Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 2 - Chương 01 - 02

Thời Cách Mạng-Kháng Chiến

Mấy Lời Nói Đầu

Tập Hai này của TOÀN TẬP HỒI KÍ của tôi, đáng lẽ chỉ nên viết ra khi tôi có cơ hội đi thăm lại những nẻo đường cũ, gặp lại những bạn bè xưa, ôn lại những chuyện đã bị tro bụi phủ lên vì gần nửa thế kỉ chia rẽ giữa người Việt đã khiến cho những chuyện đẹp nhất của một thời kì lịch sử nào đó cũng dễ dàng trở thành những chuyện tuyên truyền chính trị. Nhưng ở vào cái tuổi bảy mươi này, tôi không thể chờ đợi được nữa, bây giờ ngồi ở giữa Thị Trấn Giữa Đàng, nhớ được chuyện gì thì cứ viết ra, nếu có dăm ba nhầm lẫn to nhỏ nào đó về địa danh, tên người hay thứ tự của sự việc thì sẽ sửa sai sau.

Đã có nhiều các tác giả khác dùng ngòi bút tài hoa của mình để nói lên được những cái vĩ đại của Cách Mạng hay Kháng Chiến chống Pháp. Ở đây, tôi xin phép không thần thánh hóa một giai đoạn lịch sử mà bất cứ người Việt Nam nào vào tuổi tôi cũng đều có đóng góp với vai trò rất bình thường của một công dân.

Trong tập hồi kí này, thảng hoặc có sự biểu lộ tình cảm của tôi đối với người này người nọ, đối với sự việc đó, sự việc kia, xin bạn đọc hiểu cho đó là cảm xúc thành thực của tôi bốn mươi lăm năm trước đây, lúc tôi còn dễ khóc, dễ tin theo... Đó không phải là thái độ hay hành động chính trị tôi còn nuôi cho tới khi đã đầu bạc răng long như lúc này. Hơn thế nữa, những tình cảm xa xưa đó cũng đã thay đổi cùng với tháng năm rồi.

Bởi vì âm nhạc luôn luôn có khả năng gợi nhớ, tôi chỉ mong mỏi những dính líu của tôi vào thời cuộc được kể ra trong tập hồi kí này có thể giúp cho những bạn yêu nhạc Việt Nam nói chung, yêu nhạc của tôi nói riêng, biết thêm được những động cơ nào khiến cho từng bản nhạc của tôi phải ra đời để rồi được hát lên hay được nghe thấy, được người đời nhớ lại hay bị quên đi... và nhờ đó mà những bài hát phản ánh một thời lại được hát lên một lần nữa chăng?

Tôi thành thực cám ơn những bạn cũ như Phạm Thanh Liêm, Trịnh Ngọc Hiền, Đỗ Xuân Hợp, Hoàng Xuân Yên, Đoàn Bính, Lê Văn-Vũ Bắc Tiến, Tạ Tỵ, Ngọc Bích, Phạm Nghệ, Hoài Trung-Phạm Đình Viêm, Đoàn Châu Mậu, Mai Thảo, Nguyễn Hiền, Minh Đức-Hoài Trinh, Ngọc Khanh... và cám ơn vợ tôi, những chứng nhân như tôi của cái thời xa xôi đó, đã nhắc cho tôi nhớ lại nhiều sự việc tôi đã quên.

Thị Trấn Giữa Đàng

Midway City, California-U.S.A.

Mùa Thu 1989

Ai lướt đi ngoài sương gió

Không dừng chân đến em bẽ bàng...

Văn Cao-BUỒN TÀN THU

Chương Một

Lính Nhật

Vào đầu tháng 3 năm 1945, gánh hát Đức Huy Charlot Miều đang trong thời gian ghé lại tỉnh lị Cà Mau. Trên đường lưu diễn khởi sự từ thành phố Hải Phòng ở miền Bắc cách đây hai năm, bây giờ gánh hát vào tới một tỉnh cực xa của miền Nam rồi. Coi như lữ khách đã tới cuối con đường xuyên Việt.

Tôi vẫn giữ chân phó quản lí và còn giữ thêm vai trò của một người hát phụ diễn trong mục ca nhạc cải cách. Tôi cũng khá nổi tiếng vì trước tôi chưa có ai đem Tân Nhạc vào đại chúng cả. Tôi được sống hả hê một cuộc đời vô tư lự, nay đây mai đó. Rất bằng lòng với lối sống giang hồ ăn đường ngủ chợ này. Đi tới đâu cũng vậy, trong gánh hát, từ vợ chồng ông bầu, các đào kép, các nhạc sĩ tân hay cổ nhạc cho tới anh chị em lao công, tất cả mọi người đều ăn ngủ ở ngay trong rạp hát. Thường thường sau những đêm hát, ai cũng thích tìm chỗ ngủ tại những nơi được che khuất như ở sau những phông cảnh hay sau lớp cánh gà, hoặc ở dưới hai bên hông hí trường là nơi khán giả ít tiền thường đứng để coi hát. Nhưng về phần tôi, “phòng ngủ” bao giờ cũng là một cái ghế bố đặt ở ngay giữa sân khấu, là nơi rộng rãi và thoáng khí nhất.

Lúc đó là vào buổi trưa ngày mùng 10 tháng 3 và theo thông lệ, tôi còn đang muốn ngủ thêm thì tôi bị khua dậy bởi những tiếng ồn ào, loạn sì ngầu:

- Nhật đảo chính mày ơi.

- Đảo chính từ hôm qua lận. Toàn Quyền Decoux bị giam rồi.

- Ở ngoài Bắc, nghe nói một số lính Tây trốn được sang Tàu mà...

- ... ở Saigon và các tỉnh... bị bắt hết cả rồi.

- Nè, có chúng nó chạy được về Cà Mau, đang đóng đầy ở trong thị xã đó. Đi coi chơi, chúng mày.

- Đ... m... chắc hết đường chạy rồi...

Rạp hát ồn ào còn hơn cái chợ. Tôi quen với cái chuyện thích ăn to nói lớn của các bạn đồng nghiệp từ lâu rồi. Giới nghệ sĩ cải lương là những người rất nhàn rỗi. Suốt ngày không có việc gì làm, nếu không ngủ mê ngủ mệt là ngồi nói chuyện trên trời dưới biển. Vì luôn luôn phải đóng những vai trò, phần nhiều là những vai “anh hùng hào kiệt” cho nên kép hát đem luôn nhân vật ban đêm vào đời sống ban ngày. Chúng tôi có danh từ xạo ke dành cho những người đó.

Mọi người trong đoàn hát tranh nhau bình luận về thời cuộc. Ai cũng có vẻ hãnh diện trước sự kiện người da vàng đã đánh bại người da trắng. Ai cũng ngây thơ tin rằng với thuyết Đại Đông Á, từ nay trở đi Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam trên con đường tự do, độc lập và phú cường. Tôi cũng mừng thầm, nghĩ rằng:

- Thế là thời nô lệ của Việt Nam đã cáo chung.

Kép Ba Hội người Huế, xưa nay vẫn là người ba hoa nhất ở trong đoàn hát, hô to qua cái miệng đầy răng vàng:

- A lê. May cờ Nhật ngay.

Chị Miều, vợ của ông bầu Charlot Miều vội vàng lấy rổ kim chỉ ra và nhờ tôi vẽ cho chị cái mẫu rất dễ vẽ của lá cờ Nhật Bản, với hình tròn của mặt trời đỏ lửa trên một nền trắng tinh như tuyết. Tôi cũng được sự phụ giúp của anh Dần mặt rỗ, tính tình hòa nhã và là người được tôi rất quý mến. Cờ may xong, lại có vụ tranh nhau đem cờ ra cắm ở cổng rạp.

Nhưng không ai trong đoàn hát lại có thể ngờ được rằng thằng đánh trống người Việt gốc Miên tên là Giỏi ở trong ban nhạc lại là một thằng làm mật thám cho Tây (Hồi trước, chúng tôi quen gọi Pháp là Tây). Ngay sau đó, không biết thằng Giỏi đi báo Cảnh Sát từ lúc nào mà Ba Hội, anh Dần và tôi bị một lũ mật thám tới rạp hát còng tay lại và dẫn tới nhà tù của thành phố Cà Mau, nhốt trong một phòng giam rất chật hẹp và bẩn thỉu. Không hiểu tại sao trong đoàn hát lại chỉ có ba đứa chúng tôi bị bắt mà thôi? Bà bầu đâu có bị bắt nhỉ?

Kép Ba Hội sợ xanh máu mặt:

- Chết cha cả lũ rồi.

Anh Dần vẫn im lặng từ khi bị bắt. Bây giờ tôi mới thấy là mình ngu quá. Cái việc làm rất vô duyên là vẽ lá cờ Nhật cho bà bầu có thể đem tới một cái chết lảng xẹt:

- Được đến đâu hay đến đó, cậu đừng lo...

Nói như vậy nhưng trong lòng rất lo. Từ ngày bỏ nhà ra đi khi mới mười bảy tuổi, làm đủ các thứ nghề trước khi được làm cái nghề hát rong mà mình rất ưa thích, chưa bao giờ tôi bị lâm nguy như bây giờ... Nghĩ tới mẹ, chỉ lo mẹ sẽ buồn nếu có điều gì không hay xẩy ra cho mình... Nghĩ tới cuộc đi suốt từ Bắc vào Nam... Nghĩ tới những thành phố mình vừa đi qua. Thích nhất là ở trong miền Nam này, thị xã nào cũng có một con sông lớn chẩy qua, chợ bao giờ cũng họp ở ngay bến sông và cạnh chợ thể nào cũng phải có một rạp hát. Người dân lúc nào cũng ăn no mà không cần mặc ấm. Ở cái xứ có mặt trời quanh năm này, mặc quần áo bà ba càng rộng càng mát... Nghĩ tới đêm hòa nhạc tài tử mới đây tại thị xã, từ chập tối cho tới gần sáng, mọi người chỉ đua nhau hát hết bài Vọng Cổ này tới bài Vọng Cổ khác. Không có ai hát bất cứ một điệu nào ngoài điệu Vọng Cổ, vậy mà nghe mãi không thấy chán... Nghĩ tới người đẹp răng vàng mà mình gặp trong buổi hòa nhạc đó... Nghĩ mà giận cho thằng mật thám tên là Giỏi.

- Ông ra khỏi nhà tù này thì ông giết mày...

Có bị bắt giam mới thấy thấm thía cho số phận của người dân nhược tiểu da vàng sống dưới ách thống trị của dân da trắng. Trước kia dù ghét Tây, muốn đánh Tây, muốn nước mình có tự do và độc lập nhưng mình chỉ luôn luôn là kẻ đứng ngoài cuộc chơi. Bây giờ thì được nếm mùi nhà tù thực dân rồi nhé. Thành “nhà chính trị” rồi nghe. Dù rằng chỉ là trò chơi chính trị bất đắc dĩ và đượm vị khôi hài. Tức nhất là nó đã bị Nhật đảo chính rồi mà nó còn nắm tính mệnh của mình ở trong tay. Nghĩ tới nghĩ lui thì đã quá nửa đêm.

Có thể lúc đó đám lính Pháp còn đang hoảng hốt trong cơn rút lui và tinh thần của lũ đội xếp, mã tà Việt Nam rất là hoang mang cho nên ba đứa chúng tôi chưa bị đánh đập hay bị đem ra xử bắn thì lính Nhật đã tới bao vây thị xã Cà Mau. Đám tàn quân Pháp bị tước khí giới và được lính Nhật dẫn đi. Lũ mã tà, đội xếp Việt Nam cũng trốn đi đâu hết cả rồi. Trong đêm khuya tối om và lặng lẽ, bỗng nhiên một tiểu đội lính Nhật Bản tới mở cửa nhà tù. Ba nhà “ái quốc” là chúng tôi vội vàng arigato nhắng nhít cả lên, rồi ù té chạy về rạp hát sau non một nửa ngày và già một nửa đêm hú vía.

