Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 2 - Chương 06 - 07 - 08

Chương Sáu

Đặng Trần Vận, chủ phòng trà Thiên Thai

và Phạm Duy tại Paris, 1954

Lúc đó, tôi rất nhớ sân khấu. May thay ở Hà Nội đang có phong trào đi nghe nhạc ở phòng trà. Những phòng trà đầu tiên của thời đại là: Quán Nghệ Sĩ ở đường Bờ Hồ, do tay violonist số một là Nguyễn Văn Giệp điều khiển. Có nam ca sĩ Mai Khanh thường tới hát bài Bên Hồ Liễu. Nữ ca sĩ Bùi Thị Thái, người vợ tương lai của ông Quản Liên, Trưởng ban Quân Nhạc Lính Khố Xanh thì chuyên hát bài Con Chim Lạc Bạn. Thỉnh thoảng có Dương Thiệu Tước tới đánh guitare hawaienne và có Thẩm Oánh tới để làm xướng ngôn viên.

Ở phố Hàng Bông, có Phòng Trà Thăng Long với các nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Khắc Cung, Lương Ngọc Châu, Vũ Anh Thường. Tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, có Phòng Trà Tuyết Sơn với Vũ Thành thổi sáo. Trong đám nam ca sĩ lúc đó, tôi cho rằng Kim Tiêu là người hát hay nhất. Trong khi tôi còn vác bài Buồn Tàn Thu đi lưu diễn ở trong Nam thì ở Hà Nội, chính nhờ ở giọng hát của Kim Tiêu mà những bài Thiên Thai, Trương Chi của Văn Cao được nổi tiếng.

Một thằng bạn của tôi tên là Đặng Trần Vận mở ra ở phố Hàng Gai một phòng trà lấy tên là THIÊN THAI, cái tên được đặt ra như vậy là vì tất cả dân chúng lúc đó đang ở trong tầm ảnh hưởng của bài hát rất trữ tình của Văn Cao. Đây là nơi tôi được các nhạc sĩ Trần Quang Trường được đặt tên là “Schubert giả”, Đỗ Lệnh Tâm được gọi là Tâm “Xì” vì da đen như củ súng, và em là Đỗ Lệnh Kiên... đệm đàn cho tôi hát. Cũng tại phòng trà này, tôi lăng xê giọng hát phái nữ hay nhất của lúc đó là Thương Huyền.

Nàng là người tình chớp nhoáng mới đây của tôi. Tên thật của Nàng là Thường. Tôi đặt tên cho Nàng một cách rất giản dị, theo lối đánh vần thương huyền thường. Tôi dạy cho Thương Huyền hát bài Trào Lòng. Một bài ca nhờ ở giọng hát trong trẻo của cô ca sĩ rất đa tình này mà trở thành nổi tiếng. Thương Huyền có nụ cười và hàm răng như hoa nở. Tính tình thuộc loại bạt mạng, bất cần đời. Trong buổi tiếp tân các văn nghệ sĩ tham dự Đại Hội Văn Hóa tổ chức tại nhà của họa sĩ Phạm Văn Đôn trên đường Halais, ở dưới nhà, trong không khí cách mạng, người ta ngâm thơ và ca hát, ở trên lầu, bất cần mọi người, tôi và Thương Huyền yêu nhau thắm thiết. Về sau chúng tôi còn gặp lại nhau nhiều lần trong kháng chiến.

Đồng thời, tôi cũng có một cuộc sống tạm bợ với một người tình khác đang làm nghề vũ nữ ở nhà hàng khiêu vũ Tabarin tên là Định. Hà Nội lúc đó có hai vũ nữ đẹp là Định và Thơm. Cả hai đều mê nhạc sĩ. Nàng Định ở với tôi còn nàng Thơm, lai Pháp thì lấy Đỗ Thiều, nhạc sĩ chuyên về clarinette. Vũ nữ Định đẹp một cách lộng lẫy, trông như con gái nhà lành. Hơn thế nữa, trông như con nhà quyền quý. Cô vũ nữ có đôi bàn tay rất mọng này lại là con người có tính đồng bóng. Vừa mới ngủ với người tình trong đêm, sáng ra lại trợn mắt hỏi: Anh là ai? Tôi soạn cho cô vũ nữ tàng tàng này một bài hát lấy tên là Tình Kĩ Nữ:

Đêm nay đôi người khách giang hồ

Gặp nhau tình trăng nước...

