Hậu cung Chân Hoàn truyện (Tập 5) - Chương 08 - Phần 1

Chương 8

Chưởng thượng san hô liên bất đắc[5]

[5] Một câu thơ trong bài Cổ ý kỳ 6 của Ngô Vĩ Nghiệp, ý rằng một thứ dù quý báu đến mấy nhưng nếu không phải là của mình thì đừng cố níu giữ - ND.

Tôi cố ý né tránh Huyền Thanh, né tránh sự lưu luyến và khát khao đối với chuyện xưa. Đứng nhìn từ chùa Cam Lộ, tôi có thể thấy được một góc tường trắng ngói xanh của Thanh Lương Đài, thế nhưng vừa thoáng liếc qua tôi đã chua xót không thôi, không dám nhìn tiếp nữa.

Sáng sớm ba ngày sau, tôi không thể không đổi sang bộ mặt khác. Lạnh lùng nhìn bản thân trong gương, sắc mặt tôi bình lặng, không có lấy một chút biểu cảm nào. Bấy lâu nay tôi đã quen mặc áo ni cô, gần như chẳng trang điểm chút nào, và Huyền Lăng khi mới gặp lại tôi đã thấy một Chân Hoàn trong bộ dạng nữ tử Phật môn, điềm đạm mộc mạc. Vậy thì hôm nay, khi trở lại hậu cung, tôi phải ăn mặc sao cho thật diễm lệ, thật quý phái, khiến Huyền Lăng vừa nhìn thấy tôi đã phải chấn động tâm thần.

Tôi mở rương, chọn lấy bộ đồ cao quý diễm lệ nhất mà mặc vào người. Lúc này đây, trên người tôi là một chiếc áo gấm thêu hoa có ống tay áo rộng, bên trên được điểm xuyết bằng rất nhiều sợi tua ngắn có đính những viên đá quý nhỏ long lanh, ngoài ra nơi tay áo còn đính kèm một chiếc khăn sa mỏng dài chừng hơn một trượng, hết sức thướt tha. Ngó nhìn xuống dưới, đó là một chiếc váy dài chạm đất có màu vàng tươi, chất vải mềm mại, mịn màng, hơn nữa còn tỏa ra mùi hương thoang thoảng dễ chịu. Bên trên chiếc váy có hình thêu một con chim oanh đậu trên cành hải đường hết sức sống động, từng đường chỉ còn được điểm xuyết bằng những viên trân châu nhỏ long lanh, số lượng nhiều không kể xiết, thể hiện rõ sự xa hoa quý phái của hoàng gia.

Tôi đưa mắt ra hiệu cho Hoán Bích và Cận Tịch không được động tay vào, tự mình gỡ bỏ búi tóc kiểu Thái hư tượng trưng cho người xuất gia, để mái tóc đen nhánh dài gần chạm đất buông xõa ra sau đầu, dùng chiếc lược sừng tê nạm ngọc chải tóc cẩn thận. Sau đó tôi tự tay búi cho mình kiểu tóc Kinh hồng quy vân, trên mỗi búi tóc ở hai bên trái phải có cài sáu cây trâm bạch ngọc đính chuông bạc, khi bước đi sẽ vang lên những tiếng đinh đang trong trẻo vui tai. Tại búi tóc chính giữa, tôi cài một chiếc bộ dao phượng hoàng tung cánh bằng vàng ròng nạm ngọc, đầu phượng chế thành từ vàng lá, các vị trí như cổ, ngực, bụng, chân thì dùng những sợi vàng mảnh như sợi tóc làm thành hình dạng lông vũ phủ ngoài, bên trên nạm bảo thạch đủ các màu, nơi miệng phượng hoàng có ngậm một dải tua dài đính đủ các loại châu ngọc, cuối dải tua là một viên trân châu tròn xoe vừa khéo chạm đến vị trí mi tâm của tôi, cực kỳ bắt mắt. Nơi cổ tôi không đeo bất cứ thứ đồ trang sức gì, chỉ bảo Cận Tịch vẽ giúp lên đó một bức hình hoa hải đường thật tinh tế với bông hoa màu đỏ nổi bật giữa những phiến lá màu xanh, nền lại được trải bằng bột bạc, sau khi hoàn thành liền toát ra một vẻ triền miên da diết khó mà miêu tả bằng lời. Hai tai tôi thì đeo một cặp hoa tai làm bằng vàng ròng nạm mã não đỏ, bên trên có những sợi tua dài chạm tới tận vai, khiến tôi cảm thấy hơi lành lạnh, ngưa ngứa.

