Tâm lý học căn bản - Chương 03 - Phần 3

c. Xử lý tín hiệu thị giác: Trước khi đến được não bộ, tín hiệu thị giác đã trải qua mấy giai đoạn xử lý. Một trong những hiện trường xử lý ban đầu là các tế bào hạch. Mỗi tế bào hạch tập hợp các thông tin từ một nhóm tế bào que và nón ở một vùng đặc biệt của mắt và so sánh mật độ ánh sáng truyền đến trung tâm của vùng ấy với mật độ ánh sáng ở xung quanh trung tâm ấy. Trong một số trường hợp, các tế bào hạch được kích thích bởi ánh sáng ở trung tâm (và bóng tối ở quanh đấy). Trong các trường hợp khác, sự việc diễn ra ngược lại: một số tế bào hạch được kích thích khi có bóng tối ở trung tâm và ánh sáng ở quanh đó. Hậu quả sau vùng của tiến trình này là tối đa hóa cảm nhận đối với các sai biệt về ánh sáng và bóng tối. Như vậy, tín hiệu thần kinh về hình ảnh được chuyển đến não bộ là một dạng cải biến nâng cao của kích thích thị giác thực tế từ bên ngoài cơ thể.

Dĩ nhiên, việc xử lý sau cùng các hình ảnh thấy được xảy ra ở vùng vỏ não chịu trách nhiệm về thị giác, và chính nơi đây các hình thức xử lý phức tạp nhất mới xảy ra. Hai nhà khoa học đoạt giải Nobel là David Hubel và Torsten Wiesel đã khám phá được rằng nhiều nơron ở vỏ não có tính chất chuyên trách vô cùng đặc biệt đến mức chỉ được phát động bởi các kích thích thị giác do các vật có hình dáng đặc biệt – tiến trình này gọi là phân biệt đường nét (feature detection). Thí dụ, một số tế bào chỉ được phát động bởi các đường nét phản ảnh chiều rộng, hình dáng, hay chiều hướng đặc biệt. Các tế bào khác chỉ được phát động bởi các kích thích di động, ngược lại các kích thích bất động. Cũng có chứng cứ do thí nghiệm với loài khỉ cho thấy một nhóm tế bào đặc thù đến mức dường như phản ứng với các kích thích phức tạp như một bề mặt đặt trong một chiều hướng đặc biệt nào đô.

Các nhà nghiên cứu cũng khám phá được rằng các tế bào trong vỏ não được bố trí sao cho vùng thị giác cảm nhận được phối cảnh mà mắt đã nhìn thấy. Nói khác đi, các tế bào não tương ứng các khu vực lân cận trong thị trường trên võng mạc cũng nằm bên cạnh nhau trên vỏ não. Tuy nhiên, cách bố trí tương ứng này cũng có phần chênh lệch, ấy là một khu vực chiếm diện tích rộng hơn trên vỏ não nhằm tương ứng với các khu vực võng mạc có nhiều tế bào que và nón nhất. Ngoài ra, não bộ không chỉ có một cách bố trí mà đồng thời có một số cách bố trí để cảm nhận phối cảnh do các thông tin từ thị trường đưa vào. Trên thực tế, dường như có ít nhất đến 10 cách bố trí hoàn chỉnh riêng biệt nhằm cảm nhận mọi khía cạnh của thế giới về mặt thị giác, và não bộ hợp nhất tất cả mọi bố trí cảm nhận ấy lại.

d. Sự thích ứng từ sáng vào tối: Bạn đã từng bước vào một rạp chiếu phim trong một ngày có ánh nắng mặt trời rực rỡ và dò dẫm tìm ghế ngồi, trong bóng tối chẳng thể trông thấy được vật gì cả không? Bạn cũng còn nhớ sau đó đã đứng dậy đi mua bắp rang mà chẳng hề bị vấp váp chút nào trong khi di chuyển giữa các dãy ghế không?

Khó khăn ban đầu khi nhìn trong rạp chiếu phim mờ tối gây ra bởi sự thích ứng ánh sáng* (light adaptation), một hiện tượng trong đó mà tạm thời không nhạy cảm với ánh sáng mờ tối hơn so với mức độ ánh sáng vừa mới kích thích mà ngay trước đó. Ngược lại, sự kiện sau đó bạn có thể nhìn thấy tương đối khá là do sự thích ứng bóng tối (dark adaptation), là hiện tượng trong đó tính nhạy cảm tăng lên đối với ánh sáng mờ tối sau một thời gian ở trong khung cảnh khá mờ tối.

Tốc độ thích ứng bóng tối cũng như thích ứng ánh sáng là hàm số của tốc độ xảy ra các biến đổi về thành phần hóa chất trong các tế bào hình que và hình nón. Các biến đổi này xảy ra theo tốc độ khác nhau đối với hai loại tế bào: tế bào hình nón đạt đến mức thích ứng cao nhất chỉ trong vòng vài phút, còn tế bào hình que cần phải mất gần 30 phút mới đạt đến mức thích ứng tối đa. Ngược lại, các tế bào hình nón không bao giờ đạt đến mức nhạy cảm ánh sáng mà các tế bào hình que đã đạt được. Dù vậy, xét về mặt phối hợp phát động giữa các tế bào hình que và hình nón thì cần phải mất thời gian khoảng nửa giờ đồng hồ sự thích ứng của mắt với một phòng tối mới hoàn tất.

e. Nhìn màu và mù màu: quang phổ 7 – triệu – màu: So sánh với quang phổ gồm toàn bộ các loại sóng điện từ ánh sáng thì phạm vi độ dài sóng ánh sáng mà con người cảm nhận được tương đối hẹp. Tuy vậy phạm vi này cũng giúp chúng ta khá nhiều trong việc cảm nhận thế giới chung quanh. Không có cách trình bày nào sáng tỏ bằng cách nêu ra con số màu sắc mà chúng ta có thể phân biệt được: một người có thị lực bình thường có khả năng phân biệt được không dưới 7 triệu màu sắc khác nhau.

Mặc dù số lượng màu sắc mà con người binh thường có khả năng phân biệt được rất lớn lao, nhưng một số người lại có khả năng cảm nhận màu sắc rất hạn chế những người này bị bệnh mù màu (color – blind). Điều thú vị là tình trạng của những cá nhân này đã cống hiến một số đầu mối quan trọng nhất giúp chúng ta tìm hiểu cơ chế nhìn màu.

Dù vật, trước khi bàn tiếp chúng ta hãy xem các tấm ảnh trình bày ở Hình 3 – 5. Nếu bạn không thể tìm thấy một điểm khác biệt nào trong loạt ảnh này, có lẽ bạn thuộc vào số 2% nam giới hoặc vào số 2 người trong 10.000 nữ giới bị bệnh mù mau.

Hình 3–5: Các nhiệt khí cầu này xuất hiện dưới dạng tấm ảnh (a) đối với người có thị lực bình thường. (b) Người bị bệnh mù màu đỏ lục sẽ thấy giống như ảnh này, dưới dạng màu lam và vàng. (c) Ngược lại, người bị bệnh mù màu lam – vàng sẽ thấy dưới dạng màu đỏ và lục. (d) Đối với người bị bệnh đơn sắc (monochromat), còn gọi là bệnh mù màu hoàn toàn, sẽ thấy dưới dạng giống như ảnh này.

Đối với hầu hết người bị tật mù màu, thế giới quả khá tẻ nhạt: các xe cứu hỏa màu đỏ hóa ra có màu vàng, đám cỏ xanh mơn mởn trông ra màu vàng, và cả ba màu ở đèn hiệu giao thông cũng thành ra màu vàng. Thực tế, dạng bệnh mù màu thường thấy nhất là tật mù màu đỏ – lục (protanopia), các vật màu đỏ và lục đều trông nhầm thành màu vàng. Cũng có các hình thức mù màu khác, nhưng thường rất hiếm. Người bị tật mù màu vàng – lam không thể phân biệt được màu vàng với màu lam, và trong trường hợp trầm trọng nhất người bị tật không cảm nhận được màu nào cả. Thế giới đối với họ trông giống như một bộ phim phát ra ở chiếc máy truyền hình đen trắng vậy.

Muốn tìm hiểu lý do tại sao một số người chúng ta bị tật mù màu, cần phải nghiên cứu các điểm căn bản về cơ chế nhìn màu. Dường như cơ chế này bao gồm 2 tiến trình. Tiến trình thứ nhất căn cứ vào lý thuyết được gọi tên là lý thuyết tam sắc (trichromatic theory). Thuyết này cho rằng võng mạc có ba loại tế bào hình nón, mỗi loại chủ yếu phản ứng với các loại ánh sáng thuộc một phạm vi độ dài sóng đặc biệt. Một loại đáp ứng hữu hiệu nhất đối với các màu lam – tim, một loại đối với màu lục, và loại kia đối với các màu vàng – đỏ. Theo lý thuyết tam sắc, sự cảm nhận bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ tương đối của một trong ba loại tế bào hình nón phát huy hiệu lực. Thí dụ, khi chúng ta nhìn lên bầu trời xanh lam, thì các tế bào hình nón lam – tím được khởi động nhiều nhất, còn các loại tế bào hình nón khác hoạt động kém đi. Lý thuyết tam sắc lý giải trực tiếp tật mù màu: nó cho rằng một trong ba loại tế bào hình nón hoạt động sai lệch khiến cho các màu sắc thuộc phạm vi độ dài sóng đặc biệt ấy được cảm nhận sai lệch đi.

Tuy nhiên, lý thuyết tam sắc không lý giải được một số hiện tượng khác. Chẳng hạn, nó không giải thích được lý do các cặp màu có thể pha trộn thành màu xám. Lý thuyết ấy cũng không giải thích được điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn nhìn chăm chú khoảng 1 phút vào một vật trông giống như lá cờ trình bày ở Hình 3 – 6. Bạn hãy thử nhìn xem rồi dời ánh mắt xuống khoảng trống ở bên dưới. Bạn sẽ thấy được ở đó có hình ảnh cờ Mỹ gồm 3 màu truyền thống đỏ, trắng và xanh lam. Nơi nào thuộc vật ở phía trên có màu vàng bạn sẽ thấy ra màu xanh lam, và nơi nào có màu lục và đen thì bạn sẽ thấy ra màu đỏ và trắng.

Hình 3–6: Nếu bạn nhìn chăm chú vào cái chấm tròn ở giữa lá cờ trong thời gian khoảng một phút, rồi sau đó dời ánh mắt xuống khoảng giấy trắng bên dưới là cờ, ảnh tượng lưu tồn sẽ khiến cho các màu truyền thống đỏ, trắng, và lam trên lá cờ đã biến mất hoàn toàn.

Hiện tượng bạn vừa cảm nhận được gọi là ảnh tượng lưu lại (after image). Hiện tượng này xảy ra do võng mạc vẫn còn tiếp tục hoạt động dù rằng bạn không còn nhìn chăm chú vào hình thật nữa. Nó cũng minh chứng rằng lý thuyết tam sắc không thể giải thích hoàn chỉnh cơ chế nhìn màu. Tại sao các màu ở ảnh tượng lưu lại lại khác biệt với các màu ở hình thật?

Bởi vì lý thuyết tam sắc không giải thích được hoàn chỉnh cơ chế nhìn màu. nên các nhà nghiên cứu thị lực đã xây dựng được một cách giải thích khác. Theo lý thuyết xử lý đối nghịch (opponent – process theory) các tế bào thụ thể liên kết nhau từng cặp hoạt động đối nghịch lẫn nhau. Đặc biệt, có các cặp lam – vàng, đỏ – lục, và đen – trắng. Khi 1 vật phản chiếu ánh sáng có màu lam trội hơn màu vàng, ánh sáng ấy kích thích phát động các tế bào nhạy cảm với màu lam, đồng thời làm giảm hoặc ngăn chặn sự phát động các tế bào nhạy cảm với màu vàng – do đó vật ấy dường như có màu lam. Ngược lại, ánh sáng có màu vàng trội hơn màu lam sẽ kích thích phát động các tế bào nhạy cảm với màu vàng và đồng thời ngăn chặn không cho các tế bào nhạy cảm với màu lam phát động, nên vật ấy dường như có màu vàng.

Lý thuyết xử lý đối nghịch giúp chúng ta lý giải trực tiếp các ảnh tượng lưu tồn. Thí dụ, khi chúng ta nhìn chăm chú vào màu vàng trong hình, các tế bào thụ thể đối với thành tố vàng trong cặp vàng – lam sẽ bị mỏi mệt và trở nên kém khả năng phản ứng đối với kích thích màu vàng. Ngược lại, thành tố lam trong cặp không bị mệt bởi vì nó chưa bị kích thích. Khi chúng ta nhìn vào khoảng giấy trắng thì ánh sáng phản chiếu từ đó thường sẽ kích thích đồng đều các thụ thể vàng và xanh. Nhưng sự mỏi mệt của các thụ thể vàng ngăn chặn chúng phát động nên chúng tạm thời không phản ứng được với màu vàng, sự kiện này khiến cho ánh sáng trắng ấy dường như có màu lam. Bởi vì các màu khác trong hình vẽ cũng tác dụng tương tự đối với các thành tố đối nghịch với chúng, nên ảnh tượng tồn tại sẽ phát sinh các màu sắc đối nghịch trong giây lát. Ảnh tượng lưu lại đó chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn mà thôi bởi vì chẳng bao lâu các thụ thể vàng sẽ phục hồi sức lực, khi ấy ánh sáng màu trắng sẽ được cảm nhận chính xác trở lại.

May mắn thay, chúng ta không lâm vào thế phải chọn lựa giữa lý thuyết xử lý đối nghịch và lý thuyết tam sắc, bởi vì ngày nay rõ ràng cả hai cơ chế ấy đều giúp chúng ta nhìn màu một cách hữu hiệu. Nhưng, chúng vận hành ở các bộ phận khác nhau trong hệ thống cảm nhận thị giác. Lý thuyết tam sắc xử lý công tác trong phạm vi võng mạc, còn cơ chế xử lý đối nghịch vận hành cả ở võng mạc lẫn ở các giai đoạn xử lý tín hiệu thần kinh sau đó.

Như vậy, dường như công việc phân tích thông tin thị giác của não bộ diễn ra cùng một lúc ở khắp một số bộ phận bên trong mắt và não bộ. Động tác nhìn dường như không diễn ra dưới dạng một chuỗi liên tục các biến cố xảy ra trong não bộ, đoạn xử lý này nối tiếp sau đoạn khác. Thay vì thế, não bộ xử lý thông tin thị giác đến từ mắt bằng phương thức vận dụng các hệ thống cấu trúc và đường thần kinh riêng biệt nhau, mỗi hệ thống chuyên trách phân tích các khía cạnh thị lực khác nhau.

Nhờ tích lũy được nhiều kiến thức về thị giác, các nhà tâm lý đã tìm ra được một số biện pháp mới mẻ nhằm giúp đỡ những người bị khuyết tật về thị giác. Thí dụ, một số nhà tâm lý đang cố gắng phát minh loại đèn tín hiệu giao thông giúp cho những người tật mù màu có thể phân biệt được hữu hiệu hơn, nhằm giảm thiểu tai nạn lưu thông. Sự am tường về thị giác cũng đã giúp chúng ta thực hiện được các cải tiến kỹ thuật quan trọng. Chẳng hạn, nhờ biết được rằng trong mắt chúng ta có 3 loại tế bào hình nón người ta đã phát minh ra được truyền hình màu. Giống như con mắt, màn hình TV màu gồm các chấm nhỏ có màu đỏ, lục, và lam được pha trộn theo các mức độ khác nhau để tạo màu.

2. Tóm tắt và học ôn II/1

A. TÓM TẮT:

– Mặc dù xưa nay người ta đều cho rằng con người chỉ có 5 giác quan, nhưng các nhà tâm lý nghiên cứu vấn đề cảm giác đã khám phá ra được trên thực tế con người có nhiều loại giác quan hơn thế nhiều.

– Con mắt chúng ta nhạy cảm với các loại sóng bức xạ điện từ có độ dài sóng nhất định; các loại sóng này được ghi nhận ở mắt dưới dạng cảm giác ánh sáng.

– Khi ánh sáng chiếu vào mắt, nó xuyên qua giác mạc (cornea), đồng tử (pupil), và thủy tinh thể (lens) rồi cuối cùng đến võng mạc (retina). Nơi đây năng lượng điện từ của ánh sáng được chuyển hóa thành các xung lực thần kinh não bộ sử dụng được. Các xung lực này rời khỏi bộ phận mắt truyền theo dây thần kinh thị giác đến não bộ.

– Võng mạc cấu tạo bởi các tế bào thần kinh gọi là các tế bào hình que (rods) và tế bào hình nón (cones). Mỗi loại đóng một vai trò khác nhau trong cảm nhạn thị giác và có chức năng thích ứng với bóng tối và ánh sáng.

– Con người có khả năng phân biệt được 7 triệu màu sắc. Người ta cho rằng cơ chế nhìn màu bao gồm 2 tiến trình: cơ chế tam sắc và hệ thống xử lý đối nghịch (trichromatic mechanisms and Opponent – processing system).

B. HỌC ÔN:

1) Ánh sáng đi vào mắt trước tiên xuyên qua..., một cửa sổ bảo vệ.

2) Cấu trúc chuyển hóa ánh sáng thành các tín hiệu thần kinh được gọi là...?

3) Ánh sáng hội tụ được ở đáy mắt nhờ mống mắt (iris). Đúng hay Sai?...

4) Một phụ nữ có mắt xanh lơ có thể được xem là có sắc tố xanh lam (blue pignent) ở...

5) Tiến trình thay đổi độ dày của thủy tinh thể nhằm hội tụ ánh sáng đúng chỗ được gọi là tiến trình gì?

6) Chuỗi gồm các bộ phận trong mắt mà ánh sáng lần rượt đi qua là...

7) Trên võng mạc (retina), mật độ tế bào hình que tập trung nhiều nhất ở một khu vực gọi là hố mắt (fovea). Đúng hay Sai?...

8) Cặp đôi mỗi loại tế bào thụ thể thị giác với chức năng của nó.

...a. Tế bào hình que (rods)

...b. Tế bào hình nón (cones)

1. Hữu hiệu đối với ánh sáng mờ tối, hoàn toàn không nhạy cảm với màu sắc.

2. Phân biệt màu sắc, hữu hiệu trong ánh sáng rực rỡ.

9) Chọn một chuỗi chính xác gồm các bộ phận mà tín hiệu thị giác sẽ đi qua sau khi ánh sáng chạm vào võng mạc.

a. Tế bào hạch, dây thần kinh thị giác, tế bào lưỡng cực, giao thoa thị giác.

b. Tế bào lưỡng cực, tế bào hạch, giao thoa thị giác, dây thần kinh thị giác.

c. Giao thoa thị giác, tế bào lưỡng cực, tế bào hạch, dây thần kinh thị giác.

d. Tế bào lưỡng cực, tế bào hạch, dây thần kinh thị giác, giao thoa thị giác.

e. Dây thần kinh thị giác, giao thoa thị giác, tế bào hạch, tế bào lưỡng cực.

10) John hẹn gặp cô bạn gái trong một rạp chiếu phim. Như thói quen, anh đến trễ và xuất chiếu đã bắt đầu rồi. Anh phải dò dẫm đi giữa các dãy ghế, chẳng nhìn thấy gì cả do hậu quả của hiện tượng thích ứng với... Xui xẻo thay, người phụ nữ mà anh sà xuống ngồi cạnh và quàng tay lên vai lại không phải là cô em gái của anh. Anh xấu hổ nghĩ rằng phải chi anh chịu dành cho đôi mắt của mình cơ hội chờ đợi hiện tượng thích ứng với xảy ra.

11) Lý thuyết phát biểu rằng võng mạc có 3 loại tế bào hình nón, mỗi loại chủ yếu phản ứng với một màu khác biệt.

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Tại sao bạn tin rằng mắt chúng ta vận dụng 2 loại tế bào thụ thể khác biệt là tế bào hình que và hình nón? Tại sao bộ phận mắt đã tiến hóa đến mức các tế bào hình que, không ghi được hình ảnh sắc nét? Hệ thống thị giác này có ưu điểm gì không?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

3. Thính giác và tình trạng thăng bằng của cơ thể

Phi thuyền đã được phóng lên không gian dễ dàng so với sự việc phi hành gia đang trải qua: căng thẳng do chuyến bay vào vũ trụ. Chứng bợn dạ và nôn mửa không dứt cũng đủ khiến anh muốn gọi điện về trung tâm để yêu cầu được quay về căn cứ. Dù đã được báo trước rằng chuyến du hành đầu tiên này sẽ gây chứng bệnh này cho phi hành gia theo xác suất 50%, anh vẫn không tin rằng chứng bệnh thực sự đáng sợ đến thế. Làm sao anh sống và làm việc được trong trạm không gian trong 3 tháng tới trong tình trạng như thế này?

Dù nhà phi hành trong trí tưởng tượng có xoay hỏa tiễn bắn ngược lại để đưa phi thuyền quay về địa cầu hay không, thì kinh nghiệm của anh là một khó khăn lớn lao đối với các nhà du hành vũ trụ – cũng liên hệ đến một tiến trình cảm giác căn bản chủ yếu xảy ra ở bộ phận lỗ tai của con người: giác quen cảm nhận sự di chuyển và tình trạng thăng bằng của cơ thể, giúp cho con người đưa cơ thể minh di chuyển trong không gian trong tư thế đầu hướng thẳng lên mà không bị rơi xuống. Cùng với khả năng nghe, tiến trình theo đó các sóng âm thanh được chuyển hóa thành các dạng cảm giác có thể lý hội được như cảm giác về sự di chuyển và tình trạng thăng bằng của cơ thể, chính là các chức năng chủ yếu của tai.

a. Tai: Nơi tiếp nhận âm thanh. Khi bàn về khả năng nghe chúng ta thường nghĩ ngay đến tai ngoài (outer ear). Nhưng bộ phận này chỉ đóng vai trò của một loa phóng thanh ngược chiều nhằm tiếp nhận và chuyển âm thanh vào các bộ phận bên trong tai, như được minh họa ở hình 3 –7.

Âm thanh (sound) phát ra do sự chuyển động của các phân tử không khí phát sinh bởi sự rung động của một vật. Âm thanh di chuyển qua không khí dưới dạng sóng tương tự như các làn sóng phát sinh khi ném một hòn đá xuống mặt hồ yên tĩnh.

Đến tai ngoài dưới dạng rung động sóng, âm thanh đổ vào rãnh thính giác (auditory canal), một đường thẳng thường có dạng hình trụ, đến màng nhĩ. Màng nhĩ (eardrum) được đặt tên như thế bởi vì nó hoạt động giống như một cái trống thu nhỏ (a miniature drum), rung động khi có âm thanh. Sau đó các rung động này được truyền vào tai giữa (middle ear), một buồng rất nhỏ chỉ chứa vừa đủ 3 cái xương được gọi tên theo hình dáng của chúng là xương búa (hammer), xương đe (anvil), và xương bàn đạp (stirr up). Các xương này chỉ có một nhiệm vụ là: chuyển các rung động đến cửa sỗ bầu dục (oval window), được đóng kín bằng một màng mỏng dẫn tới tai trong. Nhờ hình dáng của chúng, các xương nhỏ như xương búa, xương đe, và xương bàn đạp mỗi xương đều có một công dụng đặc biệt hoạt động giống như một bộ đòn bẩy, các xương này không chỉ có nhiệm vụ truyền chấn động mà chúng còn khuếch đại âm thanh nữa. Ngoài ra, bởi vì chỗ mở vào tai giữa (màng nhĩ) rộng hơn rất nhiều so với chỗ thoát ra khỏi tai giữa (cửa sổ bầu dục), nên áp lực của sóng âm thanh hướng vào cửa sổ bầu dục được khuếch đại lên. Như vậy, tai giữa vận hành giống như một cỗ máy khuếch đại có kích thước bé tí, giúp chúng ta cảm nhận được các âm thanh mà nếu không có bộ phận này chúng ta không tài nào cảm nhận được.

Tai trong (inner ear) là một bộ phận thực sự đảm nhiệm việc chuyển hóa các rung động âm thanh thành một dạng xung lực có thể truyền đến não bộ được. Nó cũng chứa đựng các cơ quan giúp chúng ta xác định vị trí đứng của mình và quyết định cách thức di động cơ thể trong không gian. Khi vào đến tai trong qua cửa sổ bầu dục, âm thanh di chuyển đến ốc tai (cochlea), một ống xoắn chứa đày chất lỏng trông giống con óc sên. Bên trong ốc tai là lá nền (basilar membrane) chắn ngang qua giữa ốc tai và chia ốc tai thành hai buồng: buồng trên và buồng dưới (xem ảnh 3 – 7). Lá nền phủ đầy tế bào lông (hair cells). Khi các tế bào lông này bị cong lại do các rung động âm thanh tràn vào ốc tai thì một tín hiệu thần kinh được truyền đến não bộ.

Thông thường âm thanh tiến vào ốc tai qua cửa sổ bầu dục, nhưng cũng có một ngõ vào bổ sung: dẫn truyền bằng xương. Bởi vì tai tựa vào rất nhiều xương ở bên trong hộp sọ nên ốc tai có thể hấp thu được các rung động rất nhỏ truyền qua các xương từ các bộ phận khác của đầu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3