Tâm lý học căn bản - Chương 08 - Phần 4
BẢNG 8–2:
Một trắc nghiệm thông minh
thiếu công bằng về mặt văn hóa
Nếu được nuôi dưỡng trong bối cảnh nền văn hóa do người da trắng chiếm ưu thế, đặc biệt ở một khu ngoại ô thành thị hay ở một vùng quê, bạn có thể gặp khó khăn khi trả lời các câu hỏi dưới đây, được phác họa để minh chứng tầm quan trọng của việc sáng tạo các trắc nghiệm thông minh công bằng về mặt văn hóa.
1/ Bird hay Yardbird đã từng là chiếc áo gió mà dân yêu thích nhạc jazz từ bờ biển phía đông đến bờ biển phía tây (Hoa Kỳ) kiên trì gìn giữ:
(a) Lester Young
(b) Peggy Lee
(c) Benny Goodman
(d) Charlie Parker
(e) Birdman og Alcatraz
2/ Phản nghĩa của vuông là:
(a) tròn
(b) lên
(c) xuống
(d) cái hông (hip)
(e) què quặt/ khập khểnh
3/ Nếu bạn tung các con súc sắc lên và mặt ngửa là 7, mặt sấp là gì?
(a) 7
(b) cặp mắt rắn
(c) toa xe chở hàng (boxcars)
(d) bé Joes
(e) 11
4/ Nhạc sĩ dương cầm thể loại nhạc jazz Ahmad Jamal lấy tên Ả Rập sau khi đã thực sự nổi danh. Trước đó ông có một cái tên mà ông gọi là “tên của kẻ nô lệ”. Tên trước đây của ông là gì?
(a) Willie Lee jackson
(b) LeRoi Jones
(c) Willour Mc Dougal
(d) Fritz Jones
(e) Andy Johnson
5/ Trong C.C. Rider. “C.C.” thay thế cho các từ nào?
(a) Civil Service
(b) Church Council
(c) County Circint Preacher
(d) County Club (the “Boxcar Gunsel”)
(e) Cheating Charlle
Giải đáp: Rõ ràng tăng theo cách nói ngược cường điệu bài trắc nghiệm này minh họa các khó khăn mà một người Mỹ gốc Phi có trình độ kiến thức thị dân có thể gặp phải đến mức khi giải đáp các câu hỏi trong một trắc nghiệm thông minh điển hình, phản ánh nền văn hóa ưu đãi cho các tầng lớp trung lưu và thượng lưu da trắng. Giải đáp chính xác ở đây là: 1/ d; 2/ d; 3/ a; 4/ d; 5/ a.
Vấn đề sáng tạo các trắc nghiệm thông minh công băng để đo lường kiến thức không liên hệ gì đến trình độ văn hóa, hoàn cảnh gia đình, và kinh nghiệm sống có lẽ sẽ không đáng quan tâm lắm nếu không vì một khám phá quan trọng và có giá trị lâu dài: các thành viên thuộc một vài nhóm chủng tộc và văn hóa thường có điểm số IQ thấp hơn các thành viên thuộc các nhóm chủng tộc khác. Thí dụ, nói chung người Mỹ gốc Phi thường có điểm số IQ trung bình thấp hơn người da trắng 15 điểm. Phải chăng sự kiện này phản ánh dị biệt thực sự về trí thông minh, hay phải chăng các câu hỏi về kiến thức trong các trắc nghiệm có sự thiên vị? Hiển nhiên, nếu như người da trắng gặt hái thành tích khả quan hơn do rất quen thuộc với loại thông tin dùng trong trắc nghiệm, thì điểm số IQ cao của họ không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy họ thông minh hơn các nhóm chủng tộc khác.
Có lý do vững chắc để tin tưởng rằng một số trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa chứa đựng các yếu tố có tính kỳ thị đối với các thành viên thuộc các nhóm chủng tộc thiểu số, là những người có kinh nghiệm và kiến thức khác hơn so với số người da trắng chiếm đa số trong dân số cả nước. Hãy xét câu hỏi: “Em sẽ làm gì nếu bị một đứa trẻ khác giật lấy chiếc mũ rồi bỏ chạy?” Hầu hết các trẻ da trắng thuộc tầng lớp trung lưu đều trả lời rằng chúng sẽ mách người lớn và câu trả lời như thế được xem là chính xác. Thế nhưng, câu trả lời hợp lý có lẽ là đuổi theo đứa trẻ ấy rồi đánh nhau để giật lại; câu trả lời này được nhiều trẻ Mỹ gốc Phi ở thành thị chọn lựa – nhưng lại là cách trả lời bị xem là không chính xác.
Khả năng thiên vị và kỳ thị đối với các phần tử thuộc các nhóm dân thiểu số trong các trắc nghiệm IQ truyền thống đã dẫn đến một số phán quyết cấm sử dụng các trắc nghiệm này. Thí dụ, tiểu bang California không cho phép các trường công lập buộc học sinh Mỹ gốc Phi làm các bài trắc nghệm IQ nhằm quyết định xem liệu các học sinh này có nên được xếp vào các lớp học theo chế độ giáo dục đặc biệt hay không – bất kể khả năng học vấn, hoặc hoàn cảnh kinh tế xã hội, hoặc thậm chí thể theo thỉnh cầu của cha mẹ chúng – nếu như các trường này không được tòa án công khai cho phép. (Mỉa mai thay, bởi vì lệnh cấm này chỉ dành riêng cho học sinh da đen, chứ không áp dụng cho học sinh da trắng, dân Hispanics, và các nhóm chủng tộc cũng như thiểu số khác, nên một số người đã phê phán rằng bản thân lệnh cấm này cũng mang nặng màu sắc kỳ thị chủng tộc).
1. Cuộc tranh luận căn bản: ảnh hưởng của di truyền so với hoàn cảnh sinh sống
Trong nỗ lực sáng tạo loại trắc nghiệm mệnh danh là trắc nghiệm là công bằng về mặt văn hóa (culture – fair là test), các loại trắc nghiệm thông minh không mang tính kỳ thị đối với các thành viên thuộc bất kỳ nhóm thiểu số nào, các nhà tâm lý đã có sẵng phác họa các mục trắc nghiệm nhằm đánh giá các kinh nghiệm chung cho mọi nền văn hóa hoặc nhằm chú trọng đến các câu hỏi không buộc phải sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, những người xây dựng trắc nghiệm đều nhận thấy rằng điều này khó thực hiện được, và một số trắc nghiệm “công bằng về văn hóa” lại phản ảnh các dị biệt giữa nhóm đa số với các nhóm thiểu số còn lớn hơn so với các trắc nghiệm truyền thống vốn chú trọng nhiều hơn đến ngôn ngữ.
Nỗ lực của các nhà tâm lý nhằm sáng tạo các biện pháp đo lường trí thông minh công bằng về văn hóa liên quan đến một cuộc tranh luận kéo dài về các dị biệt thông minh giữa các thành viên thuộc nhóm đa số và thiểu số. Trong nỗ lực nhằm xác định liệu có dị biệt giữa các nhóm dân ấy không, các nhà tâm lý đã phải đối phó với một vấn đề còn bao quát hơn nữa. Đó là vấn đề xác định mức ảnh hưởng tương đối do các yếu tố di truyền (tính thừa kê) so với các yếu tố kinh nghiệm (hoàn cảnh sinh sống) đối với trí thông minh của mỗi cá nhân.
Nhà tâm lý giáo dục Arthur Jensen đã thổi bùng ngọn lửa tranh luận bằng một bài báo năm 1969, ông cho rằng một phân tích về các dị biệt IQ giữa người Mỹ da trắng và người Mỹ gốc Phi đã chứng tỏ rằng mặc dù các yếu tố hoàn cảnh đóngmột vai trò nào đó, nhưng giữa hai chủng tộc cũng có các dị biệt di truyền căn bản. Chẳng hạn, nói chung điểm số IQ trung bình của dân da trắng cao hơn dân Mỹ da đen ngay cả trong trường hợp có chú ý đến tầng lớp kinh tế xã hội. Theo Jensen, dân Mỹ gốc Phi thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu có điểm số IQ thấp hơn dân Mỹ da trắng cùng tầng lớp, không khác gì sự cách biệt giữa tầng lớp nghèo khổ thuộc hai chủng tộc. Jensen kết luận rằng các dị biệt về trí thông minh giữa hai chủng tộc không chỉ tùy thuộc vào dị biệt về hoàn cảnh sinh sống mà thôi.
