Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 02 - Phần 1

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư

Quyển II

[1a]

Kỷ Nhà Triệu38

38 Toàn thư,
cũng như nhiều bộ sử thời phong kiến, quan niệm nhà Triệu là một triều đại
chính thống của nước ta, và viết thành Kỷ Nhà Triệu. Quan niệm đó, từ thế kỷ
XVIII đã bị phê phán, mà người bác bỏ đầu tiên là Ngô Thì Sĩ, tác giả Việt Sử
Tiêu Án.

Vũ Đế

Ở ngôi bảy mươi mốt năm
(207 - 136 TCN), thọ một trăm hai mươi mốt tuổi (256 - 136 TCN).

Họ Triệu, nhân lúc nhà
Tần suy loạn, giết trưởng lại Tần, chiếm giữ đất Lĩnh Nam, xưng đế, đòi ngang
với nhà Hán, hưởng nước truyền ngôi 100 năm mới mất, cũng là bậc vua anh hùng.

Họ Triệu, tên húy là
Đà, người huyện Chân Định39 nước Hán, đóng đô ở Phiên Ngung (nay ở tỉnh Quảng
Đông)40.

39 Nay là huyện Chinh Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

40 Tức Quảng Châu ngày nay. Ở Quảng Đông vẫn còn huyện
Phiên Ngung.

Giáp Ngọ, năm thứ
1 (207 TCN), (Tần Nhị Thế năm thứ 3). Vua chiếm lấy đất Lâm Ấp41 và Tượng Quận, tự
lập làm Nam Việt Vương.

41 Theo
Sử Ký (quyển 113: Nam Việt Liệt Truyện): "Khi nhà Tần đã bị diệt, Đà lập tức
đánh lấy Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vương". Ở đây, văn bản của
Toàn Thư, do sao chép hoặc khắc in, đã nhầm lẫn từ Quế Lâm thành Lâm Ấp.

Ất Mùi, năm thứ 2
(206 TCN), (Tây Sở Bá Vương Hạng Tịch năm thứ 1; Hán Vương Lưu Bang năm thứ I).
Năm ấy nhà Tần mất.

[1b] Đinh Dậu, năm
thứ 4 (204 TCN), (Sở Hạng Tịch năm thứ 3; Hán Lưu Bang năm thứ 3). Mùa đông,
tháng 10, ngày 30, nhật thực. Tháng 11, ngày 30, nhật thực.

Mậu Tuất, năm thứ
5 (203 TCN), (Sở Hạng Tịch năm thứ 4; Hán Lưu Bang năm thứ 4). Mùa thu, tháng
7, sao Chổi mọc ở khu vực sao Đại Giác.

Kỷ Hợi, năm thứ 6
(202 TCN), (Hán Cao Đế năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, Hán Vương lên ngôi hoàng
đế. Năm ấy Tây Sở mất.

Quý Mão, năm thứ
10 (198 TCN), (Hán Cao Đế năm thứ 9). Vua sai hai sứ coi giữ hai quận Giao
Chỉ và Cửu Chân.

Ất Tỵ, năm thứ 12
(196 TCN), (Hán Cao Đế năm thứ 11) Nhà Hán đã định được thiên hạ, nghe tin
vua cũng đã xưng vương ở nước Việt, mới sai Lục Giả sang phong vua làm Nam Việt
Vương, trao cho ấn thao42 và con so bổ đôi43, thông sứ với nhau,
bảo vua giữ yên đất Bách Việt, chớ cướp phá. Khi sứ đến, vua ngồi xổm mà tiếp
Lục Giả. Giả nói: "Vương vốn là [2a] người Hán, họ hàng mồ mả đều ở nước
Hán, nay lại làm trái tục nước mình, muốn chiếm đất này làm kẻ địch chống chọi
với nhà Hán, há chẳng lầm hay sao? Vả lại, nhà Tần mất con hươu44, thiên hạ đều tranh
nhau đuổi, chỉ có Hán Đế khoan nhân yêu người, dân đều vui theo, khởi quân từ
đất Phong Bái mà vào Quan Trung trước tiên để chiếm giữ Hàm Dương, dẹp trừ hung
bạo. Trong khoảng năm năm, dẹp yên loạn lạc, bình định bốn biển, đó không phải
là sức người làm nổi, tức là trời cho. Hán Đế nghe vương làm vua ở đất này,
từng muốn quyết một phen được thua, nhưng vì dân chúng lao khổ vừa xong cho nên
phải bỏ ý định, sai sứ mang ấn thao cho vương, đáng lẽ vương phải ra ngoài giao45 nghênh đón bái
yết để tỏ lòng tôn kính. Nay đã không làm thế, thì nên sắm lễ mà tiếp sứ giả
mới phải, sao lại cậy dân Bách Việt đông mà khinh nhờn sứ giả của thiên tử?
Thiên Tử nghe biết, phát binh sang hỏi tội, thì vương làm thế nào?". Vua
ra dáng sợ hãi, đứng dậy nói: "Tôi ở đất này lâu ngày [2b] quên mất cả lễ
nghĩa". Nhân hỏi Giả rằng: "Tôi với Tiêu Hà, Tào Tham ai hơn?"46 Giả nói:
"Vương hơn chứ." Lại hỏi: "Tôi với vua Hán ai hơn?" Giả
nói: "Hán Đế nối nghiệp của Ngũ Đế Tam Vương, thống trị người Hán kể hàng
ức vạn người, đất rộng hàng muôn dặm, vật thịnh dân giàu, quyền chính chỉ do
một nhà, từ khi trời đất mở mang đến nay chưa từng có. Nay dân của vương, chẳng
qua mười vạn ở, ở xen khoảng núi biển, chỉ ví như một quận của nhà Hán, ví với
Hán Đế sao được?" Vua cười và nói: "Tôi lấy làm giận không được nổi
dậy ở bên ấy, biết đâu chẳng bằng nhà Hán?" Giả ngồi im lặng, sắc mặt tiu
nghỉu. Bèn giữ Giả ở lại vài tháng. Vua nói: "Ở đất Việt này không ai đủ
để nói chuyện được. Nay ông đến đây hàng ngày tôi được nghe những chuyện chưa
từng nghe." Cho Giả đồ châu báu giá nghìn vàng để làm vật bỏ bao. Đến khi
Giả về, lại cho thêm nghìn vàng nữa.

42 Nguyên văn: "Tỉ thụ" tức quả ấn và dây
thao để buộc (và trang sức) quả ấn.

43 Nguyên văn: "Phẫu phù" tức vật bằng vàng
bạc, ngọc đá,… cấp cho người được phong quan tước, khi cần xác định thì khớp
hai nửa với nhau; tác dụng cũng như phù tiết, nhưng phù tiết thường là hình ống
làm bằng tre gỗ, để cấp cho các viên quan đi thi hành mệnh lệnh.

44 Dùng ai từ đồng âm (lộc là con hươu, và lộc là phúc
lộc) để nói bóng việc nhà Tần mất nước.

45 Giao: vùng ngoại ô đô thành.

46 Tiêu Hà, Tào Tham: hai người có công đầu trong việc
phò tá Hán Cao Tổ, nối tiếp giữ chức thừa tướng nhà Hán.

[3a] Bính Ngọ, năm
thứ 13 (195 TCN), (Hán Cao Đế năm thứ 12). Mùa hạ, tháng 4, vua Hán băng
hà.

Canh Tuất, năm thứ
17 (191 TCN), (Hán Huệ Đế Doanh năm thứ 4). Mùa hạ, nhà Hán dựng Nguyên
Miếu ở phía bắc sông Vị.

Quý Sửu, năm thứ
20 (188 TCN), (Hán Huệ Đế năm thứ 7) Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng một,
nhật thực. Mùa hạ, tháng 5, nhật thực, mặt trời bị che khuất hết. Mùa thu,
tháng 8, vua Hán băng.

Ất Mão, năm thứ 22
(186 TCN), (Hán Cao Hậu Lữ Trĩ năm thứ 2). Mùa hạ, tháng 6, ngày 30, nhật
thực.

Đinh Tỵ, năm thứ
24 (184 TCN), (Hán Cao Hậu năm thứ 4). Nhà Hán cấm nước Nam Việt mua đồ
sắt ở cửa quan. Vua nói: "Khi Cao Đế lên ngôi, ta cùng thông sứ chung đồ
dùng. Nay Cao Hậu nghe lời gièm pha, phân biệt đồ dùng Hán, Việt. Việc này tất
là mưu kế của Trường Sa Vương47 muốn dựa uy đức của nhà Hán mưu lấy nước ta mà
làm vua cả, tự làm công của mình".

47 Tước của Ngô Nhuế đời Hán Cao Tổ được phong
làm phiên vương ở Trường Sa (nay là phần đất phía đông tỉnh Hồ Nam).

[3b] Mậu Ngọ, năm
thứ 25 (183 TCN), (Hán Cao Hậu năm thứ 5). Mùa xuân, vua lên ngôi hoàng
đế, đem quân đánh Trường Sa, đánh bại mấy quận rồi về.

Canh Thân, năm thứ
27 (181 TCN), (Hán Cao Hậu năm thứ 7). Nhà Hán sai Lâm Lư hầu Chu Táo sang
đánh Nam Việt để báo thù việc đánh Trường Sa. Gặp khi nắng to ẩm thấp, bệnh
dịch phát, bèn bãi quân. Vua nhân thế dùng binh uy và của cải để chiêu vỗ Mân
Việc và Âu Lạc ở phía tây (tức là Giao Chỉ và Cửu Chân), các nơi ấy đều theo
về, từ đông sang tây rộng hơn vạn dặm. Vua ngồi xe mui vàng, dùng cờ tả đạo48, cho là nghi vệ ngang
với nhà Hán.

Tân Dậu, năm thứ
28 (180 TCN), (Hán Cao Hậu năm thứ 8). Mùa thu, tháng 7, Cao Hậu băng, các
đại thần đón Đại vương Hằng lên ngôi, tức là Văn Đế.

48
Tả đạo: loại cờ lớn trang sức bằng lông đuôi cừu, dựng trên xe nhà vua.

Nhâm Tuất, năm thứ 29
(179 TCN), (Hán Văn Đế Hằng năm thứ 1). Vua Hán vì thấy mồ mả tổ tiên của vua
đều ở Chân Định [4a] mới đặt người thủ ấp để trông coi, tuế thời cúng tế, gọi
các anh em của vua cho làm quan to, ban cho hậu. Vua Hán hỏi Tể tướng Trần Bình
có thể cử ai sang sứ Nam Việt được, Bình nói: "Lục Giả thời Tiên đế đã
từng sang sứ Nam Việt". Vua Hán gọi Giả cho làm Thái trung đại phu, lấy
một người yết giả49 làm phó sứ, đem thư sang cho vua. Thư nói:
"Kính hỏi thăm Nam Việt Vương rất lao tâm khổ ý. Trẫm là con vợ lẽ của Cao
Đế, phải đuổi ra ngoài làm phiên vương ở đất Đại, vì đường sá xa xôi, kiến thức
hẹp hòi quê kệch, nên chưa từng gửi thư. Cao Hoàng Đế lìa bỏ bầy tôi, Hiếu Huệ
Hoàng Đế qua đời, Cao Hậu tự lên trông coi việc nước, không may có bệnh, người
họ Lữ chuyên quyền làm bậy, một mình khống chế ngự được, mới lấy con người họ
khác nối nghiệp Hiếu Huệ Hoàng Đế. Nhờ anh linh tông miếu và sức lực của các
công thần, đã giết hết bọn ấy. Trẫm vì các vương hầu và quan lại không cho từ
chối, không thể không nhận, nay đã lên ngôi. Mới rồi nghe nói vương có gửi thư
cho tướng [4b] quân Lâm Lư hầu, muốn tìm anh em thân và xin bãi chức hai tướng
quân ở Trường Sa. Trẫm theo thư của vương, đã bãi chức tướng quân Bác Dương hầu
rồi, còn anh em thân của vương hiện ở Chân Định, trẫm đã sai người đến thăm hỏi
và sửa đắp phần mộ tiên nhân của vương rồi. Ngày trước nghe tin vương đem quân
đánh biên giới, cướp phá mãi không thôi, dân Trường Sa khổ sở mà Nam Quận khổ
nhất, nước của vương há được lợi riêng hay sao? Tất phải chết nhiều quân lính,
hại các tướng lại tài giỏi, làm cho vợ góa chồng, con mồ côi, cha mẹ mất con,
được một hại mười, trẫm không nỡ làm thế. Trẫm muốn phân định đất phong xen kẽ
để chế ngự lẫn nhau50, đem việc ra hỏi, bọn quan lại đều nói: "Cao
Hoàng Đế sở dĩ lấy Trường Sa làm địa giới, vì quá chỗ đó là đất của vương,
không nên tự tiện thay đổi". Nay dù lấy được đất đai của vương cũng không
đủ lớn thêm, lấy được của cải của vương cũng không đủ giàu thêm, cõi đất từ Ngũ
Lĩnh về nam, vương cứ việc trị lấy. Tuy vậy, vương xưng là [5a] đế, hai đế cùng
lập mà không có xe sứ thông hiếu, thế là tranh nhau. Tranh mà không biết nhường
thì người có nhân không làm. Trẫm nguyện cùng vương đều bỏ hiềm trước, từ nay
trở đi thông hiếu như xưa. Vì vậy mới sai Lục Giả sang đưa tờ dụ, để tỏ với
vương bản ý của trẫm. Vương cũng nên nghe theo, chớ làm những việc cướp phá
nữa. Nhân gửi biếu vương năm mươi chiếc áo bông thượng hạng, ba mươi chiếc áo
bông trung hạng, ba mươi chiếc áo bông hạ hạng. Mong rằng Vương hãy nghe nhạc
tiêu sầu và thăm hỏi nước láng giềng".

49
Yết giả: chức quan đời Tần, Hán, giữ việc giao thiệp với nước ngoài.

50 Nguyên văn: "định địa khuyển nha chi
tương chế" (phân định đất đai theo kiểu xen kẻ như răng chó để chế ngự lẫn
nhau). Nhà Hán cắt đất phong kiểu cho xen lọt phần đất của phiên quốc nọ với
phiên quốc kia để dễ bề chế ngự.

Khi Giả đến, vua tạ lỗi
nói: "Kính vâng chiếu chỉ, xin làm phiên vương, giữ mãi lệ cống". Rồi
đó vua hạ chiếu rằng: "Trẫm nghe: hai người hùng không đứng cùng nhau, hai
người hiền không ở cùng đời. Hoàng Đế nhà Hán là bậc thiên tử hiền tài, từ nay
ta triệt bỏ xe mui vàng và cờ tả đạo là nghi chế của hoàng đế". Nhân viết
thư rằng: "Man Di đại trưởng lão phu, thần Đà, mạo muội đáng chết, hai lạy
dâng thư lên hoàng đế bệ hạ. Lão phu vốn là lại cũ ở đất Việt, Cao Đế ban cho
ấn [5b] thao làm Nam Việt Vương. Hiếu Huệ Hoàng Đế lên ngôi, vì nghĩa không nỡ
tuyệt nên ban cho lão phu rất hậu. Cao Hậu lên coi việc nước lại phân biệt Hoa
- Di, ra lệnh không cho Nam Việt những khí cụ làm ruộng bằng sắt và đồng; ngựa,
trâu, dê nếu cho thì cũng chỉ cho con đực, không cho con cái. Lão phu ở đất hẻo
lánh, ngựa, trâu, dê đã già. Tự nghĩ nếu không sắm lễ vật cúng tế, thì tội thực
đáng chết, mới sai nội sử Phan, trung úy Cao, ngự sử Bình, ba bọn dâng thư tạ
lỗi, nhưng đều không thấy trở về. Lại nghe đồn rằng, phần mộ của cha mẹ lão phu
bị đập phá, anh em họ hàng đều bị giết. Vì vậy, bọn lại bàn nhau rằng: 'Nay bên
trong không được phấn chấn với nhà Hán, bên ngoài không lấy gì để tự cao khác
với nước Ngô'. Vì vậy mới đổi xưng hiệu là đế, để tự làm đế nước mình, không
dám làm điều gì hại đến thiên hạ. Cao Hoàng Hậu nghe tin cả giận, tước bỏ sổ
sách của Nam Việt, khiến cho việc sai người đi sứ không thông. Lão phu trộm ngờ
là vì Trường Sa Vương gièm [6a] pha, cho nên mới đem quân đến đánh biên giới.
Lão phu ở đất Việt bốn mươi chín năm, đến nay đã ẵm cháu rồi, những vẫn phải
dậy sớm, ngủ muộn, nằm không yên chiếu, ăn không biết ngon, mắt không trông sắc
đẹp, tai không nghe tiếng chuông trống, chỉ vì không được làm tôi nhà Hán mà
thôi. Nay may được bệ hạ có lòng thương đến, được khôi phục hiệu cũ, cho thông
sứ như trước, lão phu dù chết xương cũng không nát. Vậy xin đổi tước hiệu,
không dám xưng đế nữa. Kính cẩn sai sứ giả dâng một đôi ngọc bích trắng, một
ngàn bộ lông chim trả, một sừng tên, năm trăm vỏ ốc màu tía, một giỏ cà cuống,
bốn mươi đôi chim trả sống, hai đôi chim công. Mạo muội liều chết, hai lạy dâng
lên hoàng đế bệ hạ".

Lục Giả đem thư ấy về
báo, vua Hán rất mừng. Từ đấy Nam Bắc giao hảo, thôi việc binh đao, dân được
yên nghỉ.

Quý Hợi, năm thứ
30 (178 TCN), (Hán Văn Đế năm thứ 2). Mùa đông, tháng 10, ngày 30, nhật
thực.

[6b] Giáp Tý, năm
thứ 31 (177 TCN), (Hán Văn Đế năm thứ 3). Mùa đông, tháng 10, ngày 30 nhật
thực. Tháng 11, ngày 30, nhật thực.

Tân Tỵ, năm thứ 48
(160 TCN), (Hán Văn Đế Hậu Nguyên, năm thứ 4). Mùa hạ, tháng 4, ngày 30,
nhật thực.

Giáp Thân, năm thứ
51 (157 TCN), (Hán Văn Đế năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 6, vua Hán băng, có
chiếu dặn để tang ngắn. Mùa thu, tháng 9, sao Chổi mọc ở phương tây.

Ất Dậu, năm thứ 52
(156 TCN), (Hán Cảnh Đế Khải, năm thứ 1). Nhà Hán chiếu sai các quận quốc
dựng miếu Thái Tông.

Bính Tuất, năm thứ
53 (155 TCN), (Hán Cảnh Đế năm thứ 2). Mùa đông, tháng 11, có sao Chổi mọc
ở phương tây.

Đinh Hợi, năm thứ
54 (154 TCN), (Hán Cảnh Đế năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, có sao Chổi
đuôi dài mọc ở phương tây. Tháng ấy, ngày 30, có nhật thực.

[7a] Mậu Tý, năm
thứ 55 (153 TCN), (Hán Cảnh Đế năm thứ 4). Mùa đông, tháng 10, ngày 30,
nhật thực.

Quý Tỵ, năm thứ 60
(148 TCN), (Hán Cảnh Đế Trung Nguyên năm thứ 2). Mùa hạ, tháng 4, có sao Chổi
mọc ở phía tây bắc. Mùa thu, tháng 9, ngày 30, có nhật thực.

Giáp Ngọ, năm thứ
61 (147 TCN), (Hán Cảnh Đế năm thứ 3). Mùa thu, tháng 9, có sao Chổi mọc ở
phía tây bắc. Tháng ấy, ngày 30, nhật thực.

Ất Mùi, năm thứ 62
(146 TCN), (Hán Cảnh Đế năm thứ 4). Mùa đông, tháng 10, ngày 30, nhật
thực.

Đinh Dậu, năm thứ
64 (144 TCN), (Hán Cảnh Đế năm thứ 6). Mùa thu, tháng 7, ngày 30, nhật
thực. Bấy giờ vua sai sứ sang nhà Hán thì xưng là vương, giữ lễ triều yết cũng
như các nước chư hầu, ở trong nước thì theo hiệu cũ (đế].

[7b] Mậu Tuất, năm
thứ 65 (143 TCN), (Hán Cảnh Đế Hậu Nguyên, năm thứ 1). Mùa thu, tháng 7,
ngày 30, nhật thực.

Canh Tý, năm thứ
67 (141 TCN), (Hán Cảnh Đế (Hậu Nguyên) năm thứ 3). Mùa đông51, tháng 10, mặt trời,
mặt trăng đều sắc đỏ. Tháng 12, sắc mặt trời đỏ tía, năm sao đi ngược chiều ôm
lấy chòm sao Thái Vi; mặt trăng đi xuyên vào Thiên Đình (Thiên Đình tức là 10
ngôi sao cung viên Thái Vi ở góc hữu sao Long Tinh, ở khoảng sao Dực sao Chẩn;
ấy là cung của thiên tử; tòa của ngũ đế).

51
Sự việc ghi trong năm Canh Tý này (141 TCN), trước đã nói mùa đông, sau lại ghi
việc mùa xuân, hẳn là việc ở hai năm khác nhau. Hán Cảnh Đế ở ngôi mười sáu
năm, chết năm Canh Tý (xem: Lịch đại đế cương miếu thụy niên húy phả) đúng như
Toàn Thư ghi tại đây. Vì vậy, điều ghi "mùa đông, tháng 10…" ở trên
là ghi lại sự việc trong mùa đông năm trước. Hoặc cũng có thể coi là văn bản
Toàn thư bỏ sót tiêu mục về năm Kỷ Hợi (142 TCN) mà sự việc về mùa đông đã ghi
nhầm vị trí như trên.

Mùa xuân, tháng giêng,
vua Hán băng.

Nhâm Dần, năm thứ
69 (139 TCN), (Hán Vũ Đế Triệt, Kiến Nguyên năm thứ 2). Mùa xuân, tháng
giêng, ngày 30, nhật thực. Mùa hạ, tháng 4, có sao to bằng mặt trời mọc ban
đêm.

Quý Mão, năm thứ
70 (138 TCN), (Hán Kiến Nguyên năm thứ 3). Mùa thu, tháng 7, sao Chổi mọc
ở phía tây bắc. Tháng 9, ngày 30, nhật thực.

Giáp Thìn, năm thứ
71 (137 TCN), (Hán Kiến Nguyên, năm thứ 4). Vua băng, thụy là Vũ Đế. Cháu
là Hồ lên nối ngôi. (Về sau, nhà Trần [8a] phong là Khai Thiên Thể Đạo Thánh Vũ
Thần Triết Hoàng Đế).

Lê Văn Hưu nói: Đất
Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ (như Trung
Hoa), đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại
Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người
Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không
cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai
thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng
là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có
thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế
mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải
đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc
không thể [8b] lại ngấp nghé được.

Sử thần Ngô Sĩ Liên
nói: Truyện (Trung Dung) có câu: "Người có đức lớn thì ắt có ngôi, ắt có
danh, ắt được sống lâu". Vũ Đế làm gì mà được như thế? Cũng chỉ vì có đức
mà thôi. Xem câu trả lời Lục Giả thì oai anh vũ kém gì Hán Cao. Đến khi nghe
tin Văn Đế đặt thủ ấp trông coi phần mộ tổ tiên, tuế thời cúng tế, lại ban
thưởng ưu hậu cho anh em, thì bấy giờ vua lại khuất phục nhà Hán, do đó tông
miếu được cúng tế, con cháu được bảo tồn, thế chẳng phải là nhờ đức ư? Kinh
Dịch nói: "Biết khiêm nhường thì ngôi tôn mà đức sáng, ngôi thấp mà không
ai dám vượt qua". Vua chính hợp câu ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3