Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 2 - Chương 32 - Phần 1

Chương Ba Mươi Hai

Chợ Neo, tổ ấm trong kháng chiến...

Tại Chợ Neo, đời sống của đôi vợ chồng son này cứ êm đềm trôi như trong một giấc mơ dù thỉnh thoảng nghe thấy tiếng phi cơ ở xa xa thì chúng tôi nhào ra khỏi cơn mộng đẹp, nhẩy lẹ xuống hố tránh máy bay được ông bố vợ đào sẵn ở sân chùa trước quán.

Bỗng có một hôm, một cán bộ từ trong Tư Lệnh Bộ tới tìm tôi ở Quán Thăng Long. Anh ta đưa cho tôi một Sự Vụ Lệnh của Trung Ương gửi cho Bộ Tư Lệnh Quân Khu IV để gọi tôi lên Việt Bắc. Tôi vội vàng đi gặp tướng Nguyễn Sơn, Đặng Thai Mai và Nguyễn Đức Quỳnh thì biết rằng đây là một đãi ngộ lớn của Trung Ương đối với một văn nghệ sĩ đã có thành tích công tác. Vừa mới lấy vợ có bốn tháng nên tôi tỏ vẻ ngần ngại, cả ba người này đều khuyên tôi nên đi và nên dắt cả Thái Hằng đi nữa. Tôi trở về nhà, bàn bạc với vợ và gia đình vợ. Cuối cùng, với sự đồng ý của mọi người, tôi quyết định ra đi. Và đem vợ đi theo luôn. Tôi cũng cho vợ tôi biết trước những sự vất vả trên đường nhưng vì yêu chồng và không muốn xa chồng cho nên:

- Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin theo...

Ngày chúng tôi vác ba lô ra đi, ông bố vợ tiễn chân một quãng đường rất xa và khi chia tay nhau thì ông khóc. Con đường từ Chợ Neo lên Thái Nguyên, Bắc Kạn, chúng tôi sẽ phải đi trong một tháng, mỗi ngày trung bình phải vượt từ 30 tới 40 cây số đường rừng, đường núi. Chúng tôi không dám đi trong vùng đồng bằng nhưng cũng có những đoạn đường đã có Quân Pháp chiếm đóng mà chúng tôi bắt buộc phải đi qua như Đường số 6 ở gần Hòa Bình, Đường số 2 ở khu vực Vĩnh Yên, Đường số 1 ở mé dưới Thái Nguyên... Nhưng đi tới đâu cũng có liên lạc viên dẫn đi và toàn đi vào nửa đêm về sáng cho nên chẳng bao giờ chúng tôi gặp địch cả.

Mới đi chưa được một tuần lễ, Thái Hằng bỗng thấy khó chịu trong người. Nhân ghé lại một địa điểm có Quân Y Viện, tôi đưa vợ tới cho bác sĩ khám bệnh. Thì chúng tôi bật ngửa người ra: Thái Hằng có mang. Làm sao bây giờ? Quay về Thanh Hóa hay là cứ đi? Nếu có quay gót về Chợ Neo lúc này thì cũng chẳng phạm vào một kỉ luật nào cả. Cũng chẳng có ai nào trách móc chúng tôi gì đâu, tôi nghĩ thế. Nhưng không hiểu tại sao lúc đó chúng tôi lại chọn giải pháp: cứ đi. Chúng tôi tôn thờ anh hùng chủ nghĩa à? Chúng tôi yêu nước vô cùng ư? Chúng tôi tôn trọng Sự Vụ Lệnh của Trung Ương đến thế cơ à? Có thể là như vậy. Nhưng cũng có thể là trong suốt mấy năm trời, chúng tôi sống như những cái máy, chúng tôi đã bị điều kiện hóa bởi không khí hào hùng và nhiệt huyết ở chung quanh. Thấy ai cũng có những đóng góp và hi sinh cho kháng chiến thì mình cũng phải làm như mọi người. Thấy cả nước lên đường ra đi, làm sao mình có thể quay gót trở về được? Chua xót thay, ngày trở về cũng sẽ tới, sẽ phải tới...

... Chuyện trở về là chuyện tương lai. Bây giờ thì hai vợ chồng tôi hãy cứ kéo nhau đi, trực chỉ miền Bắc. Tôi đã quen với chuyện trèo đèo lội suối rồi cho nên tôi rất khoan khoái với cái thú xê dịch cố hữu của tôi. Nhưng khi nhìn thấy vợ mình đang bụng mang dạ chửa - dù mới chỉ có thai được hai tháng - ngã lên ngã xuống những lúc phải trèo qua những “sống trâu” tôi thương xót vợ vô cùng. Tuy vậy, tôi không dám để lộ tình thương đó ra, sợ vợ mình sẽ mất tinh thần. Tới bất cứ nhà của một đồng bào nào hay tới một quán trọ ở dọc đường nào là Thái Hằng lao người vào giường nằm, không thiết ăn uống gì cả. May làm sao mà trên con đường đi lên Việt Bắc kì này chỉ có tôi là đôi khi bị sốt đi sốt lại, người vợ có chửa của tôi chưa bị Thần Sốt Rét tới thăm viếng. Lúc này, Thái Hằng chỉ bị ốm nghén, nhưng khi lên tới Việt Bắc thì sẽ biết tay ông Thần này ngay.

Chúng tôi phăng phăng ra đi, dưới những trận mưa lớn hay dưới ánh nắng gay gắt, lúc đi trong những vùng có thưa thớt đồng bào, lúc trơ ra chỉ có hai vợ chồng đi trên những con đường rừng thật là vắng vẻ. Lại ngửi thấy mùi cọp. Lại thấy rằng cọp cũng sợ người chứ chẳng phải chỉ có người sợ cọp mà thôi. Có lần hai vợ chồng tôi phải lội qua một con suối rừng vào mùa nước lớn. Nước chảy rất mạnh cuốn đi một chiếc dép làm bằng vỏ xe hơi của tôi. Chúng ta quen gọi loại dép này là dép râu, vì nó có hai cái quai bằng cao su thòi ra như hai cái râu người. Nhưng tên đích thực của nó là dép Bình-Trị-Thiên. Nó được sáng chế ra trước tiên ở Phân Khu IV trong thời kì đầu của kháng chiến. Tôi đã mang nó từ Chiến Khu Ba Lòng ra tới Thanh Hóa. Rồi từ Thanh Hóa đem nó lên tới con suối này. Mất thì tiếc quá. Tôi đã phải lặn xuống nước, mò cho ra chiếc dép, coi thường sự chết đuối có thể xẩy ra. Lại có lần không biết tôi nghe lời ai mách nước, mua chanh ngậm đầy miệng để cho tỉnh táo. Không ngờ bị sặc nước chanh gần như tắc thở. Cũng giống như hồi nào ở Lạng Sơn, anh bạn Giang Cao ăn quá nhiều cam trong lúc đói nên bị say nước cam như bị say rượu.

Nhưng trong cuộc ra đi này vẫn còn nhiều cái thú. Cái thú hòa mình vào với thiên nhiên. Bình minh hay hoàng hôn, đêm trăng hay đêm sao... tất cả đều ảnh hưởng vào mình để mình sẽ tuôn ra bằng lời ca, nét nhạc. Cái thú được ăn miếng cơm lam nấu bằng ống tre của đồng bào thiểu số. Cơm ngọt và bùi hẳn lên có lẽ vì có thêm mùi vị của nước tre. Cái thú được tắm suối chung với người miền núi. Tôi quen nhìn người ta khỏa thân để kì cọ tắm tắp rồi, nhưng Thái Hằng thì ngượng lắm. Vui nhất là người miền núi và người miền xuôi đều thích đứng nhìn nhau tắm. Nói một cách tích cực, trong chuyến ra đi này, đôi tân lang và tân giai nhân có thêm một tháng trăng mật, dù rằng bốn tuần trăng mật di động này mệt nhọc hơn những tuần trăng mật hú hí ở loanh quanh vùng Thanh Hóa. Hằng ngày, chúng tôi cứ việc vui vẻ ra đi và nếu có cái gì đáng sợ thì đó là... những con dốc. Trong tất cả những con dốc tôi phải leo qua từ trước cho tới nay, con dốc ở Tam Đảo - chúng tôi cũng sẽ phải vượt qua dốc này khi trở lại Thanh Hóa - là con dốc kinh khủng nhất. Vượt được nó rồi là đã đi được chín phần mười của lộ trình.

Thế là sau ba mươi ngày đi bộ và vượt được tám, chín trăm cây số gì đó, chúng tôi đã bò tới một nơi được gọi là Trung Ương. Một nơi có lẽ cũng rất là thiêng liêng. Chẳng tin thì hãy nghe nhà văn Nguyễn Tuân nói kháy sau đây. Cũng từ Khu IV ra Việt Bắc tham dự Đại Hội Văn Nghệ, khi sửa soạn vượt qua dốc Tam Đảo để đặt chân lên đất Thái Nguyên, con người duyên dáng Nguyễn Tuân trịnh trọng tuyên bố với mấy anh em cùng đi:

- Mình phải tắm rửa cho thật sạch sẽ để dọn mình vào đất Thánh.

Chúng tôi được liên lạc viên dẫn tới Yên Giã, một khu rừng nằm gần ranh giới hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn - chung quanh đây không có một gia đình thường dân nào cả. Khu thung lũng rộng lớn và có núi bao quanh này là một thứ an toàn khu của tất cả các cán bộ làm việc trong các cơ quan khác nhau của Trung Ương. Mỗi gia đình cán bộ đều được cơ quan của mình phát cho một mảnh đất rồi có người tới phụ giúp để dựng lên một cái nhà bằng nứa.

Yên Giã có vẻ là nơi dành riêng cho các gia đình văn nghệ sĩ. Lúc này họ đều trở thành hội viên của các Hội Nhà Văn, Hội Họa Sĩ, Hội Nhạc Sĩ, Hội Sân Khấu cả rồi. Đi vài quãng đường là tới Cù Vân, vượt qua Đèo Khế tới khu vực của các lãnh tụ. Hang Pác Pó là nơi ở của Chủ Tịch họ Hồ cũng nằm ở đâu đây. Tại Yên Giã, vợ chồng tôi là thượng khách của Nguyễn Xuân Khoát, Chủ Tịch Hội Nhạc Sĩ Kháng Chiến. Anh Khoát bây giờ gầy tọp đi, dáng người rất mệt mỏi nhưng cái xiết tay chào của anh vẫn còn mạnh lắm. Và lập tức anh dắt tôi tới gặp Tố Hữu, người bắt đầu nắm trong tay vận mạng của toàn thể văn nghệ sĩ. Tố Hữu già hơn hồi tôi gặp anh ở Huế, vẫn ăn nói nhẹ nhàng nhưng có cái đanh thép ẩn trong câu nói. Chắc anh theo dõi công việc của tôi trong mấy năm qua, bây giờ gặp tôi, Tố Hữu khen nhạc của tôi có ưu điểm là rất nhạy cảm và uyển chuyển (sensibilité et souplesse). Tôi cũng đáp lễ và khen bài thơ Bắn Đi của anh, nói rằng nhờ bài thơ này mà tôi được bộ đội yêu mến. Đó là sự thật.

Chỉ trong khoảng vài ngày, vợ chồng tôi có một cái nhà tranh nằm không xa nhà của vợ chồng Văn Cao là mấy. Đây mới đích thực là cái nhà là nhà của ta - kháng chiến giúp ta làm ra. Tưởng như là căn nhà bên suối đang nằm ở trong bài một hát bỗng nhẩy ra đây. Đây cũng là cái tổ ấm đầu tiên trong đời tôi, của một gia đình có đôi vợ chồng son và đứa hài nhi nằm trong bụng mẹ. Nhà có tới ba phòng, phòng ngủ có cái giường nứa, phòng bếp có cái bếp nứa, phòng tắm có tấm phên cũng bằng nứa. Thiếu phòng vệ sinh, nhưng chúng tôi có cả một khu rừng ở đằng sau nhà rồi. Căn nhà nứa này, tuy có phòng tắm đó nhưng có bao giờ chúng tôi chịu tắm ở trong nhà đâu? Ai chịu khó vác nước từ suối lên đây? Bà Phạm Duy đi tắm suối là kéo bà Văn Cao đi cùng. Đi mua thực phẩm hơi xa cho nên cứ cách dăm ba ngày là các bà rủ nhau cùng đi chợ. Gạo ở đây là gạo kháng chiến, khi ăn mà không nhằn miếng cơm cho kĩ là dám sứt răng vì những hòn sạn. Cũng mua được thịt để ăn nhưng kho xong nồi thịt, chỉ cần một đêm là thịt kho trở thành thịt đông ngay. Bởi vì ở trong vùng rừng núi này, mỗi khi đêm xuống thì dù là mùa Hạ, trời cũng trở lạnh như trong mùa Đông.

Tôi gặp lại hầu hết các bạn bè cũ ở trong làng nhạc như vợ chồng Văn Cao, vợ chồng Văn Chung, các nhạc sĩ Lê Yên, Nguyễn Đình Phúc, Xuân Tiên, Xuân Lôi... Vì sắp sửa có Đại Hội Văn Nghệ cho nên các văn nghệ sĩ ở khắp mọi nơi đang lục tục kéo nhau lên đây. Nào là Lê Văn Vũ Bắc Tiến cựu trưởng ban Ban Kịch Nghệ Thuật ở Hà Nội nay là trưởng đội kịch của Sư Đoàn 308... Nào là các trưởng thượng trong Hội Sân Khấu như Thế Lữ, Võ Đức Diên, Đoàn Phú Tứ... Thằng bạn Hoàng Cầm của tôi cũng sẽ có mặt ở khu Yên Giã này. Hân hạnh cho tôi là bây giờ tôi được bắt tay những người như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu. Đặc biệt là gặp lại anh bạn cùng học trường Mĩ thuật khi xưa là Mai Văn Hiến. Chàng họa sĩ tinh quái của ngôi trường cũ này rất chiều chuộng Thái Hằng. Không biết anh hái ở đâu được những đồ chua như me, sấu, là những thứ mà người đang có mang là vợ tôi rất thèm ăn.

Đời sống ở Yên Giã quá đẹp. Bõ công chúng tôi đã rời bỏ một nơi an ninh thịnh vượng (!) là Thanh Hóa để lên đây ở. Tôi vẫn chưa được biết Trung Ương triệu tập tôi lên đây để làm gì? Hình như tất cả mọi người còn đang rất bận trong việc chuẩn bị Đại Hội Văn Nghệ cho nên tôi được ở yên - hay được bỏ quên - trong ngôi nhà nứa của mình, ngày ngày chỉ có một việc là dắt vợ đi chơi trong khu rừng hoang vắng và thơ mộng. Chúng tôi lại tự an ủi, cho rằng mình được hưởng thêm những tuần trăng mật khác. Tối đến, cũng như mọi người, vợ chồng tôi đốt đuốc soi đường đi tới hội trường (đang được xây dở dang) để tham dự những buổi sinh hoạt văn nghệ. Hai cô ca sĩ cùng có tên là Thái: Thái Hằng và Bùi Thị Thái (vợ ông Quản Liên, trước đây là Trưởng ban Quân Nhạc Lính Khố Xanh bây giờ là Trưởng ban Quân Nhạc Việt Minh) thi nhau hát những bài ca cổ điển Tây Phương. Ở nơi an toàn khu này, ca hát là môn giải trí độc nhất, cho nên các bà, các cô tới tham dự đông lắm. Các bậc phu nhân của các văn nghệ sĩ ở Trung Ương này, sau mấy năm ở “u tì quốc”, đã đi khá sâu vào đời sống nâu sồng rồi. Phụ nữ của chúng tôi từ Khu IV rất thanh bình vừa lên tới đây thì hãy còn ăn diện ghê lắm. Trong những buổi họp hay trong đêm hát, Thái Hằng diện sơ mi trắng và quần xanh có yếm (kiểu combinaison của thợ thuyền Âu châu), tóc thắt bím buông xuống hai vai, xuất hiện ở khu Yên Giã này như một biến cố về y phục phụ nữ vậy. Thế nhưng nếu khám ba lô của cô dâu mới, sẽ thấy chỉ có thêm hai bộ quần áo cũng rất nâu sồng để mặc hằng ngày.

Lúc này cũng là thời điểm rất quan trọng đối với lịch sử kháng chiến Việt Nam. Quân Đội Mao Trạch Đông đánh bật Quân Đội Tưởng Giới Thạch ra khỏi lục địa Trung Hoa. Các lực lượng quân sự của Việt Minh và Trung Cộng ở hai bên biên giới liên lạc được với nhau. Chủ Tịch họ Mao tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Hồ Chí Minh gửi điện văn chúc mừng Mao Trạch Đông. Có giả thuyết là ông Hồ qua Trung Quốc để hội nghị mật với Mao Trạch Đông. Việt Minh được Trung Cộng cung cấp tối đa về vũ khí, quân trang, quân dụng. Hơn nữa, từng sư đoàn hay trung đoàn Vệ Quốc Quân sang Tàu để được huấn luyện thêm. Quân Đội chính quy của Việt Minh lên tới 350.000 người.

Trung Cộng toàn thắng ở lục địa Trung Hoa. Chúng tôi được triệu tập đi họp để nghe thảo luận về chiến thắng của Mao Trạch Đông. Đây là lúc trong thế giới Cộng Sản, đứng trên căn bản lí thuyết của Mác, người ta thảo luận rất gay go về việc chủ tịch họ Mao dựa vào nông dân để làm Cách Mạng. Trước sự thắng lợi của Trung Cộng, bởi vì Mao không dùng công nhân để thực thi Cách Mạng như Mác đã đề ra, bây giờ người Cộng Sản phải gọi là đó là chủ nghĩa Mao Trạch Đông hay chỉ nên gọi là tư tưởng Mao Trạch Đông? Tôi ngồi nghe các cán bộ cỡ lớn thảo luận về vấn đề này cũng giống như vịt ngồi nghe sấm, chẳng hiểu mô tê gì cả. Cuối cùng, người ta chỉ phong cho sự nghiệp của họ Mao danh từ tư tưởng. Còn chữ chủ nghĩa rất thiêng liêng kia, chỉ có thể dành cho Mác mà thôi.

Như thế là về phương diện chính trị và quân sự, thời gian đã đứng về phe Việt Minh. Sau bốn năm kháng chiến, qua tới đầu 1950, với sự thắng lợi của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, bây giờ Pháp không còn một chút hi vọng nào để thắng nổi một đội quân chính quy gồm 350.000 người với đầy đủ vũ khí do Trung Cộng vừa cung cấp. Nhất là trong trong đội quân này đã có từng Trung Đoàn được đưa qua huấn luyện ở phía bên kia biên giới. Đó là chưa kể tinh thần nhân dân Việt Nam vẫn còn rất cao. Cho tới bây giờ, tất cả mọi người vẫn quyết tâm kháng chiến trong mặt trận Việt Minh. Lúc đó chưa có chuyện cải cách ruộng đất, tố khổ và chỉnh phong, chính huấn gì cả.

Còn tệ hại hơn nữa cho Pháp là phe tả của họ ở trong nước cũng hết sức bênh vực Việt Minh. Họ phái người qua thăm Việt Nam và đi vào tận cơ quan đầu não ở chiến khu. Chúng tôi được huy động để đón tiếp Chủ Tịch Liên Đoàn Thanh Niên của Pháp là Léo Figuères ở một nơi gần khu Yên Giã này. Giữa nơi rừng sâu núi thẳm, Léo Figuères có cơ hội tai nghe mắt thấy những thực lực của Việt Minh để khi trở về Pháp anh thanh niên tả khuynh này sẽ còn hoạt động ráo riết hơn nữa cho sự thất trận của Quân Đội Pháp bốn năm sau này.

Thế rồi vào một ngày hè trong năm 1950 này, Đại Hội Văn Nghệ - có thêm vào đó hai chữ Nhân Dân - được khai mạc. Hội trường do kiến trúc sư Võ Đức Diên vẽ kiểu và đôn đốc việc xây cất từ mấy tháng nay. Tuy vật liệu xây cất chỉ là những cột dọc làm bằng thân cây lớn, những cột ngang làm bằng tre, cùng với vách nứa và mái tranh, nhưng Hội Trường trông cũng đồ sộ lắm, khác hẳn với những hội trường ở miền xuôi mà tôi đã biết. Thành phần tham dự Đại Hội là những văn nghệ sĩ nổi danh đang phục vụ trong Quân Đội hay trong các Hội Văn Nghệ ở Trung Ương, các nhân viên của các hội văn nghệ ở các địa phương và còn có thêm cả các cán bộ thông tin văn hóa nữa.

Chủ Tịch đoàn gồm có nhà văn Nguyên Hồng, hội viên Hội Văn Nghệ Trung Ương, kịch sĩ Lê Văn (Vũ Bắc Tiến) trưởng ban kịch của Trung Đoàn 308 và Vũ Thược, cán bộ văn hóa của huyện Lập Thạch thuộc Vĩnh-Phúc (tức hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên). Vào thời điểm này, Đảng Cộng Sản bấy lâu nay ẩn mình trong Mặt Trận Việt Minh bây giờ quyết định đưa ra bàn tay không còn bọc nhung nữa. Đại Hội gọi là Văn Nghệ Nhân Dân này không có mục đích nào khác hơn là bắt đầu từ nay trở đi, có Tố Hữu với bàn tay sắt, chỉ huy văn nghệ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3