Ngoài ra, mức độ kế thừa (heritability) nói chung phản ảnh khá rõ rệt ở trí thông minh. Mức độ thừa kế này là một đại lượng đo lường mức độ tương quan giữa một đặc tính (ở đây là điểm số IQ) với các yếu tố di truyền. Như trình bày ở Hình 8 –4, mối liên hệ di truyền giữa hai cá nhân càng gần gũi chừng nào thì mức độ tương quan của các điểm số IQ càng lớn. Sử dụng các dữ kiện này, Jensen lập luận rằng nói chung từ 75 đến 80% khác biệt về điểm số IQ đều lệ thuộc chỉ vào yếu tố di truyền mà thôi. Trên cơ sở các chứng cứ này, Jensen khẳng định rằng các dị biệt về điểm số IQ giữa các chủng tộc chủ yếu do các yếu tố di truyền gây ra.
Hình 8–4: Tổng hợp các khám phá về điểm số IQ và mức độ gần gũi của liên hệ di truyền. Độ dài của các đoạn thẳng phản ánh phạm vi các mức độ tương quan do các công trình khảo cứu đã khám phá ra được và các mũi tên (–) biểu thị mức độ tương quan trung bình. Thí dụ, ghi chú rằng mức độ tương quan trung bình đối với những người không có liên hệ họ hàng lại được nuôi dưỡng riêng biệt sẽ rất thấp, trong khi mức tương quan đối với anh chị em sinh đôi đơn bào được nuôi dưỡng chúng lại rất cao. Liên hệ di truyền và hoàn cảnh sinh sống giữa hai cá nhân càng tương đồng chừng nào. thì mức tương quan về điểm số IQ giữa họ càng lớn* (Jencks et al, 1972; Kamin, 1979; Walker & Emory, 1985; Scarr & Carter – Saltzmann, 1985; Bouchard et al, 1990).
Những người không có liên hệ họ hàng, được nuôi dạy riêng biệt
Những người không có liên hệ họ hàng, được nuôi dạy chung.
Cha mẹ nuôi và con nuôi, Anh chị em ruột, được nuôi dạy riêng
Cha mạ và con cái
Anh chị em ruột, được nuôi dạy chung
Trẻ sinh đôi song bào, khác phải
Trẻ sinh đôi song bào, cùng phái
Trẻ sinh đôi đơn bào, được nuôi dạy riêng
Trẻ sinh đôi đơn bào, được nuôi dạy chung
Giới tâm lý đã nhanh chóng phản ứng đối với các luận điểm của Jensen, và phản bác khá thuyết phục nhiều điểm khẳng định của Jensen. Thứ nhất, ngay trong trường hợp tình hình kinh tế xã hội giả thiết không biến động thì giữa các mức sinh hoạt gia đình của mọi cá nhân cũng khác biệt lớn lao, và không ai dám khẳng định các điều kiện sinh hoạt của dân Mỹ gốc Phi và dân Mỹ da trắng là tương đồng cho dù hoàn cảnh kinh tế xã hội của họ giống nhau. Thứ hai, như chúng ta đã thảo luận trên đây, có lý do để tin tưởng rằng các trắc nghiệm IQ truyền thống có thể mang tính kỳ thị đối với dân Mỹ gốc Phi nhất là thuộc tầng lớp thị dân nghèo khổ, bởi vì các trắc nghiệm ấy nêu ra những câu hỏi về các thông tin liên quan đến các kinh nghiệm mà họ thường không trải qua.
Ngoài ra, có các chứng cứ trực tiếp nói rằng những người Mỹ gốc Phi được dưỡng dục trong hoàn cảnh giàu sang nói chung không có khuynh hướng đạt điểm số IQ thấp hơn dân da trắng trong hoàn cảnh tương tự. Thí dụ, một nhà khảo cứu của Sandra Scarr và Richard Weinberg tìm hiểu các đứa trẻ da đen được các gia đình da trắng trung lưu nhận làm con nuôi có điểm số IQ trên mức trung bình. Điểm số IQ của các đứa trẻ này trung bình bằng 106 – cao hơn khoảng 15 điểm so với điểm số IQ trung bình của các đứa trẻ Mỹ gốc Phi được nuôi dạy ngay ở nhà cha mẹ ruột của chúng, và cao hơn điểm số là trung bình của dân số nói chung. Hơn nữa, tuổi của đứa trẻ da đen được nhận làm con nuôi càng thấp chừng nào thì điểm số là của nó sẽ càng cao hơn. Như vậy, chứng cứ cho rằng các yếu tố di truyền đóng vai trò chủ yếu trong việc xác định các dị biệt về điểm số IQ do yếu tố chủng tộc không có giá trị tuyệt đối, mặc dù vẫn còn là đề tài gây tranh cãi.
Sau cùng, điều tối quan trọng phải ghi nhớ là điểm số IQ cũng như trí thông minh có ý nghĩa nhiều nhất đối với từng cá nhân chứ không đối với các nhóm người, và các dị biệt lớn nhất về điểm số IQ không xảy ra giữa điểm số IQ trung bình của các nhóm chủng tộc mà lại xuất hiện giữa điểm số IQ của từng cá nhân. Có những người Mỹ gốc Phi đạt được điểm số IQ cao hơn người Mỹ da trắng, thì ngược lại cũng có những người Mỹ da trắng đạt được điểm số IQ cao hơn người Mỹ da đen. Về khái niệm trí thông minh đóng góp vào sự thịnh vượng của xã hội, chúng ta phải tìm hiểu xem từng cá nhân chứ không phải nhóm chủng tộc nào đã đóng góp đến mức nào, cũng như phải tìm hiểu xem liệu trí thông minh có thể được nâng cao đến mức nào cho từng cá nhân vậy.
* Để sáng tỏ hơn, xin xem bảng dưới đây (Chú của người dịch).
Mức tương quan về điểm số IQ giữa những người có liên hệ họ hàng và những người không có liên hệ họ hàng:
Mối liên hệ |
Mức tương quan trung bình |
Tương đồng về di truyền Trẻ sinh đôi đơn bào, được nuôi dạy chung Trẻ sinh đôi đơn bào, được nuôi dạy riêng |
87 75 |
Có liên hệ di truyền Trẻ sinh đôi song bào, được nuôi dạy chung Anh chi em ruột, được nuôi dạy chung Anh chi em ruột, được nuôi dạy riêng Cha mẹ và con cái sống chung Cha mẹ và con cái sống cách biệt nhau |
53 49 40 50 45 |
Không có liên hệ di truyền Trẻ không có liên hệ họ hàng, được nuôi dạy chung Cha mẹ nuôi và con nuôi Trẻ không có quan hệ họ hàng, được nuôi dạy riêng |
23 20 -1 |
(Xuất xứ: R. Plomin và J.C. DeFries (1980), Genetics and Intelligence (p. 15–24)
Những vấn đề khác lại khiến cho cuộc tranh luận tính di truyền đối ngược với hoàn cảnh sinh hoạt phần nào không phù hợp với các ưu tư thực tế. Chẳng hạn, như chúng ta đã thảo luận trên đây, có rất nhiều dạng thông mình và các trắc nghiệm IQ truyền thống lại không đề cập nhiều đến chúng. Hơn nữa, một số nhà tâm lý còn cho rằng điểm số IQ chỉ liên hệ rất ít đến trí thông minh, và điểm số IQ thường là chỉ số dự đoán không chính xác về nghề nghiệp tối hậu cũng như về sự thành công trong lãnh vực học vấn. Cuối cùng, các dị biệt thực tế về thành tích học đường giữa dân Mỹ da trắng với dân Mỹ gốc Phi dường như ngày càng thu hẹp lại. Tóm lại, các nghi vấn liên quan đến các dị biệt về trí thông minh giữa dân Mỹ da trắng và dân Mỹ gốc Phi có lẽ không quan trọng bằng nghi vấn liên hệ đến vấn đề tìm hiểu các dị biệt về điểm số IQ giữa các cá nhân, bất kể cá nhân ấy thuộc chủng tộc nào.