Chuyện tôi bị Tây bắt này thật ra cũng chẳng có gì là đáng kể so với những hành động chính trị của nhưng người làm cách mạng thứ thiệt, nhưng tôi đã có lần nhận ra rằng cái biến cố chính trị (sic) vô duyên này là một dấu vết rất quý giá đối tôi. Ngọn lửa đấu tranh trong bất cứ một thanh niên Việt Nam nào cũng thường chỉ được âm ỷ ở trong lòng. Trước khi ngọn lửa chung là Cách Mạng lùa tới để giúp cho ngọn lửa của từng cá nhân bùng lên, tối thiểu cái vụ tôi bị Tây bắt cũng làm cho lòng tôi rồi đây, sẽ bắt lửa nhanh hơn.

Trong khi tôi vô tình dính líu vào vụ đảo chính như vậy, ở nhiều nơi trong nước có nhiều thanh niên tin rằng Nhật Bản thực sự muốn giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi ách thực dân Pháp. Họ tích cực tham gia cuộc đảo chính. Tại Hà Nội, có những sinh viên như Trần Văn Nhung đi tiên phong trong đám lính Nhật tới đánh thành Cửa Bắc rồi bị bắn chết ngay trong phút đầu tiên của vụ đảo chính và Nguyễn Thiện Giám bị hi sinh trong một trường hợp khác. Ngày 11 tháng 3 năm 45, một buổi lễ truy điệu anh hùng tử sĩ hi sinh cho nền thịnh vượng chung của Đại Đông Á được tổ chức rất long trọng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Dì ruột của Nguyễn Thiện Giám cùng với con gái tên là Phạm Thị Thái (sau này có tên nghệ sĩ là Thái Hằng) được mời tới dự lễ truy điệu.

Cuộc đảo chính này không có gì là gay cấn lắm, vì không có sự giao tranh dữ dội giữa hai Quân Đội Nhật và Pháp, nhưng sự giao thông trên toàn quốc bị đình trệ. Gánh hát Đức Huy-Charlot Miều muốn di chuyển từ Cà Mau qua Rạch Giá nhưng vì còn lệnh giới nghiêm trong vụ đảo chính cho nên chưa có một hãng xe đò nào dám cho xe chạy cả. Nhờ sự quen biết với mấy người lính Nhật tới giải cứu, tôi bèn tới gặp họ để xin họ cho gánh hát đi nhờ trên những xe nhà binh tới địa điểm hát đã được định đoạt từ trước là thị xã Rạch Giá. Tôi trổ tài đem vài bài hát Nhật Bản mà tôi học lóm được từ trước như Shina No Yoru, Mori No, Kohan No Yado... để hát cho lính Nhật nghe, do đó họ bằng lòng chở đoàn hát của chúng tôi đi từ Cà Mau qua Rạch Giá. Mấy cô đào trong gánh hát xưa nay mê tôi rồi bây giờ còn phục tôi quá xá...

Đói ở Thái Bình, đói tới Gia Lâm...

Bàng Bá Lân

Chương Hai

Sau trên nửa thế kỉ, kể từ ngày mới quen nhau ở Saigon, 1944

Phạm Xuân Thái, Phạm Duy gặp lại nhau tại Paris, 1995...

Sau một thời gian đi hát tại vài tỉnh ở Cao Miên và ở Hậu Giang, khi gánh hát trở về đóng đô tại rạp Aristo ở Saigon vào giữa năm 1945, tôi bị sưng phổi và phải vào nằm nhà thương để điều trị. Khi đã bình phục, tôi quyết định từ giã gánh hát Đức Huy-Charlot Miều, gánh hát rong đã cho tôi cơ hội đi khắp mọi nơi trên đất nước và quan trọng nhất, đã cho tôi một thí điểm để đưa ra những bài Tân Nhạc đầu tiên của Việt Nam. Tôi nổi tiếng là nhờ gánh hát. Cám ơn vô cùng, ôi Đức Huy-Charlot Miều!

Tôi xách chiếc va li nhỏ bé và cây đàn guitare cũ kĩ tới ở nhờ nhà một người bạn là Phạm Xuân Thái ở số 13 đường Paul Bert trong khu Dakao (Tân Định). Phạm Xuân Thái là người Bắc vào sinh sống ở Saigon từ lâu, dáng người mảnh khảnh, ăn nói hòa nhã, tính tình dễ dãi và thích văn nghệ lắm. Anh lấy vợ làm nghề bán vải ở khu phố chung quanh Chợ Bến Thành, được vợ nuôi để... chẳng làm gì cả, dù đã có thời anh tấp tểnh làm một mục sư của đạo Tin Lành do đó anh nói tiếng Anh rất giỏi. Tôi quen với Phạm Xuân Thái từ ngày mới theo gánh hát vào Nam và sau một thời gian khá lâu, bây giờ chúng tôi mới gặp lại nhau.

Phạm Xuân Thái ngay từ lúc này đã nuôi nhiều mộng làm chính trị và mười năm sau, anh sẽ làm Bộ Trưởng Bộ Thông Tin trong Chính Phủ Ngô Đình Diệm. Lúc đó, anh lấy thêm một người vợ bé. Người này tên là Nguyễn Thị Thạnh và có thời là người tình của Tướng Nguyễn Bình trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến Nam Bộ.

Saigon sau ngày Nhật đảo chính không còn nhiều bóng dáng kiêu kì của những ông Tây bà Đầm đi lượn phố nữa nhưng bộ mặt của thành phố được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông này cũng không thay đổi gì mấy. Lúc đó Saigon chưa dính liền với Chợ Lớn và Gia Định. Ngồi trên xe điện đi từ Chợ Bến Thành vào tới bến Nancy, nhìn ra hai bên đường, thỉnh thoảng ta thấy có những khoảng đất trống với ít nhiều rác rưởi. Nhưng từ bến Nancy vào cho tới Chợ Lớn thì có khi là cả một cánh đồng hoang với bùn lầy nước đọng, ruồi muỗi bay đầy. Giữa Saigon và Gia Định còn có những ruộng lúa hay có những khu đất được dùng để đổ rác của Đô Thành.

Dân số Saigon lúc đó chắc chưa tới một triệu người. Người Pháp vắng mặt ở phố phường nhưng lính Nhật đóng ở Saigon đông hơn lúc trước. Họ chiếm một vài khu trong thành phố, ngăn không cho ai qua lại, chiều chiều họ ra giữa đường chơi baseball là môn thể thao mà chúng tôi không thông thạo như môn đá bóng. Dân chúng còn được nếm mùi công lí tàn bạo của lính Nhật là kẻ cắp nào mà bị bắt quả tang là bị chặt tay ngay, khỏi cần phải đưa ra tòa.

Thế Chiến II gần tới hồi kết thúc nhưng Tàu bay Mỹ vẫn tới thả bom. Hai phi cơ B.24 của Mỹ bị bắn rơi ở Đức Hòa, gần Saigon. Đời sống có vẻ khó khăn. Các bà nội trợ rên lên vì nhu yếu phẩm không những đã khan, còn lên giá đùng đùng. Tôi lấy lại được sức khỏe sau những ngày nằm dưỡng bệnh.

Sau khi nếm mùi “chính trị” ở Cà Mau rồi, bây giờ tôi chú ý tới tình hình nước mình sau ngày mùng 9 tháng 3. Đọc báo có bài tuyên bố của đảng trưởng Đảng Việt Nam Ái Quốc là Hồ Nhựt Tân, tôi thấy háo hức trong lòng vì những câu viết đầy hi vọng: Trong vùng Đại-Đông-Á mông mênh bát ngát, dưới ánh sáng lãnh đạo rực rỡ chói lọi của nước Đại-Nippon, dân tộc Việt Nam gồm có năng lực đầy đủ hi vọng sẽ kiến thiết một quốc gia đúng theo qui tắc công bằng và tự do...

Tôi cũng thấy vui vui khi người cha đỡ đầu của tôi là thầy Trần Trọng Kim từ Singapore trở về nước để làm vị Thủ Tướng đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên tôi không thấy trong dân chúng có một sự phấn khởi nào trước cái gọi là độc lập-tự do trong Khối Đại Đông Á này. Tôi còn thấy dường như chẳng có gì là thay đổi cả. Vua Bảo Đại được người Nhật đem món quà độc lập đến tận miệng nhưng ở Huế, Đại Sứ Nhật Yokohama giữ chức quyền Khâm Sứ thay thế cho Khâm Sứ Pháp.

Ở miền Nam, qua viên quyền Thống Đốc Minoda, người Nhật thay thế Pháp, dùng người Việt làm tay sai. Do đó, khi có một anh bạn người Huế tên là Hoài rủ rê tôi vào làm việc trong một cơ quan mật vụ của người Nhật, tôi từ chối ngay. Chắc ông thầy đỡ đầu cũ của tôi là Trần Trọng Kim cũng sớm nhìn ra sự thực nên thầy sẽ rút lui ra khỏi chính trường một cách dễ dàng như lúc thầy nhận chức vụ Thủ Tướng sau ngày Nhật đảo chính.

Trần Trọng Kim, nhà học giả, người cha đỡ đầu của tôi

Vị Thủ Tướng đầu tiên của Nước Việt Nam

Ảnh chụp ít lâu trước khi cụ qua đời

Ở chung với Bộ Trưởng Thông Tin tương lai là Phạm Xuân Thái, nhờ ở những cuộc đàm đạo với anh ta, tôi được hiểu biết hơn về chính trị. Hiểu nhưng không mê. Tôi bắt đầu nghe đài Radio New Delhi và rất thích nhạc hiệu của Đài này.

Đây là lần đầu tiên tôi có cái nhìn ra thế giới. Từ khi Thế Chiến II xẩy ra, dù có những biến chuyển chính trị rất lớn như Pháp bị thua trận, Nhật tiến vào Đông Dương, máy bay Mỹ thả bom ở Hải Phòng ngay khi tôi vừa gia nhập gánh hát Đức Huy-Charlot Miều ở hải cảng này... nhưng tôi vẫn sống dửng dưng trước thời cuộc. Bây giờ thì khác. Tôi theo dõi những sự việc xẩy ra ở trên thế giới và ở trong nước.

Tôi vẫn tiếp tục đi hát trên Đài Phát Thanh và một vài nơi khác. Nhờ được mời tham gia một buổi hát lấy tiền giúp nạn đói ở ngoài Bắc, tôi biết rõ hơn về cái chết của hai triệu đồng bào. Vào đầu năm đó, vì đi hát ở những miền rất hẻo lánh ở Hậu Giang, tôi không biết gì về nạn đói năm Ất Dậu cả.

Tôi chỉ ngạc nhiên khi thấy ở nhiều nơi mà tôi tới hát, trước ngày Nhật đảo chính, tụi “Tây nhà đèn” cho đốt những lò máy biến điện bằng thóc chứ không phải bằng than. Khi mới trở về Saigon, có nhiều chuyện ở ngay trước mắt làm cho chuyện chết đói ở xa xôi bị nhạt mờ đi. Nhưng tới nay thì tôi biết là do âm mưu của Pháp trong năm 1944, bắt nông dân miền Bắc có bao nhiêu thóc là phải bán hết cho chính phủ để Pháp cung cấp gạo cho Nhật nuôi quân. Do đó mà nông dân miền Bắc không còn gạo dự trữ để ăn và hai triệu dân chết đói. Trong Nam thì thừa thóc gạo đến nỗi phải đốt đi nhưng Pháp không chở gạo ra tiếp tế cho dân ngoài Bắc.

Người chết đói trong năm Ất Dậu

Tôi không được nhìn thấy tận mắt đồng bào của tôi chết đói nhưng nghe kể lại cũng thấy rùng mình: ở một số tỉnh, trên đường quê cũng như trên hè phố - và ngay ở Hà Nội - cứ đi quá dăm ba chục thước là có vài ba cái xác nằm chồng chất lên nhau. Có người ngắc ngoải rồi còn cố ghé miệng ngoạm vào xác chết nằm bên ở cạnh để nhay miếng thịt. Nhay được rồi thì phát điên. Điều chua sót là trong khi cả Pháp lẫn Nhật gần như toa rập với nhau để cho hai triệu người mình chết đói thì người Tàu mại bản tích trữ gạo để bán cho người có tiền. Cho nên đã có câu ca dao của thời đó ghi lại chuyện này như sau:

Mấy năm thiếu gạo vì ai

Làm dân ta chết mất hai triệu người

Tàu cười (tích trữ gạo) Tây khóc (bị đảo chính) Nhật no

Việt Nam hết gạo, chết co đầy đường.

Hình ảnh trong bài thơ của Văn Cao:

“Chiếc Xe Xác Trên Phường Dạ Lạc”

Tôi càng thêm căm thù cả Pháp lẫn Nhật, dù đã có lúc tôi mang ơn tiểu đội lính Nhật đã tới cứu tôi vào ngày 10 tháng 3 năm 1945. Tôi sẽ dễ dàng đón nhận những khẩu hiệu như chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, Tối thiểu thì tôi cũng thấy rằng một cuộc khởi nghĩa đánh cả Tây lẫn Nhật là một sự rửa hận cho hai triệu người chết đói.

Tuy không còn đi hát rong và đã ở một chỗ nhất định nhưng tôi cũng không có một liên lạc nào với gia đình của tôi ở ngoài Bắc trong đó tôi chỉ nhìn thấy một sự lạnh nhạt nơi mọi người, ngoài tình thương - tôi nghĩ vậy - rất câm nín của mẹ tôi.

Từ khi bỏ nhà ra đi cho tới mùa Thu năm 1945 này, tôi chưa hề nhận được một lá thư nào của mẹ. Bây giờ, vào tuổi hai mươi bốn, sống tại một thành phố lớn nhất của một nước Việt Nam trên danh nghĩa đã được độc lập, tôi nóng lòng muốn làm một cái gì cho đất nước. Nhưng có lẽ cái chính phủ do người Nhật dựng lên với một thành phần toàn các nhà chính khách hơn là cách mạng và cái chính quyền của vị Khâm Sai ở miền Nam lúc đó là Nguyễn Văn Sâm không có một chính sách nào để vận động thanh niên tham gia vào việc nước.

Nếu có một chương trình nào đó cho thanh niên thì chỉ là vài ba cuộc biểu tình để... cám ơn nước Nhật Bản đã giúp cho Việt Nam lật đổ Pháp. Thấy chính phủ Trần Trọng Kim đưa ra một chương trình gọi là hưng quốc, nhưng khi nhìn lá cờ quẻ li và nghe bản quốc ca Đăng Đàn Cung, tôi chẳng thấy rung động gì cả. Có lẽ vì lúc đó chưa có một người nào chết cho lá cờ và bài hát đó chăng?

Tôi sống rất cô đơn cho tới khi, cũng như mọi thanh niên cùng lớp tuổi, tôi bị lôi cuốn vào một cơn cuồng phong mà dường như tôi cũng đã chờ đợi từ lâu. Đó là một cuộc cách mạng thường được gọi tên là Cách Mạng Tháng Tám...

Non nước đang chờ gót lãng du

Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu...

Thế Lữ

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay