Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 1 - Chương 15 - Phần 2

Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung

Có ai đàn lẻ để tơ chùng

Có ai tiễn biệt nơi xa ấy

Xui bước chân đây cũng ngại ngùng...

(Nhớ Hờ)

Bỗng dưng buồn bã không gian

Mây bay lũng thấp giăng màn âm u

Nai cao gót lẫn trong mù

Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về...

(Thu Rừng)

Hát 2 bài thơ trên đây, đối với tôi, là sự tập tành phổ nhạc. Tôi chỉ thành công hai mươi năm sau với thơ Huy Cận khi tôi phổ nhạc bài Ngậm Ngùi. Tuy nhiên lúc đó tôi lại thành công khi phổ nhạc bài thơ Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính. Bài thơ phổ nhạc này nói tới sự câm lặng của cô hái mơ hay của cô Sâm đây? Nhạc học gia Georges Etienne Gauthier ở Canada đã có lòng yêu ghi lại sự thành công đó bằng một bài viết đăng trên báo Bách Khoa ở Saigon vào năm 1970:

... 1942, Cô Hái Mơ, ấn phẩm đầu tiên của Phạm Duy. Ta thử xem nhà soạn nhạc trẻ măng của chúng ta đã phổ nhạc bài thơ đẹp đẽ của Nguyễn Bính như thế nào. Câu nhạc đầu, xuống bậc, với hơi điệu trầm tĩnh và mênh mông, dẫn chúng ta vào cảnh về chiều mơ mộng của thi sĩ. Rồi thì cái nhìn của nghệ sĩ ngước lên ánh trời và ta được hưởng một nét nhạc rất “Phạm Duy” lúc bấy giờ đã mềm mại và uyển chuyển. Nhưng chính phần thứ hai của ca khúc mới biểu lộ tất cả sức tưởng tượng và nhạc hứng của chàng nghệ sĩ, tất cả sự táo bạo và coi thường ước lệ của ông.

Đoạn nhạc này, với nhạc tính nhanh nhẹn và hơi mạnh mẽ hiển nhiên là đoạn nhạc của một nhà soạn nhạc có cảm tính trẻ. Nhưng trong trường hợp Phạm Duy, “trẻ” không có nghĩa là vụng về hay do dự, bởi vì cần phải ghi nhận lối viết rất vững vàng, lối chuyển câu rất hợp lí, cần nhất là phải ghi nhận sự khoái vượt khó của chàng trẻ Phạm Duy. Và những khó khăn ở trong đoạn này thì vô số: nào là tiết điệu khá phức tạp của nét nhạc, nào là những nhịp ngoại (syncopes) và những thanh trình (intervalles) khó hát, những nốt móc kép (double croches) hiểm hóc, những chuyển biến đột ngột từ hơi trưởng qua hơi thứ, tất cả những khó khăn chứng tỏ rằng lúc đó chàng nghệ sĩ của chúng ta đã có lỗ tai đặc biệt tinh tế và một khiếu nhạc tuyệt vời.

Lại còn mấy phách - với lời cô chửa về ư? và hay cô ở lại - cũng tuyệt diệu nữa, ở đây, Phạm Duy đã chuyển biến được giọng nói của ngôn ngữ mẹ đẻ thành ra nhạc ngữ dễ yêu và ngộ nghĩnh. Nhưng rủi thay, những sự kì diệu trên đây đã chẳng quyến rũ nổi cô hái mơ nọ, và bài hát kết luận, trong sự thầm nhắc lại hai đoạn đầu... sự buồn bã đó đã có tính cách rất Phạm Duy qua lối chuyển bán cung đặc biệt.

Đó, chúng ta phải thừa nhận: việc làm đầu tiên của Phạm Duy đã là việc thành công ngay. Vâng, trên bàn cờ nghệ thuật khó khăn, nhà soạn nhạc đã chiếu bí và thắng ván đầu. Bởi vì phải nói đến cái đẹp dị thường của bản hợp phổ này. Không có chi là gượng ép, tất cả như tuôn ra từ một dòng suối thiên nhiên tinh khiết. Nhạc tính của ca khúc không có vẻ Việt Nam hay Á Đông một cách quá đáng và cũng không quá Tây Phương thực sự, vượt trên vài nét ảnh hưởng nhẹ (nếu quả có ảnh hưởng), ở đây đã có tiếng nói riêng biệt của Phạm Duy cất cao lên.

Cuối cùng, hãy để ý tới sự chợn lựa bài thơ của Nguyễn Bính, ngay từ nhạc phẩm đầu tay, chàng trẻ Phạm Duy đã có thể phô diễn được cái nhị-nguyên tính sâu xa của mình: vừa là người suy tư, vừa là người hành động...

Tôi bỏ việc làm tại Tòa Án và vác thân tới ăn ở trong dinh thự của ông bà Tuần Phủ Lê Đình Trân. Đã vui vì có thêm một người mẹ nuôi rất yêu thương mình, tôi cũng không buồn rầu vì phải xa mẹ ruột, ngày nào mà tôi chẳng ghé về phố Bắc Hòa thăm mẹ. Tôi còn vui mừng hơn nữa khi bỗng nhiên có một người cha. Dù là cha nuôi. Rất may cho tôi, ông Tuần Phủ Trân không phải là hạng quan lại mà tôi ghét thầm. Ông gầy gò và hiền lành, không nghiêm khắc với dân và không nịnh Tây, rất vui tính, yêu âm nhạc và thích đánh cờ tướng. Tôi được ông yêu hơn lũ con ruột vì tôi thỏa mãn hai sở thích của ông. Mỗi ngày tôi phải hát cho ông nghe bài Hà Nhật Quân Tái Lai ít ra là ba, bốn lần. Khi đánh cờ thì ông thua tôi là chuyện dễ hiểu, nhiều khi tôi phải giả vờ thua để ông khoái chí. Tuy nhiên, tôi không tìm thấy nơi ông người cha lí tưởng mà suốt đời tôi đi tìm kiếm. Đáng tiếc!

Hai anh em, PD và Lê Hồng Giang, sau sáu mươi năm xa cách

Trong nhà có đầy con cái - một nửa là con bà Hai, em ruột của bà Cả, đã qua đời - nhưng bà Trân đối đãi với tôi như con ruột. Tôi chưa hề được ai “hầu” tôi như bà Tuần Phủ này. Bà lo cho tôi mọi sự như cơm ăn, áo mặc, tiền tiêu. Bà Trân ham làm lắm. Thấy bà vợ quan thân hình đẫy đà cầm chổi quét nhà, tôi thường tranh nhau với “bà lớn” trong việc dọn dẹp nhà cửa. Tôi học được ở mẹ nuôi sự chịu khó, sự cần mẫn để sau này hễ làm bất cứ một công việc gì, tôi cũng phải làm cho đến nơi đến chốn. Những con ruột của ông bà Trân được dạy dỗ kĩ lưỡng, đều là những người lịch sự và ngoan ngoãn. Không có ai tỏ ra mình là con quan, kể cả hai cô con gái có hình dáng rất lá ngọc cành vàng.

Một người làm quan, cả họ được nhờ. Đúng như vậy! Những người giúp việc trong dinh toàn là có họ hàng với ông bà Trân. Khi thấy thân nhân trong gia đình này thương yêu nhau, nâng đỡ nhau thì tôi chạnh lòng nghĩ tới tình cảnh anh em nhà mình. Trong số người làm có bác Thủ, anh họ của ông Trân, bốn muôi tuổi rồi mà vẫn chưa có vợ. Mắt toét, mũi to, môi dầy và đỏ choét vì ăn trầu, thân hình béo tốt, hằng ngày bác Thủ chỉ phải lo việc châm điếu thuốc lào, đấm lưng, bóp chân cho ông em Tuần Phủ. Bác thích đùa nghịch với chúng tôi lắm. Để khoe sức khỏe như vâm của mình, mỗi lần đi đái là bác gọi tôi và Giang ra coi. Thận của bác khỏe đến độ bác có thể vén cái thắt lưng xanh lên, vạch cái quần ống chùng ra, đứng ở trên hè đái vọt ra tận giữa đường cái. Đái xa tới bốn, năm thước là ít... Phục bác quá!

Tôi ở chung phòng với Lê Hồng Giang, chia sẻ với Giang những cuộc chơi thể thao, đàn hát. Có thân hình lực lưỡng và giọng hát khỏe, Giang sau này đi học lớp Huấn Luyện Thanh Niên ở Phan Thiết và sẽ lấy tên là Phạm Thành khi tấp tễnh muốn làm ca sĩ như tôi sau ngày Cách Mạng thành công. Cách Mạng Tháng Tám tới vào năm 45 mà gia đình ông bà Trân không bị hề hấn gì trong khi nhiều người làm quan bị giết chết thì đủ biết bố mẹ nuôi của tôi không bị liệt vào loại cường hào, địa chủ gian ác. Ngoài ra, người con trai thứ của ông bà Trân là sĩ quan Việt Minh Lê Tôn Hy đã hi sinh tại Trương Xá, Hưng Yên vào thời điểm thực dân Pháp quay lại tái chiếm Việt Nam. Hơn nữa, trong gia đình ông bà còn có người con rể tên Trần Văn Khang, vị giáo sư to béo dạy Sử Học và nổi danh vì những hoạt động văn nghệ ở trường Bưởi, là người đã đi theo Việt Minh từ lâu.

Lúc tôi ở Hưng Yên, trong nước đang có phong trào thể thao do chính quyền bảo hộ đưa ra để thu hút thanh niên. Đại Tá Ducoroy được Phủ Toàn Quyền giao cho trách nhiệm tổ chức phong trào này. Một trường đào tạo huấn luyện viên thể dục gọi là ESEPIC (Ecole Supérieure D”Education Physique De L”Indochine) được thành lập ở Phan Thiết. Thanh niên Việt Nam tốt nghiệp ở trường này sẽ ăn lương ngạch gardien de la paix tức là lương của một Cò (commissaire) Tây. Lê Ninh và Lê Hồng Giang rủ nhau đi học trường ESEPIC.

Chính quyền trong tỉnh cũng huy động thanh niên tham gia phong trào thể thao, thể dục. Thầy giáo Nhượng được giao việc thành lập đội đá bóng và đội điền kinh. Chiều chiều hai đội kéo tới sân vận động tập luyện. Tôi được dịp trổ tài chạy nhanh và nhẩy cao, cái thú điền kinh mà tôi đã luyện tập và thành công ở sân vận động SEPTO. Sau đó, hai đội thể dục thể thao được phái đi khắp nơi để lôi kéo các thanh niên nông dân. Lê Ninh, Lê Hồng Giang tốt nghiệp ở Phan Thiết trở về điều khiển hai đội “lực sĩ” này. Hai chiếc xe hàng đưa chúng tôi đi biểu dương tinh thần thanh niên.

Thế là tôi có dịp được biết phong cảnh và con người ở những Huyện, Phủ trong tỉnh Hưng Yên mang tên Ân Thi, Phù œng, Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Phù Cừ... kể sao cho hết. Và tôi được thăm viếng các đền thờ các danh nhân gốc Hưng Yên. Được đi vào vườn ổi, vườn táo, vườn nhãn ở Văn Miếu, Đền Mẫu hay những đình làng. Được coi mấy trăm pho tượng trong Chùa Chuông, tượng bụt đã đành là có nhưng cũng có cả tượng ông quan, tượng người thợ cày, tượng anh nông dân bắt ếch, tượng kẻ tù tội đeo xiềng đeo xích...

Và đi thăm Phố Hiến, một cửa khẩu được thành lập từ thế kỉ 16, theo Văn Thạch viết trong báo TRI TÂN vào năm 42, là một nơi phồn hoa đô hội, có hàng nghìn nóc nhà san sát xen lẫn với các lâu đài nguy nga, dân cư đông đúc, phố xá sầm uất lại thêm có Tàu to thuyền lớn ra vào luôn luôn, hàng hóa đổ lên bến tấp nập. Phố Hiến ngày xưa phồn thịnh đến độ có câu xưng tụng: Thứ nhất kinh kì, thứ nhì Phố Hiến. Tên phố Bắc Hòa, nơi gia đình tôi ở, đã có từ thế kỉ 16. Nhưng nay Phố Hiến chỉ còn là một bãi cát bồi có lác đác mấy tòa miếu cổ và vài ngôi mộ có tấm bia ghi tên người Hòa Lan, Pháp và Tàu. Bây giờ tôi được biết vì sao trong số rau đậu mà tôi ăn hàng ngày có thứ gọi là đậu Hòa Lan. Người Hòa Lan đem hột đậu sang trồng ở đây từ hồi mới có Phố Hiến.

