Tâm lý học căn bản - Chương 09 - Phần 2

5. Lý thuyết tiến trình đối nghịch: Các mặt Âm và Dương của Động lực

Đã từ lâu các triết gia Trung Hoa cho rằng có hai lực lượng đối nghịch vận hành trong vũ trụ – Âm và Dương – ảnh hưởng đến hành vi của con người. Quan điểm này là điềm báo trước cho sự hình thành một mô trình nhận thức sâu xa hơn để giải thích động lực, gọi là lý thuyết tiến trình đối nghịch. Lý thuyết giải thích động lực theo tiến trình đối nghịch (Opponent–process theory of motivation) tìm cách giải thích nguyên động lực ẩn nấp đằng sau các hiện tượng như chứng nghiện ma túy và niềm khao khát đi tìm trạng thái kích thích sinh lý và xúc cảm bằng hành vi cực kỳ nguy hiểm cho bản thân, như trong môn nhào lộn trên không chẳng hạn.

Theo lý thuyết tiến trình đối nghịch, các kích thích lúc đầu làm tăng mức tỉnh táo thì sau đó sẽ phát sinh một phản ứng đối nghịch nhằm xoa dịu hệ thần kinh, trong khi các kích thích lúc đầu làm giảm mức tỉnh táo thì sau đó sẽ phát sinh một phản ứng đối nghịch làm tăng mức tỉnh táo lên. Ngoài ra, đối với một kích thích tiếp nhận thì phản ứng ban đầu vẫn giữ ở mức khá ổn định hoặc có lẽ còn giảm đi nữa, trong khi tiến trình đối nghịch – tác động ngược lại phản ứng ban đầu – có khuynh hướng mạnh thêm lên.

Hãy tìm hiểu một số thí dụ cụ thể. Giả sử một người sử dụng nốt liều ma túy và đạt được cảm giác khoái lạc phi thường. Theo lý thuyết này, sau khi cảm giác hưng phấn ban đầu lắng xuống, thì một tiến trình ngược chiều sẽ kế tục, đẩy người ấy dao động sang phía đối ngược của cảm giác khoái lạc, hay trạng thái u sầu trầm cảm. Ngoài ra, lý thuyết này còn cho rằng tiến trình đối nghịch ấy (trầm cảm) có khuynh hướng tăng cường vào một lần dùng ma tuý sau này, trong khi tiến trình ban đầu (khoái lạc) có khuynh hướng yếu đi. Hậu quả là, tác động tiêu cực sẽ tăng lên sau một lần dùng ma túy, trong khi cảm giác khoái lạc do ma túy đem lại sẽ giảm đi. Cuối cùng, động lực thúc đẩy gia tăng tiến trình tiêu cực (và tránh tiến trình đối nghịch gây ra hậu quả khó chịu) sẽ khiến cho người ấy sử dụng lượng ma túy ngày càng nhiều hơn – hậu quả tất nhiên của tình trạng nghiện ngập.

Các tiến trình đối nghịch tác động theo chiều ngược lại trong trường hợp cảm giác ban đầu có tính tiêu cực. Hãy tìm hiểu trường hợp một phụ nữ sắp sửa thực hiện cú nhảy nhào lộn trên không (skydiving) đầu tiên ra khỏi phi cơ. Phản ứng ban đầu của cô ấy là cảm giác sợ hãi. Nhưng sau đó tiến trình đối nghịch sẽ tác động: cảm giác hưng phấn xuất hiện sau khi thực hiện xong cú nhảy. Lý thuyết tiến trình đối nghịch cho rằng mỗi lần nhào lộn sau đó tiến trình gây sợ hãi ban đầu sẽ không còn mãnh liệt nữa và thực tế còn giảm đi nữa, trong khi tiến trình đối nghịch gây hưng phấn lại tăng lên. Do đó, cuối cùng động tác nhào lộn trên không biến thành gần như thói nghiện ngập đối với người nhào lộn.

Tóm lại, lý thuyết tiến trình đối nghịch góp phần giải thích nguyên nhân tại sao người ta bị thúc đẩy mãnh liệt có hành vi không đem lại lợi ích thiết thực gì cho bản thân. Thông thường chính tiến trình đối nghịch chứ không phải phản ứng ban đầu duy trì động lực thúc đẩy người ta thực hiện các hành vi nguy hiểm ấy.

6. Lý thuyết tiến trình trí tuệ

Các lý thuyết dùng tiến trình trí tuệ để giải thích động lực (cognitive theories of motivation) chú trọng đến vai trò của ý tưởng, kỳ vọng, và sự am hiểu ngoại giới của con người. Chẳng hạn, theo một trong các lý thuyết này là lý thuyết kỳ vọng – giá trị (expectancy – value theory) thì hai loại tiến trình trí tuệ làm nền tảng cho hành vi ứng xử. Loại thứ nhất là kỳ vọng rằng hành vi sẽ giúp chúng ta đạt được một mục tiêu nào đó, và loại thứ hai là ý thức giá trị của mục tiêu ấy đối với chúng ta. Thí dụ, mức độ thúc đẩy sinh viên học tập để chuẩn bị cho kỳ thi sẽ căn cứ đồng thời vào kỳ vọng rằng công sức học tập của họ sẽ được đền bù đến mức nào (dưới hình thức điểm thì khả quan) và vào giá trị mà họ đã gán cho điểm thi khả quan ấy. Nếu cả hai thứ kỳ vọng và giá trị đều xứng đáng, thì sinh viên sẽ có động cơ học tập chuyên cần; nhưng nếu như một trong hai thứ không xứng đáng thì động lực thúc đẩy học tập sẽ kém đi.

Các lý thuyết này phân biệt chủ yếu giữa động lực nội tại và ngoại lai. Động lực nội tại (intrinsic motivation) khiến cho chúng ta tham dự vào một hoạt động vì sự ưa thích riêng tư, chứ không vì bất kỳ phần thưởng hữu hình nào do hoạt động ấy đem lại cho chúng ta. Ngược lại, động lực ngoại lai (extrinsic motivation) thúc đẩy chúng ta làm việc gì đó vì một phần thưởng hữu hình.

Theo các khảo cứu về hai loại động lực thúc đẩy này, chúng ta thường dễ kiên trì, nỗ lực làm việc, và sáng tạo được công trình có giá trị hơn khi động lực thúc đẩy có tính nội tại chứ không do từ bên ngoài. Hơn nữa, một số nhà tâm lý còn cho rằng chính việc khen thưởng hành vi mong muốn có thể khiến cho động lực nội tại bị giảm đi và động lực ngoại lai tăng thêm. Trong một thí nghiệm minh chứng cho hiện tượng này, một nhóm học sinh mẫu giáo được hứa hẹn nhận phần thưởng cho nỗ lực vẽ bằng bút màu (một hoạt động mà trước đây các học sinh này rất ưa thích). Phần thưởng đã làm giảm nhiệt tình của chúng đối với việc làm này, bởi vì sau đó các em đã kém sốt sắng trong giờ vẽ. Dường như chính lời hứa hẹn khen thưởng đã xói mòn sự ham thích nội tâm đối với môn vẽ, làm chuyển hướng hành vi đó từ chơi đùa trở thành công việc.

Các công trình nghiên cứu như thế cho thấy tầm quan trọng của động lực khích lệ nội tại và chứng tỏ rằng phần thưởng bên ngoài (hoặc như trong trường hợp này, đơn thuần gây chú ý đến các phần thưởng) thực tế có thể làm hỏng nỗ lực cũng như phẩm chất của thành quả. Do đó, các giáo viên nên thận trọng khi cho điểm A đối với một bài tập xuất sắc. Thay vì thế, các nghiên cứu về động lực nội tại cho rằng kết quả sẽ khả quan hơn nếu như giáo viên nhắc nhở các học sinh của mình về các nguyên nhân nội tại thúc đẩy họ nỗ lực học tập – như niềm vui sướng đã làm được một bài luận văn công phu chẳng hạn.

