Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 10 - Phần 4

Ất Hợi, (Bảo Phù) năm thứ 3 (1275), (Tống Cung Đế Hiền Đức Hựu năm thứ 1, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 12). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò. [34b] Ban đỗ trạng nguyên Đào Tiêu; bảng nhãn (khuyết họ tên); thám hoa lang Quách Nhẫn; thái học sinh hai mươi bảy người, xuất thân có thứ bậc khác nhau.

Hai Khoa Bính Thìn, Bính Dần trước kia có chia kinh trạng nguyên và trại trạng nguyên, đến nay lại hợp nhất.

Mùa hạ, tháng 6, ngày Canh Tý mồng 1, nhật thực, mặt trời bị che hết 801.

801 Tức nhật thực toàn phần.

Canh Ngọ, (Thiệu Long) năm thứ 13 (1270), (Tống Hàm Thuần năm thứ 6, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 3, Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang dựng phủ đệ ở Diễn Châu, hành lang, điện vũ bão quanh, tráng lệ khác thường.

Vua nghe tin, sai người đến [33a] xem. Tĩnh Quốc sợ, mới tạc tượng phật để đó (nay là chùa Thông).

Mùa hạ, tháng 4, Chiêm Thành sang cống.

Mùa thu, tháng 7, nước to. Các đường phố ở kinh đô phần nhiều phải đi lại bằng thuyền bè.

Tháng 9,Vua ngự đến hành cung Thiên Trường.

Tân Mùi, (Thiệu Long) năm thứ 14 (1271), (Tống Hàm Thuần năm thứ 7, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, soát tù.

Tháng 2, ngày mồng 1, động đất.

Tháng 3, phong Chiêu Minh Đại Vương Quang Khải làm Tướng quốc thái úy, nắm giữ việc nước.

Năm ấy, Mông Cổ đặt quốc hiệu là Đại Nguyên, sai sứ sang dụ vua vào chầu. Vua lấy cớ có bệnh từ chối không đi.

Nhâm Thân, (Thiệu Long) năm thứ 15 (1272), (Tống Hàm Thuần năm thứ 8, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 9). Mùa Xuân, tháng giêng, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc Sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại việt sử ký từ Triệu Vũ [33b] đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, dâng lên. Vua xuống chiếu khen ngợi.

Mùa hạ, tháng 4, sứ Nguyên Ngột Lương796 sang dụ, hỏi giới hạn cột đồng cũ. Vua sai Viên ngoại lang Lê Kính Phu đi hội khám. (Phu) trở về nói rằng, cột đồng Mã Viện dựng lâu năm đã bị mai một, không còn tung tích gì nữa.

796 Phiên âm từ tiếng Mông Cổ U - ry - ang (Uriyang).

Tháng 6, ngày 23, giờ Mùi, mặt trời rung động.

Sai Đồng Tử Dã, Đỗ Mộc sang Nguyên797.

797 Nguyên văn chép: "Khiển Đồng Từ Đỗ Dã Mộc như Nguyên". Có người hiểu là sai đồng tử (tức trẻ con) tên là Đỗ Dã Mộc sang Nguyên (Bản dịch cũ quyển II, 1971, tr.42 và tr.290). Nhưng An Nam chí lược quyển 14, chép rõ: "Sai đại phu Đồng Tử Dã, Đỗ Mộc Cống".

Mùa động, tháng 10, xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc tử giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của tứ thư, ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách.

Quý dậu, Bảo Phù năm thứ 1 (1273), (Tống Hàm Thuần năm thứ 9, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, đổi niên hiệu.

Tháng 3, ngày 19, sét đánh 7 chỗ ngoài cửa Đại Hưng.

Mùa đông, tháng 11, cho Nhân Túc Vương Toản làm Nhập nội phán đại tông chính phủ đại tông chính.

[34a] Giáp Tuất, Bảo Phù năm thứ 2 (1274), (Tống Hàm Thuần năm thứ 10, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 11). Mùa thu, tháng 7, nước to.

Mùa đông, tháng 10, người Tống sang quy phụ.

(Trước đó, nước Tống ở mé Giang Nam, người Nguyên thường hay lấn đánh. Đến đây, họ đem 30 chiếc thuyền biển chở đầy của cải và vợ con, vượt biển đến La Cát Nguyên. Đến tháng 12, dẫn về kinh, an trí ở phường Nhai Tuân, họ tự xưng là người Hồi Kê798. Người nưước ta gọi người tống là kê quốc, vì người tống có các hàng vải lụa, dược phẩm, bày hàng mở chợ buôn bán riêng).

798 Lời chú Bản dịch cũ (quyển II, 1971, tr.209) ngờ rằng tên “Hồi Kê?” là “Hồi Cốt?”). Hồi Cốt hay Hồi Hột, Hồi Hoạn là dân tộc Uigur ở Tân Cương. Chắn người Tống nhận mình là người Hồi Hột để tránh quân Nguyên.

Tháng 12, sách phong hoàng trưởng tử Khâm làm hoàng thái tử, lấy con gái trưởng của Hưng Đạo Vương làm phi cho thái tử.

Chọn người nho học có đức hạnh trong thiên hạ vào hầu Đông Cung799.

799 Tức thái tử.

Lấy Lê Phụ Trần làm Thiếu sư, kiêm Trừ cung giáo thụ800. lấy bọn Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố sung Nội thị nội thị học sĩ (Phụ Trần người Ái Châu). Vua tự làm thơ để dạy hoàng tử và viết Di hậu lục hai quyển.

800 Trừ cung: cũng là thái tử. Trừ cung giáo thụ là chức thày học của thái tử.

Mùa đông, tháng 11, tướng thần ở biên giới phía bắc chạy trạm tâu báo người Nguyên đi tuần biên giới, xem xét địa thế.

Sai Lê Khắc Phục và Lê Túy Kim sang Nguyên.802

802 An Nam chí lược chép: "… sai đại phu Lê Khắc Phục, Lê Văn Túy đi cống". Nguyên sử chép: "… sai Lê Khắc Phục, Văn Túy vào cống". Lê Túy Kim chắc là Lê Văn Túy.

Nguyên sử q.209 cũng chép việc Đồng Tử Dã và Lê Văn Ân vào cống năm Chí Nguyên thứ 11 (1274). Như vậy Đồng Tử Dã là tên người và được chép đúng. Ở đây, Toàn thư đã chép lẫn lộn tên hai người. Phải sửa cho đúng là: "Sai Đồng Tử Dã và Đỗ Mộc sang Nguyên".

Bính Tý, (Bảo Phù) năm thứ 4 (1276), (Tống Đức Hựu năm thứ 2, từ tháng 5 về sau là Tống Đoan Tông Cảnh Viêm năm thứ 1, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 13). Mùa xuân, tháng 2, sai Đào Thế Quang sang Long châu mượn cớ đi mua thuốc để thăm dò tình hình người nguyên.

Tháng 3, mặt trời có chấm đen to bằng quả trứng gà, lay động hồi lâu. Có hai ngôi sao đấu nhau ở giữa trời, một ngôi sa xuống.

Mùa hạ, tháng 4, Nguyên Thế Tổ đánh Giang Nam, sai Hợp Tán Nhi Hải Nha 803 sang dụ 6 việc như điều dân, giúp quân… Vua đều không nghe.

803 Tức Kha-xa Kha-y-a (Qasar Qaya), tên này được Hốt Tất Liệt cử làm Đạt lỗ hoa xích ở Đại Việt từ tháng 3 năm 1275. Toàn thư chép lầm một năm. Yêu sách sáu điểm của Hốt Tất Liệt là: quân trưởng phải vào chầu, con em phải làm con tin, kê sổ hộ khẩu, thu nộp thuế má, điều động quân giúp việc binh, đặt chức Đạt lỗ hoa xích để thống trị (Theo an Nam chí lược quyển 2, Đại Nguyên chiếu chế).

Mùa thu, tháng 9, ngày 17, hoàng trưởng tôn Thuyên sinh, lập làm hoàng thái tôn, ít lâu sau lập làm Đông cung hoàng thái tử.

Đinh Sửu, (Bảo Phù) năm thứ 5 (1277), (Tống Cảnh Viêm năm thứ 2, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 14). Mùa xuân, tháng 2, vua thân chinh đánh người Man, Lạo ở động Nẫm Bà La804, bắt sống bộ đảng hơn 1.000 người giải về.

804 CMCB7 chú là động Man ở phủ lộ Bố Chính, tức vùng Quảng Bình ngày nay.

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, Thượng hoàng băng ở cung Vạn Thọ

Trước đó, Thượng hoàng đến ngự đường, bỗng thấy con rết bò trên áo ngự. Thượng hoàng sợ, lấy tay phủi nó rơi đánh "keng" xuống đất, nhìn xem thì hóa ra cái đinh sắt, đoán là điềm năm Đinh.

Lại có lần đùa sai Minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nghiệm quan nghiệm xem điềm lành hay điềm dữ. Hôm sau Mặc lão tâu: "Thấy một chiếc hòm vuông bốn mặt đều có [35b] chữ "nguyệt", trên hòm có một cái kim, một chiếc lược".

Thượng hoàng lại đoán: "Hòm tức là quan tài, chữ 'nguyệt' (tháng) ở bốn bên tức là tháng 4, cái kim có thể cắm vào vật gì, tức là nhập vào quan tài, chữ 'sơ' là chiếc lược, đồng âm với 'sơ' là xa tức là sẽ xa rời các ngươi".

Lại lúc ấy đương có trò múa rối, thường có câu: "Mau đến ngày mồng 1 thay phiên". Thượng hoàng lại đoán: "Thế là ngày mồng 1 ta chết".

Năm trước, có một hôm thượng hoàng chợt bảo tả hữu: "Tháng 4 sang năm ta tất chết". Đến nay quả như vậy.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Điềm lành hay tai họa, chỉ có người thành tâm mới biết trước được. Vì thế, Đại truyện trong kinh dịch có nói: "Hình dung sự vật thì biết được vật thực, chiêm đoán sự vật thì mới biết được tương lai". Nhưng tất là phải sau khi đã suy xét trong lòng, nghiền ngẫm trong óc. Thái Tông biết được việc tương lai là chiêm đoán sự vật đấy. Nhưng nếu không phải là người lý sáng, lòng thành, mà cứ thấy việc là phỏng đoán mò để rồi khẳng định, thì chưa bao giờ không chuốc lấy tai họa về sau. [36a] Đó là chỗ khác nhau giữa cái học sấm ký thuật số với cái học thánh hiền chăng?

Tháng 5, nước to. Đất nứt sâu bảy trượng (chưa rõ chỗ nào), súc vật, tôm cá chết nhiều.

Mùa đông, tháng 10 ngày mồng 4, táng (thượng hoàng) ở Chiêu Lăng, miếu hiệu là Thái Tông, tên thụy là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Mậu Đức Hiền Hòa Hựu Thuận Thần Văn Thánh Võ Nguyên Hiếu Hoàng đế.

Sử thần ngô sĩ liên nói: Dụ Tông có thơ ca ngợi Thái Tông:

Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông

Bỉ xưng Trinh Quán ngã Nguyên Phong.

Kiến Thành tru tử Yên Sinh tại,

Miếu hiệu tuy đồng đước bất đồng.

(Sáng nghiệp Việt Đường hai Thái Tông

Kia xưng Trinh Quán, ta Nguyên Phong

Kiến Thành805 bị giết, Yên Sinh806 sống,

Miếu hiệu như nhau, đức chẳng đồng.)

805 Thái Tông nhà Đường tên là Lý Thế Dân, sau khi cha là Lý Cao Tổ chết, Thế Dân đem quân phục ở cửa Huyền Vũ, giết hai người anh là Kiến Thành và Nguyên Cát để đoạt ngôi vua.

806 Yên Sinh: là thực thấp của Trần Liễu, sau khi Liễu nổi loạn chống lại Trần Thái Tông. Khi Trần Liễu chết, được truy phong tước vương, nhân đất phong mà gọi là Yên Sinh Vương.

Đức của Thái Tông sở dĩ được thế, tuy tấm lòng hiếu đễ bắt nguồn từ tính trời, nhưng cũng do Linh Từ quốc mẫu điều đình hòa giải. Việc cướp vợ của anh cũng do Linh Từ và Thủ Độ. Thế là Thái Tông mắc vào tội lỗi là do người dẫn lối, mà ẩn nhẫn để trọn nghĩa anh em cũng lại là do người dẫn lối. Đó là vì tuy có tư chất tốt đẹp trời phú cho, nhưng chưa có học thức. Đến khi tuổi cao, lý lẽ sáng tỏ, đạo đức tăng tiến, thì phải chăng điều đó có được là từ thánh học807?

807 Chỉ Khổng giáo hay Nho giáo.

Hôm thượng hoàng băng, công chúa Thiều Dương (con gái thứ của Thượng hoàng tên là Thúy) đương ở cữ, bỗng nghe tiếng chuông liên hồi, mới hỏi: "Có thể nào không phải là tin dữ chăng?"

Những người hầu bên cạnh nói dối, nhưng công chúa không nghe, cứ thương khóc, kêu gào, mắt nhắm nghiền rồi mất.

Trước đó, Thương hoàng không khỏe. Lúc ấy công chú đã lấy thượng vị Văn Hưng hầu (khuyết danh), công chúa nhiều lần sai người đến thăm hỏi, nhưng người hầu cạnh đều trả lời là Thượng hoàng đã bình phục, không việc gì. Đến khi nghe tiếng chuông, thương khóc kêu gào mãi rồi mất. Người trong nước ai cũng thương.

Bấy giờ Uy Văn Vương [37a] Toại lấy con gái của Thượng Hhàng là công chúa Thụy Bảo. Toại ham học, hay thơ, có câu:

Pha lạp ngũ hồ vinh bội ấn, Tang ma tế dã thắng phong hầu. (Tơi nón năm bồ hơn giữ ấn, Dâu giai nội vượt phong hầu). (Toại) tự hiệu là Sầm Lâu, có Sầm Lâu tập lưu hành ở đời.

Vua từng hỏi ông nghĩa chữ "Quan gia". Ông đáp:

"Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia) nên gọi là quan gia".

Vua khen ông kiến thức rộng. Không may chết sớm (24 tuổi), người trong nước ai cũng thương tiếc.

Mậu Dần, (Bảo Phù) năm thứ 6 (1278), (Tống Cảnh Viêm năm thứ 3, từ tháng 5 về sau là Đế Bính Tường Hưng năm thứ 1, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 15). Mùa xuân, tháng 2, dân chết nhiều vì bệnh đậu mùa.

Hồi đó, nhà dân ở kinh thành thường bị cháy về ban đêm. Vua ra ngoại thành xem chữa cháy, Nội thư gia Đoàn Khung đi theo. Vua sai điểm xem người nào đến chữa cháy và kiểm xem ai đến trước. Khung ấn đầu từng người một bảo ngồi xuống để đếm, đếm xong tâu rõ người nào đến trước, người nào đến sau.

Vua hỏi: "Tại sao mà biết?"

Khung trả lời: "Thần ấn đầu người nào mà thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám [37b] vào thì đó là những người đến trước và cố sức chữa, người nào đầu tóc không có mồ hôi mà tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa, vì thế mà biết".

Vua cho là giỏi, có ý cất nhắc để dùng.

(Thời Anh Tông, Khung làm kiểm pháp quan, khi xét án, hễ Anh Tông hỏi về điển lệ cũ, Khung đều dẫn được án cũ làm chứng, có khi dẫn nhiều đến năm, sáu án. Anh Tông khen Khung thông minh nhớ lâu).

Phong con thứ là Đức Việp làm Tá Thiên Đại Vương.

Tháng 3, phu nhân Lê Phụ Trần là công chúa Chiêu Thánh Lý thị mất

Công chúa lấy Phụ Trần hơn hai mươi năm, sinh con trai là thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Đến nay sáu mươi mốt tuổi thì mất.

Mùa hạ, lúa mất mùa.

Tháng 6, có ngôi sao lớn sa về phương nam rơi xuống biển, hơn ngàn ngôi sao nhỏ rơi theo, tiếng khêu như sấm đến vài khắc mới hết.

Mùa thu, tháng 8, động đất ba lần, nhiều súc vật chết.

Mùa đông, tháng 10, ngày 22, vua nhường ngôi cho hoàng thái tử Khâm.

[38a] Khâm lên ngôi Hoàng đế, xưng là Hiếu Hoàng, tôn Thượng hoàng là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế, tôn Thiên Cảm hoàng hậu làm Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Pháp Thiên Ngực Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân Hoàng Đế.

Vua Nguyên nghe tin Thái Tông băng, có ý mưa tính nước ta, sai Lễ bộ thượng thư Sài Xuân808 (tức Sài Trang Hương) sang ta.

808 Nguyên sử chép là Sài Thung, hai chữ Thung và Xuân gần giống như nhau nên dễ lẫn. Trước đây, các sứ bộ của Đại Việt và Mông Cổ đều đi qua đường Côn Minh (Vân Nam). Lần này, bọn Sài Thung đi thằng từ Giang Lăng (Hồ Bắc), qua Ung Châu (Quảng Tây) để vào nước ta, nên Toàn thư mới nói là đi theo đường Hồ Quảng về nước.

Bấy giờ sứ nước ta là Lê Khắc Phục đang trở về, gặp quân Nguyên đánh nước Tống, liền theo đường Hồ Quảng mà về nước, Xuân cùng đi với Khắc Phục sang ta (Nhà Nguyên) lấy cớ vua không xin mệnh mà tự lập, dụ bảo phải sang chầu. Vua không nghe, sai Trịnh Đình Toản, Đỗ Quốc Kế sang Nguyên. Nguyên giữa Đình Toản không cho về809.

809 Nguyên sử chép là Trịnh Quốc Toản.

NHÂN TÔNG HOÀNG ĐẾ

Tên húy là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8, tháng 11, ngày 11; được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung810 đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên [38b] đồng tử.

810 Thượng hoàng Thái Tông và vua Thánh Tông.

Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn.

Ở ngôi mười bốn năm, nhường ngôi năm năm, xuất gia tám năm, thọ năm mươi mốt tuổi, băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng. Vua nhân từ hòa nhã, cố

kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi kinh phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân.

Kỷ Mão, (Thiệu Bảo) năm thứ 1 (1279), (Tống Tường Hưng năm thứ 2, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 16). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, đổi niên hiệu, đại xá.

Chiêm Thành sai Chế Năng, Tra Diệp sang cống. Bọn Chế Năng xin ở lại làm nội thần, vua không nhận.

Lập bà phi Trần thị làm hoàng hậu.

Người Nguyên đánh úp quân Tống Nhai Sơn811. Quân Tống thua, Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua bảy ngày có đến hơn mười vạn xác chết nổi lên mặt biển. Xác vua Tống cũng ở trong số đó. Thế là ứng điềm sao sa xuống biển. Năm ấy nhà Tống mất.

811 Nhai Sơn: ở phía nam huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

[39a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Trong khoảng trời đất, chỉ có hai khí âm dương mà thôi. Người làm vua đạt đến mức trung hòa thì trời đất định vị, vạn vật sinh sôi, và hai khí cũng được điều hòa. Nếu khí âm thịnh mà phạm bừa vào khí dương, thì trời đất tất xuất hiện tai biến để tỏ cho người làm vua biết. Cho nên tai biến xuất hiện trước rồi sau đó sẽ có chứng nghiệm ngay. Lúc bấy giờ nào nhật thực, nào mặt trời lay động, nào đất nứt, nào mưa đá, sao sa, đều là khí âm thịnh hơn khí dương cả. Nếu không phải là triệu chứng tôi con mưu hại vua cha thì cũng là điềm di địch xâm lấn Trung Quốc. Phàm người làm vua thận trọng trước sự răn bảo của trời, lo lắng làm hết phận sự của người thì đó là đạo vãn hồi tai biến của trời vậy. Nhà Tống đã không vãn hồi được tai biến của trời, mà nước Việt ta rồi cũng bị giặc Hồ812 xâm lấn. May mà vua tôi cùng lo, quân dân chung sức, cuối cùng diệt trừ được giặc Bắc và hoàn thành võ công đại định. Vì thế mới nói: Thận trọng trước sự răn bảo của trời, làm hết phận sự của người là cái đạo vãn hồi tai biến của trời vậy.

812 Chỉ quân xâm lược Nguyên Mông ba lần sang đánh nước Đại Việt vào các năm 1258, 1285, 1288 và đều bị thất bại.

[39b] Mùa đông, tháng 10, lấy ngày sinh làm tiết Thọ Thiên.

Canh Thìn, (Thiệu Bảo) năm thứ 2 (1280), (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 17). Mùa xuân, tháng giêng, ban thước gỗ, thước lụa cùng một kiểu.

Tháng 2, xét duyệt sổ đinh và các sắc dịch trong nước.

Mùa đông, tháng 10, được mùa to. Lúa ruộng ở Trà Kiều thuộc Khoái Lộ một giò hai bông.

Em Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Thư kiện nhau với người, tình lý đều trái. Người kia đón xa giá để kêu bày. Vua hỏi quan xử kiện. (Viên quan đó) trả lời:

"Án xử đã xong, nhưng hình như quan thoái thác không chịu chuẩn định đó thôi". Vua nói:

"Đó là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy".

Lập tức, đang trên đường đi, sai Chánh crưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao kiêm chức kiểm pháp quan để chuẩn định, thì Thiên Thư quả thực là trái, Quan áo xanh (tức là hoạn quan) được làm việc kiểm pháp bắt đầu từ Hùng Thao.

Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Người kiện có điều oan uổng mà được dễ dàng kêu bày, hình quan để chậm [40a] án, không thấy có lời trách hỏi, hoạn quan nội thần lạm cử làm pháp quan, vua làm việc này có có ba lầm lỗi kèm theo, nhưng như vậy thì dân tình được thấu lên trên. Việc cai trị kẻ dưới thà sai để khoan thứ để cho án kiện đọng lại được xử ngay, cũng thấy được lòng trung hậu của vua.

Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang làm phản.

Vua sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật đi dụ hàng. Bấy giờ, Nhật Duật coi đạo Đà Giang, ngầm đem quân thuộc hạ đến.

Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh, bày tỏ lòng thành: "Mật không giám trái mệnh. Nếu ân chúa một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng".

Nhật Duật nhận lời, chỉ đem năm, sáu tiểu đồng cùng đi. Quân sĩ ngăn lại, Nhật Duật nói:

"Nếu nó giáo giở với ta thì triều đình còn có vương khác đến".

Khi tới trại, người Man dàn vây mấy chục lớp và đều cầm đao thương chĩa vào phía trong. Nhật Duật đi thẳng vào, trèo lên trại. Mật mời ông ngồi. Nhật Duật thạo biết [40b] tiếng nói và am hiểu phong tục của nhiều nước, cùng ăn bốc, uống bằng mũi với Mật. Người Man thích lắm. Khi Nhật Duật trở về, Mật đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng. Mọi người đều vui lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang. Đến khi về kinh sư, (Nhật Duật) đem Mật và vợ con hắn vào chầu, vua rất khen ngợi ông. Sau đó, vua cho Mật về nhà, giữ con hắn ở lại kinh đô. Nhật Duật mến nuôi hết lòng, xin triều đình ban tước thượng phẩm và cho vào trông ao cá, sau cũng cũng cho về nhà.

Tân Tỵ, (Thiệu Bảo) năm thứ 3 (1281), Nguyên Chí Nguyên năm thứ 18). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 29 hoàng tử Quốc Chẩn sinh.

Sai chú họ là Trần Di Ái (tức Trần Ải) và Lê Mục, Lê Tuân sang Nguyên.

Nhà Nguyên lập Di Ái làm Lão hầu, cho Mục làm Hàn lâm học sĩ, Tuân làm Thượng thư813, lại sai Sài Xuân đem 1000 quân814 hộ tống về nước. Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh [41a].

813 An Nam chí lược và Nguyên sử chép là: … phong Di Ái làm An Nam Quốc Vương, Lê Mục làm Hàn lâm học sĩ, Lê Tuân làm Thượng thư…

814 Bản dịch cũ (tập II, 1967. tr.47) in nhầm là 5.000 quân.

Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải.

Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Xuân cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Xuân ra cửa tiễn ông.

Lập nhà học ở phủ Thiên Trường, cấm người hương Thiên Thuộc không được vào học. (Lệ cũ nhà Trần, quân sĩ Thiên Thuộc không được học tập văn chương nghệ thuật vì sợ khí lực kém đi).

[41b] Nhâm Ngọ, (Thiệu Bảo) năm thứ 4 (1282), (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 19). Mùa xuân, tháng 2, Chiêm Thành sai bọn bọn Bố Bà Ma Các một trăm người sang dâng voi trắng.

Mùa hạ, tháng 4, bọn Trần Di Ái đi sứ về nước.

Tháng 6, trị tội bọn phán thủ Trần Ải815. Ải phải đồ làm khao giáp binh Thiên Trường, Lê Tuân phải đồ làm Tống binh816.

815 Từc Trần Di Ái.

816 Có lẽ lả đạo quân Tống lưu vong do nhà Trần thu nạp.

Mùa thu, tháng 8, thú thần Lạng Châu817, là Lương Uất chạy trạm tâu báo rằng, Hữu thừa tướng Nguyên là Toa Đô đem 50 vạn quân, nói phao là mượn đường đi đánh Chiêm Thành, nhưng thực ra là sang xâm lược nước ta818.

817 Tức Lạng Sơn.

818 Toa Đô: tên Mông Cổ là Xôghetu (Sôgatu). Thực ra Toa Đô mang 5.000 quân đi đường thủy từ Quảng Châu đánh Chiêm Thành từ tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1282), còn kẻ chỉ huy 50 vạn quân Nguyên xâm lược Đại Việt là Thoát Hoan và Lý Hải Nha.

Bấy giờ có cá sấu đến sông Lô819. Vua sai Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Vua cho việc này giống như việc của Hàn Dũ820, bèn ban gọi là Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc ngũ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy.

819 Tức sông Hồng.

820 Hán Dũ: tên tự là Thối Chi, người Nam Dương, Trịnh Châu đời Đường, có tài văn thơ. Tương truyền rằng: Khi làm quan ở Triệu Châu, thấy nơi đó có nhiều cá sấu, Hàn Dũ làm bài văn tế cá sấu ném xuống nước, cá sấu liền bỏ đi hết.

Mùa đông, tháng 10, vua ngự ra Bình Than821 đóng ở vũng Trần Xá822 họp vương hầu và trăm quan, bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ [42a] những nơi hiểm yếu.

821 Đoạn sông Lục Đầu chảy qua huyện Chí Linh tỉnh Hải Hưng ngày nay.

822 Vũng Trần Xá: (Trần Xá loan), có lẽ là chổ hợp lưu hai con sông Thái Bình và Kinh Thầy. Chỗ này về sau vẫn còn xã Trần Xá.

Lấy Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân.

Lần trước, quân Nguyên vào cướp, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam823. Sau đó, đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân. Chức Phiêu Kỵ tướng quân nếu không phải là hoàng tử thì không được phong. Vì Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam cho nên mới có lệnh đó. Rồi từ trật hầu thăng mãi đến tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ. Sau Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thụy.

823 Thiên tử nghĩa nam: con nuôi của vua.

Bấy giờ Hưng Vũ Vương Nghiễn vì là con trai Quốc Tuấn, được lấy công chúa Thiên Thụy, lại công đánh giặc. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lai dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, quân tịch thu tài sản không để lại cho một chút gì. Châu Chí Linh vốn là của riêng của Thượng tướng Trần Phó Duyệt, nên Khánh Dư mới giữ lại được. Khánh Dư lui về ở [42b] Chí Linh, cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than.

Lúc đó, thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh, có chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần:

"Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao?"

Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi:

"Ông lái ơi, có lệnh vua triệu".

Khánh Dư trả lời: "Lão là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu".

Quân hiệu trở về tâu thực như thế. Vua bảo:

"Đúng là Nhân Huệ đấy, ta biết người thường tất không dám nói thế".

Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá (đến gặp vua). Vua nói:

"Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi", bèn xuống chiếu tha tội cho ông.

Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, cho ngồi các hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua.

Đến đây, tháng 10, lại cho Khánh Dư làm Phó tướng quân. Nhưng rốt cuộc Khánh Dư cũng không sửa đổi được những lỗi lầm cũ.