Cũng vì đêm đêm tôi phải đưa đón nàng kĩ nữ (người Hà Nội gọi vũ nữ dancing là cavalière) cho nên tôi soạn ra một bài ca xã hội đầu tiên của thời đại là bài Tiếng Bước Trên Đường Khuya trong đó tôi mô tả những người sống về đêm và có một đoạn nhạc không lời nhái lại tiếng kêu đường của người hành khất:

Con lạy ông con lạy bà làm ơn cứu giúp.

Con lạy ông con lạy bà cứu vớt thân con.

Khốn nạn thân con.

Khốn nạn thân con...

Mỗi lần nghe lại bài này, tôi nhớ Hà Nội ban đêm vô kể. Nàng vũ nữ Định sau này không có một tương lai êm đềm hay sáng lạn như tôi tưởng. Nàng chết trong cảnh nghèo nàn tại một thành phố rất hoa lệ là Saigon vào thời thịnh nhất của nền Cộng Hòa thứ nhất, tức là vào năm 1960. Chết vì bệnh ho lao.

Trong chuyến trở ra Bắc này, ngoại trừ khi phải chứng kiến cuộc tranh chấp giữa các đảng phái, tôi chỉ thấy vui và vui. Vui vì thấy giới văn nghệ sĩ bắt đầu được trọng vọng. Vui vì gặp lại thành đô yêu dấu, gặp lại bạn cũ. Vui vì có những người tình mới mẻ. Nhưng vui nhất là gặp mẹ. Bây giờ mẹ tôi không còn ở với anh Nhượng đang làm nghề thầy giáo ở Thái Nguyên nữa và về ở với anh Khiêm và người chị lớn của tôi, lấy chồng là Tham Tá Đinh Mạnh Triết, ở đường Carreau Hà Nội. Dù tôi rất xung khắc với anh ruột và anh rể - đã từng là nguyên nhân để tôi bỏ nhà ra đi từ năm tôi 17 tuổi - nhưng vì tôi muốn ở gần mẹ cho nên tôi cũng vui vẻ đến ở chung với hai ông anh, lúc này bớt kiêu ngạo vì bị Cách Mạng lật nhào xuống rồi. Tôi rất mừng khi thấy mẹ tôi còn mạnh khỏe và không còn phải lo lắng cho tôi nữa. Lúc đó tôi nổi danh rồi, đi hát ra tiền rồi, không còn bị mang tiếng là xướng ca vô loài nữa.

Nhưng mãi tới bây giờ tôi mới được biết rằng người chị dâu của tôi, vợ của anh Nhượng đã chết vì bệnh thương hàn khi chị ấy còn rất trẻ. Chị ấy chết trong lúc tôi đang sống loanh quanh ở miền Nam và cũng chẳng có ai trong gia đình biết tôi ở đâu để mà báo tin buồn. Trước khi lấy anh tôi, người con gái Hưng Yên có một vẻ đẹp rất thùy mị tên là Sâm này cũng quen biết tôi và cũng có vài ba lần nhận được ở tôi dăm ba lá thư tình cho tới khi nàng về làm dâu của gia đình thì tôi chấm dứt mơ mộng.

Từ chàng ra đi

Lưng khoác chiến y

Và hồn nương bóng quốc kì...

CHINH PHỤ CA

Chương Bẩy

Phạm Thanh Liêm

Trong một Hà Nội rất vui vì những sinh hoạt văn nghệ do chính quyền chủ trương hay do tư nhân đảm trách như vậy thì tình hình chính trị ở trong nước thay đổi.

Qua tới năm 1946 tình hình có vẻ gay go hơn lúc Cách Mạng mới thành công. Từ Saigon, Pháp mở rộng được vùng chúng chiếm đóng. Ông Hồ Chí Minh gửi Nguyễn Bình vào Nam để chỉ huy cuộc chiến tranh du kích lúc đó được gọi là Kháng Chiến Nam Bộ. Tướng Leclerc cho Tàu chiến chở đầy quân lính ra đậu ở Vịnh Bắc Việt với sự đe dọa đổ bộ vào miền Bắc để thay thế Quân Đội Tưởng Giới Thạch đã làm xong nhiệm vụ tước khí giới Nhật Bản và đang từ từ rút quân về Tàu. Để tránh một cuộc chiến tranh trên toàn quốc, ngày mùng 6 tháng 3 năm đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bằng lòng kí với Pháp một Hiệp Định Sơ Bộ. Lính Pháp kéo vào miền Bắc, đóng quân ở một số tỉnh lị. Rồi Pháp và Việt Nam còn mở ra những Hội Nghị ở Dalat (tháng 4 và tháng 5, 45) và Hội Nghị Fontainebleau tháng 7 và tháng 9, 45) để cố tìm ra giải pháp hòa bình.

Sống trong một Hà Nội bị nung nấu bởi thời cuộc như vậy, tôi vẫn nhớ tôi là người có vinh dự hiện diện ở miền Nam khi tiếng súng Nam bộ đầu tiên nổ lên để chống lại cuộc tái xâm lăng của quân viễn chinh Pháp. Dù khi đó tôi chỉ là một anh dân quân cầm gậy tầm vông đứng gác ở Cầu Kiệu hay một anh du kích vô danh ở Gò Vấp sau đó, chạy giặc nhiều hơn là đánh giặc.

Tuy xa miền Nam, tôi vẫn luôn luôn theo dõi tình hình ở trong đó. Tôi rất thù ghét những kẻ theo Tây để lập ra Nam Kì Quốc như Nguyễn Văn Thinh chẳng hạn. Ngứa mắt vì sự có mặt của lính Pháp ở trên đường phố Hà Nội, tôi còn cho rằng nhóm chống đối kết tội Việt Minh “bán nước” là đúng. Tôi bực mình khi thấy những lính Pháp mà mình đã chống lại họ cách đây không lâu bây giờ lại được Chính Phủ cho đóng quân ở đây, có biết đâu rằng làm chính trị là phải gian manh, Việt Minh hòa hoãn với Pháp để rảnh tay tiêu diệt các đảng đối lập.

Rồi ngẫu nhiên tôi gặp lại Phạm Thanh Liêm, chủ tịch Ủy Ban Kháng Chiến Gia Định, người đã kí cho tôi cái chứng minh thư để tôi ra Bắc. Phạm Thanh Liêm từ một chiến khu ở miền Nam trở ra Hà Nội để báo cáo tình hình Nam Bộ với Trung Ương. Gặp tôi, sau những chuyện hàn huyên thông thường, anh nói:

- Cậu thích "zô" lại trong Nam để kháng chiến không?

- Zô thì zô.

Tôi nhận lời ngay vì hai lí do: một là tôi sốt ruột vì cái tình hình ở đây chẳng ra ngô ra khoai gì cả; hai là tôi coi như mắc nợ với Phạm Thanh Liêm khi cầm trong tay cái chứng minh thư công nhận mình là ủy viên liên lạc và bây giờ thì tôi cần phải trả cái nợ này.

Khi Phạm Thanh Liêm ra Bắc thì được Trung Ương mời giữ chức Giám Đốc Trường Quân Chính ở Bạch Mai. Nhưng anh ta không nhận và chỉ muốn xin thêm cán bộ để tiếp tục trở vào Nam chiến đấu. Các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đồng ý và cho anh ấy toàn quyền chọn người vào học một lớp huấn luyện quân sự cấp tốc. Tôi là người đầu tiên mà Phạm Thanh Liêm chọn để vào học trong lớp này. Trại học là Trại Lính Khố Xanh cũ. Trại trưởng là Thiếu Tá Lê Hiến Mai - mà chúng tôi sẽ gọi là Lê Mái Hiên vì hàm răng rất vẩu của ông - có giảng viên như lị Ban, người của Đảng Cộng Sản Tàu được cử qua giúp Việt Minh và tới dạy chúng tôi về quân sự. Các giảng viên khác như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giầu, Dương Đức Hiền thì tới dạy về chính trị. Tôi còn nhớ Dương Đức Hiền nói nhiều đến nỗi sùi cả bọt mép. Thầy Võ Nguyên Giáp thì vẫn nói rất hay giống như khi thầy dạy tôi về môn Sử - Địa ở trường Thăng Long trước đây. Sau một tháng huấn luyện, mỗi đứa trong chúng tôi được phát một bộ quần áo cán bộ với một chiếc mũ ca-lô có đính huy hiệu sao vàng. Lúc đó chưa có nón cối và dép râu.

Ngày bao hùng binh tiến lên

Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến...

XUẤT QUÂN

Chương Tám

Chính sách vườn không nhà trống

Vào mùa Xuân 1946, một chuyến xe lửa xuyên Việt đưa mười ba anh thanh niên Hà Nội đi làm người hùng của thời đại. Đó là Phạm Duy, An Ngọc Phi, Nguyễn Huy Thọ, Kiểm, Thiệp, Chất, Công... và những người mà tôi đã quên tên.

Chỉ mấy tháng sau đó, trong toán người được gọi là Đoàn Cán Bộ 13 này, chỉ còn vài mạng sống sót. Bây giờ tôi còn nhớ được mặt Thọ, cậu cán bộ Việt Minh có nét mặt như con gái và có giọng hát hay, đó là nhờ Phạm Thanh Liêm có bức ảnh của anh ta.

(Ảnh bên: Nguyễn Huy Thọ, trong đoàn cán bộ 13)

Về sau Thọ làm Tham Mưu Trưởng cho một Khu Trưởng ở Nam Bộ rồi chết vì bệnh lao. Nguyễn Thúc Công, một thằng bạn họa sĩ rất hiền lành mà tôi quen từ ngày tôi mới theo gánh hát ĐỨC HUY vào Saigon, bây giờ là đồng chí luôn luôn ở gần tôi trong những công tác thông tin và tiếp vận. Trong đoàn còn có một anh cán bộ tên là Chất về sau làm nghề chụp ảnh dạo ở trên đường Catinat, sau bao nhiêu năm tháng trôi qua, sau bao nhiêu biến thiên lịch sử, mỗi lần gặp tôi lại như là muốn khóc.

Thế nhưng vào lúc khởi hành của cuộc Nam Tiến này, chúng tôi vui lắm. Trên Tàu hỏa, được đồng bào đi cùng chuyến Tàu rất quý mến và tiếp tế đồ ăn lu bù, chúng tôi hát vang những bài như Chiến Sĩ Hải Quân, bài hát được soạn ra khi Quân Đội Việt Nam chưa có một cái ca nô hay một chiếc thuyền buồm nào cả. Hay hát bài Không Quân Việt Nam nhưng rồi sẽ phải đi bộ dài dài sau khi Tàu hỏa ì ạch tới được nhà ga cuối cùng là Nha Trang. Thật là lãng mạn. Tôi cũng nổi hứng soạn ngay khi còn đang ngồi trên chuyến xe lửa này một hành khúc là bài Xuất Quân:

Ngày bao hùng binh tiến lên

Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến

Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành...

Về sau, mỗi lần hát hay nghe lại bài này, tôi đều thấy những người bạn trong đoàn cán bộ 13 này hiện hồn ra trước mắt tôi...

... Vào tới quá Nha Trang, chúng tôi phải xuống Tàu để đi bộ vì đường xe lửa bị phá hủy. Suốt dọc dường từ đó vào tới chiến khu Nam Bộ, chúng tôi đi qua những xóm dừa đã trở thành điêu tàn không phải vì quân Pháp tới đánh phá mà vì dân chúng tuân theo triệt để chính sách tiêu thổ kháng chiến. Trước đây, khi đi theo gánh hát, tôi chỉ nhìn thấy khía cạnh no ấm và vui chơi của dân chúng miền Nam. Bây giờ, lòng tôi se lại khi thấy cảnh vườn hoang nhà nát và cảnh nghèo đói của dân quê ở nơi miền Nam đã khởi sự có khói lửa rồi. Chúng tôi phải sống tự túc vì đồng bào ở đây nghèo quá, không có thể tiếp tế gạo cho cán bộ được nữa. Nhiều ngày tôi chỉ ăn toàn đu đủ, khi đi đại tiện thấy phân vàng khè, sợ quá. Có lần anh em bắt được một con chó và đem luộc để ăn. Tôi thà nhịn đói...

(Ảnh bên: An Ngọc Phi)

Tôi được gửi về chiến khu Bà Rịa-Vũng Tàu dưới quyền chỉ huy của Trịnh Ngọc Hiền, nguyên Tư Lệnh Thân Binh, một bộ phận quân sự trước đây lo việc bảo vệ Nam Bộ Phủ. Sau khi Saigon bị Pháp chiếm, Trịnh Ngọc Hiền đem quân ra lập chiến khu ở miền Đông Nam Bộ này. Bộ chỉ huy được đặt ở vùng Đất Đỏ. Tôi được giao phó nhiệm vụ thông tin, liên lạc và tiếp vận, trực thuộc Đại úy (tự phong) Nguyễn Ngọc Kỳ.

Lực lượng kháng chiến tại khu Miền Đông Nam Bộ lúc đó còn mang tên là Chi Đội Giải Phóng Quân, gồm một số người đi lính cho Pháp trước đây - gọi là lính thủ hộ - phần nhiều đã hơi có tuổi và có gia đình rồi. Cựu công chức như kĩ sư Công Chánh, phó giám đốc Bệnh Viện, giáo viên trường Tiểu học... cũng tham gia vào tổ chức giải phóng quân này. Thương gia giầu có cũng bỏ Saigon để đi ra chiến khu. Đông đảo nhất là sinh viên, học sinh, con cháu anh em của những hạng người vừa kể. Nói tóm lại là đủ mọi tầng lớp giai cấp trong xã hội. Đặc biệt là có một sĩ quan Nhật Bản, từ một trại tù binh ở Vũng Tàu, bỏ trốn qua vùng kháng chiến, gia nhập Chi Đội Giải Phóng Quân và là người độc nhất biết sử dụng khẩu súng liên thanh duy nhất của chi đội.

(Ảnh bên: Phạm Thanh Liêm và một cựu Ủy Viên tại miền Đông Nam Bộ)

Ban Tham Mưu của Chi đội trước hết đóng ở thị xã Bà Rịa. Bị Pháp tấn công và chiếm tỉnh lị là rời đi Long Điền. Bị Pháp tới đánh nữa là lùi qua Đất Đỏ. Cuối cùng, khi Pháp đã chiếm hoàn toàn thị xã Bà Rịa và những đường giao thông chính ở chung quanh thành phố thì ban chỉ huy rời đi Xuyên Mộc. Khi còn ở tại một quận lị hay ở trong một làng nào đó thì có nơi ăn chốn ngủ là nhà đồng bào, nhưng khi ra tới Xuyên Mộc, tất cả mọi người phải sống ở ngoài trời, ăn ngủ ở ngay trong rừng. Lính giải phóng quân được phân tán đi đóng ở các nơi được gọi là các điểm chiến lược của tỉnh Bà Rịa này. Dù lúc đó Pháp tổ chức được tại những nơi chiếm đóng một số người làm tai mắt cho họ gọi là ban hội tề nhưng các ban hội tề này không hoàn toàn theo Pháp, chúng tôi vẫn có thể vào vùng Pháp chiếm để mua gạo, thực phẩm đem lên chiến khu. Gọi là chiến khu nhưng thực sự cả ban Tham Mưu cũng như các tổ binh lính đều luôn luôn di động, không bao giờ ở một nơi nào nhất định cả. Trừ thời gian bị truy nã riết quá, ban Tham Mưu phải leo lên đóng ở trên núi Mây Tào, một nơi cao nằm ở giữa ba tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Phan Thiết. Ở đây phong cảnh đẹp như trong bức tranh Tàu, sau những đêm đi công tác về, tôi thường nằm ngủ ngày bên cạnh một con suối nhỏ.

Tôi không thể nào quên được những địa danh như Cầu Cỏ May, nơi chúng tôi đụng độ với lính Chà Và đội nón chóp, như Nước Nhì, Bình Ba, Long Điền, Đất Đỏ nơi tôi đi vô, đi ra như đi chợ (thật là đúng nghĩa) để làm công tác thông tin và tiếp vận. Và như Phước Bửu, một làng đánh cá nằm ở giữa Long Hải và Cù My, nơi tôi đã tới hát cho binh lính nghe vào đêm giao thừa của Tết Bính Tuất (1946).

Sau 50 năm không gặp nhau, tưởng rằng Nguyễn Thúc Công đã chết... nhưng vào buổi sớm tinh mơ của tháng 7-2000, tôi đang đi trên phố Huế ở Hà Nội, thấy anh bạn xưa ngồi lu lù trên thềm nhà...

Còn nhớ những lúc nằm cạnh họa sĩ Công trên chiếc xe bò chở gạo, lọc cọc đi từ một cái chợ nhỏ leo lên chiến khu Mây Tào, cảnh đêm trăng trong khu rừng Đất Đỏ giống như cảnh quái dị trên một tinh cầu nào đó. Tại sao mầu trăng ở đây không trong xanh mà lại đỏ ngầu như mầu máu?

Còn nhớ trại huấn chính An Nhứt có Huỳnh Tấn Phát gầy gò cao ngẳng từ Hà Nội trở vào Nam đem theo những huấn thị của Trung Ương. Cũng có lúc tôi trút bỏ bộ quần áo cán bộ, giả dạng làm người Tàu, mặc áo khách quần đen ra chợ Long Điền nghe tin tức. Có lần tôi và thằng họa sĩ Công đang đi trên đường nhựa để trở về chiến khu thì thấy xe tăng Pháp ở xa chạy tới. Không kịp chạy vào rừng, chúng tôi vội vàng chui xuống nấp trong ống cống xi măng chôn ở dưới một cái cầu nhỏ. Nằm trong đó, nghe tiếng xe tăng chạy rầm rầm trên đầu, tôi cũng thấy rờn rợn.

Mờ trong bóng chiều

Một đoàn quân thấp thoáng...

CHIẾN SĨ VÔ DANH

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay