Tâm lý học căn bản - Chương 03 - Phần 1
Chương 3. CẢM GIÁC VÀ NHẬN THỨC
DÀN BÀI
Mở đầu
Triển khai chủ đề
I. CẢM NHẬN THẾ GIỚI QUANH CHÚNG TA
1. Ngưỡng cảm nhận tuyệt đối.
2. Thuyết phân biệt tín hiệu.
3. Các sai biệt cảm nhận cụ thể.
4. Sự thích ứng của các cơ quan cảm giác.
5. Tóm tắt và học ôn I.
II. NĂM GIÁC QUAN
1. Thị giác: cơ quan cảm giác ở mắt.
2. Tóm tắt và học ôn II/1.
3. Giác quan cảm nhận âm thanh và tình trạng cân bằng của cơ thể.
ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC: Cải thiện các giác quan nhờ tiến bộ kỹ thuật.
4. Khứu giác, vị giác, và các giác quan ở da.
TRÍCH DẪN THỜI SỰ: Khám phá nguồn gốc của khẩu vị.
5. Tóm tắt và học ôn II/3, 4.
III. TÌM HIỂU THẾ GIỚI CHUNG QUANH: TIẾN TRÌNH NHẬN THỨC
1. Quy luật Gestalt về cách bố trí và tổ hợp các kích thích.
2. Phân tích đặc điểm: Chú trọng đến các thành phần thuộc tổng thể.
3. Xử lý từ trên xuống và từ dưới lên.
4. Sự bất biến của nhận thức.
5. Nhận thức chiều sâu: Chuyển hóa từ hai chiều sang ba chiều.
6. nhận thức chuyển động: Khi thế giới xoay chuyển.
7. Chú ý có chọn lựa: Sàn lọc thông tin về thế giới chung quanh.
8. Tóm tắt và học ôn III.
IV. SAI LẠC TRONG NHẬN THỨC
1. Ảo tưởng thị giác: nhận thức sai lạc của mắt.
THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TÂM LÝ HỌC: Khám phá và chữa trị chứng khó đọc–viết.
2. Tóm tắt và học ôn IV.
V. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ
VI. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI
MỞ ĐẦU
TRƯỜNG HỢP PETE TOWNSHEND
Cứu trợ tại chỗ. Hỗ trợ nông nghiệp. Trợ thính.
Trong khi câu cuối không khiến cho bạn lưu ý đến chút nào, thì đối với Townshend có lẽ nó thật sự có ý nghĩa. Là một trong số các ca sĩ hàng đầu đang hát cho ban nhạc The Who – cùng với ngày càng nhiều ca sĩ nhạc rock – Townshend nhận thấy thính giác của mình ngày càng suy kém thấy rõ. Nguyên nhân là phải nghe loại nhạc ồn ào quá lâu.
Townshend đau khổ vì chứng ù tai, vì tiếng vo vo không ngớt trong tai. Chứng này có thể là một cơn ác mộng đối với các nạn nhân mắc phải. Đối với một số người bị nhẹ, tiếng kêu vo vo ấy khi thì to hơn lúc thì nhỏ đi. Đối với một số người khác, tiếng vo vo kéo dài không ngớt đó có lúc to đến mức người ta không còn nghe được các âm thanh có cường độ bình thường nữa. Chứng ù tai có thể khiến người ta bực dọc, mất khả năng tập trung, và phiền muộn.
Đối với Townshend, tiếng vo vo ấy to bằng âm thanh của chiếc ghi ta điện, nó gây trở ngại cho tiếng hát của anh đến mức anh không còn hứng thú trình diễn nữa. Anh tâm sự: “Tôi đã phá hỏng thính giác của tôi. Sự kiện này gây tổn thương làm tôi đau đớn, và phá tan mộng đẹp của đời tôi…”
Nguyên nhân của rối loạn này nằm ở các tế bào lông tí hon thuộc tai trong (inner ear). Các tế bào này có những sợi lông tơ mọc nhô ra từ thân tế bào. Khi âm thanh vọt lên cao, các sợi lông này cong lại và duỗi ra. Thường thì các sợi lông phát sinh phản ứng đối với các âm thanh có cường độ bình thường, nhưng các đợt công kích thường xuyên của tiếng nhạc ồn ào có thể khiến cho các sợi lông ấy kém linh động đi. Hậu quả có thể là chứng ù tai, một tình trạng mà Pete Townshend phải ôm lấy suốt đời.
TRIỂN KHAI CHỦ ĐỀ
Mặc dù mất khả năng thính giác có lẽ là thứ rối loạn tàn khốc nhất đối với một nhạc sĩ, nhưng tổn thương ở bất cứ giác quan nào cũng là tai họa đối với chúng ta. Chẳng hạn, hãy thử nghĩ xem mọi việc sẽ ra sao khi chúng ta không còn trông thấy được hoặc mất đi vi giác, hoặc không còn ngửi được mùi vị bốc ra từ thế giới quanh chúng ta. Hiển nhiên là mọi cảm xúc của cơ thể chúng ta có ảnh hưởng sâu sắc đến tác phong cư xử hàng ngày của chúng ta.
Trong chương này chúng ta chú trọng đến các lãnh vực thuộc môn tâm lý học có liên quan đến bản chất của các loại thông tin mà cơ thể chúng ta tiếp nhận thông qua các giác quan, cùng cách thức theo đó chúng ta diễn dịch các loại thông tin ấy. Chúng ta sẽ nỗ lực tìm hiểu cảm giác (sensation), tức là tiến trình nhờ đó một sinh vật phản ứng đối với kích thích vật lý phát sinh từ môi trường chung quanh, lẫn nhận thức (perception), tức là tiến trình chọn lọc, diễn dịch, phân tích, và hợp nhất các kích thích gây ra phản ứng ở các giác quan của chúng ta. Đối với các nhà tâm lý thì việc quan tâm tìm hiểu các nguyên nhân gây ra tác phong cư xử của con người, cảm giác và nhận thức là các chủ đề căn bản; bởi vì hành vi của chúng ta phản ánh phần lớn cách thức chúng ta đáp ứng và diễn dịch mọi kích thích phát xuất từ thế giới quanh chúng ta. Thực ra, các vấn đề từ việc nhận diện các đặc điểm căn bản của thị giác và thính giác, đến việc tìm hiểu xem làm cách nào chúng ta có thể biết được đường hay chanh thứ nào ngọt hơn, cho đến việc tìm hiểu xem làm cách nào chúng ta phân biệt được người này với người khác, tất chỉ đều nằm trong phạm vi của cảm giác và nhận thức.
Mặc dù nhận thức rõ ràng là kết quả tự nhiên của tiến trình cảm giác, nhưng đôi khi người ta khó lòng phân biệt được hai khái niệm ấy. (Thực ra, chính các nhà tâm lý và cả đến các triết gia nữa – đã mất nhiều năm tranh luận về sự phân biệt này. Khác biệt quan trọng nhất là có thể xem cảm giác như là phản ứng đầu tiên của sinh vật đối với một kích thích nguyên sơ gây ra cho giác quan của nó, còn nhận thức là tiến trình nhờ đó cảm giác được phân tích, diễn dịch và hợp nhất với các thông tin cảm giác khác. Thí dụ, khi tìm hiểu cảm giác chúng ta có thể hỏi xem liệu một kích thích rõ nét đến mức nào; còn khi tìm hiểu nhận thức, chúng ta thắc mắc liệu người ta có nhận biết kích thích ấy không và nó có ý nghĩa gì đối với người ấy.
Để khởi đầu, chương này thảo luận mối tương quan giữa bản chất của một kích thích vật lý và các loại phản ứng của giác quan đối với kích thích ấy. Thảo luận cũng đề cập đến mức độ nhạy cảm của các giác quan đối với các loại kích thích khác nhau, và khả năng phân biệt các mức độ kích thích. Chúng ta sẽ thấy bản chất của các loại kích thích đặc biệt, mà với tư cách là con người chúng ta có khả năng đáp ứng với chúng, có ảnh hưởng ra sao đối với mọi khía cạnh tác phong cư xử của chúng ta.
Sau đó chương này tiến đến thảo luận các giác quan đặc biệt. Khởi đầu với thị giác, nó giải thích các khía cạnh vật lý của ánh sáng và mắt vận dụng ánh sáng ra sao để nhìn thấy được sự vật. Cấu trúc mắt được trình bày dưới dạng một cơ chế chuyển hóa ánh sáng thành các tín hiệu mà não bộ có thể xử lý được. Kế tiếp, chúng ta thảo luận đến bộ phận tai, nhân đó nghiên cứu thính giác và mối tương quan của nó với sự chuyển động và sự cân bằng của cơ thể. Mở đầu bằng cấu trúc vật lý của âm thanh, chúng ta theo dõi hành trình đi vào tai của nó và tìm hiểu xem âm thanh được chuyển hóa ra sao từ một kích thích vật lý thành một tín hiệu mà não bộ xử lý được. Chúng ta cũng thảo luận số giác quan còn lại: Khứu giác, vị giác, và các giác quan ở da. Các giác quan ở da bao gồm xúc chạm và cảm giác đau đớn.
Kế tiếp, chương này sẽ thảo luận đến một số vấn đề liên quan đến nhận thức. Khởi đầu bằng thảo luận về cách bố trí và tổ hợp các kích thích mà các giác quan da chúng ta tiếp nhận được nhằm nỗ lực tìm hiểu môi trường chung quanh. Sau đó chúng ta sẽ nghiên cứu thị giác, tập trung tìm hiểu xem làm thế nào chúng ta có thể nhận thức được thế giới này theo không gian ba chiều trong khi võng mạc chỉ có thể cảm nhận được các hình ảnh hai chiều. Cuối cùng, chúng ta bàn về các ảo tưởng thị giác (visual illusions). Việc làm này giúp ta có được một số đầu mối quan trọng để tìm hiểu cơ chế nhận thức tổng quát của chúng ta.
Như vậy, đọc xong chương này bạn có thể giải đáp được các câu hỏi sau:
– Cảm giác (sensation) là gì và các nhà tâm lý làm sao để nghiên cứu nó?
– Mối tương quan giữa bản chất của một kích thích vật lý với các loại phản ứng của các giác quan đối với kích thích ấy là gì?
– Các giác quan chính yếu là các giác quan nào, và những cơ chế căn bản nào làm nền tảng cho vận hành của chúng?
– Các quy tắc nào làm cơ sở để bố trí và tổ hợp các kích thích do các giác quan tiếp nhận được nhằm giúp chúng ta tìm hiểu môi trường chung quanh?
– Làm thế nào chúng ta có thể nhận thức được thế giới ba chiều trong khi võng mạc của chúng ta chỉ có thể cảm nhận được các hình ảnh hai chiều?
– Chúng ta sàng lọc các kích thích thính giác theo cách thức nào để chỉ chú ý đến các kích thích đặc biệt và bỏ qua các kích thích khác?
– Các ảo tưởng thị giác đem đến các đầu mối nào cho việc tìm hiểu cơ chế nhận thức tổng quát của chúng ta?
Nhờ khám phá các câu hỏi này, chúng ta sẽ thấy các giác quan phối hợp vận hành ra sao để cống hiến cho chúng ta một quan điểm và sự am hiểu hợp nhất về thế giới chung quanh.
I. CẢM NHẬN THỂ GIỚI QUANH CHÚNG TA
Đến với một số người, nằm trên một bờ hồ vắng lặng để thưởng thức cảnh vật êm ả và thanh thản là dịp tốt để tạm lánh khỏi cảnh tất bật và âm thanh nhức óc của cuộc sống náo nhiệt. Thế nhưng, đối với những con vật thuộc các loại khác con người, có năng khiếu linh mẫn hơn con người nhiều, chính cái hồ ấy lại là một môi trường thực sự có nhiều thứ kích thích thách đố năng khiếu của chúng. Những loại kích thích ấy con người không thể cảm nhận được vì giới hạn cơ thể của mình.
Chẳng hạn, đối với một con chó chạy rông ruổi khắp nơi thì cái hồ ấy quả là nơi toát ra rất nhiều mùi vị cám dỗ, một bản giao hưởng gồm nhiều thứ thanh âm lạ kỳ, và là một cảnh tượng hối hả của từng đoàn côn trùng và các sinh vật li ti khác đang bận rộn di chuyển. Chẳng những thế, cảnh vật ấy còn đầy ắp nhiều dạng năng lực vật chất khác nữa mà con người hay con vật, hay cả đến bất cứ loài sinh vật nào khác cũng không cảm nhận nổi: Đó là các làn sóng truyền thanh, ánh sáng cực tím, và các loại âm thanh cực cao hay cực thấp.
Muốn biết các nhà tâm lý quan sát một cảnh vật như thế ra sao, trước hết chúng ta cần quán triệt một số thuật ngữ căn bản. Chính thức mà nói, bất cứ một dạng năng lượng thoáng qua nào khởi động được một cơ quan cảm giác đều được xem là kích thích. Như vậy, kích thích (stimulus) là một dạng năng lượng gây ra một đáp ứng ở một cơ quan cảm giác.
Các loại kích thích khác biệt nhau tùy theo loại hình và cường độ của chúng. Các dạng kích thích khác nhau sẽ khởi động các cơ quan cảm giác khác biệt nhau. Chẳng hạn, chúng ta có thể phân biệt các kích thích do ánh sáng gây ra, chúng khởi động thi giác của chúng ta để giúp chúng ta thấy được các màu sắc của cây cối trong cảnh vật mùa thu. Các kích thích ấy khác biệt với các kích thích do âm thanh gây ra cho thính giác để giúp chúng ta nghe được âm thanh trầm bổng của một bản nhạc.
Người ta cũng cảm nhận được sự khác biệt của mỗi loại kích thích căn cứ vào cường độ (intensity) của chúng. Chẳng hạn, kích thích ánh sáng phải có cường độ bao nhiêu thì mắt chúng ta mới cảm nhận được, hoặc giả người ta phải xức bao nhiêu nước hoa mới gây được sự chú ý của kẻ khác. Tất cả đều liên quan đến cường độ của kích thích.
Vấn đề cường độ kích thích đến mức nào mới gây ra đáp ứng ở các giác quan thuộc phạm vi của một chuyên ngành tâm lý học gọi là tâm vật lý. Ngành tâm vật lý (psychophysics) nghiên cứu mối tương quan giữa bản chất vật lý của kích thích với các đáp ứng của giác quan khi con người tiếp nhận kích thích ấy. Ngành tâm vật lý đã từng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng bộ môn tâm lý học hồi ban sơ; nhiều nhà tâm lý tiên phong đã nghiên cứu các đề tài liên hệ đến tâm vật lý. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì ngành tâm vật lý là chiếc cầu nối liền thế giới vật chất bên ngoài với thế giới tâm lý bên trong.
1. Ngưỡng cảm nhận tuyệt đối
Hiễn nhiên con người không thể nào cảm nhận được tất cả mọi thứ kích thích vật chất đang thực sự hiện hữu ở môi trường chung quanh, như đã nêu trên đây trong thí dụ của chúng ta về cái hồ có cảnh vật bề ngoài có vẻ êm ả. Vậy kích thích phải có cường độ đến mức nào thì các giác quan của chúng ta mới cảm nhận được? Câu trả lời buộc chúng ta phải hiểu rõ khái niệm về ngưỡng cảm nhận tuyệt đối. Ngưỡng cảm nhận tuyệt đối (absolute threshold) là cường độ thấp thất mà một kích thích phải có để các giác quan của chúng ta có thể cảm nhận được. Mặc dù như trên đây chúng ta đã đề cập là so với các loài sinh vật khác thì khả năng cảm nhận của loài người không được thiên nhiên ưu đãi cho lắm, nhưng thực ra ngưỡng cảm nhận tuyệt đối của con người cũng khá phi thường. Chẳng hạn, hãy thử xem các thí dụ sau đây về ngưỡng cảm nhận của các giác quan con người:
– Thị giác: trông thấy được một ngọn nến thấp sáng ở cách xa 30 dặm trong đêm tối không có sương mù.
– Thính giác: nghe được tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ đeo tay ở cách xa khoảng hơn 6 mét trong khung cảnh yên lặng.
– Vị giác: phân biệt được vị ngọt của 1 thìa đường hòa tan trong khoảng 7,5 lít nước.
– Khứu giác: cảm nhận được một giọt nước hoa trong 1 căn chung cư có 3 phòng.
– Xúc giác: cảm nhận được cánh của 1 con ong rơi cách mặt 1 cm như vờn nhẹ lên gò má.
Các ngưỡng cảm nhận ấy cho phép các cơ quan cảm giác của con người phân biệt được các kích thích trong một phạm vi khá rộng lớn. Thực tế, các năng khiếu cảm nhận của chúng ta đã được phú bẩm hoàn hảo đến mức chúng ta sẽ gặp trở ngại nếu như các năng khiếu ấy có mức nhạy cảm hơn mức thiên phú này. Chẳng hạn, tai chỉ cần thính hơn một chút thôi chúng ta sẽ nghe được âm thanh của các phân tử khí trời gõ vào màng nhĩ – và hiện tượng này chắc chắn sẽ gây ra nhiễu âm và thậm chí có thể khiến chúng ta không thể nghe được các âm thanh bên ngoài cơ thể chúng ta.
Dĩ nhiên, các ngưỡng cảm nhận vừa đề cập được đo lường trong các điều kiện lý tưởng; thông thường các giác quan của chúng ta không thể cảm nhận kích thích một cách khá hoàn hảo được bởi vì tình trạng nhiệt náo trong môi trường chung quanh. Theo các nhà tâm vật lý, nhiệt náo (noise) là một dạng kích thích tự nhiên của môi trường can thiệp vào tiến trình nhận thức các kích thích khác với nó. Như vậy, nhiệt náo không những chỉ liên can đến các kích thích thính giác – là thí dụ hiển nhiên nhất – mà còn liên can đến các dạng kích thích tác động đến các giác quan khác của chúng ta nữa. Hãy tưởng tượng một nhóm người cười nói xôn xao nêm chật trong một căn phòng nhỏ ở một buổi tiệc. Tiếng cười nói ầm ĩ của đám đông khiến chúng ta khó lòng nghe được tiếng nói của từng người, và khói thuốc lá làm chúng ta khó trông rõ mọi vật, hoặc thậm chí khó lòng thưởng thức mùi vị của các món ăn. Trong trường hợp này, khói thuốc lá và tình trạng đông đúc được xem là “nhiệt náo”, bởi vì chúng hạn chế mức nhạy cảm của các giác quan.
2. Lý thuyết phân biệt tín hiệu
Náo nhiệt không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm của chúng ta đối với kích thích. Chẳng hạn, hãy thử nghĩ xem sự việc sẽ ra sao nếu bạn là một bác sĩ đang khám ngực của một bệnh nhân. Vấn đề của bạn không chỉ đơn thuần cảm nhận nhịp tim đập – một thứ âm thanh đương nhiên hiện hữu. Mà vấn đề bạn gặp phải là phân biệt nhịp tim đập bình thường với nhịp đập của người mắc bệnh.
Một số yếu tố tác động khiến cho bạn sẽ xác định được bệnh trạng hay không, bao gồm các kỳ vọng của bạn đối với bệnh nhân, kiến thức và kinh nghiệm chữa trị của bạn, và cả đến động cơ làm việc của riêng bạn nữa. Như vậy khả năng phát hiện và cảm nhận một kích thích sẽ không đơn thuần là một hàm số đối với đặc điểm của kích thích ấy; nó cũng còn bị ảnh hưởng bới các ưu tư về mặt tâm lý nữa.
Lý thuyết phát hiện tín hiệu (signal detection theory) là một thành quả của các nhà tâm vật lý tìm cách giải thích vai trò của các yếu tố tâm lý đối với khả năng nhận diện các kích thích của con người. Lý thuyết này thừa nhận rằng các quan sát viên có thể vấp phải sai lầm ở một trong hai trường hợp: báo cáo có kích thích trong khi nó không hiện hữu, hoặc báo cáo kích thích không hiện hữu trong khi thực tế nó hiện hữu. Nhờ kỹ thuật thông kê, các nhà tâm lý vận dụng thuyết phát hiện tín hiệu có thể tìm hiểu được các quan điểm khác biệt nhau – các quan điểm có thể bao gồm các yếu tố như kỳ vọng và động cơ của quan sát viên – liên hệ như thế nào đến các đánh giá của họ và các kích thích cảm giác trong các tình huống khác biệt nhau. Các phương pháp thống kê cũng giúp các nhà tâm lý gia tăng mức tin cậy đối với các dự đoán về các tình huống nào sẽ khiến cho các quan sát viên có đánh giá chính xác nhất.
Các khám phá này có tầm quan trọng thực tiễn lớn lao, như trong trường hợp các nhân viên điều khiến đài radar có nhiệm vụ nhận diện và phân biệt các hỏa tiễn do địch phóng đến với các tín hiệu radar ghi nhận mấy con chim bay ngang qua căn cứ quân sự. Một lãnh vực khác mà thuyết phát hiện tín hiệu có ý nghĩa thực tiễn là hệ thống tư pháp (judicial system). Các nhân chứng được yêu cầu nhận diện thủ phạm trong một nhóm kẻ tình nghi phạm tội đứng xếp hàng trong phòng cách ly. Khi ấy việc nhận diện sai lầm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho một cá nhân (nếu như người vô tội bị nhận diện sai lầm cho là thủ phạm) và cho xã hội (nêu tên thủ phạm thực sự không được nhận diện). Tuy nhiên, nhiều nhân chứng thường có quan điểm thiên lệch xuất phát từ thành kiến đối với hoàn cảnh cảnh kinh tế xã hội và chủng tộc, từ thái độ của họ đối với hệ thống cảnh sát và tư pháp hình sự, và từ các nhận định khác. Các quan điểm thiên lệch này gây trở ngại cho việc thẩm định chính xác.