Tôi vẽ cho mình hai dải lông mày hình núi xa, lại đánh một lớp phấn đỏ rồi dùng nước sương hòa bột ngọc trai bôi lên, làm thành Phi hà trang, sắc mặt vừa trắng ngần lại vừa ánh lên những tia đỏ tươi nhàn nhạt. Đưa mắt liếc thấy cây bút vẽ trong hộp đồ trang điểm, lòng tôi thầm run lên, muốn vẽ một bông hoa lê ở nơi mi tâm của mình. Tôi bất giác nhớ lại dịp mình say rượu ngủ dưới gốc lê ở sân sau Đường Lê cung, một cánh hoa lê vừa khéo rơi xuống mi tâm, Huyền Lăng từng nói làn da tôi trắng như hoa lê, hoa rơi vào giữa đôi hàng lông mày thì không hề nổi bật, thế là bèn tự tay cầm bút vẽ một bông hoa lê vào nơi mi tâm của tôi, tạo ra kiểu trang điểm Giảo lê trang, nhất thời mọi người trong cung đua nhau học theo. Đó là thời điểm tôi còn được sủng hạnh, cũng là chút tình ý của tôi với Huyền Lăng năm xưa. Giờ đây, nếu tôi mà trang điểm theo lối đó rồi để Huyền Lăng nhìn thấy, y nhất định sẽ nhớ lại tình xưa, sự thương yêu trong lòng ắt lại càng nồng đậm.

Thế rồi tôi bèn cầm bút vẽ lên, Hoán Bích hiểu ý lập tức đưa một hộp son tới cho tôi nhúng bút. Nghiêng đầu ngó ra phía ngoài, thấy một bóng dáng cao lớn đã đợi từ lâu, lòng tôi bỗng trào dâng nỗi đớn đau vô tận. Bóng dáng ấy thật quen thuộc biết bao, dường như đời này kiếp này sẽ mãi mãi khắc sâu trong trái tim tôi. Dù đã quyết định sẽ trở lại bên cạnh Huyền Lăng, nhận sự ân sủng, dù đã quyết định một lòng một dạ diễn tốt vai “Hoàn Phi” để bảo vệ những người mà mình muốn bảo vệ, thế nhưng tôi vẫn không kìm được đờ người ra, hai mắt bỗng như tối sầm, để mặc cho cây bút vẽ trong tay rơi xuống đất.

Cận Tịch lặng lẽ nhặt bút lên, ôn tồn nói: “Chắc nương nương đã mệt rồi, để nô tỳ làm giúp vậy.” Sau đó bèn cẩn thận vẽ giúp tôi, miệng nở một nụ cười tươi rạng rỡ. “Nương nương sắc vóc nghiêng trời, còn hơn cả ngày xưa, Hoàng thượng nhất định sẽ vô cùng sủng ái.”

Tôi chăm chú nhìn vào trong gương, người trong gương đã chẳng còn chút vẻ ảm đạm nào, khắp người đều xinh tươi rực rỡ, diễm lệ đến tột cùng. Lúc này đây tôi như đang đeo một chiếc mặt nạ, tất thảy tâm trạng u ám đều được giấu đi. Tôi gượng cười, nói: “Đã lâu rồi không mặc cung trang thế này, bây giờ mặc vào có cảm giác thân thể như nặng thêm mấy chục cân vậy, thật khó chịu quá!”

Lời này vừa mới nói ra, ngay đến bản thân tôi cũng thấy vô cùng buồn bã. Bộ cung trang này đẹp thì có đẹp, nhưng thật chẳng khác gì gông cùm ngàn cân, khóa hết mọi niềm hy vọng trong cuộc đời này của tôi.

Cận Tịch hơi cúi đầu, cung kính nói: “Hoàng thượng sủng ái nương nương, ban thưởng hậu hĩnh, nương nương có thể ngày ngày thay đồ mới, sau khi quen rồi thì sẽ chỉ thấy đẹp chứ không còn thấy khó chịu nữa.”

Tôi gượng cười hờ hững. “Chuyện đời có lẽ đều như vậy, sau khi quen rồi thì sẽ không còn cảm thấy khó chịu nữa.”

Tôi khẽ nói: “Ra ngoài thôi!” Hoán Bích và Cận Tịch lập tức mở cửa phòng, một phải một trái đỡ tôi đứng dậy. Dưới vầng mặt trời tháng Năm rực rỡ, Huyền Thanh chắp tay sau lưng đứng một mình dưới gốc lựu ngoài sân, những cánh hoa đỏ tươi rơi đầy xuống người nhưng y lại hoàn toàn không phát hiện. Tôi đưa mắt thoáng nhìn qua phía y, ánh mắt y chợt trở nên đờ đẫn, như là một người mù lâu năm đột nhiên nhìn thấy ánh sáng nên không thể thích ứng kịp vậy.

Hoán Bích khẽ gọi y: “Lục Vương gia.” Y lập tức tỉnh táo trở lại, ung dung quỳ xuống, nói rành rọt từng từ: “Thần đệ Thanh Hà Vương Huyền Thanh tham kiến Hoàn Phi nương nương.”

Như thể bị người ta dùng một con dao sắc đâm thẳng vào tim, tôi phải cố hết sức mới giữ được giọng nói không run rẩy: “Thanh Hà Vương xin hãy đứng dậy đi.”

Y nhanh chóng ngẩng lên, tại nơi sâu thẳm trong mắt thoáng qua một tia buồn thương tột độ, như là một ngôi sao băng bay vụt qua bầu trời đêm, sau nháy mắt đã biến mất. Y nói: “Mời nương nương dời gót, kiệu loan đã chờ sẵn ngoài chùa rồi.”

Tôi lạnh lùng cất tiếng, cơ hồ không thể nhận ra giọng nói của mình: “Đã làm phiền Thanh Hà Vương rồi!” Khi chậm rãi đi qua bên cạnh y, tôi khẽ nói: “Trên người Vương gia có dính mấy cánh hoa rơi kìa, những vật chẳng lành như thế thực không nên để chạm tới người Vương gia.” Y dường như không hề nghe thấy, vẫn đứng im không động đậy.

Hoán Bích thấy tình hình không đúng lắm, bèn bước lên trước hai bước giúp Huyền Thanh phủi đi mấy cánh hoa trên người. Huyền Thanh khẽ thở dài một tiếng. “Hoa rơi vốn theo ý người, phủi nó đi làm gì?”

Lòng tôi bất giác thầm băng giá, y rốt cuộc vẫn trách tôi.

Cận Tịch buông cánh tay tôi ra, khẽ nhún người hành lễ. “Nô tỳ qua chỗ kiệu loan xem có vấn đề gì không.”

Hoán Bích cũng nói: “Ngọc bội như ý của tiểu thư hình như còn bỏ quên trong phòng, để nô tỳ đi lấy.”

Tôi khẽ cất tiếng gọi: “Thanh!”

Y không kìm được đưa mắt nhìn tôi, giọng nói xiết nỗi bi thương băng giá: “Hoàn Nhi, ta không hận người khác, chỉ hận bản thân thôi.”

Sau một hồi lâu im lặng, tôi đưa tay nhặt lấy một cánh hoa lựu đỏ tươi trên vai y, khẽ nói: “Ta tự có đạo lý của mình. Người dính hoa lựu kỳ thực cũng là việc mừng, Hoàn Nhi xin chúc Vương gia con cháu đầy nhà, phúc thọ dài lâu.”

Y nhất thời chưa hiểu, đưa mắt nhìn về phía chân trời xa xôi, ánh mắt toát ra một vẻ hiu quạnh khó mà dùng lời để miêu tả: “Không có nàng, phúc thọ dài lâu đối với ta mà nói thực chẳng có chút ý nghĩa nào cả!”

Trái tim tôi như bị một cây búa gõ mạnh vào, tột cùng đau đớn, lại giống như một lớp băng trên mặt hồ đang không ngừng nứt vỡ, cuối cùng tan ra thành từng mảnh nhỏ, không cách nào nối liền lại được. Tôi đau xót vô cùng, khó có thể nói được lời nào, chợt một làn gió man mác thổi qua, trên cành cây có bông hoa lựu nhẹ nhàng rơi xuống đất, nghe “bộp” một tiếng, rồi lại một tiếng nữa vang lên.

Sau một thoáng lặng im, Hoán Bích không biết đã tới bên cạnh tôi tự lúc nào, khẽ nói: “Thời gian không còn sớm nữa, tiểu thư mau lên kiệu đi thôi.” Dứt lời bèn đưa tay ra chờ tôi bám vào.

Tôi đột nhiên tỉnh táo trở lại, đang định đưa tay tới, chợt bàn tay của Huyền Thanh đã đỡ lấy tay tôi. Tay y thật lạnh biết mấy, tựa như vừa ngâm nước băng giữa tiết trời tháng Giêng, không có chút ấm áp. Hoán Bích lộ rõ vẻ kinh hãi, tôi cũng biết như thế này không hợp với lễ nghi, đang định giằng tay ra thì đã nghe y trầm giọng nói: “Thần cung nghênh nương nương hồi cung, để tỏ hoàng ân mênh mang khôn xiết.”

Tôi nhanh chóng khôi phục vẻ điềm đạm ung dung, dịu dàng cất tiếng: “Vậy xin làm phiền Thanh Hà Vương rồi.”

Tôi bám vào tay y bước đi chậm rãi, trong chùa Cam Lộ, điện Phật trùng trùng, những bậu cửa liên miên chừng như bước mãi cũng không qua hết được, trong không khí vương vất đầy mùi đàn hương. Tất cả mọi người trong chùa lúc này đều đã ra ngoài quỳ đợi, khung cảnh trở nên tĩnh lặng vô cùng, chỉ có tiếng bước đi chậm rãi của mấy người chúng tôi. Tôi chợt nhớ lại cảnh trời chiều u ám trên con đường núi ngày đó, những cành cây trên đỉnh đầu nhìn như lũ ma quỷ đang múa vuốt nhe nanh, Huyền Thanh ngoảnh đầu qua nhìn tôi, khẽ nói: “Tư thế dắt tay này có tên gọi Đồng tâm khấu, nghe đồn cặp nam nữ nào dắt tay nhau như thế này, cả đời sẽ không bao giờ ly biệt.” Tôi gượng cười buồn bã, dường như những lời đó mới được nói cách đây không lâu, chỉ chừng hơn một năm thôi, vậy mà sự đời đã biến đổi khôn lường, còn con đường này thì chẳng bao lâu nữa sẽ kết thúc.

Cẩn Thân điện đã là tòa điện cuối cùng rồi, chỉ một lát nữa thôi chúng tôi sẽ phải buông tay nhau ra. Bên ngoài cửa chùa có hai hàng cung nữ và thái giám đang cung kính cúi đầu quỳ đợi, chiếc kiệu loan màu vàng tươi mà xưa nay vốn chỉ có Hoàng hậu mới được ngồi dừng ở phía không xa. Chiếc kiệu này cao sáu thước, rộng sáu thước, dài tám thước, được làm bằng gỗ cổ đàn, hai càng sơn màu đỏ tươi, bốn góc của mui kiệu đều có treo một quả cầu vàng chạm rỗng, trong mỗi quả cầu vàng lại đặt hai chiếc chuông vàng, gió thổi tới là sẽ làm vang lên những tiếng “đinh đang” trong trẻo. Trên thân kiệu có rất nhiều bức hình tinh xảo được nạm thành từ vàng bạc, như là hình hoa mẫu đơn vờn quanh long lân quy phượng, thần tiên dạo vườn xuân, bốn phía xung quanh lại treo rèm châu lóng lánh, hai đầu trước sau của chiếc kiệu còn có mười sáu tấm bảng hiệu đỏ tươi viền vàng, thể hiện rõ khí phái của hoàng gia. Huyền Lăng, y quả nhiên đã dùng đội nghi trượng có quy cách bằng một nửa Hoàng hậu để đón tôi về cung.

Lý Trường và Cận Tịch sớm đã chờ sẵn bên ngoài, vừa nhìn thấy chúng tôi liền vội vàng bước tới hành lễ ba quỳ chín lạy, cung kính nói: “Bái kiến Vương gia, nương nương. Cung nghênh nương nương hồi cung.”

Tôi khẽ gật đầu, tỏ ý bảo bọn họ hãy đứng dậy, sau đó mới trầm giọng nói: “Hoàng thượng trịnh trọng thế này, sao bản cung dám nhận? Tùy tiện dùng nghi trượng của Hoàng hậu đã là tội đại bất kính, dù Hoàng thượng ơn cao, Hoàng hậu đức dày, bản cung cũng không dám vượt lễ.” Đưa mắt liếc nhìn Lý Trường, tôi hờ hững nói tiếp: “Lý công công, xin hãy lập tức về cung bẩm rõ với Hoàng thượng cho bản cung được dùng nghi trượng của phi tử, bằng không bản cung quyết không dám về cung.”

Lý Trường cười gượng, nói: “Nương nương ngay từ đầu đã biết rồi mà, đây là ý của Hoàng thượng...”

Tôi khẽ mỉm cười. “Bản cung cũng sớm đã nói rồi, bản cung thực không dám nhận.”

Lý Trường chỉ đành đưa mắt nhìn qua phía Cận Tịch, trên trán lấm tấm mồ hôi, vội vàng quỳ xuống, nói: “Đi đi về về như vậy chỉ e sẽ tốn không ít thời gian, làm Hoàng thượng nôn nóng, xin nương nương hãy về cung trước rồi có việc gì sẽ bàn sau.”

Tôi chẳng buồn nhìn y, chỉ nói: “Tôn ti vốn nên rõ ràng, bản cung không phải hạng người ỷ được sủng ái mà kiêu ngạo vượt lễ, cũng không muốn sau này gặp Hoàng hậu phải sinh lòng hổ thẹn.” Lý Trường không dám đứng dậy, chỉ đành dập đầu lia lịa, chẳng nói năng gì.

Cận Tịch vội vàng đỡ y đứng dậy, thấp giọng nói: “Còn không đi mau về mau!” Lý Trường vội vàng khom người lui đi, chạy nhanh xuống núi. Chùa Cam Lộ được xây trên đỉnh Cam Lộ, đưa mắt nhìn đi có thể thấy hết quang cảnh ở kinh sư. Dưới chân núi có một mảnh rừng thưa, có những khoảnh ruộng mênh mông bát ngát, nhìn đi xa hơn còn thấp thoáng thấy được thành quách liên miên, muôn hộ gia đình, mà đặc biệt nhất phải kể đến một chốn lấp lánh ánh vàng dưới vầng mặt trời rực rỡ, đó chính là Tử Áo Thành mà tôi đã rời xa suốt mấy năm trời.

Gần đến buổi trưa, ánh dương lại càng rực rỡ, khiến tôi không kìm được phải nheo mắt lại. Hoán Bích bước tới, nói: “Trời nắng quá, xin tiểu thư và Vương gia hãy quay lại Cẩn Thân điện ngồi nghỉ ngơi một lát chờ nghi trượng tới.”

Tôi ngoảnh đầu qua, nói: “Mời Vương gia cùng ta qua đó nghỉ ngơi một lát, tránh cái nắng hè.” Huyền Thanh khẽ gật đầu, đỡ tay tôi bước trở lại Cẩn Thân điện, cùng nhau ngồi xuống.

Các ni cô lúc này vẫn đang quỳ bên ngoài cửa chùa, chẳng hề động đậy. Trời nóng dần, những chiếc áo ni cô của bọn họ đều đã bị mồ hôi làm ướt đẫm phần cổ áo, nhưng chỉ sau một canh giờ tất cả lại bị mặt trời hong khô, để lại từng mảng trắng lóa. Tôi vừa thoáng liếc qua đã nhìn thấy Tịnh Bạch đang quỳ phía sau trụ trì, không biết có phải vì quá béo hay không, bà ta chảy nhiều mồ hôi hơn những người khác rất nhiều, chiếc áo ni cô đã ướt đẫm.

Tôi gọi bà ta lại gần, chậm rãi nói: “Bản cung thanh tu ở đây mấy năm, thực phải cảm ơn Tịnh Bạch sư thái đã chiếu cố cho rất nhiều.”

Tịnh Bạch mặt mày tái nhợt, cất giọng run run: “Người xuất gia... vốn nên lấy lòng từ bi làm đầu, nương nương... nương nương không cần cảm ơn.”

Tôi lạnh lùng nói: “Sự “chiếu cố” của sư thái bản cung suốt đời chẳng dám quên, nhất định phải báo đáp mới được.” Dưới ánh mặt trời nóng nực, thân thể Tịnh Bạch run lẩy bẩy.

Huyền Thanh cho rằng tôi muốn giết bà ta tại đây để giải mối oán hận khi xưa, bèn đưa mắt liếc tôi, thấp giọng nói: “Hoàn... Nương nương, chớ nên tức giận.” Tôi chỉ cười không nói, đưa tay khẽ phủi nhẹ chiếc áo ni cô của bà ta. Bà ta như bị dao sắc cứa vào người, rùng mình một cái, mồ hôi lạnh rỉ ra không ngớt.

Tôi không để ý đến bà ta nữa, gọi Tĩnh Ngạn tới, mỉm cười nói: “Bản cung xưa nay ân oán phân minh, cái ơn chiếu cố của sư thái khi xưa bản cung vẫn luôn ghi tạc trong lòng.” Rồi ngoảnh đầu sang dặn dò Cận Tịch: “Mang hai bộ Thái Bình kinh mà bản cung chép tay lại đây thưởng cho Tĩnh Ngạn sư thái.”, sau đó lại cười nói với Tĩnh Ngạn: “Bản cung biết sư thái xem nhẹ bạc vàng, hai bộ kinh thư này coi như để tỏ chút tâm ý của bản cung.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3