7. Quan điểm hạ cấp của Maslow: xếp thứ tự các nhu cầu thúc đẩy

Eleanor Roosevelt, Abraham Lincoln, và Albert Einstein có điểm gì giống nhau? Khá nhiều điểm giống nhau theo quan điểm động lực của nhà tâm lý Abraham Maslow: Mỗi người ấy đều thỏa mãn được các nhu cầu cao nhất của con người. Maslow cho rằng các nhu cầu thúc đẩy khác nhau của con người được sắp xếp theo thứ tự hệ cấp, và rằng trước khi các nhu cầu cao cấp, tế nhị được đáp ứng thì một số nhu cầu sơ đẳng phải được thỏa mãn. Quan điểm của ông có thể được hình dung giống như một kim tự tháp (xem Hình 9 –2), trong số các nhu cầu căn bản nhất nằm dưới đáy và các nhu cầu cao cấp nằm ở phía đỉnh. Muốn cho một nhu cầu đặc biệt nào đó khởi động và nhờ đó hướng dẫn hành vi của con người, thì các nhu cầu căn bản hơn trong hệ cấp phải được thỏa mãn trước tiên.

Hình 9–2: Thứ tự hạ cấp của Maslow minh họa động lực thúc đẩy chúng ta tiến lên theo hình tháp, từ một nền tảng rộng lớn nhất bao gồm các nhu cầu sinh vật căn bản lên đến các nhu cầu cao cấp hơn (theo Maslow, 1970).

Các nhu cầu căn bản nhất là những nhu cầu đã được miêu tả trên đây dưới dạng các thúc đẩy sơ đẳng: các nhu cầu về nước uống, thực phẩm, chỗ ngủ, tình dục, và vân vân. Muốn tiến lên nấc thang hệ cấp, người ta phải thỏa mãn các nhu cầu sinh lý căn bản này trước đã. Các nhu cầu an toàn (safety needs) ở hệ cấp kế tiếp. Maslow cho rằng người ta cần có một bối cảnh sinh hoạt an toàn và ổn định đế hoạt động hữu hiệu. Các nhu cầu sinh lý và an toàn hợp thành các nhu cầu cấp thấp.

Chỉ khi nào các nhu cầu căn bản ở cấp thấp được đáp ứng thì người ta mới có thể xét đến việc thỏa mãn các nhu cầu cao hơn, bao gồm tình yêu và sự ràng buộc, danh dự, và ước muốn tự hiện thực bản thân. Các nhu cầu tình yêu và ràng buộc bao gồm nhu cầu cho và nhận tình thương và nhu cầu được là một thành viên trong một tập thể hoặc xã hội. Sau khi các nhu cầu này được thỏa mãn, con người mới bắt đầu khao khát được quí trọng. Theo quan điểm của Maslow, danh dự (esteem) liên quan đến nhu cầu hình thành ý thức về giá trị bản thân thông qua thể hiện khiến cho người khác biết đến uy thế và giá trị của mình.

Khi bốn nhóm nhu cầu này đã được thỏa mãn – việc này không dễ dàng gì – người ta mới sẵn sàng cố gắng đạt cho được cách nhu cầu cao cấp nhất là ước muốn tự hiện thực bản thân. Tự hiện thực bản thân (self – actuallzation) là tình trạng tự thỏa mãn trong đó người ta thực hiện được tiềm năng cao nhất của mình. Lần đầu tiên khi thảo luận khái niệm này, Maslow dùng thuật ngữ này chỉ để miêu tả một số ít nhân vật nổi tiếng như Eleanor Roosevelt, Lincoin, và Einstein. Nhưng khái niệm này không giới hạn vào những người có tiếng tăm. Một bậc cha mẹ có tài tề gia, một vị thầy dầy công sức bao năm đào tạo được nhiều thế hệ học sinh thành đạt, và một nghệ sĩ thể hiện tiềm năng sáng tạo, tất cả đều đã tự hiện thực bản thân. Điều quan trọng là những người ấy cảm thấy thanh thản và thỏa mãn rằng họ đã dốc hết năng lực của mình để phụng sự xã hội. Về một ý nghĩa nào đó, thi tình trạng tự hiện thực bản thân là bước ngoặc quan trọng trong cuộc sống của hầu hết mọi người. Đến lúc đó người ta sẽ bớt ham muốn đi, mà ngược lại còn nẩy sinh cảm nghĩ thỏa mãn với tình trạng hiện có của minh.

Điều không may là cho đến nay các cuộc nghiên cứu đều không tán đồng cách xếp thứ tự đặc biệt các giai đoạn thỏa mãn nhu cầu theo quan điểm của Maslow và còn cho thấy rằng rất khó đánh giá khách quan mức tự hiện thực bản thân của một người. Tuy nhiên, chủ trương của Maslow có hai điều quan trọng: nó nêu rõ được tính phức tạp của các nhu cầu con người, và nó nhấn mạnh đến sự thực là khi nào các nhu cầu sinh lý căn bản nhất chưa được thỏa mãn thì con người khó lòng quan tâm đến các ước muốn cao cả hơn. Khi đói thì nỗi lo đầu tiên của con người là đi tìm cái ăn, họ không có lòng dạ gì nghĩ đến các sự việc như tình yêu và lòng tự trọng. Quan điểm này góp phần giải thích lý do tại sao các nạn nhân trong các tai họa như nạn đói và chiến tranh thường hay lâm vào cảnh đổ vỡ các mối liên hệ gia đình bình thường; và họ cũng thường bất chấp đến sự sống còn của bất kỳ ai ngoài bản thân họ.

8. Kết từ về các lý thuyết giải thích động lực

Đến nay chúng ta đã tìm hiểu qua một số quan điểm lý thuyết khác biệt về động lực thúc đẩy hành vi của con người. Tự nhiên chúng ta sẽ nẩy sinh thắc mắc không biết khảo hướng nào cống hiến lối giải thích trọn vẹn nhất về hiện tượng động lực thúc đẩy. Trên thực tế, một số khảo hướng bổ sung chứ không đối chọi nhau, nên thường sẽ hữu ích nếu chúng ta vận dụng đồng thời một số quan điểm để tìm hiểu một dạng động lực đặc biệt. Do đó, khi tiến hành tìm hiểu một số động cơ đặc biệt, như các nhu cầu về thực phẩm, nước uống, tình dục, thành đạt, kết đoàn, và quyền lực, chúng ta sẽ vận dụng một số lý thuyết để tìm hiểu sâu sắc hơn nữa về khái niệm động lực.

9. Tóm tắt và học ôn I

A. TÓM TẮT:

– Công trình khảo cứu về động lực (motivation) tìm hiểu các yếu tố tiếp sức và chi phối hành vi ứng xử của con người.

– Thúc đẩy (drive) là tình trạng căng thẳng ép buộc phát sinh hành vi nhằm thỏa mãn một nhu cầu nhất định. Các thúc đẩy sơ đẳng (primary drives) nói chung tác động theo nguyên tắc hằng định nội môi (principle of homeotasis) theo đó một sinh vật nỗ lực bù đắp các khoản thiếu hụt để tái lập trạng thái cân bằng thoải mái bên trong cơ thể.

– Thuyết giảm bớt thúc đẩy (drive – reduction theory) cho rằng hành vi phát sinh do các động lực thức đẩy nhằm làm giảm bớt các nhu cầu sinh lý. Tuy nhiên, nó không giải thích được lý do tại sao đôi khi con người đi tìm kích thích hay cảm giác mạnh.

– Thuyết tình trạng tỉnh thức (arousal theory) chủ trương rằng chúng ta cố gắng duy trì một mức độ kích thích và hoạt động nhất định. Lý thuyết này phù hợp với quy luật Yerkes – Dodson minh chứng rằng trạng thái tỉnh táo quá cao hoặc quá thấp đều sẽ khiến người ta đạt được thành quả kém khả quan trong công việc.

– Thuyết tiến trình đối nghịch (opponent – process theory) cho rằng các biến chuyển về mức tỉnh táo theo một chiều hướng sẽ làm nảy sinh một tác động nghịch chiều trong hệ thần kinh.

– Các lý thuyết dùng tiến trình trí tuệ để giải thích động lực (cognitive theories of movation), điển hình bởi thuyết kỳ vọng – giá trị (expectancy – value theory), cho rằng chính tư tưởng, kiến thức, và cách diễn dịch ngữ giới làm nền tảng cho động lực thúc đẩy phát sinh hành vi của con người.

– Theo khảo hướng động lực của Maslow, các nhu cầu thức đẩy tiến trình theo một hệ cấp từ các nhu cầu căn bản nhất đến các nhu cầu cao thượng hơn. Cách phân loại nhu cầu đặc thù này bao gồm nhu cầu sinh lý, an toàn, tình yêu và ràng buộc, danh dự, và tự hiện thực bản thân.

B. HỌC ÔN:

1/... là lực lượng hướng dẫn hành vi của con người đi theo một chiều hướng nhất định.

2/ Các kiểu hành vi bẩm sinh, tiền định về mặt sinh học được gọi là...

3/ Vị giáo sư tâm lý bảo bạn: “Giải thích hành vi thì dễ thôi! Khi thiếu thốn thứ gì chúng ta bị thúc đẩy chiếm lấy thứ ấy.” Vị giáo sư của bạn căn cứ vào lý thuyết nào để giải thích động lực?

4/ Theo lý thuyết này, thực phẩm sẽ được xem là một..., còn thành công về học vấn sẽ được xem là một...

5/ Nhờ uống nước sau một cuộc tranh tài marathon, một vận động viên cố giữ cơ thể mình ở mức hoạt động tối ưu. Tiến trình này gọi là gì?

6/ Lý thuyết... phát biểu rằng chúng ta vừa bảo vệ bản thân khỏi bị kích thích quá mức vừa đi tìm kích thích, hành vị này tùy thuộc vào mức độ hoạt động tối ưu đối với chúng ta.

7/ Theo quy luật Yerkes – Dodson, kích thích càng nhiều trong một tình huống thì thành quả đạt được của con người càng khả quan hơn. Đúng hay Sai?...

8/ Dù không khát nước, nhưng nếu được mời tôi cũng uống được một vại bia. Giả sử tôi rất thích uống bia, lý thuyết nào về động lực sẽ tiên đoán được hành vi này của tôi?

9/ Lý thuyết giải thích động lực căn cứ vào kỳ vọng và giá trị (the expectancy – value theory of motivation) gồm có hai thành tố Hãy gọi tên và miêu tả chúng.

10/ Tôi giúp một cụ già băng qua đường bởi vì làm việc thiện khiến tôi có cảm giác hạnh phúc. Loại động lực nào tác động trong trường hợp này? Loại động lực nào sẽ tác động trong trường hợp tôi giúp một cụ già băng qua đường bởi vì ông cụ đã thưởng cho tôi 20 đô la?

11/ Theo Maslow, một người vô nghề nghiệp, vô gia đình, và không bạn bè vốn có thể tự hiện thực bản thân được. Đúng hay sai?...

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Bạn vừa mới được thuê làm cố vấn ở một nhà máy sản xuất ô tô với quy mô lớn. Mỗl lý thuyết động lực đề cập ở đoạn này sẽ được vận dụng ra sao vào bối cảnh lao động ấy để tạo động cơ thúc đẩy công nhân ra sức làm việc?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

II. NHU CẦU VÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY CON NGƯỜI: ĂN, UỐNG, VÀ DÁM MẠO HIỂM

Đối với Bob, học hành xuất sắc có nghĩa là cậu sẽ vào được một trường luật nổi tiếng, điều mà cậu xem là viên đá lót đường để tiến đến tương lai thành đạt. Cho nên, cậu không bao giờ ngưng học tập và cố gắng tối đa trong các môn học. Nhưng nỗ lực học tập không ngừng của cậu còn vượt quá mong mỏi vào trường luật, cậu không chỉ cố gắng đạt được điểm cao mà còn muốn có thành tích cao hơn các em cùng lớp nữa.

Thực ra, Bob luôn luôn nỗ lực đạt thành quả tốt nhất trong mọi việc. Cậu biến một sinh hoạt đơn thuần nhất thành một cuộc ganh đua, tranh tài. Thậm chí cậu sẽ không chơi bài nếu như thắng lợi không cần thiết đối với cậu. Tuy nhiên, có một vài sinh hoạt cậu không chịu ganh đua. Cậu chỉ quan tâm khi nào nghĩ rằng mình có cơ hội chiến thắng; cậu phớt lờ các thách đố quá khó khăn cũng như quá dễ dàng đối với cậu.

Động lực nào hậu thuẫn cho niềm khao khát thành đạt bền bỉ của Bob? Muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta phải bắt đầu tìm hiểu một số nhu cầu đặc biệt làm nền tảng cho hành vi cư xử của con người.

Chúng ta sẽ khảo xét một số nhu cầu quan trọng nhất. Bởi vì xét đến cùng thì con người là một sinh vật, nên trước hết chúng ta tìm hiểu các thúc đẩy sơ đẳng mà các nhà tâm lý quan tâm nhiều nhất: đó là cơn khát (thirsty) và cơn đói (hunger). Nhưng bởi vì đa số hành vi của con người đều không có cơ sở hiển nhiên về mặt sinh học nên chúng ta cũng sẽ tìm hiểu các thúc đẩy thứ cấp – là những thúc đẩy chỉ riêng con người mới có, căn cứ vào các nhu cầu do học hỏi cũng như vào kinh nghiệm quá khứ mà có, góp phần giải thích các hành vi như trong trường hợp của Bob.

1. Cơn khát

Hơn 75% thể trạng của chúng ta nhờ nước mà có, nên việc duy trì và điều hòa khối lượng chất lỏng ấy là việc không dễ dàng gì đối với cơ thể chúng ta. Tâm quan trọng của tình trạng khát nước nổi bật qua sự kiện nếu nhịn ăn hơn một tháng chúng ta vẫn có thể sống còn, nhưng chỉ trong vài ngày không uống nước chúng ta sẽ chết. Nếu bị mất rất nhiều nước vì đổ mồ hôi và tiểu tiện, thi cơn khát biểu thị một thúc đẩy mạnh mẽ khiến chúng ta khó lòng kiềm chế được.

Các kích thích thúc đẩy chúng ta uống nước phần lớn đều ở bên trong cơ thể, miệng khô môi nứt đi kèm với cơn khát dù là một triệu chứng thiếu nước chứ không phải là nguyên nhân. Thực ra, có ba cơ chế căn bản bên trong cơ thể gây ra tình trạng khát nước. Thứ nhất, nồng độ muối bên trong các tế bào cơ thể biến đổi ấy theo khối lượng dịch bên trong cơ thể. Khi nồng độ ấy lên đến một mức nhất định, nó sẽ thúc đẩy cấu tạo dưới đồi của não (hypothalamus) hoạt động, do đó gây ra cảm giác khát nước.

Cơ chế thứ hai gây ra tình trạng khát nước biểu hiện qua sự giảm sụt tổng lượng dịch trong hệ tuần hoàn. Thí dụ, người bị mất một lượng máu khá lớn do thương tích sẽ có cảm giác khát nước dữ dội.

Cuối cùng, yếu tố thứ ba gây ra tình trạng khát nước là sự gia tăng thân nhiệt hay trường hợp hao phí quá nhiều năng lượng. Khi ấy cơn khát có lẽ do mật độ muối trong cơ thể tăng lên, là hậu quả của tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều. Và cơ chế này lý giải được cảm giác kiệt sức toàn diện do tình trạng khát nước của Peter Potterfield trong tai nạn té xuống núi được đề cập ở đầu chương này.

Tính phức tạp của các cơ chế liên hệ đến tình trạng khát nước được minh họa qua trường hợp những người không được uống nước trong 24 giờ. Những người này sẽ nôn nóng nốc cạn 2/3 lượng nước trong vòng 2 phút rưỡi. Sau đó, họ dịu bớt và uống chậm lại cho đến khi uống đủ mức phục hồi lượng nước đã bị mất.

Điều đáng quan tâm đối với tiến trình phục hồi nhanh chóng và chính xác này chính là tốc độ uống nước. Động tác phục hồi nước xảy ra quá nhanh chóng đến mức không thể nói rằng nước uống vào là đến ngay được các mô bị mất nước trong cơ thể. Như vậy, làm thế nào cơ thể biết được lúc nào chúng ta uống đủ nước. Câu trả lời là cơ thể dường như có một loại thước đo mức nước ở miệng và dạ dày, nó theo dõi lượng nước uống vào và lập tức thông báo cho người uống ngay khi họ đã uống đủ lượng nước đáp ứng nhu cầu. Do đó, khả năng điều hòa lượng nước uống vào của cơ thể chúng ta không chỉ căn cứ trên số lượng nước trong các tế bào cơ thể vào một thời điểm nhất định, mà còn căn cứ vào lượng nước uống qua miệng và dạ dày trên con đường vào đến từng tế bào cơ thể.

2. Cơn đói:

Khoảng 1/4 dân số Hoa Kỳ bị chứng béo phì (obesity). Chứng này được định nghĩa như là tình trạng thể trọng vượt quá 20% so với thể trọng trung bình khuyến cáo đối với chiều cao và tầm vóc của một cá nhân. Và việc giảm số thể trọng không cần thiết ấy đã trở thành một ám ảnh đối với dân Mỹ. Nhiều người phí mất vô số thời gian, công sức, và tiền của vào nỗ lực điều chỉnh và chủng loại thực phẩm ăn vào nhằm mục đích giảm cân. Còn những người khác, gặp phải vấn đề mà nhiều người dân Mỹ thèm muốn, lại lo tìm cách lên cân.

Điều đáng ngạc nhiên là, trong đa số trường hợp, những người không mấy quan tâm theo dõi thể trọng lại thường rất ít biến động thể trọng mặc dù các biến động rất lớn lao về số lượng thực phẩm ăn vào và thời lượng tập thể dục của họ. Như vậy, hiển nhiên vấn đề ẩm thực tùy thuộc vào một dạng hằng đinh nội môi nhất định.

* Béo phì (obesity): tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ thừa, hầu hết trong các mô dưới da (subcuta–neous tissues). Một người bị coi là béo phì khi cân nặng hơn 20% so với thể trọng khuyến cáo đối với chiều cao và tầm vóc của y. Việc tích tụ mà do tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn yêu cầu sản sinh đầy đủ năng lượng cho sinh hoạt thường ngày. Béo phì là dạng rối loạn dinh dưỡng (nutritional disorder) thường thấy nhất trong những năm gần đây (theo Từ điển Y học).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay