Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 2 - Chương 27

Chương Hai Mươi Bẩy

Thái Hằng, Cô Nghĩa, Phạm Đình Viêm, Phạm Văn Chừng

trong Đội Văn Nghệ Trung Đoàn 9, Liên Khu IV

Vào đầu năm 1949, sau khi tất cả mấy anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Băng Thanh (tức Thái Thanh) đã gia nhập các ban văn nghệ quân đội của Liên Khu IV rồi thì hai ông bà Thăng Long cũng rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hóa để được sống gần gũi các con. Hai ông bà tới một nơi gọi là Chợ Neo, cách làng Ngò khoảng vài cây số, thuê lại căn nhà lá của một nông dân tên là Cò Mại và mở một quán phở vẫn lấy tên là Quán Thăng Long.

Chợ Neo là một chợ quê rất bé, trước kia chỉ có lèo tèo vài gian nhà trống dùng làm nơi họp chợ của dân địa phương, bây giờ thì có thêm khoảng trên hai chục cửa hàng là những túp nhà lá do dân di cư dựng lên. Quán Thăng Long nằm ở ngay trước mặt một ngôi chùa nhỏ, chung quanh chùa có đào nhiều hố tránh máy bay. Chính ông chủ quán Thăng Long, tuy đã trên 60 tuổi rồi, nhưng vẫn cởi trần, sắn quần, tự tay đào hố và tôi đã có lần nhẩy vào một trong những cái hố đó khi tàu bay Pháp tới đây bắn phá lăng nhăng. Đoàn Châu Mậu cũng có mặt ở chợ tản cư này, hai vợ chồng vừa mở một quán nước ở ngay trước mặt con sông máng, vừa có thêm một cái quầy bán quần áo cũ ở trong chợ. Minh tinh chiếu bóng tương lai của nền Điện Ảnh Việt Nam lúc đó còn mang bí danh là Lê Quán, vừa mới thôi làm việc với một tổ chức thuộc Bộ Nội Vụ và tới tạm cư tại Chợ Neo.

Cũng như một số các bậc cha mẹ khác, khi phải tản cư ra vùng kháng chiến thì các con đi tới đâu là ông bà Thăng Long có cái may mắn là được đi theo tới đó. Cái quán phở mở ra ở Chợ Neo này không phải là một sinh kế quan trọng của gia đình tản cư này. Trong khi tại Hậu Hiền, một gia đình nghệ sĩ khác - có người con chơi violon là Đỗ Thiệu Liệt - cũng mở một quán phở lấy tên là Phở Tàu Bay và vì biết cách làm quảng cáo cho nên rất đông khách. Họ viết trên vách tường ở bên ngoài quán phở mấy câu thơ mà người ở xa nửa cây số cũng đọc được:

Những ai qua phố Hậu Hiền

Hễ có đồng tiền đến Phở Tàu Bay

Giá tuy đắt đắng đắt cay

Ngon chẳng đâu tày, nức tiếng gần xa.

Quả rằng quán này nức tiếng là ngon và đắt cho nên tới bây giờ - 1989 - Mai Thảo vẫn còn nhớ mấy câu thơ mà Trần Lê Văn đã soạn ra khi nhà văn nghệ này kéo được Vũ Đình Liên - là tác giả bài thơ về ông đồ - tới ăn phở:

Cứ thẳng Nông Giang tới Hậu Hiền

May mà gặp được Vũ Đình Liên

Ta rủ vào ngay trong quán phở

Và nhẩy dù luôn mấy bát liền.

Quán Thăng Long chỉ có đầu bếp rất ư là tài tử cho nên không nghĩ tới chuyện quảng cáo. Tôi được biết là ít khi quán phở này có lãi, ông bà Thăng Long sống được là nhờ ở số tiền bán nhà ở Bạch Mai và đem theo ra vùng quê, số tiền này bây giờ cũng đã vơi đi nhiều rồi. Quán mở ra để phục vụ cho cái dạ dày của mọi người trong nhà và là một thứ hậu cần để cung cấp cho các con những thực phẩm bổ béo hơn loại cơm tập thể ở trong cơ quan. Mấy người con gia nhập đoàn văn nghệ quân đội ở đây thường hay từ Trung Đoàn Bộ trở về nhà - tức là về quán Thăng Long - để ăn uống thêm. Khi trở lại cơ quan để làm việc thì mang đồ ăn về cơ quan. Đó là ruốc thịt lợn đựng trong một cái ống tre lớn như cái ống tre đựng tiền bỏ ống của đại đa số trẻ em Việt Nam thời xưa.

Câu nói ăn cơm nhà vác ngà voi có thể áp dụng vào trường hợp của đại đa số dân thành thị đi theo kháng chiến. Ai mang theo được chút tiền bạc thì khi tiêu hết tiền là bán dần đồ đạc để mà trường kì kháng chiến. Khi không còn gì để bán nữa là kéo nhau về thành phố. Phong trào dinh tê xẩy ra vào khoảng 1950 một phần lớn cũng là do tại người dân tản cư đã kiệt quệ về kinh tế.

Vì cùng là đội viên của đoàn văn nghệ quân đội và vì không có ai là người quyến thuộc cho nên vào những ngày nghỉ, tôi thường hay theo Phạm Đình Viêm và Thái Hằng về chơi quán Thăng Long. Đã quen biết hai ông bà từ ngày ở Chợ Đại cho nên tôi được ưu đãi. Tôi được ăn uống, nghỉ ngơi và ngủ luôn tại quán, giường ngủ là hai cái bàn trong quán ăn kê sát lại nhau. Cùng với Viêm, Chương, Thái Hằng, Băng Thanh, chúng tôi ngồi đàn hát với nhau suốt ngày hoặc cùng với đội viên của đoàn văn nghệ đóng quân ở gần đây, kéo nhau ra sông máng để tắm táp, bơi lội. Khi nhìn thấy mấy cô trong đoàn mặc maillot de bain nhẩy plongeon xuống nông giang thì bộ đội đi hành quân trên bờ đê đã... điên lên. Lúc này quán ăn không đông khách như hồi còn ở Chợ Đại bởi vì Chợ Neo không nằm trên con đường đi lại giữa các Chiến Khu. Quán Thăng Long chỉ có khách là những nhân viên của một số ít cơ quan chính quyền đóng tại Làng Ngò. Thản hoặc mới có những lữ khách từ phương xa ghé lại. Tại đây, trong cái quán vắng khách này, tôi ngồi trên một cái chõng tre, nhìn ra cánh đồng xanh rực nắng hay nằm dưới ánh đèn dầu để soạn lời ca tiếng Việt cho những bài Sérénade Schubert, Plaisir d”amour, Célèbre Valse de Brahms, Back To Sorriento, Les Millions d”Arlequin... tặng hai chị em Thái Hằng, Băng Thanh.

Kể từ ngày có lệnh toàn quốc kháng chiến và tôi phải rời Hà Nội ra đi, sau khi đặt chân trên nhiều nẻo đường của đất nước, tới đâu thì cũng ăn nhờ ở đậu tại nhà đồng bào như một người khách lạ hoặc phải sống chung ở trong cơ quan với cán bộ... mãi cho tới bây giờ, tôi mới được sống lại không khí gia đình êm ấm.

Khung cảnh gia đình không phải mới vắng bóng từ ngày tôi đi theo cuộc kháng chiến toàn quốc. Nó mất đi từ hơn mười năm trước, lúc tôi mới 17 tuổi, khi người anh cả từ Pháp trở về, không khí trong nhà trở nên ngột ngạt, dù thương yêu mẹ một vạn ngàn lần, tôi vẫn đành phải bỏ mái ấm gia đình ra đi. Tôi cứ luôn luôn bị ám ảnh bởi sự thiếu thốn tình yêu đó cho nên hai mươi năm sau, tôi vẫn nói tới sự thèm khát tuổi thơ êm ả trong gia đình ấm cúng qua một bài hát nhan đề Kỉ Niệm:

Cho tôi lại ngày nào

Trăng lên bằng ngọn cau

Me tôi ngồi khâu áo

Bên ngọn đèn dầu hao

Cha tôi ngồi xem báo

Phố xá vắng hiu hiu

Trong đêm mùa khô ráo

Tôi nghe tiếng còi Tàu...

Sau khi bỏ nhà ra đi tôi cũng có một hạnh phúc ngắn ngủi khi, vào năm 1940, tôi được vợ chồng ông bà Tuần Phủ Lê Đình Trân ở Hưng Yên (rồi đổi về làm Tuần Phủ Kiến An) nhận làm con nuôi. Tôi được sống một số tháng ngày thân ái cùng với gia đình này trong một dinh thự lớn, với lối sống lẽ dĩ nhiên có phần hơi gò bó. Nhưng tôi không được ở lâu với bố mẹ nuôi để hưởng cái thú gia đình vì tôi được phái ngay lên vùng Yến Thế, Bắc Giang để trông coi một cái đồn điền nhỏ. Kỉ niệm in dấu vết sâu nhất trong thời gian tôi ở với ông bà Tuần Phủ là có một đêm trước khi đi ngủ, người mẹ nuôi, đường đường là vợ một ông quan, nhưng bà cúi xuống đất trước giường tôi nằm, xếp lại đôi guốc của tôi cho thật ngay ngắn, khiến cho từ đó trở đi, tuy sẽ trở nên một nghệ sĩ rất phóng túng trong tâm hồn, tôi là một con người ít bừa bãi nhất trong lối sống hằng ngày.

Còn tại cái quán tản cư lụp xụp ở một vùng quê vắng lặng này, sau những năm tháng lông bông, bây giờ sống chung với gia đình Thăng Long, tôi không còn là một người khách lạ nữa. Tôi bắt gặp lại không khí gia đình. Hơn nữa, tôi còn thấy khung cảnh gia đình này bình dị và ấm áp khác thường. Sự khác thường này có lí do là cả nước đang ở trong hoàn cảnh chiến tranh, đại đa số gia đình bị phân tán, nhà nào có phúc thì mới có cảnh cha mẹ con cái ở chung với nhau. Tôi nhìn thấy sự thương yêu con cái của hai ông bà Thăng Long, vào lúc khác hay ở nơi khác, chưa chắc tôi đã nhìn ra. Hai bậc cha mẹ này, như đã nói, đi theo kháng chiến chỉ có một mục đích là được ở gần các con. Cũng may mà tình hình yên tĩnh ở Thanh Hóa lúc đó cho phép những người con được luôn luôn trở về nhà sống với cha mẹ. Và may mắn cho tôi là được theo về sống tại Quán Thăng Long. Tôi cũng được coi như con cái trong nhà. Và khi quá quen thuộc với gia đình rồi, tôi bắt đầu để ý đến người con gái lớn là Phạm Thị Thái tức Thái Hằng.

Thái Hằng, Thanh Hóa 1948

Khi còn ở Chợ Đại, tôi cũng thoáng biết tới cô con gái lớn của Quán Thăng Long, được nghe cô đánh đàn guitare hawaiwenne và hát chung với mấy người anh, nhưng lúc đó tôi không năng tới quán ăn này để tán tỉnh nàng - như thường lệ mỗi khi gặp bất cứ người đẹp nào - bởi vì tôi còn đang quá bận bịu với những chuyện vui chơi của tôi. Vả lại lúc bấy giờ cũng có khá nhiều cây si được trồng tại quán Thăng Long. Các chàng si này, nếu phải mài kiếm dưới trăng để so kiếm, lại toàn là những tình địch trong nghề như Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Bùi Xuân Phái, Ngọc Bích... Vào tới Khu IV, tuy cùng hoạt động chung với nhau trong đoàn văn nghệ, nhưng tôi và Thái Hằng chỉ là hai người bạn đồng đội và sống riêng biệt. Còn trong những ngày sống tại Quán Thăng Long này, hai chúng tôi cùng sống dưới một mái nhà, cùng vui đùa ca hát và có rất nhiều thì giờ để hiểu biết nhau. Chẳng hạn Thái Hằng thấy tôi không phải là người nghiện thuốc phiện - cái tội nặng nhất - như ông anh họ là Phạm Văn Chừng đã nói. Thấy tôi quả là một anh chàng mê gái - cái tội nhẹ nhất - như người ta đồn. Thấy tôi đàn địch, hát hỏng, viết lách cũng kha khá, tối thiểu thì cũng là khá nhất trong cái thế giới nhỏ hẹp là Khu IV này. Nhất là thấy tôi vui tính, nghịch ngợm trái hẳn với sự âm thầm, ít nói của nàng.

Về phần tôi thì bây giờ tôi không nhìn người con gái này như một bông hoa dọc đường mà tôi thường giơ tay hái. Từ lúc vào đời và biết yêu cho tới nay, tôi chỉ gặp những mối tình mang nhiều tính chất sông nước và nhẹ như mây bay gió thoảng. Đó cũng còn tại vì bẩm sinh tôi là một con người không thích bị ràng buộc. Nhưng vào lúc này, trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ mọi thứ - tâm lí gia đình, sinh lí cá nhân... - sau gần ba năm cống hiến tất cả sức lực của mình cho kháng chiến, nhiều khi tôi cũng cảm thấy mệt mỏi và cô đơn. Tôi thấy như tôi đang đi trên một con đường có nhiều hứng khởi nhưng cũng không thiếu những lúc trùng xuống thì bỗng nhiên rơi vào một tổ ấm gia đình trong đó có một người con gái không dửng dưng hay vô tình trước những cảm tình hãy còn kín đáo của mình. Rồi tôi còn tự thấy mình cũng đã xấp xỉ ba mươi tuổi đời - các cụ thường nói: tam thập nhi lập - trong tôi đã nảy sinh ra ý nghĩ lấy vợ, và tôi nhìn thấy ngay một người vợ lí tưởng qua người con gái này.

Mới đầu tôi chỉ thấy Thái Hằng là người hiền lành, xinh xắn, dễ thương nhưng ít vui và rất hà tiện trong sự biểu lộ tình cảm. Nay được ở gần nàng luôn luôn và vì tôi là người lém lỉnh cho nên nàng không thể im hơi lặng tiếng được nữa. Thế là chuyện này chuyện nọ được trao đi đổi lại như giữa bất cứ một đôi trai gái nào. Rồi sau khi những chuyện thông thường đã mòn, chúng tôi nói tới chuyện riêng. Tôi hiểu được vì sao nàng luôn luôn là một vẻ buồn. Vẻ buồn đã từng quyến rũ nhiều người, nhất là những người bạn văn nghệ của tôi ở Khu III trước đây và những người ở trong Khu IV bây giờ như Đoàn Phú Tứ, Bửu Tiến, Bửu Kỉnh. Nhưng nếu họ không có cơ hội để tìm hiểu nguyên do của vẻ buồn đó thì bây giờ tôi được nàng kể cho nghe một câu chuyện rất thiêng liêng của đời nàng. Cũng vì tôi là một nghệ sĩ rất nhạy cảm cho nên khi biết được chuyện riêng của nàng, tôi càng muốn trở thành người bạn suốt đời của nàng để kéo nàng ra khỏi nỗi buồn dĩ vãng, cùng đi với tôi vào tương lai. Oái oăm nhất là trong khi tôi đang cô đơn mệt mỏi và đang cần những bàn tay vỗ về an ủi thì bây giờ tôi lại phải có tới hai thứ nghị lực, một cho tên héros fatigué là tôi và một cho người con gái đang chìm sâu vào một dĩ vãng oan nghiệt...

... Vào năm 1945, Thái Hằng đã đính hôn với một sinh viên trường Luật tên là Trần Văn Nhung (bạn đồng học của Trần Thanh Hiệp). Anh Nhung này là bạn thân thiết của Nguyễn Thiện Giám, anh họ của Thái Hằng. Anh Giám là con trai độc nhất của bà bác ruột, một góa phụ, và là người làm mối Trần Văn Nhung cho Thái Hằng. Trong gia đình Nhung có mấy người anh đi theo Việt Nam Quốc Dân Đảng, còn Nhung thì vào đầu thập niên 40, cũng như rất nhiều thanh niên khác, anh tin rằng Nhật Bản thực sự muốn giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi ách thực dân Pháp.

Năm 1940, sau khi Pháp bị bại trận ở Âu Châu thì ở Đông Dương, Nhật Bản gây áp lực buộc Pháp đóng cửa biên giới Hoa-Việt, chấm dứt việc tiếp tế vũ khí, nhiên liệu cho Tưởng Giới Thạch và để cho Nhật đóng quân ở Bắc Việt. Pháp còn đang do dự thì Quân Đội Nhật từ miền Quảng Tây tiến chiếm Lạng Sơn. Mặt khác Nhật đổ bộ ở Đồ Sơn, ném bom Hải Phòng.

Trong toán quân tới chiếm đóng Lạng Sơn, có một đoàn Phục Quốc Quân Việt Nam do Trần Trung Lập cầm đầu. Ai cũng nghĩ rằng Nhật sẽ giúp Việt Nam có độc lập tự do. Nhưng khi Pháp đồng ý thực hiện những điều kiện mà Nhật đã đưa ra thì quân Nhật ở Lạng Sơn rút đi, Pháp đem quân lên Lạng Sơn tiêu diệt nhóm Phục Quốc Quân Việt Nam đó.

Trần Văn Nhung không nhìn thấy - hoặc không biết tới - bài học Trần Trung Lập và vẫn tin là Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam. Cảm tình của anh đối với Nhật Bản còn khiến cho anh được tặng một học bổng để đi du học nhưng anh chưa kịp đi thì xẩy ra vụ đảo chính ngày mùng 9 tháng 3, 1945. Trước giờ đảo chính không lâu, một sĩ quan Nhật tới một buổi họp của sinh viên Hà Nội do họ triệu tập cấp bách để hỏi xem có ai là người xung phong cùng đi với lính Nhật vào hạ thành Hà Nội? Những người này sẽ được dành cho danh dự đặc biệt là tự tay giật lá cờ tam tài của Pháp xuống. Mọi người còn đang im lặng vì do dự thì Trần Văn Nhung và một sinh viên đã đứng lên nhận lời mời của Quân Đội Nhật. Hai sinh viên này đi tiên phong trong đám lính Nhật và bị bắn chết ngay trên bờ tường thành Cửa Bắc trong phút đầu tiên của vụ đảo chính. Sau đó một hai ngày, Nguyễn Thiện Giám cũng bị thảm sát trong một trường hợp khác. Cái chết của Giám đã làm cho mẹ anh phát điên. Ngày 11 tháng 3 năm 45, một buổi lễ truy điệu những người đã hi sinh cho nền thịnh vượng chung của Đại Đông Á được tổ chức rất long trọng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Thái Hằng đầu chít khăn trắng tới dự lễ truy điệu này. Mẹ nàng cũng tới, thay mặt cho bà bác đã phát điên.

Cái chết của vị hôn phu và của người anh họ đã ảnh hưởng rất lớn vào Thái Hằng. Ngoài tình yêu đối với người tình, nàng thường nhìn hai người này như mẫu người lí tưởng của thời đại. Thế mà chỉ trong có mấy ngày, nàng đã đi từ mất mát này tới mất mát nọ. Từ ngày đó trở đi, Thái Hằng đã xây chung quanh nàng một bức tường kiên cố là sự buồn rầu, chối bỏ mọi sự vui sống trên đời, đắm đuối trong nỗi niềm riêng. Trong suốt một năm còn ở trong thành phố, kể từ ngày Nhung được chôn cất, Hằng tuần nàng mang hoa tới đặt trên mộ và ngồi khóc.

Đi theo gia đình ra vùng kháng chiến, nàng vẫn mang theo tấm ảnh và tập nhật kí của người đã chết, trong đó Nhung có những câu nói vừa gở vừa thiêng như: nếu anh chết thì em phải lấy chồng và cố tìm ra một người nào như anh nhé. Khi ra sống ở Chợ Đại và Chợ Neo, trong hai năm liền, Thái Hằng vẫn chưa nguôi được nỗi buồn. Suốt ba năm dài, coi như nhất định để tang người tình, nàng đóng chặt hai cánh cửa trái tim và tâm hồn, sống với một nỗi buồn không che giấu. Tất cả mọi người trong gia đình đều thương xót nàng rồi còn cho rằng nàng bị ma ám cho nên, một hôm, cha mẹ nàng đã tìm cách đốt tấm ảnh và tập nhật kí của Nhung đi.

Sau này, nàng sẽ cho tôi biết là trong ba năm ấy, đã có nhiều chàng trai đến với nàng nhưng nàng không thấy ai như Trần Văn Nhung cả. Những chàng trai đó - mà tôi cũng quen biết - đối với tôi, đều là những người đáng yêu, đáng kính nhưng tôi ngờ rằng họ không biết tới chuyện riêng của nàng hoặc nếu có biết đến thì chắc rằng cũng chỉ biết vậy mà thôi.

Tôi thì khác, tôi đóng luôn vai trò của một bác sĩ phân tâm học. Hằng ngày tôi gợi chuyện cũ cho nàng nói. Nói cho thật nhiều, nói cho vơi đi và chắc chắn sẽ có thể nói cho hết đi. Và tôi cũng thật lòng xưng tụng thái độ anh hùng của Trần Văn Nhung, sự chung tình của Thái Hằng khi vẫn thờ hình ảnh của vị hôn phu trong lòng. Khi nàng cho biết Trần Văn Nhung sinh ngày mùng 10 tháng 5 năm 1921 thì tôi bảo tôi cũng sinh năm 1921 và vào ngày mùng 5 tháng 10, gần giống y chang đó nhé. Khi nàng nói Trần Văn Nhung cận thị, người dong dỏng cao và có mang một biệt hiệu là Chung Tử Kỳ thì tôi bảo tôi đây cũng là Bá Nha, cũng đeo kính nhìn gần và dáng người của tôi thì có lùn gì đâu? Nàng đã có lúc buột miệng nói rằng: trông tôi cũng hao hao giống Trần Văn Nhung, thế là khá rồi đấy. Để cho có thêm nhiều sự trùng hợp, tôi cho nàng biết tôi cũng có liên hệ với vụ Nhật đảo chính. Chuyện tôi may cờ Nhật rồi bị Tây bắt ở Cà Mau. Cũng trong một ngày, ở hai nơi xa lắc, hai người cùng tuổi, vóc dáng hơi giống nhau, cùng bị lùa vào tấn bi hùng kịch hay bi hài kịch chính trị. Cả hai đều được đẩy đưa một cách êm ru vào một người con gái. Là phép lạ hay là số mệnh đây? Cuối cùng, để cho nàng có cảm tưởng tôi là người có thể thay thế được Trần Văn Nhung, tôi cũng là một chàng trai cũng có nhiều can đảm lắm: tôi sẽ xung phong đi vào Bình-Trị-Thiên trong sáu tháng, khi trở về mới làm lễ cưới. Ngoài ra, tôi cũng phác họa cho Thái Hằng - qua những truyện kể, qua những bản nhạc - thấy được sự lớn lao của cuộc chiến đấu hiện đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, hằng phút... tại khắp mọi nơi trong nước, với vinh quang ngụt trời và đau khổ vô biên để cho nàng thấy rằng nỗi niềm của một cá nhân rất là bé bỏng trước sự vĩ đại của cuộc sống trước mặt.

Đến với Thái Hằng, tôi còn có một ưu điểm mà người khác có thể không có, đó là cái tài mọn của tôi trong âm nhạc. Tài nghệ nhỏ nhoi này cũng đã được nhiều người công nhận, từ Tướng Tư Lệnh Nguyễn Sơn rất giỏi về văn nghệ, qua những nhà văn hóa lão thành như Đặng Thai Mai, Nguyễn Đức Quỳnh... tới đông đảo quần chúng là bộ đội hay dân quê nhưng nó chỉ xuyên qua loại nhạc hùng có ích lợi cho kháng chiến mà thôi. Tôi gọi đó là cái tài hùng (!) Riêng đối với Thái Hằng, bây giờ tôi trổ luôn cái tài hèn ra là việc soạn nhạc tình và soạn lời Việt cho nhạc cổ điển.

Thái Hằng có một giọng hát rất dịu dàng, hiền hòa, hợp với tính tình của nàng. Tôi đệm đàn cho Thái Hằng hát những bài hát tiền chiến trong đó có một bài hát của Lương Ngọc Châu nhan đề Ải Mai Pha rút ra từ một vở tiểu-ca-kịch nào đó của nhạc sĩ này. Đây là lời than khóc của một thiếu nữ trước cái chết của vị hôn phu mang tên là Đoàn Thăng. Bài hát phản ánh rất trung thực tâm hồn của Thái Hằng lúc đó:

Từng đoàn quân kéo lên chốn biên thùy

Chàng Đoàn yêu dấu nay đã qua đời.

Buồng hồng tang vắng

Lệ nồng khăn trắng, oán hoài.

Dù chàng đã thác em vẫn một lòng

Bền lòng trinh tiết cho xứng danh chàng...

Sau khi đẩy đưa cho nàng trút hết tâm sự ra qua bài hát ở nơi buồng hồng tang vắng và có lệ nồng khăn trắng này, tôi soạn Đêm Xuân cho Thái Hằng, để thay mặt cho đàn chim, báo tin cho nàng biết rằng: Xuân đã về trong giấc mộng... Em cứ việc yêu câu hát buồn đang lả lướt trong màn trăng... nhưng xin em hãy yêu luôn cả trời thanh vắng đã đón đưa em tới chàng...

Hồn em chùm đêm tối

Tình em còn chơi vơi

Lòng em yêu rồi xin đừng nhạt phai.

Đừng nhạt phai...

Trong những bài hát của tôi soạn ra từ trước tới nay, đây là lần thứ sáu tôi nói tới cây đàn. Khi trước là cây đàn bỏ quên côi cút, là tiếng đàn tôi, tiếng đàn chết chóc trên đường dương thế xa vời, là tiếng đàn trầm vô tư bên chiếc cầu biên giới, là cung đàn thờ ơ của tình kĩ nữ hay là cung đàn Nam Thương, Nam Ai thở than của khối tình Trương Chi. Bây giờ là tiếng đàn báo tin Xuân đã về và hạnh phúc đã tới. Tiếng đàn đêm ấy sẽ ru trái tim này:

Chưa quen nhau lúc đầu

Em nghe theo tiếng sầu

Ôi khúc ca nuôi mối tình muôn sắc mầu.

Em phôi pha tháng ngày

Vì lúc trăng về đây có đàn đêm ấy

Đã ru trái tim này.

Hồn em tìm nương náu

Tình em chờ thương đau

Lòng em chưa tàn, xin đừng phụ nhau.

Đừng phụ nhau...

Trong kháng chiến - như tôi đã có dịp nói tới vấn đề này - cho tới lúc này, chúng tôi rảnh rỗi vô cùng. Không bao giờ chúng tôi phải làm nô lệ cho cái đồng hồ cả. Cuộc chiến cũng chẳng bao giờ trói tay chúng tôi vào nhiệm vụ. Chúng tôi rất có tự do. Những ngày được về nghỉ ngơi tại Quán Thăng Long, vì nhu cầu của hai chị em tên là Thái và tên là Thanh, tôi soạn ra khá nhiều những lời ca tiếng Việt cho nhạc cổ điển Tây Phương. Lời lẽ trong những bài này cũng phản ánh ít nhiều mối tình của tôi đối với Thái Hằng. Trong bài Dạ Khúc - Schubert, có những lời ca rất an ủi:

Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời

Cho người thôi khóc thương ai

Cho niềm yêu đến bên tôi.

Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu

Ru người qua chốn thương đau

Cho làn nước mắt chìm sâu.

Vì đang tự tay mình xây đắp cho mình một tổ ấm cho nên tôi cũng có những lời ca rất nồng nàn trong bài Les Millions D”Arlequin mà tôi đặt cho cái tên Việt là Hắt Hiu:

Gió không buồn, hôn lá trên con đường xưa

Nước không còn soi bóng đôi hoa thờ ơ

Ta lặng nghe cánh chim đang về nơi tổ êm đềm

Mặc cho chìm xuống bóng đêm.

Sau gần sáu tháng đi chung với nhau trong đoàn văn nghệ cũng như ở chung với nhau tại Quán Thăng Long và sau khi đã ôm được nàng vào lòng rồi, tôi chính thức hỏi Thái Hằng làm vợ. Chuyện tình của tôi và Thái Hằng cũng như chuyện tôi hỏi vợ được nhiều người ở chung quanh biết tới. Đặc biệt có hai người nhiệt liệt tán thành cuộc hôn phối của chúng tôi là Nguyễn Sơn và Nguyễn Đức Quỳnh. Khi tôi còn đang gặp một chút lưỡng lự nơi hai ông bà Thăng Long thì hai cán bộ chính trị và văn nghệ này nói vào cho tôi. Hơn thế nữa, Phạm Đình Viêm (Hoài Trung) là người anh lớn trong gia đình cũng vận động dùm tôi và cuối cùng ông bà Thăng Long ưng thuận.

Trong đời tình ái của tôi, đây là lúc tôi không còn là con bướm nhởn nhơ trước những nụ hoa dọc đường và vui thú với những cuộc tình dễ dãi nữa. Bây giờ, tôi phải vận dụng tất cả khả năng thuyết phục của lí trí, khả năng rung động của con tim, khả năng hấp dẫn của cây đàn và khả năng lôi cuốn của tình trai... để đẩy được một vị thần hay một bóng ma ra khỏi đời một người con gái, rồi lấy nàng làm vợ.

Bắt buộc là phải có một cái lễ ăn hỏi chứ. Kẻ lãng tử xưa nay bất cần đời nay đầu hàng lễ nghi gia đình và xã hội rồi. Sau khi chọn được một ngày tốt lành, bà Thăng Long ra chợ ở ngay trước mặt Quán Thăng Long mua một nải chuối, một buồng cau, một gói trà... Ngày lễ hỏi, bên nhà trai không có ai ngoài tôi ra, đành phải nhờ người em của điêu khắc gia Lê Thị Kim là Bạch Bích tới bưng hộ khay trầu. Hôm đó, từ trong Quán Thăng Long đi ra tôi còn là một kẻ độc thân rồi tức khắc từ ngoài cửa đi vào, sau khi ra đứng lễ ông bà ông vải xong, từ nay trở đi tôi trở thành người chồng chưa cưới của Phạm Thị Thái Hằng. Một cái lễ hỏi nhẹ tênh, so với sự nặng nhọc và kiên trì của sáu tháng khổ công vận động của tôi.

Và phải đợi sáu tháng sau, khi tôi từ Bình-Trị-Thiên trở về, lễ cưới của đôi vợ chồng quê này mới được cử hành dưới sự chủ hôn của Tướng Nguyễn Sơn.

Ra biên khu

Hôm nay bao linh hồn

Dâng lên trong chiều hậu phương...

VĂN NGHỆ SĨ RA TIỀN TUYẾN

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3