2. Đặt câu hỏi tính di truyền/hoàn cảnh sinh hoạt vào đúng tầm nhìn
Không có cách lý giải nào có giá trị tuyệt đối cho câu hỏi về mức độ ảnh hưởng của tính di truyền và của hoàn cảnh sinh hoạt đối với trí thông minh. Chúng ta đang đối phó với vấn đề liệu việc xác định mối liên hệ nhân quả minh bạch sẽ không thể thực hiện được đối với loại thí nghiệm nào (Đôi chút thời gian suy nghĩ về cách thức quy cho các đứa trẻ nào thuộc về bối cảnh giàu sang hay nghèo khó trong các thí nghiệm cũng sẽ giúp chúng ta thấy rõ tính bất khả thi của việc hoạch tính các thí nghiệm hợp tình hợp lý!).
Do đó, câu hỏi có tầm quan trọng quyết định phải đặt ra không phải là liệu tính di truyền hay hoàn cảnh sinh hoạt, yếu tố nào chủ yếu làm nền tảng cho trí thông minh, mà chính là liệu chúng ta có thể làm được điều gì để giúp cho từng cá nhân phát triển trí tuệ đến mức tối đa. Nhiên hậu chúng ta mới có khả năng thay đổi được hoàn cảnh sống – có thể bằng hình thức phong phú hóa bối cảnh gia đình và học đường – nhằm tạo điều kiện cho mỗi cá nhân vươn đến tiềm năng tuyệt đỉnh của mình.
3. Tóm tắt và học ôn III
A. TÓM TẮT:
– Vấn đề liệu các trắc nghiệm IQ có thiên vị đối với các nhóm chủng tộc chiếm ưu thế trong xã hội hay không đã phát sinh, bởi vì dân mỹ gốc Phi thường có điểm số IQ trung bình thấp hơn dân Mỹ da trắng 15 điểm trong các trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa.
– Các trắc nghiệm IQ công bằng về văn hóa (culture – fair IQ test) đã được sáng tạo trong nỗ lực nhằm tránh tình trạng kỳ thị đối với các nhóm dân thiểu số
– Có lẽ vấn đề quan trọng nhất liên quan đến IQ không phải là trí thông minh bị ảnh hưởng đến mức độ nào bởi yếu tố di truyền hay yếu tố hoàn cảnh sinh hoạt, mà chính là chúng ta có thể làm được điều gì để nuôi dưỡng và tối đa hóa khả năng phát triển trí tuệ cho tất cả mọi cá nhân.
B. HỌC ÔN:
1/ Các trắc nghiệm thông minh có thể thiên vị đối với nền văn hóa thịnh hành khiến cho các nhóm chủng tộc thiểu số bị đặt vào tình thế bất lợi khi tham dự các kỳ thi trắc nghiệm này. Đúng hay Sai?...
2/ Loại trắc nghiệm... cố gắng chỉ sử dụng các câu hỏi thích hợp cho tất cả mọi người tham dự kỳ thi trắc nghiệm.
3/ Các trắc nghiệm IQ có thể xác định chính xác mức độ thông minh của toàn bộ các nhóm chủng tộc. Đúng hay Sai?...
4/ Trí thông minh có thể được xem là một phối hợp gồm các yếu tố... và...
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Các nhà tâm lý công nghiệp (industrial psychologists) sử dụng rất nhiều trắc nghiệm để quyết định việc tuyển dụng, khen thưởng, đề bạt nhân viên, v. v... Trang bị bằng kiến thức về vấn đề trắc nghiệm thông minh, bạn được yêu cầu giám sát chương trình trắc nghiệm nhằm đề bạt nhân viên vào các chức vụ quản trị ở công ty IBM. Bạn sẽ có đề nghị gì đóng góp cho chương trình này?
(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)
IV. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ
– Các nhà tâm lý quan niệm và định nghĩa như thế nào về trí thông minh?
1. Bởi vì trí thông minh có thể được nhận thức theo nhiều phương diện, nên vấn đề định nghĩa nó là một thách đố đối với các nhà tâm lý. Một quan điểm được nhiều người chấp nhận cho rằng trí thông minh (intelligence) là khả năng tìm hiểu thế giới chung quanh, tư duy hợp logic, và sử dụng hiệu quả tài nguyên sẵn có để đổi phó với các thách đố gặp phải.
– Người ta dùng các phương pháp chủ yếu nào để đo lường trí thông minh?
2. Người ta dùng các trắc nghiệm thông minh (intelligence tests) để đo lường trí thông minh. Các trắc nghiệm này gồm các câu hỏi nhằm xác tính các điểm số gọi là tuổi trí tuệ (mental age). Sau đó, người ta chia số tuổi trí tuệ này cho số tuổi đời (chronological age) của thí sinh rồi nhân cho 100 để được chỉ số thông minh (intelligence quotient) hay là điểm số IQ. Các loại trắc nghiệm thông minh gồm có Trắc nghiệm Stanford – Binet, Thang điểm Thông minh Wechsler cho người Trưởng thành (WAIS – R), và Thang điểm Thông minh Wechsler cho Thiếu nhi (WISC – III). Ngoài các trắc nghiệm thông minh, các trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa khác có dạng trắc nghiệm kiến thức (achievement test, đo lường trình độ kiến thức về một lãnh vực học thuật nhất định) và trắc nghiệm năng khiếu (aptitude test, dự đoán năng lực trong một lãnh vực nhất định).
3. Mặc dù các trắc nghiệm thông minh có thể nhận diện được các dị biệt về mức độ thông minh giữa các cá nhân, nhưng chúng không giúp chúng ta am hiểu được bản chất làm nền tảng cho trí thông minh. Một trong các vấn đề chủ yếu ở đây là liệu có một yếu tố duy nhất và độc đáo nào làm cơ sở cho trí thông minh không hoặc liệu trí thông minh phải chăng được cấu thành bởi các yếu tố có sắc thái đặc biệt khác nhau.
4. Các nhà tâm lý tiên phong quan tâm đến trí thông minh đã giả định rằng có một yếu tố tổng quát làm cơ sở cho năng lực trí tuệ gọi là yếu tố G (G – factor). Nhưng các nhà tâm lý sau đó lại bác bỏ quan điểm cho rằng trí thông minh chỉ có một chiều kích duy nhất như thế.
5. Một số nhà nghiên cứu chủ trương có hai dạng thông minh: trí thông minh hoạt tính (fluid intelligence) và trí thông minh tinh luyện (crystallized intelligence). Còn lý thuyết nhiều dạng thông minh của Gardner cho rằng có đến 7 lãnh vực năng khiếu: âm nhạc, vận động thân thể, luận lý và toán học, ngôn ngữ, không gian, quan hệ với tha nhân, và sinh hoạt nội tâm.
6. Khảo hướng xử lý thông tin chủ trương trí thông minh phải được quan niệm như là cách thức theo đó người ta thiết lập biểu tượng để sử dụng các thông tin trên bình diện tâm trí. Thay vì chú trọng vào cơ cấu hình thành trí thông minh, các nhà tâm lý theo khảo hướng này khảo xét các tiến trình làm nền tảng cho các hành vi phản ảnh trí thông minh. Một thí dụ về khảo hướng xử lý thông tin là lý thuyết ba phương diện thông minh của Sternberg (Sternberg's triarchic theory of intelligence). Lý thuyết này đề nghị ba phương diện để tìm hiểu trí thông minh là: phương diện thành phần, phương diện kinh nghiệm và phương diện bối cảnh.
– Làm cách nào phân biệt được các đối cực trí tuệ và các chương trình đặc biệt nào đã được thiết lập nhằm giúp cho con người tối đa hóa tiềm năng toàn diện của họ?
7. Ở hai đối cực trí tuệ là những người thiểu năng tâm trí (mentally retarded) và những người thiên bẩm trí tuệ hay thiên tài (Intellectually gifted). Các mức độ thiểu năng tâm trí bao gồm thiểu năng nhẹ (mild retardation, có điểm số IQ từ 55 đến 69), thiểu năng vừa phải (moderate retardation, có điểm số IQ từ 40 đến 54), thiểu năng khá nặng (severe retardation, có điểm số IQ từ 25 đến 39), và thiểu năng trầm trọng (profound retardation, có điểm số IQ dưới 25). Khoảng 1/3 các trường hợp thiểu năng đều do nguyên nhân rõ rệt về mặt sinh lý gây ra, mà hội chứng Down (Down syndrome) là nguyên nhân thường thấy nhất. Còn hầu hết các trường hợp khác đều được xem là thuộc dạng thiểu năng gia tộc (familial retardation), là các dạng thiểu năng không có nguyên nhân rõ rệt về mặt sinh lý.
8. Mới đây đã có nhiều tiến bộ về mặt chữa trị cho người thiểu năng tâm trí cũng như về mặt hỗ trợ cho người thiên bẩm trí tuệ. Đặc biệt theo luật pháp liên bang, những người thiểu năng tâm trí được giáo dục trong bối cảnh ít khắc khe nhất. Trong tiến trình hòa nhập vào hoàn cảnh học tập bình thường (mainstreaming), người thiểu năng tâm trí được phép tham dự các lớp học theo chế độ giáo dục bình thường càng nhiều càng tốt.
– Phải chăng các trắc nghiệm IQ truyền thống đều thiên vị về mặt văn hóa?
9. Các trắc nghiệm thông minh truyền thống thường bị phê phán vì thiên vị đối với dân da trắng trung lưu chiếm đa số trong dân số cả nước. Cuộc tranh luận ấy đã khiến cho các nhà tâm lý ra sức sáng tạo các trắc nghiệm công bằng về mặt văn hóa (culture – fair tests), cũng như các biện pháp đo lường là tránh sử dụng các câu hỏi lệ thuộc vào một bối cảnh văn hóa đặc thù.
– Phải chăng có dị biệt trí tuệ do yếu tố chủng tộc, và trí thông minh bị ảnh hưởng đến mức độ nào bởi hoàn cảnh sinh sống và bởi yếu tố di truyền?
10. Các vấn đề chủng tộc cũng như ảnh hưởng của hoàn cảnh sinh sống và yếu tố di truyền đối với trí thông minh là các vấn đề gây ra nhiều cuộc tranh luận sâu rộng. Bởi vì các điểm số IQ khác biệt nhau rất lớn giữa các cá nhân hơn hẳn giữa các nhóm chủng tộc, nên câu hỏi có tầm quan trọng quyết định nhất cần phải nêu ra là chúng ta có thể làm được đều gì để giúp cho mỗi cá nhân tối đa hóa khả năng phát triển trí tuệ của họ.
VI. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI ÔN TẬP
I.
1/ Chỉ số thông minh (IQ)
2/ Sai; trắc nghiệm cá nhân thông thường chính xác hơn so với các trắc nghiệm tổ chức cho từng nhóm
3/ Năng khiếu; kiến thức
4/ Tinh luyện; hoạt tính
5/ Xử lý thông tin
6/ Thực dụng
7/ Đúng
II.
1/ Sai; thuật ngữ này dùng để nói về rất nhiều người bị sa sút tâm thần (mental impairment) ở nhiều mức độ khác nhau.
2/ Hội chứng Down.
3/ Hòa nhập vào bối cảnh học tập bình thường.
4/ Đúng.
5/ Người thiên tài.
6/ Sai; người thiên tài thường giao tế khéo léo hơn người có điểm số IQ thấp.
III.
1/ Đúng.
2/ Công bằng về mặt văn hóa.
3/ Sai; các trắc nghiệm IQ được dùng để đo lường trí thông minh của từng cá nhân. Trong bất cứ nhóm chủng tộc nào, mức độ thông minh cũng dị biệt rất nhiều giữa các cá nhân.
4/ Yêu tố di truyền; yếu tố hoàn cảnh sinh hoạt.