Tâm lý học căn bản - Chương 02 - Phần 3
3. Kích hoạt hệ thần kinh tự động
Phân hệ thần kinh tự động đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các tình huống cấp cứu. Giả sử bạn đang đọc sách, đột nhiên bạn có cảm giác như có một người lạ đang theo dõi bạn qua cửa sổ. Khi bạn ngước nhìn, bạn thấy một vật gì đó giống như một con dao lóe lên. Tâm trí bạn tràn ngập hoang mang và nỗi hoảng loạn khiến bạn mất khả năng suy luận, lúc ấy điều gì xảy đến cho cơ thể bạn? Nếu bạn giống như đa số người trong cùng hoàn cảnh, bạn sẽ có ngay lập tức các phản ứng sinh lý như nhịp tim tăng lên, mồ hôi toát ra, và gai óc nổi khắp cơ thể. Các thay đổi sinh lý nói trên là hậu quả của việc kích hoạt một trong hai bộ phận hình thành phân hệ thần kinh tự động: Phân hệ thần kinh giao cảm (sympathetic division). Bộ phận này tác động nhằm chuẩn bị cho cơ thể đáp ứng các tình huống cấp cứu gây căng thắng (stressful emergency situation), huy động mọi tiềm năng của cơ thể để đáp ứng đối với một nguy cơ đe dọa mạng sống. Phản ứng này thường có dạng “chống trả hoặc bỏ chạy” (fight or flight).
Trái lại, phân hệ thần kinh đối giao cảm (parasympathetic division) tác động nhằm xoa dịu cơ thể sau khi tình huống căng thẳng đã đi qua. Trở lại thí dụ trên, khi bạn biết rằng người lạ bên cửa sổ ấy thật ra chỉ là một người bạn cùng phòng bị mất chìa khóa và đang leo qua cửa sổ để tránh đánh thức bạn, thì phân hệ thần kinh đối giao cảm bắt đầu chiếm ưu thế dẫn đến hạ nhịp tim, ngưng đổ mồ hôi, và đưa cơ thể trở về trạng thái như trước khi cơn hoảng loạn xảy ra. Phân hệ thần kinh đối giao cảm cũng là một công cụ giúp cơ thể duy trì sự tích trữ các nguồn năng lượng như chất dinh dưỡng và oxygen. Hai phân hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm phối hợp với nhau để điều tiết nhiều chức năng của cơ thể (xem Hình 2–10). Thí dụ như tình trạng kích dục (sexual arousal) được kiểm soát bởi hệ đối giao cảm, còn tình trạng cực khoái (sexual orgasm) được kiểm soát bởi hệ giao cảm.
4. Tóm tắt và học ôn II
A. TÓM TẮT:
– Vị trí đặc hiệu để dẫn truyền tín hiệu từ nơron này sang nơron khác được gọi là xy–náp (synapse). Các tín hiệu di chuyển qua các xy–náp có bản chất hóa học, mặc dù chúng di chuyển bên trong nơron dưới dạng xung điện.
– Chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter) là các hóa chất chuyên biệt thực hiện việc liên kết hóa học tại xy–náp (khớp thần kinh); các chất này tác động nhằm kích thích các nơron khác khởi động hoặc ức chế chúng.
– Nơron liên kết với nhau thông qua các mạng thần kinh, tức là các nhóm liên kết thông tin có tổ chức giữa các tế bào.
– Hệ thần kinh trung ương (central nevous system–CNS) được hình thành bởi não bộ và tuỷ sống. Tủy sống (spinal com) là một bó dây gồm các sợi thần kinh, xuất ra từ não bộ chạy dọc xuống theo chiều dài của lưng. Nó là con đường chủ yếu để dẫn truyền tín hiệu giữa não bộ và phần còn lại của cơ thể.
– Hệ thần kinh ngoại biên (peripheral nenvous system) bao gồm tất cả các bộ phận thuộc hệ thần kinh nói chung, không kể não bộ và tủy sống. Hệ thần kinh ngoại biên phần làm hai phân hệ chính: phân hệ soma (điều khiển các vận động chủ ý) và phân hệ tự động (điều khiển các vận động ngoại ý).
– Bản thân phân hệ thần kinh tự động gồm hai bộ phận (thần kinh giao cảm và đối giao cảm) đóng vai trò chính trong các tình huống cấp cứu.
B. HỌC ÔN:
1. Kết nối hóa học giữa hai nơron xảy ra ở một khoảng trống gọi là:
a) sợi trục (axon)
b) nút tận cùng thần kinh (terminal button)
c) xy–náp (khớp thần kinh)
d) amino acid
2...là các phương tiện thông tin bằng hóa chất dân truyền giữa các nơron.
3. Cặp đôi chất dẫn truyền thần kinh với chức năng của nó.
a. ACh
b. GABA
c. Endorphins
1. Giảm cảm giác đau
2. Điều tiết hành vi ăn và gây hấn
3. Gây co cơ khung xương (skeletal muscles)
4. Bệnh Parkinson đã được phát hiện có liện hệ đến tình trạng thiếu... trong não bộ.
5. Các nơron liên kết nhau theo cấu trúc giống như dây chuyền được cho là để hình thành một mạng lưới...
6. Mạch độc nguồn/ phân kỳ (single–source/ divergent circuit) bao gồm một nơron dẫn truyền thông tin cùng một lúc đến nhiều nơron khác. Đúng hay Sai?...
7. Nếu em chạm tay vào một mảnh kim loại nung đỏ, phản ứng tức thời rụt tay về là một thí dụ về hành vi...
8. Bộ phận thuộc hệ thần kinh đảm nhiệm các chức năng như hô hấp và tiêu hóa được gọi là phân hệ thần kinh...
9. Hệ thần kinh ngoại biên (peripheral nevous system) bao gồm các dây thần kinh định vị ở tứ chi và tuỷ sóng. Đúng hay Sai?...
10. Maria trong thấy một cậu bé chạy ra đường rồi bị ôtô đụng phải. Khi chạy đến đỡ cậu bé lên, cô rơi vào trạng thái hoảng loạn (panic). Mồ hôi cô toát ra và tim cô đập nhanh. Trạng thái sinh lý này của cô là hậu quả của việc kích hoạt bộ phận nào thuộc phân hệ thần kinh tự động?
a. đối giao cảm (parasympathetic)
b. cơ thể (somatic)
c. ngoại biên (peripheral)
d. giao cảm (sympathetic)
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Sự truyền đạt thông tin giữa các nơron diễn ra như thế nào trong trường hợp con người hành động chủ ý?
(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)
IV. NÃO BỘ
Quan sát trực tiếp bạn sẽ thấy nó không đẹp mắt cho lắm. Dạng mềm xốp, lốm đốm hồng nhạt pha lẫn màu xám của nó khiến người ta khó có thể nói rằng nó hấp dẫn về sắc đẹp hình thể. Mặc dù bề ngoài như vậy, nó vẫn được xem là kỳ công vĩ đại nhất của tạo hóa mà chúng ta được biết và nó có vẻ đẹp và cấu trúc tinh tế của riêng nó.
Như bạn đã có thể đoán ra, đối tượng vừa được mô tả chính là não bộ (brain). Não chịu trách nhiệm từ các ý tưởng cao thượng nhất đến các bản năng sơ khai nhất của chúng ta. Nó là viên quản đốc của mọi hoạt động phức tạp của cơ thể. Nếu có người thử thiết kế một máy điện toán mô phỏng đúng theo các khả năng của não, thì việc làm ấy dường như không thể nào thực hiện được; trên thực tế, thiết kế một máy chỉ mới ở mức độ gần giống cũng đã được chứng minh cho thấy là khó. Chỉ riêng con số gây choáng ngợp về số lượng tế bào thần kinh của não cũng đủ khiến cho một kỹ sư tin học đầy tham vọng phải nản lòng. Nhiều tỉ tế bào thần kinh hợp thành một câu trúc chỉ nặng khoảng 3 cân Anh (tức khoảng 1,362kg) ở một người trưởng thành trung bình. Tuy nhiên, điều gây kinh ngạc về não không không phải là số lượng tế bào mà chính là năng lực của não đã cho phép trí tuệ con người thăng hoa trong khi não điều khiển hành vi và tư duy của chúng ta.
1. Nghiên cứu cấu trúc và chức năng của não bộ
Não luôn là một thách đố cho những ai muốn nghiên cứu nó. Trong phần lớn thời gian của lịch sử y khoa thuở xưa, việc khảo sát não chỉ có thể được tiến hành sau khi người bệnh đã chết. Chỉ khi ấy mới có thể mở hộp sọ và cắt não mà không có nguy cơ gây sang thương đe dọa tính mạng. Tuy việc khảo sát não được làm trên xác chết có cung cấp thông tin, nhưng vì bị giới hạn ở một cái xác không có chức năng sinh lý của người sống nên việc khảo sát này khó cho chúng ta biết được nhiều về sự vận hành của não bộ trong cơ thể người sống.
Nhưng ngày nay sự việc đã khác hẳn. Có lẽ các tiến bộ quan trọng nhất từng được thực hiện trong công cuộc nghiên cứu về não đã có được dựa vào việc sử dụng kỹ thuật phân quét hình não (brain scan). Nhờ kỹ thuật này người ta đã có được những hình ảnh sinh động về cách vận hành nội tại của não mà không cần phải mở hộp sọ của người bệnh. Các kỹ thuật scan não chủ yếu được mô tả ở phần dưới đây và được minh họa ở Hình 2–11.
– Điện não đồ (electroencephalogram–EEG) ghi lại các tín hiệu xung điện đang được dẫn truyền trong não nhờ các điện cực gắn bên ngoài hộp sọ. Các kỹ thuật điện não đồ cổ điển chỉ có thể ghi lại một biểu đồ các đường biểu diễn sóng điện, nhưng các kỹ thuật hiện đại có khả năng chuyển đổi các hoạt động xung điện của não thành hình ảnh về não bộ và từ đó giúp chẩn đoán các vấn đề như động kinh (epilepsy) và mất khả năng học hỏi (learning disabilities).
– Chụp hình cắt lớp trục bằng máy điện toán (computerized axial tomography–CAT) sử dụng một máy điện toán để tạo hình ảnh về não dựa vào việc phối hợp hàng ngàn tia X độc lập ở nhiều góc độ chỉ hơi cách nhau. Kỹ thuật này cực kỳ hữu ích cho việc biểu thị các bất bình thường trong cấu trúc não bộ, như sự sưng và phình lớn của một số bộ phận của não. Nhưng kỹ thuật này không có khả năng cung cấp thông tin về hoạt động của não.
– Quét phân hình cộng hưởng từ tính (magnetic resonance imaging scan – MRI) tạo ra một từ trường đủ mạnh để cung cấp hình ảnh hiển thị có đầy đủ chi tiết trên máy điện toán về cấu trúc não.
– Chụp phim positron cắt lớp (positron emission tomography–PET) phản ánh rõ hoạt động thực tế của não vào một thời điểm nhất định. Như chúng ta đã giải thích khi thảo luận về trường hợp Andrea Fyie ở đầu chương này, kỹ thuật quét phân hình PET khởi đầu bằng cách tiêm các chất đồng vị phóng xạ vào não. Qua việc theo dõi các vị trí phát xạ bên trong não, máy điện toán có thể xác định được các vùng hoạt động nhiều hơn, và cung cấp một hình ảnh rõ nét về não đang lúc hoạt động.
Mỗi kỹ thuật nêu trên đều đưa ra nhiều khả năng khích lệ không những riêng cho việc chẩn đoán và chữa trị các bệnh lý và tổn thương ở não, mà còn giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về hoạt động bình thường của não.
2. Tủy trung tâm: “Não nguyên thủy” của chúng ta
Tuy các khả năng của não bộ con người vượt xa hơn bất cứ loài sinh vật nào, chúng ta sẽ không lấy làm lạ rằng, giống như ở loài linh trưởng (primates), các chức năng cơ bản như hít thở, ăn, và ngủ mà chúng ta có được điều khiển bởi một bộ phận tương đối nguyên thủy (theo nghĩa có từ thời sơ khai) của não. Bộ phận ấy được gọi là tủy trung tâm (central core, xem Hình 2–12), nó hoàn toàn giống não được tìm thấy ở tất cả các loài động vật có xương sống (vertebrates). Tủy trung tâm thường được xem là “não nguyên thủy” bởi vì người ta cho rằng nó đã tiến hóa tương đối sớm trong quá trình tiến hóa của loài người.
Nếu chúng ta đi từ đáy hộp sọ dọc lên theo tuỷ sống để định vị các cấu trúc của phần tủy trung tâm não, thì bộ phận đầu tiên của tủy trung tâm mà chúng ta gặp phải là hành tủy (medulla–xem Hình 2–13). Hành tủy kiểm soát một số thức năng quan trọng của cơ thể, trong đó quan trọng nhất là các chức năng hô hấp và duy trì nhịp tim. Gần kề hành tủy là cầu não (pons), nằm ngay kế bên hành tủy, và nối liền hai bán cầu não. Bao gồm các bó sợi thần kinh lớn, cầu não có nhiệm vụ dẫn truyền thông tin về vận động (transmitter of motor information), giúp phối hợp vận động các cơ (muscular coordination), và tiếp hợp vận động (movement integration) giữa nửa bên phải và nửa bên trái của cơ thể.
Tiểu não (cerebellum) ở ngay bên trên hành tủy và phía sau cầu não. Nếu không có sự góp sức của tiểu não, chúng ta sẽ không thể bước đi theo một vạch thẳng mà không lảo đảo hoặc không ngã chúi người về phía trước, bởi vì nhiệm vụ của tiểu não là giữ thăng bằng cơ thế. Tiểu não liên tục theo dõi thông tin được phản hồi từ các cơ để phối hợp các việc như định vi cơ, vận động cơ, và trương lực cơ. Trên thực tế, uống quá nhiều rượu dường như ức chế hoạt động của tiểu não dẫn đến dáng đi lảo đảo và các cử động đặc trưng cho tình trạng say rượu.
Cho đến đây, phần mô tả về các bộ phận của não đã gợi ý việc não được hình thành bởi một loạt các cấu trúc độc lập, có giới hạn rõ rệt, và tách biệt nhau. Tuy nhiên, một số bộ phận của não không chỉ đơn giản được bố trí theo một chuỗi thứ tự nối tiếp nhau, chúng còn được tìm thấy nằm bên trong hoặc xen giữa các cấu trúc khác. Một thí dụ là cấu tạo mạng lưới (reticular formation) trải dài từ hành tủy xuyên suốt tới cầu não. Cấu tạo mạng lưới này được hình thành bởi một nhóm tế bào thần kinh phục vụ như tên lính canh có nhiệm vụ kích hoạt ngay lập tức các bộ phận khác của não bộ, dẫn đến tình trạng kích ứng toàn bộ cơ thể giúp cơ thể cảnh giác đối với nguy cơ. Thí dụ như khi bạn bị giật mình bởi một tiếng động lớn, cấu tạo mạng lưới thần kinh của bạn sẽ thúc đẩy cơ thể bạn đi vào trạng thái cảnh giác tức thời, dẫn đến một trạng thái nhận thức cao độ nhằm quyết định xem bạn có cần phản ứng hay không. Ngoài ra, cấu tạo này còn một chức năng phục vụ khác diễn ra trong lúc bạn đang ngủ, chức năng này dường như thanh lọc các kích thích của môi trường xung quanh bạn và qua đó giúp cho bạn được ngủ yên giấc.
Các bộ phận còn lại của tủy trung tâm là vùng đồi và dưới đồi. Vùng đồi (thalamus) nằm ở chính giữa tủy trung ương, đóng vai trò chủ yếu của một đài tiếp sống nhằm tiếp nhận các tín hiệu liên quan đến các thông tin về cảm giác. Các tín hiệu được các giác quan như mắt, tai, và da di chuyển đến đồi não sẽ được truyền đạt tiếp lên các bộ phận ở phân hệ cao hơn trong não. Đồi não cũng tiếp hợp các thông tin từ các phân hệ cao hơn này, rồi sàng lọc chúng để gởi chúng tiếp lên tiểu não và hành tủy.
Vùng dưới đồi (hypothalamus) nằm ngay bên dưới vùng đồi. Tuy có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng bằng đầu ngón tay, nhưng vùng dưới đồi đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quy trình vận động của cơ thể. Một trong những chức năng chủ yếu của vùng dưới đồi là duy trì cân bằng nội môi (homeostasis), có nghĩa là duy tri một môi trường nội tại ổn định. Như chúng ta sẽ bàn luận sâu hơn ở chương 9, vùng dưới đồi giúp cung cấp một thân nhiệt ổn định và theo dõi lượng các chất dinh dưỡng được tích trữ ở các tế bào. Nhiệm vụ chủ yếu thứ hai không kém phần quan trọng là hình thành và điều chỉnh các hành vi tối cần cho tình trạng sinh tồn của loài người như ăn, uống, hành vi tình dục, gây hấn, và nuôi dưỡng con cái. (Bàn luận về một số công trình nghiên cứu gần đây về cấu trúc của não, xin xem phần “Nghiên cứu đang tiến hành”).
3. Hệ limbic: phần mở rộng của tủy trung tâm
Theo một tầm nhìn kỳ ảo về thế giới tương lai, một số nhà văn khoa học giả tưởng gợi ý sẽ có một ngày con người được thường quy cấy điện cực vào não. Các điện cực này sẽ giúp họ tiếp nhận được các rung động li ti tạo cảm giác khoái lạc bằng cách kích thích một số trung tâm của não bộ. Khi cảm thấy lo buồn, người ta chỉ cần kích hoạt các điện cực ây là đạt ngay đến trạng thái hưng phấn.
Mặc dù khó tin – và có thể cuối cùng sẽ không thực hiện được – nhưng ý tưởng độc đáo này về tương lai đã được suy ra từ thực tiễn: não thật sự có những trung tâm khoái lạc nằm ở một vùng được gọi là hệ limbic (limbic system), tạm dịch là “hệ bản tính”. Bao gồm một loạt các cấu trúc liên hệ với nhau, hệ limbic bao vòng quanh đỉnh phần tủy trung tâm và liên hệ với tủy trung tâm và vỏ não (Hệ này được định vị trong Hình 2–12, đại thể ở trong khoảng ranh giới giữa hai màu).
Các cấu trúc của hệ limbic đồng kiểm soát một số chức năng khác nhau liên quan đến sự sinh tồn, như ăn, gây hấn và sinh sản. Chấn thương đối với hệ limbic có thể gây ra những thay đổi hành vi cực kỳ quan trọng. Chấn thương có thể biến đổi các động vật có vú từ trạng thái hiền lành và thuần dưỡng sang trạng thái hoang dã hiếu chiến. Ngược lại, những động vật hoang dã khó thuần dưỡng nhất lại có thể trở thành hiền lành và biết vâng lời.
Có lẽ khám phá thách đố trí tuệ nhất đã nổi lên từ việc nghiên cứu hệ limbic, bắt nguồn từ cuộc khảo sát các tác động của các xung điện trên một số các bộ phận của hệ limbic. Trong một thí nghiệm, chuột cống được cấy một điện cực vào hệ limbic, sau đó mỗi khi đè vào một thanh chắn của lồng, chuột sẽ nhận được một dòng điện đi qua điện cực. Ngay cả những con chuột đói đang trên đường đi kiếm thức ăn cũng sẽ dừng chân để đạp vào thanh chắn thật nhiều lần tùy theo mức độ nó có thể làm được. Trên thực tế, nếu cứ để cho chúng tự do, chuột sẽ kích thích hệ bản tính của chúng như thế đến hàng ngàn lần một giờ, cho đến khi chúng kiệt sức ngã quỵ.
Mức độ cực khoái lạc do một số kiểu kích thích hệ limbic tạo ra cũng đã được tìm thấy ở loài người khi một số khu vực thuộc hệ limbic nhận kích thích điện, như thường áp dụng trong những liệu pháp dành cho việc đều trị chứng rối loạn chức năng não bộ (brain dysfunction). Tuy có khó khăn trong việc mô tả chính xác các cảm giác ấy, nhưng những người nhận kích thích điện báo cáo là họ đã có được cảm giác cực khoái, theo họ về một số mặt cảm giác này tương tự như cảm giác cực khoái (orgasm) có được trong lúc giao hợp.
Hệ limbic cũng đóng một vai trò quan trọng trong chức năng học hỏi và ghi nhớ.
Một khám phá đã chứng minh vai trò ấy ở những bệnh nhân bị động kinh đã được cắt bỏ một phần của hệ limbic như một liệu pháp nhằm cắt đứt các cơn động kinh. Sau cuộc giải phẫu cắt bỏ một phần hệ limbic, các bệnh nhân này đôi khi gặp khó khăn trong việc học hỏi và ghi nhớ các thông tin mới. Trong một trường hợp (sẽ được bàn luận trở lại khi chúng ta nghiên cứu về bộ nhớ ở Chương 6), sau cuộc giải phẫu cắt bỏ một phận hệ limbic bệnh nhân đã không nhớ được địa chỉ nhà mình đang ở mặc dù ông ta đã thường trú ở địa chỉ đó suốt 8 năm. Ngoài ra còn có trường hợp một người bệnh có khả năng nói chuyện thật sôi nỗi, nhưng chỉ vài phút sau đó anh ta không còn khả năng nhớ được mình đã vừa bàn luận về điều gì.
Như vậy, hệ limbic liên quan đến nhiều chức năng quan trọng, bao gồm chức năng sinh tồn, học hỏi, ghi nhớ, và cảm giác khoái lạc. Các chức năng này không chỉ riêng loài người mới có. Thật ra, hệ limbic đôi khi còn được gọi là “não bộ của loài thú” (animal brain) bởi vì cấu trúc và chức năng của nó quá giống các cấu trúc và chức năng được tìm thấy ở các động vật có vú khác. Để tìm ra được phần nào là đặc hiệu cho loài người, chúng ta cần chuyển qua một phần khác của não bộ: vỏ não.
TRÍCH DẪN THỜI SỰ
NÃO BỘ CỦA NAM GIỚI CÓ KHÁC BIỆT NỮ GIỚI?
Hãy xem xét các hiện tượng sau:
– Các bé trai thường dễ có vấn đề trong kỹ năng đọc ở bậc tiểu học so với các bé gái.
– Phụ nữ hồi phục sau một số thể chấn thương sọ não nhanh hơn nam giới.
– Nam giới có khả năng hơn nữ giới trong khi thực hiện các công việc liên quan đến lãnh vực không gian.
Tại sao tất cả những khẳng định trên lại có thể đúng. Một câu trả lời, mặc dù có vẻ ngược ngạo, gợi ý rằng có những cấu trúc khác nhau giữa não của nam giới và não của nữ giới. Theo giả thuyết này, có những điểm dị biệt tinh tế giữa cấu trúc não bộ nam và nữ. Những dị biệt về cấu trúc này được coi như là những nguyên nhân có thể gây ra nhiều dị biệt giữa nam giới và nữ giới liên quan đến hành vi. Dường như có nhiều thể loại di biệt giữa não bộ nam và nữ. Thí dụ như một phần thể chai (corpus callosum), một bó sợi nối liền phân nửa này của não với phân nửa còn lại, ở nữ có tỷ lệ lớn hơn so với nam. Các công trình nghiên cứu được tiến hành trên động vật cũng đã phát hiện những điểm dị biệt theo giới tính. Thí dụ như ở chuột cống, một số bộ phận ở vùng dưới đồi của chuột đực lớn hơn của chuột cái, mặc dù kích thước toàn bộ não chuột đực và não chuột cái bằng nhau. Ngoài ra, những dị biệt theo giới tính cũng được tìm thấy ở cấu trúc đuôi gai chuột cống, hamster, và khỉ.
Mặc dù càng ngày càng có các bằng chứng cho thấy có những di biệt tinh tế giữa não bộ nam và nữ, nhưng ý nghĩa của những dị biệt ấy thì vẫn chưa được làm rõ. Hãy thử xem xét một khả năng suy luận liên quan đến phần thể chai ở nữ lớn hơn ở nam: sự gia tăng về kích thước này có thể cho phép ta nghĩ đến những mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa phần này với những phần của não có nhiệm vụ kiểm soát khả năng nói. Giả thuyết này sẽ giúp giải thích tại sao khả năng nói có khuynh hướng phát triển ở các bé gái hơi sớm hơn so với các bé trai.
Tuy nhiên, trước khi chúng ta vội vã hướng đến một giải thuyết như trên, điều quan trọng là cần xem xét một giải thuyết khác: cũng có thể việc xuất hiện sớm khả năng nói ở các bé gái là do các bé gái được khuyến khích nói nhiều hơn các bé trai. Và sự xuất hiện sớm của khả năng nói sẽ kéo theo sự phát triển của một số bộ phận khác của não. Như vậy, các dị biệt về thể xác có thể là những phản ánh của những ảnh hưởng xã hội và môi trường, hơn là nguyên nhân của những dị biệt giữa nam là nữ liên quan đến hành vi. (Chúng ta bàn sâu hơn về vấn đề này khi chúng ta xem xét các di biệt Về giới tính ở Chương 15). Còn quá sớm để nói dược cái gì là nguyên nhân và cái gì là hậu quả của dị biệt giữa nam và nữ về cấu trúc của não. Điều hiển nhiên là kiến thức ngày càng phát triển về cấu trúc não đã chỉ cho chúng ta thấy những phương cách mới khả dĩ giúp chúng ta hiểu biết về các dị biệt giữa nam và nữ liên quan đến hành vi.
4. Tóm tắt học ôn III
A. TÓM TẮT
– Tủy trung tâm (central core) thuộc não bộ con người, đôi khi được xem là “não bộ nguyên thuỷ “, tương tự như não bộ tìm thấy ở tất cả các loài động vật có xương sống (vertebrates)
– Nếu dò theo hệ thần kinh trung ương (CNS) từ phía trên tuỷ sống đi vào não bộ, thì bộ phận đầu tiên chúng ta thấy được là hành tủy (medulla). Bộ phận này đảm nhiệm các chức năng như hô hấp và nhịp tim. Kế đó là cầu não (pons) có nhiệm vụ truyền đạt các thông tin vận động. Tiểu não (cerebellum) có liên quan đến việc kiểm soát các cử động của cơ thể.
– Cấu tạo lưới (reticular formation) trải từ hành tủy xuyên qua chủ não, có nhiệm vụ đánh thức và phát động toàn bộ cơ thể nhưng cũng phản ứng làm dịu kích thích từ môi trường bên ngoài trong khi người ta đang ngủ.
– Vùng đồi (thalamus) có nhiệm vụ chủ yếu là một trung tâm tríếp sóng thông tin cảm giác, vùng dưới đồi (hypothalamus) duy trì tình trạng ổn định nội môi (homeostasis), tức là môi trường không biến động bên trong cơ thể.
– Hành vi tìm thức ăn và sinh sản được chi phối một phần lớn bởi hệ bản tính (limbic system). Hệ này khi bị kích thích điện cũng gây ra cảm giác khoát lạc cho cơ thể.
B. HỌC ÔN:
1... là một kỹ thuật có thể giúp ta chụp được hình ảnh của não bộ mà không cần phải mổ hộp sọ ra.
2. Cặp đôi tên của mỗi kỹ thuật quét phân hình não bộ với phương thức tiến hành kỹ thuật ấy.
a. EEG.
b. CAT
c. MRI
d. PET
(1). Các từ trường cung cấp hình ảnh hiển thị trên màn hình máy điện toán.
(2). Vị trí của các chất đồng vị phóng xạ (radioactive isotopes) bên trong não bộ xác định các vùng hoạt động của não.
(3). Các điện cực gắn bên ngoài hộp sọ ghi lại các tín hiệu xung điện truyền đi bên trong não bộ.
(4). Phối hợp hàng ngàn bức hình chụp được bằng tia X thành một hình ảnh hiển thị trên màn hình máy điện toán.
3. Việc điều khiển các chức năng như hô hấp và ngủ thuộc về một bộ phận mới tiến hóa gần đây, gọi là “bộ óc mới tiền hoá”. Đúng hay Sai?...
4. Cặp đôi bộ phận thuộc não bộ với chức năng của nó.
a. Hành tuỷ.
b. Cầu não.
c. Tiểu não.
d. Cấu tạo lưới.
(1). Duy trì hô hấp và nhịp tim.
(2). Kiểm soát tình trạng cân bằng của cơ thể.
(3). Phối hợp và tiếp hợp các vận động của cơ.
(4). Kích hoạt não bộ để tạo tình trạng cảnh giác của cơ thể.
5. Bạn vừa nhận được bó hoa do người bạn tặng. Màu sắc, mùi hương và cảm nhận về bó hoa ấy còn lưu lại nhờ bộ phận nào trong não bộ?...
6..., một bộ phận thuộc não bộ có kích thước khoảng bằng đầu ngón tay. Có nhiệm vụ duy trì..., tức điều hòa mối trường bên trong cơ thể.
7. Vùng dưới đồi (hypothalamus) có nhiệm vụ tạo ra và điều chỉnh các hành vì có tính quyết định đối với sự sống còn của giống nòi như ăn uống, tình dục, và gây hấn. Đúng hay Sai?...
8. Người ta đã chứng minh rằng phụ nữ có khả năng nói thích hợp hơn nam giới do các dị biệt sẵn có trong não bộ. Đúng hay Sai?...
9. Chuột được cấy ghép điện cực vào... của não bộ đã chấm dứt việc đi tìm thức ăn để tiếp tục kích thích các điện cực ấy nhằm tìm cảm giác khoái lạc cao độ.
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Bạn sẽ trả lời ra sao đối với lập luận cho rằng: “Các nhà tâm lý nên dành công việc nghiên cứu nơron, khớp thần kinh, và hệ thần kinh cho các nhà sinh học.”?
(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)