Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 2 - Chương 16 - 17 - 18

Chương Mười Sáu

Quân Pháp hành quân vùng Việt Bắc...

Cuối năm 1947 đó, tôi và Ngọc Bích từ tỉnh lị bị tiêu hủy hoàn toàn là Thái Nguyên đi bộ qua Bắc Giang, tìm về làng Lan Giới thuộc khu Nhã Nam, Yên Thế. Tôi rảo bước đi trên con đường rất quen thuộc được xây trên mặt đê của con sông đào Tôi nhớ lại câu hát quan họ mà tôi hát lên trong thời tôi làm nghề nông và sống ở vùng này:

Ngồi rằng, ngồi tựa a a a a cái con sông đào,

Hỏi rằng là người tri kỉ y y y y

Ấy mấy có ra vào, ra vào có mấy vấn vương...

Từ xa đi tới, tôi nhận ra cái ấp nhỏ vẫn đang nằm êm ả trên một ngọn đồi thấp. Tôi sắp tới một nơi chứa đựng không biết bao nhiêu là kỉ niệm êm đẹp của tôi khi tôi mới hai mươi tuổi. Tới nơi thì biết rằng mấy ngôi nhà ở trong ấp và mấy trăm mẫu ruộng của ông bà Tuần Phủ Lê Đình Trân đã bị tịch thu. Một ủy ban nào đó đang quản trị cái ấp và những mẫu ruộng này. Như đã nói trong Hồi kí Tập II, có lần tôi là con nuôi của ông bà Tuần Phủ Trân và được cha mẹ nuôi tin cậy gửi lên Nhã Nam để phụ giúp cho người em của bà Trân, trông coi cái đồn điền rất xinh xắn nhất ở nơi đây. Tôi biết cầy ruộng, gặt lúa, xay thóc, giã gạo không thua một anh nông dân nào.

Xin nhắc lại là khi đó tôi có hai người tình là gái quê một trăm phần trăm, mà lại là gái quê vùng Yên Thế. Trong lần trở về vùng quê cũ này, tôi chỉ gặp lại một người mà xưa kia tôi có ý định lấy làm vợ. Nàng tên là Hạ và là con gái lớn của một ông Chánh Tổng. Cảnh làng mạc có đôi phần đổi thay, tôi hỏi thăm đường về nhà ông bố vợ hụt. Gặp ông, thấy ông kách mệnh quá trời. Mẹ kiếp, ngày ông còn trẻ, ban ngày ông là dân lành, ban đêm ông nổi lửa đi ăn cướp, ông bị tù gần mọt gông, tôi biết chuyện này mà.

Gặp lại cô gái quê, thấy nàng vẫn chưa lấy chồng, vẫn còn đẹp, vẫn quần quật lao động và còn lao động “vinh quang” hơn trước nhiều. Cho mọi người coi giấy công tác của Cục Chính Trị, chúng tôi bèn được hậu đãi ngay. Trong mấy ngày ở lại đây, tôi được hưởng những đêm ái ân nồng cháy trên ổ rơm thơm phưng phức bên người đẹp nhà nông có thân hình cứng như... gỗ lim này. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao lúc đó tôi không ở lại Nhã Nam, lấy phứt cô gái quê này làm vợ, trở thành một anh nông dân không tên tuổi? Âu cũng là số kiếp... và rồi tôi cũng đã nhanh chóng chia tay với tình yêu để đi “nàm việc nước” (!).

Tôi và Ngọc Bích vác ba lô đi tìm Bộ Chỉ Huy của Khu XII. Ở đó, tôi gặp Hoàng Cầm. Nó đang chuẩn bị thành lập một đội văn nghệ cho chiến khu này cùng với nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, diễn viên Trúc Lâm và vợ chồng Văn Chung, đôi uyên ương này cũng đã bỏ Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng của Phạm Văn Đôn và lò mò sang đây. Có thêm vài ba mầm non mới gia nhập đoàn văn nghệ như Hiền thổi saxo chẳng hạn. Tôi và Ngọc Bích nhập ngay vào cái đội văn nghệ chỉ có vỏn vẹn bẩy, tám người đó để từ Bộ Chỉ Huy, chúng tôi đi lưu diễn ở những nơi có Vệ Quốc Đoàn đóng quân trong ba tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Gặp Hoàng Cầm, tôi yêu nó ngay. Nó bằng tuổi tôi. Trong khi tôi thích đùa rỡn thì nó giống như một ông đồ non, lúc nào cũng ngồi hút thuốc lào, rung đùi, trầm ngâm. Nó đang sống chung với Tuyết Khanh, nữ kịch sĩ của một đoàn kịch do nó và Hoàng Tích Linh thành lập vào khoảng đầu thập niên 40 là đoàn ĐÔNG PHƯƠNG. Tuyết Khanh là người thủ vai chính trong vở kịch thơ Người Điên của Hoàng Cầm.

Vở kịch còn mang thêm cái tên Kiều Loan này, đáng lẽ được ra mắt công chúng tại nhà Hát Lớn Hà Nội vào trung tuần tháng chạp 1946 nhưng cuộc toàn dân kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào ngày 19 khiến vở kịch đó chỉ được xuất hiện trước ánh sáng tiền trường có một hay hai đêm mà thôi. Do đó, rất ít người biết tới vở kịch thơ này.

Vở này có câu chuyện khá li kì, đưa ra một nhân vật là Kiều Loan, người đã khuyến khích chồng ra đi với mưu đồ đánh đổ Nguyễn Ánh để phục hồi nhà Tây Sơn. Nhưng chồng nàng đã bỏ ý đồ phục quốc, đầu hàng nhà Nguyễn và được tuyển dụng làm quan trong triều đình. Kiều Loan vào thành Phú Xuân để tìm chồng thì gặp một người cùng chí hướng là ông già. Cả hai người này đã giả điên, giả say tạo ra sự huyên náo trước cửa Thành để được bắt đem vào dinh, nơi đó Kiều Loan có thể gặp được người chồng phản bội, nhắc nhở cho chồng nhớ tới lời hứa phục quốc khi xưa. Trong dinh, trước mặt bá quan, Kiều Loan giả điên, giơ tay chỉ hết người này tới người nọ, nhận ai cũng là chồng của mình và rốt cuộc, cùng với ông già giả say, nàng bị bắt giam. Trong ngục, hai người gặp thêm một người tù đồng chí là người què. Trong khi ba người: người điên, người say và người què bị giam trong ngục thì, sau khi xúc động vì gặp lại vợ xưa với lời thề ước, người chồng tỉnh ngộ, cầm quân vào phá ngục để cứu vợ nhưng Kiều Loan đã tự vẫn chết cùng với các đồng chí của Nàng.

Với vở kịch thơ Kiều Loan này, ta thấy Hoàng Cầm cũng ca tụng cái đẹp của sự thất bại - la beauté des causes perdues - giống như Khái Hưng với Tiêu Sơn Tráng Sĩ.

Đi theo Hoàng Cầm ra vùng kháng chiến, Tuyết Khanh, mà lúc đó Hoàng Cầm cũng đổi luôn tên là Kiều Loan, đang có thai và bắt buộc phải ở lại vùng trung du để Hoàng Cầm và chúng tôi lên đường đi lưu diễn. Trong bữa cơm đạm bạc để chia tay nhau giữa hai vợ chồng Hoàng Cầm tại Phố Nỉ (Bắc Giang), tôi còn nhớ cảnh Hoàng Cầm ngồi rung đùi ngâm thơ bên cạnh người vợ mà rồi đây nó sẽ không bao giờ gặp lại nữa, giọng ngâm buồn rười rượi...

Chiều ơi

Lúc chiều về rợp bóng nương khoai...

NƯƠNG CHIỀU

Chương Mười Bẩy

Hoàng Cầm

Sau một thời gian tập diễn rất ngắn, chúng tôi khởi sự lên đường công tác vào một ngày có những giọt mưa Xuân làm cho khung cảnh đồng quê như được bao phủ bởi một tấm màn mỏng phất phơ mầu xanh xám. Khi đó chúng tôi mới chỉ là những thanh niên khoảng 25, 26 tuổi, đầy nhiệt tình với Cách Mạng và với cuộc Kháng Chiến của toàn dân cho nên chân chúng tôi mang hia bẩy dặm (mỗi ngày nuốt 40 cây số đường đá như không) và lòng chúng tôi chan chứa tình nước, tình người. Tôi được khá nhiều người yêu mến - một nhà lãnh đạo kháng chiến đã nói ra điều đó khi gặp tôi ở Thái Nguyên - vì những bài dân ca mới mà tôi vừa soạn ra rất phù hợp với con người Việt Nam muôn thuở đang được sống trong một hoàn cảnh mới.

Trong kì lưu diễn ở miền Cao-Bắc-Lạng này, tôi soạn thêm được nhiều bài dân ca khác trong đó có bài Nương Chiều:

Chiều ơi... Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ

Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều.

Chiều ơi... Mái nhà sàn thở khói âm u

Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều...

Đây là một bài dân ca loại mới và có sự tiến bộ về phần nhạc thuật vì nó không còn đơn sơ như những bài tôi đã soạn ra trước đây, chẳng hạn Ru Con, Dặn Dò... Chính trong chuyến đi hát ở vùng này mà tôi thấy tôi đi đúng con đường thăng hoa dân ca. Một buổi nọ, sau khi trình diễn cho đồng bào thưởng thức những màn ca-vũ-kịch - Văn Chung cũng đã đưa ra một màn múa, diễn tả các động tác của nhà nông gọi là nông tác vũ - một bà mẹ quê xin ra hát tặng anh chị em trong đoàn văn nghệ một bài hát cổ truyền. Chúng tôi vỗ tay hoan nghênh. Bà mẹ đằng hắng, lấy giọng, rồi hát:

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa

Mà không nhớ thương người mẹ già...

Đó là bài Nhớ Người Ra của tôi. Nhưng bây giờ nó không còn là của tôi nữa. Nó là của dân chúng rồi. Tôi cảm động, muốn khóc òa lên...

Vào lúc này, Hoàng Cầm vẫn còn nuôi mộng xây dựng một sân khấu kịch thơ sau khi vở Kiều Loan đã không có may mắn được sống trong công chúng. Nó rất muốn dựng những vở kịch thơ trong kháng chiến nhưng với một đội văn nghệ ít người và với đối tượng chính là Vệ Quốc Quân, bây giờ nó chỉ có thể soạn những bài thơ cho một hoặc hai người ngâm trên một thứ sân khấu ngoài trời mà thôi. Bài thơ Đêm Liên Hoan được viết ra ngay trong những ngày đầu đi công tác. Hoàng Cầm và tôi diễn ngâm bài này rất nhiều lần trước hàng trăm, hàng ngàn Vệ Quốc Quân:

Đêm liên hoan đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng

Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực

Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn.

Biết bao nhiêu Vệ Quốc Quân lao đầu vào giặc sau khi nghe những lời thơ đầy hào khí và thân thiết này:

Trong tiểu đội của anh

Những ai còn ai mất?

Không ai còn, ai mất

Ai cũng chết mà thôi.

Người sau kẻ trước lao vào giặc

Giữ vừng nghìn thu một giống nòi

Dù ta thịt nát xương rơi

Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam...

