Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 01 - Phần 1
Đại
Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư
Quyển
I
[1a] Triều Liệt Đại Phu, Quốc Tử Giám Tư Nghiệp,
Kiêm Sử Quan Tu Soạn, Thần Ngô Sĩ Liên Biên
Xét: Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về
phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hy thị1 đến ở Nam
Giao2 để định đất
Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu3 thì Bách Việt4 thuộc phần đất châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy.
Từ đời Thành Vương nhà Chu (1063 - 1026 TCN) mới gọi là Việt Thường thị, tên Việt
bắt đầu có từ đấy.
1
Hy thị: Tương truyền vua Nghiêu sai anh em họ Hy (Hy thị) và họ Hòa (Hòa thị)
đi bốn phương để trông coi công việc thiên văn lịch pháp. Hy Thúc là em Hy Trọng
đến ở miền đất phương Nam (Kinh Thư, Nghiêu điển).
2
Kinh Thư chép vua Nghiêu sai Hy Thúc đến ở Nam Giao (Hy Thúc trạch Nam Giao).
Khổng An Quốc thời Tây Hán chú giải Kinh Thư, chỉ cho Nam Giao là phương Nam.
Mãi đến thời Đường, Tư Mã Trinh mới giải thích Nam Giao là Giao Chỉ ở phương
Nam.
3
Theo thiên Vũ Cống trong Kinh Thư, chín châu là Ký, Duyện, Thanh, Từ, Dương,
Kinh, Dự, Lương Ung.
4
Bách Việt: là từ mà người Hán dùng để gọi chung các tộc người khác Hán sống ở
miền nam Trung Quốc thời xưa. Từ này lần đầu tiên thấy chép trong Sử Ký (Ngô Khởi
Truyện của Tư Mã Thiên.
5
Việt Thường Thị: tên nước thời cổ ở phía Nam Trung Quốc có quan hệ với nhà Chu
(hiến chim trĩ cho Thành Vương), lần đầu tiên được ghi trong sách Thượng Thư Đại
Truyện. Có nhiều giải thích khác nhau, có thuyết nói rằng Việt Thường Thị ở miền
quận Cửu Đức, tức miền Hà Tĩnh (Thủy Kinh Chú, Cựu Đường Thư); có thuyết nói Việt
Thường thị ở vị trí nước Lâm Ấp đời sau (Văn Hiến thông khảo, Minh Sử, Minh nhất
thống chí)
Kỷ Hồng Bàng Thị
Kinh Dương Vương
[1b] Tên húy là Lộc
Tục, con cháu họ Thần Nông6.
6 Thần Nông: theo truyền thuyết Trung Quốc, là một
trong năm vị đế thời thượng cổ, dạy dân biết cày bừa trồng trọt, cũng gọi là
Viêm Đế.
Nhâm Tuất, năm thứ
17. Xưa
cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh
nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh8 lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua Kinh Dương
Vương. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi.
Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối
ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương
Nam, gọi là nước Xích Quỷ.
7 Theo Mục lục kỷ niên của Đại Việt Sử Ký và câu kết
của Kỷ Hồng Bàng thị (NK1, 5b) thì từ năm Nhâm Tuất đến năm Quý Mão (258 TCN)
cộng 2.622 năm. Vậy năm Nhâm Tuất là năm 2879 TCN. Đó chỉ là một niên đại suy
đoán trên cơ sở - như trong Phàm lệ đã nói rõ - muốn đặt Kinh Dương Vương ngang
với Đế Nghi.
8 Ngũ Lĩnh: có nhiều thuyết khác nhau, đại khái chỉ
năm ngọn ở biên giới phía nam của Trung Quốc. Theo Quảng Châu ký, đó là các
núi: Đại Dũ, Thủy An, Lâm Hạ, Quế Dương, Yết Dương.
Vua lấy con gái Động
Đình Quân tên là Thần Long9 sinh ra Lạc Long Quân.
9 Nguyên văn: "Thú Động Đình Quân nữ, viết Thần
Long". Theo câu này thì phải hiểu Thần Long là tên người con gái của Động
Đình Quân. Nhưng ở đoạn dưới (tờ 2b), soạn giả lại viết: "Kinh Dương Vương
lấy con gái của Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân". Như vậy tên của Động
Đình Quân là Thần Long.
Xét: Đường kỷ chép:
thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình
Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động
Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ
lâu rồi.
Lạc Long Quân
[2a] Tên húy là Sùng
Lãm, con của Kinh Dương Vương.
Vua lấy con gái của Đế
Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của
Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống
tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia năm
mươi con theo mẹ về núi, năm mươi con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về
Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.
(Chúc bạn đọc sách vui
vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Sử thần Ngô Sĩ Liên
nói: Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí
hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí âm dương cả. Kinh Dịch
nói: "Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa
sinh"10. Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha
con rồi sau mới có vua tôi.
10 Kinh Dịch: Hệ từ.
[2b] Nhưng thánh hiền
sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà
sinh ra nhà Thương11, giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu12, đều là ghi sự thực
như thế. Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh
Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra
Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con
trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao? Xét
sách Thông Giám Ngoại kỷ13 nói: Đế Lai là con Đế Nghi; cứ theo sự ghi
chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ
vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?
11 Truyền thuyết Trung Quốc nói là bà Giản Địch (vợ
thứ Đế Cốc) nuốt trứng chim huyền điểu, có mang, sinh ra ông Tiết, tổ của nhà
Ân - Thương.
12 Bà Khương Nguyên giẫm vết chân người khổng lồ, sinh
ra ông Khi, tức Hậu Tắc, tổ nhà Chu.
13 Thông giám ngoại kỷ: tức phần Ngoại Kỷ của sách Tư
Trị Thông Giám (294 quyển) do Tư Mã Quang đời Tống soạn.
Hùng Vương
[3a] Con Lạc Long Quân
(không rõ tên húy)14, đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc)15.
14 Nguyên bản in nhỏ hai chữ "khuyết húy",
dễ nhận lầm là khuyết húy của Lạc Long Quân. Nhưng ở trên đã nói Lạc Long Quân
húy Sùng Lãm. Ở đây nói khuyết húy của Hùng Vương.
15 Huyện Bạch Hạc thời Lê là một phần đất huyện Phong
Châu, tỉnh Vĩnh Phú ngày nay.
Hùng Vương lên ngôi,
đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục,
bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng
Nam), chia nước làm mười lăm bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt
Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn,
Tân Hưng, Cửu Đức; đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang
là nơi vua đóng đô16. Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc
Tướng (chữ Lạc Tướng, sau chép sai là Hùng Tướng17). Con trai vua gọi là
Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Quan coi việc gọi là Bồ Chính, đời đời
cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương. Bấy giờ
dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá
để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, [3b] đến thưa với vua. Vua nói:
"Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài
mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại". Rồi vua bảo mọi người
lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại
nữa. Tục vẽ mình của người Bách Việt có lẽ bắt đầu từ đấy.
16 Việt Sử Lược chép nước Văn Lang gồm mười lăm bộ
lạc, trong đó có mười bộ lạc giống tên như Toàn thư ghi trên đây (Giao Chỉ, Vũ
Ninh, Việt Thường, Ninh Hải, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Cửu Đức,
Văn Lang), và năm bộ lạc với tên khác (Quân Ninh, Gia Ninh, Thang Tuyền, Tân
Xương, Nhật Nam). Lĩnh Nam Chích Quái cũng chép đủ tên mười lăm bộ, nhưng trong
các bản hiện còn, tên các bộ ấy có nhiều sai khác chênh lệch. Dư Địa Chí của
Nguyễn Trãi chép đúng tên các bộ như Toàn Thư đã ghi trên đây, nhưng không có
tên bộ Văn Lang.
17 Chữ "Hùng" và chữ "Lạc" chỉ
khác nhau về phía bên trái, dễ đọc và chép lầm.
Đời Hùng Vương thứ 6, ở
hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba
tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy
cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ
bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm,
một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ
liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc
ở chân núi Vũ Ninh18. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất
nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến
xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa [4a] lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vường
nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là
Xung Thiên Thần Vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng).
18 Lĩnh Nam Chích Quái chép Phù Đổng Thiên Vương đánh
giặc Ân dưới núi Trâu Sơn, Sách Việt Sử Tổng Vịnh chú rằng núi Vũ Ninh thuộc
huyện Quế Dương (nay thuộc đất Quế Võ, tỉnh Hà Bắc).
Thời Thành Vương nhà
Chu (1063 - 1026 TCN), nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu (không rõ vào đời
Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công
nói: "Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề
tôi của mình", rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước.
Cuối thời Hùng Vương,
vua có con gái gọi là Mị Nương, nhan sắc xinh đẹp. Thục Vương nghe tiếng, đến cầu
hôn. Vua muốn gả, nhưng Hùng hầu can rằng: "Họ muốn chiếm nước ta, chỉ lấy
việc hôn nhân làm cớ mà thôi".
Thục Vương vì chuyện ấy
để bụng oán giận. Vua muốn tìm người xứng đáng để gả, bảo các bề tôi rằng:
"Đứa con gái này là giống tiên, người nào có đủ tài đức mới cho làm
rể".
Bấy giờ có hai người từ
ngoài đến, lạy dưới sân để cầu hôn. Vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng một
người là [4b] Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều ở trong cõi cả, nghe nhà
vua có thánh nữ, đánh bạo đến xin lĩnh mệnh. Vua nói: "Ta có một người con
gái, lẽ nào lại được cả hai rể hiền?". Bèn hẹn đến ngày hôm sau, ai đem đủ
sính lễ đến trước thì gả cho người ấy. Hai người vâng lời, lạy tạ ra về.
Hôm sau, Sơn Tinh đem
các đồ châu báu vàng bạc, chim núi thú rừng đến dâng. Vua y hẹn gả con cho. Sơn
Tinh đón vợ về ở ngọn núi cao trên núi Tản Viên. Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến
sau, giận tiếc là không kịp, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập, đem các
loài thủy tộc đuổi theo. Vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu
sông Từ Liêm19 để chặn lại. Thủy Tinh theo sông khác, từ Ly
Nhân vào chân núi Quảng Oai20 rồi theo dọc bờ lên cửa sông Hát, ra sông lớn21 mà rẽ vào sông Đà
để đánh Tản Viên, nơi nơi đào sâu thành vực thành chằm, chứa nước để mưu đánh
úp. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, gọi [5a]22 người man đan tre làm rào chắn nước, lấy nỏ bắn
xuống, các loài có vẩy và có vỏ trúng tên đều chạy trốn cả. Rốt cuộc Thủy Tinh
không thể xâm phạm được núi Tản Viên.
(Tục truyền Sơn Tinh và
Thủy Tinh từ đấy về sau đời đời thù oán, mỗi năm mùa nước to thường vẫn đánh
nhau).
19 Sông Từ Liêm: chỉ khúc sông Hồng chảy qua Chèm, Hà
Nội.
20 Tức là sông Đáy.
21 Tức là sông Hồng.
22 Nguyên bản mất tờ in 5a - 5b, được thay thế bằng tờ
chép tay.
Núi Tản Viên là dãy núi
cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng nghiệm. Mị Nương đã lấy Sơn Tinh,
Thục Vương tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đến
đời cháu là Thục Phán có dũng lược, bèn đánh lấy nước.
Sử thần Ngô Sĩ Liên
nói: "Thời Hùng Vương đặt chư hầu để làm phên giậu, chia nước làm mười lăm
bộ. Ở mười lăm bộ ấy đều có trưởng và tá. Vua theo thứ bậc cắt đặt các con thứ
để cai trị. Nói năm mươi con theo mẹ về núi, làm sao biết không phải là như
thế? Vì mẹ làm quân trưởng, các con đều làm chúa một phương. Cứ xem như tù
trưởng người man ngày nay xưng là nam phụ đạo, [5b] nữ phụ đạo (nay bản triều
đổi chữ phụ đạo thành chữ phụ đạo thì có lẽ đúng như thế). Còn như việc Sơn
Tinh, Thủy Tinh thì rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm
thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi).
Trở lên là kỷ Hồng Bàng
thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi,
truyền đến cuối thời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ
57 (258 TCN) là năm Quý Mão thì hết, tất cả 2.622 năm (2879 - 258 TCN).
Kỷ Nhà Thục
An Dương Vương
Họ Thục, tên húy là
Phán, người Ba Thục23, ở ngôi năm mươi năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là
thành Cổ Loa).
23 Về điều ghi Thục Phán người Ba Thục (Tứ Xuyên,
Trung Quốc), Cương mục có nhận xét: "Nước Thục từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh
Vương nhà Chu (316 TCN) đã bị nước Tần diệt rồi, làm gì có vua nữa? Huống chi
từ Thục đến Văn Lang còn có đất Kiện Vi (nay thuộc Vân Nam), đất Dạ Lang, Cùng,
Túc, Nhiễm Mang,… cách nhau hàng hai ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được
các nước ấy mà sang đánh lấy Văn Lang?… Hoặc giả ngoài cõi Tây Bắc giáp với
nước Văn Lang còn có họ Thục khác, mà sử cũ (tức Toàn Thư) nhận là Thục Vương
chăng?" (CMTB 1, 9). Hiện nay, có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của Thục
Phán, trong đó có thuyết coi họ Thục là thủ lĩnh của người Âu Việt (hay Tây Âu)
ở phía bắc nước Văn Lang mà trung tâm là vùng Cao Bằng.
[6a] Giáp
Thìn, năm thứ 1 (257 TCN, Chu Noãn Vương năm thứ 58). Vua đã thôn tính
được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Trước kia vua nhiều lần đem quân
đánh Hùng Vương, nhưng Hùng Vương binh hùng tướng mạnh, vua bị thua mãi. Hùng
Vương bảo vua rằng: "Ta có sức thần, nước Thục không sợ ư?" Rồi Hùng
Vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến
nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính
quay giáo đầu hàng Thục Vương.
Bấy giờ Thục Vương đắp
thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc, cho nên gọi
là Loa Thành24, lại có tên là thành Tư Long (người nhà Đường gọi
là thành Côn Lôn, vì thành rất cao25). Thành này cứ đắp xong lại sụt, vua lấy làm lo,
mời trai giới khấn trời đất và thần kỳ núi sông, rồi khởi công đắp lại.
24 Nay còn di tích ở huyện Đông Anh, Hà Nội.
25 Côn Lôn: tên dãy núi Trung Quốc (ở miền Tân Cương -
Tây Tạng).