Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 06 - Phần 3

Trần tiên sinh ở núi Tuyên Hoa đến cửa khuyết.

(Xét nước ta không có núi Tuyên Hoa, có lẽ là việc nhà Tống triệu Chủng Phóng ở núi Chung Nam, hoặc có triệu cả Trần Đoàn ở Hoa Sơn mà sử chép lầm là việc nước ta? Nếu không phải thế, thì sao tiếng tăm của Trần tiên sinh không truyền lại đời sau? Dười chữ "tuyên" ngờ có sót chữ "triệu"311. Vân Đài quán ở Hoa Sơn là nơi ở của Trần Đoàn).

311 Tuyên Triệu: cho gọi đến.

Mùa hạ, tháng 6, cho người Chiêm Thành nhận lĩnh hơn 360 người ở thành cũ châu Điạ Lý312 đem về châu Ô Lý (Điạ Lý [20b] nay là Tân Bình313, Ô Lý nay là Thuận Hóa)314.

312 Điạ Lý: tên châu của Chiêm Thành, sau khi sáp nhập vào lãnh thổ nhà Lý đổi gọi là châu Lâm Bình (1075). Nay là phần đất huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình.

313 Tân Bình: tên phủ thời Lê, nay gồm toàn bộ đất Quảng Bình cùng với đất huyện Bến Hải, tỉnh Quảng Trị.

314 Ô Lý: tên hai châu của nước Chiên Thành, thời Trần (năm 1306) đổi gọi châu Ô là Thuận Châu, Châu Lý gọi là Hóa Châu - nay là phần phía nam tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên.

Mùa thu, tháng 8, sai Phụ quốc Ngô Tử An đem ba vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến Châu Điạ Lý.

Quý Tỵ, (Hưng Thống) năm thứ 5 (995) (Tống Thuần Hóa năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, ngày Kỷ Mùi, mồng 1, nhật thực.

Phong hoàng tử thứ bảy là Tung làm Định Phiên Vương, đóng ở thành Tư Doanh, Ngũ Huyện Giang315; hoàng tử thứ tám là Tương làm Phó Vương, đóng ở Đỗ Động Giang, hoàng tử thứ chín là Kính làm Trung Quốc Vương, đóng ở Càn Đà huyện Mạt Liên316.

315 Ngũ Huyện Giang: Cương mục (CMCB1, 27a) chú là con sông chảy qua năm huyện Kim Anh, Đông Ngàn, vòng quanh đến huyện Yên Phong và Tiên Du, rồi đổ vào sông Nguyệt Đức (sông Cầu).

316 Mạt Liên: Cương mục chú là huyện Tiên Lữ (CMCB1, 27b). Nay thuộc đất huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng.

Nhà Tống sai Vương Thế Tắc và Lý Cư Giản đem sách thư sang phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương.

Giáp Ngọ, (Ứng Thiên) năm thứ 1 (994/, (Tống Thuần Hóa năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu.

Phong hoàng tử thừ mười là Mang làm Nam Quốc Vương, đóng ở châu Vũ Lung317.

317 Vũ Lung: tên châu, thuộc tỉnh Thanh Hoá, chưa biết rõ vị trí (CMCB1, 27a).

Sai nha hiệu là Phí Sùng Đức sang nhà Tống [21a] sang thăm đáp lễ.

Cháu vua nước Chiêm Thành là Chế Cai vào chầu. Trước đây, nước Chiêm Thành sai Chế Đông dâng sản vật địa phương, vua trách là trái lễ, không nhận. Vua nước đó sợ, mới sai Chế Cai vào chầu.

Ất Mùi, (Ứng Thiên) năm thứ 2 (995), (Tống Chí Đạo năm thứ 1). Phong hoàng tử thứ mười một là Đề (tức Minh Đề) làm Hành Quân Vương, đóng ở Bắc Ngạn châu Cổ Lãm318; con nuôi làm Phù Đái Vương, đóng ở hương Phù Đái319.

318 Cổ Lãm: tức là châu Cổ Pháp thời Lý, nay là đất huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

319 Phù Đái: Cương mục chú là xã Phù Đái, huyện Vĩnh Lại (CMCB1, 27a), nay thuộc đất huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua một nước, thờ tông miếu, giữ xã tắc, chẳng may không có con nối thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình, để mong truyền mãi không cùng, thế thì cũng có, chứ chưa thấy vua nào có con nuôi. Vả lại, nhánh họ của vua đã đông người rồi, cái gọi là con nuôi, chẳng qua là muốn thỏa lòng dấu yêu riêng với người ấy mà thôi, sao không nghĩ như thế là gây mầm cướp ngôi hay sao?

[21b] Sai Đỗ Hanh sang nhà Tống thăm đáp lễ. Bấy giờ nhà Tống ngại việc chinh chiến, vua cậy có núi biển hiểm trở, hơi buông thả cho dân biên giới lấn cướp vào cõi của nhà Tống.

Mùa xuân năm ấy, Chuyển vận sứ Lộ Quảng Tây nước Tống là Trương Quan, Binh mã giám áp trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu là Vệ Chiêu Mỹ đều tâu rằng chiến thuyền của Giao Chỉ hơn trăm chiếc, xâm phạm trấn Châu Hồng, cướp bóc cư dân và lương thực rồi đi.

Mùa hạ năm ấy, châu Tô Mậu320 nước ta lại đem năm nghìn hương bình xâm lược Ung Châu nước Tống, bị Đô tuần kiểm Dương Văn Kiệt đánh phải trở về. Vua Tống muốn vỗ yên, không muốn dụng binh, bỏ không hỏi đến. (Trương) Quan lại nói dối là vua bị họ Đinh đánh đuổi, đem dư chúng ra ở miền hải đảo, cướp bóc để tự cấp, nay đã chết; bọn Quan dân biểu mừng. Vua Tống sai Thái thường thừa Trần Sĩ Long làm Thái phỏng sứ để dò xem hư thực, biết là vua không có chuyện gì.

320 Tô Mậu: là vùng Nà Dương, Đình Lập, An Châu, tỉnh Lạng Sơn.

[22a] Bính Thân, (Ứng Thiên) năm thứ 3 (996), (Tống Chí Đạo năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh lấy được bốn động Đại, Phát, Đan, Ba ở Ma Hoàng.

Nhà Tống xử tội bọn Trương Quan, Quan đã ốm chết, chém Vệ Chiêu Mỹ ở trấn Như Hồng, lấy Trần Nghiêu Tẩu làm Quảng Tây chuyển vận sứ, rồi sai Khải Khang úy là Lý Kiến Trung mang chiếu sách sang ban.

Trước đây, bọn Văn Dũng là dân ở trấn Triều Dương321 nước ta làm loạn, giết người rồi trốn sang trấn Như Tích thuộc Khâm Châu của Tống (trấn Như Tích liền với trấn Như Hồng), được trấn tướng là Trần Lệnh Đức chứa chấp. Vua sai trấn tướng Triều Dương và Hoàng Thành Nhã đuổi bắt. Lệnh Đức không chịu trả về. Nghiêu Tẩu đến Như Tích, tra ra được nguyên do việc chứa chấp ấy, đem hết trai gái, già trẻ đã chứa dấu tất cả 113 người gọi Thành Nhã sang giao cho nhận về.

321 Triều Dương: tên châu, nay thuộc phần đất các huyện Tiên Yên, Hải Ninh tỉnh Quảng Ninh.

Vua cảm ơn nhà Tống, sai sứ sang tạ ơn, lại nói về việc đã bắt được giặc biển hai mươi bảy người, giao trả cho chuyển vận sứ, và đã răn cấm các khe động không được quấy rối nữa.

Vua Tống [22b] lại sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho vua. Khi Nhược Chuyết đến, vua ra đón ngoài giao, có ý ngạo mạn không làm lễ để tỏ ra cao quý khác thường, bảo Nhược Chuyết rằng: "Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở ngoài, Hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt322, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi?". Nói xong mới cuối đầu tạ lỗi.

322 Mân Việt: chỉ vùng tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Đinh Dậu, (Ứng Thiên) năm thứ 4 (997), (Tống Chí Đạo năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 3, vua Tống băng.

Mùa hạ, tháng 4, nhà Tống phong vua làm Nam Bình Vương. Vua sai sứ sang nước Tống đáp lễ. Vua Tống ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thể bắt đóng góp. Đến đây Tống Chân Tông lên ngôi, nghe biết chuyện ấy, chỉ sai quan giữ biên giới đến nhận mệnh, không sai người sang sứ nữa.

Mùa thu, tháng 7, vua thân đi đánh giặc ở Đỗ Động Giang, bắt được đồ đảng đem về kinh sư.

Chiêm [23a] Thành đem quân dòm ngó nước ta.

Mậu Tuất, (Ứng Thiên) năm thứ 5 (998), (Tống Chân Tông Hằng, Hàm Bình năm thứ 1).

Mùa xuân, tháng 3, động đất 3 ngày.

Mùa hạ, tháng 5, ngày Mậu Ngọ mồng 1, nhật thực. Tháng ấy không mưa. Tháng 6, cũng không mưa. Dân bị bệnh ho, trâu, ngựa chết nhiều.

Mùa đông, tháng 10, ngày bính tuất, mồng 1, nhật thực.

Kỷ Hợi, (Ứng Thiên) năm thứ 6 (999), (Tống Hàm Bình năm thứ 2). Vua thân đi đánh Hà Động323…, tất cả bốn mươi chín động và phá được (động) Nhật Tắc, châu Định Biên324. Từ đó các châu động điều quy phục.

323 Hà Động: tức động Hà Man, thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa (CMCB1, 34).

324 Châu Định Biên: Nguyễn Thiên Tùng chú thích Dư địa chí của Nguyễn Trãi, có ghi mỏ vàng ở Định Biên, tỉnh Cao Bằng, có lẻ châu Định Biên ở vùng này. Bản Dịch cũ cho là vùng thượng du Thanh Hóa.

Canh Tý, (Ứng Thiên) năm thứ 7 (1000), (Tống Hàm Bình năm thứ 3). Xuống chiếu đi đánh giặc ở châu Phong là bọn Trịnh Hàng, Trường Lệ, Đan Trường Ôn, bọn Hàng chạy vào vùng núi Tản Viên.

Đại Thắng Minh hoàng hậu mất. Kình Thiên Vương (Thau) mất.

Sai Thống tướng Từ Mục đi tuần ở miền Hải Tây, Ngô Tử An đi tuần cõi Bắc để dò xét tình hình biên giới.

[23b] Tân Sửu, (Ứng Thiên) năm thứ 8 (1001), (Tống Hàm Bình năm thứ 4). Vua thân đi đánh giặc Cử Long325. Quân giặc thấy vua, giương cung nhắm bắn thì tên rơi, lại giương cung thì dây đứt, tự lấy làm sợ mà rút lui. Vua bèn đi thuyền vào Cùng Giang326 để đuổi. Giặc bày trận hai bên bờ chống lại, quan quân bị hãm ở (giữa] sông, vua cũ (nhà Đinh) là Vệ Vương Toàn trúng tên chết tại trận. Vua kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ.

325 Cử Long: tên đất thuộc vùng dân tộc Mường huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hoá. Cương mục ghi là tên dân tộc, thời Đinh, Lê gọi là Man Cử Long. Khoản năm Thuận Thiên (1428 - 1433), nhà Lê đặt là huyện Lạc Thủy, khỏang năm Quang Thuận (1460 - 1469) đổi là Cẩm Thủy (CMCB1, 35a).

326 Cùng Giang: con sông ở vùng Mường Cử Long huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Cương mục chép là "Duyên Giang", nghĩa là đi theo dọc sông (bản dịch cũ theo ý đó). Xét đoạn văn trên đây thì Cùng Giang phải là tên riêng, vì tiếp theo có nói rõ: "giặc bày trận hai bên bờ…, quan quân bị hãm ở giữa sông".

Nhâm Dần, (Ứng Thiên) năm thứ 9 (1002), (Tống Hàm Bình năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 3, định luật lệnh, chọn quân lính, chia tướng hiệu làm hai ban: đổi mười đạo làm lộ, phủ, châu.

Xuống chiếu làm mấy nghìn mũ đâu mâu, ban cho sáu quân.

Quý Mão, (Ứng Thiên) năm thứ 10 (1003), (Tống Hàm Bình năm thứ 6). Vua đi Hoan Châu, vét kinh Đa Cái (nay là Hoa Cái)327 (cho Thông) thẳng đến [24a] Tư Củng trường ở ám Châu328. Người Đa Cái làm phản, chém đầu để rao.

327 Đa Cái: tên xã, thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Kênh Đa Cái tức là khúc kênh nối kênh Sắt với sông Lam

328 Cương mục có chép việc Lê Đại Hành đi vào kênh Hoa Cái, nhưng bỏ qua không nói đến ám Châu và Tư Củng trường. Những tên đất này chưa khảo được.

Dân ở thành Nhật Hiệu329 và đầu mục là bọn Hoàng Khánh Tập đem gia thuộc hơn 450 người trốn sang Khâm Châu nước Tống. Tống sai sứ đến dỗ bảo phải về. Bọn Khánh Tập sợ tội không về, bèn ra ở bờ biển.

329 Thành Nhật Hiệu: Cương mục dẫn tên ghi trong An Nam chí của Cao Hùng Trưng là Hiệu Thành trường, nay không khảo được (CMCB1, 36a).

Mùa thu, tháng 8, vua ốm, tháng 9 thì khỏi.

Giáp Thìn, (Ứng Thiên) năm thứ 11 (1004), (Tống Cảnh Đức năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, lập Nam Phong Vương Long Việt làm hoàng thái tử, gia phong Long Đĩnh làm Khai Minh Đại Vương, Long Tích làm Đông Thành Đại Vương. Trước đó Long Đĩnh xin làm thái tử, vua có ý muốn cho. Đình thần nghị bàn cho rằng không lập con trưởng mà lập con thứ là không phải lễ. Vua bèn thôi. Đến đây lập Long Việt làm hoàng thái tử mà gia phong Long Đĩnh và Long Tích làm Đại Vương.

Sai Hành Quân Vương Minh Đề330, xưng là nhiếp Hoan Châu thứ sử, [24b] sang thăm nước Tống. Minh Đề đến Biện Kinh331 khẩn cầu ân mệnh cho tuyên phủ đất xa.

330 Minh Đề: ở BK1, 21a viết (chữ Hán) ở đây viết (chữ Hán) cùng âm Đề.

331 Biện Kinh: kinh đô nhà Bắc Tống (960 - 1126), nay là Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Vua Tống bằng lòng cho; gọi vào điện riêng thăm hỏi và ban thưởng rất hậu, cho Minh Đề chức Kim tử vinh lộc đại phu kiểm hiệu thái úy Hoan Châu thứ sử.

Vua xem kéo lưới ở sông Đại Hoàng332, có con rắn to nằn cuộn giữa lưới, người đánh cá tâu lên. Vua dừng thuyền ở giữa sông muốn xem. Con rắn vụt chốc lội ngược dòng mà đi. Sai người bơi thuyền nhỏ cản đuổi, rắn không trở lại, sau lại về chỗ cũ.

332 Sông Đại Hoàng: theo Cương mục, là con sông chảy qua xã Đại Hữu, huyện Gia Viễn (CMCB1, 37a). Bản dịch cũ chú là khúc sông Hồng ở ngã ba Tuần Vương xã Đại Hoàng.

Ất Tỵ, (Ứng Thiên) năm thứ 12 (1005), (Tống Cảnh Đức năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, vua băng ở điện Truường Xuân, gọi là Đại Hành Hoàng Đế, sau nhân đó dùng làm miếu hiệu mà không đổi, chôn ở sơn lăng châu Trường Yên (sách Địa Chí bản cũ chép vua băng vào năm Bính Ngọ (1006), đó là lấy khi Lê Ngọa Triều xin mệnh (nhà Tống) mà mói, không phải là thực. Nay theo Lê Văn Hưu là đúng).

Lê Văn Hưu nói: Thiên tử và hoàng hậu khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng, thì gọi là [25a] Đại Hành Hoàng Đế333. Đại Hành Hoàng Hậu. Đến khi lăng tẩm đã yên thì

hợp bầy tôi bàn xem đức hạnh hay hay dỡ để đặt thụy là mỗ hoàng đế, mỗ hoàng hậu, không gọi là Đại Hành nữa. Lê Đại Hành thì lấy Đại Hành làm thụy hiệu mà truyền đến ngày nay là làm sao? Vì Ngọa Triều là con bất tiếu334, lại không có bề tôi Nho học để giúp đỡ bàn về phép đặt thụy cho nên thế.

333 Đại Hành: khi vua mới mất chưa đặt thụy hiệu thì gọi là Đại Hành Hoàng Đế. Có sách giải thích "đại hành" là đi xa hẳn không trở lại. Có sách giải thích "đại hành" là đức hạnh lớn (hành và hạnh viết cùng một chữ, âm cổ đọc như nhau).

334 Bất tiếu: là không giống cha, tức là không phải là người hiền.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bật anh hùng nhất đời vậy. Song trong khi làm nhiếp chính mà tự xưng là Phó Vương, dẫn đến việc bọn Điền, Bặc phải khởi binh, lên ngôi vua thì phải nhờ bọn Cự Lạng đem binh đến uy hiếp, [25b] làm cung điện thì lấy vàng, bạc mà trang sức. Phàm những việc như thế thì không bằng Lý (Thái) Tổ biết nghĩ xa hơn. Văn Hưu nói lấy đức của nhà Lý mà soi đức của nhà Lê thì (đức của Lý) dày hơn, há chẳng đúng sao!

TRUNG TÔNG HOÀNG ĐẾ

Tên húy là Long Việt, con thứ ba của Lê Đại Hành, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ335.

335 Mẹ của Lê Trung Tông Long Việt, Cương mục chú là: con gái quan chi hậu, tên là Diệu, không rõ họ gì (CMCB1, 39a). Đại Việt sử lược (quyển 1, 21a) chép là mẹ của Long Việt là "hầu Di nữ" (con gái người hầu gái người Chiêm Thành?).

Lên ngôi được ba ngày thì bị em cùng mẹ là Long Đĩnh giết, thọ 23 tuổi (983 - 1005).

Vua không biết phòng giữ từ khi mới chớm, đến nỗi bị họa nạn, tính nhân hậu nhưng không biết làm vua, tiếc thay!

Sau khi Đại Hành Hoàng Đế băng, vua cùng hai vương Đông Thành, Trung Quốc và em cùng mẹ là Khai Minh Vương tranh nhau lên ngôi, giằng co tám tháng, trong nước không có chủ.

Mùa đông, tháng 10, Đông Thành Vương thua chạy vào đất Cử Long. Vua đuổi bắt, lại chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi thì bị người châu Thạch Hà336 giết ở cửa biển Cơ La (nay là Kỳ La)337.

336 Thạch Hà: tên châu đời Tiền Lê, nay là vùng huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

337 Cửa biển Kỳ La là cửa Nhượng Bạn ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Khi ấy, người nước cũng quy phụ Ngự Bắc Vương ở trại Phù [26a] Lan. Vua lên ngôi được ba ngày thì bị Long Đĩnh giết. Bầy tôi điều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc. Long Đĩnh lên ngôi, truy đặt thụy cho vua là Trung Tông Hoàng Đế, cho Công Uẩn làm Tứ sương quân phó chỉ huy sứ.

Lê Văn Hưu nói: Ngọa Triều giết anh, tự lập làm vua; bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác, đến nỗi mất nước mất ngôi, không phải là sự bất hạnh của nhà Lê, lỗi ở Đại Hành không sớm đặt Thái tử và do Trung Tông không biết phòng giữ từ khi mời chớm nên đến nỗi thế.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sách Dã sử chép rằng: Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông. Thế thì Trung Tông về tình anh em [26b] tuy là hậu, nhưng việc đứng chủ cúng tế, nối dõi tổ tiên thì xã tắc là trọng, anh em là khinh, huống chi là em bất dễ! Lúc ấy Trung Tông phải nêu việc Quản Thúc, Thúc Nha338 mà trị tội thì mới phải, nếu không làm thế thì đem giam cầm ở một nơi riêng cho đến khi chết cũng được. Nhưng Trung Tông lại thả lỏng thì sao cho khỏi bị phản, rốt cuộc tan họ, diệt dòng là tự Trung Tông làm ra cả. Ngọa Triều thì có bõ trách làm chi? Cho nên người làm vua tất phải cư xử cho thật đúng đắn và phải xét hết lẽ vậy.

338 Quản Thúc: em Chu Vũ Vương và Chu Công, gây loạn để cướp ngôi của cháu là Thành Vương, bị Chu Công bắt giết. Thúc Nha: em của Lổ Trang Công, khi Trang Công chết, Thúc Nha muốn làm loạn, bị quan nhiếp chính là Quý Hửu (cũng là em Trang Công) bắt uống thuốc độc chết.

NGỌA TRIỀU HOÀNG ĐẾ

Tên húy là Long Đĩnh, lại có tên là Chí Trung, con thứ năm của Đại Hành.

Ở ngôi bốn năm, thọ hai mươi bốn tuổi (986 – 1009), băng ở tẩm điện.

Vua làm việc càn rỡ giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng tàn bạo, muốn không mất nước sao được?

Mùa đông, vua cướp ngôi, tôn hiệu là Khai Thiên Ứng Vận Thánh Vân Thấn Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo [27a] Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế. Truy tôn mẹ là Hưng Quốc Quảng Thánh Hoàng Thái Hậu.

Lập bốn hoàng hậu.

Ngự Bắc Vương cùng với Trung Quốc Vương chiếm trại Phù Lan339 làm phản. Vua thân đi đánh.

339 Tại Pù Lan: xem chú thích (1) tr. 227.

Đến Đằng Châu, Quản giáp là Đỗ Thị đem việc người anh em họ ngoại là Lê Hấp Ni làm phản tâu lên. Vua sai bắt tra hỏi, Hấp Ni và những kẻ dự mưu mười hai người điều bị giết.

Đến trại Phù Lan, người trại đóng cửa trại cố thủ. Đánh không hạ được, bèn vây chặt vài tháng, người trong trại hết lương ăn.

Ngự Bắc Vương tự biết kế cùng thế khuất, bèn bắt Trung Bắc Vương đem nộp. Chém Trung Quốc Vương, tha tội cho Ngự Bắc Vương, rồi đem quân đánh Ngự Man Vương ở Phong Châu. Ngự Man Vương phải chịu hàng. Quân về đến Đằng Châu, đổi tên châu ấy làm phủ Thái Bình. Từ đấy về sau các vương và giặc cướp đều hàng phục cả.

Chuyến đi này khi quan quân đánh nhau với người trại Phù Lan, chợt thấy trạm báo tin là giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa biển Thần [27b] Đầu (nay là cửa biển Thần Phù)340. Vua về đến sông Tham đi sang Ái Châu để đánh giặc Cử Long.

340 Thần Đầu: tên cửa biển xưa (ngày nay đã bị lấp) ở xã Thần Đầu, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá; đầu đời Lê đổi gọi là Thần Phù, thời Nguyễn (1838) xã Thần Đầu nhập vào huyện Yên Mỗ, tỉnh Ninh Bình.