Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 2 - Chương 23

Chương Hai Mươi Ba

Miền Trung Du - Lính Pháp hành quân

Hai ông bà Phạm Đình Phụng nguyên là chủ nhân của một cửa hàng bán mứt và ô mai ở phố Bạch Mai tên là hiệu Mai Lộc. Hồi 13 tuổi, cậu Nguyễn Cao Kỳ thường hay tới hiệu Mai Lộc để ăn ô mai và đánh đàn mandoline cùng với lũ con của chủ nhân. Ngày 19 tháng 12 năm 46, tức là ngày toàn quốc kháng chiến, ông bà Mai Lộc Phạm Đình Phụng dắt hai người con trai và ba người con gái tản cư ra Sơn Tây. Cả gia đình thuộc vào hạng tiểu thương thành phố này đã tới ở nhờ trong nhà của một gia đình nông dân tại một nơi gọi là đồi Cốc. Một hôm phi cơ Pháp tới bắn phá nơi đây và đau lòng thay, người con gái lớn của ông bà bị tử thương.

Chôn cất người bạc mệnh xong, ông bà còn quá hoảng sợ muốn đi khỏi nơi này. Mới đầu tính di cư lên Việt Bắc nhưng vì sợ những nơi thường được gọi là rừng thiêng nước độc cho nên ông bà quyết định dắt một người con trai và hai người con gái đi về vùng xuôi và dừng chân ở Chợ Đại. Người con trai lớn thì đã gia nhập một đoàn văn nghệ kháng chiến ở Sơn Tây đi lưu diễn ở miền thượng du rồi.

Tại Chợ Đại, ông bà mua lại một cái quán và đặt tên là Quán Thăng Long. Ở đây có đủ ba món phở sào, phở áp chảo, phở nước, có cà phê ngon và có luôn một anh Tây lai tên là Auguste Ngọc ngày nào cũng vác đàn guitare tới quán để biểu diễn chơi. Ông bà Thăng Long vốn là những người rất sành nhạc cổ. Đi chạy giặc như vậy mà vẫn mang đàn đi theo. Thỉnh thoảng, cao hứng, ông bà lấy nhạc cụ ra. Ông đánh đàn nguyệt và bà đánh đàn tranh, đàn tỳ. Rất là du dương. Văn nghệ sĩ nào tới Quán Thăng Long thì cũng đều được đón tiếp rất niềm nở. Không có sự cách biệt giữa chủ và khách. Có anh nghệ sĩ đã xung phong vào bếp để phụ giúp trong việc thái thịt bò và thái bánh phở.

Tại Quán Thăng Long, ông bà có ba người con để giúp đỡ trong việc nấu phở, pha cà phê và tiếp khách. Người con gái lớn tên là Phạm Thị Thái, vào trạc 20 tuổi, biết hát và biết chơi cả đàn guitare hawaienne nữa. Nàng có một vẻ đẹp rất buồn, lại là người ít nói, lúc nào cũng như đang mơ màng nghĩ tới một chuyện gì xa xưa. Văn nghệ sĩ nào khi tới gần nàng thì cũng đều bị ngay một cú sét đánh. Thi sĩ Huyền Kiêu luôn luôn thích làm người tao nhã (galant) và có nhiều lúc, trịnh trọng cầm hoa tới tặng Nàng. Thi sĩ Đinh Hùng, rụt rè hơn, nhờ người chị ruột của tôi - đang tản cư ở Chợ Đại - làm mối. Còn anh họa sĩ hiền lành như bụt và có đôi mắt rất xanh là Bùi Xuân Phái thì ngày ngày tới Quán Thăng Long, ngồi đó rất lâu, im lặng... Ngồi, nhìn, chứ không vẽ. Ngọc Bích cũng soạn một bài hát tỏ tình, lời ca do tôi gà cho...

Sau Phạm Thị Thái là người con trai 18 tuổi của ông bà tên là Phạm Đình Chương. Cậu này rất có khiếu về đàn guitare, bây giờ lại được Auguste Ngọc tới dạy cho cậu những ngón đàn rất hay. Rồi tới người con gái út, tên là Phạm Băng Thanh, mới 13 tuổi mà đã có một giọng hát rất hay. Văn nghệ sĩ người lớn thường gọi cô này là chú bé.

Trước khi tôi và Ngọc Bích tới Chợ Đại-Cống Thần, đoàn Văn Nghệ Giải Phóng của Phạm Văn Đôn - mà chúng tôi là cựu đoàn viên - từ vùng thượng du kéo về vùng xuôi với ý định vào Liên Khu IV ở Thanh Hóa để làm việc với tướng Nguyễn Sơn. Phạm Văn Đôn là cháu ruột của ông bà Phạm Đình Phụng, chủ quán Thăng Long, do đó người con trai lớn của ông bà là Phạm Đình Viêm đã gia nhập đoàn văn nghệ Giải Phóng này từ khi mới từ Hà Nội tản cư ra Sơn Tây, như đã nói ở Chương trước. Dừng chân tại Chợ Đại, Phạm Văn Đôn tới Quán Thăng Long và xin hai chú thím cho phép hai người con đang ở đó - là Phạm Thị Thái và Phạm Đình Chương - nhập luôn vào đoàn văn nghệ này để đi vào Thanh Hóa. Cũng có thể vào lúc này, hai ông bà Thăng Long đã có ý định di cư thêm một lần nữa vào một vùng được coi như là an toàn nhất là Liên Khu IV cho nên ông bà để cho Phạm Thị Thái và Phạm Đình Chương ra đi một cách dễ dàng. Còn cô bé út Băng Thanh thì ở lại Chợ Đại với cha mẹ.

Phạm Thị Thái là cháu của nữ kịch sĩ Song Kim, trước đây được Thế Lữ (là chồng của bà Song Kim) có ý định cho vào hoạt động trong đoàn kịch Thế Lữ. Nhà thơ kiêm kịch gia này đặt cho nàng cái tên sân khấu là Thái Hằng. Bây giờ nàng dùng luôn cái tên này để trở thành một ca sĩ kiêm diễn viên kịch nghệ của đoàn văn nghệ do Phạm Văn Đôn chỉ huy, đầu quân vào làm việc tại Phòng Chính Trị của Trung Đoàn 9 (sau này sẽ trở thành Sư Đoàn 304) thuộc Bộ Chỉ Huy của Liên Khu IV. Khi tôi tới Chợ Đại cùng Ngọc Bích thì ba người con của ông bà Thăng Long từ Thanh Hóa trở ra thăm gia đình sau sáu tháng đi công tác.

Tôi gặp lại Phạm Đình Viêm thì vui lắm. Sau khi Viêm giới thiệu tôi với ông Thăng Long, tôi được ông cho biết là cha mẹ tôi và ông khi trước là chỗ thân tình. Hà Nội hồi xưa bé bỏng như một cái làng nhỏ. Ai cũng quen nhau. Ông Phụng còn nói là ngày đó có lần ông đã nhờ người tới dạm hỏi để xin lấy mẹ tôi làm vợ. Tôi chỉ ghé Quán Thăng Long đôi ba lần và chỉ có đủ thời giờ để thấy cảnh đầm ấm của gia đình nghệ sĩ họ Phạm. Họ thường hòa tấu và hát chung với nhau những bản Tân Nhạc trước sự hâm mộ của khách hàng hay của các bạn bè văn nghệ sĩ. Cũng thấy hay đấy, nhưng tôi không bị choáng váng trước tài nghệ hay tài sắc của mấy anh em, chị em nhà này.

Tôi cũng được mời để trổ tài hát và ngâm thơ. Có lúc tôi nổi hứng lên hơi nhiều và tôi nhẩy đại lên trên bàn ăn ở giữa quán, đứng vung tay vung chân ngâm những bài thơ kháng chiến của Tố Hữu và Hoàng Cầm. Mọi người khoái lắm. Phạm Đình Viêm gạ tôi đi theo ba anh em vào Liên Khu IV để, một lần nữa, làm nhân viên của đoàn văn nghệ. Tôi ầm ừ lấy lệ.

Lúc đó, tôi quên hẳn là mình đang sống trong thời kháng chiến. Khung cảnh sầm uất của vùng Chợ Đại làm cho anh chàng lãng tử ở trong tôi vùng lên. Tôi đang muốn tận hưởng sự “nghỉ ngơi của chiến sĩ” giống như lúc tôi từ chiến khu Bà Rịa-Vũng Tàu trở ra sống những đêm hành lạc ở trên những con đò Hương Giang. Cũng không khác đời sống của mọi người, đời tôi xưa nay vẫn là một chuỗi những ngày lao lung vất vả đi theo những cuộc nghỉ ngơi ăn chơi. Hay ngược lại. Giống như những đoạn nhạc trong một trường ca, có lúc rồn rập, có lúc khoan thai, có đoạn vội vã, có đoạn nhàn hạ. Bây giờ, từ mạn ngược về đây, lối sống hoang chơi trong tôi được bùng nổ sau hai năm bị đè nén ở miền núi rừng Việt Bắc.

Ngọc Bích tạm biệt tôi để về thăm gia đình ở Thái Bình. Tôi gặp người chị ruột đang sống với người chồng làm việc tại ban Dân Vận của Quân Khu III. Anh tôi là Phạm Duy Nhượng cũng từ Thái Nguyên đi xuống và soạn ra những bài như Tà Áo Văn Quân, Đêm Đô Thị... Tội nghiệp anh Nhượng, làm nghề thầy giáo, lúc nào cũng phải tỏ ra là con người mô phạm, nhưng lúc nào cũng muốn sống cuộc đời lang bạt kì hồ như tôi. Rất thèm được làm một chàng phiêu lãng ôm đàn đến giữa đời... Nhờ người chị và người anh, tôi biết rằng mẹ tôi đã được người chị lớn ở Hà Nội cho người ra đón về thành. Thế là tôi yên tâm.

Mùa hè 1948. Chợ Đại-Cống Thần. Tâm hồn tôi nhẹ nhõm. Cơ thể tôi sung mãn. Và tôi buông thả đời tôi lúc đó cho được nổi trôi bềnh bồng trên khúc sông 5 cây số từ đầu chợ tới cuối chợ. Suốt mấy năm qua, chưa có lúc nào tôi vô tư như bây giờ. Tôi đang bắt được một người tình mới tên là Hiếu. Nàng thuộc vào loại đàn bà rất “tân thờí” của Hà Nội mấy năm trước đây, có một thân hình nở nang đẹp đẽ không thua gì bức tượng của Thần Vệ Nữ ở Milo, có đôi mắt lặng lờ và khiêu khích, có cái răng khểnh rất kiêu sa và có một con tim bốc lửa.

(Nàng Hiếu, người mẫu của Võ An Ninh)

Tôi sống với Nàng Hiếu trong một con thuyền nhỏ. Thuyền tình này khi thì trôi trên dòng sông Đáy, khi thì đậu ở bến chợ Đại hay bến Cống Thần. Đêm đêm tôi giả vờ là anh Trương Chi, ôm đàn guitare, ngồi hát ở mạn thuyền. Tại đây tôi soạn bài Tiếng Đàn Tôi:

Mênh mông lả ơi.

Thuyền về tới bến Mê rồi.

Khoan khoan hò ơi.

Dặt dìu trong tiếng đàn tôi.

Hương Hương, Nàng ôi.

Nàng về xõa tóc không lời.

Khoan khoan hò ơi.

Lệ sầu rụng xuống đàn tôi.

Nhưng rồi cũng như những cuộc tình tạm bợ trước đây, Nàng Hiếu và tôi sẽ tới lúc lạnh lùng rời nhau như trong bài hát.

Quân Khu III hồi này không có không khí chiến tranh như ở các Quân Khu trên Việt Bắc. Pháp chưa tung ra những chiến dịch lớn ở vùng đồng bằng như lúc sau này với Tướng De Lattre De Tassigny. Người dân sống khá thảnh thơi. Không có sự nguy hiểm tới tính mạng vì hòn tên mũi đạn giữa cảnh giao tranh giữa ta và Tây, ngoại trừ những lúc phải nhẩy xuống hố tránh máy bay oanh tạc. Đối với một kẻ rất lười biếng như tôi thì trong lúc này tôi không còn phải leo những con dốc làm cho chân tay rụng rời, mắt nổ đom đóm, tim đổ rồn và ngực bị đè nặng. Không phải sống cảnh cô đơn vắng lặng nơi núi rừng chỉ có tiếng chim kêu “bắt cô trói cột” buồn tênh hay tiếng cú rên não nùng. Được ăn uống thỏa thuê. Không bị dồn nén dục tình. Nhất là không phải họp với cấp trên, không phải học tập chính trị, nghe báo cáo tình hình trong nước, tình hình thế giới, vân vân và vân vân... Bài Tiếng Đàn Tôi được ra đời trong bối cảnh đó.

Sự cởi mở trong đời sống như vậy không phải chỉ thấy trong tôi. Nó còn được thể hiện ra ở những bản nhạc ra đời tại Quân Khu III lúc đó. Nhạc sĩ Việt Lang tung ra bài Đoàn Quân Đi. Bài này rất được phổ biến với câu hát Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm không một vì sao... Nhưng nếu phải đem ra để so sánh với những hành khúc mới soạn ra gần đây tại Việt Bắc bởi Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn hay Đỗ Nhuận thì bài Đoàn Quân Đi này nghe giống như là bước đi của một đoàn quân đang đi... vui chơi trong đêm tối.

Tại vùng Đống Năm (Thái Bình) - cũng là nơi tập trung nhiều văn nghệ sĩ - hai nhạc sĩ Tử Phác và Lương Ngọc Châu soạn bài Tiếng Hát Lênh Đênh. Tuy hai nhạc sĩ này đang sống trong kháng chiến và cũng có lúc nghe ầm vang lên tiếng chiến chinh nhưng cả hai chàng, cũng như tôi, chỉ mơ làm diều mang sáo thanh bình. Nhạc sĩ Tô Vũ (tức Hoàng Phú) thì có bài Tạ Từ và chàng cũng chỉ mong rồi đây khi mùa dứt chiến chinh sẽ nhờ gió dâng khúc đàn thanh bình cho chúng ta. Trong khi chờ đợi, chàng hẹn sẽ đến thăm em một chiều mưa... dù rằng mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều... Rất khác xa với thứ mưa dầm dề trong bài Đợi Anh Về của Văn Chung (phổ nhạc thơ Simonov và Tố Hữu).

Thứ tình cảm ướt át mang tính chất quốc cấm của thời đại này cũng còn đến với một nhà thơ Quang Dũng. Anh đang là một Đại Đội Trưởng ở trong Trung Đoàn Tây Tiến, đóng quân ở đâu đó trong vùng Hòa Bình thuộc Quân Khu II. Vừa được nghỉ phép để về thăm gia đình ở Phùng thuộc tỉnh Sơn Tây, anh tạt qua một nơi có cái tên là Kinh Đào ở gần Chợ Đại để gặp lại người tình vũ nữ tên là Nhật, hiện nay là một cô hàng cà phê ở cái chợ trời trong vùng kháng chiến này. Người tình này còn có thêm một mĩ danh là Akimi. Nàng chính là người đẹp Sơn Tây mà Quang Dũng đã tặng bài thơ có những câu:

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em đã bao ngày em nhớ thương?

Gặp Akimi đang cùng với người mẹ mở cái quán di cư ở Kinh Đào này, Quang Dũng ngồi viết ra những câu thơ tình và dán lên vách nứa:

Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền

Khuấy nước Kinh Đào, sóng nổi lên.

Ý nhị mẹ cười sau nếp áo

Non sông cùng đắm giấc mơ tiên...

(Những câu thơ này, tôi đã được Akimi Nhật đọc cho tôi nghe vào đầu năm 1989 khi tôi bất ngờ biết rằng nàng đang sống ở trên đất Mỹ).

Những bài thơ lãng mạn viết ra trong kháng chiến này có thể là lí do khiến cho Quang Dũng bị chuyển ngành từ quân đội qua văn hóa. Quang Dũng gặp tôi ở Chợ Đại và cho nghe bài thơ Tây Tiến mà anh vừa viết ra ở một nơi gọi là Phù Lưu Chanh, cách Chợ Đại khoảng 7 cây số. Mới nghe qua mấy câu mà đã thấy hay, lúc đó tôi đã có ý định phổ nhạc bài thơ này rồi.

Tôi với Quang Dũng là bạn học chung một lớp ở Trường Thăng Long. Trước đây, một nhà văn ở Saigon, trong một bài viết về Quang Dũng đã có quá nhiều óc tưởng tượng, gán cho anh là con của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Theo như chỗ tôi biết thì tên thật của thi sĩ Trần Quang Dũng là Bùi Đình Diễm, quê ở Phượng Trì, Sơn Tây. Anh có họ hàng với tướng Bùi Đình Đạm. Qua tới chương sau, viết về hai chặng đường Thanh-Nghệ-Tĩnh và Bình-Trị-Thiên, tôi sẽ kể thêm những kỉ niệm giữa tôi và chàng chiến sĩ-thi sĩ, giữa cảnh kháng chiến ngụt trời này, vẫn chỉ đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm và chỉ mong có ngày trở về miền Sông Đáy chậm nguồn để nghe sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng...

Quang Dũng cũng không phải là cán bộ quân sự hay cán bộ chính trị độc nhất làm thơ lãng mạn. Chính ủy của một Trung Đoàn trong Quân Khu III là Nguyễn Văn Giáp cũng có những câu thơ sặc mùi tiểu tư sản:

Hà Nội bây giờ có đẹp không?

Có còn những lứa mắt xanh trong?

Có còn những buổi bình minh dậy,

Cô gái bên song thẹn, má hồng?

Lẽ dĩ nhiên tình trạng buông thả trong giới văn nghệ sĩ ở Quân Khu III này chỉ thấy ở trong đám người đang sống tự do ở những thành phố nấm như Chợ Đại-Cống Thần, Đống Năm. Trong tập thể quân đội, các ủy viên quân sự, chính trị hay các văn nghệ sĩ đã trở thành văn-công chắc chắn đã có nhiều đề tài chiến đấu để viết ra những tác phẩm tích cực hơn. Tôi xin miễn nói tới những công trình vĩ đại đó. Trong tập Hồi kí này, tôi không muốn làm công việc sưu tầm nghiên cứu hay nhận xét phê bình mà chỉ muốn gợi lại những kỉ niệm đã in dấu trên từng chặng đường kháng chiến của mình.

Nhưng tôi phải nói tới một không khí sinh hoạt văn nghệ rất hào hứng ở đây khi tôi được tham dự Đại Hội Văn Nghệ Liên Khu III. Trong mấy chặng đường kháng chiến trước, hoạt động văn nghệ của tôi chỉ có tính cá nhân nằm trong sinh hoạt thu hẹp của hai đoàn văn nghệ. Tôi chưa bao giờ được sinh hoạt văn nghệ chung với mọi người như bây giờ.

Khu III là nơi tụ họp rất đông văn nghệ sĩ kháng chiến. Vào dịp Đại Hội Văn Nghệ này, phòng tranh ở trong đình của hai họa sĩ Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái có thêm tranh của Văn Cao và của những họa sĩ khác, chẳng hạn Lương Xuân Nhị, Cát Hữu (người đã tạo ra nhân vật điển hình là Vệ Tếu). Tôi chỉ còn nhớ là những tranh lập thể của Tạ Tỵ với đề tài Lìa Phố và Nhạc Máu có vẻ dữ dội hơn những tranh ấn tượng của Bùi Xuân Phái với cảnh vài ba ngôi nhà cũ kĩ trong một ngõ hẻm cong queo của Hà Nội. Cũng rất hay. Vì họa sĩ này thì nói lên tinh thần dân tộc muôn đời, họa sĩ kia nói lên tinh thần dân tộc của chiến đấu hôm nay và dự phóng cả ước vọng của ngày mai nữa. Văn Cao thì vẫn là người tài hoa trong cả ba lĩnh vực thơ-hoạ-nhạc. Tranh kháng chiến của Văn Cao là anh bộ đội đánh Cây Đàn Đỏ.

Ngoài những nhà thơ đã kể ở trên kia như Huyền Kiêu, Đinh Hùng, bây giờ tôi gặp Hoàng Công Khanh. Và được nghe thơ kháng chiến của Mai Luân:

Nón nghiêng che nắng em cười

Nắm tay trao chút bùi ngùi anh đi

Chiều về gió múa hàng mi

Cổ vuông chiếc áo mềm khi giã từ.

Tất cả hình ảnh kháng chiến chỉ thu vào hai chữ cổ vuông có lẽ là cổ áo trấn thủ. Rồi tới thơ Yên Thao. Thơ nhớ nhà, nhớ gia đình nhiều hơn là thơ chiến đấu. Thơ nói với người bạn chiến sĩ, có phải bắn súng thần công thì bắn vào địch chứ đừng bắn vào nhà mình:

Anh rót vào cho khéo nhé

Kẻo lại nhầm nhà tôi.

Nhà tôi ở cuối thôn Đoài

Có giàn hoa lí, có người tôi thương...

Vui nhất là những đêm trình diễn cải lương và kịch nói. Nghệ sĩ Cải Lương hạng nhất của miền Bắc là Sĩ Tiến và vợ là Khánh Hợi diễn nhiều màn như Lã Bố Hí Điêu Thuyền, Tam Khí Chu Du... Nhưng màn Chu Du hộc máu là màn được khán giả nông thôn khen nức nở. Vì tôi đã đi theo gánh hát Cải Lương cho nên tôi biết cách làm thế nào để có thể phun máu ra được. Thực ra, máu chỉ là phẩm đỏ pha với lòng trứng rồi đánh lên... Nghệ sĩ phải nhịn cơm và uống chất lỏng đó nhiều giờ trước khi ra trình diễn. Và tới lúc vai Chu Du cần tỏ ra tức khí đến tột độ thì diễn viên... oẹ ra.

Vở kịch nói Bão Loạn thì do các kịch sĩ của tổ chức Bình Dân Học Vụ phụ trách. Ngọc Đĩnh, chủ tiệm may, là đạo diễn của vở kịch với Tạ Tỵ lo việc vẽ phông cảnh. Một ban nhạc khá đồ sộ trong đó có Nguyễn Văn Hiếu vua piano và Đỗ Thế Phiệt vua violon với sự cộng tác của Nguyễn Hiền, Nguyễn Văn Huấn, Tạ Phước... làm cho những buổi trình diễn ở đây càng thêm náo nhiệt. Tử Phác vừa soạn ra những bài như Tiếng Hát Quay Tơ, Tiếng Hát Lênh Đênh cũng có mặt ở Đại Hội Văn Nghệ Liên Khu III này.

Lương Ngọc Châu, Tử Phác

Nghĩa nhơn mỏng nhánh

Như cánh chuồn chuồn...

CA DAO

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3