Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 05 - Phần 3

Tân Mão, (931), (Đường Minh Tông Tự Nguyên, Trường Hưng năm thứ 2). Mùa đông, tháng 12, Dương Đình Nghệ nuôi ba nghìn con nuôi, mưu đồ việc khôi phục. Lý Tiến biết, sai chạy ngựa báo cho vua Hán. Năm ấy, Đình Nghệ đem quân vây Tiến. Vua Hán sai Thừa chỉ Trần Bảo đem quân sang cứu, chưa đến nơi, thành đã mất. Tiến trốn về nước. Bảo đến vây thành, Đình Nghệ đưa quân ra đánh, Bảo thua chết. Từ đó Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, trông coi việc châu.

Bính Thân, (936), (Đường Phế Đế Tông Kha, Thanh Thái năm thứ 3, Tấn Cao Tổ Thạch Kim Đường, Thiên Phúc năm thứ 1). Năm ấy nhà (Hậu) Đường mất.

[19a] Đinh Dậu, (937), (Tấn Thiên Phúc năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, nha tướng của Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn (Cương mục Trung Quốc chép Kiểu)221 giết Đình Nghệ để thay chức.

221 Chữ ______ âm Cảo, Kiểu, đồng âm với Kiều.

Mậu Tuất, (938), (Tấn Thiên Phúc năm thứ 3). Mùa đông, tháng 12, nha tướng của Đình Nghệ là Ngô Quyền từ Ái Châu cất quân đánh Công Tiễn. Công Tiễn sai sứ sang đút lót để cầu cứu với nhà Hán.

Vua Hán là Cung muốn nhân khi nước ta có loạn chiếm lấy nước, bèn cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo222 làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao Vương, đem quân sang cứu Công Tiễn.

222 Vạn Vương Lưu Hoằng Tháo, nên sửa là Hồng Tháo, theo Tân Ngũ đại sử (quyển 65). Các con của Lưu Cung đều có chữ Hồng.

Vua Hán tự làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện. Vua Hán hỏi kế ở Sùng văn sứ là Tiêu Ích, Ích nói: "Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến". Vua Hán không nghe, sai Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào, muốn đánh [19b] Quyền, nhưng Quyền đã giết Kiều Công Tiễn rồi.

Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: "Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt223 đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát". Định kế rồi, bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa biển.

223 Tân Ngũ đại sử (Nam Hán thế gia) chép: thực thiết quyết tức đóng cọc sắt (hiểu là cọc gỗ bịt sắt). Việt sử lược (quyển 1, 14b): thực thiết đầu đại dực tức đóng cọc lớn đầu sắt.

Khi nước triều lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiếng quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. Quân Hoằng Tháo không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc [20a] vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nữa. Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về. Vua Hán cho tên Cung đáng ghét là vì vậy (Lưu Cung tức là Lưu Nghiễm).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Lưu Cung tham đất đai của người, muốn mở rộng bờ cõi, đất đai chưa lấy được mà đã hại mất đứa con của mình và hại cả nhân dân, tức như Mạnh Tử nói: "Đem cái mình không yêu mà hại cái mình yêu" vậy chăng?

Trở lên là (kỷ) Nam Bắc phân tranh, từ năm Đinh Mão đến năm Mậu Tuất (907 - 938), tất cả ba mươi hai năm.

Kỷ Nhà Ngô

Tiền Ngô Vương

Ở ngôi sáu năm, thọ bốn mươi bảy tuổi (898 - 944).

[20b] Vua mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua.

Họ Ngô, tên húy là Quyền, người Đường Lâm224, đời đời là nhà quý tộc. Cha là Mân làm chức châu mục ở bản châu. Khi vua mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, trạng mạo khác thường, có ba nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền.

224 Nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây; ở đây có đền thờ và lăng Ngô Quyền.

Đến khi lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc; làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ gả con gái và cho quyền quản Ái Châu. Đến đây giết Kiều Công Tiễn, tự lập làm vương, đóng đô ở Loa Thành.

Kỷ Hợi, năm thứ 1 (939), (Tấn Thiên Phúc năm thứ 4). Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm [21a] quan, chế định triều nghi phẩm phục.

Giáp Thìn, năm thứ 6 (944), (Tấn Tề Vương Trọng Quý, Khai Vận năm thứ 1). Vua mất.

Lê Văn Hưu nói: Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đến, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Tiền Ngô (Vương) nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương. Nhưng hưởng [21b] nước không được lâu, chưa thấy hiệu quả trị bình, đáng tiếc thay!

Dương Tam Kha

Cướp ngôi sáu năm.

Tam Kha là anh (có sách chép là em) của Dương hậu, là gia thần của Tiền Ngô Vương, tiếm xưng là Bình Vương225.

225 Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sĩ ghi Dương Tam Kha người làng Dương xá, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, con của Dương Đình Nghệ.

Ất Tỵ, (945), (Dương Tam Kha năm thứ 1, Tấn Khai Vận năm thứ 2). Lúc trước, Tiền Ngô Vương bệnh nặng, có di chúc giao cho Tam Kha giúp rập cho con. Khi Vương mất, Tam Kha cướp ngôi. Con trưởng của Ngô Vương là Xương Ngập sợ, chạy về Nam Sách Giang226, trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương227. Tam Kha lấy con thứ hai của Ngô Vương là Xương Văn làm con mình. Các con thứ của Ngô Vương là Nam Hưng, Càn Hưng còn bé, đều theo Dương quốc mẫu. Được ít lâu, Tam Kha sai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến nhà Lệnh Công đòi bắt Xương Ngập, [22a] tất cả ba lần đều không thực hiện được mệnh lệnh. Lệnh Công sợ, bèn giấu Xương Ngập trong động núi. Tam Kha biết, lại đòi bắt như trước, rốt cuộc vẫn không bắt được.

226 Nam Sách Giang: theo An Nam Chí Lược là tên lộ thời Lý. Nay là vùng đất thuộc các huyện Chí Linh và Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng.

227 Trà Hương: theo CMTB5, 22a, huyện Kim Thành, nay thuộc đất huyện Kim Môn, tỉnh Hải Hưng, xưa có tên gọi là Trà Hương.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Dụng tâm của Phạm Lệnh Công thật là trung. Tam Kha là kẻ gian thần mà đuổi con đích của vua để cướp ngôi, lấy Xương Văn làm con mình, chẳng qua là lời lẽ che đậy giả dối, ai mà biết được? Vả lại, lúc ấy người trong nước ai cũng xem Tam Kha là vua, mà Lệnh Công dám che giấu cho Xương Ngập, muốn cho dòng dõi họ Ngô không tuyệt tự, việc của Trình Anh, Chữ Cửu228 lại thấy ở đây. Ai bảo một nước rộng lớn mà không có trung thần nghĩa sĩ.

228 Trình Anh, Chữ Cửu: người nước Tấn thời Chiến Quốc, bạn của Triệu Sóc (con Triệu Thuẫn, đời Tấn Cảnh Công). Tư khấu nước Tấn là Đồ Ngạn Giả giết Triệu Sóc và xuống lệnh tru di cả họ Triệu, Trình Anh và Chữ Cửu liều chết giấu con của Sóc là Vũ để cho họ Triệu không tuyệt tự.

Đinh Mùi, (947), (Dương Tam Kha năm thứ 3; Hậu Hán, Cao Tổ Lưu Tri Viễn lên ngôi vẫn dùng niên hiệu nhà Tấn, Thiên Phúc năm thứ 12). Năm ấy nhà Tấn mất.

[22b] Canh Tuất, (950), (Dương Tam Kha năm thứ 6; Hán Ẩn Đế Thừa Hựu, vẫn dùng niên hiệu Càn Hựu năm thứ 3). Tam Kha sai Xương Văn và hai chỉ huy sứ họ Dương, họ Đỗ229 đem quân đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình230. Đến Từ Liêm, Xương Văn ung dung bảo hai sứ rằng: "Đức của Tiên vương ta thấm khắp lòng dân, phàm chính lệnh ban ra không ai không vui lòng nghe theo, không may lìa bỏ quần thần, Bình Vương tự làm việc bất nghĩa, cướp ngôi của anh em ta, tội không gì to bằng. Nay lại sai bọn chúng ta đi đánh ấp không có tội, may mà đánh được thì thôi, nếu họ không phục thì làm thế nào?" Hai sứ đều nói: "Xin theo lệnh của ông". Xương Văn nói: "Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình Vương để khôi phục cơ nghiệp của Tiên Vương ta, có nên chăng?" Hai sứ đều trả lời là nên lắm. Bèn quay về đánh úp Tam Kha. Mọi người muốn giết đi, Xương Văn nói: "Bình Vương đối với ta có ơn, sao nỡ giết". Bèn giáng làm Chương Dương Công, nhân đó ban cho thực ấp (nay là Chương Dương độ)231. [23a] Năm ấy nhà Hán mất.

229 Tức Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc, đã nói ở trên.

230 Thái Bình: chưa rõ ở đâu. Cương mục dẫn Đường thư, Địa lý chí nói nhà Đường cắt huyện Thái Bình đặt làm huyện Phong Khê, lại nói Phong Khê thuộc Phong Châu, "hai thôn Thái Bình, Đường Nguyễn có lẽ ở đấy" (CMTB4, 11b). Có thể là Đường Lâm và Nam Nguyễn huyện Ba Vì, Hà Tây, thuộc vùng cát cứ Ngô Nhật Khánh, hoặc Đường Lâm thuộc vùng cát cứ của Ngô Nhật Khánh và Nguyễn Gia Loan, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú thuộc vùng cát cứ của Nguyễn Khoan.

231 Chương Dương: nay là tên xã thuộc Thường Tín, tỉnh Hà Tây, ở đây có bến đò Chương Dương ở hữu ngạn sông Hồng.

Lê Văn Hưu nói: Đuổi con vua mà tự lên làm vua, là tội công; nuôi con vua làm con mình mà cho thực ấp, là ơn riêng. Đuổi Xương Ngập mà tự lên làm vua, là bề tôi phản nghịch, đối với nghĩa thì hẳn là không dung được tội phải chết. Hậu Ngô Vương không trị tội, lại vì ơn riêng nuôi dưỡng mà không nỡ gia hình, lại ban cho thực ấp, há chẳng lầm to hay sao?

Hậu Ngô Vương

(Phụ: Thiên Sách Vương)

Ở ngôi mười lăm năm (951 - 965).

Vua nối được kỷ cương hoàng gia, khôi phục cơ nghiệp cũ. Tiếc rằng gây việc can qua ở trong nước đến nỗi bị chết.

Vua tên húy là Xương Văn, con thứ của Tiền Ngô Vương.

Tân Hợi, năm thứ 1 (951), (Chu Thái Tổ Quách Uy, Quảng Thuận năm thứ 1). Vua đã truất bỏ Tam Kha, lên ngôi vua, xưng là Nam [23b] Tấn (Vương), sai sứ đi đón anh là Xương Ngập về Kinh sư, cùng trông coi việc nước. Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nam Tấn đón Xương Ngập về để cùng trông coi chính sự, có thể gọi là người biết kính anh, muốn cho cùng hưởng phú quý. Xương Ngập nên lấy sự mình không có công lao mà nhường ngôi cho em, để cùng hưởng lập, thì đức ấy há chẳng rạng rỡ lớn lao ư? Lại câu nệ về phận đích trưởng, cũng xưng vương, trông coi chính sự, lại chuyên quyền làm oai làm phúc, đến nỗi Nam Tấn Vương không được dự chính sự nữa, thật là mất đạo nghĩa anh em, chí thú rất là ti tiện.

Bấy giờ người động Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh cậy núi khe hiểm cố, không chịu giữ chức phận làm tôi. Hai vương muốn cất quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân [24a].

Liễn đến, hai vương trách tội (Bộ Lĩnh) không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn đem theo đi đánh. Hơn một tháng, không đánh nổi, bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Bộ Lĩnh tức giận nói: "Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?". Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn.

Hai vương kinh sợ: "Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì". Bèn không giết Liễn mà đem quân về.

Bấy giờ Thiên Sách Vương chuyên quyền làm uy, (Nam Tấn) Vương không được dự chính sự nữa. Hai vương do đó hiềm khích với nhau.

Giáp Dần, năm thứ 4 (954), (Chu Thế Tông Sài Vinh, Hiển Đức năm thứ 1) Thiên Sách Vương mất. Vua (Nam Tấn Vương) lại giữ ngôi. Sai sứ sang thỉnh mệnh vua Nam Hán là Lưu Xưởng232. Xưởng cho vua làm Tỉnh Hải quân tiết độ sứ kiêm Đô [24b] hộ.

232 Cương mục sửa là Lưu Thạnh, vì sứ giả của Nam Tấn Vương sang Nam Hán năm Hiển Đức thứ 1 (954), khi ấy Lưu Thạnh còn làm vua. Còn Lưu Xưởng thì bốn năm sau (958) mới lên ngôi (CMTB5, 26a). Ngũ đại sử (Nam Hán thế gia) cũng chép sau khi Xương Ngập chết thì em là Xương Tuấn sang xin tiết việt của Lưu Thạnh.

Canh Thân, năm thứ 10 (960), (Chu Cung Đế Tông Huấn233, năm thứ nhất; Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, Kiến Long năm thứ 1). Năm ấy nhà Chu mất.

Ất Sửu, năm thứ 15 (965), (Tống Càn Đức năm thứ 3). Vua đem quân đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình, mới vào đến cõi, đỗ thuyền lên bộ đánh, bị phục binh tay nỏ bắn trúng chết. Đinh Liễn trở về Hoa Lư.

233 Tông Huấn: tức Cung Đế (Quách Tông Huấn) đời Hậu Chu nối ngôi năm 959, qua năm sau nhường ngôi cho nhà Tống, trước sau chưa đầy một năm, không đặt niên hiệu.

Lê Văn Hưu nói: Nam Tấn Vương nhà Ngô trước bị gia thần là Tam Kha giam giữ, sau bị anh là Xương Ngập áp chế, một sớm đắc chí, không biết cẩn thận giữ mình, cho nên hưởng nước ngắn ngủi, không có chính tích gì, đáng tiếc thay! Nhưng, cứ xem việc tha tội cho Bình Vương, há không phải là nhân ư? Chịu nhịn cho Xương Ngập kiêu xấc, há không phải là cung ư? Đã nhân lại cung, cũng có thể thấy vương là người ra sao rồi.

[25a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nam Tấn Vương nhà Ngô lấy nghĩa trừ kẻ bạo tàn, khôi phục cơ nghiệp cũ, đủ thỏa được vong linh của tổ tông, hả lòng căm giận của thần và người. Về chính trị, đang có đổi mới. Thế mà vì lòng nhân, thương người kiểu đàn bà trẻ con mà không trị tội Tam Kha cướp ngôi; tham việc can qua, vì hành động đánh dẹp càn rỡ ở hai thôn Đường, Nguyễn, rốt cuộc lại tự giết mình. Đáng tiếc thay!

Ngô Sứ Quân

(Phụ: Các Sứ Quân)

Tất cả 2 năm (966 - 967).

Họ Ngô, tên húy là Xương Xí, khi Thiên Sách Vương lánh nạn, lấy vợ ở Nam Sách Giang234 sinh ra, là cháu gọi Nam Tấn Vương bằng chú.

234 Nam Sách Giang: xem chú ở trang trước.

Bính Dần, năm thứ 16 (966), (Tống Càn Đức năm thứ 4). Nam Tấn (Vương) mất, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ: Ngô Xương Xí chiếm Binh Kiều235; Kiểu Công Hãn (xưng là Kiểu Tam Chế) chiếm Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc)236; Nguyễn [25b] Khoan (xưng là Nguyễn Thái Bình) chiếm Tam Đái237; Ngô Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công) chiếm Đường Lâm238 (có sách chép là chiếm Giao Thủy239; Đỗ Cảnh Thạc (xưng là Đỗ Cảnh Công) chiếm Đỗ Động Giang240; Lý Khuê (xưng là Lý Lãng Công) chiếm Siêu Loại241; Nguyễn Thủ Tiệp (xưng là Nguyễn Lệnh Công) chiếm Tiên Du, Lữ Đường (xưng là Lữ Tá Công) chiếm Tế Giang242; Nguyễn Siêu (xưng là Nguyễn Hữu Công) chiếm Tây Phù Liệt243; Kiểu Thuận (xưng là Kiểu Lệnh Công) chiếm Hồi Hồ (nay ở xã Trần Xá huyện Hoa Khê vẫn còn nền thành cũ)244; Phạm Bạch Hổ (xưng là Phạm Phòng Át) chiếm Đằng Châu245; Trần Lãm (xưng là Trần Minh Công) chiếm Bố Hải Khẩu246; gọi là mười hai sứ quân.

235 Binh Kiều: nay ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

236 Bạch Hạc: nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú.

237 Tam Đái: nay ở vùng huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú. Nay ở xã Minh Tâm, huyện Vĩnh Lạc có di tích thành cũ, và ở xã Vĩnh Mỹ (cùng huyện) có đền thờ của sứ quân Nguyễn Khoan.

238 Đường Lâm: nay ở huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

239 Giao Thủy: nay ở huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Hà.

240 Đỗ Động Giang: Cương Mục chú: "Sông Đỗ Động phát nguyên từ các đầm lớn ở xã Đào Viên thuộc huyện Thanh Oai, chảy qua các xã Sinh Quả, Úc Lý, đi khuất khúc đến xã Thượng Cung, huyện Thượng Phúc thì hợp với sông Nhuệ" (CMTB5, 29b). Ngô Thì Sĩ ghi thêm: "Nay ở làng Bảo Đà, huyện Thanh Oai còn vết cũ của thành sứ quân" (Việt Sử Tiêu Án). Đỗ Động Giang có thể là phần đất vào khoảng huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây ngày nay.

241 SIêu Loại: nay là đất huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc.

242 Tế Giang: nay thuộc đất huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng.

243 Tây Phù Liệt: nay ở huyện Thanh Trì, Hà Nội.

244 Hồ Hồi, Hoa Khê: Cương mục chú: Cẩm Khê xưa là Hoa Khê, ở xã Trương Xá, huyện Cẩm Khê còn có vết đất cũ của thành sứ quân. Cẩm Khê nay thuộc đất huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú.

245 Đằng Châu: nay là đất huyện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng, ở xã Xích Đằng có đền thờ Phạm sứ quân.

246 Bố Hải Khẩu: nay là vùng thị xã Thái Bình. Năm Thiên Thành thứ 3 (1030), Lý Thái Tông đi cày ruộng tịch điền ở Bố Hải Khẩu là nơi này (bấy giờ ở đây còn là cửa biển nên gọi tên như vậy).

Đinh Mão, năm thứ 17 (967), (Tống Càn Đức năm thứ 5). Bấy giờ trong nước không có chủ, mười hai sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai.

Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối, bèn cùng với con là Liễn đến nương tựa. Minh Công thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng, mới nuôi làm con, ơn yêu đãi ngày càng hậu, nhân đó giao cho coi quân, sai đi đánh các hùng trưởng khác, [26a] đều thắng được cả.

Phạm Phòng Át đem quân về hàng (dưới triều nhà Đinh, Phòng Át làm Thân vệ tướng quân). Khi Minh Công mất, gặp lúc bọn con em của Ngô Tiên chúa ở Đỗ Động Giang hơn 500 người đem quân đến đánh, mới vào đến đất Ô Man thì bị người làng ấy là Ngô Phó sứ đánh bại phải trở về. Bộ Lĩnh nghe tin, liền cất quân đi đánh vùng sông và động ấy, không bộ lạc nào không hàng phục. Từ đó lại dân ở kinh phủ đều khâm phục theo về. Nhà Ngô mất.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vận trời đất, bĩ rồi ắt thái, Bắc Nam đều cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ đại bên Bắc triều (Trung Quốc) suy loạn rồi Tống Thái Tổ nổi lên. Ở Nam triều (nước ta), mười hai sứ quân phân chia quấy nhiễu, rồi Đinh Tiên Hoàng nổi lên. Không phải là ngẫu nhiên mà do vận trời vậy.

Trở lên là kỷ nhà Ngô gồm ba vua và Dương Tam Kha cướp ngôi, từ năm Kỷ Hợi đến năm Đinh Mão (939 - 967) cộng hai mươi chín năm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3