Tâm lý học căn bản - Chương 01 - Phần 5

f. Nghiên cứu thực nghiệm (Eperimental Research)

Biện pháp duy nhất mà nhà tâm lý có thể thiết lập một mối liên hệ nhân quả thông qua cuộc nghiên cứu là tiến hành một thí nghiệm. Trong một thí nghiệm (experiment) hợp quy cách, mối tương quan giữa hai (hoặc nhiều) yếu tố được khảo sát bằng cách cố tình làm cho một yếu tố biến động rồi quan sát hậu quả do biến động ấy gây ra cho yếu tố kia. Biến động do cố tình được gọi là thao tác thí nghiệm (experimental mamipulation). Các thao tác thí nghiệm được vận dụng để phát hiện các mối tương quan giữa các biến số (variables), các hành vi (behaviors), các biến cố (events), hoặc giữa các đặc tính khác có thể thay đổi, hoặc biến động được theo một cách thức nào đó.

Có một vài bước để tiến hành một thí nghiệm, nhưng tiến trình nói chung thường khởi đầu bằng việc xây dựng một hay nhiều giả thuyết để kiểm chứng bằng thí nghiệm. Thí dụ, hãy nhớ lại giả thuyết do Latané và Darley đưa ra để kiểm chứng lý thuyết của họ về hành vi ra tay cứu giúp: càng có nhiều người chứng kiến trong tình huống khẩn cấp, thì xác suất bất cứ ai trong bọn họ ra tay giúp đỡ nạn nhân càng thấp đi. Chúng ta có thể tìm hiểu cách thức tổ chức thí nghiệm để kiểm chứng giả thuyết của họ.

Bước thứ nhất là toán tử hóa giả thuyết bằng cách khái niệm hóa nó theo cách thức sao cho giả thuyết ấy có thể kiểm chứng được: Việc làm này buộc Latané và Darley phải lưu ý đến nguyên tắc căn bản của phương pháp nghiên cứu thực nghiệm mà chúng ta vừa đề cập đến. Phải vận dụng thao tác đối với ít nhất một biến cố kia. Nhưng người ta không thể quan sát cô lập thao tác này được. Nếu muốn thiết lập một liên hệ nhân quả, người ta phải so sánh hậu quả của trường hợp thực hiện một thao tác với hậu quả của trường hợp không thực hiện thao tác hoặc của trường hợp thực hiện một thao tác khác.

Như vậy, phương pháp nghiên cứu thực nghiệm đòi hỏi phải so sánh ít nhất các phản ứng của hai nhóm. Một nhóm sẽ nhận được một tác động đặc biệt nào đó – nhà thí nghiệm thực hiện thao tác để tác động vào nhóm này – còn nhóm kia hoặc không bị tác động hoặc bị tác động khác đi. Nhóm nào bị tác động bởi thao tác được gọi là nhóm thí nghiệm (treatment group) còn nhóm kia được gọi là nhóm kiểm soát (control group) [trong một số thí nghiệm, người ta dùng rất nhiều nhóm thí nghiệm và nhóm kiểm soát, và người ta so sánh từng cặp nhóm].

Nhờ sử dụng cả hai loại nhóm thí nghiệm và kiểm soát trong cuộc thí nghiệm, nhà nghiên cứu có thể loại trừ được khả năng một ảnh hưởng nào khác ngoài thao tác gây hậu quả cho biến số kia trong thí nghiệm. Nếu không dùng nhóm kiểm soát, chúng ta sẽ không biết chắc được một yếu tố nào khác, như nhiệt độ vào lúc tiến hành thí nghiệm hoặc yếu tố thời gian đơn thuần chẳng hạn, lại không là nguyên nhân gây ra các biến động phải quan sát. Như vậy, nhờ sử dụng các nhóm kiểm soát nhà nghiên cứu có thể cô lập được các nguyên nhân đặc biệt cho các khám phá của mình, và do đó, có thể rút ra được các suy luận có tính nhân quả.

Bước toán tử hóa giả thuyết của Latané và Darley buộc phải sử dụng nhiều nhóm thí nghiệm. Họ quyết định tạo ra một tình huống giả tạo cần đến sự giúp đỡ của một người chứng kiến. Để vận dụng thao tác thí nghiệm, họ quyết định thay đổi số người chứng kiến có mặt tại hiện trường. Chẳng hạn, họ có thể chỉ dùng một nhóm thí nghiệm gồm hai người có mặt tại hiện trường và một nhóm kiểm soát chỉ cần một người chứng kiến là đủ để so sánh kết quả. Nhưng hai ông lại quyết định chọn thủ tục phức tạp hơn có ba nhóm lần lượt gồm hai, ba, và sáu người để so sánh với nhau.

Giờ đây hai ông Latané và Darley đã xác định được biến số độc lập (independent variable) cho thí nghiệm, đó là loại biến số mà nhà thí nghiệm vận dụng thao tác. Trong trường hợp này, biến số độc lập chính là số người chứng hiện có mặt tại hiện trường. Bước kế tiếp là quyết định xem hai ông sẽ làm cách nào để xác định hậu quả xảy ra cho hành vi của các đối tượng quan sát khi thay đổi số người chứng kiến có mặt tại hiện trường (tức là khi vận dụng thao tác đối với biến số độc lập). Đóng vai trò quyết định cho cuộc thí nghiệm chính là loại biến số tuỳ thuộc (dependent variable) tức là loại biến số được đo lường và kỳ vọng biến động dưới dạng hậu quả do các thay đổi cố tình gây ra bởi thao tác của nhà thí nghiệm. Thế là, thí nghiệm của hai ông đã có đủ hai loại biến số độc lập và tùy thuộc. (Để ghi nhớ sự khác biệt giữa hai loại biến số này, bạn có thể nhớ lại rằng giả thuyết dự đoán biến số tùy thuộc sẽ biến đổi ra sao tùy theo thao tác cố tình gây ra cho biến số độc lập).

Như vậy, biến số tùy thuộc phải được toán tử hóa ra sao đối với thí nghiệm của Latané và Darley? Có thể đơn thuần gán đại lượng “có” hoặc “không” cho hành vi ra tay cứu giúp hoặc không cứu giúp của đối tượng (subject) – là người cộng tác trong thí nghiệm với tư cách là người chứng kiến có mặt tại hiện trường. Nhưng hai ông đã quyết định dùng thêm một đại lượng khác để cho việc phân tích được chính xác hơn là thời lượng cần thiết để đối tượng quyết định có hành vi cứu giúp.

Đến đây, Latané và Darley đã hội đủ mọi thành tố của cuộc thí nghiệm. Biến số độc lập tác động bởi thao tác thí nghiệm là số người chứng kiến có mặt trong tình huống khẩn cấp. Biến số tùy thuộc là liệu những đối tượng chứng kiến trong một nhóm cộng tác có hành vi ra tay cứu giúp hay không và thời lượng cần thiết để họ quyết định có hành vi ấy. Tất cả mọi thí nghiệm trong lãnh vực tâm lý đều có mô hình không phức tạp giống như vậy.

Bước sau cùng: Tuyển chọn ngẫu nhiên các đối tượng thêm dự vào nhóm thí nghiệm. Muốn cho cuộc thí nghiệm là kiểm chứng hữu hiệu đối với giả thuyết, nhà nghiên cứu cần hoạch định thêm một bước sau cùng: tuyển chọn hợp lý các đối tượng tham dự vào nhóm thí nghiệm.

Ý nghĩa của bước này sẽ sáng tỏ khi chúng ta xem xét qua nhiều biện pháp tuyển chọn khác nhau. Thí dụ, nhà nghiên cứu có thể lưu ý đến khả năng tuyển chọn đối tượng chỉ là nam giới tham dự vào nhóm gồm hai người chứng kiến, đối tượng chỉ là nữ giới tham dự vào nhóm gồm ba người chứng kiến, và đối lượng là cả nam lẫn nữ tham dự vào nhóm gồm sáu người chứng kiến. Tuy nhiên, nếu làm như thế thì sự thể sẽ trở nên sáng tỏ rằng bất kỳ khác biệt nào mà nhà nghiên cứu nhận thấy ở hành vi ra tay cứu giúp sẽ không đơn thuần chỉ tùy thuộc vào số người trong nhóm, bởi vì các khác biệt ấy cũng có thể còn tuỳ thuộc vào thành phần của nhóm nữa. Biện pháp hợp lý hơn là bảo đảm rằng mỗi nhóm đều có thành phần giới tính tương tự nhau; khi ấy chúng ta có thể so sánh các nhóm với nhau chính xác hơn nhiều.

Các đối tượng thuộc mỗi nhóm thí nghiệm phải tương xứng với nhau để dễ dàng thiết lập được các nhóm có thành phần tương tự nhau về mặt giới tính. Dù vậy, vấn đề lại trở nên phức tạp hơn nếu chúng ta xét đến các điểm đặc trưng khác của các đối tượng. Làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm được các đối tượng thuộc một nhóm thí nghiệm đều thông minh, có tâm hồn vị tha, có tinh thần cộng tác, và vân vân, ngang nhau, khi mà bảng kê các điểm đặc trưng như thế – điểm nào cũng quan trọng cả – thường là bất tận?

Giải pháp cho vấn đề này là một biện pháp tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hữu hiệu gọi là ngẫu nhiên hóa điều kiện chọn đối tượng (random assignment to condition). Theo biện pháp này, các đối tượng được chọn đưa vào các nhóm khác nhau trong cuộc thí nghiệm, hoặc được ấn định “điều kiện chọn”, trên cơ sở tình cờ và chỉ trên cơ sở tình cơ mà thôi. Thí dụ, nhà thí nghiệm có thể gán cho mỗi đối tượng dự tuyển một số hiệu rồi rút thăm chọn lựa đưa vào các nhóm. Ưu điểm của kỹ thuật này là các điểm đặc trưng của đối tượng có cùng cơ hội được phân bố đồng đều giữa các nhóm. Nhờ chọn ngẫu nhiên, nhà thí nghiệm có thể tin tưởng rằng một nhóm sẽ có thành phần gồm các đối tượng gần như tương tự nhau về trí thông minh, tâm hồn vị tha, tinh thần cộng tác, giới tính, và vân vân.

Hình 1–4 cho một thí dụ khác về vấn đề thí nghiệm khoa học. Giống như một cuộc thí nghiệm khác, nó bao gồm một loạt các yếu tố then chốt sau đây, là điều quan trọng phải ghi nhớ nếu bạn muốn xét xem liệu cuộc nghiên cứu có phải là một thí nghiệm đúng nghĩa hay không:

– Biến số độc lập là yếu tố chịu tác động bởi thao tác của nhà thí nghiệm.

– Biến số tùy thuộc là yếu tố kỳ vọng biến động do hậu quả của thao tác gây ra đối với biến số độc lập.

– Kỹ thuật tuyển chọn ngẫu nhiên các đối tượng để đưa vào các nhóm thí nghiệm và kiểm soát khác nhau, hay “các điều kiện” của biến số độc lập.

– Một giả thuyết liên kết biến số độc lập và tùy thuộc với nhau.

Chỉ khi nào hội đủ các yếu tố này thì cuộc nghiên cứu mới được đánh giá là một thí nghiệm thực để kiểm chứng mối liên hệ nhân quả.

Chọn lựa đối tượng phù hợp: Vốn là giáo sư đại học, Latané và Darley nhắm vào những người dễ tìm để mời cộng tác thí nghiệm là giới sinh viên. Thực tế, những người này được sử dụng rất thường xuyên trong các cuộc thí nghiệm đến mức tâm lý học đôi khi được gọi là “Khoa học về hành vi ứng xử của sinh viên năm thứ hai đại học”.

Việc sử dụng sinh viên làm đối tượng thí nghiệm có cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Lợi điểm lớn nhất là họ luôn luôn sẵn lòng tham dự bởi vì hầu hết các nghiên cứu đều thực hiện ở một trường đại học. Nói chung, sinh viên cộng tác nhằm mục đích để được thụ huấn thêm về môn học hoặc để kiếm thêm chút ít thù lao, nhờ đó chi phí nghiên cứu sẽ giảm đến mức tối thiểu.

Khó khăn trong việc nhờ sinh viên làm đối tượng thí nghiệm là họ không đại biểu chính xác cho dân số nói chung. Sinh viên thường không phản ánh đúng thành phần dân số Hoa Kỳ về chủng tộc, giai cấp xã hội, tuổi tác, và trình độ học vấn, bởi vì tập thể sinh viên thường gồm đa số là dân da trắng, thuộc giai cấp trung lưu, và sinh viên là lớp người trẻ tuổi và có trình độ học vấn trung bình cao hơn so với các tầng lớp khác trong xã hội. Ngoài ra, thái độ của sinh viên thường kém chững chạc hơn và so với những người trưởng thành thì họ dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các áp lực xã hội từ các nhân vật và giai cấp quyền thế. Vì các đặc điểm này nên mức độ tổng quát hóa kết quả thí nghiệm vượt quá hoàn cảnh sống của sinh viên là vấn đề dễ gây ra tranh luận. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu tìm cách sử dụng các đối tượng biểu trưng hơn cho dân số nói chung.

Hình 1–4: Trong hình vẽ miêu tã tiến trình tìm hiểu tác dụng của loại thuốc propanolol đối với stress này, chúng ta có thể thấy các yếu tố căn bản trong mọi thí nghiệm thực. Các đối tượng thí nghiệm là những con khỉ được chọn ngẫu nhiên đưa vào một trong hai nhóm. Các chú khỉ được chọn vào nhóm thí nghiệm được tiêm thuốc propranolol nhằm ngăn ngừa bệnh tim theo giả thuyết đã xây dựng, còn các chú khỉ thuộc nhóm kiểm soát không được tiêm thuốc. Như vậy liều thuốc tiêm cho bọn khỉ là biến số độc lập.

Tất cả chú khỉ đều được cung cấp khẩu phần ăn nhiều chất béo bằng khẩu phần ăn của con người, gồm hai quả trứng và thịt lợn xông muối vào mỗi buổi sáng, và thỉnh thoảng chúng được đưa vào các làng khác nhau để chịu tác động của stress. Để xác định tác dụng của loại thuốc này, người ta đo nhịp tim và đánh giá các triệu chứng khác của bệnh tim ở các chú khỉ. Các chỉ số này gộp lại thành biến số tùy thuộc. (Kết quả thế nào? Như giả thuyết đã nêu ra, các chú khỉ được tiêm thuốc có nhịp tim thấp hơn và các triệu chứng bệnh tim khác ít hơn so với các chú khỉ không được tiêm thuốc). (Căn cứ vào công trình nghiên cứu của Kaplan & Manuck, 1989).

Vấn đề tính biểu trưng của đối tượng thí nghiệm càng rõ rệt khi chúng ta lưu tâm đến các cuộc nghiên cứu thực hiện trên loài vật thay vì đối với con người. Nếu chúng ta lo ngại rằng giới sinh viên không biểu trưng được cho dân số nói chung thì loài chuột, loài khỉ, loài gặm nhấm (gerbils), hoặc loài bồ câu được sử dụng làm đối tượng nghiên cứu không phải là kém biểu trưng hơn sao?

Câu trả lời là 7 hay 8% các cuộc nghiên cứu tâm lý sử dụng loài vật có mục đích khác biệt và nhằm giải đáp các câu hỏi khác hẳn các cuộc nghiên cứu dùng con người làm đối tượng. Thí dụ, tuổi thọ ngắn hơn của loài vật (loài chuột có tuổi thọ trung bình khoảng hai năm) cho phép chúng ta tìm hiểu các hậu quả đối với tuổi thọ trong một khung cảnh thời gian ngắn hơn nhiều so với việc nghiên cứu về tuổi thọ trực tiếp đối với con người. Ngoài ra, tính phức tạp quá mức của con người có thể che khuất các thông tin về các hiện tượng căn bản có thể nhận ra được dễ dàng hơn ở loài vật. Cuối cùng, một số công trình nghiên cứu đòi hỏi rất nhiều đối tượng có cùng hoàn cảnh hoặc đều cùng bị tác động như nhau bởi các môi trường đặc biệt – tức là các điều kiện thực tế không thể tìm thấy được ở con người.

Nghiên cứu dùng loài vật làm đối tượng thí nghiệm đến nay đã giúp cho các nhà tâm lý nhiều thông tin rất có lợi cho con người. Chẳng hạn, nghiên cứu loài vật đã cho chúng ta các kiến thức then chốt để tìm ra biện pháp sớm phát hiện các rối loạn thị giác ở trẻ em nhằm kịp thời ngăn chặn thiệt hại lâu dài, biện pháp thông đạt hữu hiệu hơn với các đứa trẻ chậm phát triển nghiêm trọng, và biện pháp làm giảm bớt các chứng đau kinh niên ở con người chỉ là một số thành quả do nghiên cứu loài vật đem lại.

Latané và Darldey có hợp lý không? Đến đây bạn hẳn phải thắc mắc không biết hai ông Latané và Darley có hợp lý không như họ đưa ra giả thuyết cho rằng số người chứng kiến có mặt trong tình huống khẩn cấp càng tăng lên sẽ làm giảm đi mức độ hành vi ra tay cứu giúp.

Theo kết quả thí nghiệm đã thực hiện, giả thuyết của hai ông đúng về mục tiêu. Khi kiểm chứng giả thuyết ấy, họ đã dùng một bối cảnh thí nghiệm trong đó các đối tượng được thông báo rõ ràng mục đích của thí nghiệm nhằm tổ chức một cuộc thảo luận về các vấn đề cá nhân có liên quan đến môi trường đại học. Cuộc thảo luận đã được tổ chức qua intercom nhằm tránh tình trạng bối rối có thể xảy ra vì cuộc tiếp xúc giáp mặt. Dĩ nhiên, tán gẫu về các vấn đề riêng tư không phải là mục đích chân chính của cuộc thí nghiệm, nhưng các đối tượng được thông báo rằng cuộc thảo luận ấy nhằm khiến cho các kỳ vọng riêng tư của họ về cuộc thí nghiệm không tác động làm sai lệch hành vi của họ. (Hãy cân nhắc xem các đối tượng sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi họ được báo trước rằng hành vi cứu giúp của họ trong tình huống khẩn cấp sẽ được ghi nhận lại để kiểm chứng. Các nhà thí nghiệm có thể không bao giờ đánh giá được chính xác các đối tượng sẽ thực sự hành động ra sao trong tình huống khẩn cấp; bởi vì theo định nghĩa, các tình huống khẩn cấp hiếm khi được thông báo trước).

Quy mô các nhóm thảo luận gồm 2, 3 và 6 đối tượng phản ảnh thao tác thí nghiệm thực hiện đối với biến số độc lập là quy mô nhóm. Các đối tượng được chọn ngẫu nhiên đưa vào một trong các nhóm này căn cứ vào sự xuất hiện của họ ở bối cảnh thí nghiệm.

Trong lúc các đối tượng trong một nhóm đang say sưa thảo luận, đột nhiên họ nghe tiếng của một người trong số đối tượng tham dự (trên thực tế là người điều phối diễn biến thảo luận, hoặc nhân viên của nhà thí nghiệm) giống như bị rơi vào trạng thái co giật do chứng động kinh.

Tôi–ơ–ưm–tôi–tôi–cần–ơ–ai–đó–ơ–ơ–ơ–đến giúp tôi một tí–ơ–ơ–bởi vì–ơ–tôi–ơ–đang gặp–rắc–ơ–rối đây–ơ–ơ–ai đó–ơ–ơ–hãy đến giúp–ơ–ơ tôi–ơ–ơ–tôi ngay [giọng nói tắt nghẽn đi]... tôi sắp ch... ch... ết–tôi… sắp chết–ơ–cứu–ơ–ơ–tôi [giọng nói tắt nghẽn đi, rồi im bặt] (Latané & Darley; 1970, P. 379).

Đến đây, hành vi của các đối tượng khác trong nhóm được lưu tâm theo dõi. Biến số tùy thuộc là khoảng thời gian trôi qua kể từ lúc bắt đầu nghe tiếng “tôi” sau cùng cho đến khi một đối tượng bắt đầu ra tay giúp đỡ “nạn nhân”. Nếu 6 phút trôi qua mà không có đối tượng nào có hành vi giúp đỡ thì thí nghiệm kết thúc.

Như dự đoán bởi giả thuyết, quy mô nhóm có ảnh hưởng quyết định đối với hậu quả là đối tượng có hành vi giúp đỡ hay không (Latané & Darley, 1970). Ở nhóm gồm 2 người (trong đó đối tượng cho rằng chỉ có một mình y với nạn nhân), khoảng thời gian trung bình để đối tượng có hành vi giúp đỡ là 52 giây; ở nhóm gồm 3 người (đối tượng, nạn nhân, và một người thứ ba), khoảng thời gian trung bình là 93 giây; và ở nhóm gồm 6 người (đối tượng, nạn nhân, và 4 người khác), khoảng thời gian trung bình là 166 giây. Việc dùng đại lượng đơn giản “có” hoặc “không” để đo lường hành vi của đối tượng trong tình huống khẩn cấp khiến cho mô hình đo lường biến số tùy thuộc căn cứ vào khoảng thời gian trôi qua như thế được vững chắc thêm. Đối tượng thuộc nhóm gồm 2 người có hành vi giúp đỡ theo xác suất 85%; nhóm ba người theo xác suất 62%; và nhóm 6 người chỉ là 31% (xem hình 1 –5).

Hình 1–5: Kết quả thí nghiệm của Lạtané và Darley cho thấy khi số người chứng kiến trường hợp khẩn cấp càng tăng thì xác suất có hành vi giúp đỡ sẽ giảm đi (theo Latané & Darley, 1986).

Bởi vì các kết quả đã gặt hái được này khá dễ hiểu, nên rõ ràng giả thuyết dường như đã được minh chứng. Song Latané & Darley chưa thể khẳng định các kết quả ấy thực sự có ý nghĩa cho đến khi hai ông tổng hợp và khảo sát các dữ kiện của mình theo các phương pháp thống kê khoa học. Việc sử dụng các phương pháp thống kê – buộc phải thực hiện một số phép tính trong toán học – giúp nhà nghiên cứu xác định xem kết quả thí nghiệm có ý nghĩa đến mức độ nào chứ không phải là ngẫu nhiên gặt hái được.

Nghiên cứu của Latané & Darley hội đủ mọi yếu tố của một thí nghiệm khoa học: một biến số độc lập, một biến số tùy thuộc, ngẫu nhiên hóa điều kiện chọn đối tượng thí nghiệm, và nhiều nhóm thí nghiệm. Vì thế chúng ta có thể nói với một mức độ tin tưởng nào đó rằng quy mô nhóm là nguyên nhân gây ra các biến động về mức độ hành vi giúp đỡ.

Dĩ nhiên, một thí nghiệm duy nhất không thể giải đáp dứt khoát câu hỏi về hành vi can thiệp của người chứng kiến trong các trường hợp khẩn cấp. Các nhà tâm lý đòi hỏi phải lặp lại thí nghiệm nhiều lần (replication) để kiểm chứng các khám phá của thí nghiệm ban đầu, bằng cách vận dụng các thủ thuật khác trong các bối cảnh khác, với các nhóm đối tượng khác, trước khi hoàn toàn tin tưởng vào giá trị của bất kỳ một thí nghiệm duy nhất nào. [Trong trường hợp này, thí nghiệm của hai ông đã đứng vững trước sự thử thách của thời gian: duyệt xét khoảng 50 công trình nghiên cứu thực hiện trong thời gian 10 năm tiếp sau thí nghiệm ban đầu cho thấy hầu hết các cuộc nghiên cứu đều đi đến kết luận là số người chứng kiến tăng lên thì xác suất có hành vi giúp đỡ giảm xuống (Latané & Darley, 1981)].

Ngoài việc lặp lại thí nghiệm nhiều lần để kiểm chứng kết quả của thí nghiệm ban đầu, các nhà tâm lý cũng cần kiểm chứng các giới hạn của giả thuyết và lý thuyết đã đưa ra nhằm xác định xem chúng ứng dụng được trong các trường hợp cụ thể nào. Chẳng hạn, dường như không nhất thiết rằng khi số người chứng kiến tăng lên thì kết quả luôn luôn là xác suất hành vi giúp đỡ giảm xuống; do đó, điều tối quan trọng là phải hiểu rõ các ngoại lệ đối với quy luật tổng quát này xảy ra trong các điều kiện nào. Thí dụ, chúng ta có thể ức đoán rằng trong tình huống kết quả được báo trước mà các đối tượng chứng kiến lại biết rằng các khó khăn của nạn nhân sau này sẽ ảnh hưởng đến bản thân họ theo một cách nào đó, thì hành vi giúp đỡ sẽ dễ dàng xảy ra hơn. Để kiểm chứng giả thuyết mới này (thực tế, có thể minh chứng được) buộc phải thực hiện thí nghiệm bổ sung. Như vậy, giống như bất kỳ bộ môn khoa học nào, tâm lý học giúp cho kiến thức của chúng ta tăng thêm từng bước ngắn, và mỗi bước ấy lại xây dựng trên thành quả của công trình trước đó.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3