Trong phong trào thể thao, thể dục, người Pháp còn tổ chức cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương (Tour D”Indochine) giống như đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (Tour De France) ở chính quốc. Cuộc đua xe đạp thu hút dân chúng ghê lắm. Suốt dọc con đường cái quan, cuộc đua tiến hành với hàng trăm cua-rơ Nam, Bắc tham dự, tới đâu cũng được dân chúng kéo nhau ra coi. Báo chí rầm rộ theo dõi cuộc đua. Trong làng báo đã có những kí giả thể thao đầu tiên là Trọng Thìn, Thiệu Võ. Các cua-rơ đã được ban cho những cái tên rất kêu. Cua-rơ miền Nam lao xe như bay xuống đèo là Phượng Hoàng Lê Thành Các. Cua-rơ miền Bắc, Vũ Văn Thân là anh hùng leo dốc.

Tôi không thích cuộc đua xe đạp nhưng thích môn đánh boxe lắm. Mua cả đôi găng để đo tài với bạn bè. Luôn luôn theo dõi hoạt động của nền võ thuật được gọi là quyền Anh này. Võ sĩ đầu tiên của Việt Nam là Tộ, người miền Nam, được gọi là vua đấm. Cùng thời với Tộ là Đặng Trần Thường, người miền Bắc, chịu đòn rất giỏi. Một võ sĩ tên Vũ Văn Ổn thì quảng cáo là có gồng Trà Kha. Trong trận đánh ở Qui Nhơn với một võ sĩ xuất thân là phu gạo tên Đặng Hồ Khuê, biết rằng không hạ được địch thủ, võ sĩ Gồng Trà Kha xin hòa với võ sĩ Khuê để giữ danh dự. Ở Hưng Yên vào lúc đó chúng tôi mê đánh boxe nhưng chỉ theo dõi các cuộc đấu qua báo chí. Có được coi đánh boxe bao giờ đâu? Làm gì có cái thú như bây giờ, được lười biếng nằm coi chương trình TV với Mike Tyson đấu với Larry Holmes, trong đó bất cứ một cú đấm quan trọng nào cũng được cho chiếu chậm lại (instant replay, slow motion) để mình coi cho sướng mắt!

Một niềm vui sướng rất lớn lao cũng đến với tôi trong những ngày ở Hưng Yên này. Từ Trạm Chôi ở Sơn Tây, vì không còn cách nào để sống được nữa, vú tôi về Hưng Yên với gia đình tôi. Đã có vú già suốt đời ở với chúng tôi rồi, vú Cẩn chỉ phụ việc vú già một thời gian ngắn rồi ban ngày vú đi làm thợ dệt cho một xưởng vải nhỏ, tối đến vú về ngủ ở nhà tôi. Tôi lại được sống bên người vú sữa mà tôi rất thương yêu. Dù đã hai mươi tuổi rồi, tôi vẫn ôm vú mỗi khi từ dinh Tuần Phủ trở về thăm mẹ. Trời đất ơi! Tôi có tới ba người mẹ trong một lúc à? Mẹ đẻ thì hiền lành, chừng mực, vú nuôi thì nhẹ nhàng, kín đáo, mẹ nuôi thì sôi nổi, rộn ràng... cả ba người này chắc chắn đã ảnh hưởng vào tôi. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao, trong số những kỉ niệm ở khắp mọi nơi tại những chân trời góc biển xa gần, tôi thương nhớ những ngày ở Hưng Yên nhất!

Rồi một ngày kia, Tuần Phủ Lê Đình Trân được thăng quan tiến chức, trở thành ông Tổng Đốc và được bổ đi làm việc tại Kiến An. Tôi chào tạm biệt mẹ đẻ và vú nuôi rồi leo lên xe ô tô đi về sống tại nơi đồng chua nước mặn với ông bà Trân. Về sau, thỉnh thoảng tôi cảm thấy hơi buồn vì đã bỏ hai người mẹ nghèo để đi sống với người mẹ giầu sang hơn. Nhưng tôi không hối hận vì lẽ giản dị là tôi học được ở bà mẹ nuôi khá nhiều điều bổ ích.

Kiến An cũng nhỏ bé như Hưng Yên nhưng đời sống ở đây buồn như chấu cắn. Ngoài niềm vui êm ả trong gia đình ông Tổng Đốc tại một tỉnh lị an tĩnh một cách lạ thường, tôi chỉ có thêm một cái thú là cùng với Lê Hồng Giang, Lê Duy Kỳ leo lên xe đạp đi tắm biển Đồ Sơn. Có khi còn đi xa hơn nữa, vào tận bãi biển Sầm Sơn trong Thanh Hóa.

Gió lạnh cái đêm đông trường

Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó chờ ai?

Hát Quan Họ

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay