Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 04 - Phần 2

Canh Thìn, (380), (Tấn Vũ Đế122, Xương Minh, Thái Nguyên năm thứ 5). Mùa đông, tháng 10, Thái thú Cửu Chân là Lý Tốn chiếm châu làm phản.

122 Sử đúng là Tấn Hiếu Vũ Đế.

Tân Tỵ, (381), (Tấn Thái Nguyên năm thứ 6). Thái thú Giao Châu là Đỗ Viện chém được Lý Tốn, trong cõi lại được yên, thăng cho Viện làm thứ sử Giao Châu123. (Viện người Chu Diên nước ta. Sách Giao Chỉ chí chép vào mục nhân vật nước ta, xếp sau Sĩ Nhiếp).

123 CMTB3, 22b dẫn Tống Thư và Lương Thư xác định Đỗ Viện làm Thứ sử Giao Châu năm Long An thứ 3 (399) và năm đó cũng có việc quân Lâm Ấp đánh phá Giao Châu. Toàn Thư ở đây chép vào năm Tân Tỵ (381), sát liền trên mục năm Kỷ Hợi (399), có thể do sao chép văn bản sai vị trí.

[9a] Kỷ Hợi, (399), (Tấn An Đế Đức Tông, Long An năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 3, vua nước Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt đánh lấy Nhật Nam và Cửu Chân, rồi vào cướp Giao Châu. Đỗ Viện đánh tan được.

Tân Hợi, (411), (Tấn Nghĩa Hy năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 4, Thái thú quận Vĩnh Gia là Lư Tuần chạy sang (Giao Châu). Trước đó, khi Thứ sử Đỗ Viện chết (có sách nói Viện vốn người Kinh Triệu, ông là Nguyên, làm Thái thú Hợp Phố, nhân đó Viện mới đến ở Giao Chỉ), vua Tấn cho con là Tuệ Độ thay làm Thứ sử. Chiếu thư chưa đến nơi, Tuần đã đánh phá Hợp Phố, tiến thẳng đến Giao Châu. Tuệ Độ đem các quan văn võ ở châu phủ chống nhau với Tuần ở Thạch Kỳ124, đánh tan được. Quân của Tuần sống sót khoảng hai nghìn người. Dư đảng của Lý Tốn là bọn Lý Thoát kết tụ với dân Lý, Lạo hơn năm nghìn người để ứng theo Lư Tuần, ngày Canh Tý kéo đến bờ nam Long Biên. Tuệ Độ bỏ hết gia tài để thưởng quân sĩ, cùng Tuần giao chiến, ném đuốc đuôi trĩ đốt thuyền bè của Tuần, cho bộ binh áp bờ sông bắn xuống. Thuyền của Tuần cháy hết, [9b] bèn tan vỡ. Tuần biết thế nào cũng chết, bỏ thuốc độc cho vợ con chết trước rồi gọi các nàng hầu con hát hỏi rằng: "Ai có thể theo ta?" Phần nhiều đều trả lời: "Con sẻ, con chuột còn tham sống, chết theo thì khó lắm". Cũng có người nói: "Quan còn phải chết, chúng tôi há lại muốn sống". Tuần bèn giết hết những kẻ không chịu chết theo, rồi gieo mình xuống sông mà chết. Tuệ Độ sai nhặt xác đem chém đầu, cùng với vợ con của Tuần và bọn Thoát, đều lấy đầu đóng hòm đưa về Kiến Khang125.

124 Thạch Kỳ: tên trấn, ở phía Nam phủ trị Giao Châu (CMTB3, 24a).

125 Kiến Khang: kinh đô nhà Đông Tấn, vốn là Kiến Nghiệp, vì kiêng húy Tấn Mẫn Đế, đổi thành Kiên Khang, tức Nam Kinh, Trung Quốc ngày nay.

Quý Sửu, (413), (Tấn Nghĩa Hy năm thứ 9). Mùa xuân, tháng 2, vua nước Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt cướp quận Cửu Chân. Tuệ Độ đánh chém được.

Ất Mão, (415), (Tấn Nghĩa Hy năm thứ 11). Mùa đông, tháng 12, quân Lâm Ấp cướp Giao Châu. Tướng châu đánh bại được.

Canh Thân, (420), (Tấn Cung Đế Đức Văn, Nguyên Hy năm thứ 2; Tống Vũ Đế Lưu Dụ, Vĩnh Sơ năm thứ 1). Mùa thu, tháng 7, Tuệ Độ đánh Lâm Ấp, phá được, chém giết đến quá nửa. Lâm Ấp xin hàng, Tuệ Độ cho. Những người trước sau bị (Lâm Ấp) cướp bắt [10a] đều được trả về cả. Tuệ Độ ở Giao Châu, mặc áo vải, ăn cơm rau, cấm thờ nhảm, sửa nhà học, năm đói kém thì lấy lộc riêng để chẩn cấp, làm việc cẩn thận chu đáo cũng như việc nhà, lại dân sợ mà yêu. Cửa thành đêm vẫn mở, ngoài đường không ai nhặt của rơi. Khi Tuệ Độ chết, tặng chức Tả tướng quân, cho con là Hoằng Văn làm Thứ sử. Năm ấy nhà Tấn mất.

Đinh Mão, (427), (Tống Văn Đế Nghĩa Long, Nguyên Gia năm thứ 4). Mùa hạ, tháng 4, ngày Canh Tuất, vua Tống gọi Hoằng Văn về làm Đình Úy, cho Vương Huy Chi làm Thứ sử. Bấy giờ Hoằng Văn đang ốm, cố ngồi xe lên đường, có người khuyên chờ khỏi ốm hãy đi. Hoằng Văn nói: "Nhà ta ba đời cầm phù tiết, thường muốn đem mình sang chầu sân vua, huống chi nay lại được gọi về". Bèn cứ đi, chết ở Quảng Châu.

Tân Mùi, (431), (Tống Nguyên Gia năm thứ 8). Vua nước Lâm Ấp là Phạm Dương Mại cướp phá quận Cửu Chân, bị quân châu đánh lui.

[10b] Nhâm Thân, (432), (Tống Nguyên Gia năm thứ 9). Mùa hạ, tháng 5, vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại sai sứ sang cống nước Tống, xin lĩnh Giao Châu. Vua Tống xuống chiếu trả lời vì đường xa không cho.

Lê Văn Hưu nói: (Dù khỏe như) Bôn và Dục126 mà lúc còn thơ ấu cũng không thể chống nổi người què, người thọt đã tráng niên. Nước Lâm Ấp thừa lúc nước Việt ta không có vua, đến cướp Nhật Nam và Cửu Chân rồi xin quản lĩnh cả (Giao Châu), có phải bấy giờ nước Việt ta không thể chống nổi nước Lâm Ấp ấy đâu! Chỉ vì không có người thống suất mà thôi! Thời không bĩ mãi, tất có lúc thái. Thế không khuất mãi, tất có lúc duỗi. Lý Thái Tông chém đầu vua nước ấy là Sạ Đẩu, Lý Thánh Tông bắt vua nước ấy là Chế Củ, bắt làm tù dân nước ấy năm vạn người, đến nay vẫn còn phải chịu làm tôi tớ, cũng đủ để rửa được mối hận thù hổ thẹn của mấy năm ô nhục này.

126 Theo truyền thuyết Trung Quốc, Mạnh Bôn là dũng sĩ thời Chiến Quốc, có thể nhổ được sừng bò; Hạ Dục, người nước Vệ thời Xuân Thu, có thể nhổ được đuôi bò.

[11a] Bính Tý, (436), (Tống Nguyên Gia thứ 13)127. Mùa xuân, tháng 2, vua Tống sai Thứ sử Giao Châu là Đàn Hòa Chi đánh Lâm Ấp. Trước kia, vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại tuy sai sứ sang cống, nhưng vẫn không thôi việc cướp bóc, cho nên vua Tống sai Hòa Chi đi đánh. Bấy giờ người quận Nam Dương là Tông Xác, nếp nhà đời đời Nho học, riêng Xác thích việc võ, thường nói: "Muốn cưỡi gió lớn mà phá sóng muôn dặm". Đến khi Hòa Chi đi đánh Lâm Ấp, Xác hăng hái xin đi theo quân. Vua Tống cho Xác làm Chấn vũ tướng quân. Hòa Chi sai Xác làm tiên phong.

127 CMTB3, 27a sửa là năm Bính Tuất, niên hiệu Nguyên Gia thứ 23 (Theo Tống thư quyển 5 Đế kỷ, quyển 97 Nam Di Truyện). Nam Tề thư Lâm Ấp truyện, chép việc này vào năm Nguyên Gia thứ 22 (445).

Dương Mại nghe tin quân Tống sang, sai sứ dâng biểu xin trả lại những người dân Nhật Nam bị bắt và nộp một vạn cân vàng, mười vạn cân bạc. Vua Tống xuống chiếu bảo Hòa Chi: "Nếu Dương Mại thực có lòng thành, cũng cho quy thuận". Hòa Chi đến đóng ở đồn Chu Ngô (huyện Chu Ngô từ thời Hán đến giờ thuộc quận Nhật Nam, bấy giờ đặt đồn thú ở đấy), sai Hộ tào tham quân của phủ là bọn Khương Trọng Cơ (phủ là phủ thứ sử Giao Châu) đi trước [11b] đến gặp Dương Mại, bị Dương Mại bắt giữ. Hòa Chi giận, tiến vây tướng của Lâm Ấp là Phạm Phù Long ở thành Khu Túc128. Dương Mại sai tướng là Phạm Côn Sa Đạt đến cứu. Xác lén đem quân đón đánh (Phạm) Con Sa Đạt, phá tan được.

128 CMTB3, 26 chép tên thành là Khu Lật và dẫn Thủy kinh chú để chú thích về thành này. Vị trí thành Khu Túc trước nay có nhiều ý kiến khác nhau. Đào Duy Anh xác định đó là thành Lồi ở làng Cao Lao Hạ trên hữu ngạn sông Gianh (Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Khoa học xã hội, 1964, tr.54).

Tháng 5, bọn Hòa Chi hạ thành Khu Túc, chém Phù Long, thừa thắng tiến vào Tượng Phố129. Dương Mại dốc sức cả nước ra đánh, lấy các vật che bọc mình voi, trước sau không hở. Xác nói: "Ta nghe nước ngoài có giống sư tử, oai phục được trăm loài thú". Bèn làm hình sư tử để chống lại voi, voi quả nhiên sợ chạy.

129 Tượng Phố: CMTB3, 28b chua là tên huyện, Đào Duy Anh (BDC) đoán dịch là Cửa Đại, là cửa sông để vào kinh đô Lâm Ấp thời bấy giờ, ở khoảng Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay.

Quân Lâm Ấp thua to. Hòa Chi thắng được Lâm Ấp, Dương Mại cùng với con đều chỉ chạy thoát thân, thu được đồ châu báu lạ không biết bao nhiêu mà kể. Riêng Tông Xác không lấy một thứ gì, ngày về nhà cũng chỉ có khăn áo xác xơ.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Có tài hữu dụng thì không thể không đem ra thi thố, há câu nệ vì thói đời [12a]130 hay sao? Người ta lập chí mỗi người một khác. Người có chí về đạo đức thì công danh không thể động được lòng, người có chí về công danh thì phú quý không thể động được lòng. Chí của Tông Xác có lẽ ở công danh chăng? Ngày trở về nhà, tài vật không lấy một thứ gì, đó thực sự là phú quý không thể động được lòng. So với người có chí về đạo đức, cố nhiên không thể kịp, nhưng so với người có chí về phú quý thì hạng ấy còn kém xa.

130 Nguyên bản thiếu tờ 12 a-b, chúng tôi dịch theo bản in Quốc tử giám tàng bản.

Đinh Sửu, (437), (Tống Nguyên Gia năm thứ 14). Mùa đông, tháng 10, ngày Nhâm Ngọ, Đàn Hòa Chi bỏ quan về.

Mậu Thân, (468), (Tống Minh Đế Úc131, Thái Thủy năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 3, Thứ sử Lưu Mục ốm chết. Người châu là Lý Trường Nhân giết những bộ thuộc của châu mục đem từ Trung Quốc sang rồi chiếm giữ châu làm phản, tự xưng là Thứ sử.

131 Tống Minh Đế: tức là Lưu Úc, nguyên bản in sót nét, thành chữ Hoặc.

Mùa thu, tháng 8, vua Tống lấy Nam Khang tướng là Lưu Bột làm Thứ sử Giao Châu. Bột đến, bị Trường Nhân [12b] chống cự, không bao lâu thì chết. Tháng 11, Lý Trường Nhân sai sứ xin hàng và tự hạ xuống chức Hành Châu sự132. Vua Tống y cho.

132 Hành Châu sự: người chấp hành công việc của châu. Thực tế Lý Trường Nhân được chuẩn cho đứng đầu cai quản Giao Châu, tương đương như Thứ sử, nhưng Nhân xin tự hạ chức danh chỉ gọi là "Hành châu sự".

Kỷ Mùi, (479). (Tống Thuận Đế Chuẩn, Thăng Minh năm thứ 3; Tề Cao Đế Tiêu Đạo Thành, Kiến Nguyên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, ngày mồng 1, có nhật thực.

Mùa thu, tháng 7, vua Tề lấy Lý Thúc Hiến làm Thứ sử Giao Châu. Thúc Hiến là em con chú con bác của Trường Nhân. Trước đó khi Thứ sử Trường Nhân chết, Thúc Hiến thay lĩnh việc châu, vì thấy hiệu lệnh chưa được thi hành cho nên sai sứ sang xin nhà Tống cho giữ chức Thứ sử. Nhà Tống lấy Thái thú Nam Hải là Thẩm Hoán làm Thứ sử Giao Châu, cho Thúc Hiến làm Ninh Viễn quân tư mã, giữ chức Thái thú hai quận Vũ Bình và Tân Xương133. Thúc Hiến đã được mệnh lệnh của triều đình (nhà Tống), lòng người phục theo, bèn đem quân giữ nơi hiểm, không chịu thu nạp Thẩm Hoán. Hoán lưu lại ở Uất Lâm, rồi chết. Vua Tề bèn cho Thúc Hiến làm Thứ sử, vỗ yên đất phương Nam. Năm ấy nhà Tống mất.

133 Vũ Bình, Tân Xương: tên quận đặt từ thời Ngô: "Nhà Ngô cắt đất huyện Mê Linh (thời Hán) mà đặt quận Tân Hưng, nhà Tấn đổi thành Tân Xương; cắt đất các huyện Phong Khê và Chu Diên mà đặt quận Vũ Bình (theo Đặng Xuân Bảng, Sử học bị khảo).

[13a] Giáp Tý, (484), (Tề Vũ Đế Di, Vĩnh Minh năm thứ 2). Lý Thúc Hiến nhận mệnh xong liền cắt đứt việc cống hiến. Vua Tề muốn đánh.

Ất Sửu, (485), (Tề Vĩnh Minh năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Bính Thìn, vua Tề lấy Đại tư nông Lưu Khải làm Thứ sử, phát binh các quận Nam Khang, Lư Lăng, Thủy Hưng đi đánh Lý Thúc Hiến. Thúc Hiến sai sứ xin bãi binh, dâng hai mươi cỗ mũ đâu mâu toàn bằng bạc cùng dải tua bằng lông công. Vua Tề không cho. Thúc Hiến sợ bị Khải đánh úp, mới đi đường tắt từ Tương Châu sang chầu vua Tề, Khải bèn vào trấn.

Canh Ngọ, (490), (Tề Vĩnh Minh năm thứ 8). Mùa đông, tháng 10, Thứ sử là Phòng Pháp Thặng (thay Lưu Khải) chỉ thích đọc sách, thường cáo ốm không làm việc, vì thế trưởng lại134 là Phục Đăng Chi được chuyên quyền [13b] thay đổi các tướng lại mà không cho Pháp Thặng biết. Lục sự là Phòng Tú Văn mách với Pháp Thặng. Pháp Thặng cả giận, giam Đăng Chi vào ngục hơn mười ngày. Đăng Chi hối lộ nhiều cho Thôi Cảnh Thúc, là chồng của em gái Pháp Thặng, nên được thả ra, rồi đem bộ khúc đánh úp châu trị, bắt Pháp Thặng, bảo Thặng rằng: "Sứ quân đã có bệnh, thì không nên khó nhọc", rồi giam ở một nhà riêng. Pháp Thặng không có việc gì, lại gặp Đăng Chi xin đọc sách. Đăng Chi nói: "Sứ quân ở yên còn sợ phát bệnh, há lại còn xem sách?", bèn không cho, rồi tâu (với vua Tề) là Pháp Thặng bị bệnh động tim, không thể coi việc được. Tháng 11, ngày Ất Mão, vua Tề cho Đăng Chi làm Thứ sử. Pháp Thặng về đến Ngũ Lĩnh thì chết.

134 Nguyên bản in là trưởng lại; CMTB3, 31b sửa là trưởng sử (chữ ____ lại và chữ ____ sử dễ viết nhầm). Trưởng lại chỉ là viên huyện quan có cấp bậc cao hơn các huyện quan khác. Ở đây Phục Đăng Chi giúp việc thay cho Thứ sử, phải là chức Trưởng sử như Cương Mục đã ghi. Nam Tề Thư (Đông Nam Di truyện), Việt Sử Lược (quyển 1) cũng chép là Trưởng sử. Trưởng sử là chức quan có từ thời Hán, giúp việc cho Thừa tướng. Nhưng từ thời Ngụy Tấn trở về sau, các viên thứ sử cai trị các châu thường là cấp tướng quân, cũng đặt chức Trưởng sử để giúp việc (Từ hải, tr. 1399).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Phòng Pháp Thặng ham đọc sách mà bỏ việc quan đến nỗi kẻ trưởng lại nhân đó chuyên quyên, thay đổi tướng lại, đó là cái lỗi nghiện sách quá. Còn như giam (Đặng Chi) vào ngục mà [14a] trừng trị, thế là biết sửa lỗi rồi. Đến như nghe lời thỉnh thác (của em rể) mà bỏ qua không hỏi đến nữa, thì lỗi ấy to lắm, bị (Đặng Chi) đánh úp lại là đáng, không chết là may. Cho nên phàm việc gì quá mức trung thì chưa từng không tai hại vậy.

Nhâm Ngọ, (502), (Lương Vũ Đế Tiêu Diễn, Thiên Giám năm thứ 1). Năm ấy nhà Tề mất.

Ất Dậu, (505), (Lương Thiên Giám năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, Thứ sử Giao Châu là Lý Nguyên Khải chiếm châu làm phản, Trưởng sử là Lý Tắc dẹp được (trước Nguyên Khải thay Đăng Chi làm Thứ sử, cho là nhà Lương được nhà Tề nhường ngôi, chưa có ân uy gì, nhân đó giữ châu làm phản. Đến đây Tắc đem tông binh đánh Nguyên Khải, giết được).

Bính Thân, (516), (Lương Thiên Giám năm thứ 15). Mùa đông, tháng 11, (vua Lương) xuống chiếu cho Lý Tắc làm Thứ sử, Tắc lại chém Lý Tông Lão là dư đảng của Nguyên Khải, lấy đầu chuyển về Kiến Khang, châu lại yên.

[14b], Trở lên thuộc Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, từ năm Đinh Mùi đến năm Canh Thân, cộng 314 năm (227 - 540).

Kỷ Nhà Tiền Lý

Tiền Lý Nam Đế

Ở ngôi bảy năm (541 - 547).

Vua có chí diệt giặc cứu dân, không may bị Trần Bá Tiên sang đánh chiếm, nuốt hận mà chết. Tiếc thay!

Vua họ Lý, tên húy là Bí135, người Thái Bình (phủ) Long Hưng136. Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Vua có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc [15a] hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên137.

135 Chữ Bí có nhiều âm đọc nhưng các từ thư, tự điển đều xếp âm Bí đầu tiên. Hiện nay nhiều địa phương ở miền Bắc còn kiêng húy ông, thường tránh gọi quả bí là quả bầu, chúng tôi dựa theo đó mà phiên âm là bí.

136 Cương mục chú: "Tên Thái Bình đặt từ năm Vũ Đức thứ 4 (621) thời Đường; tên Long Hưng đặt từ thời nhà Trần. Thời thuộc Lương chưa có hai tên đất này, có lẽ Sử cũ chỉ theo đó mà truy gọi thôi" (CMTB4, 1b).

137 Vị trí của thành Long Biên đến nay vẫn chưa xác định được, có thể ở vùng gần thị xã Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc.

Tân Dậu, năm thứ 1 (541), (Lương Đại Đồng năm thứ 7). Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư, vì hà khắc tàn bạo, mất lòng người. Vua vốn con nhà hào trưởng, thiên tư lỗi lạc, làm quan không được vừa ý. Lại có người là Tinh Thiều giỏi từ chương từng đến kinh đô nhà Lương xin được chọn làm quan. Thượng thư bộ Lại nhà Lương là Sái Tôn cho rằng họ Tinh trước không có ai hiển đạt, nên chỉ bổ cho chức Quảng Dương môn lang. Thiều lấy làm nhục, trở về làng, theo vua mưu việc dấy binh.

Vua bấy giờ làm chức Giám quân ở châu Cửu Đức138, nhân liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc tù trưởng ở Chu Diên139 phục tài đức của vua, bèn dẫn đầu đem quân theo về. Tiêu Tư biết việc, đem của đến hối lộ cho vua, rồi chạy về Quảng Châu. Vua ra chiếm giữ châu thành (tức là Long Biên).

138 Châu Cửu Đức thời thuộc Lương là Đức Châu, ở vị trí huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. CMTB4, 1b sửa là Cửu Đức quận.

139 Huyện Chu Diên thời Lương, thời Tùy, nay là phần đất tỉnh Hải Dương, huyện trị có thể ở vào khoảng huyện Phả Lại.