Ngoài bài thơ Đêm Liên Hoan soạn cho riêng tập thể chiến sĩ, Hoàng Cầm - cũng như tôi lúc đó - rất quan tâm tới người dân thường. Lúc đó tôi cũng đã đưa vào loại dân ca kháng chiến của tôi những hình ảnh anh thương binh, người mẹ già, người vợ hiền, đàn trẻ nhỏ... nhiều hơn là hình ảnh Vệ Quốc Quân. Hoàng Cầm, qua bài Bên Kia Sông Đuống, cũng đưa ra một cách tuyệt vời những hình ảnh cô hàng xén răng đen, môi cắn chỉ quết trầu, cụ già phơ phơ tóc trắng, em bé sột soạt quần nâu... Những nhân vật đó lại càng nổi bật hơn lên khi được đặt vào khung cảnh tuyệt vời của miền Kinh Bắc hiển hách đó. Ai mà không muốn chiến đấu để gìn giữ cảnh vật và những con người thân yêu đó? Những bài thơ kháng chiến như vậy đã được Hoàng Cầm và tôi diễn ngâm trong rừng sâu, trên đồi cao hay trong những hang đá dưới ánh đuốc bập bùng, có khi chỉ cách một đồn địch chừng vài ba cây số.

Vào khoảng đầu năm dương lịch 1948 tức là sắp sửa tới Tết âm lịch, trong chiến dịch thi đua lập chiến công, Hoàng Cầm sáng tác thêm một bài thơ nhan đề Tâm Sự Đêm Giao Thừa mà tôi cho là tuyệt vời. Hoàng Cầm đưa ra hình ảnh một người lính giữ nước, đang đứng gác trong một khu rừng vắng, giữa đêm giao thừa:

Đêm nay hết một năm

Phải gác tới giao thừa

Quê hương chừng rét lắm

Lất phất mấy hàng mưa...

Anh Vệ Quốc Quân này có một người vợ vừa sinh nở được một mụn con. - Hoàng Cầm đưa ra hình ảnh của người vợ lính vì liên tưởng tới vợ mình - Người vợ lính đang phải sống lần hồi với một quán hàng trong một phiên chợ nhỏ, quán vắng khách, người thiếu phụ thiếu ăn, không đủ sữa cho con bú. Vì đêm nay là đêm giao thừa và theo thông lệ, dù trong hoàn cảnh chiến tranh, người lính biên thùy (cũng như chàng thi sĩ) cũng muốn có một cái quà gì để gửi về hậu phương cho vợ con nghèo đói. Nhưng chiến sĩ Việt Nam nghèo lắm cho nên chỉ có thể gửi cho vợ con một cái quà quý giá nhất là sự lập chiến công của mình. Người lính tưởng tượng ra cảnh vợ mình đang đói ăn nên không có sữa cho con bú, nhưng nghe tin chồng thắng trận thì vui mừng quá, máu bỗng chảy mạnh trong huyết quản của người vợ lính, sữa bỗng đâu căng lên đầu vú, đứa con bỗng có đủ một miếng sữa no trong ngày vui của dân tộc này. Hoàng Cầm đã đem đưọc yếu tố sinh lí vào một bài thơ yêu nước. Trong toàn thể bộ thơ kháng chiến, tôi không hề thấy có ai làm được việc này. Bài thơ kết thúc với những câu thơ vẫn vô cùng thân yêu và đầy hào khí như trong những bài thơ khác của Hoàng Cầm:

Cha con ăn Tết lập công

Cho sữa mẹ chảy một dòng nghìn thu.

Cha đem cái chết quân thù

Làm nên sức sống bây giờ của con.

Bài thơ này - cũng như các bài thơ khác của Hoàng Cầm viết ra trong thời kháng chiến - phải được diễn ngâm thì mới thấy được giá trị đích thực của nó. Thơ kháng chiến của Hoàng Cầm có rất nhiều tính chất đối đáp. Tôi và Hoàng Cầm chia nhau ra để ngâm từng đoạn và vì tôi vốn xuất thân là một ca sĩ hành nghề trong một gánh hát rong cho nên ngoài những cách nắn nót giọng ngâm, tôi còn biết dùng điệu bộ, nét mặt để diễn tả những bài thơ hùng tráng này. Ngay cả trong phạm vi nhạc điệu, lối ngâm thơ của chúng tôi lúc đó cũng mới mẻ hơn lối dùng điệu bồng mạc, sa mạc của người đi trước, do đó có tính chất hấp dẫn hơn. Và cũng vì không khí anh hùng của người viết bài thơ, người diễn bài thơ và người nghe bài thơ cho nên lối ngâm thơ của chúng tôi không có tí gì là thảm thiết như lối kêu đường của các ngâm sĩ sau này.

Phải ghi nhận một điều rất quan trong là tác dụng của bài thơ. Nó đã có khả năng diệt giặc hơn cả những võ khí tối tân lúc đó như SKZ (súng không giật) hay bazooka vân vân... Trong ba lô của bất cứ một Vệ Quốc Quân nào cũng đều có những bài thơ chép tay của Hoàng Cầm. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp không thể nào thành công nếu không có những tác phẩm văn nghệ như những bản nhạc của Văn Cao, và những bài thơ của Hoàng Cầm, Quang Dũng...

Em ơi, buồn làm chi?

Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa bãi cát phẳng lì...

Hoàng Cầm

Chương Mười Tám

Trúc Lâm, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh

Trong khi Hoàng Cầm viết bài thơ để nhớ tới vợ con vào năm 1948 như vậy thì vợ con của nó ra sao?

Tuyết Khanh (mà tôi xin gọi là Kiều Loan Mẹ, vì đứa bé khi ra đời thì được đặt tên là Bùi Thị Kiều Loan tức là Kiều Loan Con) không được gặp lại chồng mình sau cái ngày chia tay tại Phố Nỉ với sự chứng kiến của tôi. Suốt trong thời gian từ 1948 cho tới 1954, từ trong vùng địch chiếm, Kiều Loan Mẹ viết thư cho Hoàng Cầm nhiều lần và chẳng bao giờ được trả lời. Sau khi Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước, Kiều Loan Mẹ đành phải bế đứa con lên sáu di cư vào Nam, trong khi Hoàng Cầm hãy còn ở một nơi nào đó trong vùng quê miền Bắc.

Về phần tôi thì sau khi vào sinh sống tại Saigon, trong suốt trong gần hai mươi năm trời, tôi chỉ có một lần nhận được tấm thiệp báo hỉ của Kiều Loan Con. Đứa bé nằm trong bụng mẹ trong thời kháng chiến xa xưa, hôm nay, trong một ngày lành tháng tốt của năm 1968, đã lấy chồng. Qua tới Mỹ, trong năm1975, tôi biết tin Kiều Loan Mẹ cũng đi tị nạn và đang sống tại vùng Hoa Thịnh Đốn. Vào năm 1982 thì tôi lại nghe tin Kiều Loan Con cũng vượt biên qua tới nước Mỹ và về sống với Kiều Loan Mẹ tại Los Angeles. Ngày đầu năm 1983, trong buổi đi chơi tình cờ, tôi được một người bạn đưa lại gặp hai mẹ con Kiều Loan tại căn nhà nhỏ ở downtown Los Angeles. Trong đời tôi đã xẩy ra nhiều chuyện thật là kì lạ. Nước Việt Nam đâu có phải là một nước bé nếu ta đi bộ từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây và từ Tây sang Đông... như tôi đã làm cái cuộc cũng được gọi là vạn lí trường chinh trong thời tao loạn này. Vậy mà đi tới đâu thì cũng lại gặp lại những người mà mình đã gặp ở một nẻo đường xa lắc xa lơ. Có lẽ cũng tại cái biến cố cả nước lên đường vậy. Người nào cũng lên đường cả, thành thử ai cũng gặp nhau. Chẳng hạn Phạm Thanh Liêm. Chẳng hạn Ngọc Bích, Văn Chung, Đoàn Bính v.v... Đi tới đâu thì tôi cũng gặp lại họ. Giống như đã có hẹn hò với nhau từ tiền kiếp xa xôi nào đó, xa nhau rồi cũng lại phải gặp nhau. Qua tới Hoa Kỳ rồi mà vẫn còn gặp lại Hoàng Cầm qua hai mẹ con Kiều Loan. Sau bốn mươi năm. Đừng hỏi tại làm sao mà tôi cứ bị ám ảnh bởi thi sĩ Hoàng Cầm. Và soạn Hoàng Cầm Ca.

Đi lưu diễn với Hoàng Cầm tại vùng Cao-Bắc-Lạng này, ngoài cái vui được đem thơ, đem nhạc, đem kịch (do vợ chồng Văn Chung đóng) để nâng cao tinh thần kháng chiến của quân đội, của nhân dân, chúng tôi còn có những cái vui riêng. Chẳng hạn sau khi công tác, dù ở trong nhà dân chúng hoặc đóng trại trên bìa rừng hay trong hang đá, chúng tôi thường hay bày trò hát ả đào. Hoàng Cầm có giọng ngâm, giọng hát rất hay. Nó thuộc hết các điệu hát nhà tơ, đóng vai ca kĩ, còn chúng tôi đóng vai quan viên, đánh trống chầu tom tom chát chát, hoặc lấy đàn guitare ra thay thế đàn đáy, gẩy ra những tiếng tình tình, tình tình, tang, tang... - chúng thường nói đùa cái lối gẩy đàn này là: thằng nào? thằng nào? tao, tao... Mấy thằng đóng trò quan viên và ả đào này thích uống rượu lắm cho nên trong mâm cơm có bao nhiêu thịt gà là bị tôi là kẻ không uống rượu, đớp hết. Hoàng Cầm còn nhớ tới chuyện tôi ăn nhanh - và ăn tham - này và kể cho một người có cơ hội đi tị nạn ở Hoa Kỳ nghe, người này có nhắc lại chuyện đó khi gặp tôi.

Tôi còn nhớ một kỉ niệm rất nên thơ trên một nẻo đường kháng chiến cùng với Hoàng Cầm. Là những thanh niên quen sống ở đô thị, khi đi kháng chiến, chúng tôi phải khó nhọc lắm mới khắc phục được cái khổ chung của toàn dân là: đi bộ. Vai đeo ba lô, tay xách đàn, cổ quàng sắc-cốt, đi từ chỗ đóng quân này tới nơi đóng quân khác, toàn bằng “lô ca chân” thôi. Trèo đèo, vượt suối, băng rừng, trung bình mỗi ngày đi từ 30 tới 40 cây số. Khi đi lưu diễn tại Khu XII này, lại toàn đi trên đường đá, trong sương mù. Cảnh thì thật là đẹp, người miền núi thật là đáng yêu, nhưng có khi nửa ngày mới gặp một cái bản, một cái thôn. Gặp một cái chợ thì như gặp được thiên đàng. Vì nhân viên trong đội toàn là văn nghệ sĩ cho nên chúng tôi bầy đặt chuyện vừa đi vừa làm thơ cho đỡ buồn, cho đỡ mệt. Nhưng phải là thơ đặc biệt, chẳng hạn như khi đang đi thì thấy một đội viên bực mình thốt lên:

Đường đá đưa đoàn đến đếch đâu?

Tụi tôi tìm thấy cái thú làm thêm những câu thơ tiếp tục, những câu thơ hợp tình, hợp cảnh và theo một vần chữ. Một câu thơ như vậy, cần phải đi dăm bẩy cây số mới có được một câu mà toàn đội đồng ý. Tôi không nhớ ai đã tung ra câu thứ hai và câu thứ ba:

Xa xa xam xám xuống sương sầu

Mịt mù mê mải mưa mưa mãi

Câu thứ tư chắc chắn phải là của một thằng nhạc sĩ, vì ngoài ba lô ra, nó phải đeo thêm cây đàn:

Đàn địch đem đi đến đớn đau...

Nhưng chính trong cái trò chơi giải trí, giải lao, giải buồn và giải “đói” này tôi mới thấy rõ chân tướng của một nhà thơ lớn là Hoàng Cầm. Mời bạn đọc tiếp ở chương sau...

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm...

Quang Dũng - TÂY TIẾN

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3