết phải xưng hô với sư phụ thế nào?”
Bà ta cười, ôn tồn nói: “Cứ gọi ta là Xung Tĩnh.”
Xung Tĩnh? Tôi thầm ngơ ngẩn, cảm thấy hình như mình từng nghe thấy cái tên này ở đâu rồi. Mà điều khiến tôi nghi hoặc nhất là chùa Cam Lộ vốn thờ Phật, là nơi ở của các ni cô, tại sao ngay trong ngọn núi gần chùa Cam Lộ lại có một tòa đạo quán chẳng mấy nổi danh thế này?
Xung Tĩnh, tôi cẩn thận suy nghĩ nhưng rốt cuộc vẫn không nhớ ra được từng nghe thấy cái tên này ở đâu. Thế nhưng, tôi biết rõ cái tên này rất quen.
Đương nghĩ ngợi, bà ta chợt hỏi tôi: “Cô là ni cô ở chùa Cam Lộ sao?” Tôi khẽ gật đầu. Bà ta lại hỏi: “Cô là người mới tới à? Sao muộn thế này rồi mà vẫn còn ở bên ngoài?”
Tôi thấp giọng đáp: “Dạ phải. Chỉ vì còn chưa cắt đủ cỏ, vãn bối mới ở lại bên ngoài này nhưng cũng chuẩn bị về ngay đây.”
Bà ta khẽ nở nụ cười, trong mắt thấp thoáng một tia xót thương. “Thực vất vả cho cô rồi!”
Tôi không muốn để người khác thương hại nên chỉ im lặng không đáp lời. Thấy bà ta chỉ có một mình, tôi bèn hỏi: “Sư phụ ở đây một mình sao?”
Bà ta ngó nhìn xung quanh một chút, mỉm cười nói: “Ta ở cùng với một người thị nữ.”
Tôi không khỏi thầm kinh ngạc, như vậy thực hiu quạnh quá, nhưng cũng không tiện hỏi bà ta tại sao lại ở đây, chỉ cúi đầu, lẳng lặng uống nước.
Đương trò chuyện, cánh cửa gỗ chợt mở ra lần nữa, một giọng nói khẽ vang lên: “Úi chao, có người lạ ở đây sao?”
Tôi ngoảnh đầu lại, nhìn thấy một người ăn mặc theo lối thị nữ, chắc hẳn chính là người thị nữ mà Xung Tĩnh vừa nhắc tới, bèn nói: “Đã làm phiền rồi!”
Bà ta tuổi tác tương đương với đạo cô kia, đặt thứ đồ trong tay xuống, nở một nụ cười sảng khoái. “Thái phi còn không thấy bị làm phiền, sao ta có thể có cảm giác ấy được?”
Tôi ngẩn ra, trong đầu như lóe lên một tia sáng. Vị đạo cô dáng vẻ hiền hòa trước mắt này được thị nữ gọi là “Thái phi”, nơi này lại ở ngay gần Thanh Lương Đài của Huyền Thanh, mà nhìn khí chất điềm tĩnh nơi khóe mắt bà ta còn không phải giống hệt với Huyền Thanh đó sao? Thứ khí độ cao quý kia, một đạo cô bình thường sao mà có được?
Không ngờ đạo cô trước mắt tôi đây lại chính là Thư Quý thái phi, mẹ ruột của Huyền Thanh, người năm xưa từng làm chấn động kinh thành, đến bây giờ vẫn còn được vô số người trong cung nhắc tới.
Xung Tĩnh, giờ tôi mới nhớ ra lúc xưa Huyền Lăng đã sắc phong cho Thư Quý thái phi làm “Xung Tĩnh nguyên sư, Kim Đình giáo chủ”.
Không ngờ vị Thư Quý thái phi năm xưa từng khiến sáu cung nhan sắc thua hờn phấn son bây giờ lại sống trong một tòa đạo quán vắng vẻ thế này.
Tôi nhất thời kinh hãi, ngẩn ngơ chẳng nói được gì, lát sau mới buột miệng thốt lên: “Thư Quý thái phi?”
Bà ta hơi cau đôi mày ngài, nhìn tôi vẻ nghi hoặc. “Cô biết ta?”
Nghe bà ta nói như vậy, tôi lại càng khẳng định phán đoán của mọi người.
Trong lời đồn đại của mọi người và trong sự tưởng tượng của tôi, Thư Quý thái phi được tiên đế rất mực sủng ái nhất định phải là một nữ tử xinh đẹp vô ngần, rạng rỡ tựa vầng dương chính ngọ, nhưng đạo cô trước mặt tôi đây lại hết sức dịu dàng, tính tình điềm đạm như hoa cúc, hoàn toàn không có vẻ sắc bén của một nữ tử đã từng sống mấy chục năm ở nơi cung đình.
Tôi khẽ gật đầu, cung kính hành lễ. “Dạ phải! Bây giờ nên gọi người là Xung Tĩnh nguyên sư, Kim Đình giáo chủ rồi.”
Danh hiệu này là do Hoàng đế đích thân ban phong, không phải ai trong thiên hạ cũng biết. Lúc này tôi buột miệng nói ra, bà ta cũng đoán được điều gì, sau khi quan sát tôi hồi lâu bèn hỏi: “Cô là người từ trong cung ra?”
Tôi thoáng ngượng ngùng, nhanh chóng đáp: “Thái phi nói không sai.”
Bà ta lặng lẽ đứng trước mặt tôi, khóe miệng thấp thoáng một nụ cười mỉm. Giữa nơi u ám, nụ cười ấy thực rạng rỡ vô cùng, khiến lòng người ấm áp. Lúc này trời đã tối hẳn, trên trời thấp thoáng những vì sao mịt mờ, đạo bào của Thư Quý thái phi bị gió núi thổi bay lất phất, tựa một bông hoa lê thuần khiết vô ngần, càng tôn lên thân hình yểu điệu tựa một tiên tử đang đứng ngắm trăng của bà ta.
Tôi nhìn mà thầm chấn động, cơ hồ không mở mắt ra nổi. Bà ta kỳ thực không quá diễm lệ nhưng điểm động lòng người kia thì lại khó ai có thể so sánh. Tôi từ nhỏ đã tự phụ rằng dung mạo mình chẳng thua kém ai nhưng đứng trước mặt bà ta lại thấp thoáng có cảm giác tự thẹn kém người.
Khí chất dịu dàng, linh động này thực sự vô cùng đặc biệt, có thể thu hút bất cứ người nào, tôi chưa từng được thấy ở bất kỳ ai khác trong cung. Thư Quý thái phi sống nơi thâm cung mấy chục năm mà khí chất không thay đổi, chẳng trách tiên đế lại thích bà ta đến mức đó, gần như chẳng để ý đến bất cứ nữ tử nào khác. Cũng khó trách mẫu thân của Kỳ Sơn Vương lại từng lén mắng bà ta là “hồ ly lẳng lơ”, nhưng đó kỳ thực không phải lẳng lơ, mà là một sự dịu dàng, ấm áp có thể khiến cả nữ nhân mê đắm.
Bà ta nhìn tôi, cười, nói: “Thanh Nhi từng nói với ta, trong cung có một vị Hoàn Quý tần phụng chỉ tới chùa Cam Lộ tu hành, chắc hẳn chính là cô rồi.”
Tôi có chút ngượng ngùng, đoạn khẽ đáp: “Quý tần đã là lối xưng hô của ngày xưa rồi, Thái phi cứ gọi vãn bối là Mạc Sầu.”
“Mạc Sầu?” Bà ta thoáng trầm ngâm, cười hỏi: “Cô vốn họ gì?”
Tôi đáp: “Dạ, họ Chân.”
Bà ta nhìn mái tóc dài buông xõa qua vai của tôi, mỉm cười nói: “Vậy ta sẽ gọi cô là Chân nương tử.”
Tôi nói: “Thái phi khách sáo quá rồi!”
Thư Quý thái phi cười, dịu dàng nói: “Vừa rồi đúng là ta đã nhìn nhầm rồi, khí độ của Chân nương tử, những ni cô bình thường trong chùa miếu tất nhiên không thể nào có được, vậy mà ta nhất thời lại không thể nhận ra, thực sơ suất quá!” Nói rồi bà ta liền mời tôi ngồi xuống, chỉ tay về phía người thị nữ vừa rồi. “Đây là thị nữ hầu cận của ta, tên gọi Tích Vân”, sau đó lại bảo Tích Vân tới hành lễ.
Tôi vội khiêm tốn nói: “Người hầu hạ Thái phi tất nhiên là cô cô, mà vãn bối bây giờ chỉ là thứ dân, sao có thể nhận lễ của một vị cô cô chứ.”
Thái phi vội kéo tôi lại, nghiêm túc nói: “Giờ chúng ta đều không còn ở trong cung, hà tất phải giữ lễ số trong cung làm gì. Ta coi cô như vãn bối, mà Tích Vân là thị nữ của ta, hành lễ một chút cũng là việc nên làm.”
Tôi nghe Thái phi nói năng thân mật như vậy thì cũng không tiện cự tuyệt, đành để im cho Tích Vân hành lễ. Tích Vân tính tình rất thẳng thắn, sảng khoái, cười hì hì nói với tôi: “Vừa rồi nghe Thái phi nói nương tử là ni cô trong chùa Cam Lộ, ta không khỏi giật nẩy mình, nghĩ thầm làm gì có ni cô nào xinh đẹp như vậy, nhất định là Thái phi nói dối ta.”
Tôi thấy bà ta nói năng không hề câu nệ, không kìm được nhìn qua phía Thái phi. Quả nhiên Thái phi chẳng để bụng chút nào, cười nói: “Thị từ nhỏ đã lớn lên cùng ta, nói năng lúc nào cũng như vậy cả, nương tử đừng trách.”
Tôi cười, nói: “Tất nhiên rồi. Vãn bối thực sự thích lối nói chuyện thẳng thắn như vậy, không mệt mỏi như ở trong cung.” Tích Vân đi tới gần tôi, tôi ngước mắt nhìn, bất giác cả kinh, đôi mắt của thị giống như Thư Quý thái phi, đều có màu hổ phách. Tôi không kìm được, hỏi: “Mắt của hai người...”
Thư Quý thái phi cười tủm tỉm nói: “Tích Vân giống ta, đều là người Bãi Di, do đó mắt của bọn ta không giống với người Hán các cô.”
Bãi Di là một tộc nhỏ ở phía nam của Nam Chiếu, vốn tự hình thành một thể, hằng năm xưng thần triều cống Nam Chiếu. Năm Long Khánh thứ ba, tiên đế sai Phủ Viễn Đại tướng quân bình định Nam Chiếu, nhân tiện đạp bằng mấy tộc nhỏ phụ thuộc vào Nam Chiếu như Bãi Di, Thương Nam, cuối cùng mấy tộc đó đều quy hàng, trở thành chư hầu của Đại Chu.
Trong sách sử có viết Thư Quý thái phi là con gái của Tri sự bình chương Nguyễn Diên Niên, cũng coi như xuất thân thế gia thư hương, sao lại là người Bãi Di? Lẽ nào mẫu thân của Thư Quý phi thái là nữ tử Bãi Di?
Tích Vân thấy tôi nghĩ ngợi, bèn cười tủm tỉm, nói: “Chân nương tử, ta biết cô đang suy nghĩ chuyện gì. Cô nhất định đang nghĩ tại sao Thái phi lại là người Bãi Di đúng không?”
Tôi bị đoán trúng tâm tư thì không khỏi có chút ngượng ngùng, không tiện giấu giếm, liền dứt khoát nói: “Trong Chu sử đâu có viết như vậy, rõ ràng nói Thái phi là thiên kim của Tri sự bình chương Nguyễn đại nhân...”
Thư Quý thái phi thản nhiên nói: “Trước đây ở trong cung tất nhiên có nhiều điều kiêng kỵ, bây giờ nói ra cũng không sao. Nguyễn đại nhân là dưỡng phụ của ta, năm xưa tiên đế muốn ta vào cung thuận tiện hơn, do đó mới để ta nhận Nguyễn đại nhân làm dưỡng phụ. Ta quả thực chính là con gái Bãi Di, phụ mẫu đều là người Bãi Di chính gốc.” Bà ta thoáng lộ vẻ ngẩn ngơ. “Non nước Bãi Di mới thực sự là cố hương của ta.”
Nghe bà ta nói năng chân thành, không hề giấu giếm, tôi không khỏi thầm cảm động, bất giác thấy gần gũi với bà ta hơn rất nhiều.
Thư Quý thái phi cười, nói: “Ta đã nói nhiều quá rồi, nương tử có lẽ cũng chẳng thích nghe. Đúng là con người ta già rồi thì thường hay nhiều lời.”
Trong mắt bà ta ánh lên vẻ thương yêu. “Chỉ là vừa nhìn thấy nương tử, ta đã có cảm giác gần gũi, mong nương tử chớ trách.”
Tôi vội nói: “Sao có thể chứ, được Thái phi thương yêu là niềm vinh hạnh của vãn bối.”